Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

DẪN LUẬN "Việt Nam thế kỷ X - những mảnh vỡ lịch sử"


Trần Trọng Dương, Việt Nam thế kỉ X: Những mảnh vỡ lịch sử, NXB. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 439 trang.

Cuốn sách này mang tên “Việt Nam thế kỷ X: những mảnh vỡ lịch sử”. Đây là tuyển tập một số bài nghiên cứu mà chúng tôi đã từng công bố trên một số tạp chí trước đây, cộng thêm một số phần viết bổ sung và các bài viết mới. Các bài này đều tập trung viết về lịch sử văn hóa Việt Nam thế kỷ X - một giai đoạn mang tính bản lề, một giai đoạn chuyển tiếp giữa các thời đại.

Bản thân cái tên của sách chỉ là một cách hình dung về lịch sử, mang tính cá nhân. Việc đặt hai chữ “Việt Nam” vào đây rõ ràng là một sự gượng ép vì Việt Nam hiện nay rất khác so với Việt Nam của một trăm năm trước, và lại càng khác so với một nghìn năm trước. Khác từ con người, thành phần dân cư, dân tộc, khác từ tư tưởng khí chất cho đến văn hóa, văn minh. Hơn nữa, cái vùng đất mà các sự kiện được đề cập đến mang cái tên Giao Châu hay Đại Cồ Việt khi ấy không hoàn toàn trùng khít với lãnh thổ Việt Nam hiện tại, mà chỉ là gói gọn trong phạm vi của các thổ hào địa phương từ Hoan Châu (Nghệ An) ra đến Giao Châu (khu vực trung tâm của đồng bằng sông Hồng) , dưới sự cai quản còn tương đối lỏng lẻo của những chính quyền đang trên đà hình thành và định hình. Song nếu đặt cái tên “Đại Cồ Việt” vào nhan đề cuốn sách thì cũng không ổn vì Đại Cồ Việt mới chỉ bắt đầu từ năm 968 đến giữa thế kỷ XI. Nhưng dẫu sao cùng đành tạm dùng cái tên “Việt Nam” hiện nay để người đọc dễ mường tượng về lịch sử của một vùng đất sau này trở thành trung tâm lớn của đất nước, nơi đã diễn ra rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, và đã trở thành một bộ phận hữu cơ mang tính cốt lõi góp phần làm nên Việt Nam hiện tại.

Cuốn sách không có tham vọng vẽ lại những xu hướng chính trị liền mạch, hay diện mạo tổng quát về dân cư, dòng họ, tộc người, văn hóa, văn học, kiến trúc, điêu khắc, lễ nghi, tôn giáo, tín ngưỡng, chế độ sở hữu ruộng đất, nghệ thuật quân sự, … mà chỉ là những nét cắt ngang bất chợt, những nhận thức mang tính điểm xuyết, về những sự kiện có tính vấn đề, có thể khác lạ và mới so với các nghiên cứu trước đây. Còn đúng hay không thì lại tùy thuộc vào sự đánh giá của độc giả. Vì thế, tác giả chỉ tự nhận rằng, mình đang làm một công việc nhặt nhạnh sử liệu, giám định ở từng chi tiết, để tái lập những mảnh vỡ khác nhau của những sự kiện mang tính đại tự sự trong lịch sử cũng như quá trình chép sử - một yếu tố quan trọng kiến tạo nên các tri thức lịch sử. Thiết nghĩ, cuốn sách này dẫu sao cũng là một thử nghiệm về lối viết, nên ở đây chúng tôi sẽ giới thuyết về một số khái niệm, cũng thư thao tác làm việc để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn công việc của chúng tôi.

Về mặt sử liệu, các bài viết đã cố gắng ở mức cao nhất trong hoạt động hệ thống hóa các tư liệu chữ viết nguyên cấp, đặc biệt là các bộ chính sử Hán văn ở Việt Nam cũng như Trung Quốc. Các sử phẩm được trích dẫn thường có kèm nguyên văn chữ Hán, niên đại biên soạn, và niên đại xuất bản (xem tài liệu tham khảo). Trong khi các sử liệu ở Việt Nam viết về giai đoạn thế kỷ X (hiện còn như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư) chủ yếu được định bản từ thế kỷ XIV- XV-XVII về sau, thì các sử liệu Trung Hoa như Tống hội yếu, Tống sử,… được biên soạn trong quãng thế kỷ X-XI-XII-XIII. Các sử liệu Trung Hoa cung cấp cho chúng ta nhiều nhân vật mới, sự kiện mới về giai đoạn này, đặc biệt là về Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, hay địa danh châu Đường Lâm cổ vào thế kỷ VII-VIII-IX-X.

Tuy nhiên, sử liệu Trung Hoa có điểm bất cập ở chỗ, đó là sử liệu do người nước ngoài viết về Việt Nam với con mắt bành trướng kẻ cả của “thiên triều”. Đôi khi nó còn bị khúc xạ qua những nguồn tin gián tiếp, qua những người cung cấp tin, qua khoảng cách không gian địa lý. Vì thế, cần phải đặt các sử liệu Trung Hoa trong thế so sánh với các sử liệu Việt Nam, để giám định về nguồn tin, về tác giả, về niên đại biên soạn, phương thức biên soạn, mục đích biên soạn, quá trình truyền bản, và cả tư tưởng sử của người biên chép. Ví dụ, sử liệu Trung Quốc chỉ chép đến việc Đinh Tiên Hoàng được phong làm Giao Chỉ quân vương, giống như Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng không hề chép đến việc ông xưng Vạn Thắng Vương, và sau này xưng Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Mô hình “trong xưng đế ngoài xưng thần” là một thủ pháp chính trị, dĩ nhiên các triều đại Việt Nam không thể để thông tin “xưng đế hiệu” lọt ra bên ngoài được, vì đó là một cớ để các chính quyền phong kiến phương bắc lấy cớ phát động chiến tranh trách phạt, nhưng thực chất là nhằm thôn tính và đồng hóa. Như thế, sử phẩm Trung Hoa, với một truyền thống chép sử lâu dài, ít nhiều cung cấp cho ta những sử liêụ mới, sử kiện mới, nhân vật mới, thông tin mới mà sử phẩm Việt Nam còn khuyết thiếu, như trường hợp Ngô Xử Bình – người đã làm cuộc đảo chính mở đầu cho giai đoạn loạn lạc năm 965-968, hay Dương Huy thứ sử châu Vũ Ninh thời Hậu Ngô. Như ta biết, mỗi khi có sử liệu mới thì lại có những diễn giải mới, nhận thức mới, góp phần cho công tác tái lập những mảnh vỡ của lịch sử.

Từ những gom nhặt và hệ thống hóa các nguồn sử liệu chữ viết về Việt Nam giai đoạn này, chúng tôi cố gắng đưa ra những cách lý giải nhằm tiệm cận đến những sự thật lịch sử mới. Đây vẫn là một công tác nghiên cứu của sử học truyền thống, muốn nhắm đến phục dựng, hay tái lập những mảnh vỡ khác nhau vào một mô hình giả thiết. Những mảnh vỡ ấy, những tái lập ấy dù chỉ là giả thuyết nhưng vẫn hướng đến một diễn giải cá nhân về sự thực lịch sử nào đó có thể đã xảy ra. Ta biết, sử thực là một khái niệm cốt lõi của nghiên cứu lịch sử. Nhưng cái sử thực do cá nhân hay nhà nước tái lập nó vẫn chỉ là mảnh vỡ, là một phần, là cái tiệm cận đến CÁI LỊCH SỬ đã từng xảy ra. Công việc nghiên cứu chỉ là những nỗ lực để tiệm cận với CÁI LỊCH SỬ (toàn diện, phức tạp, đa chiều đa kích, đã tan vỡ qua bao biến cố của thời gian). Mỗi một kết quả nghiên cứu có được chỉ là MỘT SỬ THỰC được kiến tạo. Và ta hiểu rằng, sử thực có tính chủ quan của người viết, của thời đại chế tác sử phẩm, từ hệ hình viết sử lẫn hệ tư tưởng của người viết sử. Như thế sử thực không phải là một yếu tố bất biến mà là một tham số khả biến, nó không cố định, nó không duy nhất, mà tồn tại dưới nhiều khả thể. Hay nói cách khác có nhiều sử thực khác nhau do có nhiều hướng tiếp cận khác nhau, nhiều giả thuyết khác nhau. Tính tương đối, tính khả biến chính là mộ tđặc điểm quan trọng của nhận thức lịch sử.

Cuốn sách này về cơ bản là một thực hành nghiên cứu sử học với mong muốn tái lập các sử thực liên quan đến lịch sử Việt Nam thế kỷ X. Đã là một nghiên cứu thì yếu tố mới, nhận thức mới, kết quả mới là điều tiên quyết. Các kết quả mới ấy chỉ có thể được chấp nhận một phần nào đó, hoặc có được tính khả tín (tương đối) nếu nghiên cứu được thực hiện trên khảo sát sử liệu nguyên cấp, với các thao tác nghiêm túc của phê phán sử liệu và phân tích diễn ngôn. Bài “Đinh Bộ Lĩnh và Ngô Xử Bình” là một ví dụ. Nghiên cứu này đã đề xuất một sử thực khác, so với các nghiên cứu trước đây, so với nhận thức chung về nhân vật Đinh Bộ Lĩnh và tình hình chính trị nhà Ngô. Thứ nhất, Đinh Bộ Lĩnh là lực lượng quân sự đã nổi lên sớm nhất trong triều đại nhà Ngô vào năm 951, ngay ghi Nam Tấn Vương – Thiên Sách Vương lên ngôi. Họ Đinh đã cát cứ tại Hoa Lư trong vòng 15 năm từ 951 đến 965, và để Đinh Liễn bị cầm cố tại Cổ Loa với tư cách là con tin trong suốt 15 năm này. Đến năm 965, khi Nam Tấn Vương chết trận, thì một nhân vật quan trọng đã xuất hiện. Đó là Ngô Xử Bình, ông này là Tham tá của Nam Tấn Vương trong trận đánh hai thôn Đường – Nguyễn. Khi Xương Văn chết, ông này đã đem quân về đánh chiếm kinh đô Cổ Loa, gây nên tình trạng hỗn loạn trên chính trường, và mở đầu cho giai đoạn được sử sách gọi là “loạn 12 sứ quân”. Bài “Có hay không loạn 12 sứ quân?” đã đề xuất một nhận thức mới về cục diện 12 sứ quân của nhà Ngô. Mười hai lực lượng này có thể là 12 Thứ sử đứng đầu của 12 châu. Nhưng dưới sử bút của kẻ chiến thắng (do các sử quan thời Đinh – Lê chấp bút, chúng tôi cũng lần đầu tiên tìm được danh tính của hai vị sử quan này), 12 sứ quân / Thứ sử nhà Ngô (bao gồm cả An Vương Ngô Nhật Khánh – con trai của Nam Tấn Vương) đã hiện lên như là những kẻ làm loạn đất nước. Trên thực tế, con số thống kê cho thấy, chỉ có các cuộc chiến tranh giữa nhóm Đinh Bộ Lĩnh với Ngô Xử Bình và nhóm 500 con cháu nhà Ngô cùng các thứ sử nhà Ngô. Số lượng lực lượng quân sự giai đoạn này, qua khảo sát các nguồn sử liệu Trung Quốc, Việt Nam (gồm cả chính sử, dã sử, thần tích, văn bia,…) lên đến 21 lực lượng. Như vậy, khái niệm “loạn 12 sứ quân” khó có thể là một sử thực, khi phần lớn các sứ quân không tranh giành lẫn nhau để tranh ngôi vị mà chỉ có Đinh Bộ Lĩnh (xưng Vạn Thắng Vương) tranh hùng cùng với các thứ sử và con cháu nhà Ngô. Nếu như những nghiên cứu trên đây có thể chấp nhận được, thì chúng ta đang tiến tới những nhận thức mới về triều đại nhà Ngô và nhà Đinh, hay nói cách khác những sử thực mới đang được tái lập sẽ góp phần khiến cho nhận thức của cả tác giả lẫn người đọc tiệm cận gần hơn đến CÁI LỊCH SỬ như nó có thể đã từng xảy ra. Và những sử thực này sẽ được phủ định nếu chúng ta có thêm những sử liệu mới, góc nhìn mới, lý thuyết mới. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai.

Ngoài vấn đề sử thực, cuốn sách này còn là một thử nghiệm trong nghiên cứu về tính hữu dụng của lịch sử, với các vấn đề hữu quan như biểu tượng lịch sử, diễn ngôn lịch sử. Tính hữu dụng của lịch sử là một yếu tính của hoạt động biên chép lịch sử, nghiên cứu lịch sử. Yếu tính này có quan hệ mật thiết với các sử gia, những người biên chép sử liệu, với hệ tư tưởng của thời đại, với mục đích của việc chép sử, phương pháp chép sử bình sử, với quyền lực của nhà nước. Việc chép sử ngoài mục đích thuần túy hướng đến sự hiểu biết, hay bảo lưu các tri thức về lịch sử, còn hướng đến củng cố tính chính thống của triều đại viết sử. Hoạt động chép sử hướng đến việc tìm kiếm những tiền lệ trong quá khứ củng cố cho tính chính thống của mình. Tính hồi hướng quá khứ không hoàn toàn chỉ phục vụ cho nhu cầu hiểu biết, mà sử phẩm sau khi hoàn thành ngay lập tức quay trở lại phục vụ cho chính lực lượng đang tiến hành chép sử. Dĩ sử chứng kinh là dùng sử để chứng minh cho tính đúng đắn của hệ tư tưởng Nho giáo. Và mỗi một thời đại đều dùng sử cho mục đích chính trị của mình. Sử phẩm (các tác phẩm lịch sử, không chỉ là chính sử, dã sử, mà còn có thể kể đến các tác phẩm văn học có đề tài lịch sử) bản thân nó đã chứa đựng diễn ngôn và quyền lực của các tác giả, các triều đại, các lực lượng chính trị. Nó là một kênh thông tin, một phương pháp giáo dục, một công cụ để nhà nước thực hiện công tác kiến tạo các tri thức lịch sử đối với các tầng lớp trong xã hội. Nghiên cứu về tính hữu dụng của lịch sử trong cuốn sách này thể hiện ở ba bài viết “Thời điểm kết thúc ngàn năm bắc thuộc”, “Đinh Tiên Hoàng – biểu tượng đa năng” và “Những ngôi Hoàng hậu: sử Việt nhìn từ phận đàn bà”. Ta biết, năm 938-939 được nhận thức trong tâm khảm của bao người Việt như là thời điểm kết thúc ngàn năm bắc thuộc, mở ra thời đại độc lập tự chủ nghìn năm sau đó. Nếu coi chiến thắng Bạch Đằng là một sử thực bất khả tư nghì, thì ở đây chúng ta sẽ thấy tính hữu dụng của lịch sử đã điều hướng như thế nào đối với NHẬN THỨC LỊCH SỬ. Trước nay chúng ta thường quan niệm nghiên cứu lịch sử là nghiên cứu sử liệu, nghiên cứu để tái lập lịch sử như nó đã từng xảy ra, nhưng chúng ta cũng chú ý rằng, nghiên cứu lịch sử còn là nghiên cứu về LỊCH SỬ NHẬN THỨC LỊCH SỬ, hay LỊCH SỬ TIẾP NHẬN LỊCH SỬ, hay LỊCH SỬ CỦA CÁC HỆ TƯ TƯỞNG SỬ. Nếu nghiên cứu sử liệu chú ý đến sử phẩm, quá trình biên soạn, niên đại thành thư, quá trình truyền bản, loại hình sử phẩm (biên niên, hay kỷ truyện, hay thông giám, hay thông sử,…), thì nghiên cứu về lịch sử nhận thức lịch sử, lịch sử tiếp nhận lịch sử lại là một thao tác khảo cổ học tri thức, nhằm tìm kiếm những yếu tố tư tưởng, mục đích chính trị, đã chi phối đến hoạt động chép sử, nghiên cứu đến dấu hằn nhận thức ở từng cá nhân, từng trường phái, từng thời đại, đào trong đó những diễn ngôn chính trị mà người viết đã lưu dấu. Tức là nó không chỉ quan tâm đến tác giả - sử gia, tác phẩm – sử phẩm nữa, mà còn quan tâm đến cả độc giả - người tiếp nhận tri thức lịch sử. Và ở môt khía cạnh nào đó, sử gia hay nhà nghiên cứu lịch sử cũng chính là những độc giả, những thế hệ người tiếp nhận lịch sử. Họ vừa là người kiến tạo tri thức lịch sử lại vừa là người bị lịch sử kiến tạo tri thức. Sử liệu không còn chỉ bó hẹp trong các sử phẩm thành văn, các hiện vật khảo cổ, mà còn phải tính thêm vào đó là các công trình nghiên cứu lịch sử, các tác phẩm văn học nghệ thuật có chủ đề lịch sử. Vì chúng ngay từ khi ra đời đã trở thành một nguồn sử liệu cho biết các nhận thức lịch sử của tác giả và thời đại đã sản sinh ra nó.

Trở lại với chiến thắng Bạch Đằng, chúng tôi đã lần theo các tư tưởng thời đại để vạch ra những chuyển biến, thay đổi trong hệ tư tưởng dẫn đến sự thay đổi về mục đích chép sử và nhận thức lịch sử. Trong khi các sử quan Nho giáo chú trọng đến thời điểm 968 với việc Đinh Bộ Lĩnh kiến tạo mô hình nhà nước phong kiến, để chứng minh cho tính chính thống của triều đại mình, thì đến thế kỷ XX, khi hệ hình viết sử thay đổi, Phan Bội Châu và các sử gia trong thế kỷ XX đã lấy tiêu chí chiến thắng để xác định thời điểm độc lập dân tộc. Năm 938-939, trong Đại Việt sử ký toàn thư được đặt ở phần Ngoại kỉ phần “Nam Bắc phân tranh” thì đến các sử phẩm ở thế kỷ XX-XXI đã trở thành mốc son chói lọi mở đầu cho lịch sử ngàn năm độc lập tự chủ của người Việt.

Bài “Đinh Tiên Hoàng – biểu tượng đa năng” là một nghiên cứu khác về mối quan hệ giữa tính hữu dụng của lịch sử với biểu tượng lịch sử. Biểu tượng lịch sử là một sản phẩm được tạo tác trong quá trình chép sử và nghiên cứu lịch sử. Mỗi thời đại đều cần xây dựng những biểu tượng lịch sử mà thời đại mình cần phải có để củng cố tính quyền uy, tính chính thống, và truyền thống lịch sử của quyền lực mà mình đang nắm giữ. Nếu các sử gia Nho giáo giai đoạn sớm (Trần – Lê sơ) coi Đinh Tiên Hoàng như vị hoàng đế tiếp nối được nền chính thống có từ Triệu Đà, thì các nhà Nho thế kỷ XVII-XIX, lại coi Đinh Bộ Lĩnh mới là người mở đầu cho nền chính thống của chính trị Nho giáo tại Việt Nam. Sang đến thế kỷ XX, khi hệ tư tưởng Nho giáo sụp đổ, biểu tượng Đinh Bộ Lĩnh lại được tái tạo lại bằng cách cấp thêm nghĩa, và nội hàm mới. Phan Bội Châu, từ góc độ giống nòi/ chủng tộc, đã từ chối khái niệm tính chính thống của Đinh Tiên Hoàng, và cho rằng, dù họ Đinh hay bất kỳ vị nào trong số 12 sứ quân giành chiến thắng, thì đất nước này vẫn là đất nước của người Việt. Nghĩa là, Phan Bội Châu đã đề cao vai trò của chiến thắng giặc ngoại xâm lên hàng đầu, với sự khẳng định công lao của Ngô Quyền. Sang đến cuối thế kỷ XX, Đinh Tiên Hoàng được tái dụng, và hiện lên như là một vị anh hùng thống nhất đất nước, là người đã diệt thù trong, là vị hoàng đế cờ lau đại diện cho sức mạnh của nhân dân. Trong hoàn cảnh Việt Nam bị chia cắt bởi bàn tay của các nước đế quốc, nhu cầu thống nhất đất nước trở thành vấn đề sống còn của dân tộc trong thế kỷ XX. Đinh Bộ Lĩnh đã được kiến tạo như là biểu tượng của truyền thống đoàn kết các lực lượng dân tộc; đoàn kết dân tộc, tập trung tối đa sức mạnh của nhân dân, đáp ứng được các niềm mong mỏi về hạnh phúc của nhân dân, vì nhân dân mà hy sinh vì nhân dân mà chiến đấu. Biểu tượng hoàng đế dẹp loạn chống lại các thế lực thù địch bên trong, biểu tượng hoàng đế thống nhất lãnh thổ người Việt Nam là một hình ảnh lấp lánh và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội học tập và noi theo. Chính vào lúc này, tính hữu dụng của lịch sử lại được phát huy ở một tầng bậc mới, phục vụ cho những nhu cầu cấp thiết của đời sống chính trị và đời sống xã hội.
Bài “Những ngôi Hoàng hậu: sử Việt nhìn từ phận đàn bà” là một nghiên cứu khác về mối quan hệ giữa tính hữu dụng của lịch sử, với biểu tượng lịch sử và diễn ngôn lịch sử. Góc nhìn của bài viết là lấy phụ nữ làm bản vị, như là những nhân vật chính trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam thế kỷ X. Ta biết rằng, lịch sử - việc chép sử về thực tế là một sản phẩm của đàn ông, là cách đàn ông kiến tạo tri thức lịch sử, là cách đàn ông thể hiện quyền lực của mình với những thế lực đàn ông khác; một cách vô tình và hữu ý, cũng là cách đàn ông thể hiện quyền lực của mình về phụ nữ cũng như về việc nhận thức phụ nữ. Những gương mặt phụ nữ (chủ yếu là các bà Hoàng hậu, các cô công chúa) hiện lên hoặc nhạt nhòa, hoặc khuất lấp, có lúc bị tô vẽ, có lúc được điểm trang. Có khi họ chỉ là nạn nhân trong trò chơi quyền lực của đàn ông, có khi họ trở thành tấm bia để đàn ông trút những hành vi căm phẫn và uất hận. Một bà mẹ của Thiên Sách Vương hoàn toàn bị xóa nét, một Hoàng hậu và một Công chúa của Nam Tấn Vương trở thành “chiến lợi phẩm” trong tay cha con Đinh Bộ Lĩnh – Đinh Liễn, lại cũng có một cô Đinh công chúa bị ông chồng Ngô Nhật Khánh rạch mặt trả thù vì cái tội “ba bố con mày ăn hiếp ba mẹ con tao”. Họ hầu như vô thanh, không cất lên một tiếng nói nào, không có một tiếng khóc nào. Nhưng cũng có một Dương Thái hậu vừa quyền lực vừa khôn ngoan, vừa đa đoan vừa thực tiễn. Và trong lịch sử, bà hiện lên với những hàm nghĩa biểu tượng rất trái chiều. Trong con mắt của sử gia Nho giáo, “ả họ Dương” là tấm gương tày liếp cho sự vi phạm đạo đức, là kẻ đã lấy hai chồng (lại là hai ông vua), là kẻ đã thất tiết với ông hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh, tư thông với bề tôi Lê Hoàn, là kẻ đã phản bội gia tộc họ Đinh để trao quyền cho họ khác. Nhưng khi hệ tư tưởng thay đổi, Dương Thái hậu trở thành người phụ nữ đứng giữa lòng dân tộc, là người đã hàn gắn sự rạn nứt và tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là bậc anh hùng có công đối với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Nếu như Dương Thái hậu là một nhân vật lịch sử (một sử thực), và việc bà khoác áo long cổn cho Lê Hoàn cũng là một sử thực, thì việc bao biếm, phẩm bình, thêu dệt, thậm chí mạt sát của bao nhiêu sử gia- thi nhân thời trung đại, cùng với sự chiêu tuyết ngợi ca của bao học giả trong thế kỷ XX đã chứng tỏ tính hữu dụng của lịch sử chiếm một vai trò quan trọng trong công tác kiến tạo biểu tượng lịch sử và xây dựng tri thức lịch sử đối với độc giả và quần chúng nhân dân. Một một thời đại đều có hệ tư tưởng riêng, mục đích riêng, nên các biểu tượng đã được kiến tạo với nhiều phương thức, góc độ khác nhau. Điều đó đã làm nên lịch sử nhận thức lịch sử, lịch sử tiếp nhận lịch sử. Còn chuyện đúng sai thì có lẽ là chuyện vô cùng, vì ta biết nhận thức thì có tính chủ quan, có tính thời đại, và có tính lịch sử của nó.

Cuốn sách này vì vậy không dám mơ đến việc hoạch định một sử thực tuyệt đối nào, mà chỉ là những nét vẽ cá nhân, thể hiện quá trình khám phá tự thân của một người đọc sử đang nỗ lực thử tự kiến tạo những tri thức của riêng mình về lịch sử nước nhà. Đó là một lịch sử hay đúng hơn là một nhận thức lịch sử được kiến tạo bởi một cá nhân, nó cố gắng trượt qua khỏi tính hữu dụng của lịch sử, để nhìn lịch sử như là một một yếu tố khả biến trong hoạt động tri nhận của mình.
Viết tại Thượng nguồn Nhuệ Giang, Từ Liêm cố huyện.
11 tháng 08 năm 2018

2 nhận xét:

  1. Hôm nao rảnh, ta trao đổi về "Loạn 2 thôn Đường - Nguyễn nhé" Chính sử đoạn này "mờ" lắm.



    Trả lờiXóa
  2. Qua các bài phản biện của tác giả Phạm Trung Đà mới thấy cuốn “VIỆT NAM THẾ KỶ X – NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ” của ông tiến sĩ giấy Trần Trọng Dương viết lách sai nhiều quá, không hiểu tại sao nhà xuất bản vẫn cho đăng những ấn phẩm thiếu chất lượng như vậy

    Trả lờiXóa