ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY: MỘT CHẶNG HUYỀN SỬ THẾ KỶ XX?
Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan
vanhoanghean.com.vn/.../2299-duong-lam-son-tay-mot-chang-huyen-su-the-ky-xx.html -
Chúng ta đều biết địa danh Đường Lâm tại Sơn Tây ngày nay đã đi vào tiềm thức của hàng triệu người với tư cách là quê hương của Phùng Hưng và Ngô Quyền - hai vị vua lừng lẫy có công đầu trong việc giành lại quyền độc lập tự chủ của người Việt khỏi sự đô hộ của người phương Bắc. Nơi đây, còn tồn tại lăng mộ cũng như nhà thờ hai vị. Đường Lâm được coi là ngôi làng duy nhất được công nhận là Quần thể di tích cấp quốc gia, được nhà nước đầu tư trọng điểm về văn hóa và du lịch. “Đất hai vua” đã trở thành danh xưng thân thuộc, trở thành đất linh thiêng, đất tông miếu, đất hương hỏa, mảnh đất tự hào của biết bao nhiêu người Sơn Tây nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, một ngôi làng nhưng mang vinh hiển của cả quốc gia và lịch sử mười hai thế kỷ, chân lý ấy dường như không cần bàn cãi. Tuy nhiên, đối với người làm công tác nghiên cứu lịch sử và nhất là nghiên cứu văn bản học chuyên sâu, những nghi ngờ đã le lói đâu đó trong các chuyên luận hay bài viết ( có thể kể đến công trình của GS Đào Duy Anh , Văn Tân hay Bùi Văn Nguyên , Nguyễn Huệ Chi v.v…), đã để lại nhiều gợi mở cho người đi sau tiếp tục tìm hiểu và giải mã. Dưới đây, chúng tôi xin lược thuật lại ý kiến của hai học giả Đào Duy Anh và Văn Tân đã phát biểu trước nay nửa thế kỷ.
Trang 84, quyển Đất nước Việt-nam qua các đời, Đào Duy Anh viết: “Đại Việt sử ký toàn thư (ngoại, q. 5) chép rằng Ngô Quyền là người Đường Lâm, con Ngô Mân là châu mục bản châu. Sách Cương mục (Tb, q. 5) chú rằng: Đường Lâm là tên xã xưa, theo sử cũ chú là huyện Phúc-lộc, huyện Phúc-lộc nay đổi làm huyện Phúc-thọ, thuộc tỉnh Sơn-tây. Xét Sơn Tây tỉnh chí thì thấy nói xã Cam Lâm huyện Phúc Thọ xưa gọi là Đường Lâm, Phùng Hưng và Ngô Quyền đều là người xã ấy, nay còn có đền thờ ở đó. Chúng tôi rất ngờ những lời ghi chú ấy và nghĩ rằng rất có thể người ta đã lầm Đường Lâm là tên huyện đời Đường thuộc châu Phúc-lộc (Phúc-lộc châu có huyện Đường Lâm) thành tên xã Đường Lâm ở huyện Phúc-thọ. Huyện Đường Lâm châu Phúc-lộc là ở miền nam Hà-tĩnh. An-nam kỷ lược thì lại chép rằng Ngô Quyền là người Ái-châu, cũng chưa biết có đúng không” . Phương pháp sử học của Đào Duy Anh là tiến hành khảo cứu về địa danh châu Đường Lâm thông qua những tư liệu cổ sử. Tuy nhiên, khi viết cuốn chuyên luận của mình, Đào Duy Anh cũng chưa có điều kiện để tiếp xúc đọc đầy đủ các tư liệu cổ sử cấp một, tức những bộ sử được biên soạn ghi đồng thời với các nhân vật lịch sử Phùng Hưng, Ngô Quyền, ví như Thông sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư… Song, những nghi ngờ của Đào Duy Anh có thể nói là rất nhạy bén và lão thực.
Năm 1966, sau sáu năm kể từ khi chuyên luận của Đào Duy Anh ra đời, Văn Tân khi phê bình Đại Việt sử ký toàn thư, đã cho rằng “ý kiến bạn Đào-duy-Anh rất đáng cho chúng ta để ý…Ngô Quyền là người huyện Đường Lâm thuộc Hoan-châu chứ không phải là người huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây…Ngô Quyền là quý tộc con Ngô Mân quê ở Hoan Châu (có chỗ nói Ái châu) đã dấy quân từ Hoan châu tiến ra bắc phá quân Nam Hán ở cửa Bạch-đằng. Như vậy Ngô Quyền phải là người huyện Đường Lâm châu Phúc-lộc (Hà-tĩnh) chứ không phải người xã Đường Lâm huyện Phúc-thọ (Sơn-tây). Có thế mới phù hợp với tình hình xã hội hồi thế kỷ VIII, IX và X” . Sự đồng thuận của Văn Tân dựa trên những nhận thức và phông lịch sử sâu rộng của thế hệ học giả này về lịch sử Việt Nam trước thế kỷ X.
Tháng 8 năm 1967, trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (số 101), Trần Quốc Vượng đã có một bài viết rất quan trọng để khẳng định Đường Lâm thuộc Sơn Tây , bài viết mang tên Về quê hương Phùng Hưng đồng thời phủ định ý kiến của Đào Duy Anh và Văn Tân. Ngay sau khi đăng tải, bài viết của Trần Quốc Vượng lập tức trở thành quan điểm được nhiều người ủng hộ bởi Trần Quốc Vượng đã kết hợp khai thác các tài liệu bi ký cũng như các khảo sát điền dã tại di tích, địa phương cũng như các sử liệu hữu quan. Có thể coi đây là tiếng nói quan trọng nhất lúc bấy giờ để ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này. Cứ liệu quan trọng nhất mà Trần Quốc Vượng đưa ra là tấm bia mà ông gọi nôm na là “Bia Đường Lâm” có niên đại 1390 thuộc niên hiệu Quang Thái 光泰đời Trần . Văn bia này có những thông tin được Trần Quốc Vượng khai thác như sau: “Nguyên bản xã đất nhiều rừng rậm, xưa gọi là Đường Lâm, đời đời sản sinh nhiều vị anh hùng hào kiệt…Theo bia Đường Lâm thì khi Ngô Quyền lên ngôi vua (939), ông đã lấy bản xã làm “thang mộc ấp”. Ngô vương Quyền ở ngôi sáu năm thì mất…Tự vương (vua nối dõi- có lẽ là chỉ Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn, hoặc cũng có thể chỉ Dương Tam Kha, người đã tự lập làm vương sau khi Ngô Quyền chết- TQV) lập miếu đình để làm nơi cho bản ấp phụng thờ tế lễ [Ngô vương Quyền]… Bia đó do những người họ Phùng họ Ngô…là con cháu của Phùng Hưng Ngô Quyền lập ra, văn bia nói là ‘trích gia phả của hai họ, tóm thuật những điều cốt yếu ghi vào bia để truyền lại lâu dài’” Đây có thể coi là cứ liệu quan trọng nhất của bài viết để chốt lại vấn đề. Bia có niên đại rất sớm, thuộc vào cuối đời Trần; lại là bia bản xã, bia do con cháu của hai dòng họ lập nên để tiến hành cúng tế thờ phụng hai vua. Các cứ liệu đã hội đủ, bảng vàng bia đá là cứ liệu xác tín đanh thép nhất, để khẳng định: Đường Lâm- Sơn Tây là đất của hai vua Phùng Hưng và Ngô Quyền, hai vị anh hùng bậc nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cho nên, sự đồng thuận của toàn bộ giới sử học từ đó cho đến nay là điều dễ hiểu.
Trải qua gần 50 năm, kết luận của Trần Quốc Vượng đến nay đã trở thành chân lý. Đường Lâm - Sơn Tây, được nêu lên như là một địa chỉ của văn hóa, lịch sử với các hệ thống nhà cổ, các danh nhân và các truyền thuyết đẹp đẽ về hai nhân vật lịch sử này. Đường Lâm - Sơn Tây đã trở thành đối tượng thú vị của hàng loạt các công trình nghiên cứu, các hội thảo trong và ngoài nước. Đường Lâm Sơn Tây đã chính thức được đưa vào trong chính sử, được viết vào sách giáo khoa và giảng dạy trong các trường học từ cấp cơ sở cho đến cấp cử nhân, thạc sỹ và tiến sĩ. Hệ thống truyền thông, báo chí truyền hình, các trang mạng cộng đồng,...tất cả đều tập trung miêu tả, ca ngợi, bình thán,…về một vùng quê mang sự hiển hách của ngàn năm lịch sử và bề dày văn hiến. Năm mươi năm qua là năm mươi lớp người được hiểu về lịch sử theo quan điểm chính thống ấy. Những băn khoăn, trăn trở thuở nào của các bậc cựu học như Đào Duy Anh, Văn Tân đã không còn mấy ai còn biết đến nữa. Lịch sử đã xuôi theo một chiều đẹp đẽ làm thỏa mãn sự tự hào của bao nhiêu lớp người yêu văn hóa lịch sử Việt Nam.
Một cơ duyên đã đưa đẩy chúng tôi khi đi nghiên cứu bản quán Khuông Việt Ngô Chân Lưu phải giám định lại văn bia này. Kết quả giám định cho thấy, cứ liệu cốt tử nhất mà Trần Quốc Vượng đã dựa vào đáng tiếc có lẽ lại là một bia ngụy tạo vào đời sau. Hàng loạt các nhà sử học, khởi từ Trần Quốc Vượng cho đến Nguyễn Minh Tường , … đều tin vào tính xác thực của văn bia này, trừ Vũ Duy Mền và Nguyễn Tùng - một nhà lịch sử nhân loại học Việt Nam cư trú tại nước ngoài . Cơ sở để chúng tôi khẳng định văn bia này là ngụy tạo như sau:
Về mặt thư pháp và văn tự học, chữ khắc trên văn bia đều là lối chữ chân nhỏ nhắn, quy củ và chuộng kỹ của triều Nguyễn, khác hẳn với thư pháp đời Trần như thư pháp của Trương Hán Siêu . Nét khắc của bia rất sắc nét, gần như không có chữ nào mờ. Lòng nét khắc vẫn theo đao bút hình chữ “v” khá sâu, chứng tỏ văn bản mới chỉ khắc trong vòng 200 năm trở lại đây.
Về địa danh học, văn bia này dù cố gắng ngụy tạo, nhưng vẫn vô tình để lại tên địa danh thời Nguyễn. Dòng đầu của bia ghi: 國威府福祿縣甘泉社“Quốc Oai phủ Phúc Lộc huyện Cam Tuyền xã” , dòng trên đồng thời cũng được khắc trên một bia ngụy tạo khác là bia Phụng tự bi ký 奉祀碑記 . Qua khảo chứng về diên cách địa danh hành chính của Đào Duy Anh thì đây có khả năng là bia ngụy tạo vào đời Gia Long hoặc Minh Mệnh, vì đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) Phúc Lộc đã đổi làm Phúc Thọ .
Về mỹ thuật, bia có cùng một phong cách với nhiều bia hậu đời Nguyễn: không có trang trí diềm, trán gần như để trơn, hoa văn chỉ có mặt nhật nét mảnh và tia lửa yếu ớt.
Về quy mô, văn bia này được dựng ở cấp độ thôn xóm, cho nên rất khiêm tốn về mặt kinh phí, điều này thể hiện qua dáng vóc xinh xắn và khiêm nhường của bia: chiều cao 54cm, rộng ngang 35 cm, tức là không bằng một tờ báo Nhân dân trải rộng. Cho thấy, bia được dựng nằm ngoài điển lệ của triều đình. Điểm này làm rõ hơn động cơ của dòng niên đại “Quang Thái thứ 3” trong văn bia .
Về trật tự chữ, chữ viết trên ngạch bi đều ngang từ trái sang phải, trong khi ngạch bia đời Trần thường là sắp chữ dọc.
Tất cả các dấu hiệu trên cho thấy văn bia đang xét được dựng vào đầu đời Nguyễn.
Đến đây, chúng ta có thể xâu chuỗi các sự kiện như sau: [1] Bia ngụy tạo vào quãng 1802 đến 1821; [2] Dựa vào bia này Nguyễn Văn Siêu đã khẳng định Cam Lâm vốn là Đường Lâm, quê của hai vua Phùng Hưng và Ngô Quyền; [3] Vua Tự Đức đã sai bộ Lễ công nhận đây là di tích cấp “quốc gia” và ban “sắc kiến” vào năm 1874; [4] Sau đó, “đất hai vua” chính thức được đưa vào chính sử vào năm 1882; [5] Đặng Xuân Bảng cẩn thận hơn nữa đã chú Đường Lâm thuộc về Phong Châu . Nhầm lẫn của triều đình và các sử gia trong thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là có thể chấp nhận được, khi các quan biên tu triều Nguyễn không có quá nhiều thời gian và điều kiện để trực tiếp khảo sát địa phương, mà phần lớn các tư liệu đều do hệ thống nha lại các cấp ở dưới đưa lên. Tuy nhiên, ở hai thế kỷ sau đó, việc vô tình hay hữu ý, bất cập ở chuyên môn hay sự khéo léo trong câu chữ của các nhà làm sử đã viết tiếp trang huyền sử thời hiện đại cho mảnh đất này.
Trở lại với phương pháp của Trần Quốc Vượng, nếu như bia Phụng tự bi đúng là bia Quang Thái đời Trần, thì ông đã dùng sử liệu cấp hai để phủ định các sử liệu cấp một được viết vào đời Đường (như trên đã nêu). Mặc dù ông biết rất rõ rằng: “Theo các sử cũ, quả thật ở thời thuộc Đường (thế kỷ VII-X) miền đất nước ta có huyện Đường-lâm (đầu đời Đường là châu Đường-lâm rồi đổi thành quận Đường-lâm) thuộc châu Phúc-lộc (có cả huyện Phúc-lộc) thuộc phía nam tỉnh Hà-tĩnh ngày nay.” Trong trường hợp văn bia đó là văn bia ngụy tạo vào đầu đời Nguyễn như chúng tôi đã chứng minh ở trên thì Trần Quốc Vượng đã dùng một sử liệu có khả năng là ngụy tạo để phủ định các sử liệu cấp một. Trong bài Đường Lâm dưới góc nhìn địa - văn hóa - lịch sử, Trần Quốc Vượng viết: “Có một chuyện, thật như bịa, bây giờ nghe ra thì khá buồn cười: Một số nhà nghiên cứu căn cứ vào cái tên Phúc Lộc bảo ở Hà Tĩnh xưa có huyện Phúc Lộc, có lẽ quê hương Ngô Quyền ở đó. Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, kẻ ngu hèn này mới ở độ tuổi hai mươi đã phải viết một bài được cụ Trần Huy Liệu cho đăng trên Nghiên cứu Lịch sử, đầu đề là Về quê hương Ngô Quyền có hai trang để cải chính là quê hương Ngô Quyền ở Sơn Tây, nơi đó còn đền và lăng Ngô Quyền. Ý kiến này được tiếp thu ngay.” Trên thực tế, lăng Ngô Quyền còn ở một số địa phương khác như Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tây cũ, Thanh Hóa; còn đền thờ các vị Phùng Hưng, Ngô Quyền thì có ở khắp nơi, hiện chưa có con số thống kê cụ thể. Mặt khác, các lăng mộ, đền thờ các nhân vật lịch sử này ở Đường Lâm có niên đại khá muộn. Sự công nhận của chính sử nhà Nguyễn cộng với tín niệm dân gian trải qua gần 200 năm, đã khiến cho bao nhiêu huyền tích đẹp đẽ cho mảnh đất hai vua được thêu dệt nên. Có vẻ như các nhà sử học Việt Nam thế kỷ XX-XXI, khởi từ Trần Quốc Vượng, đã coi di tích, huyền tích, sử liệu đời Nguyễn, cũng như niềm tin dân gian là bốn cứ liệu quan trọng nhất để đưa ra quyết định cuối cùng. Đặt dấu chấm hết cho những tranh luận trên phương diện cổ sử là việc cải tên xã Cam Lâm thành Đường Lâm khiến địa danh này trùng khít hoàn toàn với quá khứ 1000 năm trước về mặt danh xưng.
Vậy tại địa bàn hiện nay được coi như là đất phát tích của hai vua - Đường Lâm (Sơn Tây), sự cải danh đã diễn ra như thế nào trong thế kỷ XX. Vấn đề này đã được tác giả Nguyễn Tùng (Paris) bàn xét khá toàn diện trong bài Bàn thêm về quần thể làng cổ Đường Lâm đăng tải trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 23 tháng 01 năm 2009. Có thể giản lược như sau: xã Đường Lâm (với tư cách là một đơn vị hành chính, dưới cấp huyện) là một tên mới đặt, bao gồm chín thôn (làng) trong đó có năm thôn cổ là Cam Thịnh, Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Lâm và Đoài Giáp là đã được lập ra cách đây hơn 500 năm. Bốn thôn còn lại (Phụ Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu) thì đều tách ra từ vài làng nói trên hoặc được lập ra cách đây chưa đến hai trăm năm. Đáng chú ý là ở thôn Cam Lâm từ mấy thế kỉ nay đã có đình thờ đình Phùng Hưng cũng như nhà thờ và lăng Ngô Quyền. Do vậy, chính quyền xã này cũng đã dựa vào các bằng chứng đó để xin Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đổi tên từ Cam Lâm thành Đường Lâm vào ngày 21-11-1964 .
Tóm lại, tổng hợp sự khảo cứu về diên cách Đường Lâm- Sơn Tây của chúng tôi với kết quả nghiên cứu thực địa của Nguyễn Tùng, tạm thời có thể đi đến nhận định rằng: trong suốt chiều dài lịch sử hai ngàn năm từ đời Hán cho đến năm 1964, xã Đường Lâm dường như chưa bao giờ có tên là Đường Lâm.
Mấy lời để ngỏ: Bài viết thông qua việc giám định văn bản học, (bằng các phương pháp của văn tự - thư pháp học, lịch sử diên cách địa danh, sử liệu học…) nhận định rằng: “bia Đường Lâm” nổi tiếng kia có khả năng rất cao là một văn bia ngụy tạo, chứ không phải là bia đời Trần. Chứng cứ này khiến cho kết luận “Đường Lâm ở Sơn Tây” của Trần Quốc Vượng bấy lâu nay được coi là chân lý chỉ tồn tại như một giả thuyết. Vấn đề tiếp theo là phải nghiên cứu như thế nào. Phương pháp chúng tôi đề nghị là: Tiến hành khảo lại toàn bộ diên cách của xã Đường Lâm (Sơn Tây) trong lịch sử; Nghiên cứu thực địa, điền dã tại tất cả các di tích ở địa phương có thờ Phùng Hưng và Ngô Quyền, như Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Tây cũ, Hưng Yên, Hải Phòng,… để từ đó tiếp tục sưu tầm các tư liệu hữu quan về hai vua cũng như tục thờ các vị này trong đời sống tín ngưỡng dân gian. Tiếp theo và quan trọng nhất, khảo về hệ thống sử liệu cấp một và các tư liệu cổ sử viết trực tiếp về Phùng Hưng, Ngô Quyền, về châu Đường Lâm cũng như các nhân vật có liên quan khác như Dương Đình Nghệ, Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn, Ngô Chân Lưu, Lê Hoàn, Đinh Bộ Lĩnh v.v… đó là các tư liệu: Về phía tư liệu Việt nam có An Nam chí lược 安南志略của Lê Tắc 黎崱soạn năm 1335, Việt Điện u linh tập 粵甸幽靈集do Lý Tế Xuyên 李濟川 soạn năm 1329; Về tư liệu Trung Quốc có: Thông điển 通典 do Đỗ Hữu杜佑 (735 - 812) đời Đường soạn xong năm 801, Cựu Đường thư 舊唐書 do người thời Hậu Tấn là Lưu Húc劉 昫(887- 946)khởi soạn vào năm 945, Thái Bình hoàn vũ kí 太平寰宇記 (quyển 171) soạn vào đời Tống Thái Tông 宋太宗trong những năm Thái Bình Hưng Quốc 太平興國(976 - 983, Tân Đường thư 新唐書 do Âu Dương Tu 歐陽修 và Tống Kì 宋祁 biên soạn năm 1060, Dư địa quảng kí 輿地廣記 do Âu Dương Văn 歐陽忞 soạn vào đời Tống Huy Tông 宋徽宗trong những năm Chính Hòa 政和(1111-1117), Đại sự ký 大事記do Lã Tổ Khiêm 吕祖謙 (1137-1181) đời Tống soạn v.v... Trên đây là mấy ý kiến nhỏ của chúng tôi, rất mong được các nhà nghiên cứu quan tâm chỉ chính.
Bản sửa chữa ngày 03/04/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét