Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Đinh Bộ Lĩnh: HUYỀN THOẠI VÀ LỊCH SỬ

Đinh Bộ Lĩnh: HUYỀN THOẠI VÀ LỊCH SỬ
Trần Trọng Dương

Đại Việt sử ký toàn thư trước nay vẫn được coi là bộ chính sử quan trọng nhất đối với các nhà sử học, văn hóa học,… Tính chính sử của nó được coi như cái mác bảo hành cho những gì được ghi chép bên trong. Song do tình trạng thiếu khuyết tư liệu trầm trọng, mà văn bản này đã sưu tập không ít những huyền thoại, thần tích trong dân gian. Điều đó có thể hiểu được trong bối cảnh “văn- sử- triết bất phân”, là nơi chủ thể văn hóa không quan tâm, hoặc không thể phân biệt được ranh giới giữa các lĩnh vực khoa học. Song điều nguy hiểm là ở chỗ, trong suốt thế kỷ XX và cho đến tận ngày nay, tư duy huyền thoại ngày càng lấn át tư duy sử học trong đời sống người Việt. Chúng ta đánh đồng huyền thoại và lịch sử. Ở một số trường hợp cụ thể, chúng ta “làm sử” chỉ là kéo dài cách nghĩ của từ vài trăm năm trước. Nói cách khác đó là lối làm sử “hậu phong kiến”.
Một ví dụ tiêu biểu cho việc đan xen giữa huyền thoại và lịch sử là chi tiết về cuộc đời ấu thơ của Đinh Bộ Lĩnh. Đại Việt sử ký toàn thư ghi như sau: “Xưa, cha của vua là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ giao giữ chức quyền Thứ sử châu Hoan, sau theo về với Ngô Vương, vẫn được giữ chức cũ, rồi mất. Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: "Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn". Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương” .
`Đoạn trích trên lâu nay vẫn được coi như là một sử liệu nguyên khối và khả tín. Chưa thấy một nhà nghiên cứu nào tiến hành giám định sử liệu, hay cao hơn phê phán sử liệu cho trường hợp này. Trong thế kỷ XX, hình tượng chú bé mồ côi, chăn trâu không chỉ dừng lại ở sách sử mà nó đã được chuyển hóa vào đời sống của người Việt hiện đại. Người ta tiếp tục bồi đắp để xây dựng thành một huyền thoại “cờ lau dựng nước”. Những tác phẩm nghệ thuật xuất hiện trong nhiều năm qua khai thác chủ để này là những minh chứng cụ thể. Phải kể đến hai bức tranh dân gian Đông Hồ: một bức là hoạt cảnh Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu có hai trẻ cầm cờ lau hộ giá, một bức là cảnh Đinh Bộ Lĩnh được rồng che chở khi bị khi bị ông chú Đinh Dự truy sát. Chúng ta còn biết đến cuốn tiểu thuyết lịch sử “Cờ lau dựng nước” (2001) của nhà văn Ngô Văn Phú , “Hoàng Đế cờ lau” (2010) của Nguyễn Khắc Triệu , truyện tranh cho thiếu nhi “Đinh Bộ Lĩnh” (2000) trong bộ tranh truyện lịch sử Việt Nam , truyện lịch sử “Vạn Thắng Vương (Đinh Bộ Lĩnh)” (2000) của Lữ Giang , truyện tranh “Cờ lau tập trận” (1999) trong bộ “Truyện xưa đất Việt” (24 tập) của Tạ Chí Đông Hải . Ngoài ra còn phải kể đến bài hát “Cờ lau tập trận” của Khánh Vinh, sử nhạc Đinh Bộ Lĩnh của một tác giả vô danh (youtube), và còn nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc, phim truyện, phim tài liệu, phim lịch sử khác không thể kể hết ra ở đây. Lỗi không phải là ở những người làm nghệ thuật mà là ở những người làm khoa học khi họ không tiến hành định hướng xã hội.

Tượng đài cờ lau Đinh Bộ Lĩnh ở TP Hồ Chí Minh, ảnh: Vân Du.
Để giám định tính khả tín của đoạn trên, chúng ta ít nhất phải có những sử liệu độc lập soi chiếu. Chúng tôi muốn nhắc đến đoạn sau đây trong sách Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đảo (1115- 1184) ghi: “Trước, Dương Đình Nghệ làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, sai Nha tướng Đinh Công Trứ nhiếp Hoan châu Thứ sử. Công Trứ chết, con Bộ Lĩnh nối chức ấy. Khi đó, Bộ Lĩnh cùng con là Liễn cùng thống soái ba vạn người đánh phá bọn Xử Bình, đất ấy mới yên, bèn tự lập làm Vạn Thắng Vương, lấy Liễn làm Tĩnh Hải tiết độ sứ” .
Sách Văn hiến Thông khảo của sử gia Mã Đoan Lâm (1254 - 1324) đời Tống ghi: “Trước, Dương Đình Nghệ lấy Nha tướng Đinh Công Trứ giữ chức Hoan châu Thứ sử, và Ngự phiên Đô đốc. Bộ Lĩnh con của Công Trứ vậy. Khi Công Trứ chết, Bộ Lĩnh nối các chức ấy. Đến đây, Bộ Lĩnh cùng con là Liễn đem binh đánh bại bọn Xử Bình, tặc đảng tan vỡ, cảnh nội đều yên, dân ơn đức ấy bèn suy Bộ Lĩnh làm Giao Châu soái, hiệu là Đại Thắng Vương).”
Sách An Nam chí lược của Lê Trắc ghi: “Cuối đời Ngũ Đại, Đình Nghệ đi trấn Giao Châu, lấy Công Trứ quyền Thứ sử Hoan Châu. Trước đây, Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn, cha con Bộ Lĩnh về với Ngô Quyền, Quyền nhân khiến Công Trứ về nhiệm chức cũ. Khi Công Trứ mất, Bộ Lĩnh kế tập chức cha” .
Điều đáng chú ý là thời gian định bản của các sử liệu trên xuất hiện trước Đại Việt sử ký toàn thư từ 2 đến 5 thế kỷ . Nguyễn Danh Phiệt trong “Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước” đã chứng minh rằng không hề có chuyện Đinh Bộ Lĩnh mồ côi cha từ bé. Theo cách tính của Nguyễn Danh Phiệt, Đinh Công Trứ mất khi Đinh Bộ Lĩnh quãng từ 15 đến 20 tuổi . Vậy, việc “nối cha giữ chức Thứ sử Hoan Châu và Ngự phiên Đô đốc” có thể sẽ xảy ra vào quãng năm 940 đến 944. Keith Weller Taylor cũng dựa vào sử liệu nhà Tống mà đoán định rằng Đinh Bộ Lĩnh giữ chức Thứ sử Hoan- Ái vào thời Bình Vương Dương Tam Kha ở ngôi . Trong khi Nguyễn Danh Phiệt phủ nhận việc Đinh Bộ Lĩnh nối chức cha bằng các truyền thuyết và sử liệu dân gian, thì chúng tôi cho rằng, quãng tuổi từ 15- 20 là quãng tuổi hoàn toàn có thể nhậm chức trong thời xưa theo phép tập ấm.
Những thông tin này rất quan trọng. Từ đây, có thể nhận định rằng: (1) Đinh Bộ Lĩnh không phải trẻ mồ côi, mà chỉ mất cha quãng thời thanh niên. (2) Đinh Bộ Lĩnh là con của danh gia vọng tộc, con của quan chức cao cấp nhà Ngô. (3) Khi cha mất, ông có khả năng được tập ấm các chức Thứ sử Hoan châu, Ngự phiên Đô đốc. Như nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã lý giải rằng, Đinh Bộ Lĩnh đã bị mất chức mà phải trở về nguyên quán là động Hoa Lư có lẽ vì liên quan đến thế lực Dương Tam Kha. Trở về Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh hẳn đã vấp phải những mâu thuẫn quyền lực trong nội bộ gia tộc mà câu chuyện hai chú cháu Đinh Dự - Đinh Bộ Lĩnh đánh lẫn nhau là một kiểu trầm tích lịch sử được hóa thạch trong truyền thuyết như Toàn thư đã ghi. Từ cái lõi lịch sử này, dân gian nhiều đời đã xây dựng nhiều huyền thoại khác nhau. Đại Việt sử ký tiền biên còn sưu tầm một huyền thoại ngộ nghĩnh hơn, rằng Đinh Dự muốn giết cháu bởi vì Đinh Bộ Lĩnh đã dám giết lợn nhà để khao đám trẻ chăn trâu . Đến đây, nhìn lại những ghi chép trong Toàn thư, ta sẽ thấy các chuyện “mồ côi cha từ bé”, “cùng bọn trẻ chăn trâu ngoài đồng”, “cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử”, “hai con rồng vàng hộ vệ vua”… đều là những chuyện sáng tác của đời sau, ít nhất là vào thế kỷ XV- thời Lê sơ sau thời của Đinh Bộ Lĩnh quãng 500 năm.

Box: “Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh được biết tới tài năng quân sự khi còn nhỏ tuổi đã bày trò cỡi trâu đánh trận. Tranh vẽ theo lối Fantasy Art với ý tưởng đưa hình ảnh cỡi trâu và cờ lau gắn bó với Đinh Bộ Lĩnh. Tranh cũng muốn đưa ý niệm thần thánh hóa những anh hùng lịch sử Việt Nam, không chịu thua kém Trung Hoa”. (http://yume.vn post: 23/12/2012 11:13 )
Huyền thoại là những câu chuyện kể huyền hoặc hoang đường, là một thể loại của văn học dân gian, tức nó là một sản phẩm “hư cấu”. Trái lại lịch sử là một sản phẩm “thực cấu” của quá trình thu thập thông tin, nhận thức, xử lý thông tin và tư duy sử học. Cái LỊCH SỬ TUYỆT ĐỐI là toàn bộ tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ, là cái đích mà nhà sử học muốn hướng đến. Nó là cái đích không tưởng, vì sẽ không bao giờ có thể tri nhận nó một cách tuyệt đối- toàn diện, mà chỉ có thể tiệm cận đến nó một phần nào đó. Tuyệt vọng trước cái bất khả toàn tri ấy, dân gian đã phải sáng tác ra các huyền thoại để lấp đầy những nhu cầu về sự hiểu biết. Tham vọng trước cái bất khả toàn tri ấy, nhà sử học buộc phải tiến hành các thao tác tư duy trên những mảnh vụn chắp vá của sử liệu. Nhưng trớ trêu thay, có những lịch sử đã trở thành huyền thoại, và cũng có những huyền thoại chưa bao giờ là lịch sử!


Box: Tranh trên ghi lại một huyền thoại giải thích về sự mồ côi cha của Đinh Bộ Lĩnh. Rằng, Đinh Bộ Lĩnh là con trai của rái cá. Điều đáng ngại là tranh này nằm trong tập 57 “Thuở thiếu thời hàn vi của Đinh Bộ Lĩnh” (tr.14) thuộc bộ sách “Muôn thuở nước non này” (200 tập, nhà xuất bản Giáo dục, 2008). Ta biết truyền thuyết này vốn được chép trong sách “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề .

Kinh Dương Vương- ông là ai?

Kinh Dương Vương- ông là ai?

Trần Trọng Dương

Đã đăng Tia sáng số 17- 05.9.2013, tr.37-39.

Như trong bài viết trước đây, chúng tôi đã chứng minh rằng Đại Việt sử ký toàn thư- bộ sử quan trọng nhất của Việt Nam đề cập đến những sự kiện từ khởi thủy cho đến thế kỷ XVII- là một tư liệu được biên soạn trên tư duy đa nguyên "văn- sử- triết" của thời Trung Đại. Trong đó, bộ sử này đã sưu tập nhiều huyền thoại dân gian của đời sau để bù đắp cho những khuyết thiếu của sử liệu. Trong bài này, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra những cứ liệu để làm rõ hơn vấn đề tai hại trên. Đối tượng được đề cập đến ở đây chính là Kinh Dương Vương- một nhân vật được coi là thủy tổ của Việt Nam- phải chăng chỉ là một ảo ảnh diễn hóa từ nhân vật Kinh Xuyên trong tiểu thuyết truyền kỳ của Trung Quốc?


Cổng đền thờ Kinh Dương Vương có bốn chữ Hán đắp nổi THỦY TỔ ĐÀI MÔN, ảnh: Thọ Bình, Bá Kiên, theo tienphong.vn
Kinh Dương Vương và tín ngưỡng thờ Kinh Dương Vương
Theo như cách trình bày ở Kỷ Hồng Bàng thị trong Toàn thư, Kinh Dương Vương tên là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông, vị vua khai sáng ra nước Xích Quỷ (quỷ đỏ). Vì thế Kinh Dương Vương này được Ngô Sĩ Liên coi như là là vị thủy tổ đầu tiên của người Việt và nước Việt. Chẳng những thế, Kinh Dương Vương còn lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long để sinh ra Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau lấy Âu Cơ- con gái của Đế Lai, sinh ra trăm con trai, 50 con lên rừng, 50 con xuống bể. Vị con trưởng được nối ngôi cha, phong là Hùng Vương. Sử gia Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV đã bình luận đoạn này như sau: "Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?" . Kể từ sau Ngô Sĩ Liên, phần lớn các bộ lịch sử Việt Nam đều công nhận Kinh Dương vương là thủy tổ của nước Việt. Ví dụ như sách Thiên Nam minh giám (thế kỷ XVII) mở đầu như sau:
"1- Tượng mảng xưa sách trời đã định,
Phân cõi bờ xuống thánh sửa sang,
Nước Nam từ chúa Kinh Dương,
Tày nhường phải đạo mở mang phải thì.
5- Tới Lạc Long nối vì cửu ngũ,
Thói nhưng nhưng no đủ đều vui,
Âu Cơ gặp gỡ kết đôi,
Trổ sinh một bọc trăm trai khác thường.
Xưng Hùng Vương cha truyền con nối,
10- Mười tám đời một mối xa thư,
Cành vàng lá ngọc xởn xơ,
Nước xưng một hiệu năm dư hai nghìn."

Đến thế kỷ XVII, Kinh Dương Vương đã chính thức được văn hóa dân gian đưa vào thờ làm vị thủy tổ trong đền ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh (ngày nay). Năm 1840, đền cho dựng bia đá "Kinh Dương Vương lăng". Năm 1940, đời vua Bảo Đại, đền làm thêm hai đại tự "Nam Tổ miếu" và "Thần truyền thánh kế". Năm 2000, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã về thăm đền và để lại bút tích gợi ý tỉnh Bắc Ninh có đề xuất lên trung ương nâng cấp cơ sở thờ tự của tổ tiên. Năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã đến thăm đền và để lại những lời kỷ niệm sâu sắc về cội nguồn dân tộc . Năm 2012, các tác giả Trần Quốc Thịnh, Đỗ Văn Sơn, Biện Xuân Phẩm đã xuất bản cuốn sách “Nam Bang Thủy Tổ Kinh Dương Vương” - Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Sách tập hợp các tư liệu từ “Đại Việt Sử ký toàn thư”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Thủy Kinh chú”… từ các truyền thuyết, văn bia, thần phả, thần tích cũng như công trình nghiên cứu, tham luận của các học giả, nhà sử học. Ngày 25 tháng 2 năm 2013, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lễ hội kỷ niệm 4892 năm Đức thủy tổ khai sinh mở nước. Đến dự lễ khai hội có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số Bộ, ngành.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương. Ảnh: dangcongsan.vn -

Sau lễ dâng hương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dự lễ khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương. Theo quy hoạch đã được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt, dự án có tổng diện tích gần 40ha, gồm không gian bảo tồn di tích, không gian phát huy giá trị di tích, không gian quản lý và dịch vụ phụ trợ, với nguồn vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng . Như vậy, sau nhiều trăm năm tồn tại, tín ngưỡng thờ Kinh Dương Vương đến nay đã chính thức được sự đồng thuận của nhà nước.
Kinh Dương Vương- từ nhân vật của truyện truyền kỳ Trung Hoa
Tuy nhiên, như ngay ở đầu bài viết, chúng tôi có ý nghi vấn rằng, Kinh Dương Vương chưa chắc đã là một nhân vật lịch sử có thật, mà có thể đó chỉ là một sự nhầm lẫn của Ngô Sĩ Liên khi ông đã sưu tầm một câu chuyện văn học để mở đầu cho một công trình sử học của nước nhà. Chứng cớ nào đề chúng tôi có thể đi đến nghi ngờ như vậy?
Chứng cứ nằm ngay trong Toàn thư, sau khi viết về lai lịch, cuộc đời của Kinh Dương Vương, Ngô Sĩ Liên đã viết: “Xét Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi” . Nhưng chúng ta còn thấy chuyện này được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái (một tác phẩm văn học sưu tầm những chuyện quái dị ở Lĩnh Nam) của Trần Thế Pháp (thế kỷ XIV?) , rồi sau đó lại được sao chép nguyên vẹn vào trong thần tích của Mẫu Thoải tại Tuyên Quang .
Cần nhắc lại ở đây ghi chép về nguồn Đường kỷ của Ngô Sĩ Liên là một gợi ý hữu ích cho những người nghiên cứu sau này. Từ gợi ý đó, một số học giả đã tìm ra cả chục văn bản văn học Trung Quốc có chép câu chuyện này. Lần xa hơn nữa, các học giả đều thống nhất cho rằng, truyện Kinh Dương Vương có sự sao chép từ tiểu thuyết Liễu Nghị truyện (柳毅傳) do Lý Triều Uy sáng tác vào đời Đường . Truyện có thể tóm tắt như sau: Liễu Nghị là một nho sinh thi trượt, trên đường gặp một thiếu phụ chăn dê xinh đẹp nhưng dáng vẻ tiều tụy. Người phụ nữ ấy nói rằng mình là con gái của Long Vương ở hồ Động Đình, vốn lấy con trai thứ của Kinh Xuyên, nhưng bị bạc đãi, bắt đi chăn dê, nên muốn nhờ Liễu Nghị chuyển thư đến cho cha để báo tình cảnh của mình. Liễu Nghị đem thư xuống Long cung. Em trai Long Vương là Tiền Đường giận quá nên giết con trai của Kinh Xuyên, cứu cháu về, rồi định gả cho Liễu Nghị. Nghị từ chối, xin về, được Long vương ban cho nhiều vàng bạc châu báu. Sau Liễu Nghị lấy vợ, lần nào lấy xong vợ cũng chết. Con gái Long Vương thấy vậy bèn nhớ lại duyên cũ, muốn báo đáp bèn hóa làm người con gái xinh đẹp mà lấy Liễu Nghị làm chồng. Sau hai vợ chồng đều thành tiên .
“Liễu Nghị truyện” được coi là một truyện truyền kỳ sớm nhất của Trung Quốc. Từ cuối đời Đường, truyện được lưu hành rộng rãi trong dân gian. Đến thời Tống trở đi, truyện Liễu Nghị được Thượng Trọng Hiền chuyển thể sang kịch bản tạp kịch với tên “Động Đình hồ Liễu Nghị truyền thư” . Liễu Nghị đã trở thành một tích truyện rất được ưa thích trong văn hóa diễn xướng của người Trung Quốc. Hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng đã ra đời, như nhà Tống có Liễu Nghị đại thánh nhạc, nhà Kim có Liễu Nghị truyền thư của Gia Cùng Điệu, triều Nguyên có Liễu Nghị Động Đình long nữ (Nam hí), thời Minh Thanh có Quất bồ ký của Hứa Tự Xương, Long tiêu ký của Hoàng Thuyết, Long cao ký của Dương Ban, Thẩn trung lâu của Lý Ngư, Thừa long giai thoại của Hà Phủ .
Cho đến nay, Liễu Nghị truyền thư (còn có tên Thủy tinh cung, Liễu Nghị kỳ duyên) vẫn được người Trung Quốc coi như là một kịch mục kinh điển của hý kịch Trung Hoa. Từ năm 1952, vở kịch này đã nhiều lần được dàn dựng bởi các đạo diễn khác nhau, số lần trình diễn có lẽ là khá nhiều, hiện chưa thể thống kê hết được . Không những thế, tích truyện này đang có xu hướng được áp dụng sang các hoạt động văn hóa khác hiện nay ở Trung Quốc. Ví dụ, người ta lấy đề tài này làm tranh khắc ván, thư họa truyền thống (thủy mặc).

Ngày 17 tháng 7 năm 2004, Bưu cục Quốc gia Trung Quốc đã phát hành seri tem “Dân gian truyền thuyết- Liễu Nghị truyền thư”, gồm 4 con tem với 4 hoạt cảnh: “Long nữ gửi thư”, “Thư gửi Động Đình”, “Cốt nhục đoàn tụ”, và “Nghĩa trọng tình thâm” .
Và những nhận định của sử gia đời sau
Đến đây có thể nhận định về nguồn gốc của các mô típ, các nhân vật, cũng như địa danh trong truyện Kinh Dương Vương được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Ngô Sĩ Liên đã tình cờ đem một số chi tiết của truyện Liễu Nghị để ghép với các huyền thoại khác như Lạc Long Quân- Âu Cơ, và coi đó như là nguồn gốc khởi đầu cho sự xuất hiện của Hùng Vương- cái triều đại mà người Việt ngày nay coi như là lịch sử đích thực của mình. Nhưng, với một tác phẩm có ảnh hưởng lớn như vậy, các nhà Nho Việt Nam trong nhiều thế kỷ hẳn cũng phải biết đến. Bằng chứng là nhà thơ nổi tiếng Thái Thuận (Tiến sĩ 1475) cũng đã sáng tác bài thơ Liễu Nghị truyền thư. Nhưng đó là chuyện của văn học.
Còn với tư cách là những người viết sử, không ít sử gia thời Trung Đại đã phản đối cách lắp ghép của Ngô Sĩ Liên. Đầu tiên, phải kể đến những nhận định của Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử kí tiền biên. Ông viết: “Nay xét phần Ngoại kỉ chép: Năm Nhâm Tuất thì bắt đầu Giáp Tí là năm nào? Ghi chép tên húy Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân sao riêng lược bỏ Hùng Vương? Thời Ngũ Đế trở về trước thì chưa từng gọi là vương. Xích Quỷ là tên nào, mà lại để làm tên nước. Một loạt hoang đường càn rỡ đều là đáng bỏ đi. Cái lỗi ấy là tại kẻ hiếu sự thấy trong Liễu Nghị truyền thư. Trong truyện nói con gái vua Động Đình gả cho con thứ của Kinh Xuyên Vương, tưởng càn Kinh Xuyên là Kinh Dương. Đã có vợ chồng thì có cha con, vua tôi, nhân đó mà thêu dệt thành văn, cốt cho đủ số đời vua, nhà làm sử theo đó mà chọn dùng, và cho đó là sự thực. Phàm những chuyện lấy từ Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, cũng như Bắc sử lấy ở Kinh Nam Hoa và thiên Hồng Liệt đấy.”
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1856 - 1883) viết: “Vâng tra sử cũ, danh xưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân trong ‘Kỉ họ Hồng Bàng, vốn từ thời Thượng cổ, thuộc thuở hồng hoang, tác giả căn cứ vào cái không và làm ra có, sợ rằng không đủ độ tin cậy, lại phụ hội với Liễu Nghị truyện của nhà viết tiểu thuyết đời Đường, lấy đó làm chứng cứ” . Chuẩn tâu những lời của sử quan, vua Tự Đức đã nhận định đây là những “câu truyện đề cập đến ma trâu, thần rắn, hoang đường không có chuẩn tắc” và kiên quyết loại Kinh Dương và Lạc Long ra khỏi chính sử bằng cách đưa xuống phụ chú dưới niên kỷ Hùng Vương, để “cho hợp với cái nghĩa lấy nghi truyền nghi” .
Qua những trình bày ở trên, độc giả đã phần nào mường tượng ra con đường thu nhận biến đổi tích truyện từ truyện Liễu Nghị đến truyện Kinh Dương. Đây sẽ là những tư liệu thú vị để nghiên cứu về tiếp xúc văn học văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa. Đồng thời cũng là “mẫu sử liệu” thú vị cho giới nghiên cứu khám nghiệm và giám định. Đến đây, chúng tôi xin mượn lời của giáo sư Liam Christopher Kelley (Đại học Hawaii) để kết thúc bài viết này: trải qua nhiều thế kỷ, những truyền thống mà họ [các sử gia] sáng tạo đã trở thành cái tự nhiên thứ hai (second nature). Thực tế, trong nửa thế kỷ qua, dưới sự ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, những truyền thống được sáng tạo ấy (invented traditions) đã và đang trở thành những sử thực không thể thay đổi .