Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Khảo cứu Thiền tông Khóa hư ngữ lục

(trong Thiền Tông khóa hư ngữ lục, Trần Trọng Dương khảo cứu, phiên chú, Nxb Văn học. 2009)




Trần Thái Tông 陳太宗 (1281 - 1277) là một nhân vật lịch sử của thời đại Lý - Trần. Ông là một vị vua lỗi lạc với võ công dựng nghiệp tạo nên hào khí của một thời đại. Ngày 29-1-1258, Trần Thái Tông đã phá tan quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu, giải phóng Thăng Long, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất. Thơ Trần Nhân Tông có ca ngợi: 白頭軍士在/ 往往說元豐 Bạch đầu quân sĩ tại, Vãng vãng thuyết Nguyên Phong (Lính bạc đầu còn đó, Kể mãi chuyện những năm thuộc niên hiệu Nguyên Phong). Nhưng phương danh Trần Thái Tông được sách sử lưu truyền còn vì ông là một Thiền tăng có những tư tưởng sâu sắc. Các trước tác của ông gồm có: 1. Thiền tông chỉ nam; 2. Kim cương tam muội kinh chú giải; 3. Lục thì sám sối khoa nghi ; 4. Bình đẳng lễ sám văn ; 5. Khóa hư lục; 6. Thi tập. Trong đó, Khóa hư lục là tác phẩm cổ nhất của Thiền tông thời Trần.
Khóa hư lục là sách về nghi quỹ của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử dùng cho quá trình hành đạo. Vua Trần Thái Tông biên soạn sách này vào quãng từ năm 1258 đến trước lúc mất (1277), tức là sau khi ông đã nhường ngôi cho vua Thánh Tông rồi vào núi tu hành. Xét về nội dung, Khóa hư lục vừa có giá trị triết học, vừa có giá trị văn học, qua một số hình thức văn thể như: văn, luận, biền ngẫu và kệ, thơ thất ngôn, thơ ngũ ngôn... Hiện thay thư viện viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ được một bản Khóa hư lục mang tên Thiền tông khóa hư ngữ lục mang ký hiệu AB.268, trong đó ngoài phần Hán văn, còn có phần giải nghĩa bằng chữ Nôm của Tuệ Tĩnh. Vì thế, văn bản này trước nay đã được các nhà nghiên cứu liệt vào danh mục các văn bản quan trọng nhất khi nghiên cứu về chữ Nôm và tiếng Việt lịch sử .
Nghiên cứu tiếng Việt vào giai đoạn Lý Trần, chúng ta thường bất lực vì tư liệu ít ỏi còn sót quá ít. Một vài tấm bia cổ có chữ Nôm mà Đào Duy Anh, Lê Văn Quán… khai thác chỉ có ý nghĩa về phương diện văn tự học chữ Nôm, bởi văn bia giai đoạn này không có văn bản nào thuần Nôm cả, mà chỉ ghi dăm ba địa danh thuần Việt. Gần đây, giáo sư Nguyễn Quang Hồng chứng minh rằng văn bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh là một tác phẩm dịch kinh Phật sang tiếng Việt vào quãng thế kỷ XII . Giả thuyết này hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế bởi những chứng cứ về ngôn ngữ (ngữ âm, từ cổ) và văn tự là cực kỳ cổ, cổ hơn cả bốn bài phú Nôm đời Trần vốn trước nay được coi là tác phẩm Nôm đầu tiên của lịch sử văn học Việt Nam.
Như lời ghi trong sách Thiền tông khóa hư ngữ lục (Kí hiệu AB 268 ), y sư Tuệ Tĩnh ( ? – 1385?) là tác giả của bản giải nghĩa này. Nếu quả đúng như thế thật thì bản giải nghĩa này có thể coi là văn bản quan trọng thứ ba xét về mặt thời gian lịch đại. Không những thế, độ dài văn bản (số lượt chữ) của nó gấp ba lần so với Phật thuyết (12.244 so với 4000 lượt chữ), và gấp gần 7 lần so với bốn bài phú Nôm đời Trần đã đề cập tới ở trên (12.000 so với 1500 lượt chữ). Tuy nhiên, còn có một số vấn đề về văn bản học được đặt ra như: niên đại văn bản, tính chân - ngụy, và vấn đề dịch giả của văn bản... Tình trạng của bản giải nghĩa Thiền tông khóa hư ngữ lục cũng không khác gì các văn bản của Hồng Đức quốc âm thi tập hay Bạch vân am thi tập. Nghĩa là, cả ba bản này đều là bản chép tay vào đời Nguyễn, phong cách văn tự Nôm cũng đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của các lần chép đi chép lại của người đời sau. Dẫu vậy, với những gì mà chúng tôi đã nghiên cứu được, văn bản AB.268 vẫn có giá trị nhất định về nhiều mặt như chữ Nôm, tiếng Việt lịch sử, về phong cách giải nghĩa...
1. Lai lịch và hiện trạng văn bản
Thiền tông khoá hư ngữ lục AB.268 thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sách chép tay, có 77 tờ gồm 154 trang, khổ 17 x 28,5 cm, giấy dó mỏng, ngả vàng, bìa quang cậy. Chữ viết theo lối khải, đôi ba chữ viết đá hành, nhiều tục tự và chữ viết tắt. Mỗi tờ có 6 cột chữ Hán lớn, kèm theo phần giải Nôm dịch đuổi ở phía dưới theo hình thức lưỡng cước. Sách trang đầu ghi Thiền tông khoá hư ngữ lục 禪宗課虛語錄, dưới chú Tào Động thiền tông曹洞禪宗. Sách có một bài tựa, do Huệ Duyên 惠緣soạn , nội dung nêu sự nhiệm màu của Phật pháp và hoàn cảnh cho in sách, tiếp đến là phần mục lục; phần chính văn song ngữ Hán- Việt (chữ Hán - chữ Nôm), cùng một bài Bạt hậu văn không rõ người soạn.
Về phần giải nghĩa bằng chữ Nôm: sách TTKHNL dịch hầu như toàn bộ nguyên tác chữ Hán, tuy có một số đoạn trong các bài bị lược bỏ. Việc bỏ dở này là do người chép không chép lại phần giải nghĩa bằng chữ Nôm của những đoạn đã được giải nghĩa trước đó, những đoạn này có thể phục hồi. Chỉ có một đoạn không trùng lặp bị lược bỏ [xem phụ lục 1]. Nhiều chỗ chép sai tự dạng cả phần Hán văn và phần giải Nôm [xem phụ lục 2]. Có thể nói văn bản bộc lộ những nhược điểm của một bản chép tay, cho nên nếu cho rằng bản AB.268 có giá trị như là một “dị bản” cổ của Hán văn thì chưa hẳn xác đáng . Điểm đáng chú ý là văn bản còn lưu giữ được phần giải nghĩa sách Khóa hư lục bằng văn Nôm của Tuệ Tĩnh duy nhất hiện còn.
2. Vấn đề dịch giả và niên đại của bản dịch
2.1. Vấn đề dịch giả
Sách chép: Thiền tử Thận Trai pháp hiệu Huệ Tĩnh tự Vô Dật giải nghĩa 禪 子 慎 齋 法 號 惠 靜 字 無 逸 解 義 nghĩa là: “Phật tử chốn thiền lâm là Thận Trai, pháp hiệu Huệ Tĩnh, tự là Vô Dật giải nghĩa.” (ba lần ở cả 3 quyển Thượng- Trung - Hạ tờ 5b, 31b, 77b). Trong tiếng Hán cổ được sử dụng trong nhà chùa, chữ Huệ 惠thông với Tuệ慧 . Các sách Hải Dương phong vật chí và Thiền tông khóa hư ngữ lục ghi là Huệ Tĩnh. Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Hồng nghĩa Giác Tư y thư, Nam dược thần hiệu, Thập tam phương gia giảm, Nguyễn tiên sinh bảo y thư…đều ghi là Tuệ Tĩnh. Như thế, Huệ Tĩnh hay Tuệ Tĩnh là pháp hiệu của một nhân vật lịch sử nổi tiếng mà trước nay chúng ta đều biết tới.
Tư liệu lịch sử sớm nhất về Tuệ Tĩnh (từ đây trở đây đều dùng âm này) có lẽ là sắc phong năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) triều Lê, phong Tuệ Tĩnh làm thành hoàng tại xã Yên Lư huyện Thụy Nguyên, Hải Phòng do Nguyễn Bính giữ chức Đông các Đại học sĩ tại viện Quản Mật. Tuy nhiên, hiện chúng tôi chưa tiếp cận được văn bản gốc của tư liệu này. Theo Lê Trần Đức , bản sắc phong này được chép trong thần phả đền Yên Lư do đồng chí bí thư huyện ủy huyện Cẩm Giàng sưu tầm, và bản sao chụp để ở tỉnh hội y học dân tộc Hải Hưng (cũ) . Trong đó, Lê Trần Đức có trích một đoạn về pháp hiệu và mỹ tự như sau: “Đương cảnh Thành Hoàng Hồng Nghĩa Giác Tư, trung thiên tiên thánh, quảng đại hoằng tế, Huệ Tĩnh thiền sư, cư sĩ linh ứng, thông minh chính trực, dương uy tích phúc, thượng thượng đẳng phúc thần, cao minh đại vương.” Lê Trần Đức không dịch đoạn trên, nhưng theo cách viết hoa và chấm câu thì có vẻ như đoạn văn trên còn có một số điểm cần bàn lại. Chúng tôi tạm phiên và hiệu điểm lại như sau: Đương cảnh Thành Hoàng: - Hồng Nghĩa, Giác Tư, Trung Thiên Tiên Thánh, Quảng Đại Hoằng Tế Huệ Tĩnh thiền sư; - Cư Sĩ Linh Ứng, Thông Minh Chính Trực, Dương Uy Tích Phúc, thượng thượng đẳng phúc thần Cao Minh Đại Vương.” Nghĩa là “Thành Hoàng đất này gồm: - Huệ Tĩnh thiền sư được ban mỹ tự là Trung Thiên Tiên Thánh, Quảng Đại Hoằng Tế, tự là Hồng Nghĩa, thụy là Giác Tư; - Cao Minh Đại Vương là phúc thần hàng thượng thượng đẳng, được ban mỹ tự là Cư Sĩ Linh Ứng, Thông Minh Chính Trực, Dương Uy Tích Phúc.” Ngoài ra, Lê Trần Đức cũng cho biết, hiện nay, đền còn cho tòng tự thân mẫu của Tuệ Tĩnh là Thánh mẫu Hoàng Thị Ngọc, bố của Tuệ Tĩnh là Thánh phụ Nguyễn Văn Vỹ cùng tiên công Phạm Văn Gia húy là Trịnh; và Tuệ Tĩnh còn được thờ chung với các vị thành hoàng khác của xã là: bà họ Lư đời Lý; Tướng Đông Hải đời Lý và tướng Trần Quốc Nhượng đời Trần.
Tư liệu lịch sử thứ hai ghi chép về Tuệ Tĩnh là cuốn Đại Việt lịch triều đăng khoa lục 大越歷朝登科錄do Võ Duy Đoán biên tập năm Thịnh Đức 2 (1654). Sau đó cuốn này đã được Lê Nguyên Trung biên tập tiếp vào năm Thiệu Trị 3 (1843) có chép như sau: “Đệ nhất giáp 3 người: Đào Sư Tích: Trạng nguyên, Lê Hiến Phủ: Bảng nhãn, Trần Đình Thâm: Thám hoa. Đệ nhị giáp hữu sai gồm: Nguyễn Bá Tĩnh, người Hải Đông, đi sứ Bắc lam Điền hộ, nhà Minh giữ lại, đi tu lấy hiệu là Tuệ Tĩnh; La Tu, người Thạch Hà, Đệ tam giáp Lê Hiến Tứ.” Đoạn văn trên là chép về những người đỗ đại khoa trong khoa thi Giáp Dần niên hiệu Long Khánh (1374). Như thế, theo tư liệu cổ nhất hiện còn này, Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở xứ Hải Đông (nay thuộc địa phận hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên), ông là một nhà khoa bảng, đỗ Đệ nhị giáp Hữu sai, có xuất gia, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Trong khi là người tu hành nhưng ông vẫn tham chính, vẫn nhiệm chức, và đi công cán sang nhà Minh.
Trang đầu quyển thượng của cuốn Hồng Nghĩa Giác Tư y thư ghi: 洪義堂戇子無逸宿禪慧靖著,東關槐街寺逸士黎德全法晟錄 “Hồng Nghĩa đường Tráng Tử Vô Dật túc thiền Tuệ Tĩnh trước, Đông Quan Hoè Nhai tự dật sĩ Lê Đức Toàn Pháp Thạnh lục” (vị lão thiền quảng bác hiệu Tuệ Tĩnh hay Tráng Tử, Vô Dật ở Hồng Nghĩa Đường trước tác [sách này], dật sĩ Lê Đức Toàn hiệu Pháp Thạnh ở chùa Hòe Nhai thành Đông Quan sao chép). Lê Trần Đức lập luận rằng: “Nam dược quốc ngữ phú của Tuệ Tĩnh đã được Lê Đức Toàn ở Hòe Nhai, thành Đông Quan (thời thuộc Minh) sao lục và tra soạn lại. Tên Đông Quan đến năm 1467 bị xóa bỏ và thay bằng phủ Trung Đô. Như vậy, người sao chép lại bài phú thuốc Nam ở vào thế kỷ XV” . Như thế, có thể thấy Tuệ Tĩnh được ghi nhận là người đầu tiên có công dịch các tác phẩm y dược học Trung Quốc sang tiếng Việt. Người sao chép văn bản sống ở thế kỷ XV, như thế tác phẩm này cũng như tác giả của nó - Tuệ Tĩnh phải sống trước thế kỷ XV.
Đạm Trai Trần Huy Phác trong Hải Dương phong vật chí 海洋風物誌 (kí hiệu A.882) viết năm Gia Long 10 (1812) ghi: “Thầy thuốc Tuệ Tĩnh tiên sinh, người xã Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) chuyên dùng thuốc Nam cứu người rất công hiệu, trứ tác có các tập Dược tính chỉ nam và Thập tam phương gia giảm lưu hành ở đời.”
Trong bài Nam dược quốc ngữ phú 南藥國語賦có câu: “cảm ơn thày truyền bất tử phương, như đức thánh mở an sinh lộ; sĩ nay Tráng Tử còn hơi vụng, Vô Dật thiên khi rồi, luận nam dược chép làm một phú…” Nam dược thần hiệu ở đầu 3 quyển đều ghi: “Cẩm Giàng Huệ Tĩnh tiên sinh soạn tập/ tập trứ錦江惠靖先生選輯/輯著”
Phan Huy Chú (1782-1840) trong Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類誌thiên Văn tịch chí ghi: “sách Nam dược thần hiệu, 6 quyển, Tuệ Tĩnh tiên sinh ở Cẩm Giàng soạn.”
Quốc sử di biên 國史遺編 ghi: “Trước kia vào thời Lý - Trần, Lê Đức Toàn người Mỹ Lư tự xưng là Tuệ Tĩnh thiền sư, hái thuốc nam trị bệnh cho người nước Nam, tiếng vang đến Nam Tống. Hoàng hậu nhà Tống có bệnh sai sứ mang lễ mời sang ở Giang Nam. Sau (ông) mất ở đất Tống, được vua Tống an táng, dựng một tấm đá để ghi nhớ. Sau có người ở Văn Đài đỗ đạt làm quan được cử đi sứ phương Bắc, đem tấm đá ấy về, dựng ở địa giới Văn Đài để nêu rõ công đức chữa trị bệnh cho người, sách viết có Thập tam phương. Đời vua Lê Dụ Tông ban cho tên gọi là Giác Tư. Tấm đá ghi nhớ rất linh ứng, dân chúng vì thế mà lập đền thờ. Tháng này (tức tháng 5 nhuận) dịch bệnh đậu lan tràn, có người mắc bệnh, đứng trước cửa đền kêu khóc, bỗng thấy một ông già [36a] hái thảo dược chữa cho, trị bệnh rất linh nghiệm. Thế là xa gần nghe tin tề tựu trước cổng đền xin thuốc. Từ Thanh Nghệ trở lên phía Bắc, từ Thái Lạng trở xuống phía Nam, người đi trên đường đến (Văn Đài) như mắc cửi, góp tiền làm lễ, không cho ngàn dặm là xa. Sau, tháng 8, vua sai quan khâm phái đến đem tấm đá chôn đi, thu lấy tiền bạc sung vào kho công”
Như vậy, tư liệu trên đây cho biết một thông tin không hề thấy chép trong các tư liệu khác, tên thật của Tuệ Tĩnh là Lê Đức Toàn, người Mỹ Lư. Ông không phải đi sứ sang Tống hay bị cống sang Bắc mà được vời sang trị bệnh cho Hoàng hậu nhà Tống, rồi sau đó chết trên đất khách. Chúng tôi cho rằng, những ghi chép trên đây của Quốc sử di biên chỉ mang tính chất tham khảo vì đây là một tư liệu mang ít nhiều màu sắc dã sử, bởi ngay cả tác giả của cuốn sách này hiện giờ cũng chưa dám chắc là của Phan Thúc Trực như Trần Kinh Hòa đã thác nhận (cụ thể xin xem Nguyễn Tô Lan) . Còn việc phá bỏ tấm bia thờ Tuệ Tĩnh là có thể tin cậy được. Mặt khác, sử liệu trên cho biết một thông tin khả thủ, ấy là việc vua Lê Dụ Tông ban cho ông là Giác Tư. Chúng tôi coi đây là một thụy hiệu (hiệu đặt cho người đã mất) của Tuệ Tĩnh. Đến đây, chúng ta mới hiểu được tên sách Hồng Nghĩa Giác Tư y thư nghĩa là “sách y học của Hồng Nghĩa- tên thụy là Giác Tư”. Hồng Nghĩa là quán hiệu tức tên hiệu đặt theo quê quán của Tuệ Tĩnh, chữ Hồng trong Hồng Châu thượng , chữ Nghĩa trong Nghĩa Lư. Còn “Hồng Nghĩa đường” có lẽ chính là cửa hàng thuốc của Tuệ Tĩnh, chứ không phải là tên hiệu của ông như Lê Trần Đức , đây cũng không phải là thuần chỉ quê quán như Lê Văn Quán đã khẳng định.
Ngoài ra, cũng phải kể đến một số tư liệu tại địa phương. Trong đó truyền thuyết có thể coi là một nguồn tham khảo. Truyền thuyết dân gian luôn thống nhất tin rằng Tuệ Tĩnh là người đời Trần, có thi đỗ tiến sĩ năm 35 tuổi rồi bị cống sang nhà Minh năm 45 tuổi. Theo Lê Trần Đức: “các văn tế và đối liễn ở đền Bia (xã Cẩm Văn) và đền Thánh thuốc Nam (xã Cẩm Vũ) thờ Tuệ Tĩnh đều ghi: “Tuệ Tĩnh đậu nhị giáp tiến sỹ đời nhà Trần, đi sứ sang Trung Quốc và làm thày thuốc ở bên ấy (Danh khôi nhị giáp tiêu Trần giám/ Sứ mệnh thập toàn tỉnh Bắc y) hay (đoạt giáp văn chương danh lưỡng quốc/ Hoạt nhân đức trạch phổ thiên thu.’”
Việc giải nghĩa tác phẩm Khoá hư lục không thấy đề cập trong các thư tịch cổ, trừ cuốn AB.268. Các sách báo từ trước năm 1940, cũng không biết đến bản sách này. Năm 1943, Dương Quảng Hàm có nhắc đến một bản in năm 1850. Đến thập kỉ 70 của thế kỉ XX, cuốn sách mới được Đào Duy Anh nghiên cứu sâu hơn. Mặc dù vậy ta vẫn có thể nhận định rằng: bản giải nghĩa có thể do chính Tuệ Tĩnh thực hiện. Các tác giả Mai Hồng & Phó Đức Thảo , Lê Trần Đức , Nguyễn Văn Bách , Nguyễn Thiên Quyến đã khảo chứng văn bản cũng như so sánh từ ngữ, văn tự Nôm trong Nam dược thần hiệu, Nam dược quốc ngữ phú với các bản thảo y dược Trung Quốc các đời đều có xu hướng chứng minh các tác phẩm của Tuệ Tĩnh đều thuộc về cuối đời Trần .
Chúng tôi cũng đồng thuận theo giả thuyết trên, cho rằng Tuệ Tĩnh và bản giải nghĩa Thiền tông khóa hư ngữ lục của ông là thuộc về thế kỷ XIV. Vì, những chứng tích ngôn ngữ, văn tự trong văn bản cho phép chúng ta tin rằng bản AB.268 là bản chép lại từ một bản cổ hơn, ít ra là từ cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII, hoặc muộn nhất là bản in năm 1850. Đặc biệt quan trọng là ngôn ngữ của TTKHNL thuộc về tiếng Việt cổ (Tk XII-XVI) như chúng tôi chứng minh trong mục 3, 4, 5 của chương này.
2.2. Vấn đề niên đại của bản dịch
AB.268 là một bản chép tay, chép lại từ một bản in xưa, nhưng nay đã thất truyền. Nguyễn Thanh Tùng cho rằng: có thể sách được chép vào đầu thế kỉ XX do BEFEO . Theo lời bài tựa, một người có tên là Huệ Duyên ở Từ Quán chùa Sùng Quang, huyện Giao Thuỷ, lộ Thiên Trường, “tìm thấy lời vàng quảng tại” mà sinh lòng cảm ngộ, bèn “kêu gọi mọi người, cùng xuất của nhà, sai thợ khắc in” (勸 及 多 人, 共 出 家 資 ,命 工 鋟 梓 Khuyến cập đa nhân, cộng xuất gia tư, mệnh công tẩm tử). Như vậy, đã từng tồn tại một văn bản Thiền tông khoá hư ngữ lục từ trước, và Huệ Duyên là người cho đem in khắc. Bản AB.268 là bản chép lại của bản này. Cuối bài tựa có ghi niên đại: 黎 朝 隆 德 參 年 歲 次辛 未 仲 冬 望 日 拜 撰 Lê triều Long Đức tam niên tuế thứ Tân Mùi trọng đông vọng nhật bái soạn [3a5] nghĩa là: “Kính soạn vào ngày rằm tháng trọng đông (tháng 11 âm), năm Tân Mùi, niên hiệu Long Đức thứ 3 triều Lê”. Năm 隆 德 Long Đức 3 là năm 1734 triều Lê Thuần Tông (1732- 1735), nhưng năm can chi lại là Giáp Dần. Thực ra, người chép đã chép nhầm chữ Đức Long ra Long Đức. Năm 德 龍 Đức Long 3 là mới năm Tân Mùi, năm 1631 triều Lê Thần Tông (1629 - 1634), Trần Văn Giáp, Lê Trần Đức, Nguyễn Huệ Chi, Mai Hồng, … đã từng cải chính. Nay khẳng định lại lần nữa vì đến Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu (1993) vẫn ghi năm Long Đức (1734) . Tuy nhiên, trong bài tựa, Huệ Duyên không hề nhắc đến việc giải Nôm. Chúng tôi cho rằng bài tựa của Huệ Duyên viết sau bản giải nghĩa. Bởi khi viết bạt hay tự, người ta thường chỉ chú ý đến tư tưởng giáo lý hay văn chương giáo hóa. Thông nghĩa lý mới là mục đích chính của giáo điển; còn văn bản giải âm hay giải nghĩa sang tiếng Việt chỉ là công cụ của sự giảng giải, thuyết giáo, nó là loại hình giảng sách hay giáo khoa thư; xét về khía cạnh học thuật thì rõ ràng là nó không có vị trí gì đặc biệt. Nhưng, những chứng tích ngôn ngữ, văn tự của bản giải nghĩa, theo sự nghiên cứu của chúng tôi là thuộc về tiếng Việt cổ (Tk XIII- XVI), cổ hơn cả Tân biên Truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú 新編傳奇漫錄增補解音集注 của Nguyễn Thế Nghi và gần với CNNA như Đào Duy Anh cũng đã chứng minh.
Cũng không thể không nghĩ đến khả năng đây là một ngụy thư do người khác thác tên Tuệ Tĩnh. Nhưng trong tình hình tư liệu hiện có, khả năng này sẽ khó xảy ra.
3. Tình hình chữ Nôm trong văn bản
Năm 1975, Đào Duy Anh đã đi đến kết luận: “Xét cách viết chữ Nôm thì tỷ lệ chữ giả tá nhiều hơn tỷ lệ chữ hình thanh (trong 300 chữ của bài tựa Tứ sơn có 51 chữ hình thanh, còn là chữ giả tá cả), mà trong số các chữ giả tá (khoảng 250 chữ) thì có khoảng 100 chữ giả tá cách thứ tư, và gần 100 chữ giả tá cách thứ hai, chỉ có 10 chữ giả tả cách thứ nhất, tức mượn chữ Hán theo âm xưa. Đối chiếu tỉ lệ phép viết chữ Nôm như thế (xem chương bốn) thì thấy rằng bản Nôm này sớm hơn các bản từ Truyền kì mạn lục giải âm về sau là những sách dùng tỉ lệ chữ hình thanh nhiều hơn, và muộn hơn các bài phú Nôm đời Trần là những tài liệu dùng nhiều cách giả tả thứ nhất hơn. So với các tác phẩm chữ Nôm thời Lê sơ, ví như sách QATT và sách CNNA, thì thấy tỷ lệ dùng cách giả tá thứ nhất ít hơn sách Quốc âm và tỷ lệ dùng cách giả tá thứ tư thì nhiều hơn sách Quốc âm mà có vẻ gần với sách Chỉ nam hơn. Tỷ lệ chữ hình thanh thì gần với tỷ lệ của sách Quốc âm.”
Để tiếp tục công việc của người đi trước, chúng tôi đã tiến hành thống kê định lượng toàn bộ văn bản trên, kết quả như sau. Toàn văn bản có 2.166 chữ Nôm xuất hiện với tần số 12.244 lượt. Theo thống kê của chúng tôi, loại chữ sẵn có (mượn nguyên hình thể chữ Hán) chiếm 76,73% độ dài văn bản, chữ tự tạo chỉ chiếm 23,27%. Theo các nhà nghiên cứu chữ Nôm, loại A càng nhiều thì niên đại của văn bản càng xa vì nó phản ánh sự phát triển của chữ Nôm từ giả tá sang hình thanh.
Để có cái nhìn rộng hơn về vị trí của bản Khoá hư lục giải nghĩa trong tiến trình từ chữ Nôm Việt. Chúng tôi lập bảng so sánh với một số tác phẩm Nôm tiêu biểu như sau:
Bảng thống kê
VĂN BẢN NIÊN ĐẠI LƯỢT MƯỢN HÌNH TỈ LỆ
PT XII 4.942 4.177 84,52%
CTLD 1308 (stác) 1.622 1.397 86,1%
ĐTLT 1308 (stác) 316 277 87.7%
TTKHNL ? 12.244 9.292 76,73%
QATT (64 tờ) XV (stác) 10.258 9.242 90%
HDQA (50 tờ) XV (stác) 10.929 9.051 83%
CNNA XVI- XVII ? ? 82%
TKML XVI (stác) 10.199 9.061 88%
TTPGG ? 8.456 7.538 89,7%
TTTTY XVIII 3.000 2.387 79,6%
TK 1795 (s.tác) 22.778 ? 68,24%
KHLGA 1861 9.396 5.404 57,51%
Bảng thống kê cho thấy: mặc dù bản TTKHNL là văn bản chép vào đời Nguyễn, nhưng tỉ lệ chữ Nôm sẵn có cho phép chúng tôi nhận định rằng đây là một văn bản chép lại một bản vào thế kỉ XVIII, bản này có thể cũng đã tiếp thu từ một bản cổ hơn nữa. Bảng trên cho thấy nhược điểm của phương pháp xác định niên đại văn bản thông qua tỷ lệ các chữ giả tá và hình thanh. Nhược điểm này càng bộc lộ sâu sắc trước những đối tượng có vấn đề về văn bản học. Từ đó sẽ dẫn đến những vấn đề về văn tự học.
Khảo sát về tự dạng Nôm, học giả đảo Duy Anh viết: “xét cách viết của một số chứ đặc biệt như chữ 某 (mấy, mới, với), chữ 谷 (cóc), chữ 庫 (khó) thì thấy giống cách viết của QATT và các sách Nôm thời Lê sơ, mà khác với các sách từ thời Nguyễn…” Từ gợi ý và thành quả nghiên cứu trên, Nguyễn Thanh Tùng đã chú ý đến cách viết một số chữ Nôm cổ có mặt trong bản AB.268. Các chữ cổ được xác định niên đại tuyệt đối trong các văn bản văn bia, ván in so với các văn bản mới .
Tình hình bản giải nghĩa này cũng giống như các văn bản của QATT và HĐQA: đều là các văn bản đời sau in/ chép lại. Trong văn bản dùng lẫn những mã chữ Nôm của hai thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên những vết tích, những cách ghi cổ xuất hiện nhiều hơn, điều này thể hiện rõ qua tiêu chí: trong số 19 đơn vị khảo sát chỉ có 4 đơn vị là có hai cách ghi của hai giai đoạn, 15 đơn vị còn giữ được cách ghi cổ. Qua các số liệu thống kê trên, chúng ta có thể hình dung phần nào vị trí của bản giải nghĩa AB.268 trong lịch sử ngôn ngữ, văn tự. Điều này chứng minh: giả thuyết bản giải nghĩa có trước thời điểm viết bài tựa của Huệ Duyên (1631) là có thể chấp nhận được. Trong 19 ví dụ chúng tôi nêu trên, các ví dụ 14, 15, 16, 17, 18, 19 là các chữ Nôm cổ phản ánh ngữ âm tiếng Việt cổ. Điều này, chúng tôi sẽ trình bày như dưới đây.
4. Ngữ âm tiếng Việt cổ
Một số chữ Nôm trong văn bản là những chữ Nôm phản ánh ngữ âm tiếng Việt cổ. Đó là loại chữ Nôm ghi những từ song âm tiết và tiền âm tiết.
4.1. Loại chữ Nôm dùng hai mã chữ để ghi những từ song âm tiết
Gồm hai trường hợp là bà cắt và la đá, xuất hiện 3 lần. Đây là loại chữ có kí hiệu chỉnh âm đầu và chữ Hán làm thành tố phụ. Ở đây thành tố phụ ghi âm cụ thể hoặc ghi nghĩa cụ thể làm cho hướng chỉnh âm thu hẹp lại. Loại này chia làm hai tiểu loại: tiểu loại E1: dùng hai mã chữ, tiểu loại E2: dùng một mã chữ.
Tiểu loại E1: Trong bản Thiền tông khoá hư ngữ lục có hai đơn vị thuộc loại E1. Đó là: la đá (xuất hiện 2 lần), bà cắt (xuất hiện 1 lần). Bỏ lưới cùng là vây vóc đánh rấp rong bà cắt mà giục cẩu.64b2. [設 網 張 羅 哾 鷹 走 狗 ]; Phải bàn la đá giập xuống thì một hồi phân ra làm hai đoạn.22b5 [遭 剉 磕 則 一 刀 兩 段 Bị bàn đá sập xuống thì thân liền đứt ra làm hai], Hoặc là nâng chưng dưới hòn la đá cùng nơi chốn dưới núi Ốc Tiêu, hoặc ở trong núi Thiết Vi chỉn là nơi chốn ngục A Tỳ.22b4 [或 接 沃 焦 石 下, 或 在 鐵 圍 山 間 ].
Đây là tiểu loại rất quan trọng để xác định niên đại cho dịch phẩm. Vì theo các nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Việt thì từ thế kỉ XVII về trước, trong tiếng Việt còn tồn tại một số tổ hợp phụ âm đầu và các thành tố tiền âm tiết như: PL, BL, KL, KHL, KR, GR…và nếu ngược lên sớm hơn nữa có thể có các tổ hợp phụ âm hoặc các thành tố âm tiết khác nữa. Điều này được phản ảnh trong cách ghi âm tiếng Việt của Trần Cương Trung (Sứ giao châu tập- Tk XIII), trong cách ghi chữ quốc ngữ cuốn Từ điển Việt Bồ La của de Rhodes (xuất bản năm 1651) và trong cách ghi chữ Nôm của những văn bản cổ như PT佛 說 大 報 父 母 恩 重 經 , QATT 國 音 詩 集 , CNNA 指 南 玉 音 … Cụ thể là: Trong Sứ giao châu tập của Trần Cương Trung (được Lê Quý Đôn chép lại trong Kiến văn tiểu lục có hiện tượng một chữ Hán được dịch sang một từ Việt, từ này được ghi bằng hai tự, ví dụ: 月 nguyệt: 勃 夌 (bột lăng) : blăng > trăng; 天 Thiên : 勃 耒 (bột lỗi) : blời > trời. Trong An Nam dịch ngữ, theo bản Vương Lộc chú giải, giới thiệu cũng có những trường hợp tương tự: 牛 Ngưu: 革 蔞 (cách lâu) : klâu > trâu; 太 陽 Thái dương : 托 爛 (thác lan) : tlán > trán. Trong PT, hiện tượng này xuất hiện rất nhiều. Ví dụ: 婆 論 Bà luận : Blọn > trọn; 波 涅 Ba niết : ( - ) nát > nát. Trong QATT, HĐQA, CNNA giải nghĩa, số lượng này đã giảm, chỉ còn một số hiện tượng như: bà ngựa, la ngàn, la đá, bà cắt (bồ cắt). Trong Truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú, tiểu loại E1 không thấy xuất hiện. Lúc này từ ĐÁ đã là từ đơn tiết, tức là đã hoàn tất quá trình đơn tiết hóa. Như vậy, có thể bước đầu khẳng định rằng: (với cứ liệu trong tiểu loại E1) bản giải nghĩa TTKHNL của Tuệ Tĩnh viết vào khoảng thời gian trước Truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú.
4.2. Loại chữ Nôm dùng một mã để ghi tổ hợp phụ âm đầu
Ngữ âm tiếng Việt thể hiện qua loại chữ Nôm dùng một mã để ghi tổ hợp phụ âm đầu. Chủ yếu là các tổ hợp phụ âm đầu có yếu tố đứng sau là phụ âm lỏng [l] và âm rung [r].
4.2.1.Tổ hợp phụ âm [kr]
Trong văn bản TTKHNL, tổ hợp phụ âm [kr] chủ yếu được ghi bằng một chữ Nôm loại E2 (loại ghi âm + âm) trong đó có hai yếu tố Hán được ghép trong một khối vuông Nôm. Yếu tố Hán thứ nhất dùng để ghi phụ âm đầu của tổ hợp phụ âm, đó là yếu tố cự 巨, cổ 古, cư 車 . Yếu tố thứ hai là một từ Hán dùng để ghi âm rung và phần vần. Do đặc điểm âm Hán Việt không có âm rung, cho nên yếu tố thứ hai thường được ghi bằng một chữ có phụ âm đầu là [l], và phần vần tương ứng. Gồm ba trường hợp, xuất hiện với tần số 5 lần:
禥:巨cự + 郎 lang ghi Krang (SANG) [15b2, 40b3, 70a6]. 卥古: 古cổ +卥 la ghi Kra (SA hiện đại) [49a1]. 暦: 車cư + 卢 lô ghi: Kro (SO hiện đại) [7a4].
Các nhà ngôn ngữ học lịch sử đều thống nhất cho rằng trước thế kỉ XV đã có tổ hợp phụ âm đầu [pr], [kr] cho thanh vực cao và [br], [gr] cho thanh vực thấp. Sang đến thế kỉ XVI (qua An Nam dịch ngữ), các tổ hợp phụ âm trên đã biến đổi thành các tổ hợp phụ âm [phl*], [khl*] tiền thân của [s’] hiện đại [67, tr58]. GS.Nguyễn Tài Cẩn cũng dựa vào các cứ liệu Mường [10, tr.11] , cho rằng tiền thân của [s’] là các lưu tích âm bật hơi [ph], [kh] (trong tiếng Rục và Poọng, ở Mường đã để mất âm lỏng [l], chỉ giữ lại yếu tố đầu, còn ở Việt thì sau này vẫn giữ được âm lỏng [phl], [khl] và giữ nó cho đến thế kỉ XVII. Do đó, ta thấy rằng cách ghi [kr] là cách ghi khá cổ.
4.2.2. Tổ hợp phụ âm [kl]
Trong văn bản TTKHNL, chúng tôi thấy tổ hợp phụ âm [kl] được ghi dưới hai hình thức khác nhau: 1.Loại ghi đầy đủ tổ hợp phụ âm đầu và 2.Loại ghi không đầy đủ tổ hợp phụ âm đầu. Cụ thể như sau:
4.2.2.1.Loại ghi đầy đủ
Loại này được ghi bằng loại chữ Nôm E2, gồm 2 yếu tố Hán được ghép trong một khối vuông Nôm. Yếu tố Hán thứ nhất dùng để ghi phụ âm đầu của tổ hợp phụ âm [k], đó là yếu tố cổ 古, cư 車. Yếu tố thứ hai là một từ Hán dùng để ghi âm [l] và phần vần. Loại này gồm 2 trường hợp, xuất hiện với tần số 6 lần: 弄古 (古cổ + 弄 lộng) ghi Klống (TRỐNG hiện đại) [67b3, 75b3, 43b6]. 訳 (車cư + 略 lược) ghi Klước (TRƯỚC hiện đại) [7a4, 8b5, 13a4].
4.2.2.2. Loại ghi không đầy đủ tổ hợp phụ âm đầu
Đây là nhóm thuộc loại chữ Nôm C, loại mượn âm Hán Việt đọc chệch. Âm được ghi là một âm tiết có tổ hợp phụ âm đầu là [kl], nhưng từ Nôm dùng để ghi chỉ bao gồm một yếu tố mượn nguyên hình chữ Hán. Trong đó chia làm hai trường hợp:
1. Yếu tố Hán dùng để ghi âm đứng trước [k] của tổ hợp phụ âm đầu, và phần vần của yếu tố Hán dùng để ghi phần vần của âm tiếng Việt được ghi. Loại này có 1 đơn vị xuất hiện 2 lần. 工 /共 Công ghi Klong (Trong) [12b3, 22b4].
2. Yếu tố Hán để ghi âm đứng sau [l] của tổ hợp phụ âm đầu, và phần vần của yếu tố Hán dùng để ghi phần vần của âm tiếng Việt được ghi. Loại này gồm 2 đơn vị, xuất hiện với tần số 41 lần. 呂 Lã ghi Tlở (Trở) [12a5, 17a2, 17a2, 22a1, 23a5, 44b5, 47b1]; 略 Lược ghi Tlước (Trước) [10a5, 13a4, 15a6, 17a5, 32b5, 33a5, 34b3, 35b5, 38a5, 38a6, 41a6, 42a6, 44b6, 47b6, 48a4, 55b3, 57a2, 61a2, 68a5, 68b5, 71b2, 71b2, 73a3, 73b5].
Trong giai đoạn tiếng Việt cổ, âm Hán Việt đã có tr [ţ] với cách phát âm quặt lưỡi (trong các ví dụ như: 知 trí, 著 trứ, 盞 trản, 知 tri, 卓 trác, 遲 trì…). Nhưng các âm thuần Việt thì chủ yếu đang còn là những tổ hợp phụ âm [kl] hay [pl]. Ở các phương ngữ Mường cổ như Mường Thái, Huy Thượng, Tân Phong, Mường Thàng, Mường Động, Mường Mặc… lưu tích của [kl] và [pl] lại thể hiện khá rõ nét qua các từ: trầu, trời, trâu, trăm, trống, trong, trán trói…Ta thấy [kl] và đôi khi là [pl] là tiền thân của [bl] và [tl] trong từ điển của A. de. Rhodes trong các từ bản địa. Ta có thể thấy rõ hơn điều này qua một số tư liệu tiếng Rục và phương ngữ Bình Trị Thiên :
Dấu vết của cách ghi này còn thấy trong một số văn bản khác như Truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú. Hay ở các trường hợp ghi lành, lầm, lọn, lộn, lông, lớn. lung, luông .
4.2.3.Tổ hợp phụ âm đầu [bl]
Tổ hợp phụ âm đầu [bl] trong KHLGA được ghi dưới hai hình thức:
4.2.3.1. Loại ghi tiền tố trong tổ hợp phụ âm đầu, 1 đơn vị, 1 lần, như:
把 Bả ghi Blả (Trả) [15a1]
Trong PT chữ blả với tự dạng tương tự xuất hiện 34 lần, chữ này còn thấy xuất hiện trong ba bài phú Nôm đời Trần, QATT, CNNA giải nghĩa, Thiên Nam minh giám, Thiên Nam ngữ lục…
4.2.3.2. Loại ghi phụ âm lỏng trong tổ hợp phụ âm đầu, 2 đơn vị xuất hiện với tần số 10 lần, như:
論 Luận ghi Blọn (trọn) [12a1, 13a3, 18b1, 40a4, 67a4, 70b2, 70b3, 70b4]. 侖Lôn ghi Blòn (tròn) [25b1, 37a3]
Trong An Nam dịch ngữ tổ hợp phụ âm [bl] còn tồn tại dưới dạng bảo lưu yếu tố thứ hai như Vương Lộc tái lập ở các trường hợp:
來 [lai] ghi blai (trai), ở số 413. 蔞 [lou] ghi blầu (trầu), ở số 219. 雷 [luei] ghi blời (trời), ở các số 1, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 309, 669.
Trong cuốn Từ điển Việt- Bồ- La của A de Rhodes vẫn còn ghi âm [bl]. Trong từ điển này có 7 trường hợp [bl] tồn tại song song với tr [t]. Đến khoảng giữa thế kỉ XVII, [bl], [tl] đã chuyển sang tr [t] và gi [z].Thực chất loại chữ Nôm này phản ánh quá trình đơn tiết hóa đang diễn ra mạnh vào thế kỉ XV- XVII. Như H.Maspero dự kiến các khả năng biến đổi của các tổ hợp phụ âm như BL, TL, KL, ML, PL…có thể là: a. Hòa đúc thành một âm mới: TL > TR; b. Rụng yếu tố đầu, để lại yếu tố sau: TL > L; Rụng yếu tố sau để lại yếu tố đầu: TL > T… . Trong từ điển A de Rhodes vẫn còn thấy cả ba nhóm phụ âm BL, TL, ML; trong đó, BL, TL tồn tại song song với TR (7 trường hợp BL tồn tại song song với TR, 7 trường hợp BL tồn tại song song với TL. Như GS.Nguyễn Ngọc San cho biết: “Ở thế kỉ XVII trong tiếng Việt vẫn còn tồn tại các nhóm phụ âm đầu có L như BL, TL, ML và vào cuối thế kỉ này nó sẽ được rút gọn thành các phụ âm đơn . M. Ferlus giải thích sự chuyển biến này là do sự rung âm nổ đứng trước giống như số phận của các tiền âm tiết.
4.2.3. Tổ hợp phụ âm đầu [Km]
渕ghi Kmắng (nghe) [26b3, 41b4, 43b5, 69b6, 57a6, 57b3, 57b5, 72b5, 73a6]. 口末ghi Kmất [13b1, 13b1, 23a3]. 尲ghi Kmến [22a2, 24a1, 48b5, 67b6]. 口麻ghi kmờ [18a1]. 口每ghi kmỏi [10a3]. 口每ghi kmọi [19a2]. 口門ghi kmòn [21b6, 49a6]. 口夢ghi kmông [8a6]. 口戊ghi kmù [34b6, 37a6, 40a4]. 口牟ghi kmù [6a5, 6a5]. 口茂ghi kmù [8a1]. 嗎ghi kmựa [9b3, 23b1, 24b5, 25b2, 31a6, 34a3, 37a2, 38a1, 47a5, 47a6, 47b1, 53a1, 55b3, 55b5, 55b6, 60b6, 74a6]. 口莫ghi kmúc [57a2]. 口每ghi kmũi [65a2].
Chúng tôi coi bộ khẩu ở đây có chức năng ghi âm. Thường thì, “khẩu” xuất hiện trong các chữ liên quan đến mồm miệng, nói năng với tư cách là một bộ thủ trỏ trường nghĩa và có chức năng phụ là chỉnh âm. Ở những trường hợp trên, “khẩu” rõ ràng không hề tồn tại với chức năng là một bộ thủ nữa. Vậy chức năng của “khẩu” là gì? Trước nay có hai cách lý giải. Cách thứ nhất cho rằng bộ “khẩu” là một kí hiệu phụ cũng giống như “cá”, “cự”… có chức năng báo hiệu đọc chệch. Cách lý giải này phổ biến trong giai đoạn từ những năm đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ XX đổ về trước. Nhưng sau đó, với sự phát hiện mới về văn bản học và một số thành tựu về ngữ âm lịch sử, các nhà khoa học có xu hướng cho rằng, “khẩu”, “cá”, hay “cự” là một chữ được dùng để ghi tiền âm tiết “k” trong các tổ hợp phụ âm đầu kl, km, kn, kđ, kb. Chúng tôi cho rằng, “khẩu” ban đầu tồn tại với chức năng ghi tiền âm tiết. Nhưng sau này, khi ngữ âm thay đổi, nhưng chữ Nôm vẫn bảo lưu những hình thức cũ, người bản địa quên mất chức năng ban đầu ấy và mặc nhận với nhau rằng bộ “khẩu” là một kí hiệu phụ đọc chệch. Nếu giả thuyết trên có lý, thì văn bản AB.268 còn lưu giữ đến 15 trường hợp chữ Nôm có ghi tổ hợp phụ âm đầu [km] xuất hiện với tần số 47 lần.
4.2.4. Tổ hợp phụ âm đầu [Kn]
口囊ghi knâng [62a1]. 呢ghi knày [74b6]. 口你ghi knể [35a1, 65a1]. 口女ghi knợ [23a4, 64b1]. Như ta biết, tổ hợp phụ âm đầu với [k*] đứng trước các phụ âm tắc [b], [m], [d], [n] xuất hiện khá sớm, vào quãng thế kỷ XV đổ về trước. Các tổ hợp này không còn thấy ghi nhận trong các cuốn từ điển cổ từ thế kỷ XVII trở về sau. Các tổ hợp này, cho đến nay chỉ thấy xuất hiện trong Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh . Nguyễn Ngọc San cho rằng tiếng Tiền Việt Mường đã bắt đầu xảy ra hiện tượng đơn tiết hóa, trong đó một số âm tiết chưa có thanh điệu chuyển thành cấu trúc âm tiết PNP (P = phụ âm đầu, N = Nguyên âm, P= phụ âm cuối), và phần lớn các âm tiết vẫn đang còn ở dạng P1P2NP3. Trong đó đa số P1 là những âm tắc và những biến thể vang như: p, t, ch, k, đ, b, m, n…và [k] là phổ biến hơn cả .
Từ những chứng cứ trên, chúng tôi bước đầu nhận định rằng: bản AB.268 tuy là một bản chép tay, nhưng nó vẫn còn giữ được những chữ Nôm ghi ngữ âm tiếng Việt cổ.
5. Từ vựng tiếng Việt cổ
Từ ngữ cổ là những từ ngữ xuất hiện trong các văn bản cổ mà ngày nay không còn được sử dụng nữa, hoặc sử dụng hết sức hạn chế, hoặc chỉ còn tồn tại trong một số vùng phương ngữ. Từ cổ là những yếu tố mờ nghĩa đối với người đọc hiện đại [cụ thể xin xem Trần Trọng Dương.2006c]. Trong đó, từ Việt cổ có ý nghĩa trong việc xác định niên đại tương đối một văn bản Nôm. Phương pháp xác định niên đại bản dịch qua cứ liệu từ vựng cổ cũng đã được cụ Đào Duy Anh thực hiện: “về từ thì sách này có một số từ xưa, nhưng so với bốn bài phú Nôm đời Trần thì số từ xưa dùng còn ít hơn. Sách này dùng nhiều lần từ tua, chỉn, sá, mựa là những từ xưa hay gặp trong quốc âm. Riêng từ mựa, Quốc âm viết là 馬 mà sách này viết là 嗎 ( là muộn hơn có thể do người chép). Chữ ngư hay điếu ngư mà giải là thằng chài thì giống hệt như Quốc âm.” . Cũng theo hướng này, chúng tôi tiếp tục tiến hành khảo sát từ cổ trong văn bản AB.268.
5.1. Thực từ
Chúng tôi thấy TTKHNL còn một số từ cổ thuộc lớp từ vựng của tiếng Việt thế kỉ XVI trở về trước. Để xác định được các từ cổ thuộc giai đoạn này, chúng tôi tiến hành tra cứu, so sánh qua một số bộ từ điển cổ như: A de Rhodes, Taberd , Béhaine… Đồng thời so sánh với một số văn bản Nôm sớm của giai đoạn thế kỉ XV- XVIII như: PT, QATT, HĐQA, CNNA, Tân biên truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú.
Ví dụ: từ cổ THƠ RƠ xuất hiện hai lần trong bản AB.268, cả hai lần đều được dùng để dịch từ y hy trong nguyên văn chữ Hán: Thơ rơ mặt nước, sang rỡ rỡ đóm nháng 撪 闾 炦 搩 浪 帞 帞 乚 盎 .55a4 [nv.依 稀 水 面 度 螢 光, nghĩa là: lơ thơ mặt nước mấy con đom đóm đang bay qua]; Thơ rơ mà rừng trúc rây vàng, thấp thoáng trong sân hoa mà chơi ngọc 舒 撪 麻 棱 竹 篩 黃 ,濕 光中 讍 花 麻 制 玉 [62a5] nguyên văn chữ Hán là依 稀 而 林 竹 篩 金 , 隱 暯 而 花 庭 弄 玉 . Chúng tôi đã lập bảng thống kê việc xuất hiện của từ THƠ RƠ và các từ tương tự của nó (các từ phái sinh của nó từ cuối thế kỉ XIX về sau qua các bộ từ điển cổ và hiện đại). Đồng thời có so sánh với từ LƠ THƠ, MỈA MAI, BẺ BAI để làm bàng chứng .
Dưới đây, chúng tôi lập bảng thống kê, so sánh một số từ cổ khác trong TTKHNL với từ điển của A de Rhodes và một số tác phẩm Nôm cổ đã nêu trên. Chúng tôi kí hiệu XV thay cho CNNA, QATT và HĐQA, Tân biên truyền kì mạn lục viết tắt là XVI1, từ điển A de Rhodes là 1651.
TỪ KHL1 PT XV XVI 1651 Nghĩa
Bà cắt 1 0 2 0 0 Chim cắt
La đá 2 1 4 0 2 Đá
Mựa 17 1 32 4 1 Chớ
Thơ rơ 2 0 1 0 1 Lưa thưa
Phô 8 3 1 0 1 Nhiều
Át 1 3 0 0 1 Ướt
Mùi 2 4 0/ 13 0 1 Màu
Thức 10 0 11/12 4 1 Màu
Bở ngỡ 1 0 0 0 0 Sửng sốt
Cạy cạy 1 0 1 5 1 Đau đáu
Biêu 2 1 1 2 1 Nêu
Từ những cứ liệu trên, chúng tôi nhận định rằng: bản TTKHNL có những chứng tích ngôn ngữ của tiếng Việt cổ (thế kỉ XIII- XVI).
5.2. Hư từ tiếng Việt cổ.
Trong phần này, chúng tôi chỉ tiến hành điểm mục và đưa ra các số liệu thống kê về hư từ tiếng Việt nhằm chứng minh tính chất cổ của bản dịch. Bản TTKHNL có hệ thống hư từ cổ dày đặc, gồm 100 hư từ cổ(/185 hư từ), xuất hiện với tần số 1.441 lần (/3.231 lần). Văn bản này có hiện tượng một hư từ thuần Việt dùng để dịch một hư từ Hán có nhiều chức năng, ý nghĩa khác nhau. Cũng có khi, một từ thuần Việt được dùng để dịch nhiều hư từ Hán khác nhau. Điều đáng ghi nhận là một số hư từ đã được sử dụng một cách phổ biến ngay cả khi câu nguyên văn chữ Hán không có hư từ tương ứng. Chính vì vậy, nhiều khi, chúng được coi như là những từ thuộc nhóm từ Việt cổ. Trong phần này, chúng tôi không bàn cụ thể từng đơn vị một.
Trong bản TTKHNL, từ Ấy xuất hiện 117 lần, từ bằng xuất hiện 64 lần, từ bèn xuất hiện 69 lần, chỉn xuất hiện 48 lần, từ dường xuất hiện 12 lần, từ luống xuất hiện 16 lần, từ vậy xuất hiện 32 lần, từ chưng xuất hiện 226 lần, từ thửa xuất hiện 107 lần, từ nghĩ xuất hiện 12 lần, từ lấy xuất hiện 47 lần, từ mặc xuất hiện 17 lần, từ tua xuất hiện 10 lần, từ xảy xuất hiện 11 lần...
Về số lượng: Từ Việt cổ có 185 đơn vị (/ 2169 đv, chiếm 8,60%), với 1.191 lần xuất hiện (/12.244 lần, chiếm 9,73 %). Tỉ lệ số lượng từ Việt cổ trong bản giải nghĩa thấp hơn Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (25,21%), cao hơn Đắc thú lâm tuyền (6,9%), Cư trần lạc đạo (8,32%) và QATT (8,75%) . Như vậy, về mặt lượng của từ cổ, ta có thể nhận định rằng tiếng Việt trong bản TTKHNL thuộc về giai đoạn tiếng Việt cổ (Tk XIII- XVI).
Mặc dù, bản AB.268 chỉ là một bản chép tay có niên đại khá muộn có một số lỗi sai về văn tự, và bỏ quãng một hai đoạn. Nhưng, bản chép vẫn lưu lại được những yếu tố ngôn ngữ, văn tự quan trọng của bản in được dùng để chép. Qua việc khảo sát các chứng tích ngôn ngữ, văn tự trong bản TTKHNL, chúng tôi bước đầu nhận định rằng: bản giải nghĩa có nhiều yếu tố văn tự của thế kỉ XVII-XVIII nhưng vẫn còn dấu vết ngôn ngữ của Tiếng Việt cổ (thế kỉ XIII- XVI). Chúng tôi cũng xin một lần nữa mượn lời cụ Đào Duy Anh để tạm kết bài viết này: “Tuy nhiên, thời gian gần nhau, thời Trần mạt và thời Lê sơ về cách viết chữ Nôm và sự dùng từ hẳn không phải là khác nhau lắm, cho nên căn cứ vào cách viết chữ Nôm và sự dùng từ cũng khó khẳng định rằng sách ấy là thuộc thời Lê sơ mà không phải là thuộc thời Trần mạt. Nếu quả sách giải nghĩa là của Tuệ Tĩnh mà Tuệ Tĩnh là người Trần mạt thì cách viết chữ Nôm và sử dụng từ như thế cũng không có gì là trở ngại hoàn toàn cho sự đặt sách ấy ở thời Trần mạt” .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét