Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

từ nguyên của từ "Đại Cồ Việt"

Khảo về “Đại Cồ Việt”

(Nước Việt - nước Phật giáo)

Trần Trọng Dương (e-mail: trantrongduonghn@gmail.com)

Download bản cứng (có thể trích dẫn, quoteable):
http://www.mediafire.com/?g6075g79zh2t7wy



Quốc hiệu Đại Cồ Việt 大 瞿 越 do vua Đinh Tiên Hoàng đặt năm 968 SCN. Đại Cồ Việt là quốc hiệu đầu tiên, được dùng trong 8 đời vua của 3 triều Đinh, Tiền Lê, Lý, với quãng thời gian dài 86 năm (từ 968 - 1054). Tức là mãi đến năm Giáp Ngọ, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ 6 (1054), vua Lý Thái Tông mới đặt lại quốc hiệu là Đại Việt[1]. Nội dung của ba chữ “Đại Cồ Việt” đã được một số học giả quan tâm nghiên cứu. Sở dĩ, nó được chú ý đến như vậy bởi lẽ đây là quốc hiệu chính thức đầu tiên của người Việt sau khi đánh đuổi người phương Bắc, kết thúc giai đoạn một ngàn năm mà cương vực của người Việt chịu sự cai quản của ngoại bang. Quốc hiệu Đại Cồ Việt đương nhiên chứa trong đó tư tưởng chính trị và xu hướng tôn giáo của người cầm quyền, tuy nhiên trước nay đây vẫn luôn là một bài toán khó giải. Rất nhiều ý kiến đã đưa ra, nhưng vẫn chỉ được coi như là những giả thuyết. Giả thuyết được đồng thuận nhiều nhất được một số học giả hàng đầu của thế kỷ XX đưa ra, giả thuyết này coi CỒ (lớn) là một từ Việt cổ. Bài viết này viết ra với mục đích tổng thuật, đánh giá về các giả thuyết trước đây, cũng như khảo luận về quốc hiệu đầu tiên này, từ đó đưa ra cách nhận định riêng trên cơ sở những thành quả của các ngành lịch sử, tôn giáo (Phật học), văn bản học, văn tự học v.v.


I. Giả thuyết coi CỒ là từ Việt cổ

2.1. CỒ “瞿 ” là một từ Việt cổ?

Những học giả như Sở Cuồng Lê Dư (1932)[2], Bửu Cầm (1960)[3], Thúc Ngọc Trần Văn Giáp (1969)[4], Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (1971)[5], Lê Văn Quán (1981, 1982, 2007) [6], Trần Quốc Vượng (1960, 2000)[7] v.v. đều cho rằng chữ “瞿 ”, âm Hán-Việt đọc là “cù”, thực tế thường được đọc là CỒ nghĩa là “to, lớn”. Năm 1975, Đào Duy Anh viết như sau: “Cồ nghĩa là lớn: mến đức cồ, kinh bùi ngọt. Trong Sử ký thấy dùng từ CỒ trong tên nước ở thời nhà Đinh là Đại Cồ Việt. Ngày nay ta cũng còn thấy dùng chữ kép đại cồ lồ. Song từ Quốc âm thi tập về sau thì không thấy từ cồ được dùng riêng.”[8] Sở dĩ ông coi CỒ là một từ cổ vì ông tra được chữ này (thực ra chỉ là từ tố TTD nhm) trong từ điển của A de Rhodes (1651)[9], Pierre Pegneaux de Béhaine (1772 - 1773)[10], L.J. Taberd (1838)[11], Huình Tịnh Paulus Của (1895)[12], J.F.M. Génibrel (1898)[13], G.Hue (1937)[14] . Nhưng các từ này không phải là từ cổ mà vẫn dùng trong tiếng Việt ít nhất từ thế kỷ XVII hiện nay. Thực tế, trong suốt lịch sử tiếng Việt, chữ CỒ chưa từng đứng độc lập làm thành phần trong câu. Bởi giai đoạn Cổ- Trung đại, tiếng Việt đã có từ CẢ, CÁI để trỏ nghĩa “lớn”, đến giờ là từ LỚN, BỰ, TO, ĐẠI. “CỒ” chỉ là một từ tố trong các từ song tiết như gà cồ, vịt cồ, cồ cộ, vịt xiêm cồ, mà thôi. Sắc thái của nó không chỉ có nghĩa là “to” mà đôi khi còn có nghĩa là “ngố, ngờ nghệch” như câu: lóng ngóng như gà cồ/ tồ, Nữ kê tác quái - gà mái đá gà cồ. “Gà cồ” còn có nghĩa là gà đực, gà chọi, như gà cồ sớt chó sói… Đồng dao có câu: Sáo đen là em gà cồ. Gà cồ là cô sáo sậu. Sáo sậu là cậu chim ri..; Vè nói ngược có câu: …lên non đặt lờ/ xuống sông bửa củi/ gà cồ hay ủi/ heo nái hay bươi… Tục ngữ còn có câu: gà cồ ăn quẩn cối xay (tk XIX), nay chuyển sang nói gà què ăn quẩn cối xay, lại có câu ca dao: Gà cồ lẩn quẩn cối xay/ Ai cho muối ớt xé phay gà cồ. Câu đố dân gian có câu: Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, đụng phải gà cồ lại cõng mẹ chạy vô… Từ tố CỒ hiện vẫn đang còn dùng trong một số địa phương. Ví dụ: vùng Sơn Tây, gọi anh nào to cao ngồ ngộ gọi là CỒ, như Thắng Cồ. Hay gọi loài ve sầu to và đen hơn loại ve sầu thường là con “cồ cộ”. Chữ “cồ cộ” ở một số nơi khác còn để chỉ loại châu chấu cỡ lớn. Xin xem các từ điển từ xưa đến nay.[15] Những tin đồn thất thiệt thì gọi là tin vịt, hơn nữa là tin vịt cồ. Có thể đi đến nhận định, từ tk XVII đến nay, chữ CỒ là một từ tố không có khả năng đứng độc lập, vì phải nhường chỗ cho các từ đồng nghĩa khác; quan trọng nhất, nó chỉ chuyên dùng cho các đối tượng là động vật mà thôi. Cho nên, khả năng kết hợp “đức cồ” (TTD nhm)[16] là rất khó xảy ra. Việc coi CỒ trong ĐẠI CỒ VIỆT như một từ cổ là kết luận được hình thành từ cảm thức tiếng Việt hiện đại thông qua tra cứu các từ điển cổ mà thôi.


Về mặt cấu trúc của ngữ danh từ, đây là một cấu trúc của Hán văn. Trong đó, trung tâm ngữ là từ “Việt” đứng ở sau cùng, hai từ “đại” và “cồ” đứng trước để tu sức cho “Việt”. Cấu trúc này có lẽ không phải bàn cãi nhiều. Nếu theo giả thuyết CỒ là một chữ Nôm, thì cấu trúc này sẽ có trật tự khá bất ổn như sau: [từ Hán (đại) + từ Nôm (cồ: lớn) + từ Hán]. Mối quan hệ giữa “đại” và “cồ” là mối quan hệ đẳng lập, nhưng “cồ” lại là yếu tố chức năng để chua nghĩa cho “đại”. Điểm bất ổn ở chỗ, cố gắng chua nghĩa cho một từ quá đơn giản và dễ hiểu. Cho nên, nói như học giả An Chi: “Đối với chữ Cồ trong Đại Cồ Việt mà nói rằng đây là một yếu tố Nôm có nghĩa là “to, lớn” thì thật chẳng còn gì nhẹ dạ cho bằng. Với cách hiểu quá đỗi hời hợt này, người ta đã gây ra trong 3 tiếng Đại Cồ Việt một cái lỗi quá thô thiển về trùng ngôn (pleonasm): đã “đại” mà lại còn “cồ”. Chẳng những thế, cách hiểu rất ít chiều sâu đó còn biến ba tiếng Đại Cồ Việt thành một thứ ngôn ngữ “ba rọi” (vừa Tàu vừa ta) không thể chấp nhận được cho một quốc hiệu nghiêm túc và đáng kính trọng v.v.”[17] Hiện tượng từ Nôm được dùng như là một thành phần của một ngữ danh từ tiếng Hán không phải là không có. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Trang thì trong số 4000 vị thần thì có khoảng 10% tên các vị có yếu tố Nôm, như Bến Nước Đại vương, Cửa Ngòi Công chúa, Đống Đá Hiển ứng Chiêu cảm Đại vương[18] v.v. Có thể thấy yếu tố Nôm ở đây chỉ là danh từ riêng, và cấu trúc của các ngữ này chỉ là [danh từ Nôm + từ Hán]. Giả thuyết coi CỒ chua nghĩa cho ĐẠI là bất ổn cả về ngữ nghĩa lẫn cấu trúc.


2.2. Hệ quả của giả thuyết coi CỒ là một từ Việt cổ. Dựa trên giả thuyết coi CỒ là chữ Nôm để ghi từ Việt cổ của các học giả vừa nêu, năm 1984, Keith Weller Taylor đi đến nhận xét rằng: “đại cồ” là một dạng ghép “phản ánh sự phát triển sáng tạo của ngôn ngữ bản địa khi nó được sử dụng cho vấn đề chính trị”[19] trong giai đoạn tự chủ mới.

Năm 1992, nhà nghiên cứu văn tự học Trung Quốc, La Trường Sơn cũng viết: “năm 968 scn, triều Đinh bắt đầu kiến lập nhà nước phong kiến tự chủ, chữ CỒ trong quốc hiệu lại là một chữ Nôm, nhưng ý nghĩa của chữ Nôm này vốn đã nằm trong nghĩa của chữ “đại” rồi. Đó là dấu vết chữ Nôm xuất hiện đầu tiên trong thế kỷ X.”[20]


Theo chúng tôi, đây là giả thuyết thuần túy văn tự theo chiều hướng có lợi cho dân tộc (TTD nhm) của các nhà Nôm học trong thế kỷ XX, từ đó dẫn đến những ý kiến đồng thuận của các nhà sử học trong nước và các nhà nghiên cứu nước ngoài (những người phi bản địa). CỒ được coi là một từ Nôm để chứng minh ba điểm: 1. Chữ Nôm đã ra đời từ thế kỷ X; 2. Khẳng định quyền độc lập tự chủ của dân tộc thông qua sự tự ý thức của người cầm quyền về ngôn ngữ dân tộc. 3. Độc lập dân tộc là kế thừa truyền thống tộc Việt từ thời Hùng Vương, Âu Lạc, Lạc Việt, với những thành tựu văn hóa như nỏ thần kim quy! Một giả thuyết khoa học đứng trên rung động tình cảm dân tộc là một điều có thể hiểu được vào một số thập kỷ của thế kỷ trước (thế kỉ XX) khi hoàn cảnh lịch sử của đất nước còn chưa được ổn định. Nhưng, kể cả chữ CỒ là một từ Nôm đi chăng nữa thì cũng không thể khẳng định rằng chữ Nôm đã ra đời với tư cách là một hệ thống văn tự dùng để ghi một chuỗi ngôn từ thuần Việt[21]. Như trên đã chứng minh, giả thuyết coi CỒ chua nghĩa cho ĐẠI là bất ổn cả về ngữ nghĩa lẫn cấu trúc. Không những vậy, giả thuyết này còn bất hợp lý xét ở các cạnh khía văn hóa, lịch sử, chính trị, tư tưởng, như dưới đây.


2.3. Chữ CỒ từ bối cảnh văn hóa thời đại.

Qua các tài liệu lịch sử, ba đời vua (13 năm) nhà Đinh chưa có ý thức về “ngôn ngữ bản địa”. Đinh Bộ Lĩnh tự xưng là Vạn Thắng Vương 萬聖王[22]. Quần thần tôn là Đại Thắng Minh Hoàng đế 大勝明皇帝(đế hiệu thuần Hán)[23]. Rồi ngay sau khi lên cầm quyền, vua Đinh phong cho con là Đinh Liễn tước là Nam Việt Vương 南越王[24], rồi sai Đinh Liễn đi sứ để triều cống và xin sự công nhận của thiên triều. Nhà Tống mới lập, còn bận nhiều việc chưa đem quân đến chinh phạt, nên năm 973 Tống Thái Tổ bèn ban bài chế công nhận Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ Quận vương, Đinh Liễn làm Kiểm hiệu Thái sư, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ檢校太師靜海軍節度使[25]. Năm 970, đổi niên hiệu là Thái Bình太平. Đến niên hiệu Thái Bình thứ 3, vua phong Đinh Tuệ là Vệ Vương衛王, lập con thứ là Hạng Lang làm Thái tử太子[26].


Như thế, có thể thấy rằng, vào giai đoạn đầu độc lập tự chủ, triều đại đầu tiên của Việt Nam luôn ý thức được rằng, phải mềm mỏng trong vấn đề ngoại giao. Trong nước vẫn có thể có quốc hiệu, vua vẫn tự xưng đế hiệu của mình. Nhưng một mặt, vẫn phải nhún nhường xin nhà Tống công nhận mình là nước phiên thuộc, hàng năm vẫn phải cống sứ đầy đủ. Và muốn được Bắc quốc công nhận, các nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý cũng phải cố gắng chứng tỏ mình là một nước thuộc về văn hóa ngôn ngữ của Trung Hoa, phải cố gắng chứng tỏ mình đã được “giáo hóa”, là nước có “văn hiến” (xét theo nghĩa gốc của từ này, như Nguyễn Trãi sau đó gần 500 năm cũng đã viết trong Bình Ngô đại cáo). Biểu hiện quan trọng nhất của việc có văn hiến là xác định hệ thống văn tự quan phương (văn) và chủ thể sử dụng thứ văn tự đó (hiến), rồi sau đó mới đến thiết lập triều nghi, dùng hình pháp (pháp trị), đóng đô, xây cung điện để làm chỗ thiết triều, xắp đặt bách quan, lập ngôi hoàng hậu, phong vương phong tước, dựng đàn Xã Tắc làm nơi tế tự của triều đình quốc gia (quốc tế, tự điển).v.v. Quan trọng không kém là đặt quốc hiệu. Vì thế, tên nước Đại Cồ Việt là thuần Hán thì thiên triều mới chấp nhận được. Và cũng chỉ có thuần là nghĩa Hán thì nó mới “đồng bộ” với các tên quan chức theo mô hình của Hán như Đô hộ phủ, Thập đạo Tướng quân, Đinh quốc công, tăng thống.v.v. Đinh triều hẳn là triều đình lấy Hán văn làm ngôn ngữ hành chính và ngoại giao (TTD nhm). Bài từ tiếp sứ Vương lang quy của Ngô Chân Lưu sau này cũng là bài thơ chữ Hán vậy.


Nếu không dùng chữ Hán, cái nhà nước vừa mới hình thành sau cả ngàn năm thuộc Bắc, cái nhà nước mới được hưởng chút ít “Thái Bình” sau cái loạn 12 sứ quân kia lại bị liệt vào danh sách những nước “mọi rợ” (không có chữ viết) thì sẽ sớm phải chịu cảnh “khai hóa” của nước lớn. Đọc lời chế của Tống Thái Tổ có thể thấy rõ điều này: “Bộ Lĩnh […], giữ tiết làm tôi hướng theo phương Bắc, […], có chí mến văn hóa của Trung Quốc, thường nghĩ đến việc nội phụ, […], qua lại cống hiến lễ vật. Nay có lời khen ngợi đã sai con đến xin làm phiên thuộc, vậy phong cho cha làm quận vương.v.v. ”[27] Cho nên, lập luận cho “Đinh Tiên Hoàng dùng lại chữ “Việt” là tìm về cội nguồn Lạc Việt (tổ tiên của dân tộc Việt chúng ta), lại thêm chữ CỒ (tiếng Việt) để muốn giương cao nước Cồ Việt là một nước rộng và có nền văn hóa “lớn” thuần Việt (phi Hoa phi Ấn)”[28] là có phần chủ quan, tiền định.


Đến đây, chúng tôi có khuynh hướng nghiêng về phía các học giả cho rằng, quốc hiệu “Đại Cồ Việt” vẫn là tên thuần Hán. Điều đó có nghĩa là, chữ “Cù” không phải là chữ Nôm dùng để ghi âm CỒ của tiếng Việt cổ trong một ngữ danh từ theo trật tự cấu trúc của tiếng Hán[29].


II. Giả thuyết coi [đại + cồ] là một chữ Nôm


Tuy nhiên, gần đây, Nguyễn Anh Huy[30] đã đưa ra một giả thuyết thú vị, giải thích về ba chữ “Đại Cồ Việt”, coi [đại + cồ] là một chữ Nôm hài thanh. Giả thuyết này của tác giả được hình thành trên tín niệm của rất nhiều học giả hàng đầu của thế kỷ XX, coi CỒ (lớn) là một từ Việt cổ, như bài viết đã nêu ở trên. Ông đưa ra bốn bước lập luận như sau:

1. “Đại Cồ” là từ thừa nghĩa, thừa chữ. Vì “đại” tiếng Hán là lớn; và CỒ tiếng Việt cổ cũng nghĩa là lớn[31]. Chính sự dư thừa một cách vô lý như vậy đã khiến cho đa số người đời sau không thể hiểu được ý nghĩa của danh từ này.

2. Ông cho rằng: ở đây có một sự nhầm lẫn về văn bản học của các nhà sử học thời trung đại. Đại Việt sử ký toàn thư (từ đây viết tắt là ĐVSKTT)- văn bản chính sử đầu tiên có ghi nhận quốc hiệu này lại “không phải là chữ viết gốc thời Đinh Tiên Hoàng mà đã “tam sao thất bản” nhiều lần qua các bản chép tay của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, sử thần triều Lê v.v. Nhưng lần “thất bản” lớn nhất, theo tôi, là chuyển từ bản chép tay sang khắc mộc bản (sic) để in sách từ thời Lê Chính Hòa năm 1697.”[32] Từ việc nghi ngờ đối với văn bản như vậy, tác giả đã đi đến giả thuyết cho rằng “Đại Cồ Việt” là một chữ có vấn đề về mặt tự dạng.

3. Ông cho rằng “đại cù” trong ĐVSKTT là một chữ Nôm hài thanh “cồ𡚝 ”. Do các văn bản cổ viết theo hàng dọc, nên chữ Nôm “cồ𡚝” rất dễ đọc nhầm thành hai chữ “đại” và “cù”.

4. Cứ liệu thành văn mà ông đưa ra để củng cố thêm cho giả thuyết của mình đó là đôi câu đối trong đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại cố đô Hoa Lư, trong đó chỉ ghi quốc hiệu là CỒ VIỆT.

Giả thuyết cho hai chữ [đại + cồ] là một chữ Nôm hình thanh để ghi 1 từ Việt là CỒ (nghĩa là lớn) là giả thuyết thú vị. Nhưng, nếu đã nêu cao “tinh thần dân tộc” thì phải chăng nên đặt theo cấu trúc của ta là “Việt Cồ”? Mặt khác, các nhà khảo cổ và Nôm học chưa từng tìm thấy một chữ Nôm hình thanh nào vào thế kỷ X để làm tiền lệ hay đối chiếu[33].


Trước tiên, bài viết muốn thảo luận lại về văn bản có ghi nhận CỒ VIỆT. Đó là câu đối ở đền vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư. Nguyên văn như sau瞿越國當宋開寶、華藘都是漢長安(Cồ Việt Quốc đương Tống Khai Bảo/ Hoa Lư đô thị Hán Trường An) nghĩa là “nước Cồ Việt tương đương với niên hiệu Khai Bảo đời Tống/ Kinh đô Hoa Lư cũng như là Trường An đời Hán”. Ngoài ra, ở Hoa Lư cũng còn có một câu đối nữa có xuất hiện chữ “Cồ Việt” với nội dung như sau: 萬勝威雄,瞿越基開正統始/ 天書分定,華藘運啟聖人生 (Vạn Thắng uy hùng, Cồ Việt cơ khai chính thống thủy/ Thiên thư phân định, Hoa Lư vận khải thánh nhân sinh) nghĩa là “Vạn Thắng Vương oai hùng, Cồ Việt nền xây, (triều đại) chính thống (từ đây) bắt đầu/ Thiên thư phân định, Hoa Lư vận mở, thánh nhân xuất hiện”. Tuy nhiên, niên đại của hai đôi câu đối này là khá muộn. Đôi đầu được viết vào năm Giáp Tý thời Tự Đức (1864)[34]. Đôi sau được viết vào năm Đinh Mão thời Bảo Đại (1927)[35]. Trong Việt sử diễn nghĩa tứ tự ca do Hồng Nhung và Hồng Thiết (con của Tuy Lý Vương) diễn dịch cũng có chữ này ở đoạn “Ông Ðinh Bộ Lĩnh, Người xứ Hoa Lư, Hiệu rằng Vạn Thắng, Trí dũng có dư . Dẹp yên các trấn, Sắp đặt trăm quan, Nước xưng Cồ Việt渃稱瞿越[36], Đô đóng Trường An” (249-256). Tức là cả 3 văn bản ghi “Cồ Việt” đều là các văn bản rất muộn vào đời Nguyễn sau ĐVSKTT hai trăm năm.


Mặt khác, chúng tôi cho rằng chữ “Cồ Việt” ở đây chỉ là cách gọi tắt của “Đại Cồ Việt” dưới áp lực của thể loại văn vần. Câu đối là thể loại văn học hạn chế người sáng tác đến từng âm tiết, ngoài ra còn phải kể đến luật bằng trắc. Còn thể loại thơ bốn chữ cũng vậy, 1 câu thơ 4 chữ thật khó có thể đặt một danh từ riêng chiếm đến 3 âm tiết. Với cấu trúc “trắc - bằng - trắc”, ba chữ “Đại Cồ Việt” nếu đưa vào bất cứ một câu văn vần nào thì cũng sẽ dễ gây nên sự thất luật. Điều này có thể thấy rõ, đế hiệu Đinh Bộ Lĩnh tự xưng là “Vạn Thắng Vương” cũng bị cắt mất một âm tiết. Có người không biết “Vạn Thắng” là đế hiệu nên không viết hoa mà phiên âm và hiểu theo nghĩa là “muôn chiến thắng”[37] và không chua gì cả. Một chứng cứ nữa vể việc “Đại Cồ Việt” bị cắt mất một âm tiết trong văn bản văn vần. Đó là đôi câu thơ “Nước xưng ĐẠI CỒ nối trời, xây thành lập lũy trong ngoài sửa sang" (câu 4102 và câu 4103) trong sách Thiên Nam ngữ lục[38]. Có thể thấy, có 3 văn bản ghi quốc hiệu là “Cồ Việt”, 1 văn bản ghi quốc hiệu là “Đại Cồ”. Và cả 4 văn bản này đều thuộc về văn vần (xin xem bảng tra ở dưới). Trong khi đó ĐẠI CỒ VIỆT luôn luôn được ghi một cách trọn vẹn trong các văn bản lịch sử bằng văn xuôi (9 văn bản). Cụ thể như sau:

Sử liệu[39]
Niên đại
Chữ
Thể loại

Đinh viết Đại Cồ Việt, đô Hoa Lư (Dư địa chí)[40]
Sáng tác XV, in 1868
大 瞿 越
Văn xuôi

(“Mậu Thìn, năm thứ 1 [968] (Tống Khai Bảo năm thứ 1). Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt… bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.”[41]
1697 (Khắc in)
大 瞿 越
Văn xuôi

Thiên Nam ngữ lục[42]
Thế kỉ XVIII
大 瞿
Văn vần

“Mậu Thìn, năm thứ 1 [968] (Tống Thái Tổ Khai Bảo năm thứ 1). Vua buổi đầu lên ngôi. Đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt…các bề tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.”[43]
1800

(khắc in)
大 瞿 越
Văn xuôi

“Làm kẻ chợ ở động Hoa Lư, nay là Trường Yên phủ, dựng hiệu nước là nước Đại Cồ Việt”[44]
1800

(Khắc in)
大 瞿 越萬勝 王
Văn xuôi

Câu đối đền Đinh Tiên Hoàng
1864
瞿 越
Văn vần

" Mậu Thìn (968), Đinh Tiên Hoàng năm thứ 1 (Tống, Thái tổ, năm Khai Bảo thứ 1). Vạn Thắng vương lên ngôi Hoàng đế, quốc hiệu là Đại Cồ Việt (không rõ tháng nào)"[45]
1881

(Khắc in)
大 瞿 越 萬勝 王
Văn xuôi

Một mai về với Trần công/ hiệu xưng Vạn Thắng anh hùng ai qua[46]
1870
萬勝
Văn vần

“Mậu Thìn, năm thứ 1 [968] (Tống Thái Tổ Khai Bảo năm thứ 1). Vạn Thắng Vương lên ngôi hoàng đế. Quốc hiệu là Đại Cồ Việt…Quần thần dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.”[47]
Cuối thế kỉ XIX (chép tay)
大 瞿 越

萬勝 王
Văn xuôi

Việt Nam phong sử[48]
Cuối tk XIX (chép tay)
大 瞿 越
Văn xuôi

“Ông Ðinh Bộ Lĩnh, Người xứ Hoa Lư, Hiệu rằng Vạn Thắng, Trí dũng có dư . Dẹp yên các trấn, Sắp đặt trăm quan, Nước xưng Cồ Việt, Đô đóng Trường An” (249-256)[49].
1912
瞿越 萬 勝
Văn vần

Việt sử yếu[50]
1914

(khắc in)
大 瞿 越 萬 勝 王
Văn xuôi

Đinh tộc gia phả[51]
1916 - 1925
大 瞿 越
Văn xuôi

Câu đối đền Đinh Tiên Hoàng
1927
瞿越 / 萬勝
Văn vần


Về văn bản học, chưa từng có một văn bản sử học (bằng văn xuôi: 9 vb) nào ghi nhận cách viết [đại + cồ] là một chữ Nôm. Hơn nữa, các văn bản xuất hiện vào thời Đinh đến nay hầu như không còn gì. Hiện, chỉ có một số văn bản rất đáng chú ý; đó là 40 kinh tràng[52] hiện đang nằm trong kho hiện vật của Bảo tàng Ninh Bình. Tiếc rằng, chúng tôi, dù đã cố gắng, nhưng không thể nào tiếp cận được những tư liệu đặc biệt quý hiếm này. Trong số 40 kinh tràng trên, có 2 kinh tràng đã từng được giáo sư Hà Văn Tấn nghiên cứu[53]. Thế nhưng, cả hai là các văn bản chép kinh trì chú của phái Mật tông, nên không có thông tin nào. Tóm lại, tất cả các văn bản sử học (văn xuôi, trong đó ĐVSKTT vẫn là văn bản sớm nhất, có giá trị nhất, tính khả tín cao nhất) đều ghi quốc hiệu là “大 瞿 越”. Tất cả các văn bản văn vần đều ghi thiếu một âm tiết do hạn định của thể loại đối với số lượng âm tiết và luật bằng trắc.


Điều chúng tôi muốn nói ở đây là những nghiên cứu sẽ khó có thể đạt được kết quả khi người thực hiện cố gắng chối từ sự hiện hữu của tư liệu. Điều đó sẽ dẫn đến hành động sử dụng tất cả các dữ liệu để chứng minh cho một định đề có sẵn. Lập luận cho rằng ĐVSKTT và các văn bản lịch sử khác viết sai là một thao tác “bạt bản tắc nguyên”, phủ nhận giá trị thực tại, khách quan của các ngành khoa học cơ bản nhất trong các khoa học về xã hội nhân văn, đó là khảo cổ học, văn bản học, ngôn ngữ học. Mặt khác, chúng ta cũng khó có thể tưởng tượng rằng, sẽ như thế nào nếu toàn bộ các sử gia của một cộng đồng dân tộc cũng như “kí ức dân gian” quên bẵng mất, hoặc là nhớ nhầm/ viết nhầm quốc hiệu đầu tiên của mình? Như trên, bài viết đã phản bác lại các giả thuyết coi CỒ là một từ Việt cổ và giả thuyết coi [ĐẠI + CỒ] là một chữ Nôm. Dưới đây, bài viết muốn đề cập đến các giả thuyết coi CỒ là một chữ Hán.


III. Các giả thuyết coi CỒ là một chữ Hán


Trong những người quan tâm nghiên cứu về quốc hiệu “Đại Cồ Việt”, Nguyễn Khắc Kham, Kỳ Quảng Mưu chủ trương cho rằng “Đại Cồ Việt” là một từ thuần Hán. Cả hai ông đều đưa ra những kiến giải riêng hữu lý. Bài viết giới thiệu giả thuyết của hai học giả trên nhằm góp phần lý giải về nội dung ngữ nghĩa của ba chữ “Đại Cồ Việt”- quốc hiệu đầu tiên của nước ta trong thời kỳ đầu của độc lập tự chủ.

3.1. Giả thuyết của Kỳ Quảng Mưu

Trong bài “Giải thích về tên nước Đại Cồ Việt - và phân tích ngữ nghĩa bài Vương lang quy của Ngô Chân Lưu” đăng trên tạp chí Đông Nam Á tung hoành, tác giả Kỳ Quảng Mưu (khoa Đông Phương ngữ của Lạc Dương Ngoại quốc ngữ Học viện, Trung Quốc), cho rằng Đinh Bộ Lĩnh định quốc hiệu là Đại Cồ Việt hẳn là phải có dụng ý của riêng mình. Trước tiên, ông để ý đến hai thành tố quan trọng và khó hiểu nhất đó là hai chữ “Cồ Việt”. Đó là một danh hiệu để khu biệt với các dân tộc và quốc gia khác thuộc vùng Bách Việt xưa. Đinh Bộ Lĩnh không đặt tên nước là Nam Việt quốc để tránh trùng tên nước của Việt Đà. Ông cũng không đặt tên nước là Đại Việt vì nó cũng trùng với quốc hiệu của Lý Thánh Tông. Ông này vốn tên là Lưu Long- em của Thanh Hải quân Tiết độ sứ Lưu Ổn đời Đường mạt, sau khi Lưu Long kế thừa chức nghiệp của anh, đã xưng đế vào năm 917 tại Quảng Châu, định quốc hiệu là “Đại Việt”, sau đổi thành “Hán”, sử sách gọi là Nam Hán. Nhưng năm 972, Nam Hán bị Tống thôn tính. Cho nên, Đinh Bộ Lĩnh đã tránh dùng lại quốc hiệu cũ của nước láng giềng, và đặt tên nước là Đại Cồ Việt[54].


Kỳ Quảng Mưu cho rằng, từ thực tế lịch sử, Đinh Bộ Lĩnh đã ứng thuận lòng dân, dẹp bỏ loạn lạc, thống nhất lãnh thổ, đưa chính quyền về một mối. Nhưng nước mới được lập, vừa qua cơn chiến loạn, ông chắc hẳn đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, luôn luôn phải răn dè bản thân. Cho nên, đặt niên hiệu “Thái Bình” là để an dân. Đặt quốc hiệu “Đại Cồ Quốc” là để tự răn mình, răn rằng: “mới có niềm vui của sự thành công thì phải đề cao lòng răn dè sợ sệt, mắt phải nhìn cho xa”[55].


Như thế, Kỳ Quảng Mưu khẳng định quốc hiệu “Đại Cồ Việt” là một danh từ thuần Hán, trong đó chữ CỒ cũng mang ngữ nghĩa của tiếng Hán (TTD nhấn mạnh). Trong đó ông muốn hiểu, chữ CỒ mang đủ cả ba nghĩa như ông đã tra cứu qua Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh: “瞿Cồ: 1.sức trông xa của chim ưng; 2.nhìn chú vào một chỗ; 3.sợ hãi.”


Chúng tôi thiết nghĩ, coi “Đại Cồ Việt” là một cụm từ thuần Hán là một hướng lý giải đúng hướng. Tuy nhiên, việc lấy nghĩa cơ bản của chữ CỒ để lý giải cho ba chữ này là giả thuyết cần phải bàn lại.


3.2. Các giả thuyết của Nguyễn Khắc Kham

Giống như Kỳ Quảng Mưu và các nhà nghiên cứu khác, Nguyễn Khắc Kham là người trăn trở khá nhiều về quốc hiệu Đại Cồ Việt. Năm 1974, ông cũng từng coi CỒ là một chữ Nôm[56], sau ông đã từ bỏ giả thuyết này bằng cách cùng một lúc đưa ra hai giả thuyết khác vào năm 1978.

Giả thuyết đầu tiên ông đưa ra là một cách giải thích thú vị. Ông nói: “theo tôi, “Cồ Việt” có lẽ là cách đọc của người Việt cổ cho hai chữ “Âu Việt 甌 越”. Chữ Âu có hai âm đọc ở tiếng Hán cổ là *U và *KU,… có lẽ triều Đinh đã sử dụng chữ Hán “cù” thay cho “Âu” để tránh nhầm lẫn.”[57] Giả thuyết này có hai điểm yếu: 1. Chứng minh “Cù” là một cách đọc/ cách ghi âm khác của ngữ âm tiếng Việt Mường về chữ “Âu” là một cách lý giải khá hóc hiểm và kỳ khu; 2. Dùng một từ đồng âm, nhưng khác về tự dạng để “tránh nhầm lẫn” rằng nước “Âu Việt” của mình (Đinh Bộ Lĩnh) khác với nước “Âu Việt” thời cổ cũng là một giả thuyết khó có thể xảy ra nữa. Nếu đã đề cao truyền thống dân tộc thì dùng cả âm, cả chữ, cả nghĩa; chứ sao phải thay đổi phức tạp như vậy?


Ông cũng đưa ra một giả thuyết khác, rằng: “Cồ Đàm瞿 曇 là họ của Phật, dịch từ chữ Gautama trong tiếng Sanskrit. Phật giáo phát triển mạnh ở Việt Nam vào triều Đinh, lực lượng tăng lữ giữ vị trí quan trọng trong triều đình, ông có hướng cho rằng Đại Cồ Việt có lẽ nghĩa là “nước Việt- nước Phật giáo lớn. Ở đây, ta cũng nhắc đến chi tiết một trong năm Hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng có tên là Cồ Quốc 瞿 國 (Nước Phật)”[58]. Chính giả thuyết này học giả J. de Francis[59] cũng đã từng đưa ra bởi ông này cũng cho rằng Phật giáo thời Đinh hẳn là quốc giáo, gần đây An Chi cũng ủng hộ thuyết này. Nhân đây xin mượn lời của Nguyễn Lang để minh chứng: “Tiếp đến, Ðinh Tiên Hoàng dẹp 12 sứ quân, lập ra nước Ðại Cồ Việt độc lập. Mật Giáo và Thiền là hai hệ thống Phật giáo hưng thịnh nhất của thời đại. Chính trong thế kỷ này mà những trụ đá (sic) về Mật Tông được tạo dựng ở Hoa Lư. Chính trong thế kỷ này mà đạo Phật tích cực đóng góp vào việc dựng nước. Năm 971, vua Ðinh Tiên Hoàng định giai cấp cho tăng sĩ và ban chức tăng thống cho Ngô Chân Lưu của thiền phái Vô Ngôn Thông, cho ông hiệu Khuông Việt Thái Sư, chính thức nhận Phật giáo làm nguyên tắc chỉ đạo tâm linh cho chính sự. Cũng chính trong thế kỷ này mà vua Lê Ðại Hành mời thiền sư Pháp Thuận và thiền sư Vạn Hạnh của thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi làm cố vấn chính sự. Các thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh cũng đã tiếp tục giúp vua Lý Thái Tổ trong thế kỷ kế tiếp.”[60]


Giả thuyết này của J. de Francis, Nguyễn Khắc Kham và An Chi hoàn toàn hợp lý với những gì chúng ta biết từ trước đến này về nhà Đinh. Đại Cồ Việt tuy mới tách ra khỏi nước lớn, nhưng Phật giáo vẫn được coi như là một quốc giáo, y như nhà Đường trước đó. Điều này có thể thấy sự đồng nhất về phong cách kiến trúc giữa văn hóa Đại Cồ Việt và văn hóa Đường. Từ chùa Nhất Trụ (chùa một cột), từ Tháp Nhạn, đến các kinh tràng…, từ xu hướng ngôn ngữ, phong cách văn chương chữ Hán cho đến hệ kiến trúc thượng tầng. Có thể nói, sự đột khởi của văn hóa Đinh - Lý - Trần, sự xuất hiện đầu tiên và lập tức là đỉnh cao, chỉ có thể đặt trong bối cảnh văn hóa Đại Cồ Việt - Đại Việt kế thừa từ văn hóa đời Đường, trên nền tảng văn hóa Đường. Phật giáo chắc hẳn phải là quốc giáo vào thời Đinh. Cho nên, lấy họ Phật để đặt quốc hiệu là một giả thuyết rất có thể xảy ra trên thực tế.


IV. Khảo về chữ CỒ trong “Đại Cồ Việt”

4.1. Khảo về âm và nghĩa Về âm đọc của chữ “瞿”, Trung văn đại từ điển[61] ghi nhận chữ này có 5 âm đọc như sau:

Quảng vận【廣韻】ghi cửu ngộ thiết (九遇切) , Tập vận【集韻】và Vận hội【韻會】đều ghi câu ngộ thiết (俱遇切),âm cú ngộ 音句遇 , khứ thanh, vậy chữ này được đọc là CỐ. Âm đọc này có 7 nét nghĩa.

Quảng vận【廣韻】ghi kỳ câu thiết (其俱切), Tập vận【集韻】và Vận hội【韻會】đều ghi quyền câu thiết (權俱切), âm cù ngu (衢虞切) (bình thanh), vậy phương án đọc thứ hai có thể cho ta hai âm là CẦU, CÙ. Âm đọc này có 15 nét nghĩa.

Tập vận【集韻】ghi kí lực thiết (記力切), âm cức, chức (亟,職), nhập thanh, vậy chữ này có cách đọc thứ 3 là CỰC. Với nghĩa là vẻ buồn rười rượi (cực cực)

Ngoài ra, Trung văn đại từ điển còn đưa ra cách đọc khá đặc biệt nữa là CỦ (âm như chữ củ 矩). Với nghĩa là quy củ (đạo hiệt củ của Nho gia).


Theo các vận thư, chữ “瞿” có thể đọc theo 5 âm: CỐ, CẦU, CÙ, CỰC, CỦ. Như thế, cứ theo mặt chữ mà đọc theo âm và theo nghĩa, ta sẽ có một bảng tổng hợp tất cả các khả năng có thể xảy ra trên lý thuyết cho các từ大 瞿 越. Cụ thể như sau: 1. ĐẠI CỐ VIỆT: Nước Việt lớn như bày nhạn tụ tập. 2. ĐẠI CỐ VIỆT: Nước Việt lớn có vẻ nhìn (hay tầm nhìn) như chim nhạn. 3. ĐẠI CỒ VIỆT: nước Việt lớn có ánh nhìn sợ hãi. 4. ĐẠI CỐ VIỆT: nước Việt lớn như chim sẻ quay đầu. 5. ĐẠI CỐ VIỆT: nước Việt lớn (nhưng) run sợ (trước Thiên triều) như ý kiến của Kỳ Quảng Mưu. 6. ĐẠI CỐ VIỆT: nước Việt lớn (biết) tiết kiệm. 7. ĐẠI CỐ VIỆT: nước Việt lớn sợ hãi. 8. ĐẠI CẦU/ CÙ VIỆT: nước Việt lớn có ánh mắt trừng trừng, láo liên[62]. 9. ĐẠI CẦU/ CÙ VIỆT: nước Việt lớn vừa chạy vừa sợ hãi. 10. ĐẠI CẦU/ CÙ VIỆT: nước Việt lớn (như) gai táo. 11. ĐẠI CẦU/ CÙ VIỆT: nước Việt lớn có cái mào trên đầu. 12. ĐẠI CẦU/ CÙ VIỆT: nước Việt lớn (đẹp) như hoa bách hợp. 13. ĐẠI CẦU/ CÙ VIỆT: nước Việt lớn (có) binh khí (như một giả thuyết khác của Nguyễn Anh Huy). 14. ĐẠI CẦU/ CÙ VIỆT: nước Việt lớn như ngã tư đường. 15. ĐẠI CẦU/ CÙ VIỆT: nước Việt lớn, gầy gò. 16. ĐẠI CẦU/ CÙ VIỆT: nước Việt lớn (có nhiều) cỏ cù. 17. ĐẠI CỤ VIỆT: nước Việt lớn buồn bã như khi đang có tang. 18. ĐẠI CỦ VIỆT: nước Việt lớn có quy củ. (18 cách dịch này chưa kể đến mối quan hệ ngữ pháp của chữ ĐẠI trong cả ngữ danh từ, cũng chưa kể đến 5 cách dùng của chữ CÙ để ghi danh từ riêng.)


Chỉ xét trên tiêu chí NGỮ NGHĨA, thì ai cũng thấy các tác giả khi coi CỒ là một từ Hán đều thực hiện thao tác chọn nghĩa của từ này thông qua tra cứu từ điển, xem nghĩa nào “hợp” nhất. Tiêu chí của sự hợp lý ấy là nghĩa phải đẹp, mang tầm vóc của quốc gia, thể hiện tâm tư, ý hướng, khát vọng của cả dân tộc. Giả thiết của Kì Quảng Mưu khó chấp nhận được cũng bởi vì không thể xảy ra xét trên hai tiêu chí âm và nghĩa, nhất là sự suy luận về nghĩa của ông lại ảnh hưởng theo nhãn quan của con dân nước lớn. Giả thuyết của Lê Văn Siêu (1964) coi “瞿” thông với chữ “衢”, coi: “Đại Cồ Việt có nghĩa là nước Việt rộng lớn trông suốt cả bốn cõi hay tám cõi (bát hoang) theo lối hiểu ngày xưa, ấy là cái cao vọng của người không những muốn thống trị mà còn muốn bành trướng thế lực ra tám cõi nữa.” [63] Hiểu như Lê Văn Siêu thì cũng theo tinh thần dân tộc mà suy diễn. Nói như ngôn ngữ mà học sinh Việt Nam hiện nay được dạy thì Đinh Bộ Lĩnh đặt tên nước là Đại Cù Việt vì ông đã nhìn thấy mảnh đất này nằm ở “ngã tư đường giao thông quốc tế”. Giả thuyết khác của Nguyễn Anh Huy cho CỒ nghĩa là loại binh khí cổ của nước Âu Lạc (để thể hiện sự tiếp nối truyền thống của dân tộc) thì quả cũng chỉ là một cách “gồng mình” thay cho lịch sử. Có thể coi giả thuyết này là sản phẩm lãng mạn hóa bởi tinh thần chauvinisme theo trường phái Kim Định.


4.2. Vì sao âm CỒ không có trong vận thư từ điển Trung Hoa?


Chỉ xét riêng ÂM ĐỌC thôi, tất cả các khả năng trên đây đều bị loại bỏ, bởi chữ “瞿” chưa từng được các từ điển Trung Quốc ghi nhận cách đọc CỒ (TTD nhm). Thế nhưng, không một ai trong các học giả trên bác bỏ âm đọc CỒ của chữ Hán, thay vào đó là công nhận CỒ chính thức hơn là âm đọc CÙ. Lý do tại sao? Bởi, ai cũng đọc theo cái “kí ức dân gian”, cái “trí nhớ dân gian” mà bài viết đã nhắc đến ở trên. Liệu hàng vạn lớp người của một dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử có thể đọc sai hay đọc nhầm quốc hiệu đầu tiên của mình không? Liệu hàng trăm sử gia thời trung đại, liệu hàng ngàn nhà Nho trong quá khứ đều đọc sai ba chữ này? Không, tất cả đều đọc đúng. Kể cả một số học giả gần đây đặt ra những giả thuyết lý thú đi thế nào chăng nữa thì cái âm CỒ vẫn là một dữ liệu bất biến, không thể thay đổi. CỒ là một hằng số. Mọi suy luận, mọi xét đoán đều phải dựa vào âm này. Thế mà cái âm đọc ấy lại không hề được ghi nhận theo các vận thư, từ điển Trung Hoa. Hẳn là có uẩn khúc gì ở đây?


Uẩn khúc ấy chính là chữ “瞿” được dùng để phiên âm một âm tiết của tiếng Phạn, âm phiên này đã được đọc chệch đi so với âm Hán Việt của nó. Đây chính là điểm mà J. de Francis, Nguyễn Khắc Kham và An Chi[64] đã đề cập đến. Chữ “瞿” với âm đọc CÙ đã được dùng để ghi âm “Go” hay “Gau” trong họ của đức Phật Gautama. Sự tương ứng thủy âm C/ G chắc không phải bàn luận nữa. Sự tương ứng giữa nguyên âm (phần vần của chữ) U với O hay AU cũng là hiển nhiên. Vì thế, cái âm CỒ hẳn là một hợp âm được hình thành trong quá trình dịch âm từ tiếng Phạn sang tiếng Hán rồi từ Hán sang tiếng Hán Việt. Âm CỒ hẳn là sản phẩm của Phật giáo đã được Việt hóa. Kiểm tra trong Từ điển Phật học Hán Việt thì thấy chữ “瞿” dùng để ghi 23 từ có ÂM đọc là CỒ (có liên quan đến Phật) như: cồ di, cồ chỉ la, cồ đàm di, cồ đáp ma…[65] và không một lần nào được dùng để ghi âm CÙ. Tuy nhiên, các học giả Trương Vĩnh Kí (1875)[66], L'Abbé Adr. Launay (1884)[67], Alfred Schreiner (1906)[68], Colonel E. Diguet (1908)[69], Pierre Rey (1913)[70] đều ghi nhận đọc là “CÙ”. Điều đáng nói ở đây là các học giả này đều là người nước ngoài, cho nên khi gặp phải một chữ Hán đã được Việt hóa khác đi, thì tất cả lại đều cứ theo vận thư từ điển mà phiên thành CÙ. Trương Vĩnh Ký tuy là người bản địa, nhưng lại là một sản phẩm hoàn hảo của Tây học, hoặc giả đó chỉ là một phút lơ đãng của học giả uyên bác này. Trái ngược lại, tất các học giả bản địa [trừ một người ngoại quốc là Gustave Dumoutier (1894)[71]] vẫn phiên là CỒ như Phan Kế Bính (1912)[72], Trần Trọng Kim (1919)[73], các học giả trong hội Khai Trí Tiến Đức (1931)[74], Đào Duy Anh (1932)[75], Hà Văn Tấn (1960)[76], Tạ Quang Phát (1971), Trần Quốc Vượng (1960[77], 2000[78]), Vũ Văn Kính (2002)[79]… Cho đến nay, các sách giáo khoa trên toàn quốc vẫn ghi ĐẠI CỒ VIỆT. Đó hẳn dựa trên sự “truyền thừa ký ức lịch sử” trong cộng đồng người Việt! Cho nên mới nói cái “ký ức dân gian” đã truyền thừa âm đọc CỒ từ xưa cho đến tận ngày nay, cũng y như chữ貉 (trong Lạc Việt) được đọc là lạc (mà không đọc là hạc theo vận thư). Đào Duy Anh cũng theo “ký ức dân gian” ấy mà đọc là CỒ, trong cuốn từ điển Hán Việt. Đọc chữ Hán theo âm Hán Việt Việt hóa là hiện tượng gặp rất nhiều trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, cũng như các sách vở của những người cổ học mà tri thức được hình thành từ quá trình truyền thừa, theo lối học ông đồ xưa[80]. Có thể nhận định rằng âm CỒ là âm phổ thông của “瞿” trong 大 瞿 越. Và CỒ (với âm đọc Việt hóa như vậy) rất có khả năng dùng để chỉ đức Đại Cồ Đàm.


4.3. CỒ - hiện tượng đơn tiết hóa


Tuy nhiên, giả thuyết coi CỒ là CỒ ĐÀM trước nay bị phản bác ở điểm, các từ điển Trung Hoa không ghi nhận “瞿” đứng độc lập là một dạng viết tắt, hay rút gọn của Cồ Đàm. Nhưng có điều, xu hướng “đơn tiết hóa” các danh từ riêng trong tiếng Hán cũng như tiếng Việt (hai ngôn ngữ đơn lập đơn tiết) là một hiện thực ngôn ngữ thường gặp. Ví dụ hiển minh nhất cũng chính là BỤT và PHẬT, đều là hai chữ (phiên âm từ hai giai đoạn lịch sử khác nhau) rút gọn từ BỤT ĐÀ, PHẬT ĐÀ[81]. Mà hai chữ này vốn là để ghi một trong mười danh hiệu của Phật, nguyên tiếng Sanskrit là Buddha[82]. Một cứ liệu thực địa khác hiện tồn trong đời sống của người Việt, chùa Bổ Đà (một ngôi chùa tổ tương truyền nơi Phật xuất hiện, thuộc huyện Việt Yên, Bắc Giang) vẫn được nhân dân gọi tắt là chùa Bổ. Sư cụ Thích Quảng Luân trụ trì chùa trong suốt thế kỷ XX cũng được gọi tắt là cụ BỔ. Cũng cùng tỉnh Bắc Giang, chùa Đức La (còn gọi là chùa Vĩnh Nghiêm, nơi trữ ván kinh cổ) cũng được mấy cánh xe ôm và các bà chạy chợ gọi tắt là chùa LA.


Đến như hai chữ “Thích Ca” vốn là “tên gọi tắt của Thích Ca Mâu Ni và Thích Ca Văn”[83] cũng được viết tắt một lần nữa thành THÍCH. Chúng tôi xin trích nguyên văn từ điển: “THÍCH釋: Sàkya. Cách gọi tắt của từ Thích Ca, tên gọi của đức Phật Thế tôn. Đạo Phật hồi mới truyền sang Trung Quốc, các tăng thường được gọi bằng họ thế tục của mình, hoặc lấy họ Trúc hoặc lấy họ của bậc sư phụ,… Đến ngài Đạo An, cao tăng đời Tấn mới bắt đầu nói: Đức Phật có họ Thích Ca, nay các Phật tử nên theo họ của đức Phật, tức họ Thích”[84]. Không những thế, sự đơn tiết hóa còn tạo ra một họ khác nữa của người theo đạo Phật, đó là ĐÀM. Phật quang đại từ điển ghi: “Đàm… gọi đủ là Đàm Ma, dịch là Pháp, tức là chỉ cho phép của đức Phật… Tên các vị tăng Trung Quốc phần nhiều đặt chữ “Đàm” ở trước như Đàm Loan, Đàm Diệu, Đàm Ảnh… ”[85] Có thể nói, việc đơn tiết hóa danh hiệu Phật là điều hết sức bình thường trong tiếng Hán và tiếng Việt.


4.4. Cứ liệu thành văn của chữ CỒ đơn tiết


Trong Hán văn, việc đơn tiết hóa danh hiệu hay họ Cồ Đàm cũng có cứ liệu văn bản. Bằng chứng là trong tuyển tập từ Lô Sơn quy lai tập (quyển bảy) được sáng tác vào đời Nam Tống (từ niên hiệu Kiến Viêm đến Đức Hựu) của tác giả Trương Nguyên Cán có lời từ như sau: 瞿老拈花、經離亂,青山盡處,海角又天涯[86] “Cồ lão niêm hoa, kinh li loạn, thanh sơn tận xứ, hải giác hựu thiên nha” nghĩa là “lão Cồ tay nhắc nhành hoa, (ta) trải qua bao li tán loạn lạc, (giờ đang) ở nơi tận cùng núi biếc, góc bể mấy chân trời.” Rõ ràng là tác giả đã sử dụng điển “niêm hoa vi tiếu” trong nhà Phật. Và lão Cồ ở đây chính là Cồ Đàm, điều này An Chi cũng đã từng gợi ý[87].


Trong tiếng Việt, chứng tích đơn tiết hóa xưa nhất chính là đôi liên phú của vua Trần Nhân Tông trong Cư trần lạc đạo: Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo; Mến đức Cồ (勉德瞿), kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay (hội 7, câu 99-100). Có thể coi, đây là tư liệu thành văn sớm nhất có xuất hiện chữ CỒ đơn tiết mà chúng ta biết được. Xét về nội dung triết học thì ai cũng thấy rõ chỉ sự đối ứng giữa Nho giáo và Phật giáo, giống như ở các liên phú sau: Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận/ ơn Nghiêu rộng cả, lọt toàn thân phô việc đã xa (hội 5, câu 61-62) hay Sách Dịch xem chơi, yêu tính lặng hơn yêu châu báu/ Kinh Nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim (hội 1, câu 13-14). Thánh (Khổng tử) đối với đức Cồ (Phật), đức Bụt đối với ơn Nghiêu, sách Dịch đối với kinh Nhàn. Xét về thanh luật thì âm CÙ (bằng) sẽ là sự lựa chọn duy nhất để đối với THÁNH, chứ không thể dùng các âm trắc như: Bụt, Phật, Thích được. Mặt khác, trong Cư trần lạc đạo chữ “Phật佛” (đơn tiết) xuất hiện 2 lần tại câu 47, 48; chữ “Bụt孛”(đơn tiết) xuất hiện 9 lần tại các câu 33, 53, 55, 56, 61, 89, 93, 113, 116; chữ “Thích ca” dùng 1 lần tại câu 51. Nếu dựa trên cách tính định lượng như trên, sẽ thấy Cư trần lạc đạo dùng nhiều danh hiệu để chỉ Phật, trong đó Bụt là nhiều nhất. Từ số liệu trên đây, ta có thể đi đến một kết luận: thời Trần, âm Bụt (âm cổ Hán Việt của Phật) vẫn đang phổ dụng hơn cả. Các âm còn lại cũng được dùng để chỉ Phật, nhưng ít hơn. Chữ CỒ trong “mến đức Cồ” dĩ nhiên không mang nghĩa là “lớn” (như đã nêu ở trên) mà để chỉ đức Cồ Đàm hay rộng hơn là chỉ Phật.


Không ngờ CỒ là từ chỉ Phật, Đào Duy Anh chú giải lầm khi coi CỒ là từ cổ với nghĩa là “lớn”[88], từ đó dẫn đến sự đồng thuận của hàng loạt các học giả từ thế kỷ XX đến nay. Một số từ điển chữ Nôm và từ cổ được biên soạn gần đây, vì dùng lại bản phiên của Đào Duy Anh nên đều công nhận CỒ trong “mến đức cồ” là một từ cổ, như Từ điển tiếng Nghệ (1998, Tr. 47)[89] ,Từ điển chữ Nôm (Viện NC Hán Nôm, 2006, Tr. 199)[90], Từ điển từ cổ của Vương Lộc (2001, Tr.37)[91]. Từ điển Tự điển Việt- Hoa- Pháp của G Hue (1937) [92] xác nhận CỒ là từ để chỉ Phật ở nét nghĩa thứ hai; nhưng ở nét nghĩa thứ nhất lại ghi CỒ VIỆT (nước Việt lớn) là quốc hiệu thời Đinh Tiên Hoàng, nay có thể cải chính, nhập vào thành một mục từ. Sở dĩ, từ điển này ghi nhận CỒ VIỆT vì tác giả đã tiếp thu[93] mục từ này từ từ điển của hội Khai trí Tiến đức[94] trước đó 6 năm, còn từ điển này lại lấy ngữ liệu từ một tác phẩm văn vần nào đó, nhưng lại không thấy trích dẫn nguyên văn. Có thể nhận định CỒ VIỆT ở đây là cách gọi tắt của ĐẠI CỒ VIỆT mà thôi, đây là lỗi của nhà làm từ điển. Duy có từ điển của Trương Đình Tín và Lê Quý Ngưu công nhận CỒ trong câu này là chỉ Đức Phật[95]. Những người chua đúng chữ này là Hoàng Xuân Hãn[96] và Lê Mạnh Thát trong Trần Nhân Tông toàn tập[97].


Ngay trong dân gian cũng có câu thành ngữ như "Lù khù có ông Cù độ mạng" hay “Lù đù có ông Cù hộ mạng”. Từ điển thành ngữ tục ngữ ca dao Việt Nam của Việt Chương chua rằng: “ông Cù: ông Bụt, hay ông Phật. Người dại khờ dốt nát có khi lại được trời Phật độ trì.”[98] Nếu thử một thao tác enter qua google sẽ được 42 trang mạng có câu này, hẳn đây là câu khá phổ dụng. Có thể nói, từ đời Trần đến nay, Cù/ Cồ vẫn được dùng độc lập để chỉ Phật. Tất nhiên, nó được dùng hạn chế hơn rất nhiều so với các từ “Bụt”, “Phật” và “Thích”[99]. Nhưng âm Cồ là âm phổ thông trên toàn quốc. Còn âm CÙ chỉ xuất hiện một lần qua câu tục ngữ trên. Song, thế cũng đủ cho thấy, CÙ/ CỒ là dạng đơn tiết hóa của Cù Đàm/ Cồ Đàm mà thôi.


4.5. Các cứ liệu khác


Về địa danh, Trung Quốc hiện có đảo gọi là大瞿岛. Đảo này là điểm du lịch khá đẹp. Tương truyền đây cũng là nơi Phật xuất hiện. Hiện trên đảo, các di tích Phật giáo vẫn còn nguyên vẹn[100]. Ngoài ra, nước này còn có một ngọn núi là 大瞿山. Đây được coi là một miền đất phúc. Chuyện kể, khi Quan Thế Âm Bồ Tát đi về Nam để tìm nơi tu hành, Người đã dừng lại ở đây. Nhưng, hắc ngưu quái (vốn ở đây đã lâu) sợ Người chiếm mất đất bèn cho một làn xú khí bốc lên khắp trời. Quan Thế Âm thấy đất tu đã bị làm cho ô uế bèn đánh hắc ngưu lui xuống biển. Từ đó, mặt nam của núi này lưu lại một bức tượng hóa thân của Bồ Tát gọi là 大瞿石佛, còn Người lại tiếp tục xuống phía nam[101]. Có thể thấy về kết cấu của các địa danh này như sau: 大瞿 + danh từ chỉ địa điểm, cụ thể: 大瞿 + Đảo; 大瞿 + Sơn. “大 瞿 越”là một ngữ danh từ hẳn cũng được xây dựng trên cấu trúc danh từ như vậy. Chữ “đại” chỉ là một tán mĩ từ mà thôi. Đại Cù cũng là dạng viết tắt của Đại Cù Đàm.


Mặt khác nữa, sử sách hay truyền thuyết luôn có xu hướng Phật thoại hóa các nhân vật lịch sử. Hình ảnh bà mẹ Phật giáo có lẽ là hình ảnh nguyên sơ nhất trong giai đoạn này. Bà mẹ Thánh Gióng mang thai sau khi ướm vào vết chân khổng lồ, thực chất là ướm vào Phật Tích. Thánh Gióng biến thành khổng lồ để giết giặc chính là một hình ảnh khác (hóa thân, biến hiện) của Phật mà hệ kinh Agama thường nhắc đến. Mẹ Man Nương hoài thai với Khâu Đà La để sinh ra tứ pháp[102]. Cho nên, bà Phạm thị thực chất vẫn là một bà mẹ Phật giáo và mang họ của Phật, bà giao hợp với thần rồi thụ thai ở trong chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) để sau đó sinh ra Lý Công Uẩn. Bà Đặng thị (mẹ của Lê Hoàn) mơ thấy bụng nở ra hoa sen rồi hoài thai, nên Lê Hoàn cũng chính là Phật tử[103]. Từ đó, có thể phán đoán rằng, bà mẹ của Đinh Bộ Lĩnh - bà Đàm thị cũng là một bà mẹ Phật giáo. Nhà Đinh Bộ Lĩnh chắc hẳn cũng ở một trung tâm Phật giáo thời đó tên là Đàm Gia. Vũng Đàm Gia[104] chính là nơi đôi rồng vàng xuất hiện che cho Đinh Bộ Lĩnh khi lâm nguy. Sự việc này cũng giống như việc xuất hiện con chó sắc trắng, có đốm lông đen hình hai chữ “Thiên tử” làm điềm báo sau này Lý Công Uẩn sẽ lên ngôi hoàng đế, địa điểm không ở đâu khác lại ở viện Cảm Tuyền chùa Ứng Thiên Tâm (châu Cổ Pháp)[105]. Có thể nói việc dùng những hình ảnh thần bí của Phật giáo đề thần hóa vương quyền là một đặc điểm của giai đoạn Đinh, Tiền Lê, Lý. Việc bà mẹ Đinh Bộ Lĩnh mang họ Đàm, họ của Phật chứng minh ba điểm: 1. Phật giáo hẳn là tôn giáo quan trọng của tôn thất hoàng tộc[106]; 2. Phật giáo luôn có một đời sống bền chắc trong đời sống tinh thần của người phụ nữ Việt từ thời Đinh cho đến nay; 3. Họ Đàm cũng là một dạng đơn tiết hóa danh hiệu Phật (như Thích, Cồ, Bụt, Phật, Phạm).


Thêm nữa, Đinh Liễn dựng 200 kinh tràng trong hai đợt để cầu siêu cho Thái tử Hạng Lang. Đó hẳn là những đại lễ vào thời đó. Người chủ đàn có lẽ chính là sư Khuông Việt. Chữ “khuông” vốn viết tắt từ “khuông cứu”, cũng là một từ của nhà Phật nhưng với tinh thần nhập thế. Cho nên, tên Đinh Liễn được ghi trên các kinh tràng này còn được gia thêm tên đệm là “khuông” để biểu thị sự tôn kính, hay là kí hiệu đánh dấu cho một Phật tử. Nhìn ở khía cạnh loại hình nhân vật lịch sử trong giai đoạn đầu tự chủ, mô hình quan trọng nhất của trí thức là tăng quan. Các vị sư vừa là thày của vua, là người cố vấn, người nắm giữ những vị trí chủ chốt nhất, thực hiện những hành vi chính trị quan trọng nhất (như ngoại giao, cố vấn chính trị). Và hơn hết, tăng quan chính là người nắm giữ đời sống tinh thần và kiến trúc thượng tầng của toàn xã hội.


Đến đây, có thể nhận định rằng chữ “瞿” trong quốc hiệu đầu tiên của nước ta rất có thể đã được đọc bằng âm CỒ với nghĩa là chỉ Phật giáo. Đinh Tiên Hoàng không đặt tên nước là Đại Việt là để tránh trùng tên với một nước Đại Việt khác (trong số rất nhiều quốc gia tranh thủ nổi dậy ở phương Nam khi thiên triều có loạn) vừa mới bị tiêu diệt khi ông còn đang tại thế. Nhà vua vẫn gắng để lại chữ “Việt” để tưởng đến nguồn gốc phương Nam ban đầu của mình, điều này chưa thể phủ nhận được. Nhưng, việc đặt tên nước mang ý nghĩa của Phật giáo hẳn là một điều có thể chấp nhận được với những chứng cứ khảo cổ học[107] hiện còn, thêm vào đó có sự ủng hộ của hệ thống văn bản lịch sử với tự dạng khá nhất quán về ba chữ Đại Cồ Việt. Lĩnh Nam trích quái[108] chép Đinh Tiên Hoàng còn có hiệu là Cồ Thành[109], Có thể coi đây là tư liệu bổ sung làm bàng chứng. Đến đây, có thể nhận định rằng ĐẠI CỒ VIỆT nghĩa là NƯỚC VIỆT - NƯỚC PHẬT GIÁO (của đức ĐẠI CỒ ĐÀM), như nhận định của Nguyễn Khắc Kham, J. de Francis, và học giả An Chi[110]. Dẫu sao, đây vẫn chưa phải là kết quả cuối cùng bởi những gì đào được từ lòng đất có thể sẽ đưa ra những thực tế mà chúng ta ít ngờ tới[111]. Bởi lịch sử là cái được vẽ nên từ những gì còn sót lại.









--------------------------------------------------------------------------------

([1])Đại Việt sử ký toàn thư. (bản khắc năm Chính Hòa- 1698) . Ngô Đức Thọ (dịch và chú thích) Nxb KHXH, Hà Nội, 1998. Tập 1: Tr. 270. Điều này có nghĩa là khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nước vẫn mang quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Điều này khác hẳn so với cách phân chia thời kỳ, và quốc hiệu trong bộ Đại cương lịch sử Việt Nam (toàn tập). Bộ sách mang tính giáo khoa thư về lịch sử này phân giai đoạn này làm hai thời kỳ: 1. Đại Cồ Việt thời Đinh – Tiền Lê (968 – 1009); 2. Đại Việt ở thế kỷ XI-XII. [Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên. 2005 (tb lần 7). Đại cương lịch sử Việt Nam (toàn tập) . Nxb Giáo Dục. H.

([2]) Lê Dư .1932. Chữ Nôm với Quốc ngữ. Nam Phong. Số172, tháng 5 . Tr. 495 - 498.

([3]) Bửu Cầm.1960. “Nguồn gốc chữ Nôm”. Văn hoá nguyệt san 50. Tr. 347-355.

Bửu Cầm. 1960. Dẫn nhập nghiên cứu chữ Nôm. Tài liệu học tập giành riêng cho chứng chỉ Việt Hán, Văn chương Quốc âm và Ngữ học Việt Nam. Đại học Văn Khoa Sài Gòn. (in roneo). Tr.09.

([4])Trần Văn Giáp. 1969. Lược khảo về nguồn gốc chữ Nôm, Nghiên cứu lịch sử 127. Tr.8.

([5]) Hoàng Thúc Trâm.1971. Góp ý với ông bạn Trần Văn Giáp về bài ‘Nguồn gốc chữ Nôm’. Nghiên cứu lịch sử 140 . Tr. 57- 62.

([6]) Lê Văn Quán.1981. Nghiên cứu về chữ Nôm. Nxb KHXH. Hà Nội.

Lê Văn Quán. 2007. Nguồn văn hóa truyền thống Việt Nam. Nxb Lao động. Hà Nội. Tr.243.

Chuyển dẫn theo Kỳ Quảng Mưu, chú 2: 黎文貫。1982. 《喃字出現時期初探》。王金地譯。《印支研究》1982年第四期。

([7]) Trần Quốc Vượng. 2000. Nghìn xưa văn hiến. Nxb Hà Nội. H. Tr.172.

([8]) Đào Duy Anh.1975. Chữ Nôm: nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến. Nxb KHXH. Hà Nội. Tr.26.

([9]) Alexandro De Rhodes. 1651. Dictionarivm Annamiticivm- Lusitanvm- Latinvm. Sacre Congragationis de Propagada fide Cardinales. ROME. Tr.125-126. 1994. (Từ điển Việt- Bồ- La). Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch. Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội. Tr.64.

([10]) Pierre Pegneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu) 1772-1773. Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1773, Tr. 137 .1999 (tb). Tự vị An nam - La tinh. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, NxbTrẻ. Tp HCM. Tr.92.

([11]) L.J. Taberd. 1838. Dictionarium Anamitico- Latinum (南越洋合字彙 Nam Việt Dương hiệp tự vị), Sesampore. Tr. 26.

([12]) - Huình Tịnh Paulus Của. 1895-1896. “大 南 國 音 字 彙” Đại Nam quấc âm tự vị, Saigon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4.; Nxb.Trẻ.1998 (theo ấn bản 1895-1896). Tr. 177.

([13]) J.F.M. Génibrel. 1898. Dictionnaire Annamite-Français (大越國音漢字法釋集成 Đại Việt quốc âm Hán tự Pháp thích tập thành), Saigon Imprimerie de la mission à Tân Định. Saigon. Tr.78.

([14]) G.Hue.1937. Tự điển Việt- Hoa- Pháp (Dictionnaire Vietnamien- Chinois- Français), Librarie Khai Trí, 62 Lê- Lợi, Saigon.1971 (in scan theo ấn bản Imprimerie Trung Hòa.1937); Tr. 303.

([15]) - Joseph Monrrone. 1838. Lexicon Cochin-sinense Latinnum. Philadenphia. Tr. 243.

- Hội Khai trí Tiến đức. 1931. Việt Nam tự điển, HANOI Imprimerie Trung - Bac Tan - Van. Mặc Lâm xuất bản. Tr. 88.

- Văn Tân (chủ biên). 1977 (tb lần 2). Từ điển tiếng Việt. Nxb KHXH. Hà Nội. Tr.325.

- Nguyễn Như Ý (chủ biên). 2001. Từ điển đối chiếu từ địa phương. Nxb Giáo dục. Hà Nội. Tr.202.

- Bùi Minh Đức. 2004. Từ điển tiếng Huế. TT Nghiên cứu Quốc học & Nxb Văn học. Tp HCM. Tr. 373, tr. 995.

- Nguyễn Như Ý (chủ biên). 2008. Đại từ điển tiếng Việt. Nxb Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh. Tp HCM. Tr.587.

- Vietlex. 2008. Từ điển tiếng Việt. Nxb. Đà Nẵng. Tr. 340, Tr.574.

([16]) Từ đây chữ “nhấn mạnh” viết tắt là nhm.

([17]) An Chi. 2007. Kiến Thức Ngày Nay số 599 ra ngày 1/4/2007, mục “Chuyện Đông chuyện Tây”, dẫn theo Nguyễn Anh Huy.2009b. bdd.

([18]) Nguyễn Thị Trang. 2004. Bước đầu tìm hiểu hệ thống chữ Nôm ghi tên hiệu các vị thành hoàng làng. Trong “Nghiên cứu chữ Nôm” Kỷ yếu hội nghị Quốc tế chữ Nôm 2004. Nxb KHXH. H. Tr. 238.

([19]) Keith Weller Taylor. 1984. The Birth of Vietnam. Berkeley. University of California Press. Tr.281.

Keith Weller Taylor. 1983. The Twelve Lords in Tenth Century Vietnam. Juarnal of Southeast Asian Studies 14, 1 (3/1983) [chuyển dẫn theo Keith Weller Taylor. 2001. Quyền uy và tính chân chính ở Việt Nam thế kỷ thứ XI. Trong “Những vấn đề lịch sử Việt Nam”. Nguyệt san Xưa & Nay - Nxb Trẻ. Tr.63-104.]

([20]) 羅長山。1992 .“古壯字與字喃比較研究”。東南亞縱橫年第三期。

([21]) Nguyễn Quang Hồng. 2009. sdd.

([22]) Lê Tắc. 2002. An Nam chí lược. Nxb Thuận Hóa & TT văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. H. Tr.87

([23]) ĐVSKTT. Đinh Tiên Hoàng kỷ.

([24]) Khuyết danh. 1993. Đại Việt sử lược. (Nguyễn Gia Tường dịch). Nxb Tp Hồ Chí Minh. Tr.26.

([25]) Lê Tắc. sdd. Tr.78.

《宋史》。中華書局。卷488. 14058頁。

顧祖禹。《讀史方輿紀要》。中華書局。卷112. 4988 頁。

([26]) Khuyết danh. 1993. Đại Việt sử lược. . Tr.27.

([27]) Lê Tắc. 2002. An Nam chí lược. Nxb Thuận Hóa & TT văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. H. Tr.87.

([28]) Nguyễn Anh Huy. 2009b. Luận về quốc hiệu CỒ VIỆT. http://khoahoc.net

([29]) Đến đây cũng nên nhắc đến giả thuyết của Hoàng Xuân Hãn, khi ông cũng coi Cồ là một chữ Nôm: “Lần thứ hai trong quốc sử thấy chữ mượn âm là quốc hiệu đời Đinh: Đại Cồ Viêt, chữ Cồ chắc là từ Việt, người ta thường hiểu là lớn. Nhưng ý “lớn” đã chứa trong chữ ĐẠI rồi. So sánh với những âm CÁ, CỔ, CỰ, KHẢ, KẺ thì thấy ý nghĩa âm CỒ là XỨ có lẽ hợp lý hơn.” Hoàng Xuân Hãn.1978. Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần-Lê: Phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. KHXH (Paris) 5-7 (1978-1980). tb 1998. Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần- Lê, trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Nxb Giáo dục. T3: Tr. 1092, chú 8.

([30]) Nguyễn Anh Huy. 2009a. “Đại Cồ Việt” hay “Cồ Việt”? http://www.tuoitre.com.vn ; Nguyễn Anh Huy. 2009b. Luận về quốc hiệu CỒ VIỆT. http://khoahoc.net

([31]) Điều này, Hoàng Xuân Hãn, La Trường Sơn và An Chi đã nhắc đến.

([32]) Nguyễn Anh Huy. 2009a. bdd.

([33]) Cụ thể các tiêu chí và sự hình thành chữ Nôm (nhất là sự xuất hiện của các chữ Nôm hình thanh) xin xem Nguyễn Quang Hồng. 2009. Khái luận văn tự học chữ Nôm. Nxb Giáo dục. Hà Nội.

([34]) Lạc khoản: Tự Đức Giáp Tý. Thị giảng học sĩ Phượng Trì Vũ Phạm Khải Đông Dương bái thư. Phượng Trì Vũ Phạm Khải (1807-1872), ông tự là Đông Dương , người xã Thiên Trì, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Vũ Phạm Khải thi đỗ Cử nhân năm Tân Mão, niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831) đời vua Nguyễn Thánh Tổ. Ông giữ các chức quan, như: Lễ khoa cấp sự trung, Hàn lâm trực Học sĩ, Sử quán Toản tu, Thị lang, rồi thăng Bố chính Thái Nguyên, Thị độc Học sĩ. [Trịnh Khắc Mạnh. 2006. Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam. Nxb.KHXH. Hà Nội. Tr.327] Như thế, Vũ Phạm Khải là người soạn và người viết chữ cho đôi câu đối này.

([35]) Lạc khoản: Bảo Đại Đinh Mão xuân niên. Trường Yên Trung xã lão Nguyễn Đại Đồng giai nam cựu Chánh hương hội Nguyễn Phú Cường cúng tiến. Nghĩa là: mùa xuân năm Đinh Mão niên hiệu Bảo Đại, lão Nguyễn Đại Đồng tại xã Trường Yên Trung cùng con trai Nguyễn Phú Cường vốn là Chánh hương hội cúng tiến.

([36]) Xin xem: http://www.trangnhahoaihuong.com/

([37]) Phạm Thị Nghĩa Vân. 2006. Di văn Hán Nôm tại Hoa Lư..Thông báo Hán Nôm học 2005. Nxb. KHXH. H. Tr.666.

([38]) Nguyễn Thị Lâm (Khảo cứu, phiên âm , chú giải) . 2001. Thiên Nam ngữ lục. Nxb Văn học & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Hà Nội. Bản Nôm gốc天南語錄外紀ký hiệu AB.478 1/2 ( Viện Nghiên cứu Hán Nôm).

([39]) Về sử liệu, có 4 tấm bia tại đền thờ Đinh Tiên Hoàng: 1. Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế miếu công đức kí tịnh minh, khắc năm Hoằng Định thứ 9 (1608); 2. Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế miếu công đức tăng tu điện miếu bi kí, khắc năm Chính Hòa thứ 17 (1696); 3. Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế miếu công đức bi kí, khắc năm Thiệu Trị thứ 3 (1843); 4. Trùng tu tạo tác, không rõ niên đại. Chúng tôi đã khảo sát, cả 4 bia này đều không có dòng nào ghi lại quốc hiệu Đại Cồ Việt.

([40]) Nguyễn Trãi. XV. Dư địa chí. Trong Ức trai di tập, khắc in 1868. Phúc Khê tàng bản. Trang nguyên bản 4a. Theo Nguyễn Trãi toàn tập tân biên. Tập 2. Phần Dư địa chí (Phan Duy Tiếp dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính chú thích. Nxb Văn học & TT Nghiên cứu quốc học. Hà Nội. 2001. Tr. 456. Bản dịch của Phan Duy Tiếp được in lần đầu năm 1967, do Viện Sử học xuất bản, sau Nxb Khoa học Xã hội tái bản năm 1976. Ngoài ra, Dư địa chí còn được Á Nam Trần Tuấn Khải dịch, in trong Văn hóa tùng thư của Tổng bộ Văn hóa Xã hội- Nxb Sài Gòn. Ấy là chưa kể đến 5 bản Hán văn của sách này hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm lần lượt mang tên Ức Trai di tập – Nam Việt dư địa chí A.2815; Đại Việt dư địa chí A.1900; Nam quốc Vũ cống A.830; An Nam Vũ cống A.2251; Lê triều cống pháp A.53. Thú vị là ở chỗ, đây đều là 5 bản chép tay. Chép tay là loại văn bản độc bản (handmade) của một cá nhân nào đó. 5 bản chép tay sẽ có giá trị khác với 5 bản in từ một ván khắc, đây là mặt mạnh nhất của các thể loại văn bản này mà ít người để ý tới. 5 bản in từ một ván khắc sẽ được đồng nhất bằng 1 bản. nhưng 5 bản chép tay sẽ được coi là 5 bản.

([41]) Đại Việt sử ký toàn thư (khắc in năm Chính Hòa thứ 18-1698). Ngô Đức Thọ (dịch và chú thích) Nxb KHXH, Hà Nội, 1998. Tr.211. Nguyên bản: ĐVSKTT. Q1. Kỷ nhà Đinh. Tiên hoàng đế. Tr.2b.

([42]) Nguyễn Thị Lâm (phiên chú). sdd.

([43]) Quốc sử quán triều Tây Sơn. 1800 (khắc in). Đại Việt sử ký tiền biên. Dương Thị The (tổ chức dịch chú). Nxb.KHXH. Hà Nội. 1997. Tr. 153. Nguyên bản in kèm: ĐVSKTB. Bản kỉ, Q1. Tr.2a-2b.

([44]) Quốc sử quán triều Tây Sơn.1800 (khắc in)。大越史記捷錄總序。Kí hiệu A.1180. Tr.7b. Đại Việt sử ký tiệp lục tổng tự là bài Tổng luận được viết bằng hai thứ văn tự: Chữ Hán và chữ Nôm. Phần chữ Hán là "nguyên văn"; phần chữ Nôm là "dịch chú" của tác giả, đúng như câu "dịch chú Quốc âm để tiện xem chung" đã ghi ở cuối bài Tổng tự. Bản khắc in do Quốc sử quán của triều Tây Sơn, Tổng tài là Ngô Thì Nhậm. [Xem thêm Hoàng Văn Lâu. 2001. “Đại Việt sử ký tiệp lục Tổng tự” – Một bài tổng luận lịch sử đáng chú ý của Quốc sử quán triều Tây Sơn. Tc Hán Nôm số 01/2001.]

([45]) Phan Thanh Giản (tổng tài). 1881. Khâm định Việt sử thông giám cương mục - Chính biên-Quyển thứ I

[46] Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái . XIX. Đại Nam quốc sử diễn ca, Hoàng Xuân Hãn (phiên chú), trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (T2). Nxb Giáo Dục. Hà Nội. Tr.115.

([47]) Đặng Xuân Bảng (1828-1910). Việt sử cương mục tiết yếu. Hoàng Văn Lâu (dịch và chú giải). Nxb. KHXH. Hà Nội. 2000. Tr. 63. Nguyên bản Tr.40.

([48]) Nguyễn Văn Mại. XIX. Việt Nam phong sử. (chép tay). Tạ Quang Phát dịch. Nxb Lao động. Hà Nội. Tr.68.

([49]) Hồng Nhung và Hồng Thiết. Việt sử diễn nghĩa tứ tự ca. (Nguyễn Văn Sâm & Nguyễn Hữu Vinh phiên chú). www.trangnhahoaihuong.com

([50]) Hoàng Cao Khải. 1914 (khắc in). Việt sử yếu越史要. Tr.44a; Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch. UB Dịch thuật. Sài Gòn. 1971. Tr.135.

([51]) Theo Nguyễn Anh Huy.2009a. bdd. www.khoahoc.net . Chúng tôi tạm chưa bàn đến vấn đề văn bản học của cuốn này.

([52]) Chu Minh Khôi. 2008. Thạch kinh cổ nhất Việt Nam. http://vietbao.vn/Van-hoa/Thach-kinh-co-nhat-Viet-Nam/65052168/181/ . Đáng tiếc bài viết không hiểu thuật ngữ “kinh tràng” của Phật giáo, nên viết theo Đặng Công Nga là “Những cột kinh Phật thời Đinh – Lê ở Ninh Bình là những thạch kinh cổ nhất Việt Nam . Chúng có giá trị vô cùng to lớn đối với nghiên cứu lịch sử nước nhà, giúp làm sáng tỏ giai đoạn lịch sử quan trọng nửa cuối thế kỷ thứ X". Cái sai này bắt nguồn từ việc Gs Hà Văn Tấn dùng không thống nhất thuật ngữ, cùng 1 bài mà ông dùng cột kinh, cột đá, trụ đá, kinh tràng…, trong đó từ “cột kinh” được dùng chính thức trên nhan đề các bài nghiên cứu. Ông Đặng Công Nga không đọc kĩ bài của Hà Văn Tấn nên lại “thuật ngữ hóa” sang tiếng Hán thành “thạch kinh”. Hiện vật này thực tế không phải là “kinh” (sách) mà là TRÀNG (một loại pháp khí trì chú của Mật tông) trên có chép mấy lời kinh để tụng mà thôi. Cụ thể chúng tôi xin đề cập đến trong một dịp khác.

([53]) Hà Văn Tấn . 2002. Chữ trên đá, chữ trên đồng, minh văn và lịch sử. Nxb KHXH. Hà Nội. 212 Tr.

([54]) Kỳ Quảng Mưu祁廣謀。2000. "《大 瞿 越》 國名釋- 兼及吳真流《王郎歸》的語義分析”。《東南亞縱橫》。35-37 頁。

([55]) Kỳ Quảng Mưu.2000. bdd. Tr.37.

([56]) Nguyễn Khắc Kham. 1974. Chữ Nôm or the Former Vietnamese Script and Its Past Contributions to Vietnamese Literature, Area and Culture Studies 24, Tokyo University of Foreign Studies 1974. Ông viết: “Đến khi chữ Nôm được đặc biệt quan tâm [nghiên cứu], thì cách dùng quan phương của hai chữ Nôm Bố 布 và Cái 蓋 ở thế kỉ VIII cũng như chữ Cồ 瞿 ở thế kỉ X là những dấu hiệu chắc chắn chứng tỏ một số chữ Nôm đã được người Việt đề xuất muộn nhất là từ thế kỉ VIII đến thế kỉ X. Ngoài những chữ Nôm như Bố, Cái, Cồ, những chữ khác có thể đã được tạo ra trong cùng khoảng thời gian ấy bằng cách sử dụng mặt âm hoặc mặt nghĩa của chữ Hán.” [Nguyễn Tuấn Cường dịch. Tc Hán Nôm số 2, 2006. Gs NKK còn 2 bài viết nữa là “Ðại-Cồ Việt Revisited”, Vietnam Culture, Journal for the Advancement of the Arts and Humanities of Vietnam. New York, Vol.4, Number 4, Winter 1985, pp. 162-170; Đại Cồ-Việt Revisited (A revised Version )”, The Journal Insitute of Asian Studies, No. 10. March 1989, Sōka University, Tokyo, pp.17-47, Reprinted in Đại-Học. A Journal of Vietnamese Studies and Highter Learning, Mission Viejo, California, July 1991, pp. 125-153. Nhưng hiện nay chúng tôi chưa tìm được bài viết này của ông.

([57]) Nguyễn Khắc Kham. 1978. Word Corruption in Vietnamese under Chinese and French Rule. Lecture at the Center for Vietnamese Studies, Southern Illinois University, Carbondale, Illinois. September 25. [Dẫn theo Nguyễn Đình Hòa. 1990. Graphemic Borrowings from Chinese: the Case of Chữ Nôm- Vietnamese’s Demotic Script. The Bulletin of the Institute of History and Philology. Academia Sinica. Vol.LXI, Part II. Taipei, Taiwan,China. pg. 392].

([58]) Nguyễn Khắc Kham. 1978. Personal Communication. [Dẫn theo Nguyễn Đình Hòa. 1990. bdd. Tr. 392].

([59]) Theo Diễn đàn Viện Việt học, www.viethoc.org/forum . Hiện chúng tôi chưa tìm được chuyên luận này. Nhưng có lẽ đó là cuốn De Francis, John.1977. Colloialism and Language Policy in Vietnam. The Hague: Mouton. Hawail. 293 Tr.

([60]) Nguyễn Lang. 1979. Việt Nam Phật giáo sử luận. Nxb. Văn Học. Hà Nội.

([61]) Lâm Doãn林尹& Cao Minh高明 (chủ biên). 中文大辭典Trung văn đại từ điển. (Q.25/42). Trung Quốc văn hóa nghiên cứu sở ấn hành 中國文化研究所印行& Hoa Cương văn hóa thư cục 華岡文化書局. Tr. 10014-10015. Cũng xem thêm徐中舒主编:汉语大字典【1986 —1990年第一版】Tr.2520. Vương Lực (chủ biên). 2000. Cổ Hán ngữ tự điển. Trung Hoa thư cục. Tr.798-799.

([62]) “Lê Văn Siêu vào năm 1964 đã từng có một cách hiểu khác về quốc hiệu nhà Đinh nhưng ở phần chú giải, tác giả tỏ ra thiếu chính xác : Khang Hy tự điển không có chú âm nào là Cồ hay Cộ mà chỉ có CÙ, CỤ, CÂU, về nghĩa thì " Trừng thị" là trợn mắt trông thẳng chứ không phải là một chỗ trông thẳng” [theo www.viethoc.org/forum ]

([63]) Lê Văn Siêu. 2004 (tái bản). Việt Nam văn minh sử cương- Văn minh Đại Việt. Nxb Thanh Niên. Tr. 55. Ủng hộ thuyết này còn có Phạm Văn Bân trong bài Bất Túc Trưng Tập của Minh Di [theo www.viethoc.org/forum]

([64]) “Trong kinh Phật, khi thấy mấy chữ Cồ lão (ông Già Cồ) hoặc Cồ thị (họ Cồ) thì ta phải hiểu rằng đó là Đức Phật Thích Ca. Phải, CỒ LÀ HỌ CỦA ĐỨC THÍCH CA, mà hình thức đầy đủ là Cồ Đàm... CỒ VIỆT CHẲNG QUA LÀ NƯỚC VIỆT THEO ĐẠO PHẬT... chứ chẳng phải là “nước Việt to bự”... gì cả” [An Chi. 2007. Kiến Thức Ngày Nay số 599 ra ngày 1/4/2007, mục “Chuyện Đông chuyện Tây”, dẫn theo Nguyễn Anh Huy.2009b. bdd.]

([65]) Kim Cương Tử (chủ biên). 1992. Từ điển Phật học Hán Việt. Phân viện Nghiên cứu Phật học xuất bản. Hà Nội.

([66]) Trương Vĩnh Ký. 1875. Cours d' histoire annamite à l' usage des écoles de la Basse - Cochinchine. Saigon.

Trương Vĩnh Ký. 1876. Histoire Annamite. Saigon. Tr.67.

([67]) L'Abbé Adr. Launay. 1884. Histoire ancienne et moderne de l'Annam, Tong-king et Cochinchine . Paris

([68]) Alfred Schreiner. 1906. Abrégé de l'histoire d'Annam, Saigon. Tr.36.

([69]) Colonel E Diguet. 1908. Annam et Indo-Chine Francaise. Paris. Tr.12.

([70]) Nhân đây xin gửi lời cảm ơn đến bác Đinh Tuấn và Nguyễn Vinh Quang đã chia sẻ tư liệu của Trương Vĩnh Ký, L'Abbé Adr. Launay. Tiếc rằng quý vị không chua trang nguồn.

Pierre Rey. 1913. Bụt sử lược biên thiệt truyện- Thuật sự tích và lời huyền diệu của Bụt Gaudam( Cù Đàm Bụt). G. Ch Tran Chanh phụng dịch. Sai Gon. Tải bản pdf tại: http://www.trangnhahoaihuong.com

([71]) Gustave Dumoutier. 1894. "Etude historique et archéologique sur Hoa Lư. Première capitale de l' Annam indépendante". Paris. Tr. 18.

([72]) Phan Kế Bính. 1912. Nam hải dị nhân; 1922 tb lần 3 có bổ sung. Nam Hải dị nhân liệt truyện. Lê Văn Phúc hiệu chỉnh; 2004 tb. Nam Hải dị nhân. Nxb Thanh Niên. Hà Nội.

([73]) Trần Trọng Kim. 1919. Việt Nam sử lược. Bộ Giáo dục - Trung tâm Học liệu xuất bản. Tr.5.

([74]) Hội Khai trí Tiến đức. 1931. Việt Nam tự điển, HANOI Imprimerie Trung - Bac Tan - Van. Mặc Lâm xuất bản. Tr. 88. Hội gồm gồm các ông Phạm Quỳnh (chủ bút), Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, Đỗ Thận và Nguyễn Khắc Kham.

([75]) Vệ Thạch Đào Duy Anh. 1932. Từ điển Hán Việt. (Hãn Mạn Tử - Giao Tiều hiệu đính) TIENG DAN. HUE. (tb 2001) Nxb KHXH. H. Tr.110.

([76]) Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng. 1960. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Nxb Giáo dục. Hà Nội.

([77]) Khuyết danh. XIII. Việt sử lược . Trần Quốc Vượng dịch. Nxb Văn Sử Ðịa. Hà Nội. 1960.

([78]) Trần Quốc Vượng. 2000. sdd.

([79]) Vũ Văn Kính. 2002. Đại tự điển chữ Nôm. Nxb Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh & TT Nghiên cứu Quốc học. Tr.182.

[80] “Hàng nghìn năm các ông đồ vẫn dạy truyền miệng theo kí ức dân gian. Chữ có nhiều âm, khác nghĩa thì dùng dấu phết vai, để nhắc đọc đúng âm, hiểu đúng nghĩa, thạo rồi thì không cần. Khi có chữ quốc ngữ, những nhà làm từ điển Hán Việt cũng dựa vào cái vốn kí ức dân gian này mà soạn từ điển là chính. Vậy không nên coi các từ điển Hán Việt hiện có là khuôn mẫu tuyệt đối. Tôi học Hán cổ được các cụ vốn là những người đã học chữ Hán theo lối cũ truyền dạy, trong đó vài cụ đã lều chõng, có cụ đỗ tú tài khoa cuối. Vậy cái vốn Hán cổ của tôi chủ yếu là kí ức dân gian. Khi vào đời mới dùng đến các từ điển Hán Việt (Cũng chỉ khi nào cần phiên âm Hán Việt chữ mà mình chưa biết, còn nghĩa tra các từ điển Hán cổ của Trung Quốc đủ hơn). Cái kí ức dân gian này hiểu rõ hơn là nó phản ánh sự hình thành cách đọc Hán Việt xa xưa, sau đó nó biến đổi theo quy luật của ngữ âm tiếng Việt và được dạy truyền miệng. Nói vậy để nói rằng cách đọc Hán Việt 瞿 bằng cù hay cồ, hay cả hai đều được cần có sự chứng minh chứ không thể đơn giản dựa vào các từ điển Hán Việt hay phiên thiết của người Trung Quốc cổ mà suy luận”. [Theo lời của kt www.viethoc.org/forum ]

([81]) Huệ Thiên. 2004. Tìm hiểu về hai từ “Bụt” và “Phật”. Trong “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm”. Nxb Trẻ. Tr.195-200.

([82]) Ngoài ra Buddha còn được phiên âm sang tiếng Hán bằng rất nhiều cách như: Phật đà佛陀, Phù đồ 浮圖, Phật Đồ佛圖, Phù Đà浮陀, Phù Đầu浮頭, Bột Đà浡陀, Bộ Đa部多, Bộ Tha部他, Phục Đậu復豆, Bộ Đà部陀, Vật Tha物他, Bổ Đà補陀...

([83]) Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 1998. Từ điển Phật học Hán Việt. Nxb. KHXH. Tr.1256.

([84]) Giáo hội Phật giáo Việt Nam.1998. sdd. Tr.1256.

([85]) 2008. Phật quang đại từ điển (T2). Thích Quảng Độ dịch. Hội Văn hóa Giáo dục. Kinh Sơn, Đài Bắc xuất bản. Tr. 1584.

([86]) Văn Uyên Các. Tứ Khố toàn thư. Thượng Hải Nhân dân Xuất bản xã.

([87]) “Trong kinh Phật, khi thấy mấy chữ Cồ lão (ông Già Cồ) hoặc Cồ thị (họ Cồ) thì ta phải hiểu rằng đó là Đức Phật Thích Ca. Phải, CỒ LÀ HỌ CỦA ĐỨC THÍCH CA, mà hình thức đầy đủ là Cồ Đàm... CỒ VIỆT CHẲNG QUA LÀ NƯỚC VIỆT THEO ĐẠO PHẬT... chứ chẳng phải là “nước Việt to bự”... gì cả…”! [An Chi. 2007. Kiến Thức Ngày Nay số 599 ra ngày 1/4/2007, mục “Chuyện Đông chuyện Tây”, dẫn theo Nguyễn Anh Huy.2009b. bdd.]

([88]) Đào Duy Anh. 1975. Chữ Nôm - Nguồn gốc - Cấu Tạo - Diễn biến. Nxb. KHXH. H. Tr.171; Tr.192.

([89]) Trần Hữu Thung & Thái Kim Đỉnh. 1998. Từ điển tiếng Nghệ. Nxb Nghệ An. Tr. 47.

([90]) Nguyễn Quang Hồng (chủ biên). 2006. Tự điển chữ Nôm. Nxb Giáo dục. Hà Nội.

([91]) Vương Lộc. 2001. Từ điển từ cổ. Nxb Đà Nẵng & TT Từ điển học.

([92]) G.Hue.1937. Tự điển Việt- Hoa- Pháp (Dictionnaire Vietnamien- Chinois- Français), Librarie Khai Trí, 62 Lê- Lợi, Saigon.1971 (in scan theo ấn bản Imprimerie Trung Hòa.1937); Tr.101.

([93]) G.Hue. 1937. sdd. Tr.4.

([94]) Hội Khai Trí Tiến Đức. 1931. Việt Nam tự điển. Mặc Lâm xbx. Hà Nội. Tr. 88.

([95]) Trương Đình Tín & Lê Quý Ngưu. 2007. Đại tự điển chữ Nôm. Nxb Thuận Hóa. (T1). Nhưng các tác giả lại coi CỒ trong ĐẠI CỒ VIỆT là “to” [Tr.251]. Nhân đây cũng nên cải chính lại, mà nhập vào làm một mục từ.

([96]) Hoàng Xuân Hãn.1978. Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần-Lê: Phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. KHXH (Paris) 5-7 (1978-1980). tb 1998. Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần - Lê, trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Nxb Giáo dục. T3. Tr.1121.

([97]) Lê Mạnh Thát. 2000. Trần Nhân Tông toàn tập. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

([98]) Việt Chương. 1995. Từ điển thành ngữ tục ngữ ca dao Việt Nam . Nxb Đồng Nai. [Chuyển dẫn theo Nguyễn Xuân Kính (chủ biên). 2002. Kho tàng tục ngữ ca dao người Việt. Nxb Văn hóa Thông tin. Hà Nội. (T1). Tr.1644.]

([99]) Lịch sử chuyển dịch kinh sách phật giáo cho phép nói, cho đến thời Đinh, Lê, cái tên Thích-ca không hoàn toàn mang tính ... "thống trị" như về sau. Kinh hệ Agama lúc đó vẫn chưa bị xem như "chỉ có giá trị tham khảo" so với kinh Đại thừa, và trong kinh hệ Agama này chỉ có mỗi cái tên Gotama (Cồ/Cù-đàm) là cái tên thông dụng của Phật. Trong kinh hệ này cũng có nói đến những chuyện như mang tên Gotama đặt cho những con đường, cây cầu mà Phật có đi qua. Thế thì không có gì lạ nếu có kẻ đặt quốc hiệu Cù/Cồ cho một nước Việt đón nhận giáo pháp của Gotama Phật Lịch sử. [www.viethoc.org/forum]

([100]) Cụ thể xin xem http://baike.baidu.com/view/1037335.htm

([101]) Cụ thể xin xem http://bdkw.66dt.com/user1/wlbdkw/archives/2007/20071211102637.html

([102]) Xem Nguyễn Quang Hồng (chủ biên). 1997.Di văn chùa Dâu (Cổ Châu lục- Cổ Châu hạnh- Cổ Châu nghi ). Nxb Khoa học Xã hội.Hà Nội.190 tr & 115 trang phụ lục nguyên bản ván in tk XVIII tại chùa Dâu.

([103]) ĐVSKTT. bdd.

([104]) Nay ở Điền Xá, Gia Viễn, Ninh Bình. ĐVSKTT. bdd.

([105]) ĐVSKTT. bdd.

([106]) Xin xem thêm Lê Mạnh Thát. 2002. Lịch sử Phật giáo Việt Nam (T.2). Nxb. TP HCM. Tr.412.

Nguyễn Tài Thư (chủ biên).1988. Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nxb KHXH. H.

([107]) Nguyễn Danh Phiệt. 1990. Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước. Nxb. KHXH. H. 222 Tr.

([108])Vũ Quỳnh. 1492. 嶺南摘怪Lĩnh nam trích quái . Truyện Đinh Bộ Lĩnh. Kí hiệu là A.1752. Xem bản dịch tại http://lichsuvietnam.info/index.php?option=com_content&task=view&id=138&Itemid=22 .

([109]) Theo www.viethoc.org/forum . Nhân đây cũng xin cảm ơn các quý vị trong diễn đàn đã có những gợi ý và chỉ dẫn tư liệu cho bạn đọc, những ý kiến của từng quý vị trong suốt 2 năm qua, chúng tôi tạm không nêu cụ thể vì quá nhiều, mong quý vị thông cảm.

([110]) An Chi. 2007. Kiến Thức Ngày Nay số 599 ra ngày 1/4/2007, mục “Chuyện Đông chuyện Tây”, dẫn theo Nguyễn Anh Huy.2009b. bdd.

([111]) GS Hà Văn Tấn (chủ biên). 2002. Khảo cổ học VN , tập 3 - Khảo cổ học lịch sử Việt Nam . Nxb KHXH. Hn . Tr. 54, Tr.57. Các tác giả phát hiện 4 viên gạch có chữ "Đại việt quốc quân thành chuyên" đào được ở Hoa Lư. Các tác giả dựa vào vật liệu và phương pháp xây dựng đoán định rằng gạch này thuộc về thời Đinh - Lê. Ts Nguyễn Thị Hậu dựa trên các cứ liệu này đưa ra giả thuyết rằng, ĐẠI CỒ VIỆT thực chất chỉ là quốc hiệu ĐẠI VIỆT (vốn bị ngoa truyền) đã được chính thức hóa qua các bộ sử đời sau. Tuy nhiên, việc xác định niên đại các viên gạch này cần phải bàn lại. Liệu đó có phải là gạch của đời Lý qua một đợt xây lại nào đó mà sử sách không nhắc đến?

3 nhận xét:

  1. Bài khảo cứu thật là công phu. Xin tác giả cho phép đăng lại ở blog tunguyenhoc.blogspot.com. Trân trọng cảm ơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bác cho em email, em gửi chính văn, chứ ở blog không có footnote, bác gửi về trantrongduonghn@gmail.com

      Xóa
    2. Cảm ơn bác rất nhiều. Tôi sẽ liên lạc qua e-mail ngay.

      Xóa