Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

từ nguyên của từ "Tha la"

THỬ TẦM NGUYÊN HAI CHỮ “THA LA”
Trần Trọng Dương .

THA LA là một từ cổ được giới nghiên cứu biết đến và công nhận trong suốt gần một thế kỉ qua. Người đầu tiên “khảo cổ” được chữ này là cụ Hoàng Xuân Hãn trong công trình Chinh phụ ngâm bị khảo. Trong câu 236: “Năm canh ran gáy tiếng gà, tán hoè bóng rủ tha ra* trì đường”, cụ chú rằng: “tha ra: Nôm viết tiếng sau bằng chữ RA. Nghĩa là tả bộ rủ nghiêng nghiêng. Cũng nói: tha la.” [1, tr.383]. Đây là câu thơ trong bản C, bản của Nguyễn Khản? (diễn năm 1780?), để dịch câu nguyên văn chữ Hán là 吢 喔 雞 聲 通 五 夜 ,拂 披 槐 陰 度 八 磚 . (Eo óc tiếng gà gáy suốt năm canh, bóng hoè phất phơ đã đến hàng gạch thứ tám). Tuy, cụ không chua là đã tra mục từ này trong cuốn từ điển nào, nhưng ta có thể suy đoán rằng cụ đã tham chú của Génibrel1. Năm 1962, cụ Phạm Trọng Điềm và Bùi Văn Nguyên cũng phiên âm từ này trong cuốn Hồng Đức quốc âm thi tập: “Lụp xụp bên giang bảy tám nhà, trời thâu bóng ác giãi tha la.” [2, tr.118] nhưng không thấy chú gì cả, có thể các cụ phiên theo mặt chữ, nguyên văn chữ Nôm là “立 蛰 邊 江 斎 爑 茄 ,俼 收 旕 輰 豸 他 羅 ” [5, tr.25b8]. Năm 2001, THA LA là một mục từ trong cuốn Từ điển từ cổ: “tha la. T. (bóng) rủ nghiêng nghiêng trên mặt đất” [9, tr.151].
Trong bản Duy Minh Thị 1872, chữ này lại xuất hiện trong câu Kiều số 170: 澛 巄 帶 搩 鐧 隭 ,边 巄 絲 柳 旕 朝 他 歮 và được phiên là: “Dưới cầu dải nước trong veo, Bên cầu tơ liễu bóng chiều THA LA”. GS.Nguyễn Tài Cẩn chú là “THA LA: từ cổ nói “bóng rủ nghiêng nghiêng trên mặt đất” (Génibrel; TĐTC). Bản B khắc ngược thành LA THA; bản D khắc THA thành ĐÃ. Ở A và C: THƯỚT THA. THA LA có thể viết thành THA RA ở chữ Nôm miền Nam (V.V.K, 1994)” [17, tr.406/ tr.38 & tr.39]. Khảo sát tự dạng của vị trí này thì thấy:
Bảng 1. Tự dạng Nôm ở các bản Kiều cổ:
Bản Năm Tự dạng Phiên âm
Liễu Văn Đường 1866 切 他 NKB: thướt tha
Nguyễn Hữu Lập 1870 羅 他 NQT: La tha
Liễu Văn Đường 1871 他[乑] 歮 NQT: Đã ra (Tha ra)
Duy Minh Thị 1872 他 歮 NTC: Tha la/ tha ra
Trương Vĩnh Kí 1875 他卥 NTC: Tha la
Quan Văn Đường 1879 他[乑] 歮 Tạm phiên: Tha ra
A Des Michels 1884 他卥 NTC: Tha la
Kiều Oánh Mậu 1902 卥 他 TA: la tha.

Bước đầu ta có thể đi đến nhận định như sau: tại vị trí này trong câu 170 có ba dị bản: thứ nhất là THƯỚT THA, thứ hai là THA RA (2 lần), và thứ ba LA THA (2 lần). Chữ ĐÃ trong bản Liễu Văn Đường 1871 và Quan Văn Đường 1879 là dạng khắc sai của chữ THA. Quan Văn Đường tiếp thu khá đều đặn bản Liễu Văn Đường 1871 [17, tr.33]. Theo hướng phục nguyên bản Kiều cổ thì ta nhận định rằng cách đọc THA LA/ THA RA hay LA THA có phần hợp lý hơn.
Ta có thể thấy: các nhà phiên chú khi tra cứu chữ này đều tham cứu Génibrel, dùng Génibrel, cuốn từ điển cuối thế kỉ XIX để chú thích cho Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm (hai tác phẩm cuối thế kỉ XVIII), ấy là chưa kể đến chữ THA LA trong thơ Hồng đức quốc âm thi tập (cuối thể kỉ XV). Chúng tôi tò mò sao lại chỉ có Génibrel? Phải chăng các từ điển khác cổ hơn không thấy ghi mục từ này? Chúng tôi thử tra lại tất cả các từ điển cổ từ A de Rhodes, Bỉ Nhu, Taberd đến Paulus Của. Quả nhiên, các từ điển này không hề có mục từ THA LA thật. Chỉ đến Génibrel mới có, và sau đó G.Hue lại tiếp thu mục từ này2. Cụ thể là:
J.F.M. Génibrel: “4. S’incliner doucement (des branches sous le soufle du zéphyr). Bên cầu tơ liễu bóng chiều tha la. Tout près du pont, les branches des saules s’inclinent nonchalamment dans l’ombre du soir” [6, tr.802] tạm dịch là “vẻ/dáng buông xuống (hay nghiêng xuống) một cách mềm mại, nhẹ nhàng (những nhành cây trong làn gió nhẹ). Bên cầu tơ liễu bóng chiều tha la. Ngay gần bên cầu, những cành liễu buông xuống một cách hờ hững trong bóng chiều.”
Gustave Hue : “Tha la: s’incliner, se baisser. . –ph: bóng chiều tha la: le soleil du soir s’incline vers l’horizon.” [5, tr.959] tạm dịch là “Tha la: nghiêng xuống, cúi xuống.. ph: bóng chiều tha la: mặt trời buông xuống đường chân trời.”
Có thể nói, G.Hue đã tiếp thu mục từ này của Génibrel nhưng giải thích theo ý mình. Thứ nhất: THA LA trong Génibrel được ghi là một tính từ hay trạng từ chỉ trạng thái (vẻ nghiêng xuống một cách nhẹ nhàng, như cụ Hoàng Xuân Hãn dịch là “bộ rủ nghiêng nghiêng” (TTD nhấn mạnh)), còn G.Hue coi đó như là một động từ nội động (Vi = verbe intransitif) từ đó dẫn đến cách hiểu sai về từ này: nghiêng xuống, rủ xuống (nv.s’incliner, se baisser (đây đều là hai động từ nội động)). Tiếp đến, ông dịch trại câu ví dụ chứng minh. Ông không trích nguyên cả câu Kiều 170 như Génibrel mà chỉ trích 4 chữ cuối cùng: bóng chiều tha la (chú là ph. = phraséology: cách nói, lối nói) và dịch là “mặt trời nghiêng xuống đường chân trời”. Nhịp thơ 4/4 trong câu Kiều chính là nguyên nhân khách quan: bên cầu tơ liễu/ bóng chiều tha la. G.Hue nghĩ rằng câu thơ có trạng địa điểm là “bên cầu tơ liễu”, chủ ngữ là “bóng chiều” và “tha la” là động từ vị ngữ. Thế là, ông đã cắt mất 4 chữ đầu của câu này đi. Nhưng, phải hiểu như Génibrel mới đúng: “bên cầu” là trạng ngữ (trạng trước), “bóng chiều” cũng là trạng ngữ chỉ thời gian (thường trong tiếng Việt, trạng thời gian đứng cuối câu làm trạng sau, xin xem câu dịch của Génibrel; nhưng trong câu thơ, trạng từ này lại chen vào giữa chủ ngữ và vị ngữ với tác dụng là bắt vần với chữ “trong veo” ở câu 6), và chủ ngữ là “tơ liễu”, vị ngữ là “tha la”; “tha la” là trạng thái của tơ liễu.
Trên đây, chúng tôi vừa khảo sát sự tồn tại, ý nghĩa của từ THA LA qua hai cuốn từ điển của Génibrel và G.Hue. Có thể nói rằng: mục từ THA LA chỉ xuất hiện trong hai cuốn từ điển này. Cũng có thể coi là chỉ xuất hiện ở Génibrel, vì G.Gue đã tiếp thu một cách sai lệch, như chúng tôi đã chứng minh. Nhưng chúng tôi vẫn văn khoăn: tại sao mục từ này đột nhiên xuất hiện trong từ điển Génibrel rồi sau đó lại biến mất? Thường thì một từ nào đó xuất hiện hay biến mất đều có những nguyên nhân nội- ngoại tại nào đó, nó bị một từ đồng nghĩa khác thay thế3, hay nó đã biến dịch ở vỏ ngữ âm rồi dần dần biến dịch ở mặt nghĩa, biến dịch ở biểu vật4 và cả khả năng kết hợp cú pháp của từ. Thế mà từ THA LA lại xuất hiện đột ngột như một ngôi “sao băng” rồi sau đó biến mất không dấu vết. Phải lí giải thế nào đây?
Trước hết, ta phải tìm hiểu cách làm từ điển của Génibrel. Cuốn Dictionnaire Annamite- Français của Génibrel còn có tên là 大 越 國 音 漢 字 法 釋 集 成 Đại Việt quốc âm Hán tự Pháp thích tập thành (tên sau phản ánh đúng hơn nội dung công việc của cuốn sách). Cuốn từ điển này là sự cố gắng sưu tập các từ ngữ phổ thông của tiếng Việt thời đó, có chứng minh bằng các ví dụ Nôm (TTD nhấn mạnh), các mục từ Hán đều là những từ thường dùng trong Tứ Thơ. Để xây dựng được một mục từ, các nhà làm từ điển thường phải tiến hành thu thập ngữ liệu trong các văn cảnh cụ thể, thường là dùng ngữ liệu trong các tác phẩm văn học nổi tiếng có giá trị về nghệ thuật ngôn ngữ, sau đó phân suất các ý nghĩa và trích dẫn các ví dụ ấy ở cuối để chứng minh cho từng ý nghĩa của mục từ.
Ở đây cũng vậy, Génibrel thu thập ngữ liệu của mục từ THA LA thông qua một bản Nôm Kiều nào đó. Ta không thể biết được bản Kiều đó là bản nào, mà cũng có thể đó chỉ là một bản quốc ngữ phiên từ một bản Nôm bất kì. Nhưng, đó không phải là 7 bản Kiều cổ mà chúng tôi đã dẫn ở trên, bởi bản Liễu Văn Đường 1866 ghi là thướt tha 切 他 , bản Nguyễn Hữu Lập 1870 ghi đảo vị trí là la tha 羅 他, còn bản Liễu Văn Đường 1871 và bản Duy Minh Thị 1872 lại ghi là tha ra 他[乑] 歮/ 他 歮. Bản Kiều Oánh Mậu thì in sau Génibrel tận 4 năm. Nhưng còn một điều nữa ta có có thể suy luận/khẳng định được là: tự dạng chữ Nôm dùng để ghi từ THA LA mà Génibrel thu thập được chính là 他羅.
Génibrel lấy ngữ liệu từ một bản Kiều cổ, phân suất ý nghĩa để xây dựng mục từ THA LA. Nay, ta lại dùng cái ý nghĩa và âm đọc mà Génibrel đã xây dựng từ ngữ liệu Kiều đó để phiên âm lại Truyện Kiều, phục nguyên lại âm đọc cổ cho Kiều, rồi lại chú cho cả các bản Nôm cổ hơn nữa. Mà có lẽ khi xây dựng mục từ này, Génibrel cũng không biết đến các ngữ liệu mà chúng tôi vừa dẫn ra trong Hồng Đức quốc âm thi tập và Chinh phụ ngâm (bản dịch của Nguyễn Khản). Các ngữ liệu của hai bản này và kể cả truyện Kiều nữa đều thuộc lớp từ vựng của thế kỉ XVIII trở về trước. Trong khi, các từ điển cổ thuộc giai đoạn này không hề ghi nhận sự có mặt của từ THA LA.
Tất các các từ điển từ A de Rhodes, Bỉ Nhu, Taberd đến Huình Tịnh Paulus Của, Génibrel…đều được gọi chung là từ điển cổ. “Cổ” là so với các từ điển của thế kỉ XX mà thôi. Còn xắp xếp các từ điển này theo các giai đoạn phát triển chính trong lịch sử tiếng Việt thì các từ điển A de Rhodes, từ điển của Bỉ Nhu và Taberd thuộc tiếng Việt trung cổ (tk XVII- XVIII), còn các từ điển của Paulus Của, Génibrel…thuộc giai đoạn tiếng Việt cận đại (từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1945). Như thế, khi phiên chú các văn bản thuộc giai đoạn tiếng Việt trung cổ về trước như Hồng Đức quốc âm thi tập, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều…, thì dùng các từ điển từ A de Rhodes, Bỉ Nhu và Taberd là hợp lý hơn. Thế mạnh của phương pháp này là ở chỗ: nó cho phép ta có thể tái lập/ phục nguyên các từ cổ một cách khá hợp lý ngay cả khi có sự bất lợi về văn tự và văn bản học. Chúng ta nhận thức rằng: việc nghiên cứu văn bản học không chỉ nằm ở những công việc như: xác định năm sáng tác, xác định tác giả, thời gian khắc in, các truyền bản, vấn đề kiêng huý… mà còn là công việc nghiên cứu/ “khảo cổ” chữ nghĩa. Bởi, trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, lớp từ vựng của nó bao giờ cũng có những yếu tố (số lượng từ, vỏ âm thanh, nét nghĩa, khả năng kết hợp của từ) để khu biệt với các giai đoạn khác. Mà sự khu biệt của hệ thống từ vựng trong các bộ từ điển thuộc mỗi giai đoạn có thể coi như là những “tầng văn hoá” đại diện cho từng giai đoạn.
Trở lại với mục từ THA LA: Génibrel xây dựng được mục từ này bằng cách lấy ngữ liệu từ một bản Kiều Nôm cổ mà tự dạng tại vị trí ấy viết là 他羅 . Ông đã phiên theo mặt chữ, cũng giống như công việc phiên âm của Phạm Trọng Điềm và Bùi Văn Nguyên trong trường hợp câu : “trời thâu bóng ác vẻ THA LA” (HĐQÂTT, “Phong cảnh môn”, bài 2, câu 2), mà không biết âm cổ của nó là gì. Chỉ có điều Génibrel đang làm từ điển, nên ông đã ghi lại nét nghĩa của âm THA LA. Việc đọc theo âm mặt chữ, hay theo âm đọc phổ thông đương thời của Génibrel cho câu 269, là chưa thật khoa học xét theo hướng phục nguyên nguyên tác Truyện Kiều (dĩ nhiên, vấn đề này ông sao có thể biết được vào những năm cuối của thế kỉ XIX, thứ nữa đấy đâu có phải là việc ông định làm).
Giờ ta hãy thử quay lại xem J.F.M. Génibrel đã phân suất nghĩa của từ THA LA như thế nào: “4. S’incliner doucement (des branches sous le soufle du zéphyr). Bên cầu tơ liễu bóng chiều tha la. Tout près du pont, les branches des saules s’inclinent nonchalamment dans l’ombre du soir” [6, tr.802] tạm dịch là “vẻ/dáng buông xuống (hay nghiêng xuống) một cách mềm mại, nhẹ nhàng (những nhành cây trong làn gió nhẹ). Bên cầu tơ liễu bóng chiều tha la. Ngay gần bên cầu, những cành liễu buông xuống một cách hờ hững trong bóng chiều.” Trong mục từ này, Génibrel không ghi rõ loại từ. Nhưng, như chúng tôi đã phân tích ở trên, THA LA được ghi nhận như là một tính từ, cho nên cụ Hãn đã dịch sang tiếng Việt là “bộ rủ nghiêng nghiêng”. Bộ hay vẻ/ dáng là những từ được dùng trong các từ điển để định nghĩa các tính từ chỉ hình dáng, trạng thái. Ví dụ như: Từ nguyên ghi: “草 草 .1.憂 貌 .詩 .小 雅 .巷 伯 : “驕 人 好 好 ,勞 人 草 草” [4, tr1438.1] phiên âm: Thảo thảo 1.Ưu mạo. Thi. Tiểu nhã.Hạng Bá: kiêu nhân hảo hảo, lao nhân hảo hảo nghĩa là: “Thảo thảo. Vẻ buồn rầu. Thi. Tiểu Nhã. Hạng Bá: kẻ kiêu ngạo siểm nịnh đắc chí thì vui tươi. Người nhọc nhằn bị mắc lời gièm pha thì buồn rầu.” (các chữ in đậm do chúng tôi, TTD nhấn mạnh). Thường thì, tính từ trong tiếng Việt có các chức năng như: đứng sau danh từ để hạn định cho danh từ ấy; đứng sau động từ để biểu thị tính chất, thái độ, mức độ của hành động đó (Trong tiếng Việt trên phương diện ngữ nghĩa, không có sự phân biệt mối quan hệ giữa đặc trưng với thực thể và đặc trưng với vận động. Điều đó dẫn đến chỗ vắng mặt trong ngôn ngữ từ loại trạng từ (có chung biểu vật với tính từ) như ở ngôn ngữ Ấn Âu) [9, tr.156]; và đứng sau chủ ngữ để làm vị ngữ. THA LA trong câu Kiều “bên cầu tơ liễu bóng chiều tha la” là thuộc về trường hợp thứ 3. Chủ ngữ của nó là “tơ liễu”. Và Génibrel đã dịch sang tiếng Pháp bằng từ “nonchalamment” (một cách hờ hững, đây là một trạng từ): “Ngay gần bên cầu, những cành liễu buông xuống một cách hờ hững trong bóng chiều.”
Đến đây, chúng tôi đã xác định được hai điểm của từ này: 1.đây là một tính từ chỉ trạng thái, 2. đó là trạng thái của những cành cây đang buông xuống. Vấn đề cuối cùng là âm đọc của nó. Dưới đây chúng tôi sẽ khảo sát các khả năng âm đọc của các tự dạng tại vị trí này. Ta có ba âm dựa là: tha, la và ra. Âm được ghi chắc chắn là một từ song tiết lấp láy. Ta gọi âm thứ nhất của từ song tiết này là A, âm thứ hai là B. Chữ THA dùng để ghi âm A; chữ LA và RA dùng để ghi âm thứ 2, âm B. Tuy nhiên, đây là một loại từ song tiết có khả năng thay đổi trật tự âm tiết để tạo biến thể mới của chính nó, biến thể này chưa vượt qua giới hạn của nó để trở thành một từ đồng âm mà chỉ có chức năng thay đổi âm thanh, tạo ra sự hài hòa về thanh âm, nhất là đối với các văn bản thơ [16]. Ví dụ: mênh mông- mông mênh, lơ láo- láo lơ… Từ được ghi trong văn bản là từ hoặc có cấu trúc AB hoặc BA. Các tự dạng được kê ở bảng trên (bảng 1) đáp ứng đầy đủ yêu cầu cấu trúc này. Nhưng ta chỉ có các dạng âm: LA THA và THA RA. Theo lí thuyết, ta có thêm hai biến âm khác là RA THA và THA LA. THA LA thì đã được ghi nhận ở Genibrel rồi. Tuy nhiên, RA và LA chỉ là hai chữ dùng để dựa âm. Hai chữ này cùng ghi một âm tiết đó là âm tiết B. Dưới đây chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát các khả năng đọc của 3 âm dựa này.
2. Bảng thống kê khả năng các âm đọc của LA 羅
L/ A I E ưa ơ a ua ai ui
S SI SE SƯA SƠ SA SUA SAI SUI
X XI XE XƯA XƠ XA XUA XAI XUI
T TI TE TƯA TƠ TA TUA TAI TUI
TR TRI TRE TRƯA TRƠ TRA TRUA TRAI TRUI
Ch CHI CHE CHƯA CHƠ CHA CHUA CHAI CHUI
Gi GI GIE GIƯA GIƠ GIA GIUA GIAI GIUI
D DI DE DƯA DƠ DA DUA DAI DUI
R RI RE RƯA RƠ RA RUA RAI RUI
Nh NHI NHE NHƯA NHƠ NHA NHUA NHAI NHUI
L LI LE LƯA LƠ LA LUA LAI LUI

3.Bảng thống kê các khả năng đọc của THA

TH/A I E ƯA Ơ A UA AI UI
V VI VE VƯA VƠ VA VUA VAI VUI
H HI HE HƯA HƠ HA HUA HAI HUI
S SI SE SƯA SƠ SA SUA SAI SUI
X XI XE XƯA XƠ XA XUA XAI XUI
TH THI THE THƯA THƠ THA THUA THAI THUI
T TI TE TƯA TƠ TA TUA TAI TUI
CH CHI CHE CHƯA CHƠ CHA CHUA CHAI CHUI
GI GI GIE GIƯA GIƠ GIA GIUA GIAI GIUI
D DI DE DƯA DƠ DA DUA DAI DUI
Đ ĐI ĐE ĐƯA ĐƠ ĐA ĐUA ĐAI ĐUI

4.Bảng thống kê các âm đọc của RA

R/A I E ƯA Ơ A UA AI UI
R RI RE RƯA RƠ RA RUA RAI RUI

Tổng số các khả năng đọc của THA = TH x A = 8 x 10 = 80
Tổng số các khả năng đọc của LA = L x A = 8 x 10 = 80
Tổng số các khả năng đọc của RA = R x A = 8 x 1= 8.
Vì RA và LA cùng ghi một âm, nên âm đó phải là âm trùng khít giữa hai chữ. Nên khả năng đọc của LA chỉ còn 8 trường hợp giống của RA (Xin xem dòng in đậm bảng 2). Như vậy, tổng khả năng đọc của chữ THA LA= Tổng số các khả năng đọc của THA x Tổng số các khả năng đọc của LA = 80 x 8 = 640; tổng khả năng đọc của chữ THA RA= Tổng số các khả năng đọc của THA x Tổng số các khả năng đọc của RA = 80 x 8 = 640. Như thế, tổng số khả năng âm đọc của hai chữ AB sẽ là 640. Với biến thể của AB là BA ta cũng sẽ có thêm 640 khả năng đọc nữa. Để biết được các khả năng này có tồn tại trong thực tế hay không, chúng tôi tiến hành tra cứu thông qua các bộ tự điển cổ. Kết quả có các âm: thơ rơ, xơ rơ, cụ thể là:
Từ điển A. de. Rhodes ghi: “Cây thơ rơ: cây không có lá, trụi lá.” [8, tr.223].
Từ điển Bá Đa Lộc Bỉ Nhu cũng ghi: “撪冟3 Thơ rơ. Cây trụi lá.” [4, tr.470].
Từ điển Taberd cũng ghi: “撪囉 thơ rơ, arbor foliis expoliata.” [5, tr.499].
Từ điển Huình Tịnh Paulus Của ghi: “盧 lơ thơ: xơ rơ, thưa thớt” [6, tr.573], “撪xơ .n. Rã rời, tan tác, còn cái xác không, cái bã không, cái vỏ không. Xơ xơ: rách rã, tơi bời, tan tác. Xơ rơ (xác rác): thưa thớt còi cụt, trơ trọi, còn nhánh không, (cây cối). Bão bùng cành ngọn xơ rơ.” [6, tr.1198]; “撪 rơ,… xơ rơ: thưa thớt, xờ xạc. (cây cỏ)” [6, tr.874]; “撪Thơ rơ: xơ rơ thưa thớt, như cây mùa đông, nhánh lá xơ rơ. Thơ thơ. id.” [6, tr.1018].
Như vậy, THƠ RƠ (và biến âm RƠ THƠ) được ghi bằng chữ Nôm với tự dạng là 撪冟, 撪囉, có dùng bộ khẩu báo hiệu đọc chệch âm để phân biệt (tại từ điển của Bỉ Nhu và Taberd) thuộc lớp từ vựng của tiếng Việt cổ (tk XIII-XVI) và tiếng Việt trung đại (tk XVII-XVIII).
Đến giai đoạn trung đại, tiếng Việt cùng tồn tại các từ tương tự: THƠ RƠ, XƠ RƠ, LƠ THƠ. XƠ RƠ, LƠ THƠ là những từ do THƠ RƠ/ RƠ THƠ cổ phái sinh ra. Lúc này, cách viết 盧撪được chuyển sang dùng phổ biến để ghi âm LƠ THƠ. (Nhưng từ điển Huình Tịnh Paulus Của ghi thì ba âm “thơ, rơ và xơ” đều cùng được ghi bởi chữ sơ 撪. Như vậy, THƠ RƠ nếu viết đầy đủ thì có tự dạng là 撪撪, XƠ RƠ viết đầy đủ cũng có tự dạng là 撪撪6).Theo như con số thống kê, trong từ điển của Huình Tịnh Paulus Của, chữ THƠ RƠ xuất hiện 1 lần, chữ LƠ THƠ xuất hiện 1 lần, chữ XƠ RƠ xuất hiện 7 lần trong đó 2 lần dùng để chú nghĩa cho THƠ RƠ, LƠ THƠ, 5 lần xuất hiện trong các ví dụ minh hoạ. Có thể lý giải hiện tượng này như sau: đến cuối thế kỉ XIX, THƠ RƠ đang lùi dần vào “hậu trường” để nhường chỗ cho các từ mới do nó phái sinh . Lúc này, từ XƠ RƠ là một từ phổ dụng; còn từ LƠ THƠ mới bắt đầu được hình thành, và nó mượn luôn hình thức chữ viết của từ LƠ THƠ cổ. Đến cuối thế kỉ XIX, Génibrel vẫn còn ghi mục từ: “Thơ rơ, Dépouillé de ses feuilles” [3, tr.845], “Xơ rơ, Dépouillé, ad D’un arbre dépouillé de ses feuilles.” [3, tr.978]. Nhưng qua cách ghi Nôm chính xác trong các bản Kiều muộn, ta có thể nhận định rằng: cuối thế kỉ XIX, LƠ THƠ đang dần được phổ dụng, nó thay thế các từ có âm đọc cổ đã nêu. Việc từ điển Génibrel còn ghi mấy mục từ trên là do từ điển này đã tiếp thu từ các từ điển cổ hơn. Tình hình cũng tương tự như vậy đối với các mục từ THƠ RƠ, XƠ RƠ trong từ điển G. Hue (1937). Sang đầu thế kỷ XX (1931), cuốn từ điển đầu tiên chỉ ghi LƠ THƠ mà không ghi âm đọc THƠ RƠ là từ điển của Hội Khai trí tiến đức. Kể từ đó, âm LƠ THƠ được định hình, từ LƠ THƠ phổ dụng từ đó đến nay.
Như vậy, THA LA là một cách đọc theo mặt chữ Nôm của từ THƠ RƠ cổ. Như chúng tôi đã chứng minh, Génibrel đã xây dựng mục từ này từ việc phiên theo mặt chữ của từ 他羅. Và từ này đã được dùng để ghi một âm cổ hơn, đó là THƠ RƠ hay RƠ THƠ. Các âm THA LA/ LA THA/ THA RA chỉ là các cách đọc âm theo mặt chữ Nôm của của từ THƠ RƠ/ RƠ THƠ cổ. Với mục đích tái lập các từ cổ nhằm tìm lại văn bản gần giống nhất so với nguyên tác của Nguyễn Du, chúng ta có thể đọc ở vị trí này trong câu 170 là: “bên cầu tơ liễu bóng chiều THƠ RƠ/ RƠ THƠ”. Tương tự như vậy, câu thơ trong Hồng Đức quốc âm thi tập là “trời thâu bóng ác rãi THƠ RƠ”; câu 236 trong Chinh phụ ngâm bản C phiên là “tán hoè bóng rủ THƠ RƠ trì đường”.
Đến đây, ta thử khảo sát lại lần nữa các tự dạng Nôm dùng để ghi âm đọc THƠ RƠ/ RƠ THƠ từ trước đến nay:
Bảng 5. Bảng tự dạng Nôm dùng để ghi âm đọc THƠ RƠ/ RƠ THƠ

Bản Năm sáng tác Tự dạng
Khoá hư lục giải nghĩa AB.268 XIV 撪 闾 ,舒撪
Hồng Đức quốc âm AB.292 XV 他羅
Chinh phụ ngâm (bài C) 1780 他 歮
Truyện Kiều (NHL chép 1870) 1791-1795 羅 他
Truyện Kiều (LVĐ in 1871) 1791-1795 他 歮
Truyện Kiều (DMT in 1872) 1791-1795 他 歮
Truyện Kiều (TVK 1875) 1791-1795 他卥
Truyện Kiều (A Michels1884) 1791-1795 他卥
Truyện Kiều (KOM in 1902) 1791-1795 卥 他
Pierre Pegneaux de Béhaine 1771-1772 撪 卢‹
L.J. Taberd 1838 撪 囉
Huình Tịnh Paulus Của 1895 撪撪

Các tự dạng trên chỉ là các cách ghi âm cho từ THƠ RƠ/ RƠ THƠ. Điều này không lấy gì làm khó hiểu với tình hình thực tế của chữ Nôm. Chữ đáng chú ý là chữ 他 歮. Chữ này chứng tỏ một điều, đến những văn bản của thế kỉ XIX, xu hướng ghi âm chính xác ngày càng trở nên phổ biến. Việc dùng chữ Nôm RA để phiên âm cho một âm Nôm cổ khác là RƠ, chỉ chứng minh một điều: người viết đang cố gắng dùng một phương pháp ghi âm tối ưu nhất- chữ được dùng để ghi âm có âm dựa gần nhất với âm thanh được ghi.
Đến đây, chúng ta có thể tạm đi đến nhận định rằng: 1. THA LA/ LA THA (hay THA RA/ RA THA) là cách phiên âm theo mặt chữ, mà chữ này được dùng để ghi từ cổ THƠ RƠ/ RƠ THƠ. 2.Trong từng trường hợp cụ thể, trong các văn bản khác nhau chữ THƠ RƠ/ RƠ THƠ lại luôn được ghi bằng những tự dạng khác nhau. Điều này dẫn đến những nhầm lẫn như chúng tôi đã phân tích. 3. Ta có một tập hợp những từ có tính tương tự, mối liên hệ về mặt âm và tính tương tự, mối liên hệ về mặt nghĩa, đó là: THƠ RƠ/ RƠ THƠ- XƠ RƠ- LƠ THƠ và cả LƯA THƯA sau này. (Tuy nhiên, bài viết chưa đề cập đến hiện tượng biến nghĩa để phân biệt khả năng diễn đạt của các từ này ).
Hà Nội, 2005
Tài liệu tham khảo & từ điển tra cứu.

1. Hoàng Xuân Hãn, Chinh phụ ngâm bị khảo, “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn”, Nxb.Giáo dục. Hà Nội.1998 (theo bản in Nxb.Minh Tân. Paris.1953)
2. Hồng Đức quốc âm thi tập, Phạm Trọng Điềm & Bùi Văn Nguyên phiên âm chú thích, Nxb. Văn học. Hà Nội.1982 (in lần thứ 2, có sửa chữa, bổ sung)
3. Hồng Đức quốc âm thi tập.AB.292, VNv.489
4. Từ Nguyên, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh.1997.
5. G.Hue, Tự điển Việt- Hoa- Pháp (Dictionnaire Vietnamien- Chinois- Français), Librarie Khai- Trí, 62 Lê- Lợi, Saigon.1971 (in theo ấn bản Imprimerie Trung Hoà.1937)
6. J.F.M. Génibrel, Dictionnaire Annamite-Français (大越國音漢字法釋集成 ), SaiGon Imprimerie de la mission à Tân Định.1898.
7. Nguyễn Tài Cẩn, Một số vấn đề về chữ Nôm, NXb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.1985
8. Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Phan Ngọc bổ sung và sửa chữa, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.1987
9. Đinh Văn Đức, Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.1986.
10. Nguyễn Thiện Giáp,Từ vựng học tiếng Việt, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 1985.
11. Pierre Pegneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu), Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1772 (Tự vị An nam La tinh), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb.Trẻ.1999
12. L.J. Taberd, Dictionarium Anamitico- Latinum (南越洋合字彙 Nam Việt Dương hiệp tự vị), Frederrichnagori Vulgo Serampore.1838.
13. A. de. Rhodes, Từ điển Việt Bồ La, Thanh Lãng dịch, Nxb. KHXH.1994
14. Vương Lộc, Từ điển từ cổ, Trung tâm Từ điển học & Nxb. Đà Nẵng. Hà Nội-Đà Nẵng.1999.
15. Vũ Đức Nghiệu, Những từ có liên hệ với nhau về nghĩa và lịch sử âm đầu trong tiếng Việt (Luận án PTS KH Ngữ văn), Hà Nội.1995
16. Nguyễn Thúy Khanh, Đào Thản, Khả năng chuyển đổi trật tự âm tiết để tạo biến thể của từ trong các đơn vị từ vựng song tiết, trong Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông, Viện Ngôn ngữ học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.1986
17. Nguyễn Tài Cẩn, Tư liệu Truyên Kiều Bản Duy Minh Thi 1872, Nxb.ĐHqG.2002.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét