(TS)Với cách làm việc là phiên âm phỏng đoán theo vốn hiểu biết, chỗ nào không phỏng đoán được thì để nguyên âm Bắc Kinh , “phiên giả” thực sự đã làm nhiễu rất nhiều (70-75%) thông tin, nếu không muốn nói là làm sai lệch.
Nhung sai sot trong ban dich Ban ve cai nhat
Mấy năm trở lại đây, bạn đọc Việt Nam đã rất háo hức làm quen với nhà triết học người Pháp Francois Jullien qua các bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, Trương Thị Anna. Người đọc có khá nhiều hứng thú trước những dịch phẩm mang đậm chất Đông phương dưới con mắt và phương pháp phương Tây của triết gia này.
Tuy nhiên, bài viết dưới đây chỉ đề cập đến một số lỗi kiến thức về văn tự, cũng như văn học và văn hoá Trung Quốc qua bản dịch Bàn về cái Nhạt của dịch giả Trương Thị Anna. Dĩ nhiên, những lỗi này không hoàn toàn thuộc về dịch giả bởi công việc của bà chỉ khuôn trong việc chuyển ngữ từ văn bản Pháp văn sang Việt văn. Phần chữ Hán bà nhờ sự giúp đỡ của một số chuyên gia Hán Nôm. Nhưng kết quả thực chưa được như ý muốn của dịch giả.
Mới đầu, khi đọc được khoảng dăm trang, người đọc cũng sẵn sàng “lướt” qua một số lỗi sai về phiên âm tên người, tên tác phẩm, bởi chữ Hán được trích dẫn trong văn bản thường được ghi lại theo phiên âm tiếng Bắc Kinh. Thế nhưng, những lỗi sai ngày càng nhiều lên: có những điểm sai thành hệ thống, có những điểm sai một cách hỗn loạn, bởi người dịch không bao quát hết được khối tư liệu gốc. Mà có những lỗi sai thuộc về kiến thức cơ bản, một sinh viên chuyên ngành văn học không đến nỗi có những lỗi sai như vậy; ví dụ: Khái niệm “thể vị” (tiwei) bị phiên thành “thi vị” (tr.113). Hay, tên tác giả Tao Yuan Ming được phiên thành Đào Nguyên Minh (tr.79, 125, 118, 110, 129, 140, …). Trong khi đó, ai cũng biết đó là 陶 淵 明 Đào Uyên Minh.
Đào Uyên Minh (369-427) là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với văn học Trung Quốc cũng như Việt Nam. Ông là người khai sáng ra dòng thơ điền viên, và cũng là đại diện tiêu biểu của loại hình tác gia văn học: Nho sĩ ẩn dật. Ông từng ra làm quan, nhưng không chịu được cảnh “uốn lưng kiếm năm đấu gạo”, ông từ quan về ở ẩn chốn điền viên, tự cày cấy nuôi thân, vui cảnh nghèo say mùi đạo, thường uống rượu chơi cúc. Hai mươi hai năm cuối đời, ông sống một cuộc đời cùng khổ, nhiều lúc đói ông thà đi ăn xin chứ nhất định không ra làm quan nữa. Vì thế, trong lịch sử, ông nổi tiếng là người giữ tiết tháo trong sạch. Cách cư xử, hành - tàng của ông hợp với Khổng giáo, nhưng tư tưởng, tính tình có ảnh hưởng của Đạo Phật, Đạo Lão. Tấn thư, Tống thư đều có truyện về ông. Ông là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với văn học Việt Nam, nhưng người dịch và chuyên gia hiệu đính về Hán Nôm lại không biết ông là ai!?
Để bạn đọc tiện theo dõi và sửa chữa chúng tôi sẽ đề cập cụ thể các lỗi sai như dưới đây (số trang theo ấn bản của nhà xuất bản Đà Nẵng năm 2003). Có thể chia thành mấy loại lỗi sau:
1. Lỗi kiến thức về văn hoá Trung Hoa thời cổ
Trang 25: “Viên tổng trấn hạt Xá (She) có lần hỏi chuyện Tử Lộ (Zilu) về Khổng Tử”. Nguyên văn là 叶公 (phồn thể viết là 葉公), tức Diệp Công. Diệp Công là Đại phu nước Sở thời Xuân Thu, tên là Chư Lương, tự là Tử Cao, được phong ở đất Diệp (phía nam huyện Diệp tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay), được phong tước Công, nên gọi vậy; ông này có hỏi Tử Lộ về thầy Khổng Tử. Dịch là “viên tổng trấn hạt Xá” thực không xác đáng lắm. Qua kinh nghiệm dịch của những người đi trước, người ta thường phải tìm lại văn bản gốc để dịch chứ rất hạn chế việc dịch lại và dịch thông qua một ngôn ngữ khác. Bởi như vậy rất dễ gây ra “tam sao thất bản.”
Nên dùng chữ “Đại phu” thay cho “viên tổng trấn” để giữ nguyên tính lịch sử-địa lý của văn bản gốc. Như vậy, ở trường hợp này, người phiên âm không hiểu về danh chức quan lại của Trung Quốc thời cổ, nhưng lại phiên âm phỏng đoán một cách tuỳ tiện mà không hề tra cứu lại sách vở. Kinh điển Nho gia (như Tứ thư, Ngũ kinh) hiện đã xuất bản khá nhiều tại Việt Nam. Việc kiểm tra cũng không lấy gì làm khó khăn. Nhưng, người phiên âm đã bỏ qua (hay là không hề biết đến) cách làm việc này.
Kiểm tra nguồn tư liệu là một trong những thao tác quan trọng nhất của việc dịch kinh điển, nhất là kinh điển Nho giáo. Đây là một trường hợp không lấy gì làm khó, đây không phải là một điển cố hiểm hóc, vậy mà lại để sai sót như vậy thì thật đáng tiếc.
2. Lỗi phiên âm (tiền hậu bất nhất)
Do người phiên âm làm việc chưa được thận trọng: “đạm hồ chi vô vị - dan hu qi wu wei” (trang 36 ), và không dịch nghĩa.
Người chịu trách nhiệm phần chữ Hán đã phiên âm sang âm Hán Việt trên cơ sở âm Bắc Kinh mà không tra lại xem nguyên văn chữ Hán là gì. Nguyên văn được in ở phần phụ lục “TỪ NGỮ TRÍCH DẪN”, mục d: 淡 乎 其 无 味. (Đạm hồ kỳ vô vị nghĩa là “đạm ư? Nó không có vị). Kỳ chứ không phải Chi. Chi âm Bắc Kinh là Zhi. Phần phiên âm trong phụ lục cũng phiên là Kỳ. Qua điểm này, người đọc nhận thấy người chịu trách nhiệm phần chữ Hán có vẻ như là chỉ biết Hán Nôm, nhưng lại không thạo lắm về tiếng Hán hiện đại.
3. Lỗi về địa danh
Trang 76 có đoạn viết về cuộc luận đàm chí hướng giữa Khổng Tử với đám môn đệ. Tên của một vị học trò Khổng Từ bị phiên thành “Diền” (1 lần), “Điền” (2 lần tr.76, 1 lần tr.78). Thực ra đó là ông Tăng Tích. Tăng Tích tức Tăng Điểm曾點, tự là Tử Tích. Người Nam Vũ Thành nước Lỗ. Ông này là bố của Tăng Sâm. Trong đám môn đệ của Khổng Tử, Tăng Điểm tuy tài không cao, nhưng thuộc loại kẻ sỹ cuồng phóng.
Ở đoạn này, Tăng Điểm đang cùng các đệ tử khác của Khổng Tử bàn về chí hướng. Nguyên văn trong Luận ngữ thiên Tiên tiến: Mộ xuân giả, xuân phục ký thành. Quan giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi quy nghĩa là “Về cuối xuân, y phục mùa xuân đã may xong, con mong được cùng năm sáu bạn thanh niên, sáu bảy cậu thiếu niên, đi tắm ở sông Nghi, hóng gió ở đàn Vũ Vu, rồi ca vịnh với nhau mà về”.
Thế nhưng bản dịch lại dịch là “vào cuối xuân, sắm sanh áo xống xong, cùng năm sáu bạn hữu, sáu bảy trai trẻ theo hầu, ta tắm trên sông Dịch, hóng gió trên bãi Vũ điệu cầu mưa, rồi vừa về vừa ca hát” (tr.76). Những chỗ xuất nhập không đáng nói. Duy chỉ có tên bến sông là phiên âm phỏng đoán. Ấy là sông Nghi (沂- yi)chứ không phải sông Dịch易 (yi), nhầm với con sông nơi Thái Tử nước Yên tiễn Kinh Kha lên đường giết Tần Thuỷ Hoàng.
Còn “bãi Vũ điệu cầu mưa”, có lẽ là dịch theo nguyên văn tiếng Pháp. Nhưng, đây là một địa danh cổ tên là Vũ Vu 舞雩. Vua nước Lỗ thường tế trời cầu mưa trên đàn Vu. Vị trí hiện nay là ở phía Nam thành Khúc Phụ, Sơn Đông. Lưu Bảo Nam trong Luận ngữ chính nghĩa: “Vu đàn giả, vu thời vi đàn thiết tế ư thử. Hữu nhạc vũ, cố viết Vũ Vu” (Đàn Vu, khi cầu mưa thì lập đàn tế ở đấy. Có nhạc múa, nên gọi là Vũ Vu). Đây chính là nơi mà thầy trò Khổng Tử từng đến nghỉ ngơi ngoài giờ dạy học. Vũ Vu là tên riêng, nên để nguyên không dịch. Vũ Vu là đài tế chứ không phải là bãi sông. Ở một đoạn khác, địa danh nổi tiếng Thái Hồ (Tai Hu) bị phiên thành Đại Hồ (tr.150)
4. Lỗi kiến thức về văn học Trung Quốc:
Trang 92: “Hai công trình lớn về phê bình văn học vào những năm đầu thế kỷ thứ VI: cuốn Wen xin diao long (Văn tân tiêu lộng?) và cuốn Shipin (Sử bình?)”. Như trên đã nói, người dịch phiên sang âm Hán Việt nhưng chỉ dựa trên âm Bắc Kinh. Quả là 文心雕龍Văn Tâm điêu long do Lưu Hiệp viết vào thế kỷ VI. Shi pin không thể là Sử bình được. 詩品Shi pin (Thi phẩm) là một tác phẩm lý luận văn học của Tư Không Đồ được viết vào đời Đường.
Dịch giả không chắc lắm nên cũng đã đánh dấu hỏi. Thi phẩm thể hiện những ảnh hưởng sâu sắc của Đạo gia đối với tư tưởng của Tư Không Đồ. Tên tác giả Tư Không Đồ 司 空 圖 (Si Kong Tu) cũng nhiều lần bị phiên sai thành Tư Không Thự 司 空 曙 (Si Kong Shu) trong cuốn sách (tr.95, 114, 126…).
Ta biết rằng Tư Không Đồ sinh vào năm 837 mất năm 908, tự là Biểu Thánh, hiệu là Tri Phi Tử, hay Nại Nhục Cư Sỹ, là một nhà thơ thời vãn Đường đồng thời ông cũng là một nhà lý luận về thi học. Ông đỗ tiến sữy niên hiệu Hàm Thông thứ 10. Từng ra làm quan nhưng sau quay về ở ẩn. Triều Lương được kiến lập, ông được vời làm Lễ bộ Thượng thư, nhưng tuyệt thực mà chết, không chịu ra làm quan. Trong Thi phẩm, dựa vào hình thức gieo vần của thơ tứ ngôn, ông miêu tả lại 24 loại phong cách khác nhau của thơ như: 雄浑 hùng hồn, 沖淡 xung đạm,沈著 trầm trứ… Trong khi đó, Tư Không Thự là một tác gia thời Trung Đường, không rõ ngày sinh năm mất, tự là Văn Minh, cũng từng đỗ Tiến sỹ, sau bị tước quan. Ông chỉ làm thơ chứ không hề viết một cuốn lý luận văn học nào .
Một số tác gia văn học nổi tiếng khác cũng bị phiên sai như Liễu Tông Nguyên bị phiên thành Liễu Tống Nguyên (tr.123, 129, 140…) Hay tên một điệu nhạc cổ được dùng trong tông miếu là Thanh miếu 清庙 cũng bị phiên thành Thanh miêu (tr.66). Vương Bật (Wang Bi) bị phiên thành Vương Bột (tr.73). Mai Nghiêu Thần (Mei Yao Chen) bị phiên thành Mai Diêu Thần và Mai Diệu Trần (tr.104, tr.140). Vương Sĩ Trinh (Wang Shi Zhen) bị phiên sai thành Vương Thời Chẩn (tr.78, tr.126). Trang 82: tên tác giả là Ruan Ji được phiên thành Nguyễn Tích.
Phần phụ lục ghi nguồn dẫn là tác phẩm Yuelun (nhạc luận). Nhạc luận nghĩa là “bàn luận về âm nhạc”. Trong khi đó phần chú lại ghi là “Sách dạy âm nhạc của Nguyên Tích (Ruanji) thế kỷ thứ III”. Tuy nhiên, tác giả này cần tra cứu thêm. Bởi thế kỷ III, có tác giả Nguyễn Tịch (210-263) trong nhóm Trúc Lâm thất hiền. Nhưng, các từ điển như Từ nguyên, Trung Quốc đại từ điển văn học đều không ghi thông tin là Nguyễn Tịch có viết tác phẩm Nhạc luận. Các sách này không hề ghi nhận một tác gia nào tên là Nguyên Tích. Chúng tôi ngờ rằng, Ruanji có thể là Nguyễn Tịch, bởi ông này là người theo Đạo gia, sống thuận theo tự nhiên, và lại khá giỏi về âm nhạc. Đây chỉ là giả thuyết, cần xác minh thêm.
5. Lỗi kiến thức về thư pháp Trung Hoa
Nhung sai sot trong ban dich Ban ve cai nhat
Một loạt các tên thư pháp gia nổi tiếng Trung Quốc cũng bị phiên sai theo cách như trên (phiên âm phỏng đoán theo hiểu biết của người thực hiện). Vương Hy Chi (Wang Xi Zhi) bị phiên thành Vương Hy Trật (tr.121) và thành Vương Hệ Chi (trang phụ lục, xem ảnh bên). Nhưng ta biết: Vương Hy Chi (303-361) là người đời Tấn, tự là Dật Diệu. Thuở nhỏ học thư pháp ở chú, sau theo học Vệ phu nhân, được xem khắp thư pháp của các nhà thư pháp nổi tiếng. Ông là người giỏi cả bốn thể chữ: Thảo thư, Lệ thư, Chính thư, Hành thư. Ông cũng là người học được/ bắt chước được tất cả các sở trường của những người khác.
Tác phẩm theo lối Hành có: Nhạc Nghị luận, Lan Đình tự… Người nào từng đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du đều biết câu: “so vào với Thiếp Lan Đình nào thua”. Lối hành thư của Hy Chi là tiêu chuẩn cho thư pháp của muôn đời. Vậy mà, người thực hiện cũng không hề biết ông là ai. Phiên âm tên ông sai đến hai lần. Và nữa, như ảnh trên, bút tích chính tác giả ghi tên mình đàng hoàng vậy mà người đọc vẫn đọc sai mới lạ. Chữ “Hy” (tên đệm của ông) viết là 羲. Còn chữ “hệ” lại viết là繫 . Tự dạng khác nhau hoàn toàn. Quả là khó hiểu!
Tên một số thư pháp gia nổi tiếng hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc khác cũng bị phiên sai, như Nhan Chân Khanh (Yan Zhen Qing) bị phiên thành Nhan Chấn Thanh. Liễu Công Quyền (Liu Gong Quan) bị phiên thành Liễu Tóng Nguyên (tr.121), Trương Húc (Zhang Xu) bị phiên thành Chương Nhu (tr.142). Bậc đại gia 颜真卿Nhan Chân Khanh (709-785) là tay bút lực hùng hồn chuyên về thảo thư và Chính thư, tác phẩm của ông là báu vật trong đời, nghệ thuật của ông được coi là một dòng nhánh lớn của thư pháp Trung Hoa xưa: Nhan thể. Còn Liễu Công Quyền柳公权 (778-865) là tay chuyên về Khải thư với nét bút cứng cỏi tươi tắn, nghệ thuật cực kỳ nghiêm ngặt.
Nhung sai sot trong ban dich Ban ve cai nhat
Người đời vẫn truyền tụng câu “Nhan cân Liễu cốt” (thư pháp tuyệt đỉnh tựa như gân của Nhan, xương của Liễu). Còn Trương Húc 张旭là đấng bậc về Khải thư và Thảo thư. Ông này thích rượu, uống lần nào say mướt lần nấy, vừa chạy vừa gào thét, có khi nhúng đầu vào mực mà viết, đương thời gọi là Trương Điên. Ông được mệnh danh là “Thảo thánh ” (Bậc thánh về chữ Thảo).
Với cách làm việc là phiên âm phỏng đoán theo vốn hiểu biết, chỗ nào không phỏng đoán được thì để nguyên âm Bắc Kinh , “phiên giả” thực sự đã làm nhiễu rất nhiều (70-75% ) thông tin, nếu không muốn nói là làm sai lệch. Người viết bài này cũng không dám chắc là có bao nhiêu chỗ đúng trong bản dịch này. Ngoài một số trường hợp khá chắc chắn như tên các tác giả, hay tên những nhà triết học nổi tiếng : Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vi Ứng Vật, Vương Duy, Tô Đông Pha, Chu Hy.
Người viết bài này cũng không đủ kiến thức và phông văn hoá để hiểu những trường hợp khác liệu có chuẩn xác hay không. Ví dụ như: Zhao Wen có phải là Triệu Ôn? (tr.78). Zhong You có phải là Trung Hựu? (tr 121) Gao Xian có phải là Cao Diên? (tr.143) Mi Fu có phải là Mịch Phủ ? (tr.146) Lu Hong Jian có phải là Lã Hồng Kiên? (tr.126) Quan Jiao liệu có phải là núi Khuyến Giáo? (tr.126) Sheng Rui là Tinh Nhuệ? (tr.131) Sheng Zhao là Tinh Triều? (tr.131) Yong Jia là Dung gia? (tr.91). Lu Ji là Lư Tích? (tr.90) Jiao Ran là Kiều Nhiệm? (tr.93), Ju Ran là Xa Nhiệm? (146), Fang Xun là Phóng Huân? Ni Zan là Nghi Tán?…
6. Lỗi từ vựng
Phần phụ lục cũng phiên âm sai dăm bảy trường hợp, mặc dù có cả nguyên bản chữ Hán đi kèm. Như: 大 音 希 聲 (Đại âm hy thanh) bị phiên thành “đại âm bố thanh” nhìn chữ “hy” lầm thành chữ “bố 布”; 平 淡 邃 美 (Bình đạm thuý mỹ) bị phiên thành “Bình đạm tuỳ mỹ”; 感 通 (Cảm thông) bị phiên thành “cảm động”; 不 即 不 離 (Bất tức bất li) bị phiên thành “bất tức bất lị”; 平 淡 天真 (bình đạm thiên chân) bị phiên thành “Bình đạm xích chân”, do chữ Chân viết theo lối hành, nét “bút ý” làm người phiên âm đọc nhầm thành “xích尺”, 淡浓 (đạm nùng) bị phiên thành “đạm nồng”, “nồng” là âm Hán Việt đã bị Việt hoá, “nùng” mới là âm Hán Việt. 澄澹精緻 (trừng đạm tinh triệt) bị phiên thành “trừng đạm tinh trí”, người phiên âm không nhìn rõ bộ “ti” đứng bên tay trái, hoặc là thấy “thanh phù” của chữ là “trí” nên phiên luôn là “trí”. Bộ “ti” đi với chữ “trí” đọc là “triệt”; mặt khác, tiếng Hán chỉ có từ “tinh triệt” với nghĩa là tỉ mỉ, chi tiết.
“Tinh triệt” là thuật ngữ dùng cho một đặc điểm của hội hoạ Trung Hoa truyền thống, Trương Nhan Viễn đời Đường trong bộ Lịch đại danh hoạ ký phần Luận hoạ lục pháp (Bàn về sáu phép của hội hoạ) viết: 中古之画, 细密 精 澈 而 臻麗 “trung cổ chi hoạ, tế mật tinh triệt nhi trăn lệ” nghĩa là “hội hoạ thời trung cổ thì tỉ mỉ chi tiết mà đẹp đẽ lắm”. Thuật ngữ này còn được dùng cho thơ ca Trung Hoa. Như thơ của Tư Không Đồ cũng được ca ngợi là “trừng đạm tinh triệt”. Việc dùng chung thuật ngữ cho hai ngành nghệ thuật khác nhau thì quả là rất dễ hiểu đối với một nước có truyền thống mỹ học như Trung Hoa. Ma Cật Vương Duy cũng từng được ca ngợi là “trong thơ có hoạ, trong hoá có thơ” đó sao!
Như vậy, phần chữ Hán và những kiến thức về văn học Trung Quốc trong bản dịch Bàn về cái Nhạt phần đa là bị thực hiện sai lệch. Điều này nằm ngoài khả năng của dịch giả. Ấy là chưa kể đến bảng chú thích khá lộn xộn: khi thì phiên âm Hán Việt, khi thì để theo âm Bắc Kinh (mà đa phần là phiên âm Bắc Kinh). Nếu thận trọng, người dịch cứ để thống nhất theo âm đọc hiện đại, bởi không phải ai, và không phải bất cứ mục từ nào cũng có thể xác định chắc chắn để phiên sang âm Hán Việt. Nhưng để cho người đọc dễ tiếp nhận và tra cứu, thì các mục này cần được nhiều chuyên gia thực hiện phiên chuyển, dịch và chú thích một cách cẩn thận (nhất là chú thích).
Thêm nữa, nếu các đoạn trích được tra cứu và bổ sung thêm phần nguyên văn chữ Hán thì người đọc sẽ đỡ vất vả hơn. Một điều đáng tiếc là người viết bài này không biết tiếng Pháp và không phải là người làm triết học nên không có tư cách gì để bàn luận về những vấn đề thú vị khác.
Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2006.
Việt Báo (Theo_VietNamNet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét