Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Đường Lâm là Đường Lâm nào?

ĐƯỜNG LÂM LÀ ĐƯỜNG LÂM NÀO ?


Trần Ngọc Vương, Nguyễn Tô Lan, Trần Trọng Dương
www.quochoc.org/108
www.khoavanhoc-ussh.edu.vn/.../883_Duong%20Lam%20la%20Duong%20Lam%20nao.pdf

“Đường Lâm ở Sơn Tây” là kết luận cuối cùng được đưa ra bởi Trần Quốc Vượng năm 1967, kết luận này chấm dứt giả thuyết của nhóm Đào Duy Anh về một châu Đường Lâm cũ vào các thế kỷ VII-X được ghi chép trong các cổ thư Trung Hoa. Từ bấy đến nay, địa danh Đường Lâm - Sơn Tây đã nổi tiếng khắp năm châu bốn biển như một vùng đất thiêng địa linh nhât kiệt; một ấp hai vua: Phùng Hưng- Bố Cái Đại Vương và Ngô Quyền –“vị tổ trung hưng thứ nhất của dân tộc” (chữ dùng của Phan Bội Châu). Đường Lâm là quần thể di tích cấp quốc gia, được nhà nước đầu tư trọng điểm về văn hóa và du lịch, rồi từng được đề cử trước Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đường Lâm- Sơn Tây trải qua gần 50 năm, giờ đã trở thành chân lý không cần bàn cãi. Giả thuyết của các bậc cựu học thuở nào đã đi vào quên lãng.
Thế nhưng, điểm cốt tử nhất trong chứng cứ của Trần Quốc Vượng năm xưa không hẳn nằm ở chỗ ông đã dùng phải một văn bia ngụy tạo mà ở chỗ ông đã dùng các cứ liệu cấp hai, “cấp ba” ấy... để phủ định lại các cứ liệu cấp một. Trong bài “Đường Lâm- Sơn Tây: một chặng huyền sử thế kỷ XX?”, chúng tôi đã khảo cứu được phần nào về tư liệu và phương pháp của Trần Quốc Vượng. Bài này, chúng tôi tiếp tục đi theo hướng mà Đào Duy Anh đã sử dụng khi viết cuốn chuyên luận bất hủ Đất nước Việt Nam qua các đời, đó là hướng đi tìm và khảo cứu về quê quán châu Đường Lâm của Phùng Hưng và Ngô Quyền qua những tư liệu được viết trong chính thời đại hoặc gần nhất với thời đại của hai vị vua này. Một điều lạ, mà trước khi khảo cứu chúng tôi không thể tưởng tượng, là tất cả các cổ thư từ đời Trần đổ về trước đều trùng khít với nhau, và tạo thành một thế lô gic liên hoàn sáng rõ. Để tiện theo dõi, chúng tôi trước tiên sẽ khảo cứu về địa danh Đường Lâm qua các thư tịch thường dùng hiện nay- mà ở đây tạm gọi là “hậu sử”.
1. Đường Lâm - từ những ghi chép của sử gia triều Lê
Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書trước nay vẫn được coi là bộ sử chính thống, quan phương, cổ nhất, có giá trị nhất may mắn còn giữ lại được. Bộ sử này là sự lũy tích văn hiến qua nhiều triều vua Lê, khởi từ các vua Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, mà văn bản chúng ta may còn lại được đến nay là bản in vào cuối thế kỷ XVII (1697). Bộ sử ấy có ghi mấy dòng đề cập đến địa danh Đường Lâm như sau: 姓 吳 諱 權 唐 林 人 世 為 貴 族 父 旻 為 本 州 牧 “Họ Ngô, tên húy là Quyền, người Đường Lâm, đời đời là nhà quý tộc. Cha là Mân làm chức châu mục ở bản châu” .
Thiên Nam ngữ lục 天南語錄 – trường ca về lịch sử Việt Nam ra đời khoảng cuối thế kỷ XVII, ghi lịch sử từ thời Hồng Bàng tới thời Lê Trung Hưng. Đây là một tác phẩm được nhiều nhà nghiên cứu dùng làm tư liệu cơ sở để đối chiếu với các sách sử cổ khác. Sách này cũng biên chép một cách khá chừng mực như sau: “Quyền cũng Đường Lâm con dòng, cha làm Thái thú lĩnh trong Nam thành (c.3141); Đường Lâm sinh có anh hùng, bấy chừ một đạo quân hùng trỗi hơn, Thằng Nguyễn Chính Bình Lam Sơn , Ở ra những nết đa đoan hại người. Bèn bảo em là Phùng Cai, anh hùng ta cũng chí trai tang bồng (Phùng kỷ, c3041); Cùng Dương Tam Kha toan rằng: Đường Lâm trở lại thửa chưng trong đời (c.3254).”
ĐVSKTT cũng như Thiên Nam ngữ lục khi dẫn địa danh Đường Lâm không chú rõ Đường Lâm là ở đâu đã gây lúng túng cho sử gia đời sau khi tìm hiểu quê hương của Ngô Quyền, mặt khác, điều này cũng thể hiện sự cẩn trọng của sử gia Việt Nam đối với những thông tin họ chưa thể kiểm chứng, đối chiếu, nhất là ở thời kì Việt Nam còn chưa có nhà nước, chưa có biên chép sử, những thông tin về thời kì này, phần lớn dựa vào thư tịch cổ Trung Quốc. Điểm quan trọng nhất ở đây không phải bản thân địa danh Đường Lâm mà là thông tin cha Ngô Quyền là người Đường Lâm và làm chức châu mục ở bản châu. Như thế, Đường Lâm có thể là tên một châu, mà Ngô Mân làm châu mục. Vậy, câu hỏi đặt ra là châu Đường Lâm này là châu Đường Lâm nào ? Nó khác gì không so với xã Đường Lâm Sơn Tây (ngày nay)?
2. Đường Lâm ở Sơn Tây: kết luận của các sử gia nhà Nguyễn thế kỷ XIX
Từ những thông tin cẩn trọng trong các bộ sử của triều Lê, các sử gia đời Nguyễn thế kỷ XIX đã tiến hành khảo cứu sâu hơn về địa danh này. Sự khảo cứu ấy được trình bày như dưới đây.
Nguyễn Văn Siêu (1795-1872) trong Đại Việt địa dư toàn biên大 越 地 輿 全 編, Địa chí loại, quyển 5, tỉnh Sơn Tây, phủ Quảng Oai, huyện Phúc Thọ, tr. 402 có viết: "Xét huyện Phúc Thọ là đất Phúc Lộc đời xưa. Cựu sử chép rằng: Đường Lâm ở huyện Phúc Lộc. (Mà) Xét Đường địa lý chép rằng: châu Phúc Lộc có ba huyện Nhu Viễn, Phúc Lộc và Đường Lâm. Từ Hoan Châu đi về phía đông hai ngày đến huyện Ninh Viễn (tức Nhu Viễn) châu Đường Lâm. Đi về phía nam qua sông Cổ La hai ngày đến nước Hoàn Vương... Lịch triều hiến chương lại chép rằng:... ‘Nhu Viễn bây giờ là huyện Gia Viễn. Đường Lâm nay là đất huyện Hoài An, huyện Mỹ Lương...’ Nay xét sử cũ chép: Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng. Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền) có hai đền thờ Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương. Còn có một bia khắc rằng: Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền. Hai vương cùng một làng, từ xưa không có. Uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ. Niên hiệu đề là Quang Thái năm thứ 3 (Trần Thuận Tông-1390) mùa xuân tháng 2, ngày 18 làm bia này. Thì Đường Lâm là Phúc Thọ ngày nay, nên lấy sử cũ cũng như văn bia là đúng (văn bia thời Trần ở Sơn Tây). Xét lời chú trên này (của Đường địa lý) là thuyết sai lầm, xem Đường thư có một câu: ‘Phúc Lộc tiếp Hoan Châu’ có thể biết là lầm. Trí Châu có sông Trí, tức là xã Phúc Lộc đất Hà Thanh, Cầu Dinh ngày nay . Nay tự đầu cõi huyện Hương Sơn đi thẳng đến thượng đạo Quảng Bình tức là châu Phúc Lộc cũ."
Đại Nam nhất thống chí大南ー統志 được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ 1865 đến 1882 ghi huyện Phúc Thọ: “Đời Hán là đất huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ; đời Lê Quang Thuận gọi là Phúc Lộc, trước lệ phủ Quốc Oai; đời Cảnh Hưng đổi lệ phủ Quảng Oai; đời Tây Sơn đổi là Phú Lộc; bản triều, đầu đời Gia Long lại đổi là Phúc Lộc; năm Minh Mệnh thứ 3 đổi tên hiện nay, thuộc phủ Quảng Oai thống hạt.” Và “Xét sử chép: ‘Đường lâm ở huyện Phúc Lộc. Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm’ . Nay là xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ có đền thờ Bố Cái Đại vương và đền thờ Ngô vương, có văn bia đại lược nói: ‘bản xã đất ở rừng rú, xưa gọi là Đường Lâm, thời thuộc Đường có Phùng húy là Hưng, đến thời Ngũ đại có Ngô Vương húy là Quyền, hai vương cùng ở một ấp, việc ấy từ trước chưa có bao giờ…’ Cuối bài bia chép: ‘phụng mệnh làm văn bia năm Quang Thái thứ 3’. Như thế thì huyện Phúc Thọ xưa kia có Đường Lâm, Đường Lâm là tên xã không phải tên châu. Ngô Thì Sĩ nói: ‘Đường Lâm ở vào quãng huyện Hoài An và huyện Mỹ Lương’. Dư địa chí của Phan Huy Chú (1782 - 1840) nói: ‘Nha Viễn nay là Gia Viễn, Đường Lâm nay là đất hai huyện Hoài An và Mỹ Lương.”
Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) trong Việt sử cương mục tiết yếu 越史綱目節要ghi: “Tân mùi, [791] (Đường Đức Tông, Trinh Nguyên năm thứ bảy). Mùa hạ, Phùng Hưng ở Đường Lâm, Phong Châu (Đường Lâm là tên xã; nay là xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây, không phải là huyện Đường Lâm, châu Phúc Lộc [chú của dịch giả: nay là xã Cam Lâm, huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây] )”
Có thể thấy dường như Nguyễn Văn Siêu là học giả đầu tiên ấn định địa danh Đường Lâm thuộc về Sơn Tây, sau đó thông tin này đã được chính sử nhà Nguyễn công nhận (1882). Kể từ đây, Sơn Tây đã tồn tại như một mảnh đất hai vua. Đặng Xuân Bảng tiếp thu thành tựu của người đi trước, khi viết cuốn Việt sử cương mục tiết yếu ông đã chua thêm hai chữ Phong Châu vào sau địa danh Đường Lâm. Tư liệu đáng chú ý nhất là văn bia đời Trần được Nguyễn Văn Siêu dẫn lại. Tiếc rằng, đây là một văn bia ngụy tạo như chúng tôi chứng minh ở mục “4. Đường Lâm Sơn Tây: một chặng huyền sử thế kỷ XX” trong bài viết này . Thứ hai, Nguyễn Văn Siêu đã không đặt sách mà ông gọi là Đường địa lý (sic) đó trong hệ thống tư liệu đồng đại hữu quan quan trọng khác như Tân Đường thư, Cựu Đường thư, Việt điện u linh, An Nam chí lược v.v… (cụ thể xin xem mục 5 của bài này). Từ kết luận ban đầu của Nguyễn Văn Siêu tiến tới sự đồng thuận của các sử gia của triều Nguyễn, Đường Lâm - Sơn Tây đất hai vua, trải qua gần 150 nay đã trở thành chân lý, hơn nữa là tín niệm.
Người đầu tiên tỏ ý nghi ngờ về kết luận trên là học giả Đào Duy Anh trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời, ông viết: “chúng tôi rất nghi ngờ những ghi chú ấy và nghĩ rằng rất có thể người ta đã lầm Đường Lâm là tên huyện đời Đường thuộc châu Phúc Lộc (Phúc Lộc châu có huyện Đường Lâm) thành tên xã Đường Lâm ở huyện Phúc Thọ” . Sự nghi ngờ của Đào Duy Anh là khá thận trọng và tinh nhạy về cảm giác của một người lão thực về trong lĩnh vực cổ sử Việt. Dưới đây, chúng tôi tiến hành khảo cứu diên cách xã Đường Lâm (huyện Phúc Lộc, Sơn Tây), để phần nào vén dần bức màn của lịch sử.
3. Đường Lâm - Sơn Tây: lịch sử diên cách
Xét về địa lí, xã Đường Lâm ngày nay thuộc thành phố Hà Nội, trước đó thuộc Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Một dải các tỉnh Hà Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc ngày nay thuộc các huyện Tây Vu, Mi Linh, Chu Diên của quận Giao Chỉ thời Tây Hán. Thời Đông Hán, chia huyện Tây Vu làm hai huyện Phong Khê, Vọng Hải. Thời Tấn, các huyện Tây Vu, Mi Linh, Chu Diên đều thuộc các quận Vũ Bình, Tân Xương . Đến đời Lý thuộc phủ Đại Thông . Đời Minh là huyện Long Bạt châu Đà Giang lộ Tam Giang . Đào Duy Anh cũng cho một lịch trình diên cách hơi khác như sau: “Trấn Sơn Tây: Cương mục (Chb, q.21) chú rằng: đời Đinh Lê Lý là đạo Đà Giang; đời Trần chia làm các lộ Tam Giang, Tam Đới, Quảng Oai, Quốc Oai; năm Quang Thái thứ 10 (1397 ) đổi lộ làm trấn; thời Lê Sơ làm các lộ Quốc Oai thượng, trung, hạ, thuộc Tây đạo; năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đổi làm Thừa tuyên Quốc Oai; năm thứ 10 (1468) đặt làm thừa tuyên Sơn Tây; năm Hồng Đức thứ 21 (1490) đổi làm xứ; trong đời Hồng Thuận làm trấn; đời Nguyễn đầu đời Gia Long lệ vào Bắc Thành; năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đổi làm tỉnh Sơn Tây, trích huyện Từ Liêm lệ vào tỉnh Hà Nội, huyện Tam Nông lệ vào tỉnh Hưng Hóa… Huyện Phúc Lộc: Nhất thống chí (Sơn Tây) chép rằng đời Cảnh Hưng đổi lệ vào phủ Quốc Oai; đời Tây Sơn đổi làm Phú Lộc, đầu đời Gia Long đổi làm Phúc Lộc; năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi làm Phúc Thọ. Hiện nay là Phúc Thọ tỉnh Hà Tây.”
Ngay từ đời Lý, đã có ghi chép về việc người ở Cam Giá dâng hươu đen cho vua Lý Nhân Tông . Cho tới tận đầu thế kỉ 19, đất Cam Lâm hiện nay còn có tên là Cam Tuyền (theo Các trấn tổng xã danh bị lãm各鎮總社名備覽 ), nhưng 60 năm sau đã thấy tên Cam Lâm xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí 大南一统志. Thế nhưng Cam Lâm này chữ Hán là 甘霖, chứ không phải là lâm 林 (rừng) trong Đường lâm 唐林.
Theo Thông điển thì một dải từ Hà Nội, Bắc Ninh về phía tây đến Hà Tây, Phú Thọ khá ổn định nội thuộc Phong Châu thời Đường. Không có châu Đường Lâm nào trong vùng đó. Còn huyện Phúc Lộc của Sơn Tây chỉ là địa danh được lập vào đời Lê Thái Tông, cuối Lê đổi là Phú Lộc, đến đời Nguyễn địa danh này chỉ tồn tại từ năm 1803- 1821, khác hoàn toàn với châu Phúc Lộc/ hay châu Đường Lâm (có các huyện dưới cấp là huyện Nhu Viễn, huyện Phúc Lộc và huyện Đường Lâm) thế kỷ VII- VIII – IX (như chúng tôi chứng minh qua các sử liệu ở mục 5.2).
4. Châu Đường Lâm (Phúc Lộc) qua tư liệu cổ sử
Tuy nhiên, đối với người làm công tác nghiên cứu lịch sử và nhất là nghiên cứu văn bản học chuyên sâu. Những nghi ngờ đã le lói đâu đó trong các chuyên luận (như của GS Đào Duy Anh, Văn Tân hay Bùi Văn Nguyên , Nguyễn Huệ Chi chẳng hạn), đã để lại nhiều gợi mở cho người đi sau tiếp tục tìm hiểu và giải mã. Với việc công nhận thông tin Khuông Việt Ngô Chân Lưu là hậu duệ của Ngô Thuận Đế (Ngô Quyền), thì đương nhiên quê hương Đại sư ắt là quê hương của tổ tiên ông, gần thì ông nội Ngô Quyền, xa hơn chút là cụ nội Ngô Mân là ở châu Đường Lâm. Dưới đây, chúng tôi tiến hành khảo sát sơ bộ các tài liệu cổ sử Việt Nam và Trung Quốc về địa danh này với tư cách một đơn vị hành chính là châu.
4.1. Châu Đường Lâm qua cổ sử Việt Nam
Sử Tàu không chép “trực tiếp” về quê hương của Ngô Quyền cũng như các cụ tổ nhà Ngô Chân Lưu. Khảo xét thư tịch cổ Việt Nam thì tài liệu đáng lưu ý nhất là An Nam chí lược 安南志略 của Lê Tắc 黎崱soạn năm 1335 có ghi như sau: 五季間愛州人吳權領交阯 “Qua đời Ngũ-Đại (907-959), người đất Ái-Châu là Ngô Quyền, chiếm giữ quận Giao Chỉ”. Sách này một đoạn khác ghi: 呉權愛州人廷藝牙将也殺公羡而自立子昌岌弟昌濬繼之. Nghĩa là: “Ngô-Quyền: người Châu Ái, nha tướng của Đình Nghệ, giết Công Tiễn, tự lập làm vua, con là Xương Ngập với em Xương Tuấn kế noi ông”. Đến đây, thiết nghĩ cũng nên điểm qua vài nhân vật lịch sử có quê ở châu Đường Lâm.
Sách An Nam chí lược ghi: “Kịp thời Ngũ Đại, các người thổ hào ở các châu Giao, Ái là Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn… thay nhau dùng võ lực cướp quyền.” Sách này cũng ghi: 楊廷藝愛州人“Dương Đình Nghệ: người châu Ái” . Lại chép: “Niên hiệu Thiên Phúc nhà Tấn năm thứ 2 (Ngụy Hán, Đại Hữu thứ 10) (937), Ngô Quyền cử binh Ái Châu vây Công Tiễn” , lại chép: “Ngô Quyền, người Châu Ái, nha tướng của Đình Nghệ, giết Công Tiễn, tự lập làm vua.” Cũng ghi 黎桓愛州人有志畧得志丁璉委以兵權因簒丁氏自稱交州三使“Lê Hoàn người Ái châu, có chí lược, được Đinh Liễn giao binh quyền, nhân soán ngôi họ Đinh, tự xưng Giao châu Tam sứ”
An Nam chí lược quyển 1 mục Cổ châu danh có ghi nhận châu Đường Lâm: 古州名峯州呉曰新昌長州武峩州唐林州 . Nghĩa là: “Tên các châu cổ: Phong châu (đời Ngô là Tân Xương), Trường châu, Vũ Nga châu, Đường Lâm châu”
Nhiều ý kiến cho rằng có lẽ ghi chép này đúng bởi soạn giả Lê Tắc sống vào thế kỉ XIII, lại là người cùng quê , khả năng chính xác là cao .
Sách Việt Điện u linh tập 粵甸幽靈集do Lý Tế Xuyên 李濟川 soạn năm 1329: 按趙公交州記。王姓馮名興。世為唐林州夷長。號郎官。王豪富有勇力。能搏虎。。。王用唐林人杜英翰之計。以吳兵襲唐林州 “Xét sách Giao châu ký của Triệu công, Vương họ Phùng tên Hưng, đời đời làm di trưởng châu Đường Lâm, hiệu là Quan lang. Vương giàu có, lại có dũng lực, có thể đánh hổ… Vương dùng kế của người châu Đường Lâm là Đỗ Anh Hàn, đem quân ngô đi đánh châu Đường Lâm.”
Như vậy, các ghi chép về châu Đường Lâm qua hai thư tịch được coi là cổ nhất còn lại do người Việt biên soạn là An Nam chí lược và Việt điện u linh, chúng ta bước đầu có một sự mường tượng như sau về mảnh đất này. Châu Đường Lâm (xuất nhập hoặc cận kề với Châu Ái) vào thế kỷ VIII- IX là nguyên quán của hàng loạt các thủ lĩnh như Phùng Hưng, Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ (con là Dương Tam Kha), Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền (con: Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập; cháu: Ngô Chân Lưu, Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh). Ngoài ra, còn có Đinh Bộ Lĩnh đóng đô ở Hoa Lư (thuộc Thanh Hoa ngoại trấn sau này). Trần Công Lãm một sứ quân từng chiếm cứ Đường Lâm . Thêm nữa, Lê Hoàn là người Trường Châu (cũng thuộc Thanh Hóa). Điểm diện để “cắm cờ” cho các quân doanh và địa bàn hoạt động thì có thể thấy những mối liên hệ về gia tộc, hôn nhân, quyền lực, tôn giáo của các thế lực này, từ đó có thể vạch ra một sơ hồ tổng quan hệ của các nhân vật lịch sử. Cho nên, vùng Ái châu, Trường châu, Hoan châu và châu Đường Lâm xưa có thể coi là trung tâm chính trị của nước ta vào giai đoạn đó. Vấn đề này đến nay dường như chưa được quan tâm đúng mức, cần có những khảo sát sâu hơn, rộng hơn và nhiều chiều hơn nữa . Tạm không nêu ở đây.
4.2. Châu Đường Lâm qua cổ sử Trung Hoa
Khảo thư tịch cổ Trung Quốc đồng đại và hậu đại, có một số thông tin về châu Đường Lâm - Phúc Lộc như sau :
1. Thông điển 通典 do Đỗ Hữu杜佑 (735 - 812) đời Đường soạn xong năm 801, quyển 184 ghi: 福禄郡東至里南至里西至北至里東南到里西南到里西北到里東北到里去西京里去東京里户口福禄州土地與九真郡同大唐為福禄州或為福禄郡領縣二柔遠唐林文陽郡長州土地與九真郡同大唐為長州或為文陽郡領縣四銅蔡長山其常文陽今理安遠縣東至里南至里西至里北至里東南到里西南到里西北到里東北到里去西京里去東京里户六百三十口三千四十今理文陽縣日南郡東至福禄郡界一百里南至羅伏郡界一百五十里西至環王國界八百里北至九真郡界六百里東南到海百五十里西南到當郡界四百里西北到靈䟦江四百七十里東北到陵水郡五百里去西京陸路一萬二千四百五十里水路一萬七千里去東京陸路一萬五百九十五里水路一萬七千二百二十里户九千六百二十九口五萬三千八百一十八. Nghĩa là: “Quận Phúc Lộc, phía đông... phía nam... phía tây... phía bắc... phía đông nam... phía tây bắc... phía đông bắc... cách Tây Kinh ... cách Đông Kinh ... hộ... người. Châu Phúc Lộc, sở trị ở huyện An Viễn. Đất đai giống với quận Cửu Chân. Nhà Đại Đường đặt ra châu Phúc Lộc, hoặc là quận Phúc Lộc. Lĩnh hai huyện: Nhu Viễn. Đường Lâm. Quận Văn Dương, phía đông... phía nam... phía tây... phía bắc... phía đông nam... phía tây nam... phía tây bắc... phía đông bắc... Cách Đông Kinh... cách Tây Kinh... Sáu trăm mười ba hộ, ba nghìn bốn mươi người. Trường Châu, sở trị ở huyện Văn Dương. Đất đai giống với quận Cửu Chân. Nhà Đại Đường đặt ra Trường Châu, hoặc là quận Văn Dương. Lĩnh bốn huyện: Đồng Thái, Trường Sơn, Kì Thường, Văn Dương. Quận Nhật Nam, phía đông đến địa giới quận Phúc Lộc một trăm dặm. Phía nam đến địa giới quận La Phục một trăm năm mươi dặm. Phía tây đến địa giới nước Hoàn Vương tám trăm dặm. Phía bắc đến địa giới quận Cửu Chân sáu trăm dặm. Phía đông nam đến biển một trăm năm mươi dặm. Phía tây nam đến địa giới quận Đương bốn trăm dặm. Phía tây bắc đến sông Linh Bạt bốn trăm bảy mươi dặm. Phía đông bắc đến quận Lăng Thủy năm trăm dặm. Đi Tây Kinh theo đường bộ một vạn hai nghìn bốn trăm năm mươi dặm, đường thủy một vạn bảy nghìn dặm. Cách Đông Kinh đường bộ một vạn năm trăm chín mươi lăm dặm, đường thủy một vạn bảy nghìn hai trăm hai mươi dặm. Chín nghìn sáu trăm mười chín hộ, năm vạn ba nghìn tám trăm mười tám người”.
2. Cựu Đường thư 舊唐書 do người thời Hậu Tấn là Lưu Hú 劉 昫(887- 946)khởi soạn vào năm 945, quyển 41 ghi: 岭南道福禄州下土俗同九真郡之地后為生獠所据龍朔三年智州刺史謝法成招慰生獠昆明北楼等七千餘落總章二年置福禄州以處之天宝元年改為福禄郡至德二年改為唐林郡乾元元年复為福禄州領縣二無户口及两京道里四至州郡 柔遠州所治與州同置本名安遠至德二年改為柔遠也 唐林“Đạo Lĩnh Nam, châu Phúc Lộc: Đất đai phong tục giống với đất quận Cửu Chân, sau bị người Sinh Liêu chiếm. Năm thứ ba niên hiệu Long Sóc (663) , Trí Châu Thứ sử Tạ Pháp Thành chiêu dụ bảy nghìn lạc dân thổ Côn Minh, Bắc Lâu . Năm Tổng Chương thứ hai (669) , đặt ra châu Phúc Lộc để cai trị họ. Năm đầu niên hiệu Thiên Bảo đầu tiên (742) , đổi làm quận Phúc Lộc. Năm thứ hai niên hiệu Chí Đức (757), đổi làm quận Đường Lâm. Năm đầu tiên niên hiệu Càn Nguyên (758), đặt lại làm châu Phúc Lộc. Lĩnh hai huyện, không tính số hộ, người và số dặm đường đến hai kinh đô , bốn phía đến châu quận. Nhu Viễn: sở trị của châu, cùng lập ra với châu, vốn tên là An Viễn, năm thứ hai niên hiệu Chí Đức, đổi tên là Nhu Viễn vậy. Đường Lâm.”
Cựu Đường thư, Quyển tứ thập nhất khảo chứng: 福祿州領柔遠一縣。新書多唐林福祿二縣 “Châu Phúc Lộc lĩnh một huyện Nhu Viễn. nay mới chép thêm hai huyện Đường Lâm, Phúc Lộc.”
3. Thái Bình hoàn vũ kí 太平寰宇記 (quyển 171) soạn vào đời Tống Thái Tông 宋太宗trong những năm Thái Bình Hưng Quốc 太平興國(976 - 983)ghi: 福禄州福禄州福禄郡今理安遠縣土俗同九眞郡之地後為生獠所據唐龍朔三年智州刺史謝法成招尉生獠昆明比樓等七千餘落總章三年置福禄州以處之天寳元年改為福禄郡至德二年改為唐林郡乾元元年復為福禄州元領縣三柔遠唐林福禄土産貢白蠟紫緋騏麟竭無名異柔逺縣一鄉州理本名安遠唐至德二年改為柔逺唐林縣一鄉福禄縣一鄉已上三縣與州同置 “Phúc Lộc châu (Phúc Lộc quận): nay sở lị ở huyện An Viễn, đất đai và phong tục gần với quận Cửu Chân, sau bị dân Sinh Liêu chiếm cứ. Đời Đường, năm Long Sóc thứ hai (662), Trí châu Thứ sử Tạ Pháp Thành chiêu dụ vỗ về được dân miền núi là Côn Minh, Tỉ Lâu vân vân hơn bảy ngàn lạc. Năm Tổng Chương thứ 3 (670) đặt châu Phúc Lộc để cai quản dân này. Năm Thiên Bảo thứ nhất, cải làm quận Phúc Lộc. Năm Chí Đức thứ 2 (757), cải làm quận Đường Lâm. Năm Càn Nguyên thứ nhất (758), cải lại làm châu Phúc Lộc. Châu này vốn lĩnh ba huyện là Nhu Viễn, Đường Lâm, Phúc Lộc. Thổ sản: cống bạch lạp (sáp trắng), tử phi , sừng tê, và nhiều thứ lạ không biết tên. Huyện Nhu Viễn một hương: vốn tên là An Viễn, đời Đường Năm Chí Đức thứ 2 (757) cải làm Nhu Viễn. Đường Lâm huyện một hương. Phúc Lộc huyện một hương. Trở lên là ba huyện được đặt ra cùng với châu”.
4. Tân Đường thư 新唐書 do Âu Dương Tu 歐陽修 và Tống Kì 宋祁 biên soạn năm 1060, quyển 43 thượng ghi: 福禄州唐林郡下本福禄郡總章二年智州刺史謝法成招慰生獠昆明北楼等七千餘落以故唐林州地置大足元年更名安武州至德二載更郡曰唐林乾元元年复州故名土貢白蠟紫穀户三百一十七縣三柔遠本安遠至德二載更名唐林唐初以唐林安遠二縣置唐林州后州縣皆廢更置福禄下“Quận Đường Lâm của châu Phúc Lộc, vốn là quận Phúc Lộc, năm thứ hai niên hiệu Tổng Chương (669), Trí Châu Thứ sử là Tạ Pháp Thành chiêu dụ hơn bảy nghìn lạc người thổ Côn Minh, Bắc Lâu, cho nên đất Đường Lâm đặt ra. Năm đầu tiên niên hiệu Đại Túc đầu tiên đổi tên là châu An Vũ, năm thứ hai niên hiệu Chí Đức đổi thành quận đặt tên là Đường Lâm, năm đầu tiên niên hiệu Càn Nguyên , đặt lại tên châu như cũ. Đồ cống nạp của đất này: bạch lạp, tử cốc . Ba trăm mười bảy hộ. Ba huyện: Nhu Viễn, vốn là huyện An Viễn, năm Chí Đức thứ hai đổi tên; Đường Lâm, đầu thời Đường lấy hai huyện Đường Lâm, An Viễn đặt ra châu Đường Lâm, sau châu, huyện đều bỏ, đổi đặt lại; Phúc Lộc.”
Tân Đường thư, quyển 43 hạ: 岭南道 一路自驩州东二日行至唐林州安遠縣南行經古羅江二日行至環王國之檀洞江又四日至硃崖又經单补鎮二日至環王國城故漢日南郡地也 “Đạo Lĩnh Nam: Một đường từ phía đông Hoan Châu đi hai ngày, đến huyện An Viễn của châu Đường Lâm, đi về phía nam qua sông Cổ La, đi hai ngày đến sông Đàn Động của nước Hoàn Vương . Lại đi bốn ngày đến Chu Nhai . Lại đi qua Đan Bổ Trấn, đi hai ngày đến thành nước Hoàn Vương, thời Hán xưa gọi là đất quận Nhật Nam vậy.”
5. Dư địa quảng kí 輿地廣記, do Âu Dương Văn 歐陽忞 soạn vào đời Tống Huy Tông 宋徽宗trong những năm Chính Hòa 政和(1111-1117), quyển 38 có đoạn : 福禄州自隋以前地理與福禄郡同後為生獠所據唐龍朔三年智州刺史謝法成招慰生獠昆明北樓及生獠等七千餘落總章二年置福禄州以處之天寶元年改為福禄郡至德二載改為唐林 郡乾元元年復為福禄郡 Nghĩa là: …châu Phúc Lộc từ đời Tùy về trước, địa lý cùng như quận Phúc Lộc, sau bị dân thổ chiếm. Đời Đường, năm Long Sóc thứ 3, Trí châu Thứ sử Tạ Pháp Thành úy lạo hơn bảy ngàn lạc dân thổ Côn Minh, Bắc Lâu. Năm Tổng Chương thứ 2 đặt châu Phúc Lộc để quản dân ấy. Năm Thiên Bảo thứ nhất, đổi làm quận Phúc Lộc. Năm Chí Đức thứ 2 đổi làm Đường Lâm quận. Năm Kiền Nguyên thứ nhất lại đổi thành Phúc Lộc quận.
6. Đại sự ký 大事記do Lã Tổ Khiêm 吕祖謙 (1137-1181) đời Tống soạn, quyển 12: 交趾今安南國交峯陸州之地九眞郡今化外愛驩長演山福禄州之地日南郡今化外林景州之地朱崖郡今朱崖萬安軍瓊州之地… “Giao Chỉ, nay là nước An Nam: Giao châu, Phong châu là đất Lục châu xưa. Quận Cửu Chân nay vốn là đất của châu Ái, châu Hoan, châu Trường, châu Diễn, châu Sơn, châu Phúc Lộc xưa. Quận Nhật Nam nay vốn là đất của châu Lâm, Cảnh. Quận Chu Nhai nay vốn là đất của Chu Nhai, Vạn An, Quân, Quỳnh châu xưa”
7. Quý Châu thông chí 貴州通志, do Trần Quân (? - ?) người đời Minh biên tập, quyển 3 ghi: 總章二年智州刺史謝法成招慰生獠以故唐林州地置福禄州…古州福禄州俱隸嶺南採訪使唐末皆没於蠻. Nghĩa là: “năm Tổng Chương thứ 2, Trí châu thử sử Tạ Pháp Thành úy lạo dân thổ, cho nên châu Đường Lâm được đặt ra… châu Cổ và châu Phúc Lộc đều thuộc Lĩnh Nam, tìm trong sử thấy cuối đời Đường đều mất về tay người man .
8. Độc sử phương dư kỉ yếu 讀史方輿紀要 do người đời Thanh là Cố Tổ Vũ 顧祖禹soạn trong 30 năm, hoàn tất năm 1692, quyển 112 ghi: 福禄城在府西南唐武德中所置羁縻唐林州也貞觀初廢總章二年智州刺史謝法成招慰生獠昆明北楼等七千餘落以故唐林州地置福禄州大足元年更名安武州神龍初复故天宝初曰福禄郡至德二載改曰唐林郡乾元初仍為福禄州后廢又桑遠廢縣唐福禄州治也本曰安遠至德二載改曰桑遠兼領唐林福禄二縣廢長州與福禄州相近唐置領文阳銅蔡長山其常四縣亦曰文陽郡,后為蠻廢。 Nghĩa là: “Thành Phúc Lộc tại phía tây nam phủ. Giữa năm Vũ Đức thời Đường đặt ra châu Đường Lâm ki mi vậy. Đầu năm Trinh Quán bỏ. Năm thứ hai niên hiệu Tổng Chương, Trí Châu Thứ sử Tạ Pháp Thành chiêu dụ hơn bảy nghìn lạc dân thổ Côn Minh, Bắc Lâu, cho nên đất châu Đường Lâm đặt ra châu Phúc Lộc. Năm đầu tiên niên hiệu Đại Túc, đổi tên là châu An Vũ. Đầu năm Thần Long, đặt lại như cũ. Đầu năm Thiên Bảo, gọi là quận Phúc Lộc. Năm thứ hai niên hiệu Chí Đức, đổi tên là quận Đường Lâm. Đầu năm Càn Nguyên, vẫn đặt ra châu Phúc Lộc. Sau đó bỏ. Lại bỏ huyện Tang Viễn, là sở trị của châu Phúc Lộc thời Đường vậy, vốn tên là An Viễn, năm thứ hai niên hiệu Chí Đức, đổi tên là Tang Viễn; kiêm lĩnh hai huyện Đường Lâm, Phúc Lộc. Bỏ Trường Châu, gần với châu Phúc Lộc, lĩnh bốn huyện Văn Dương, Đồng Thái, Trường Sơn, Kì Thường, cũng gọi là quận Văn Dương, sau bị người Man bỏ”.
Còn khá nhiều sử liệu đời sau khác cũng biên chép về châu Đường Lâm - Phúc Lộc nhưng phần lớn dẫn dụng các tài liệu cổ sử như đã nêu trên, vì vậy chúng tôi không trình bày tiếp ở đây.
Tổng hợp sử liệu đã nêu, có thể tạm thời nhận xét rằng: Đường Lâm/ Phúc Lộc là tên một đơn vị hành chính là châu (trong đó gồm ba huyện Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc, lại có thêm thành Phúc Lộc), được thành lập trong khoảng những năm Vũ Đức (từ 619 - 627 nhà Đường), đến sau đời Đường địa danh này bị bỏ. Nguyên do là Đường Lâm nằm gần Trường Châu , hai vùng này sau bị người miền núi chiếm cứ không thuộc sự quản lý của nhà Đường. Sau này không thấy khôi phục lại nữa.
Theo Độc sử phương dư kỉ yếu thì Đường Lâm thuộc tây nam châu Ái (vào đời Đường không thuộc châu Ái nhưng phong tục thì tương đồng). Dân cư châu Đường Lâm/Phúc Lộc tuyệt đại đa số là người bản địa gồm các dân Côn Minh, Bắc Lâu/Tỉ Lâu , do các tù trưởng nắm giữ , khu vực này cũng có dân Bắc , có hộ khẩu , nhưng đóng thuế rất ít chủ yếu là lâm thổ sản.
Có vẻ như Đại Việt sử kí toàn thư cũng căn cứ vào cổ sử Trung Quốc để liên kết hai địa danh Phúc Lộc và Đường Lâm khi chú giải cho sự kiện Phùng Hưng nổi dậy: 辛 未 唐 貞 元 七 年春 安 南 都 護 府 髙 正 平 為 政 重 歛夏 四 月 交 州 唐 林 人 唐 林 在 福 祿 縣 馮 興 起 兵 圍 府政 平 以 憂 子先 是 馮 興 豪 富 有 勇 力 能 排 牛 搏 虎於 唐 代 宗 大 曆 中 因 交 州 亂 與 其 弟 駭 相 率 復 諸 隣 邑 興 號 都 君 駭 號 都 保 與 正 平 相 攻 久 不 能 克至 是 用 . Nghĩa là: “Tân Mùi [791], (Đường Trinh Nguyên năm thứ 7). Mùa xuân, An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc quan bắt dân đóng góp nặng. Mùa hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết. Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-780] đời Đường Đại Tông, nhân Giao Châu có loạn, cùng với em là Hãi hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được.” Ghi chép trên của Đại Việt sử kí toàn thư nói một cách chính xác quê Phùng Hưng là ở huyện Đường Lâm châu Phúc Lộc . Tuy vậy, Cựu Đường thư, Tân Đường thư ghi: 柔逺縣一鄉…唐林縣一鄉,福禄縣一鄉,已上三縣 Nhu Viễn huyện nhất hương… Đường Lâm huyện nhất hương, Phúc Lộc huyện nhất hương, dĩ thượng tam huyện. Rắc rối là ở các chữ “ huyện nhất hương”. “Nhất hương” ở đây là một cụm danh từ có kết cấu “số từ + lượng từ”, lượng từ “hương” không phải là một đơn vị hành chính, mà trỏ một vùng đất chung chung. Đơn vị hành chính trong cụm “Đường Lâm huyện nhất hương” đã nằm trong chữ huyện rồi. Các sử gia đời sau vì một lẽ nào đó chỉ ghi là “Đường Lâm nhất hương”, khiến cho nhiều thế hệ dịch giả dịch thành “Đường Lâm, một làng”. Có lẽ câu chuyện đi tìm làng Đường Lâm từ đây mà ra.
Dù thế nào thì Đường Lâm và Phúc Lộc gần như luôn đi kèm với nhau, nếu biết Đường Lâm chính xác ở đâu thì xác định được vị trí tương đối của Phúc Lộc và ngược lại. Xét sử kí Trung Hoa ghi chép các địa danh Phúc Lộc, có thể định vị được Phúc Lộc có thể nằm ở vị trí nào ngày nay .
Tổng hợp những tư liệu về châu Phúc Lộc cho thấy. Phúc Lộc vừa là tên châu vừa là tên một huyện. Địa danh Phúc Lộc luôn có sự xuất nhập với Đường Lâm trong khi Nhu Viễn (sau đổi là An Viễn, hay An Vũ) ổn định lệ thuộc một trong châu này. Phúc Lộc cũng như Đường Lâm gần với quận Cửu Chân, thổ tục giống như vậy. Với những sử liệu và lập luận được sử dụng, bước đầu có thể tin rằng Phùng Hưng, Ngô Quyền, cũng như Ngô Chân Lưu là người châu Đường Lâm/ Phúc Lộc. Đường Lâm này xuất nhập với châu Ái cho nên Lê Tắc mới cho rằng Ngô Quyền là người châu Ái. Vị trí chính xác của Đường Lâm này nằm ở đâu chúng tôi xin được đề cập đến trong bài viết khác, nhưng khả năng cao là châu Đường Lâm này khó có thể nằm ở Sơn Tây ngày nay, như chúng tôi đã chứng minh ở trên.
Qua những cứ liệu đã trình bày, chúng tôi tạm có một vài kết luận sơ bộ như sau:
Châu Đường Lâm- quê của Phùng Hưng Ngô Quyền vốn từng có tên châu Phúc Lộc (gồm ba huyện Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc), châu này nằm phía tây nam Ái Châu, gần gũi Trường Châu, về sau đã có lúc quy về Ái Châu.
Vị trí chính xác của châu Đường Lâm còn phải khảo chứng thực địa, bổ sung các cứ liệu về họ tộc, cư dân, phong tục, sản vật, ngôn ngữ bản địa, cũng như sự thờ cúng và tư liệu điền dã tại địa bàn Thanh Hóa ngày nay và các khu vực lân cận. Dù vậy, có thể khẳng định rằng quê Ngô Quyền nằm loanh quanh giữa vùng Thanh Hóa - Nghệ An ngày nay mà khó có thể ở vị trí Sơn Tây (khi đó là huyện Gia Ninh của Phong Châu) được.
Trong suốt lịch sử từ đời Hán cho đến năm 1964, khu vực Sơn Tây không hề có châu hay huyện hay làng nào tên là Đường Lâm. Tên xã Đường Lâm tại Sơn Tây ngày nay mới xuất hiện từ năm 1964 (ngày 21 tháng 11).
Bài viết là một hành trình từ cổ sử Tàu qua cổ sử ta kết hợp với các tài liệu liên quan để có cái nhìn đồng đại và lịch đại nhằm soi tỏ vấn đề tưởng như đã không còn gì cần bàn cãi. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhận định rằng, dù quê Đại sư Khuông Việt ở đâu thì đó cũng không phải là ở Sơn Tây (ngày nay). Bài viết được hoàn thành một phần dựa trên những gợi mở chúng tôi có được từ các học giả trong và ngoài nước chính thức phát biểu qua những tham luận khoa học hay nhiều khi chỉ là câu chuyện lúc trà dư tửu hậu. Chúng tôi hi vọng trong thời gian sắp tới sẽ có dịp trở lại với chủ đề này.
Bản thảo tại Nam Ninh, ngày 21/2/2011, chính bản hoàn thiện tại Hà Nội, 3/ 2011.

Địa chỉ liên lạc: Trần Trọng Dương, Viện NC Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội. Email: trantrongduonghn@gmail.com

Đường Lâm Sơn Tây: huyền sử tkXX?

ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY: MỘT CHẶNG HUYỀN SỬ THẾ KỶ XX?

Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan
vanhoanghean.com.vn/.../2299-duong-lam-son-tay-mot-chang-huyen-su-the-ky-xx.html -

Chúng ta đều biết địa danh Đường Lâm tại Sơn Tây ngày nay đã đi vào tiềm thức của hàng triệu người với tư cách là quê hương của Phùng Hưng và Ngô Quyền - hai vị vua lừng lẫy có công đầu trong việc giành lại quyền độc lập tự chủ của người Việt khỏi sự đô hộ của người phương Bắc. Nơi đây, còn tồn tại lăng mộ cũng như nhà thờ hai vị. Đường Lâm được coi là ngôi làng duy nhất được công nhận là Quần thể di tích cấp quốc gia, được nhà nước đầu tư trọng điểm về văn hóa và du lịch. “Đất hai vua” đã trở thành danh xưng thân thuộc, trở thành đất linh thiêng, đất tông miếu, đất hương hỏa, mảnh đất tự hào của biết bao nhiêu người Sơn Tây nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, một ngôi làng nhưng mang vinh hiển của cả quốc gia và lịch sử mười hai thế kỷ, chân lý ấy dường như không cần bàn cãi. Tuy nhiên, đối với người làm công tác nghiên cứu lịch sử và nhất là nghiên cứu văn bản học chuyên sâu, những nghi ngờ đã le lói đâu đó trong các chuyên luận hay bài viết ( có thể kể đến công trình của GS Đào Duy Anh , Văn Tân hay Bùi Văn Nguyên , Nguyễn Huệ Chi v.v…), đã để lại nhiều gợi mở cho người đi sau tiếp tục tìm hiểu và giải mã. Dưới đây, chúng tôi xin lược thuật lại ý kiến của hai học giả Đào Duy Anh và Văn Tân đã phát biểu trước nay nửa thế kỷ.
Trang 84, quyển Đất nước Việt-nam qua các đời, Đào Duy Anh viết: “Đại Việt sử ký toàn thư (ngoại, q. 5) chép rằng Ngô Quyền là người Đường Lâm, con Ngô Mân là châu mục bản châu. Sách Cương mục (Tb, q. 5) chú rằng: Đường Lâm là tên xã xưa, theo sử cũ chú là huyện Phúc-lộc, huyện Phúc-lộc nay đổi làm huyện Phúc-thọ, thuộc tỉnh Sơn-tây. Xét Sơn Tây tỉnh chí thì thấy nói xã Cam Lâm huyện Phúc Thọ xưa gọi là Đường Lâm, Phùng Hưng và Ngô Quyền đều là người xã ấy, nay còn có đền thờ ở đó. Chúng tôi rất ngờ những lời ghi chú ấy và nghĩ rằng rất có thể người ta đã lầm Đường Lâm là tên huyện đời Đường thuộc châu Phúc-lộc (Phúc-lộc châu có huyện Đường Lâm) thành tên xã Đường Lâm ở huyện Phúc-thọ. Huyện Đường Lâm châu Phúc-lộc là ở miền nam Hà-tĩnh. An-nam kỷ lược thì lại chép rằng Ngô Quyền là người Ái-châu, cũng chưa biết có đúng không” . Phương pháp sử học của Đào Duy Anh là tiến hành khảo cứu về địa danh châu Đường Lâm thông qua những tư liệu cổ sử. Tuy nhiên, khi viết cuốn chuyên luận của mình, Đào Duy Anh cũng chưa có điều kiện để tiếp xúc đọc đầy đủ các tư liệu cổ sử cấp một, tức những bộ sử được biên soạn ghi đồng thời với các nhân vật lịch sử Phùng Hưng, Ngô Quyền, ví như Thông sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư… Song, những nghi ngờ của Đào Duy Anh có thể nói là rất nhạy bén và lão thực.
Năm 1966, sau sáu năm kể từ khi chuyên luận của Đào Duy Anh ra đời, Văn Tân khi phê bình Đại Việt sử ký toàn thư, đã cho rằng “ý kiến bạn Đào-duy-Anh rất đáng cho chúng ta để ý…Ngô Quyền là người huyện Đường Lâm thuộc Hoan-châu chứ không phải là người huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây…Ngô Quyền là quý tộc con Ngô Mân quê ở Hoan Châu (có chỗ nói Ái châu) đã dấy quân từ Hoan châu tiến ra bắc phá quân Nam Hán ở cửa Bạch-đằng. Như vậy Ngô Quyền phải là người huyện Đường Lâm châu Phúc-lộc (Hà-tĩnh) chứ không phải người xã Đường Lâm huyện Phúc-thọ (Sơn-tây). Có thế mới phù hợp với tình hình xã hội hồi thế kỷ VIII, IX và X” . Sự đồng thuận của Văn Tân dựa trên những nhận thức và phông lịch sử sâu rộng của thế hệ học giả này về lịch sử Việt Nam trước thế kỷ X.
Tháng 8 năm 1967, trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (số 101), Trần Quốc Vượng đã có một bài viết rất quan trọng để khẳng định Đường Lâm thuộc Sơn Tây , bài viết mang tên Về quê hương Phùng Hưng đồng thời phủ định ý kiến của Đào Duy Anh và Văn Tân. Ngay sau khi đăng tải, bài viết của Trần Quốc Vượng lập tức trở thành quan điểm được nhiều người ủng hộ bởi Trần Quốc Vượng đã kết hợp khai thác các tài liệu bi ký cũng như các khảo sát điền dã tại di tích, địa phương cũng như các sử liệu hữu quan. Có thể coi đây là tiếng nói quan trọng nhất lúc bấy giờ để ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này. Cứ liệu quan trọng nhất mà Trần Quốc Vượng đưa ra là tấm bia mà ông gọi nôm na là “Bia Đường Lâm” có niên đại 1390 thuộc niên hiệu Quang Thái 光泰đời Trần . Văn bia này có những thông tin được Trần Quốc Vượng khai thác như sau: “Nguyên bản xã đất nhiều rừng rậm, xưa gọi là Đường Lâm, đời đời sản sinh nhiều vị anh hùng hào kiệt…Theo bia Đường Lâm thì khi Ngô Quyền lên ngôi vua (939), ông đã lấy bản xã làm “thang mộc ấp”. Ngô vương Quyền ở ngôi sáu năm thì mất…Tự vương (vua nối dõi- có lẽ là chỉ Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn, hoặc cũng có thể chỉ Dương Tam Kha, người đã tự lập làm vương sau khi Ngô Quyền chết- TQV) lập miếu đình để làm nơi cho bản ấp phụng thờ tế lễ [Ngô vương Quyền]… Bia đó do những người họ Phùng họ Ngô…là con cháu của Phùng Hưng Ngô Quyền lập ra, văn bia nói là ‘trích gia phả của hai họ, tóm thuật những điều cốt yếu ghi vào bia để truyền lại lâu dài’” Đây có thể coi là cứ liệu quan trọng nhất của bài viết để chốt lại vấn đề. Bia có niên đại rất sớm, thuộc vào cuối đời Trần; lại là bia bản xã, bia do con cháu của hai dòng họ lập nên để tiến hành cúng tế thờ phụng hai vua. Các cứ liệu đã hội đủ, bảng vàng bia đá là cứ liệu xác tín đanh thép nhất, để khẳng định: Đường Lâm- Sơn Tây là đất của hai vua Phùng Hưng và Ngô Quyền, hai vị anh hùng bậc nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cho nên, sự đồng thuận của toàn bộ giới sử học từ đó cho đến nay là điều dễ hiểu.
Trải qua gần 50 năm, kết luận của Trần Quốc Vượng đến nay đã trở thành chân lý. Đường Lâm - Sơn Tây, được nêu lên như là một địa chỉ của văn hóa, lịch sử với các hệ thống nhà cổ, các danh nhân và các truyền thuyết đẹp đẽ về hai nhân vật lịch sử này. Đường Lâm - Sơn Tây đã trở thành đối tượng thú vị của hàng loạt các công trình nghiên cứu, các hội thảo trong và ngoài nước. Đường Lâm Sơn Tây đã chính thức được đưa vào trong chính sử, được viết vào sách giáo khoa và giảng dạy trong các trường học từ cấp cơ sở cho đến cấp cử nhân, thạc sỹ và tiến sĩ. Hệ thống truyền thông, báo chí truyền hình, các trang mạng cộng đồng,...tất cả đều tập trung miêu tả, ca ngợi, bình thán,…về một vùng quê mang sự hiển hách của ngàn năm lịch sử và bề dày văn hiến. Năm mươi năm qua là năm mươi lớp người được hiểu về lịch sử theo quan điểm chính thống ấy. Những băn khoăn, trăn trở thuở nào của các bậc cựu học như Đào Duy Anh, Văn Tân đã không còn mấy ai còn biết đến nữa. Lịch sử đã xuôi theo một chiều đẹp đẽ làm thỏa mãn sự tự hào của bao nhiêu lớp người yêu văn hóa lịch sử Việt Nam.

Một cơ duyên đã đưa đẩy chúng tôi khi đi nghiên cứu bản quán Khuông Việt Ngô Chân Lưu phải giám định lại văn bia này. Kết quả giám định cho thấy, cứ liệu cốt tử nhất mà Trần Quốc Vượng đã dựa vào đáng tiếc có lẽ lại là một bia ngụy tạo vào đời sau. Hàng loạt các nhà sử học, khởi từ Trần Quốc Vượng cho đến Nguyễn Minh Tường , … đều tin vào tính xác thực của văn bia này, trừ Vũ Duy Mền và Nguyễn Tùng - một nhà lịch sử nhân loại học Việt Nam cư trú tại nước ngoài . Cơ sở để chúng tôi khẳng định văn bia này là ngụy tạo như sau:
Về mặt thư pháp và văn tự học, chữ khắc trên văn bia đều là lối chữ chân nhỏ nhắn, quy củ và chuộng kỹ của triều Nguyễn, khác hẳn với thư pháp đời Trần như thư pháp của Trương Hán Siêu . Nét khắc của bia rất sắc nét, gần như không có chữ nào mờ. Lòng nét khắc vẫn theo đao bút hình chữ “v” khá sâu, chứng tỏ văn bản mới chỉ khắc trong vòng 200 năm trở lại đây.
Về địa danh học, văn bia này dù cố gắng ngụy tạo, nhưng vẫn vô tình để lại tên địa danh thời Nguyễn. Dòng đầu của bia ghi: 國威府福祿縣甘泉社“Quốc Oai phủ Phúc Lộc huyện Cam Tuyền xã” , dòng trên đồng thời cũng được khắc trên một bia ngụy tạo khác là bia Phụng tự bi ký 奉祀碑記 . Qua khảo chứng về diên cách địa danh hành chính của Đào Duy Anh thì đây có khả năng là bia ngụy tạo vào đời Gia Long hoặc Minh Mệnh, vì đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) Phúc Lộc đã đổi làm Phúc Thọ .
Về mỹ thuật, bia có cùng một phong cách với nhiều bia hậu đời Nguyễn: không có trang trí diềm, trán gần như để trơn, hoa văn chỉ có mặt nhật nét mảnh và tia lửa yếu ớt.
Về quy mô, văn bia này được dựng ở cấp độ thôn xóm, cho nên rất khiêm tốn về mặt kinh phí, điều này thể hiện qua dáng vóc xinh xắn và khiêm nhường của bia: chiều cao 54cm, rộng ngang 35 cm, tức là không bằng một tờ báo Nhân dân trải rộng. Cho thấy, bia được dựng nằm ngoài điển lệ của triều đình. Điểm này làm rõ hơn động cơ của dòng niên đại “Quang Thái thứ 3” trong văn bia .
Về trật tự chữ, chữ viết trên ngạch bi đều ngang từ trái sang phải, trong khi ngạch bia đời Trần thường là sắp chữ dọc.
Tất cả các dấu hiệu trên cho thấy văn bia đang xét được dựng vào đầu đời Nguyễn.
Đến đây, chúng ta có thể xâu chuỗi các sự kiện như sau: [1] Bia ngụy tạo vào quãng 1802 đến 1821; [2] Dựa vào bia này Nguyễn Văn Siêu đã khẳng định Cam Lâm vốn là Đường Lâm, quê của hai vua Phùng Hưng và Ngô Quyền; [3] Vua Tự Đức đã sai bộ Lễ công nhận đây là di tích cấp “quốc gia” và ban “sắc kiến” vào năm 1874; [4] Sau đó, “đất hai vua” chính thức được đưa vào chính sử vào năm 1882; [5] Đặng Xuân Bảng cẩn thận hơn nữa đã chú Đường Lâm thuộc về Phong Châu . Nhầm lẫn của triều đình và các sử gia trong thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là có thể chấp nhận được, khi các quan biên tu triều Nguyễn không có quá nhiều thời gian và điều kiện để trực tiếp khảo sát địa phương, mà phần lớn các tư liệu đều do hệ thống nha lại các cấp ở dưới đưa lên. Tuy nhiên, ở hai thế kỷ sau đó, việc vô tình hay hữu ý, bất cập ở chuyên môn hay sự khéo léo trong câu chữ của các nhà làm sử đã viết tiếp trang huyền sử thời hiện đại cho mảnh đất này.
Trở lại với phương pháp của Trần Quốc Vượng, nếu như bia Phụng tự bi đúng là bia Quang Thái đời Trần, thì ông đã dùng sử liệu cấp hai để phủ định các sử liệu cấp một được viết vào đời Đường (như trên đã nêu). Mặc dù ông biết rất rõ rằng: “Theo các sử cũ, quả thật ở thời thuộc Đường (thế kỷ VII-X) miền đất nước ta có huyện Đường-lâm (đầu đời Đường là châu Đường-lâm rồi đổi thành quận Đường-lâm) thuộc châu Phúc-lộc (có cả huyện Phúc-lộc) thuộc phía nam tỉnh Hà-tĩnh ngày nay.” Trong trường hợp văn bia đó là văn bia ngụy tạo vào đầu đời Nguyễn như chúng tôi đã chứng minh ở trên thì Trần Quốc Vượng đã dùng một sử liệu có khả năng là ngụy tạo để phủ định các sử liệu cấp một. Trong bài Đường Lâm dưới góc nhìn địa - văn hóa - lịch sử, Trần Quốc Vượng viết: “Có một chuyện, thật như bịa, bây giờ nghe ra thì khá buồn cười: Một số nhà nghiên cứu căn cứ vào cái tên Phúc Lộc bảo ở Hà Tĩnh xưa có huyện Phúc Lộc, có lẽ quê hương Ngô Quyền ở đó. Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, kẻ ngu hèn này mới ở độ tuổi hai mươi đã phải viết một bài được cụ Trần Huy Liệu cho đăng trên Nghiên cứu Lịch sử, đầu đề là Về quê hương Ngô Quyền có hai trang để cải chính là quê hương Ngô Quyền ở Sơn Tây, nơi đó còn đền và lăng Ngô Quyền. Ý kiến này được tiếp thu ngay.” Trên thực tế, lăng Ngô Quyền còn ở một số địa phương khác như Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tây cũ, Thanh Hóa; còn đền thờ các vị Phùng Hưng, Ngô Quyền thì có ở khắp nơi, hiện chưa có con số thống kê cụ thể. Mặt khác, các lăng mộ, đền thờ các nhân vật lịch sử này ở Đường Lâm có niên đại khá muộn. Sự công nhận của chính sử nhà Nguyễn cộng với tín niệm dân gian trải qua gần 200 năm, đã khiến cho bao nhiêu huyền tích đẹp đẽ cho mảnh đất hai vua được thêu dệt nên. Có vẻ như các nhà sử học Việt Nam thế kỷ XX-XXI, khởi từ Trần Quốc Vượng, đã coi di tích, huyền tích, sử liệu đời Nguyễn, cũng như niềm tin dân gian là bốn cứ liệu quan trọng nhất để đưa ra quyết định cuối cùng. Đặt dấu chấm hết cho những tranh luận trên phương diện cổ sử là việc cải tên xã Cam Lâm thành Đường Lâm khiến địa danh này trùng khít hoàn toàn với quá khứ 1000 năm trước về mặt danh xưng.
Vậy tại địa bàn hiện nay được coi như là đất phát tích của hai vua - Đường Lâm (Sơn Tây), sự cải danh đã diễn ra như thế nào trong thế kỷ XX. Vấn đề này đã được tác giả Nguyễn Tùng (Paris) bàn xét khá toàn diện trong bài Bàn thêm về quần thể làng cổ Đường Lâm đăng tải trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 23 tháng 01 năm 2009. Có thể giản lược như sau: xã Đường Lâm (với tư cách là một đơn vị hành chính, dưới cấp huyện) là một tên mới đặt, bao gồm chín thôn (làng) trong đó có năm thôn cổ là Cam Thịnh, Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Lâm và Đoài Giáp là đã được lập ra cách đây hơn 500 năm. Bốn thôn còn lại (Phụ Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu) thì đều tách ra từ vài làng nói trên hoặc được lập ra cách đây chưa đến hai trăm năm. Đáng chú ý là ở thôn Cam Lâm từ mấy thế kỉ nay đã có đình thờ đình Phùng Hưng cũng như nhà thờ và lăng Ngô Quyền. Do vậy, chính quyền xã này cũng đã dựa vào các bằng chứng đó để xin Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đổi tên từ Cam Lâm thành Đường Lâm vào ngày 21-11-1964 .
Tóm lại, tổng hợp sự khảo cứu về diên cách Đường Lâm- Sơn Tây của chúng tôi với kết quả nghiên cứu thực địa của Nguyễn Tùng, tạm thời có thể đi đến nhận định rằng: trong suốt chiều dài lịch sử hai ngàn năm từ đời Hán cho đến năm 1964, xã Đường Lâm dường như chưa bao giờ có tên là Đường Lâm.
Mấy lời để ngỏ: Bài viết thông qua việc giám định văn bản học, (bằng các phương pháp của văn tự - thư pháp học, lịch sử diên cách địa danh, sử liệu học…) nhận định rằng: “bia Đường Lâm” nổi tiếng kia có khả năng rất cao là một văn bia ngụy tạo, chứ không phải là bia đời Trần. Chứng cứ này khiến cho kết luận “Đường Lâm ở Sơn Tây” của Trần Quốc Vượng bấy lâu nay được coi là chân lý chỉ tồn tại như một giả thuyết. Vấn đề tiếp theo là phải nghiên cứu như thế nào. Phương pháp chúng tôi đề nghị là: Tiến hành khảo lại toàn bộ diên cách của xã Đường Lâm (Sơn Tây) trong lịch sử; Nghiên cứu thực địa, điền dã tại tất cả các di tích ở địa phương có thờ Phùng Hưng và Ngô Quyền, như Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Tây cũ, Hưng Yên, Hải Phòng,… để từ đó tiếp tục sưu tầm các tư liệu hữu quan về hai vua cũng như tục thờ các vị này trong đời sống tín ngưỡng dân gian. Tiếp theo và quan trọng nhất, khảo về hệ thống sử liệu cấp một và các tư liệu cổ sử viết trực tiếp về Phùng Hưng, Ngô Quyền, về châu Đường Lâm cũng như các nhân vật có liên quan khác như Dương Đình Nghệ, Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn, Ngô Chân Lưu, Lê Hoàn, Đinh Bộ Lĩnh v.v… đó là các tư liệu: Về phía tư liệu Việt nam có An Nam chí lược 安南志略của Lê Tắc 黎崱soạn năm 1335, Việt Điện u linh tập 粵甸幽靈集do Lý Tế Xuyên 李濟川 soạn năm 1329; Về tư liệu Trung Quốc có: Thông điển 通典 do Đỗ Hữu杜佑 (735 - 812) đời Đường soạn xong năm 801, Cựu Đường thư 舊唐書 do người thời Hậu Tấn là Lưu Húc劉 昫(887- 946)khởi soạn vào năm 945, Thái Bình hoàn vũ kí 太平寰宇記 (quyển 171) soạn vào đời Tống Thái Tông 宋太宗trong những năm Thái Bình Hưng Quốc 太平興國(976 - 983, Tân Đường thư 新唐書 do Âu Dương Tu 歐陽修 và Tống Kì 宋祁 biên soạn năm 1060, Dư địa quảng kí 輿地廣記 do Âu Dương Văn 歐陽忞 soạn vào đời Tống Huy Tông 宋徽宗trong những năm Chính Hòa 政和(1111-1117), Đại sự ký 大事記do Lã Tổ Khiêm 吕祖謙 (1137-1181) đời Tống soạn v.v... Trên đây là mấy ý kiến nhỏ của chúng tôi, rất mong được các nhà nghiên cứu quan tâm chỉ chính.
Bản sửa chữa ngày 03/04/2011

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Từ điển “Quốc âm thi tập”

Quốc âm thi tập 國音詩集là tập thơ Nôm được viết vào thế kỷ thứ XV bởi đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi (1380 -1442), nhà tư tưởng, nhà chính trị lỗi lạc, danh nhân văn hóa thế giới. Đây là tập thơ Nôm cổ nhất, đồ sộ nhất, có giá trị nhất và có bản sắc dân tộc nhất may mắn còn lại cho đến nay qua biết bao biến cố của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian. Với 254 bài thơ thuần Việt, trong sáng mà khúc chiết, thâm trầm mà thiết tha, Nguyễn Trãi được coi là “người đặt nền móng ngôn ngữ văn học dân tộc” (chữ dùng của GS Đào Duy Anh). Sự ra đời của Quốc âm thi tập không chỉ là đại biến cố của văn học mà còn là một cuộc cách mạng, là sự trưởng thành vượt bậc của tiếng Việt nói riêng cũng như văn hiến Việt Nam nói chung.

Nguyễn Trãi là người mở đường cho sự điêu luyện trác tuyệt của nghệ thuật ngôn từ thơ ca Việt Nam. Ông đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa những tư tưởng uyên áo của triết học phương Đông với lời ăn tiếng nói, tục ngữ phong dao của tiếng mẹ đẻ. Đó có thể coi là đỉnh cao của mọi thời đại. Chính vì thế, quyển “Từ điển Quốc âm thi tập” này được viết ra là sự cố gắng phản ánh sự kiện văn hóa quan trọng bậc nhất ấy trong lịch sử của đất nước ngàn năm văn hiến.
Cuốn sách sưu tập toàn bộ các từ ngữ, thành ngữ, điển cố… được Nguyễn Trãi sử dụng. Đọc sách, chúng ta sẽ hiểu được phần nào tiếng mẹ đẻ của chúng ta cách nay quãng 600 năm. Nói một cách hình ảnh, nếu Quốc âm thi tập là “những hiện vật hóa thạch” của tiếng Việt cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, thì cuốn “Từ điển Quốc âm thi tập” này chính là công trình giải mã những hiện vật đó, để dâng hiến cho người đọc hôm nay. Công việc ấy cũng không khác so với việc biên soạn “Từ điển Shakespeare” của các học giả người Anh về tiếng Anh cổ thế kỷ XVI, không khác so với “Từ điển Puskin” của các nhà từ điển Xô Viết về tiếng Nga cổ thế kỷ XIX… Những “hố khảo cổ ngôn từ” đã đào lên, hiển lộ trước mắt người đọc, và thì thầm với chúng ta biết bao nhiêu điều. Người yêu tiếng Việt có thể tìm thấy ở đây những ngôn từ cổ kính như những hồi quang của quá khứ xa xăm nhưng tráng lệ. Người ham chuộng văn chương có thể nhặt được ở đây những phiến lời lấp lánh nhạc điệu và ý tưởng nhân văn. Người thích nghiền ngẫm sẽ được chiêm nghiệm những tuyệt cú danh ngôn. Kẻ phong nhã tài tình sẽ được phiêu lưu trong trường thơ bể ái. Thế cũng thú vị lắm chứ! Bạn có thể mở bất kỳ một trang nào ra và đắm mình trong những biến ảo ngôn từ mà Nguyễn Trãi đã dày công vun đắp, để hiểu thêm về một nhân cách: “bui một tấc lòng ưu ái cũ, đêm ngày cuộn cuộn nước triều đông”!
Hà Nội cuối đông năm Canh Thìn 2010
Trần Trọng Dương

Vài điều về bản dịch "Đào Uyên Minh toàn tập"

Vài điều về bản dịch "Đào Uyên Minh toàn tập"

Dịch và công bố thơ Đào Uyên Minh là một công việc hay và có ý nghĩa bởi Đào Uyên Minh là một trong những nhà thơ lớn nhất của văn học cổ điển Trung Quốc, hơn thế lại là một trong những nhà thơ có ảnh hưởng lớn nhất đến các nhà thơ Việt Nam thời Trung đại. Ông không chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam bằng văn thơ mà còn (có lẽ là chủ yếu) ảnh hưởng bằng cả triết học và nhân sinh nữa. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Trãi viết: “đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ, tay còn lựa hái cúc Uyên Minh” và Nguyễn Khuyến trăn trở: “nghĩ ra còn thẹn với ông Đào”.
Văn thơ Đào Uyên Minh không phải là đối tượng dễ tiếp cận, Ây- đơ - lin, một trong những chuyên gia hàng đầu về thơ ca cổ điển Trung Hoa ở Liên Xô trước đây, đã làm luận án tiến sỹ khoa học về thơ Đào Uyên Minh. Ông đã nói một cách khiêm tốn và nghiêm túc tại Viện Văn học của Việt Nam, đại ý là muốn nghiên cứu đối tượng nào thì nhiệm vụ hàng đầu là phải chỉ ra được những đóng góp mới của nó đối với lịch sử mà sự hiểu biết về thơ ca cổ điển Trung Hoa của ông cũng chỉ đảm bảo được sự đánh giá những đóng góp mới của Đào Uyên Minh với thơ ca trước đó.
Dù cách gọi chưa toàn diện, nhưng mệnh danh “ông tổ của các nhà thơ ở ẩn” vẫn chỉ ra một cách đích đáng một phương diện điển hình không chỉ riêng ở Trung Quốc về một gương mặt thơ, một nhân cách, một lối sống có những điểm đáng khẳng định. Bởi vậy cách đánh giá, phân tích, cảm thụ văn thơ Đào Uyên Minh được giới thiệu trong tập sách này cũng có ý nghĩa gợi ý đối với những người nghiên cứu văn học trung đại nói chung.
Thế nhưng văn thơ Đào Uyên Minh còn ít được giới thiệu ở Việt Nam. Chỉ mới có một số bài rất nổi tiếng và cũng là những bài tương đối dễ đã được dịch như Quy khứ lai từ, Đào hoa nguyên ký, và một vài bài trong cụm Quy viên điền cư, Ẩm tửu, Ngũ Liễu Tiên Sinh truyện. Nếu dịch được có chất lượng thơ văn Đào Uyên Minh thì đó sẽ là một đóng góp lớn, không chỉ về mặt giới thiệu một gương mặt khả ái của nền văn học cổ điển Trung Quốc mà còn cung cấp một tư liệu tham khảo vô cùng quý báu cho giới nghiên cứu văn học trung đại và cận đại Việt Nam.
Nếu bản dịch được kèm với việc phiên âm chuẩn xác cũng như chú thích tỉ mỉ, đầy đủ về các từ ngữ, các điển tích thì đây còn là một tài liệu học tập có tính chất hỗ trợ quý báu cho chuyên ngành Hán học, và nhất là nghiên cứu văn học từ góc độ ngôn ngữ.
Mặc dù có bản dịch bạch thoại để tham khảo, không thể không thừa nhận dịch giả đã có một việc làm dũng cảm. Trong một thời gian không lâu, dịch giả đã hoàn thành được một khối lượng lớn công việc. Riêng đếm các chú thích ở tập sách cũng đã thấy toát ra một sự cố gắng lớn lao. Đại bộ phận các bài đều truyền được ý nghĩa của nguyên bản, trong đó có những bài tương đối khó như Chỉ tửu, Thần thích, Nhàn tình phú… Tác giả cũng đã tiếp thu thành tựu dịch thuật của những người đi trước, tuy không nhiều, nhưng đó là đòi hỏi bắt buộc đối với những người làm công tác tư liệu và nghiên cứu. Phần chú thích là phần rất công phu, tác giả không chỉ tiếp thu tư liệu ở các sách tân dịch của Trung Quốc mà còn ở các tài liệu khác nữa, nhất là những ngữ liệu của Việt Nam có liên quan đến Đào Uyên Minh…
Nếu thật nghiêm túc và có điều kiện, một người Hán học có trình độ ít ra phải dùng hai tháng để thẩm định lại từng chữ từng câu, vì với cổ đại Hán ngữ, đặc biệt thơ cổ như thơ văn Đào Uyên Minh (cách nay hơn 1500 năm), là phải cạy ra từng viên gạch một. Và nếu ở bất kỳ bài nào cũng có thể chỉ ra một vài chỗ sai hay nhẹ hơn xới lên một vài chỗ để tranh cãi cũng là chuyện bình thường!
Hà Nội, tháng 04 năm 2006
Giáo sư Nguyễn Khắc Phi

Khảo cứu Thiền tông Khóa hư ngữ lục

(trong Thiền Tông khóa hư ngữ lục, Trần Trọng Dương khảo cứu, phiên chú, Nxb Văn học. 2009)




Trần Thái Tông 陳太宗 (1281 - 1277) là một nhân vật lịch sử của thời đại Lý - Trần. Ông là một vị vua lỗi lạc với võ công dựng nghiệp tạo nên hào khí của một thời đại. Ngày 29-1-1258, Trần Thái Tông đã phá tan quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu, giải phóng Thăng Long, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất. Thơ Trần Nhân Tông có ca ngợi: 白頭軍士在/ 往往說元豐 Bạch đầu quân sĩ tại, Vãng vãng thuyết Nguyên Phong (Lính bạc đầu còn đó, Kể mãi chuyện những năm thuộc niên hiệu Nguyên Phong). Nhưng phương danh Trần Thái Tông được sách sử lưu truyền còn vì ông là một Thiền tăng có những tư tưởng sâu sắc. Các trước tác của ông gồm có: 1. Thiền tông chỉ nam; 2. Kim cương tam muội kinh chú giải; 3. Lục thì sám sối khoa nghi ; 4. Bình đẳng lễ sám văn ; 5. Khóa hư lục; 6. Thi tập. Trong đó, Khóa hư lục là tác phẩm cổ nhất của Thiền tông thời Trần.
Khóa hư lục là sách về nghi quỹ của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử dùng cho quá trình hành đạo. Vua Trần Thái Tông biên soạn sách này vào quãng từ năm 1258 đến trước lúc mất (1277), tức là sau khi ông đã nhường ngôi cho vua Thánh Tông rồi vào núi tu hành. Xét về nội dung, Khóa hư lục vừa có giá trị triết học, vừa có giá trị văn học, qua một số hình thức văn thể như: văn, luận, biền ngẫu và kệ, thơ thất ngôn, thơ ngũ ngôn... Hiện thay thư viện viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ được một bản Khóa hư lục mang tên Thiền tông khóa hư ngữ lục mang ký hiệu AB.268, trong đó ngoài phần Hán văn, còn có phần giải nghĩa bằng chữ Nôm của Tuệ Tĩnh. Vì thế, văn bản này trước nay đã được các nhà nghiên cứu liệt vào danh mục các văn bản quan trọng nhất khi nghiên cứu về chữ Nôm và tiếng Việt lịch sử .
Nghiên cứu tiếng Việt vào giai đoạn Lý Trần, chúng ta thường bất lực vì tư liệu ít ỏi còn sót quá ít. Một vài tấm bia cổ có chữ Nôm mà Đào Duy Anh, Lê Văn Quán… khai thác chỉ có ý nghĩa về phương diện văn tự học chữ Nôm, bởi văn bia giai đoạn này không có văn bản nào thuần Nôm cả, mà chỉ ghi dăm ba địa danh thuần Việt. Gần đây, giáo sư Nguyễn Quang Hồng chứng minh rằng văn bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh là một tác phẩm dịch kinh Phật sang tiếng Việt vào quãng thế kỷ XII . Giả thuyết này hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế bởi những chứng cứ về ngôn ngữ (ngữ âm, từ cổ) và văn tự là cực kỳ cổ, cổ hơn cả bốn bài phú Nôm đời Trần vốn trước nay được coi là tác phẩm Nôm đầu tiên của lịch sử văn học Việt Nam.
Như lời ghi trong sách Thiền tông khóa hư ngữ lục (Kí hiệu AB 268 ), y sư Tuệ Tĩnh ( ? – 1385?) là tác giả của bản giải nghĩa này. Nếu quả đúng như thế thật thì bản giải nghĩa này có thể coi là văn bản quan trọng thứ ba xét về mặt thời gian lịch đại. Không những thế, độ dài văn bản (số lượt chữ) của nó gấp ba lần so với Phật thuyết (12.244 so với 4000 lượt chữ), và gấp gần 7 lần so với bốn bài phú Nôm đời Trần đã đề cập tới ở trên (12.000 so với 1500 lượt chữ). Tuy nhiên, còn có một số vấn đề về văn bản học được đặt ra như: niên đại văn bản, tính chân - ngụy, và vấn đề dịch giả của văn bản... Tình trạng của bản giải nghĩa Thiền tông khóa hư ngữ lục cũng không khác gì các văn bản của Hồng Đức quốc âm thi tập hay Bạch vân am thi tập. Nghĩa là, cả ba bản này đều là bản chép tay vào đời Nguyễn, phong cách văn tự Nôm cũng đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của các lần chép đi chép lại của người đời sau. Dẫu vậy, với những gì mà chúng tôi đã nghiên cứu được, văn bản AB.268 vẫn có giá trị nhất định về nhiều mặt như chữ Nôm, tiếng Việt lịch sử, về phong cách giải nghĩa...
1. Lai lịch và hiện trạng văn bản
Thiền tông khoá hư ngữ lục AB.268 thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sách chép tay, có 77 tờ gồm 154 trang, khổ 17 x 28,5 cm, giấy dó mỏng, ngả vàng, bìa quang cậy. Chữ viết theo lối khải, đôi ba chữ viết đá hành, nhiều tục tự và chữ viết tắt. Mỗi tờ có 6 cột chữ Hán lớn, kèm theo phần giải Nôm dịch đuổi ở phía dưới theo hình thức lưỡng cước. Sách trang đầu ghi Thiền tông khoá hư ngữ lục 禪宗課虛語錄, dưới chú Tào Động thiền tông曹洞禪宗. Sách có một bài tựa, do Huệ Duyên 惠緣soạn , nội dung nêu sự nhiệm màu của Phật pháp và hoàn cảnh cho in sách, tiếp đến là phần mục lục; phần chính văn song ngữ Hán- Việt (chữ Hán - chữ Nôm), cùng một bài Bạt hậu văn không rõ người soạn.
Về phần giải nghĩa bằng chữ Nôm: sách TTKHNL dịch hầu như toàn bộ nguyên tác chữ Hán, tuy có một số đoạn trong các bài bị lược bỏ. Việc bỏ dở này là do người chép không chép lại phần giải nghĩa bằng chữ Nôm của những đoạn đã được giải nghĩa trước đó, những đoạn này có thể phục hồi. Chỉ có một đoạn không trùng lặp bị lược bỏ [xem phụ lục 1]. Nhiều chỗ chép sai tự dạng cả phần Hán văn và phần giải Nôm [xem phụ lục 2]. Có thể nói văn bản bộc lộ những nhược điểm của một bản chép tay, cho nên nếu cho rằng bản AB.268 có giá trị như là một “dị bản” cổ của Hán văn thì chưa hẳn xác đáng . Điểm đáng chú ý là văn bản còn lưu giữ được phần giải nghĩa sách Khóa hư lục bằng văn Nôm của Tuệ Tĩnh duy nhất hiện còn.
2. Vấn đề dịch giả và niên đại của bản dịch
2.1. Vấn đề dịch giả
Sách chép: Thiền tử Thận Trai pháp hiệu Huệ Tĩnh tự Vô Dật giải nghĩa 禪 子 慎 齋 法 號 惠 靜 字 無 逸 解 義 nghĩa là: “Phật tử chốn thiền lâm là Thận Trai, pháp hiệu Huệ Tĩnh, tự là Vô Dật giải nghĩa.” (ba lần ở cả 3 quyển Thượng- Trung - Hạ tờ 5b, 31b, 77b). Trong tiếng Hán cổ được sử dụng trong nhà chùa, chữ Huệ 惠thông với Tuệ慧 . Các sách Hải Dương phong vật chí và Thiền tông khóa hư ngữ lục ghi là Huệ Tĩnh. Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Hồng nghĩa Giác Tư y thư, Nam dược thần hiệu, Thập tam phương gia giảm, Nguyễn tiên sinh bảo y thư…đều ghi là Tuệ Tĩnh. Như thế, Huệ Tĩnh hay Tuệ Tĩnh là pháp hiệu của một nhân vật lịch sử nổi tiếng mà trước nay chúng ta đều biết tới.
Tư liệu lịch sử sớm nhất về Tuệ Tĩnh (từ đây trở đây đều dùng âm này) có lẽ là sắc phong năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) triều Lê, phong Tuệ Tĩnh làm thành hoàng tại xã Yên Lư huyện Thụy Nguyên, Hải Phòng do Nguyễn Bính giữ chức Đông các Đại học sĩ tại viện Quản Mật. Tuy nhiên, hiện chúng tôi chưa tiếp cận được văn bản gốc của tư liệu này. Theo Lê Trần Đức , bản sắc phong này được chép trong thần phả đền Yên Lư do đồng chí bí thư huyện ủy huyện Cẩm Giàng sưu tầm, và bản sao chụp để ở tỉnh hội y học dân tộc Hải Hưng (cũ) . Trong đó, Lê Trần Đức có trích một đoạn về pháp hiệu và mỹ tự như sau: “Đương cảnh Thành Hoàng Hồng Nghĩa Giác Tư, trung thiên tiên thánh, quảng đại hoằng tế, Huệ Tĩnh thiền sư, cư sĩ linh ứng, thông minh chính trực, dương uy tích phúc, thượng thượng đẳng phúc thần, cao minh đại vương.” Lê Trần Đức không dịch đoạn trên, nhưng theo cách viết hoa và chấm câu thì có vẻ như đoạn văn trên còn có một số điểm cần bàn lại. Chúng tôi tạm phiên và hiệu điểm lại như sau: Đương cảnh Thành Hoàng: - Hồng Nghĩa, Giác Tư, Trung Thiên Tiên Thánh, Quảng Đại Hoằng Tế Huệ Tĩnh thiền sư; - Cư Sĩ Linh Ứng, Thông Minh Chính Trực, Dương Uy Tích Phúc, thượng thượng đẳng phúc thần Cao Minh Đại Vương.” Nghĩa là “Thành Hoàng đất này gồm: - Huệ Tĩnh thiền sư được ban mỹ tự là Trung Thiên Tiên Thánh, Quảng Đại Hoằng Tế, tự là Hồng Nghĩa, thụy là Giác Tư; - Cao Minh Đại Vương là phúc thần hàng thượng thượng đẳng, được ban mỹ tự là Cư Sĩ Linh Ứng, Thông Minh Chính Trực, Dương Uy Tích Phúc.” Ngoài ra, Lê Trần Đức cũng cho biết, hiện nay, đền còn cho tòng tự thân mẫu của Tuệ Tĩnh là Thánh mẫu Hoàng Thị Ngọc, bố của Tuệ Tĩnh là Thánh phụ Nguyễn Văn Vỹ cùng tiên công Phạm Văn Gia húy là Trịnh; và Tuệ Tĩnh còn được thờ chung với các vị thành hoàng khác của xã là: bà họ Lư đời Lý; Tướng Đông Hải đời Lý và tướng Trần Quốc Nhượng đời Trần.
Tư liệu lịch sử thứ hai ghi chép về Tuệ Tĩnh là cuốn Đại Việt lịch triều đăng khoa lục 大越歷朝登科錄do Võ Duy Đoán biên tập năm Thịnh Đức 2 (1654). Sau đó cuốn này đã được Lê Nguyên Trung biên tập tiếp vào năm Thiệu Trị 3 (1843) có chép như sau: “Đệ nhất giáp 3 người: Đào Sư Tích: Trạng nguyên, Lê Hiến Phủ: Bảng nhãn, Trần Đình Thâm: Thám hoa. Đệ nhị giáp hữu sai gồm: Nguyễn Bá Tĩnh, người Hải Đông, đi sứ Bắc lam Điền hộ, nhà Minh giữ lại, đi tu lấy hiệu là Tuệ Tĩnh; La Tu, người Thạch Hà, Đệ tam giáp Lê Hiến Tứ.” Đoạn văn trên là chép về những người đỗ đại khoa trong khoa thi Giáp Dần niên hiệu Long Khánh (1374). Như thế, theo tư liệu cổ nhất hiện còn này, Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở xứ Hải Đông (nay thuộc địa phận hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên), ông là một nhà khoa bảng, đỗ Đệ nhị giáp Hữu sai, có xuất gia, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Trong khi là người tu hành nhưng ông vẫn tham chính, vẫn nhiệm chức, và đi công cán sang nhà Minh.
Trang đầu quyển thượng của cuốn Hồng Nghĩa Giác Tư y thư ghi: 洪義堂戇子無逸宿禪慧靖著,東關槐街寺逸士黎德全法晟錄 “Hồng Nghĩa đường Tráng Tử Vô Dật túc thiền Tuệ Tĩnh trước, Đông Quan Hoè Nhai tự dật sĩ Lê Đức Toàn Pháp Thạnh lục” (vị lão thiền quảng bác hiệu Tuệ Tĩnh hay Tráng Tử, Vô Dật ở Hồng Nghĩa Đường trước tác [sách này], dật sĩ Lê Đức Toàn hiệu Pháp Thạnh ở chùa Hòe Nhai thành Đông Quan sao chép). Lê Trần Đức lập luận rằng: “Nam dược quốc ngữ phú của Tuệ Tĩnh đã được Lê Đức Toàn ở Hòe Nhai, thành Đông Quan (thời thuộc Minh) sao lục và tra soạn lại. Tên Đông Quan đến năm 1467 bị xóa bỏ và thay bằng phủ Trung Đô. Như vậy, người sao chép lại bài phú thuốc Nam ở vào thế kỷ XV” . Như thế, có thể thấy Tuệ Tĩnh được ghi nhận là người đầu tiên có công dịch các tác phẩm y dược học Trung Quốc sang tiếng Việt. Người sao chép văn bản sống ở thế kỷ XV, như thế tác phẩm này cũng như tác giả của nó - Tuệ Tĩnh phải sống trước thế kỷ XV.
Đạm Trai Trần Huy Phác trong Hải Dương phong vật chí 海洋風物誌 (kí hiệu A.882) viết năm Gia Long 10 (1812) ghi: “Thầy thuốc Tuệ Tĩnh tiên sinh, người xã Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) chuyên dùng thuốc Nam cứu người rất công hiệu, trứ tác có các tập Dược tính chỉ nam và Thập tam phương gia giảm lưu hành ở đời.”
Trong bài Nam dược quốc ngữ phú 南藥國語賦có câu: “cảm ơn thày truyền bất tử phương, như đức thánh mở an sinh lộ; sĩ nay Tráng Tử còn hơi vụng, Vô Dật thiên khi rồi, luận nam dược chép làm một phú…” Nam dược thần hiệu ở đầu 3 quyển đều ghi: “Cẩm Giàng Huệ Tĩnh tiên sinh soạn tập/ tập trứ錦江惠靖先生選輯/輯著”
Phan Huy Chú (1782-1840) trong Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類誌thiên Văn tịch chí ghi: “sách Nam dược thần hiệu, 6 quyển, Tuệ Tĩnh tiên sinh ở Cẩm Giàng soạn.”
Quốc sử di biên 國史遺編 ghi: “Trước kia vào thời Lý - Trần, Lê Đức Toàn người Mỹ Lư tự xưng là Tuệ Tĩnh thiền sư, hái thuốc nam trị bệnh cho người nước Nam, tiếng vang đến Nam Tống. Hoàng hậu nhà Tống có bệnh sai sứ mang lễ mời sang ở Giang Nam. Sau (ông) mất ở đất Tống, được vua Tống an táng, dựng một tấm đá để ghi nhớ. Sau có người ở Văn Đài đỗ đạt làm quan được cử đi sứ phương Bắc, đem tấm đá ấy về, dựng ở địa giới Văn Đài để nêu rõ công đức chữa trị bệnh cho người, sách viết có Thập tam phương. Đời vua Lê Dụ Tông ban cho tên gọi là Giác Tư. Tấm đá ghi nhớ rất linh ứng, dân chúng vì thế mà lập đền thờ. Tháng này (tức tháng 5 nhuận) dịch bệnh đậu lan tràn, có người mắc bệnh, đứng trước cửa đền kêu khóc, bỗng thấy một ông già [36a] hái thảo dược chữa cho, trị bệnh rất linh nghiệm. Thế là xa gần nghe tin tề tựu trước cổng đền xin thuốc. Từ Thanh Nghệ trở lên phía Bắc, từ Thái Lạng trở xuống phía Nam, người đi trên đường đến (Văn Đài) như mắc cửi, góp tiền làm lễ, không cho ngàn dặm là xa. Sau, tháng 8, vua sai quan khâm phái đến đem tấm đá chôn đi, thu lấy tiền bạc sung vào kho công”
Như vậy, tư liệu trên đây cho biết một thông tin không hề thấy chép trong các tư liệu khác, tên thật của Tuệ Tĩnh là Lê Đức Toàn, người Mỹ Lư. Ông không phải đi sứ sang Tống hay bị cống sang Bắc mà được vời sang trị bệnh cho Hoàng hậu nhà Tống, rồi sau đó chết trên đất khách. Chúng tôi cho rằng, những ghi chép trên đây của Quốc sử di biên chỉ mang tính chất tham khảo vì đây là một tư liệu mang ít nhiều màu sắc dã sử, bởi ngay cả tác giả của cuốn sách này hiện giờ cũng chưa dám chắc là của Phan Thúc Trực như Trần Kinh Hòa đã thác nhận (cụ thể xin xem Nguyễn Tô Lan) . Còn việc phá bỏ tấm bia thờ Tuệ Tĩnh là có thể tin cậy được. Mặt khác, sử liệu trên cho biết một thông tin khả thủ, ấy là việc vua Lê Dụ Tông ban cho ông là Giác Tư. Chúng tôi coi đây là một thụy hiệu (hiệu đặt cho người đã mất) của Tuệ Tĩnh. Đến đây, chúng ta mới hiểu được tên sách Hồng Nghĩa Giác Tư y thư nghĩa là “sách y học của Hồng Nghĩa- tên thụy là Giác Tư”. Hồng Nghĩa là quán hiệu tức tên hiệu đặt theo quê quán của Tuệ Tĩnh, chữ Hồng trong Hồng Châu thượng , chữ Nghĩa trong Nghĩa Lư. Còn “Hồng Nghĩa đường” có lẽ chính là cửa hàng thuốc của Tuệ Tĩnh, chứ không phải là tên hiệu của ông như Lê Trần Đức , đây cũng không phải là thuần chỉ quê quán như Lê Văn Quán đã khẳng định.
Ngoài ra, cũng phải kể đến một số tư liệu tại địa phương. Trong đó truyền thuyết có thể coi là một nguồn tham khảo. Truyền thuyết dân gian luôn thống nhất tin rằng Tuệ Tĩnh là người đời Trần, có thi đỗ tiến sĩ năm 35 tuổi rồi bị cống sang nhà Minh năm 45 tuổi. Theo Lê Trần Đức: “các văn tế và đối liễn ở đền Bia (xã Cẩm Văn) và đền Thánh thuốc Nam (xã Cẩm Vũ) thờ Tuệ Tĩnh đều ghi: “Tuệ Tĩnh đậu nhị giáp tiến sỹ đời nhà Trần, đi sứ sang Trung Quốc và làm thày thuốc ở bên ấy (Danh khôi nhị giáp tiêu Trần giám/ Sứ mệnh thập toàn tỉnh Bắc y) hay (đoạt giáp văn chương danh lưỡng quốc/ Hoạt nhân đức trạch phổ thiên thu.’”
Việc giải nghĩa tác phẩm Khoá hư lục không thấy đề cập trong các thư tịch cổ, trừ cuốn AB.268. Các sách báo từ trước năm 1940, cũng không biết đến bản sách này. Năm 1943, Dương Quảng Hàm có nhắc đến một bản in năm 1850. Đến thập kỉ 70 của thế kỉ XX, cuốn sách mới được Đào Duy Anh nghiên cứu sâu hơn. Mặc dù vậy ta vẫn có thể nhận định rằng: bản giải nghĩa có thể do chính Tuệ Tĩnh thực hiện. Các tác giả Mai Hồng & Phó Đức Thảo , Lê Trần Đức , Nguyễn Văn Bách , Nguyễn Thiên Quyến đã khảo chứng văn bản cũng như so sánh từ ngữ, văn tự Nôm trong Nam dược thần hiệu, Nam dược quốc ngữ phú với các bản thảo y dược Trung Quốc các đời đều có xu hướng chứng minh các tác phẩm của Tuệ Tĩnh đều thuộc về cuối đời Trần .
Chúng tôi cũng đồng thuận theo giả thuyết trên, cho rằng Tuệ Tĩnh và bản giải nghĩa Thiền tông khóa hư ngữ lục của ông là thuộc về thế kỷ XIV. Vì, những chứng tích ngôn ngữ, văn tự trong văn bản cho phép chúng ta tin rằng bản AB.268 là bản chép lại từ một bản cổ hơn, ít ra là từ cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII, hoặc muộn nhất là bản in năm 1850. Đặc biệt quan trọng là ngôn ngữ của TTKHNL thuộc về tiếng Việt cổ (Tk XII-XVI) như chúng tôi chứng minh trong mục 3, 4, 5 của chương này.
2.2. Vấn đề niên đại của bản dịch
AB.268 là một bản chép tay, chép lại từ một bản in xưa, nhưng nay đã thất truyền. Nguyễn Thanh Tùng cho rằng: có thể sách được chép vào đầu thế kỉ XX do BEFEO . Theo lời bài tựa, một người có tên là Huệ Duyên ở Từ Quán chùa Sùng Quang, huyện Giao Thuỷ, lộ Thiên Trường, “tìm thấy lời vàng quảng tại” mà sinh lòng cảm ngộ, bèn “kêu gọi mọi người, cùng xuất của nhà, sai thợ khắc in” (勸 及 多 人, 共 出 家 資 ,命 工 鋟 梓 Khuyến cập đa nhân, cộng xuất gia tư, mệnh công tẩm tử). Như vậy, đã từng tồn tại một văn bản Thiền tông khoá hư ngữ lục từ trước, và Huệ Duyên là người cho đem in khắc. Bản AB.268 là bản chép lại của bản này. Cuối bài tựa có ghi niên đại: 黎 朝 隆 德 參 年 歲 次辛 未 仲 冬 望 日 拜 撰 Lê triều Long Đức tam niên tuế thứ Tân Mùi trọng đông vọng nhật bái soạn [3a5] nghĩa là: “Kính soạn vào ngày rằm tháng trọng đông (tháng 11 âm), năm Tân Mùi, niên hiệu Long Đức thứ 3 triều Lê”. Năm 隆 德 Long Đức 3 là năm 1734 triều Lê Thuần Tông (1732- 1735), nhưng năm can chi lại là Giáp Dần. Thực ra, người chép đã chép nhầm chữ Đức Long ra Long Đức. Năm 德 龍 Đức Long 3 là mới năm Tân Mùi, năm 1631 triều Lê Thần Tông (1629 - 1634), Trần Văn Giáp, Lê Trần Đức, Nguyễn Huệ Chi, Mai Hồng, … đã từng cải chính. Nay khẳng định lại lần nữa vì đến Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu (1993) vẫn ghi năm Long Đức (1734) . Tuy nhiên, trong bài tựa, Huệ Duyên không hề nhắc đến việc giải Nôm. Chúng tôi cho rằng bài tựa của Huệ Duyên viết sau bản giải nghĩa. Bởi khi viết bạt hay tự, người ta thường chỉ chú ý đến tư tưởng giáo lý hay văn chương giáo hóa. Thông nghĩa lý mới là mục đích chính của giáo điển; còn văn bản giải âm hay giải nghĩa sang tiếng Việt chỉ là công cụ của sự giảng giải, thuyết giáo, nó là loại hình giảng sách hay giáo khoa thư; xét về khía cạnh học thuật thì rõ ràng là nó không có vị trí gì đặc biệt. Nhưng, những chứng tích ngôn ngữ, văn tự của bản giải nghĩa, theo sự nghiên cứu của chúng tôi là thuộc về tiếng Việt cổ (Tk XIII- XVI), cổ hơn cả Tân biên Truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú 新編傳奇漫錄增補解音集注 của Nguyễn Thế Nghi và gần với CNNA như Đào Duy Anh cũng đã chứng minh.
Cũng không thể không nghĩ đến khả năng đây là một ngụy thư do người khác thác tên Tuệ Tĩnh. Nhưng trong tình hình tư liệu hiện có, khả năng này sẽ khó xảy ra.
3. Tình hình chữ Nôm trong văn bản
Năm 1975, Đào Duy Anh đã đi đến kết luận: “Xét cách viết chữ Nôm thì tỷ lệ chữ giả tá nhiều hơn tỷ lệ chữ hình thanh (trong 300 chữ của bài tựa Tứ sơn có 51 chữ hình thanh, còn là chữ giả tá cả), mà trong số các chữ giả tá (khoảng 250 chữ) thì có khoảng 100 chữ giả tá cách thứ tư, và gần 100 chữ giả tá cách thứ hai, chỉ có 10 chữ giả tả cách thứ nhất, tức mượn chữ Hán theo âm xưa. Đối chiếu tỉ lệ phép viết chữ Nôm như thế (xem chương bốn) thì thấy rằng bản Nôm này sớm hơn các bản từ Truyền kì mạn lục giải âm về sau là những sách dùng tỉ lệ chữ hình thanh nhiều hơn, và muộn hơn các bài phú Nôm đời Trần là những tài liệu dùng nhiều cách giả tả thứ nhất hơn. So với các tác phẩm chữ Nôm thời Lê sơ, ví như sách QATT và sách CNNA, thì thấy tỷ lệ dùng cách giả tá thứ nhất ít hơn sách Quốc âm và tỷ lệ dùng cách giả tá thứ tư thì nhiều hơn sách Quốc âm mà có vẻ gần với sách Chỉ nam hơn. Tỷ lệ chữ hình thanh thì gần với tỷ lệ của sách Quốc âm.”
Để tiếp tục công việc của người đi trước, chúng tôi đã tiến hành thống kê định lượng toàn bộ văn bản trên, kết quả như sau. Toàn văn bản có 2.166 chữ Nôm xuất hiện với tần số 12.244 lượt. Theo thống kê của chúng tôi, loại chữ sẵn có (mượn nguyên hình thể chữ Hán) chiếm 76,73% độ dài văn bản, chữ tự tạo chỉ chiếm 23,27%. Theo các nhà nghiên cứu chữ Nôm, loại A càng nhiều thì niên đại của văn bản càng xa vì nó phản ánh sự phát triển của chữ Nôm từ giả tá sang hình thanh.
Để có cái nhìn rộng hơn về vị trí của bản Khoá hư lục giải nghĩa trong tiến trình từ chữ Nôm Việt. Chúng tôi lập bảng so sánh với một số tác phẩm Nôm tiêu biểu như sau:
Bảng thống kê
VĂN BẢN NIÊN ĐẠI LƯỢT MƯỢN HÌNH TỈ LỆ
PT XII 4.942 4.177 84,52%
CTLD 1308 (stác) 1.622 1.397 86,1%
ĐTLT 1308 (stác) 316 277 87.7%
TTKHNL ? 12.244 9.292 76,73%
QATT (64 tờ) XV (stác) 10.258 9.242 90%
HDQA (50 tờ) XV (stác) 10.929 9.051 83%
CNNA XVI- XVII ? ? 82%
TKML XVI (stác) 10.199 9.061 88%
TTPGG ? 8.456 7.538 89,7%
TTTTY XVIII 3.000 2.387 79,6%
TK 1795 (s.tác) 22.778 ? 68,24%
KHLGA 1861 9.396 5.404 57,51%
Bảng thống kê cho thấy: mặc dù bản TTKHNL là văn bản chép vào đời Nguyễn, nhưng tỉ lệ chữ Nôm sẵn có cho phép chúng tôi nhận định rằng đây là một văn bản chép lại một bản vào thế kỉ XVIII, bản này có thể cũng đã tiếp thu từ một bản cổ hơn nữa. Bảng trên cho thấy nhược điểm của phương pháp xác định niên đại văn bản thông qua tỷ lệ các chữ giả tá và hình thanh. Nhược điểm này càng bộc lộ sâu sắc trước những đối tượng có vấn đề về văn bản học. Từ đó sẽ dẫn đến những vấn đề về văn tự học.
Khảo sát về tự dạng Nôm, học giả đảo Duy Anh viết: “xét cách viết của một số chứ đặc biệt như chữ 某 (mấy, mới, với), chữ 谷 (cóc), chữ 庫 (khó) thì thấy giống cách viết của QATT và các sách Nôm thời Lê sơ, mà khác với các sách từ thời Nguyễn…” Từ gợi ý và thành quả nghiên cứu trên, Nguyễn Thanh Tùng đã chú ý đến cách viết một số chữ Nôm cổ có mặt trong bản AB.268. Các chữ cổ được xác định niên đại tuyệt đối trong các văn bản văn bia, ván in so với các văn bản mới .
Tình hình bản giải nghĩa này cũng giống như các văn bản của QATT và HĐQA: đều là các văn bản đời sau in/ chép lại. Trong văn bản dùng lẫn những mã chữ Nôm của hai thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên những vết tích, những cách ghi cổ xuất hiện nhiều hơn, điều này thể hiện rõ qua tiêu chí: trong số 19 đơn vị khảo sát chỉ có 4 đơn vị là có hai cách ghi của hai giai đoạn, 15 đơn vị còn giữ được cách ghi cổ. Qua các số liệu thống kê trên, chúng ta có thể hình dung phần nào vị trí của bản giải nghĩa AB.268 trong lịch sử ngôn ngữ, văn tự. Điều này chứng minh: giả thuyết bản giải nghĩa có trước thời điểm viết bài tựa của Huệ Duyên (1631) là có thể chấp nhận được. Trong 19 ví dụ chúng tôi nêu trên, các ví dụ 14, 15, 16, 17, 18, 19 là các chữ Nôm cổ phản ánh ngữ âm tiếng Việt cổ. Điều này, chúng tôi sẽ trình bày như dưới đây.
4. Ngữ âm tiếng Việt cổ
Một số chữ Nôm trong văn bản là những chữ Nôm phản ánh ngữ âm tiếng Việt cổ. Đó là loại chữ Nôm ghi những từ song âm tiết và tiền âm tiết.
4.1. Loại chữ Nôm dùng hai mã chữ để ghi những từ song âm tiết
Gồm hai trường hợp là bà cắt và la đá, xuất hiện 3 lần. Đây là loại chữ có kí hiệu chỉnh âm đầu và chữ Hán làm thành tố phụ. Ở đây thành tố phụ ghi âm cụ thể hoặc ghi nghĩa cụ thể làm cho hướng chỉnh âm thu hẹp lại. Loại này chia làm hai tiểu loại: tiểu loại E1: dùng hai mã chữ, tiểu loại E2: dùng một mã chữ.
Tiểu loại E1: Trong bản Thiền tông khoá hư ngữ lục có hai đơn vị thuộc loại E1. Đó là: la đá (xuất hiện 2 lần), bà cắt (xuất hiện 1 lần). Bỏ lưới cùng là vây vóc đánh rấp rong bà cắt mà giục cẩu.64b2. [設 網 張 羅 哾 鷹 走 狗 ]; Phải bàn la đá giập xuống thì một hồi phân ra làm hai đoạn.22b5 [遭 剉 磕 則 一 刀 兩 段 Bị bàn đá sập xuống thì thân liền đứt ra làm hai], Hoặc là nâng chưng dưới hòn la đá cùng nơi chốn dưới núi Ốc Tiêu, hoặc ở trong núi Thiết Vi chỉn là nơi chốn ngục A Tỳ.22b4 [或 接 沃 焦 石 下, 或 在 鐵 圍 山 間 ].
Đây là tiểu loại rất quan trọng để xác định niên đại cho dịch phẩm. Vì theo các nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Việt thì từ thế kỉ XVII về trước, trong tiếng Việt còn tồn tại một số tổ hợp phụ âm đầu và các thành tố tiền âm tiết như: PL, BL, KL, KHL, KR, GR…và nếu ngược lên sớm hơn nữa có thể có các tổ hợp phụ âm hoặc các thành tố âm tiết khác nữa. Điều này được phản ảnh trong cách ghi âm tiếng Việt của Trần Cương Trung (Sứ giao châu tập- Tk XIII), trong cách ghi chữ quốc ngữ cuốn Từ điển Việt Bồ La của de Rhodes (xuất bản năm 1651) và trong cách ghi chữ Nôm của những văn bản cổ như PT佛 說 大 報 父 母 恩 重 經 , QATT 國 音 詩 集 , CNNA 指 南 玉 音 … Cụ thể là: Trong Sứ giao châu tập của Trần Cương Trung (được Lê Quý Đôn chép lại trong Kiến văn tiểu lục có hiện tượng một chữ Hán được dịch sang một từ Việt, từ này được ghi bằng hai tự, ví dụ: 月 nguyệt: 勃 夌 (bột lăng) : blăng > trăng; 天 Thiên : 勃 耒 (bột lỗi) : blời > trời. Trong An Nam dịch ngữ, theo bản Vương Lộc chú giải, giới thiệu cũng có những trường hợp tương tự: 牛 Ngưu: 革 蔞 (cách lâu) : klâu > trâu; 太 陽 Thái dương : 托 爛 (thác lan) : tlán > trán. Trong PT, hiện tượng này xuất hiện rất nhiều. Ví dụ: 婆 論 Bà luận : Blọn > trọn; 波 涅 Ba niết : ( - ) nát > nát. Trong QATT, HĐQA, CNNA giải nghĩa, số lượng này đã giảm, chỉ còn một số hiện tượng như: bà ngựa, la ngàn, la đá, bà cắt (bồ cắt). Trong Truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú, tiểu loại E1 không thấy xuất hiện. Lúc này từ ĐÁ đã là từ đơn tiết, tức là đã hoàn tất quá trình đơn tiết hóa. Như vậy, có thể bước đầu khẳng định rằng: (với cứ liệu trong tiểu loại E1) bản giải nghĩa TTKHNL của Tuệ Tĩnh viết vào khoảng thời gian trước Truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú.
4.2. Loại chữ Nôm dùng một mã để ghi tổ hợp phụ âm đầu
Ngữ âm tiếng Việt thể hiện qua loại chữ Nôm dùng một mã để ghi tổ hợp phụ âm đầu. Chủ yếu là các tổ hợp phụ âm đầu có yếu tố đứng sau là phụ âm lỏng [l] và âm rung [r].
4.2.1.Tổ hợp phụ âm [kr]
Trong văn bản TTKHNL, tổ hợp phụ âm [kr] chủ yếu được ghi bằng một chữ Nôm loại E2 (loại ghi âm + âm) trong đó có hai yếu tố Hán được ghép trong một khối vuông Nôm. Yếu tố Hán thứ nhất dùng để ghi phụ âm đầu của tổ hợp phụ âm, đó là yếu tố cự 巨, cổ 古, cư 車 . Yếu tố thứ hai là một từ Hán dùng để ghi âm rung và phần vần. Do đặc điểm âm Hán Việt không có âm rung, cho nên yếu tố thứ hai thường được ghi bằng một chữ có phụ âm đầu là [l], và phần vần tương ứng. Gồm ba trường hợp, xuất hiện với tần số 5 lần:
禥:巨cự + 郎 lang ghi Krang (SANG) [15b2, 40b3, 70a6]. 卥古: 古cổ +卥 la ghi Kra (SA hiện đại) [49a1]. 暦: 車cư + 卢 lô ghi: Kro (SO hiện đại) [7a4].
Các nhà ngôn ngữ học lịch sử đều thống nhất cho rằng trước thế kỉ XV đã có tổ hợp phụ âm đầu [pr], [kr] cho thanh vực cao và [br], [gr] cho thanh vực thấp. Sang đến thế kỉ XVI (qua An Nam dịch ngữ), các tổ hợp phụ âm trên đã biến đổi thành các tổ hợp phụ âm [phl*], [khl*] tiền thân của [s’] hiện đại [67, tr58]. GS.Nguyễn Tài Cẩn cũng dựa vào các cứ liệu Mường [10, tr.11] , cho rằng tiền thân của [s’] là các lưu tích âm bật hơi [ph], [kh] (trong tiếng Rục và Poọng, ở Mường đã để mất âm lỏng [l], chỉ giữ lại yếu tố đầu, còn ở Việt thì sau này vẫn giữ được âm lỏng [phl], [khl] và giữ nó cho đến thế kỉ XVII. Do đó, ta thấy rằng cách ghi [kr] là cách ghi khá cổ.
4.2.2. Tổ hợp phụ âm [kl]
Trong văn bản TTKHNL, chúng tôi thấy tổ hợp phụ âm [kl] được ghi dưới hai hình thức khác nhau: 1.Loại ghi đầy đủ tổ hợp phụ âm đầu và 2.Loại ghi không đầy đủ tổ hợp phụ âm đầu. Cụ thể như sau:
4.2.2.1.Loại ghi đầy đủ
Loại này được ghi bằng loại chữ Nôm E2, gồm 2 yếu tố Hán được ghép trong một khối vuông Nôm. Yếu tố Hán thứ nhất dùng để ghi phụ âm đầu của tổ hợp phụ âm [k], đó là yếu tố cổ 古, cư 車. Yếu tố thứ hai là một từ Hán dùng để ghi âm [l] và phần vần. Loại này gồm 2 trường hợp, xuất hiện với tần số 6 lần: 弄古 (古cổ + 弄 lộng) ghi Klống (TRỐNG hiện đại) [67b3, 75b3, 43b6]. 訳 (車cư + 略 lược) ghi Klước (TRƯỚC hiện đại) [7a4, 8b5, 13a4].
4.2.2.2. Loại ghi không đầy đủ tổ hợp phụ âm đầu
Đây là nhóm thuộc loại chữ Nôm C, loại mượn âm Hán Việt đọc chệch. Âm được ghi là một âm tiết có tổ hợp phụ âm đầu là [kl], nhưng từ Nôm dùng để ghi chỉ bao gồm một yếu tố mượn nguyên hình chữ Hán. Trong đó chia làm hai trường hợp:
1. Yếu tố Hán dùng để ghi âm đứng trước [k] của tổ hợp phụ âm đầu, và phần vần của yếu tố Hán dùng để ghi phần vần của âm tiếng Việt được ghi. Loại này có 1 đơn vị xuất hiện 2 lần. 工 /共 Công ghi Klong (Trong) [12b3, 22b4].
2. Yếu tố Hán để ghi âm đứng sau [l] của tổ hợp phụ âm đầu, và phần vần của yếu tố Hán dùng để ghi phần vần của âm tiếng Việt được ghi. Loại này gồm 2 đơn vị, xuất hiện với tần số 41 lần. 呂 Lã ghi Tlở (Trở) [12a5, 17a2, 17a2, 22a1, 23a5, 44b5, 47b1]; 略 Lược ghi Tlước (Trước) [10a5, 13a4, 15a6, 17a5, 32b5, 33a5, 34b3, 35b5, 38a5, 38a6, 41a6, 42a6, 44b6, 47b6, 48a4, 55b3, 57a2, 61a2, 68a5, 68b5, 71b2, 71b2, 73a3, 73b5].
Trong giai đoạn tiếng Việt cổ, âm Hán Việt đã có tr [ţ] với cách phát âm quặt lưỡi (trong các ví dụ như: 知 trí, 著 trứ, 盞 trản, 知 tri, 卓 trác, 遲 trì…). Nhưng các âm thuần Việt thì chủ yếu đang còn là những tổ hợp phụ âm [kl] hay [pl]. Ở các phương ngữ Mường cổ như Mường Thái, Huy Thượng, Tân Phong, Mường Thàng, Mường Động, Mường Mặc… lưu tích của [kl] và [pl] lại thể hiện khá rõ nét qua các từ: trầu, trời, trâu, trăm, trống, trong, trán trói…Ta thấy [kl] và đôi khi là [pl] là tiền thân của [bl] và [tl] trong từ điển của A. de. Rhodes trong các từ bản địa. Ta có thể thấy rõ hơn điều này qua một số tư liệu tiếng Rục và phương ngữ Bình Trị Thiên :
Dấu vết của cách ghi này còn thấy trong một số văn bản khác như Truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú. Hay ở các trường hợp ghi lành, lầm, lọn, lộn, lông, lớn. lung, luông .
4.2.3.Tổ hợp phụ âm đầu [bl]
Tổ hợp phụ âm đầu [bl] trong KHLGA được ghi dưới hai hình thức:
4.2.3.1. Loại ghi tiền tố trong tổ hợp phụ âm đầu, 1 đơn vị, 1 lần, như:
把 Bả ghi Blả (Trả) [15a1]
Trong PT chữ blả với tự dạng tương tự xuất hiện 34 lần, chữ này còn thấy xuất hiện trong ba bài phú Nôm đời Trần, QATT, CNNA giải nghĩa, Thiên Nam minh giám, Thiên Nam ngữ lục…
4.2.3.2. Loại ghi phụ âm lỏng trong tổ hợp phụ âm đầu, 2 đơn vị xuất hiện với tần số 10 lần, như:
論 Luận ghi Blọn (trọn) [12a1, 13a3, 18b1, 40a4, 67a4, 70b2, 70b3, 70b4]. 侖Lôn ghi Blòn (tròn) [25b1, 37a3]
Trong An Nam dịch ngữ tổ hợp phụ âm [bl] còn tồn tại dưới dạng bảo lưu yếu tố thứ hai như Vương Lộc tái lập ở các trường hợp:
來 [lai] ghi blai (trai), ở số 413. 蔞 [lou] ghi blầu (trầu), ở số 219. 雷 [luei] ghi blời (trời), ở các số 1, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 309, 669.
Trong cuốn Từ điển Việt- Bồ- La của A de Rhodes vẫn còn ghi âm [bl]. Trong từ điển này có 7 trường hợp [bl] tồn tại song song với tr [t]. Đến khoảng giữa thế kỉ XVII, [bl], [tl] đã chuyển sang tr [t] và gi [z].Thực chất loại chữ Nôm này phản ánh quá trình đơn tiết hóa đang diễn ra mạnh vào thế kỉ XV- XVII. Như H.Maspero dự kiến các khả năng biến đổi của các tổ hợp phụ âm như BL, TL, KL, ML, PL…có thể là: a. Hòa đúc thành một âm mới: TL > TR; b. Rụng yếu tố đầu, để lại yếu tố sau: TL > L; Rụng yếu tố sau để lại yếu tố đầu: TL > T… . Trong từ điển A de Rhodes vẫn còn thấy cả ba nhóm phụ âm BL, TL, ML; trong đó, BL, TL tồn tại song song với TR (7 trường hợp BL tồn tại song song với TR, 7 trường hợp BL tồn tại song song với TL. Như GS.Nguyễn Ngọc San cho biết: “Ở thế kỉ XVII trong tiếng Việt vẫn còn tồn tại các nhóm phụ âm đầu có L như BL, TL, ML và vào cuối thế kỉ này nó sẽ được rút gọn thành các phụ âm đơn . M. Ferlus giải thích sự chuyển biến này là do sự rung âm nổ đứng trước giống như số phận của các tiền âm tiết.
4.2.3. Tổ hợp phụ âm đầu [Km]
渕ghi Kmắng (nghe) [26b3, 41b4, 43b5, 69b6, 57a6, 57b3, 57b5, 72b5, 73a6]. 口末ghi Kmất [13b1, 13b1, 23a3]. 尲ghi Kmến [22a2, 24a1, 48b5, 67b6]. 口麻ghi kmờ [18a1]. 口每ghi kmỏi [10a3]. 口每ghi kmọi [19a2]. 口門ghi kmòn [21b6, 49a6]. 口夢ghi kmông [8a6]. 口戊ghi kmù [34b6, 37a6, 40a4]. 口牟ghi kmù [6a5, 6a5]. 口茂ghi kmù [8a1]. 嗎ghi kmựa [9b3, 23b1, 24b5, 25b2, 31a6, 34a3, 37a2, 38a1, 47a5, 47a6, 47b1, 53a1, 55b3, 55b5, 55b6, 60b6, 74a6]. 口莫ghi kmúc [57a2]. 口每ghi kmũi [65a2].
Chúng tôi coi bộ khẩu ở đây có chức năng ghi âm. Thường thì, “khẩu” xuất hiện trong các chữ liên quan đến mồm miệng, nói năng với tư cách là một bộ thủ trỏ trường nghĩa và có chức năng phụ là chỉnh âm. Ở những trường hợp trên, “khẩu” rõ ràng không hề tồn tại với chức năng là một bộ thủ nữa. Vậy chức năng của “khẩu” là gì? Trước nay có hai cách lý giải. Cách thứ nhất cho rằng bộ “khẩu” là một kí hiệu phụ cũng giống như “cá”, “cự”… có chức năng báo hiệu đọc chệch. Cách lý giải này phổ biến trong giai đoạn từ những năm đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ XX đổ về trước. Nhưng sau đó, với sự phát hiện mới về văn bản học và một số thành tựu về ngữ âm lịch sử, các nhà khoa học có xu hướng cho rằng, “khẩu”, “cá”, hay “cự” là một chữ được dùng để ghi tiền âm tiết “k” trong các tổ hợp phụ âm đầu kl, km, kn, kđ, kb. Chúng tôi cho rằng, “khẩu” ban đầu tồn tại với chức năng ghi tiền âm tiết. Nhưng sau này, khi ngữ âm thay đổi, nhưng chữ Nôm vẫn bảo lưu những hình thức cũ, người bản địa quên mất chức năng ban đầu ấy và mặc nhận với nhau rằng bộ “khẩu” là một kí hiệu phụ đọc chệch. Nếu giả thuyết trên có lý, thì văn bản AB.268 còn lưu giữ đến 15 trường hợp chữ Nôm có ghi tổ hợp phụ âm đầu [km] xuất hiện với tần số 47 lần.
4.2.4. Tổ hợp phụ âm đầu [Kn]
口囊ghi knâng [62a1]. 呢ghi knày [74b6]. 口你ghi knể [35a1, 65a1]. 口女ghi knợ [23a4, 64b1]. Như ta biết, tổ hợp phụ âm đầu với [k*] đứng trước các phụ âm tắc [b], [m], [d], [n] xuất hiện khá sớm, vào quãng thế kỷ XV đổ về trước. Các tổ hợp này không còn thấy ghi nhận trong các cuốn từ điển cổ từ thế kỷ XVII trở về sau. Các tổ hợp này, cho đến nay chỉ thấy xuất hiện trong Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh . Nguyễn Ngọc San cho rằng tiếng Tiền Việt Mường đã bắt đầu xảy ra hiện tượng đơn tiết hóa, trong đó một số âm tiết chưa có thanh điệu chuyển thành cấu trúc âm tiết PNP (P = phụ âm đầu, N = Nguyên âm, P= phụ âm cuối), và phần lớn các âm tiết vẫn đang còn ở dạng P1P2NP3. Trong đó đa số P1 là những âm tắc và những biến thể vang như: p, t, ch, k, đ, b, m, n…và [k] là phổ biến hơn cả .
Từ những chứng cứ trên, chúng tôi bước đầu nhận định rằng: bản AB.268 tuy là một bản chép tay, nhưng nó vẫn còn giữ được những chữ Nôm ghi ngữ âm tiếng Việt cổ.
5. Từ vựng tiếng Việt cổ
Từ ngữ cổ là những từ ngữ xuất hiện trong các văn bản cổ mà ngày nay không còn được sử dụng nữa, hoặc sử dụng hết sức hạn chế, hoặc chỉ còn tồn tại trong một số vùng phương ngữ. Từ cổ là những yếu tố mờ nghĩa đối với người đọc hiện đại [cụ thể xin xem Trần Trọng Dương.2006c]. Trong đó, từ Việt cổ có ý nghĩa trong việc xác định niên đại tương đối một văn bản Nôm. Phương pháp xác định niên đại bản dịch qua cứ liệu từ vựng cổ cũng đã được cụ Đào Duy Anh thực hiện: “về từ thì sách này có một số từ xưa, nhưng so với bốn bài phú Nôm đời Trần thì số từ xưa dùng còn ít hơn. Sách này dùng nhiều lần từ tua, chỉn, sá, mựa là những từ xưa hay gặp trong quốc âm. Riêng từ mựa, Quốc âm viết là 馬 mà sách này viết là 嗎 ( là muộn hơn có thể do người chép). Chữ ngư hay điếu ngư mà giải là thằng chài thì giống hệt như Quốc âm.” . Cũng theo hướng này, chúng tôi tiếp tục tiến hành khảo sát từ cổ trong văn bản AB.268.
5.1. Thực từ
Chúng tôi thấy TTKHNL còn một số từ cổ thuộc lớp từ vựng của tiếng Việt thế kỉ XVI trở về trước. Để xác định được các từ cổ thuộc giai đoạn này, chúng tôi tiến hành tra cứu, so sánh qua một số bộ từ điển cổ như: A de Rhodes, Taberd , Béhaine… Đồng thời so sánh với một số văn bản Nôm sớm của giai đoạn thế kỉ XV- XVIII như: PT, QATT, HĐQA, CNNA, Tân biên truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú.
Ví dụ: từ cổ THƠ RƠ xuất hiện hai lần trong bản AB.268, cả hai lần đều được dùng để dịch từ y hy trong nguyên văn chữ Hán: Thơ rơ mặt nước, sang rỡ rỡ đóm nháng 撪 闾 炦 搩 浪 帞 帞 乚 盎 .55a4 [nv.依 稀 水 面 度 螢 光, nghĩa là: lơ thơ mặt nước mấy con đom đóm đang bay qua]; Thơ rơ mà rừng trúc rây vàng, thấp thoáng trong sân hoa mà chơi ngọc 舒 撪 麻 棱 竹 篩 黃 ,濕 光中 讍 花 麻 制 玉 [62a5] nguyên văn chữ Hán là依 稀 而 林 竹 篩 金 , 隱 暯 而 花 庭 弄 玉 . Chúng tôi đã lập bảng thống kê việc xuất hiện của từ THƠ RƠ và các từ tương tự của nó (các từ phái sinh của nó từ cuối thế kỉ XIX về sau qua các bộ từ điển cổ và hiện đại). Đồng thời có so sánh với từ LƠ THƠ, MỈA MAI, BẺ BAI để làm bàng chứng .
Dưới đây, chúng tôi lập bảng thống kê, so sánh một số từ cổ khác trong TTKHNL với từ điển của A de Rhodes và một số tác phẩm Nôm cổ đã nêu trên. Chúng tôi kí hiệu XV thay cho CNNA, QATT và HĐQA, Tân biên truyền kì mạn lục viết tắt là XVI1, từ điển A de Rhodes là 1651.
TỪ KHL1 PT XV XVI 1651 Nghĩa
Bà cắt 1 0 2 0 0 Chim cắt
La đá 2 1 4 0 2 Đá
Mựa 17 1 32 4 1 Chớ
Thơ rơ 2 0 1 0 1 Lưa thưa
Phô 8 3 1 0 1 Nhiều
Át 1 3 0 0 1 Ướt
Mùi 2 4 0/ 13 0 1 Màu
Thức 10 0 11/12 4 1 Màu
Bở ngỡ 1 0 0 0 0 Sửng sốt
Cạy cạy 1 0 1 5 1 Đau đáu
Biêu 2 1 1 2 1 Nêu
Từ những cứ liệu trên, chúng tôi nhận định rằng: bản TTKHNL có những chứng tích ngôn ngữ của tiếng Việt cổ (thế kỉ XIII- XVI).
5.2. Hư từ tiếng Việt cổ.
Trong phần này, chúng tôi chỉ tiến hành điểm mục và đưa ra các số liệu thống kê về hư từ tiếng Việt nhằm chứng minh tính chất cổ của bản dịch. Bản TTKHNL có hệ thống hư từ cổ dày đặc, gồm 100 hư từ cổ(/185 hư từ), xuất hiện với tần số 1.441 lần (/3.231 lần). Văn bản này có hiện tượng một hư từ thuần Việt dùng để dịch một hư từ Hán có nhiều chức năng, ý nghĩa khác nhau. Cũng có khi, một từ thuần Việt được dùng để dịch nhiều hư từ Hán khác nhau. Điều đáng ghi nhận là một số hư từ đã được sử dụng một cách phổ biến ngay cả khi câu nguyên văn chữ Hán không có hư từ tương ứng. Chính vì vậy, nhiều khi, chúng được coi như là những từ thuộc nhóm từ Việt cổ. Trong phần này, chúng tôi không bàn cụ thể từng đơn vị một.
Trong bản TTKHNL, từ Ấy xuất hiện 117 lần, từ bằng xuất hiện 64 lần, từ bèn xuất hiện 69 lần, chỉn xuất hiện 48 lần, từ dường xuất hiện 12 lần, từ luống xuất hiện 16 lần, từ vậy xuất hiện 32 lần, từ chưng xuất hiện 226 lần, từ thửa xuất hiện 107 lần, từ nghĩ xuất hiện 12 lần, từ lấy xuất hiện 47 lần, từ mặc xuất hiện 17 lần, từ tua xuất hiện 10 lần, từ xảy xuất hiện 11 lần...
Về số lượng: Từ Việt cổ có 185 đơn vị (/ 2169 đv, chiếm 8,60%), với 1.191 lần xuất hiện (/12.244 lần, chiếm 9,73 %). Tỉ lệ số lượng từ Việt cổ trong bản giải nghĩa thấp hơn Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (25,21%), cao hơn Đắc thú lâm tuyền (6,9%), Cư trần lạc đạo (8,32%) và QATT (8,75%) . Như vậy, về mặt lượng của từ cổ, ta có thể nhận định rằng tiếng Việt trong bản TTKHNL thuộc về giai đoạn tiếng Việt cổ (Tk XIII- XVI).
Mặc dù, bản AB.268 chỉ là một bản chép tay có niên đại khá muộn có một số lỗi sai về văn tự, và bỏ quãng một hai đoạn. Nhưng, bản chép vẫn lưu lại được những yếu tố ngôn ngữ, văn tự quan trọng của bản in được dùng để chép. Qua việc khảo sát các chứng tích ngôn ngữ, văn tự trong bản TTKHNL, chúng tôi bước đầu nhận định rằng: bản giải nghĩa có nhiều yếu tố văn tự của thế kỉ XVII-XVIII nhưng vẫn còn dấu vết ngôn ngữ của Tiếng Việt cổ (thế kỉ XIII- XVI). Chúng tôi cũng xin một lần nữa mượn lời cụ Đào Duy Anh để tạm kết bài viết này: “Tuy nhiên, thời gian gần nhau, thời Trần mạt và thời Lê sơ về cách viết chữ Nôm và sự dùng từ hẳn không phải là khác nhau lắm, cho nên căn cứ vào cách viết chữ Nôm và sự dùng từ cũng khó khẳng định rằng sách ấy là thuộc thời Lê sơ mà không phải là thuộc thời Trần mạt. Nếu quả sách giải nghĩa là của Tuệ Tĩnh mà Tuệ Tĩnh là người Trần mạt thì cách viết chữ Nôm và sử dụng từ như thế cũng không có gì là trở ngại hoàn toàn cho sự đặt sách ấy ở thời Trần mạt” .

chữ nghĩa trong Quốc âm thi tập

NHỮNG GHI CHÉP CHỮ NGHĨA
KHI ĐỌC QUỐC ÂM THI TẬP CỦA NGUYỄN TRÃI


Nguyễn Hùng Vĩ (KHXH&NV HN)
Trần Trọng Dương (Viện NC Hán Nôm)
Kỷ yếu Hội thảo Phật giáo – văn học với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nxn Văn hóa. 2010



Bài Những ghi chép chữ nghĩa khi đọc Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (phần 1) của Nguyễn Hùng Vĩ đã phát hiện và sửa chữa 27 trường hợp, xuất hiện 41 lần chữ phiên sai của các thế hệ học giả từ 1956 đến nay. Bài này chúng tôi tiếp tục phát hiện và sửa chữa thêm 14 trường hợp, xuất hiện 20 lần nữa như đã hứa với các độc giả trong bài trước. Các bản phiên âm nền mà chúng tôi thực hiện khảo sát nghiên cứu là các bản phiên âm từ trước đến nay, trong đó bản của nhóm Mai Quốc Liên năm 2001 (MQL2001) được chú ý nhiều hơn. Đây là bản phổ biến và có ảnh hưởng đến giới học thuật trong 10 năm trở lại đây. Các văn bản chữ Nôm mà chúng tôi tiến hành phiên âm, khảo sát gồm bản A tại Viện NC Hán Nôm còn bản B chúng tôi phải dựa trên sự mách bảo của bản phiên TVG-PTĐ 1956[1]. Các phương pháp mà chúng tôi sử dụng là văn tự học, ngữ văn học, ngữ âm lịch sử, văn hóa học… Các vị trí được khảo sát sẽ được đánh dấu lần lượt theo số thứ tự bài và thứ tự câu trong từng bài đó, ví dụ: 9.6, nghĩa là bài thứ 9 tại vị trí câu thứ 6 của bài này. Các chữ Nôm tự tạo phần lớn sẽ không dùng font cho chữ Nôm mà sẽ ghép các yếu tố Hán lại với nhau (A: nghĩa phù, B: âm phù) và đặt trong ngoặc vuông [ A + B], để dễ phân tích cấu trúc cũng như thuận tiện hơn cho việc công bố và xuất bản.

1. Hàu chất so le CỤM cuối làng (9.6)
Về chữ cụm [木+禁] này, các bản phiên của TVG-PTĐ1956, ĐDA1976, BVN1994, nhóm MQL2001, Nhóm NTN2008 đều phiên là khóm. P.S1991 phiên là cụm và Từ điển chữ Nôm do GS Nguyễn Quang Hồng chủ biên (2006) cũng phiên cụm trong phần ngữ liệu. Chúng tôi cho rằng phiên khóm là chưa đúng vì những lẽ sau đây:
- Chữ khóm trong toàn văn bản Quốc âm thi tập xuất hiện 4 lần và được ghi bằng chữ 坎 và rất hợp nghĩa văn cảnh:
19.1 Thương Lang mấy khóm một thuyền câu.
56.1 Ruộng đôi ba khóm đất con ong.
150.7 Khóm ruộng ăn ngày tháng đủ.
254.5 Khỏe cày ruộng thánh đà nhiều khóm.
Các ngữ cảnh cho ta thấy 3 câu gắn với ruộng và 1 câu gắn với sông. Ở đây chữ thổ để biểu nghĩa và chữ khám để biểu âm nên phiên khóm là ứng hợp. Đồng thời cũng cho ta thấy trong trường hợp này, các nhà cổ học làm sách rất nhất quán, có chủ ý. Từ điển P. de Béhaine (1772-1773) cũng ghi Nôm chữ này và ghi quốc ngữ là khóm với các ngữ liệu ruộng khóm (phần chia ruộng đất, phần đất thuộc về ai) và hoa khóm (một thứ rau thơm) [5, tr.285, 4,tr.227]. P. Của cũng vậy với các từ một khóm, chòm khóm [, tr.499]. Các từ điển này cũng ghi cụm bằng mã chữ [木+禁] [5, tr.146; 4, tr.102], [7, tr.203]
Chữ cụm chúng ta đang nói xuất hiện 4 lần và được ghi bằng mã chữ [bộ mộc 木+ cấm 禁 ]. Những văn cảnh xuất hiện như sau:
9.6 Hàu chất so le cụm cuối làng.
18.6 Ngày vắng chim kêu cuối cụm hoa.
126.1 Giậu sưa sưa hai cụm trúc.
234.1 Đất dư dưỡng được cụm hoàng tinh.
Ta thấy trong các ví dụ trên có 3 câu chữ cụm gắn loài cây và 1 câu chữ cụm là một danh từ được đặt trong thế đối với danh từ thuyền. Bình thường có thể giải thích cụm là một nhóm nhỏ các mái nhà lúp xúp ở cuối làng. Nhưng không hẳn đã ấn định được như vậy. Có thể là các đụn rơm rạ, các đống củi, các bụi cây xum xúp, thậm chí có thể các cụm rạ trên mảnh ruộng cuối làng. Đọc cả hai câu này ta thấy không thể ấn định một nghĩa cứng nhắc nào cả:
Tằm ôm lúc nhúc thuyền đầu bãi
Hàu chất so le cụm cuối làng.
Về ngữ âm, chữ cấm theo cách đọc Hán Việt rõ ràng là gần với cụm hơn khóm, ít ra là về thủy âm và chung âm. Trong từ điển của P. de Béhaine nói trên mục chữ cụm cũng viết [ mộc + cấm] với chú thích cụm là bụi, với ngữ liệu bụi cây. Lại ở đây nữa, ta thấy các cụ làm bản Nôm rất chọn lọc chữ. Phần biểu ý dùng bộ mộc là hợp lí. Từ điển chữ Nôm của Nguyễn Quang Hồng chủ biên còn ghi cụm với các tự dạng [口+禁], [扌+禁] với các văn cảnh khác như: Một am ở cụm Tây Lâm (Dương từ Hà Mậu, 12), Khu đào cụm liễu trải qua (Dương từ hà mậu, 11), Xảy nghe bên cụm dâu xanh (nt, 20), Khuất cụm câu buông cần nhẹ (Hồng Đức QATT, 29a), Ít nhiều hương cụm nhặt thưa bóng cành (Hoa Tiên, b), Rễ cụm tóc trên (Đại Nam quốc ngữ, 68a) [15, tr.214-215]. Từ điển chữ Nôm trích dẫn của Viện Việt học thì lại đánh đồng giữa cụm và khóm, coi khóm là hình thức chính thức hơn. Tuy nhiên, ngay trong một mục từ thì các soạn giả lại có các phương án phiên khác nhau (thành khóm, cụm, cắm) [17, tr.615]. Thiết nghĩ, nên chuyển tất cả các ngữ liệu trên về dạng cụm cho chuẩn. Từ điển này cung cấp thêm một số ngữ liệu như sau: Kỳ viên mấy cụm đào hồng, nùm hoa sim dại con ong ước thầm (Thiên Nam ngữ lục, c.5717-5718), Ngọn nguồn kia lai láng mái ghềnh kia, Đèn chiếu thủy vốn chia dòng Kinh Vị; chòm cỏ mọc tần vần bên miếu nọ, trống thôi hoa từng ghẽ cụm lan du (Tây Hồ, 51a), sực nhìn dưới cụm phù dung, phấn môi nắng ánh áo hồng gió bay (Song tinh bất dạ, c.893-894),ngoài ra, chữ này, chúng tôi còn phát hiện dùng để ghi âm động từ cặm hoặc cắm vì gần âm hơn: nhác trông sao đẩu về đông, chị em ra sức cho xong mẫu này, lom lem tay cặm(cắm) chân dày, năng trồng cây ngọc cũng ngày hữu thu (Thanh Hóa quan phong, 19a) [17, tr.615]. Ngữ liệu đến đây đã tạm đủ. Chúng ta có thể tiến hành phân suất nghĩa để phân biệt từ cụm và khóm như sau. Với tiếng Việt cổ từ thế kỷ XVIII trở về trước, cụm có nghĩa là tập hợp các tán lá của các loài cây (đây là nghĩa phổ dụng nhất), nhưng cũng đã bắt đầu mở rộng trường nghĩa để chỉ một tập hợp khác lớn hơn (như trong câu cụm cuối làng), ngoài ra cụm còn là một động từ (cụ thể xin xem trường hợp dưới); từ khóm là từ trỏ các không gian lớn hơn nhưng có sự phân cắt, ví dụ: khóm đất, khóm ruộng, khóm nước, khóm Thương Lang. Một số ngữ liệu bổ sung như sau: trời trời xanh, nước nước biếc, làu làu muôn khóm pha lê (Thúy sơn, 1a), thức xuân rước gió như cười, chòm thanh khóm dật khác vời chân du (Mai đình mộng ký, c.153-154). Thế nhưng, đến cuối thế kỷ XIX, cụm và khóm đã nhập vào dùng chung: có khách đưa cho một khóm trà, say nhè nào có bén mùi hoa (Yên Đổ, Sơn Trà, 4a). Việc khảo sát và phân suất nghĩa cho hai từ này từ cuối thế kỷ XIX đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Tóm lại, không thể vì có một nhóm từ gần âm gần nghĩa nhau như cụm, khụm, khúm, khóm, xóm, xúm, xụm, rúm mà khi phiên dễ dàng tùy ý lựa chọn. Giải pháp phiên cả 8 trường hợp trên, vốn được ghi có chủ ý bằng 2 mã chữ khác nhau, thành khóm cả là vô tình đã làm nghèo chữ nghĩa của Nguyễn Trãi.

2. Cây CỤM chồi cành chim kết tổ. (11.4).
Về câu thơ này cũng không có sự thống nhất khi phiên. TVG-PTĐ1956 đã phiên chữ Nôm [艸+禁] là cớm và chú thích Cây cớm: Cây lá um tùm. ĐDA1976 vì cho rằng chữ cấm là do chữ diệp lộn thành nên phiên là rợp. BVN1991 phiên là rậm. Nhóm MQL2001 cũng theo phiên là rậm còn NTN2008 trở lại phiên cớm. Tự điển Chữ Nôm của Viện NC Hán Nôm, và Tự điển chữ Nộm trích dẫn của VVH cũng phiên là cớm.
Chúng tôi không đặt vấn đề chữ viết lộn vì mã chữ này vẫn có thể cho chúng ta một số phương án đọc khác. Chữ rậm mới nghe thì có vẻ thuyết phục cả về âm, về nghĩa và về đối thơ nhưng nghĩ kĩ sẽ không ổn vì hầu như chưa gặp tiền lệ ghi Nôm như thế.Tuy nhiên, phương án nào hợp lý hơn cả thì lại cần phải biện luận một cách khá chi tiết. Với chữ cớm mà giải nghĩa là um tùm thì rõ là ép nghĩa vì chữ cớm trong tiếng Việt dùng để chỉ trạng thái cây bị che mất ánh sáng nên không thể quang hợp và phát triển tự nhiên, khiến cho lá mầm có màu vàng nhạt. Mặt khác, chữ cớm là một từ khá mới, không thấy ghi nhận trong bất cứ từ điển nào, và cũng không thấy xuất hiện ở bất cứ ngữ liệu văn học cổ nào (ngoài trường hợp đang bàn). Từ điển đầu tiên ghi nhận từ này là cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức năm 1931 [tr.95].
Chúng ta gặp chữ rậm được ghi bằng các mã chữ như sau 林, 甚, 椹,葚, và [艸 +椹] [15, tr.943]. Nhóm MQL lấy ngữ liệu Truyền kì mạn lục giải âm dùng chữ này (mà các ông phiên là khóm - NHV nhấn mạnh) để dịch chữ Hán tùng rồi lấy nghĩa rậm rạp, bụi rậm làm nghĩa chính để chứng minh cách phiên rậm là quá ép nghĩa. Tùng trước hết vẫn có nghĩa là bụi. Còn rậm là nghĩa suy ra, nghĩa phái sinh do các soạn giả tự suy đoán. Về từ nguyên, thì rậm có thể có nguyên từ là sâm 森, từ sâm còn cho một biến thể khác là sum trong tiếng Việt. Còn từ cụm trong chữ Nôm vẫn được ghi nhất quán chỉ bằng 1 thanh phù duy nhất là cấm禁 như đã nêu trên.
Cũng như ở mục 1, ta thấy cấm đã biểu âm cho cụm, thì ở đây cấm vẫn biểu âm đó, nhất quán. Về đối thơ cụm hoàn toàn có thể đối được với quang ở câu sau khi hai thực từ này đều chỉ trạng thái cảnh vật:
Cây cụm chồi cành, chim kết tổ
Ao quang mấu ấu, cá nên bầy.
Cụm chồi cành là trạng thái sinh trưởng của cây cũng như quang mấu ấu là trạng thái hiện thực của ao. Đôi phát ngôn trên được dựng theo kết cấu đề - thuyết. Nhưng đằng sau nó là có bàn tay của thi sĩ ẩn cư. Chăm cây để dọn tổ cho chim về, làm cỏ ao để cho cá lội. Đó là cảnh giới cao nhất về đời sống của người ẩn sĩ. Đời sống vật chất và tinh thần nhất thể hóa làm một.

3. Khách đến vườn còn hoa LIẾC (35.5)
Chúng tôi chọn phương án phiên 落 là LIẾC trong câu thơ này là sau một quá trình suy nghĩ nghiêm túc để đạt đến sự hợp lí giữa chữ, nghĩa và âm đọc. Phiên lác như các tác giả khác cũng được, nhưng rất tiếc là họ đã hiểu sai nghĩa nên dùng liếc là để phân biệt cho rõ. Về chữ này, ta thấy:
TVG-PTDD1956 phiên là lác và chú thích: “Hoa lác: Vườn còn lác đác mấy đóa hoa”.
ĐDA 1976 không đồng thuận với cách phiên hoa lạc , ông ủng hộ cách phiên lác với nghĩa lác đác.
BVN1994 phiên là lạc và chú thích: “Hoa lạc: bản Nôm ghi chữ lạc là rụng, để mượn âm, đồng thời ẩn nghĩa, hoa lạc tức là hoa lạc mùa, trái mùa, tất nhiên, loại hoa như vậy chỉ lác đác, chứ ít khi nở rộ, nhưng cũng quý, như khách tri âm”.
Nhóm MQL2001 cũng phiên lác và chú thích: “Chữ Hán đọc là lạc, chữ Nôm 落. Có thể phiên là lác hoặc rác. Lác có nghĩa là lác đác. Từ điển Génibrel có ghi 落 lác: và đã dịch lác đác là rare (hiếm, còn ít); 落 rác và đã dịch lác rác cũng là rare. Hoa lác đác. TVG, ĐDA, PS đều phiên và giải thích như thế. PS cũng ghi thêm một cách đọc khác là hoa lạc và giải thích là hoa rụng (les fleurs tombées)...”.
Nhóm NTN2008 cũng đồng ý cách phiên và hiểu như trên.
Chúng tôi thấy rằng chữ 落trong tập thơ này với âm Hán Việt là lạc có thể ghi âm Nôm nhiều tiếng khác nhau như lạc, rặc, lác. Với âm lác, các tác giả phiên âm trước đây phiên cho 2 trường hợp:
Khách đến vườn còn hoa lác
Thơ nên cửa thấy nguyệt vào
và:
Giậu cúc thu, vàng nẩy lác
Sân mai tuyết, bạc che đều.
Đã đành trường hợp sau, hiểu lác là lác đác là hữu lí vì nó đối rất chỉnh với chữ đều ở câu sau : hai trạng thái đối với nhau. Còn trường hợp trước (là trường hợp chúng ta đang nói tới thì lác phải là một động từ mới đối chỉnh với vào ở câu dưới đó. Vậy đây phải hiểu lác là trông qua, ngó trông. Khách đến thì vườn còn hoa để ngắm tạm / Thơ nên thì cửa đã có trăng dọi vào. Xem trong từ điển P. de Béhaine làm vào năm 1772-1773 trước cả khi các bậc cổ học hoàn thành việc sưu tập và khắc in thơ Nguyễn Trãi ta gặp chữ 落trong các ngữ liệu lác xem, lác nhìn, lác thấy. Và cũng trong từ điển này ta gặp chữ liếc quốc ngữ và viết Nôm với tự dạng mục目 + lạc 落. Có thể cho rằng, khi không viết với bộ mục, thì chữ này vẫn hoàn toàn có thể đọc âm liếc. Chúng tôi chọn âm liếc là chọn hình thức trung gian để phân biệt với lác dù có thể cổ hơn nhưng có thể gây nhầm nghĩa[2]. Việc nhóm MQL dẫn từ điển Génibrel là thiếu khách quan vì trong từ điển này, tác giải thích từ kép lác đác và lác rác chứ không giải thích riêng từ lác. Không phải từ kép nào thì mỗi âm tiết của nó cũng mang nghĩa chung cho cả từ.

4. Kẻo còn LOẠT LOẠT chữ Tương Như. (36.2).
Đây là câu thơ thực sự thú vị vì có nhiều phương án phiên và hiểu rất khác nhau.
Các cụ Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm cẩn trọng hơn cả khi phiên là lọt đọt. Các cụ viết trong mục Tồn nghi: “Câu 2 có chữ lọt đọt, nguyên bản A viết chữ 律律 , bản B viết chữ [糸+卞] [糸+卞], chúng tôi tạm phiên là lọt đọt và bền bện, không biết có đúng không, xin ghi để chất chính”.
Cụ Đào Duy Anh, 1976, phiên là lọt lọt và giải thích “còn thấy rõ ràng mồn một chữ của Tương Như” [10, tr.726]
Cụ Bùi Văn Nguyên, 1994, phiên là biện biệt và viết: “Biện biệt...Tương Như: Biện biệt là phân tích cho rõ, đây theo bản B, còn bản A lại ghi là lọt lọt, lọt thọt. Tư mã Tương Như là nhà làm phú nổi tiếng thời Hán, chữ dùng cầu kì, nên phải biện biệt”.
Nhóm Mai Quốc Liên chủ trương phiên lọt lọt và dẫn thêm Vũ Văn Kính và Paul Sneidere phiên rọt rọt. Các cụ viết trong sách: “Lọt lọt: Luật đọc chệch thành lọt lọt, nghĩa là rõ ràng mồn một. ĐDA cũng phiên lọt lọt và giải thích: Còn thấy rõ ràng mồn một chữ của Tương Như. PS phiên rọt rọt, ở bảng từ vựng giải thích là Suivre, poursuivre (theo, theo đuổi, đeo đẳng), rebattre les oreilles (đập vào tai, nói mãi nghe đến chán tai) và dịch câu thơ này là “Il me semble entendre sans cesse le nom de Tuong Nhu (Hình như ta không ngừng nghe tên của Tương Như). Bản B chép[糸+卞] [糸+卞] TVG: bền bện. BVN: biện biệt”.
Nhóm Nguyễn Tá Nhí, 2008, đồng thuận phiên rọt rọt và giải nghĩa là rõ ràng, rành rọt.
Các ý kiến chưa thống nhất cho dù chữ nghĩa thì rất rõ ràng và câu thơ không đến nỗi khó hiểu như họ tưởng. Luật là nguyên từ của loạt, tiếng Việt hiện tồn cả hai từ nhất luật và nhất loạt. Cho nên, ở câu thơ này, chữ luật luật là loạt loạt. Thế thôi! Chúng ta có một loạt, nhất loạt, hàng loạt, cả loạt hà cớ gì không có loạt loạt. Dễ như vậy thì mà các cụ cựu học xưa nay không biết sao? Thực ra, trong câu thơ trên, hình như chữ KẺO làm cho người phiên bối rối vì nhiều người hiểu kẻo còn là một kết cấu chặt. Nếu theo dõi 12 lần xuất hiện chữ kẻo trong toàn văn bản thì ta thấy tình hình khác như vậy và hai chữ loạt loạt sẽ sáng ra:
38.4. - Lọn thuở đông hằng bếp
Suốt mùa hè, kẻo đắp chăn
56.2 -Ruộng đôi ba khóm đất con ong
Đầy tớ hay cày kẻo mượn mòng
59.2 -Am quê về ở dưỡng nhàn chơi
Yên phận yên lòng kẻo tiếng hơi.
67.4 -Gió tận rèm thay chổi quét
Trăng kề cửa kẻo đèn khêu
105.6 -Lặt hoa tàn xem nguyệt rụng
Soi nguyệt xấu kẻo đèn khêu.
109.6 -Mừng cùng viên hạc quen lòng thắm
Đã kẻo thuần lô bảo hẹn về.
141.8 -Người cười dại khó, ta cam chịu
Đỡ kẻo lầm cầm lẫn mất lề.
146.6 -Nhiều của ấy chăng qua chữ nghĩa
Dưỡng người cho kẻo nhọc chân tay.
153.2 -Trong tạo hóa có cơ mầu
Hay đỗ hay dừng mới kẻo âu.
156.4 -Rồi việc mới hay khuôn được thú
Khỏi quyền đã kẻo lụy chưng danh.
171.6 -Có của cho người nên rộng miệng
Chẳng tham ở thế kẻo chau mày.
Trừ đi trường hợp đang bàn thì trong 11 trường hợp vừa dẫn, có đến 10 trường hợp chữ kẻo chắc chắn có quan hệ với động từ và duy 1 trường hợp phải biện luận: Yên phận yên lòng kẻo tiếng hơi. Khi chúng ta hiểu tiếng hơi là thị phi thì 100% trương hợp đều là đi với động từ. Như vậy nghĩa của chữ kẻo là để chỉ việc chủ thể phát ngôn chủ động thoát ra khỏi một hành động đáng lẽ phải diễn ra. Và tất cả những chữ kẻo trên chúng ta đều có thể thay thế bằng chữ khỏi hiện nay mà vẫn trọn nghĩa. Tất nhiên là chữ khỏi hiện nay để chúng ta hiểu chứ không phải là chữ khỏi thời Nguyễn Trãi. (Chúng tôi cũng đã so sánh 9 chữ khỏi và 12 chữ kẻo trong Quốc âm thi tập thì thấy hai chữ này có sự phân nghĩa tinh tế nhưng khá rõ ràng là chữ khỏi thời đó chủ yếu mang nghĩa chỉ việc chủ thể phát ngôn chủ động ra khỏi một hiện thực không gian nào đó và vì vậy nó thường có quan hệ với một hình thức danh từ nào đó).
Như vậy để hiểu trường hợp đang bàn, ta thay chữ kẻo bằng chữ khỏi hiện nay, kết quả sẽ là:
Án tuyết mười thu uổng độc thư
Khỏi còn loạt loạt chữ Tương Như.
Theo sự mách bảo của cả 11 trường hợp trên thì lúc này, chữ kẻo sẽ quan hệ với một động từ và động từ đó sẽ là độc thư. Tác giả vừa thoát khỏi cảnh mười năm phí uổng độc thư. Cái còn lại sau đó sẽ là loạt loạt chữ Tương Như nữa mà thôi. Chúng tôi như đang có vẻ cố tình tách chữ kẻo khỏi chữ còn. Nhưng không phải. Chúng ta lại dùng phép thay thế. Ví dụ, ngay bây giờ chúng ta có phát ngôn: Bia rượu cả tuần quá say sưa. Khỏi, còn váng vất đến bây giờ hoặc Bệnh viện năm tuần nằm chữa bệnh; khỏi, còn chất đống bao nhiêu bài vở.Hay chúng ta có biến thể khác: Trên biển cả tháng lênh đênh, xong lên bờ vẫn còn loạng choạng hay Hội hè từ nam chí bắc, xong hết sạch cả tiền tiết kiệm... Chúng ta không thể nói rằng, những câu trên là không hiểu nổi hoặc không thuần Việt. Đọc những câu thơ của Nguyễn Trãi ta thấu hiểu tâm sự của Cụ hơn:
Án tuyết mười thu uổng độc thư
Kẻo còn loạt loạt chữ Tương Như
Nước non kể khắp quê Hà hữu
Sự nghiệp nhàn khoe phú Tử Hư.
Có thể diễn đạt ý nhà thơ như sau: Qua khỏi 10 năm uổng phí đọc sách thánh hiền trong nghèo khó, cái còn lại chỉ là miên man những chữ của Tư mã Tương Như thôi, khắp cả nước non kể ra cũng là ảo tưởng, khoe sự nghiệp rút cuộc là chữ nhàn trong bài phú Tử hư. Chữ loạt loạt chính là như vậy. Điều thú vị là, bản B cũng giống ý như vậy. Bện bện là chữ của thao tác đánh dây, xe sợi, hết tao này nuộc nọ miên man, lớp lớp không dừng. Vậy bản B, câu này phiên đúng là Kẻo còn bện bện chữ Tương Như. Không còn gì để bàn nữa. Các tác giả phiên thơ đã làm rắc rối những chữ đáng ra rất giản dị, rõ rành, đúng đắn.

5. GIẠI LÒNG ĐƠN, nhật nguyệt thâu. (40.4).
Câu thơ này cũng có nhiều cách hiểu và cách phiên khác nhau và cần phân tích để hiểu rõ.
TVG-PTĐ1956 phiên là Dãi lòng đan và giải thích lòng đan là lòng son.
ĐDA 1976 phiên Giãi lòng đơn và không chú thích.
Nhóm MQL2001 phiên là Dãi lòng son, Nhóm NTN2008 quay lại phiên và hiểu như TVG-PTĐ1956.
BVN1994 phiên Dại lòng đan và chú thích dại là cái dại bằng phên, lòng đan là lòng son.
Đọc Quốc âm thi tập theo bản A chúng tôi thấy chữ dãi với nghĩa là phơi ra, phôi phai xuất hiện 3 lần và đều được ghi bằng chữ trãi 豸. Đó là các câu:
14.4: Quĩ đông dãi, nguyệt in câu.
21.3: Cửa song dãi, thâm hơi nắng.
213.4: Nhà giao dãi bóng thiềm cung.
Trong câu thơ đang bàn, chữ giại được ghi đãi 待. Đãi âm Hán Việt đọc giại âm Nôm là đúng. Và sự phân biệt với dãi là có ý, ít ra là của các bậc cổ học khi làm sách này.
Giại lòng đơn là cái giại đan róng mốt sơ sài để che chắn nên ánh mặt trời, ánh trăng có thể xuyên thấu (nhật nguyệt thâu). Trong nghề đan lát, có những từ nghề nghiệp chỉ cách đan hoặc tả mặt đan. Róng (hoặc lóng, dóng, nong) mốt, róng hai, róng ba, róng bốn, róng năm... là chỉ cách gài nan. Còn để tả mặt đan khi sản phẩm đã hoàn thành người ta nói: lòng đơn, lòng kép, lòng thia, lòng gấm. Lòng đơn để chỉ hoa văn mặt sản phẩm đan róng mốt tạo nên. Lòng kép để chỉ hoa văn mặt sản phẩm đan róng hai róng ba tạo nên. Lòng thia để chỉ hoa văn mẹt sảy, nia sảy mà trên đó, nan dọc lao đi cách quãng như ném thia lia trên mặt nước. Dụng cụ này khi sảy, người ta sảy dọc để dễ thoát những phần tử nhẹ, khi gằn để gạn, người ta người ta gằn ngang để dễ giữ lại cát sạn hoặc phần tử được chọn dễ mắc vào nan dọc. Lòng gấm để chỉ hoa văn do cách đan phức tạp tạo ra những hình như dệt gấm.
Đến đây, đọc cả hai câu thơ của Nguyễn Trãi, trước hết ta thấy sự chỉn chu, cặn kẽ của nó:
Song cửa ngọc, vân yên cách
Giại lòng đơn, nhật nguyệt thâu.
Có thể diễn ý rõ ra cái nghĩa này như sau: Cửa ngọc là ngọc môn, chỉ nơi ở của vua, mà nơi đó đã chìm khuất sau sương khói xa xôi; còn ở nơi này chỉ là ngôi nhà phên vách đơn sơ, suốt ngày, ánh mặt trời, ánh trăng có thể xuyên thấu qua.
Nhưng đó là nghĩa thực, lớp nghĩa thứ nhất của câu thơ. Bởi vì lòng đơn còn có nghĩa là lòng son, là đan tâm (tấm lòng trung thành bền chặt), nhật nguyệt còn chỉ minh quân, chỉ vũ trụ, đất trời cho nên câu thơ còn hàm ý biểu hiện: Tấm lòng trung thành bền chặt của ta đã có mặt trời mặt trăng soi thấu. Ở đây rõ ràng câu thơ Nguyễn Trãi sử dụng yếu tố chơi chữ sâu kín và thầm lắng. Chúng tôi cũng đã nói về yếu tố chơi chữ đã xuất hiện trong Quốc âm thi tập khi phân tích những chữ cân cấn và thia thia trong bài trước ( Ngòi khan ước ở làm cân cấn/ Cửa quyền biếng mặc áo thia thia). Yếu tố chơi chữ này về sau, trong thơ Nôm đã thực sự bùng nổ với phong phú những cách thức, những quan niệm. Cũng chính yếu tố này làm cho việc hiểu và phiên thơ Nôm nhiều khi lưỡng lự, băn khoăn dẫn đến những giải pháp rất khác nhau, đôi tranh với nhau. Ở trường hợp này đọc giại lòng đơn vẫn có thể hiểu lớp nghĩa dãi lòng son như thường khi mà giại, giãi, dãi trong tiếng khu bốn đến nay vẫn phát âm không phân biệt và cũng còn nhiều chứng cứ ngữ âm về sự không phân biệt này cách đây 3,4 thế kỉ, dù ở Bắc hay ở Trung. Khu bốn chỉ là hình thức bảo lưu khi kinh kì phát triển nhanh và không ngừng mà thôi.

6. Mây QUÊN KHÁCH, nguyệt vô tình. (65.2 bản B).
Chúng tôi phiên câu này theo bản B. Bản A ghi câu này có đảo thứ tự giữa chữ khách và chữ nguyệt và nên phiên là Mây quen/ nguyệt khách/ vô tình.
Các bậc cựu học theo bản A mà phiên như sau:
TVG- PTĐ 1956 phiên là Mây quen nguyệt, khách vô tình.
ĐDA1976 phiên là Mây quyến nguyệt, khách vô tình.
Những người phiên sau như BVN1994, Nhóm MQL2001, Nhóm NTN2008 chắc vì thấy mây quyến nguyệt rất lọn ý nên phiên theo mà không băn khoăn gì cả.
Chúng tôi thấy chữ quyến vốn là chữ Hán 眷 đã có cách đọc Hán Việt rất quen thuộc và tiện lợi với các nét nghĩa quyến nhớ hay gia quyến, thân quyến. Trong QÂTT, chữ này vẫn là một từ Hán Việt thông dụng thời Nguyễn Trãi với nghĩa là quyến rủ, lôi cuốn, quấn quýt, quyến luyến xuất hiện 5 lần trong những bài sau:
1.3: Con đòi trốn dường ai quyến.
62.3: Dịp huyện hoa còn quyến khách.
70.4: Đìa thanh, đêm quyến nguyệt vô tâm.
119.4: Quyến trúc mai kết bạn tri âm.
215.5: Đêm có mây nào quyến nguyệt.
Nghĩa là rất trọn và chữ là rất rõ. Vậy, trong câu thơ đang bàn, với chữ 涓 này, chúng ta không thể phiên là quyến được. Chỉ có thể phiên quen hoặc quên mà thôi.
Có thể những người chủ trương phiên quyến là do ảnh hưởng cách ngắt nhịp câu thơ làm đôi của những người phiên đầu tiên (Mây quen nguyệt// khách vô tình) và thấy cụm mây quen nguyệt nghe cầu kì, nghĩa nông cạn mà đổi thành mây quyến nguyệt, bất chấp chữ trên văn bản. Nhưng nếu ta ngắt nhịp khác đi thì chữ quen vẫn trọn ý:
Non Phú Xuân cao/ nước Vị thanh
Mây quen/ nguyệt khách/ vô tình.
Cảnh ẩn dật như Nghiêm Quang câu ở Phú Xuân, Lã Vọng câu ở sông Vị, mây là người quen, nguyệt là khách khứa, tất cả mọi chuyện đều vô sự, không phải nghĩ ngợi. Có thể những bậc cổ học biên soạn QÂTT đã hiểu theo hướng này nên giữ chữ quen 涓. Nhưng cũng có điều cần nói là so với câu thơ ở bài 64 câu 6 thì ta thấy ý có ngược lại: Mây khách khứa, nguyệt anh tam. Nguyễn Trãi không coi nguyệt là khách!
Bản B cho ta một dị bản thú vị và chúng tôi thấy bản này về ý nghĩa rất trọn vẹn và khả dụng hơn: [雨+迷] 涓客月無情. Chúng ta có thể phiên là Mây quên khách/ nguyệt vô tình. Mây quên khách là cụm từ lấy ý từ câu thơ của Đào Tiềm, một mẫu hình ẩn dật: Vân vô tâm dĩ xuất tụ (Mây vô tâm, cứ tụ lại rồi cứ tan đi). Vô tâm như vậy thì quên khách thơ là chuyện đương nhiên. Còn nguyệt vô tình hay nguyệt vô tâm là điều mà Nguyễn Trãi đã từng nói đến. Ông làm thơ trong tâm thế một người ẩn dật, lánh đời. Trong quá trình tìm hiểu thơ quốc âm của Nguyễn Trãi, chúng tôi thấy bản B còn lưu nhiều yếu tố cổ đáng được chú ý kĩ.

7. Nắng quáng, SƯA SƯA bóng trúc che (79.1)
Chúng tôi lựa chọn sưa sưa thay cho thưa thưa như các bản phiên từ trước tới nay dù nghĩa không khác nhau. Chữ Nôm viết 疎疎 và cách đọc Hán Việt là sơ sơ. Chữ này cũng thường dùng ghi thưa với nghĩa chỉ một hành động nói năng trong văn Nôm. Tuy nhiên, Nguyễn Trãi cách chúng ta đã hơn 500 năm và thời của ông, chữ Nôm đang hoàn thiện với tư cách là một hệ thống văn tự, nó vẫn giữ cách phát âm cổ. Trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi không xuất hiện chữ thưa với nghĩa là động từ chỉ một loại hành động nói năng nên chúng ta không có để so sánh. Chữ sưa này với nghĩa chỉ một thực trạng vật chất không dày, ngược với mau, xuất hiện 6 lần và đều có thể phiên sưa cả:
79.1: Nắng quáng sưa sưa bóng trúc che
126.1: Giậu sưa sưa hai khóm trúc
225.4: Bóng sưa ánh nước động người vay
226.1: Bóng sưa ánh nước động người vay (lặp câu trên trong kiểu thơ thủ vĩ tương liên).
Hiện tường dùng / th / để ghi / s / là việc hay thấy trong các văn bản cổ. Trong văn bản Thiền tông khóa hư ngữ lục cho Tuệ Tĩnh giải nghĩa có dùng chữ thượng thượng 尚尚để ghi từ sảng sảng: Sảng sảng thửa những tiếng đàn địch hứng thổi lại gọi rằng ấy thực tiếng rồng ngâm; Rân rân thửa những tiếng chuông trống rôm rả gọi là ếch kêu tr.41b [18, tr.153]
Hiện nay đi thực tế các vùng Bắc Ninh, Hà Tây cũ hay Nam Định chúng tôi vẫn gặp phát âm sưa này trong sự phân biệt với thưa động từ chứ không chỉ vùng khu bốn mới dùng phổ biến. Phiên thưa dễ hiểu với mọi người ngày nay hơn nhưng phiên sưa cũng không phải là không hiểu, hơn nữa giữ được âm hưởng cổ của văn bản. Chúng tôi lựa chọn là vì thế.

8. Cây im, thư thất LẶNG bằng the. (79.2).
TVG-PTĐ1956 phiên câu này là Cây im, thưa thớt sáng bằng the và chú thích Cây im: Cây không có gió động, bóng nắng thưa thớt chiếu xuống như một bức rèm the căng lên trên.
ĐDA1976 cho chữ 烺 chép lộn thành 浪, nên phiên lặng bằng the, và chú thích là “sáng như là có căng the, ánh sáng lọt qua mà sáng hơi hơi (vì có bóng trúc che thưa thưa cho nên ánh sáng lọt qua mà phòng đọc sách được sáng) [10, tr.754]
BVN1994, Nhóm MQL2001 phiên theo GS Đào Duy Anh.
Nhóm NTN2008 phiên Cây im thư thất rắng bằng the và chú thích Rắng bằng: Tựa như.
Hồng Đức QATT cũng có câu tương tự và trước nay đều nhất loạt được phiên là: thừa lương đình vắng sáng bằng the (3a).
Chúng tôi thấy chữ 浪 trong câu trên phải phiên lặng mới đúng cả về ngữ âm cả về ngữ nghĩa. Bài thơ được làm trong một buổi trưa hè nắng nóng, ít gió:
Nắng quáng, sưa sưa bóng trúc che
Cây im, thư thất lặng bằng the.
Nắng quáng là nắng nhìn lóa cả mắt. Ấy vậy mà mấy ngọn trúc chỉ che được phần thưa thớt mà thôi. Gió chưa có nên cây đứng im còn phòng đọc sách thì lặng như the vậy (đây là một lối nói cổ hơn của cụm lặng như tờ). Tả như vậy là đủ thấy cái bức nực của nắng hè. Chúng ta bây giờ đọc sách viết bài có phòng máy lạnh hoặc có quạt cây. Khi mất điện, ta sẽ hiểu ngay ra Nguyễn Trãi. Chốn ẩn dật của Nguyễn Trãi thủa xưa, chân núi Côn Sơn, đâu chỉ xuân hoa nở, thu trăng trong mà còn sẽ gặp những ngày hè nóng nực. Cụ viết về cái cảnh đó để lại cho chúng ta hôm nay. Nói lặng như tờ được thì ắt hẳn nói lặng bằng the cũng chắc chắn là được. Chữ “lặng” ở đây vừa là tĩnh lặng vừa là không có một mảy gió nào, không chút rung rinh. Thế mới bức.

9. SAN SÁT KỀ song, giấc hòe. (79.8)
Đây là câu kết của bài 79 là bài chúng tôi vừa sửa chữ cho câu 1 và câu 2. Ba chữ San sát kề các tác giả trước đây phiên có khác nhau.
TVG-PTĐ 1956 phiên là Sàn sạt cài song giấc hòe và giải thích cài song là cài cửa sổ để ngủ.
ĐDA1976 phiên là thơn thớt và chú là “chúng tôi thấy trong Bạch Vân thi tập chữ 撻 đều dùng để nói cái thớt, cho nên chúng tôi cho rằng hai chữ trên có thể phiên là thơn thớt” [10, tr.755]
BVN1994 cũng phiên Thơn thớt cài song giấc hòe.
Nhóm MQL2001 phiên là Thớt thớt cài song giấc hòe và giải thích thơn thớt hay thớt thớt có nghĩa là qua loa, sơ sài. Nhưng cách phân suất nghĩa như vậy là rất có vấn đề về mặt âm và ngữ nghĩa. Vì động từ là cài song, cho nên âm đọc phỏng đoán và kéo theo là tạo nghĩa phỏng đoán là “qua loa sơ sài”. Cách tự gán âm và gán nghĩa cho âm đọc mà không kiểm chứng qua từ điển cổ và ngữ cảnh như vậy sẽ gây nên nhiều điều bất cập.
Nhóm NTN2008 phiên là Thít thít kề song giấc hòe và giải thích thít thít là thin thít, ngủ say. Nhưng xét văn cảnh, trời giữa trưa nắng nôi như thế, đến nỗi không đọc nổi sách, không nói năng bàn bạc được gì, làm sao có thể ngủ “thin thít” cho được; mặt khác, đã giấc hòe thì khó mà thin thít được vì trong đó chứa đầy những mộng mơ, ảo tưởng và bừng tỉnh, thất vọng. Tuy nhiên, chúng tôi coi đây là cách phiên khả dĩ nhất từ trước cho đến nay.
Vậy chữ 掑窻 phải phiên là kề song như bản của NTN2008. Chữ trong văn cảnh tương tự tại vị trí 97.4 cũng phiên Kề song gió trúc nàm nàm [14, tr.859, 860], và vị trí 158.4 cũng phiên thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh chênh [14, tr.1001]. Hai chữ mang âm đọc Hán Việt thát thát 撻撻 có thể đọc là sát sát hoặc san sát vì đây có dấu hiệu viết kiểu từ láy âm. Hai chữ san sát trong ngữ cảnh này phải hiểu là liền kề theo nghĩa ban sơ của từ này, là sít vào chứ không hiểu bày đặt lớp lớp, ken dày như nét nghĩa của tiếng Việt hiện đại. Ngày nay ta vẫn nói: “Dịch cái bàn san sát vào”; “Kê cái sập san sát vào tường” và vẫn hiểu. Nhưng san sát và kề đứng liền nhau thì có lặp lời không? Theo chúng tôi thì không phải là lặp. Bởi kề ở đây là động từ, và nó có một biến âm khác là kê và có thể còn có thêm ghé nữa trong câu thuyền kề bãi. Phân suất nghĩa của từ này ta thấy, kề là động từ cập vật với nghĩa là dịch chuyển vị trí để sát gần với một không gian hay sự vật cụ thể nào đó. Trong câu thơ này chữ san sát là trạạng từừ cho động từ kề. Nếu có người cho rằng đây là một phát ngôn lặp lời thì cách nói dân giã cũng có những cách nói như sát kề, kề sát, kề cạnh, kề sít. Phân tích tiếp chủ thể của hành động kề: câu kề song gió trúc nàm nàm thì chủ thể của hành động kề là một hợp thể của gió và trúc, gió đưa cành trúc quệt nhẹ vào song cửa khiến cho cái tĩnh càng lặng hơn; còn ở câu thơ này, chủ thể kề song không ai khác chính là nhà thơ, trưa hè nóng ai chả kê gối sát ra gần cửa sổ nơi có gió Nam nhẹ hẩy hẩy thi thoảng đưa vào.
Giờ đây, đọc cả bài thơ chúng ta sẽ hiểu Nguyễn Trãi hơn:
Nắng quáng, sưa sưa bóng trúc che
Cây im, thư thất lặng bằng the
Tỏ tường phiến sách: con Chu Dịch
Bàn bạc lòng nhân: cái quýt chè
Đòi thuở khó khăn chăng xuýt ải
Thấy nơi xao xác đã mày nề
Ngày nhàn gió khoan khoan đến
San sát kề song giấc hòe.
Bài thơ về HÈ mà dùng che làm khởi vận là có lựa chọn. Độ tập trung của ngôn ngữ, của hình ảnh hướng mạnh mẽ đến sự im ắng và bức sốt: Nắng thì quáng, bóng trúc thì sưa, cây im, phòng sách lặng, cái thẻ nhớ trang (con Chu Dịch) nằm im trong quyển sách (nhường việc đọc sách cho nó), việc đàm luận nhân tình thế thái thì đã có cây quýt cây chè đứng im kia, đến tiếng xuýt xoa trong lúc khó khăn cũng chả thèm bật lên nữa, chỉ cụp mắt xuống (mày nề) khi thấy khắp nơi xao xác; ngày nhàn trôi, thỉnh thoảng mới có tí gió (gió khoan khoan đến: lâu lâu mới có chút gió đến), nằm kề sát bên cửa sổ đánh một giấc chiêm bao. Cũng phải nói thêm là chúng tôi không đồng thuận với cách phiên quýt chè (câu 5) ra quých chòe (chích chòe) của Paul Shneider mà Nhóm MQL2001 phiên theo vì nó xa xôi và rách việc cả về chữ, về nghĩa, về sự trọn vẹn cả bài thơ. Dưới phiên là quých chòe được hà cớ gì hai chữ chu dịch ở trên không phiên luôn là chù dích cho nó đối hẳn đi. Chù dích là loài chuột chù hay kêu dích dích ở trong các thư thất ấy!

10. Chông gai NÉ đường danh lợi. (80.3)
Cái tiếng né này trên bản chữ Nôm in rất rõ bằng chữ nễ 你. Tuy nhiên, các bản phiên đưa ra cách đọc khác nhau.
TVG-PTDD1956 phiên là Chông gai nhẹ đường danh lợi và từ đó, BVN1994 cũng đồng ý như vậy.
P.S phiên: Chông gai nể đường danh lợi.
Nhóm MQL2001 phiên Chông gai nhẻ đường danh lợi và giải thích như sau: “Nhẻ. Chữ Nôm viết 你, TVG,PTĐ phiên nhẹ, ĐDA: nhỉ, BVN: nhẹ, PS nể; chúng tôi phiên nhẻ và hiểu nhẻ là đầy, như Từ điển Génibrel giải thích ở mục nhe nhẻ: Plein, rempli de. Từ nhẻ với nghĩa là đầy ở câu 3 đối với từ no là đủ ở câu 4, rất rõ ràng về ý nghĩa lại rất chỉnh về luật đối trong thơ”.
Nhóm NTN2008 phiên Chông gai né đường danh lợi nhưng không có chú thích. Chúng tôi cho rằng cách phiên này là đúng và phân tích các cách phiên như sau:
- Cách phiên NHẸ rất trọn nghĩa, chỉnh đối, hợp ý thơ nhưng bị vướng về mặt chữ. Có năm chữ nhẹ trong cả văn bản này đều được viết bằng chữ nhĩ 珥, đó là:
9.4: Bè Trương Khiên nhẹ, khách sang.
30.5: Thân đà hết lụy thân nên nhẹ.
78.1: Tiêu sái tự nhiên nhẹ hết mình.
248.1: Ngẫm hay sự thế nhẹ bằng lông.
250.2: Xòe hai cánh nhẹ mười phân.
Có thể các tác giả này đã đọc chữ nễ thành nhân 亻+ 尓 nhĩ nên phiên là nhẹ. Chúng tôi vẫn cho rằng, ở đây là chữ nễ nguyên khối.
- Cách phiên NHỈ (hư tự) vừa không hợp chữ như trên vừa không hợp đối với chữ no là thực tự ở câu 4.
- Cách phiên NỂ không hợp ý thơ lắm vì người ẩn dật e không cần nể hoặc kiêng nể con đường danh lợi lắm chông gai. Còn nếu coi nể như một hình thức uyển ngữ mang tính châm biếm cũng không tương thông với ý toàn bài lắm: Một tâm sự buồn nghiêm nghị, chiêm nghiệm.
Cách phiên NHẺ và hiểu nhẻ là đầy thì phải bàn lại. Cách phiên này dẫn từ điển Génibrel (năm 1898) nhưng không đáng tin cậy vì mấy lí do như sau. Thứ nhất, trong từ điển này không có chữ nễ 你 đọc là nhẻ. Cái chữ đọc là nhẻ là chữ [口+ 尓] [8, tr.556]. Thứ hai, không có chữ nhẻ nào được chú thích là đầy cả mà chỉ có từ nhe nhẻ ở mục nhe (ghi Nôm là [ 兒+小]) được chú trong khi đưa ngữ liệu như sau: “Đầu nhe nhẻ những chấy (T), Têt e couvert de poux” [8, tr.556]; và ở mục nhẻ (ghi Nôm là [口+ 尓]) chú như sau: “Nhe nhẻ (T), Plein, rempli de. (V. Nhe, 3)” [8, tr.556]. Như vậy ở đây, tác giả từ điển chú nghĩa cho cả từ kép chứ không cho riêng chữ NHẺ đang bàn. Không phải từ kép nào, từ lấp láy nào thì mỗi lời của nó đều mang nghĩa, bởi vậy không thể rút ra một thành tố và thành tố đó đủ đại diện cho nghĩa cả từ. Ví dụ: nhan nhản, lai rai, sa sả, lải nhải, nhồm nhoàm, xăm xắp, lểu thểu, lang thang, lỗ mỗ, lênh đênh, tung tăng, hớn hở, nhởn nhơ, xun xoe… Ở đây, từ điển chú nghĩa không sai vì họ đã chú cả từ kép, chỉ người sử dụng từ điển đã tùy tiện rút ra một chữ rồi cấp nghĩa cả từ cho nó để phục vụ cho ý mình là sai thôi. Thứ ba, vì thế, các từ điển trước và sau Génibrel của người bản ngữ đã không hề có từ đơn NHẺ với nghĩa là đầy. Đến nay, nhiều từ điển chữ Nôm đã ra đời vẫn không có mục từ đơn NHẺ với nghĩa đầy vì không có ngữ liệu thứ hai nào. Có thể khẳng định, cách phiên này đã tưởng tượng ra thêm một chữ cho kho tàng tiếng Việt mà thôi!
Chữ nễ 你 này phiên được là né vì:
- Đã có trong các từ điển như vậy. Ví dụ Từ điển P. de Béhaine (1772-1773) chữ Nôm 你 [5, tr.396] và chữ quốc ngữ né (nghĩa là tránh) với các ngữ liệu né mình, tránh mình. Từ điển Aj. L. Taberd (1838) cũng tương tự [6, tr.329]. Đại Nam quấc âm tự vị của Huinh Tinh Paulus Cua (1896) có chữ Nôm 你và quốc ngữ là Né và chú nghĩa : Né.n. Tránh mình cho khỏi [7, tr.687]. Chính từ điển của Génibrel (1898) cũng có chữ Nôm né 你 và đưa các ngữ liệu né mình, né xuống, né lại, ké né. [8, tr.483]
- Phiên chữ né vẫn đảm bảo luật đối của câu thơ :
Chông gai né đường danh lợi
Mặn lạt no mùi thế tình.
Theo Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu (1942), luật đối trong thơ luật đường bắt buộc thực tự đối thực tự, hư tự đối với hư tự. Trong 2 câu thơ trên, tất cả đều là thực tự. Hơn nữa né và no không chỉ cùng là thực tự mà còn cùng là động từ. Nếu có phân biệt thì một bên là đông từ chỉ hành động, một bên là động từ chỉ trạng thái. Nhưng các cụ ngày xưa không quan niệm như vậy. Đó là sản phẩm câu nệ của một số người ngày nay.
Xem chữ né có hợp nghĩa câu thơ không, chưa cần phân tích, chúng ta làm các phép đảo và sẽ thấy các phương án đều trọn nghĩa :
-Né chông gai đường danh lợi
No mặn lạt mùi thế tình.
-Né đường danh lợi chông gai
No mùi thế tình mặn lạt.
-Đường danh lợi chông gai : né
Mùi thế tình mặn lạt : no.
-Đường danh lợi né chông gai
Mùi thế tình no mặn lạt...
Nguyễn Trãi làm bài thơ khi đã thấy mình là già hòa lú, vậy mà chưa báo đáp được công sở sinh của cha mẹ. Về ẩn dật, đối với đường danh lợi vốn lắm chông gai thì đã tránh được. Cuộc sống dân dã thì mặn lạt chỉ cần theo ẩm thực của thế tình. Bầu bạn là một hai phiến sách. Công danh giờ đáng đổi dăm ba chén rượu. Chỉ thế thôi cần chi hơn nữa. Chỉ cầu cho được ngồi coi thiên hạ thái bình. Đọc cả bài thơ, ta hiểu tâm sự của vĩ nhân:
Tơ tóc chưa hề báo sở sinh
Già hòa lú, tủi nhiều hành
Chông gai né đường danh lợi
Mặn lạt no mùi thế tình
Sách một hai phiên làm bậu bạn
Rượu năm ba chén đổi công danh
Ngoài chưng phần ấy cầu đâu nữa
Cầu một ngồi coi đời thái bình.

11. Tài LỌN công danh hợp mọi bề (141.1)
Bản ĐDA phiên là LUẬN và giải thích là : luận về công danh thì thấy tài của mình là hợp mọi bề. Nhóm MQL2001 đã kế thừa cả cách phiên lẫn cách chú này. Tự dạng của chữ này được ghi bằng 論, đọc theo âm Hán Việt là luận, nghĩa là bàn luận. Trong văn bản phiên âm QATT của nhóm MQL, chữ luận còn được phiên thành trọn ở các vị trí sau 38.3: trọn thuở đông hằng nhờ bếp, 53.6: già được trọn ấy là tiên, 58.1: buồng văn đắp cửa trọn ngày thu, 187.8: trung hiếu cương thường lòng đỏ, tự nhiên trọn nghiệp ba thân, 194.1: mười hai tháng trọn mười hai, và được phiên thành lọn ở ba vị trí là 216.7: dầu thấy xuân lan cùng lọn được, 94.1: ngồi coi tháng lọn lẫn ngày qua, 109.1: lấy đâu xuất xử lọn hai bề. Sở dĩ có sự phiên bất nhất như vậy vì mỗi đồng tác giả có phương pháp phiên âm khác nhau.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vị trí này nên đọc là lọn chứ không phải là luận vì những lý do như sau.
Tài lọn là một từ được dịch từ chữ toàn tài trong Hán văn. Đây là một phong cách thường thấy trong ngữ văn cổ điển. Ngay trong QATT có những ví dụ khác như rừng Nho được dịch từ Nho lâm, cửa thông dịch từ chữ tùng quan (cửa chùa), nhà cả dịch chữ đại trạch, một dường dịch chữ nhất dạng (thảy đều như nhau), khách đăm chiêu dịch từ chữ tả hữu (bề tôi thân cận),… Với nét nghĩa là toàn tài, chúng ta thử đọc lại đôi câu thơ đầu:
Tài lọn công danh hợp mọi bề
Dại ngay nên thiếu kẻ khen chê
Liên thơ tạo nên sự đối lập thường thấy trong tâm thế của người ở ẩn. Kẻ toàn tài thì cả công lẫn danh đều hợp đủ mọi bề. Còn ta vừa thẳng tính vừa dại dột (đến ẩn cư giữa chốn núi rừng này) nên chẳng có kẻ nào biết đến mà buông lời khen chê cả.
Về cách phiên âm, chữ luận là một kiểu ghi âm không toàn diện cho tổ hợp phụ âm đầu / tl / mà chúng ta thường thấy ở các văn bản từ thế kỷ XVII trở về trước. Ở thế kỷ XV, thời của Nguyễn Trãi thì tổ hợp phụ âm này còn khá phổ biến. Trong quá trình đơn tiết hóa mạnh của tiếng Việt, tổ hợp phụ âm / tl / sẽ có hai xu hướng phân hóa, thứ nhất là chuyển đổi thành phụ âm / tr /, thứ hai là rụng tiền tố / t / và lưu lại âm lỏng / l /. Sự phân hóa này khiến trong tiếng Việt hiện nay có hai âm là lọn và trọn. Về nghĩa thì hai âm này giống nhau. Tuy rằng có sự phân chia chức năng hơi tế nhị. Chữ lọn thường dùng trong một số ít các cụm như lọn nghĩa. Âm lọn ngày càng ít phổ dụng hơn rất nhiều so với trọn. Cũng có thể hình dung rằng lọn là sự phân hóa cổ hơn so với trọn. Chính vì thế các nhà phiên chú văn bản cổ thường dùng âm lọn này để phiên âm cho các từ dùng chữ luận. Sở dĩ, các nhà nghiên cứu phải chọn một âm đọc không thực sự cổ như thế bởi việc tái lập ngữ âm là / tlọn / như ở trường hợp này sẽ gây trở ngại rất nhiều cho người đọc hiện nay.

Trên đây là một số trường hợp chúng tôi đưa ra góp ý. Những ý kiến chúng tôi nêu ra trên đây có thể có đôi chỗ chưa thực sự tuyệt đối đúng, rất mong sẽ có những trao đổi thẳng thắn, mang tính học thuật và tôn trọng lẫn nhau. Mục đích của chúng tôi là, với tấm lòng trân trọng di sản thơ Nguyễn Trãi, để hiểu sâu tâm hồn danh nhân, trước hết phải khảo cứu chữ nghĩa cẩn thận. Chỉ qua những trao đổi học thuật mới càng ngày càng đúng đắn hơn. Từ đó chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm trong việc phiên và hiểu sâu kho tàng văn học Nôm của dân tộc.
Hà Nội 14 - 6 - 2010.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Trãi 阮廌 (1868). Quốc Âm Thi Tập 國音詩集. Việt Nam: Phúc Khê tàng bản. (bản A)
2. Trương Vĩnh Ký (1884). Dictionnaire Annamite – Francais. (Bị rách bìa 1 và 4, chưa xác định nhà xuất bản).
3. A. de. Rhodes, (1994), Dictionarium Annamiticium Lussitanum Vietnamiens (Từ điển Việt- Bồ- La), Rome 1651, Thanh Lãng dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4. Pierre Pegneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu), (1999), Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1772 (Tự vị An nam La tinh), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb.Trẻ.
5. Pierre Pegneaux de Béhaine, (1772-1772), Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1773 (Tự vị An nam La tinh), chụp bản chép tay.
6. L.J. Taberd, (1838), Dictionarium Anamitico- Latinum (南越洋合字彙 Nam Việt Dương hiệp tự vị), Frederrichnagori Vulgo Serampore.
7. Huình Tịnh Paulus Của, (1895-1896), “大 南 國 音 字 彙” Đại Nam quấc âm tự vị, SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4.; Nxb.Trẻ.1998 (theo ấn bản 1895-1896)
8. J.F.M. Génibrel, (1898), Dictionnaire Annamite- Français (大越國音漢字法 釋集成 ), SaiGon Imprimerie de la mission à Tân Định.
9. Trần Văn Giáp & Phạm Trọng Điềm. (1956). Nguyễn Trãi Quốc Âm Thi Tập, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội,
10. Viện sử học. (1976). Nguyễn Trãi toàn tập (Phần Quốc âm thi tập, Đào Duy Anh phiên chú), Nxb KHXH. H.
11. Paul Schneider, (1993), Dictionnaire historique des ideogrammes Vietnamiens, Domaine Carlone- 98, boulevard Edouard Heriot- BP 209- 06204 NICE Cedex 3 (France), Nice.
12. Bùi Văn Nguyên - biên khảo - chú thích - giới thiệu (1994). Thơ quốc âm Nguyễn Trãi. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà Nội.
13. Vũ Văn Kính - phiên khảo (1995). Quốc Âm Thi Tập 國音詩集. TP HCM: Nhà xuất bản Trẻ.
14. Mai Quốc Liên (chủ biên) (2001). Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (T3 : Quốc âm thi tập). Nxb Văn học. H.
15. Nguyễn Quang Hồng chủ biên. (2006). Tự điển chữ Nôm. Nxb Giáo dục. H.
16. Nguyễn Tá Nhí chủ biên. (2008). Tổng tập văn học Nôm (T1). Nxb KHXH.H
17. Nhiều tác giả. (2009). Tự điển chữ Nôm trích dẫn. Viện Việt học xuất bản. USA.
18. Trần Thái Tông. (2009). Thiền tông khóa hư ngữ lục. Tuệ Tĩnh giải nghĩa, Trần Trọng Dương khảo cứu, dịch và phiên chú. Nxb Văn học & TT Nghiên cứu Quốc Học.

________________________________________
[1] Tiếc là đến nay chưa có một công trình nghiên cứu văn bản học nghiêm túc về tác phẩm Nôm quan trọng hàng đầu này.
[2] Trần Trọng Dương đề xuất cách phiên khác là nhác trong nhác trông. Cách phiên này vừa đảm bảo về nghĩa và mối tương quan giữa văn tự và âm thanh. Hơn nữa, phiên nhác cũng sẽ tạo âm hưởng cổ kính, hơn là liếc.