KHẢO SÁT HỆ THỐNG TỪ CỔ TRONG BẢN GIẢI NGHĨA
THIỀN TÔNG KHOÁ HƯ NGỮ LỤC CỦA TUỆ TĨNH
Trần Trọng Dương
Đối tượng khảo sát của bài viết là hệ thống từ cổ1 trong bản giải nghĩa Thiền tông khoá hư ngữ lục của Tuệ Tĩnh kí hiệu AB.268, lưu trữ tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bài tựa đầu sách do Huệ Duyên soạn năm Đức Long thứ 3 (1631). Hệ thống từ cổ trong văn bản được coi là một bàng chứng cho việc xác định niên đại dịch phẩm. Như thống kê, nguyên tác Hán văn có khoảng 9.100 lượt chữ; phần giải nghĩa bằng chữ Nôm có 12.244 lượt chữ với 2.169 đơn vị thống kê. Theo nguồn gốc ngôn ngữ, từ cổ được phân làm ba loại: 1.Các từ cổ thuần Việt; 2. Các từ ngữ Hán văn được sử dụng như là một yếu tố của tiếng Việt trong bản giải nghĩa; 3.Các từ ngữ văn Nôm phiên chuyển từ các từ ngữ hay thuật ngữ Hán văn. Loại 1 có nguồn gốc thuần Việt. Loại 2 có nguồn gốc Hán. Loại 3 có nguồn gốc đan xen Hán- Việt. Toàn bộ văn bản có 451 từ cổ, xuất hiện 2.475 lần.
Từ ba loại lớn trên, các đơn vị thống kê lại được tiếp tục phân loại ở những cấp độ nhỏ hơn. Mỗi một tiểu loại chúng tôi không trình bày toàn bộ các đơn vị mà chỉ cố gắng đưa ra một số ví dụ vừa đủ để chứng minh. Các ví dụ sẽ được in nghiêng sau dấu gạch chéo với nguồn dẫn rõ ràng. Nguồn dẫn đánh theo số trang nguyên bản và số cột. Ví dụ: 23a6, nghĩa là trang 23a cột thứ 6. Những câu văn khó hiểu, chúng tôi dịch nghĩa sang tiếng Việt hiện đại, đặt trong dấu ngoặc đơn, (…). Với những trường hợp đối dịch, chúng tôi dùng dấu < đặt trước chữ được dịch. Có thể có chú thêm chức vụ ngữ pháp và nghĩa hiện đại cho mỗi đơn vị dùng để dịch và đơn vị được dịch, đặt trong dấu ngoặc đơn.Ví dụ: chưng < chi (trợ từ kết cấu, của)/ Mệnh người bằng chưng cái bọt ở trên mặt nước.10a6 (mệnh người cũng như bọt trên mặt nước). Các ngữ liệu cho mỗi đơn vị được cách bởi dấu gạch chéo, /. Ví dụ: chưng < chi/ mệnh người bằng chưng cái bọt ở trên mặt nước.10a6/ lỗi thửa chưng nguồn điều sướng.10a4. Mỗi một đơn vị được cách bởi dấu chấm phẩy. Ví dụ: chưng…; bui….
I. Từ Việt cổ.
Theo ba mặt nghĩa, âm và khả năng kết hợp, từ Việt cổ có thể chia làm 3 loại sau:
Nghĩa Âm Khả năng kết hợp
1 Mất nghĩa Mất âm Mất
2 Nghĩa cũ đã mờ, mất; hoặc chuyển sang nghĩa mới, sắc thái mới. Có thể còn âm Khả năng kết hợp khác với hiện nay
3 Còn nguyên nghĩa trong tiếng Việt hiện đại Tồn tại dưới dạng âm cổ (chữ Nôm ghi âm) Khả năng kết hợp không đổi trong suốt lịch sử
Loại 1 bao gồm cả thực từ và hư từ. Đó đều là những từ đã hoàn toàn biến mất hay đã bị từ khác thay thế. Loại 2 chủ yếu là loại từ và hư từ. Loại 3 chủ yếu là thực từ. Trong văn bản, có 191 đơn vị từ Việt cổ (/451 từ, chiếm 42.15% tổng số đơn vị), xuất hiện 1.244 lần (/2.475 lần chiếm 49,43%). Cụ thể như sau:
I.1. Loại mất cả âm lẫn nghĩa
Loại này gồm 80 đơn vị, xuất hiện với tần số 328 lần.
I.1.1.Từ Việt cổ có âm đọc xa lạ so với tiếng Việt hiện đại. Đây là những từ đã bị các từ đồng nghĩa thay thế.
Ví dụ: bộng 厠 (thân cây rỗng, cái thùng)/ soi bửa tan chúng nhân bộng sơn.37b6 (soi vỡ thùng sơn của chúng sinh); cạy cạy 忌 忌 (lo lắng không nguôi)/ chỉn tua lịm lịm trồng hột tốt, mựa chớ cạy cạy tìm quả dữ.31a3 (thực nên mau mau trồng mống thiện, chứ đừng có khăn khắn tìm quả dữ); ghẽ 技 (chia, phân biệt)/ đừng ghẽ rằng tại gia hay xuất gia.25b2, loàn đan 亂 單 (làm điều sai trái)/ dài vắn đều bởi trờí mựa loàn đan tìm tòi.9b3 (thọ yểu bởi trời chớ có nhầm tìm), nhôi 奛 (lòng)/ bặt bặt con chim cò đỗ nơi bãi phẳng, đứt nhôi tiếng ve kêu trong khóm liễu.46b3 (mờ mịt cánh cò đậu nơi bãi phẳng, đứt lòng tiếng ve kêu trong khóm liễu), thơ thới 且 台 (mở rộng, thong thả)/ Núi xanh đang diềm dà, mai sơ mưa móc luống thơ thới, thảy hoá ra rụng rời.11a2 (núi xanh đang tươi tốt bỗng mưa móc rơi xuống muôn loài đều rơi rụng), …
I.1.2.Những từ Việt cổ có thể vẫn được sử dụng, nhưng chỉ giới hạn trong một lĩnh vực hẹp (như văn chương). Các từ này được ghi trong từ điển hiện đại [11], nhưng được chú là “cũ, văn chương”. Như các từ: há, lọ, luông, đoái, phương chi, ví bằng, ví dầu…
I.1.3.Từ Việt cổ ngẫu nhiên đồng âm với một từ Việt hiện nay. Các từ đó không có mối quan hệ ngữ âm và ngữ nghĩa nào với nhau. Như: phô 哺 (từ chỉ số nhiều)/ những phô tội nghiệp dường ấy chẳng lường được, chẳng biết là biên nào.32b3 (những tội nghiệp ấy vô lường vô biên); ghê 稽 (nhiều)/ bệnh tật trầm trệ ghê tháng mà chửa thấy hèn; hèn (khỏi); khôn (khó có thể); mùi 味 (màu), thức (式 màu)/ thức trắng lại thì thức xanh bèn đi, mùi tía đã phải thì thức mùi vàng bèn lỗi.32a1…
I.2. Loại mờ hoặc biến nghĩa, còn âm hoặc một phần âm, và đã thay đổi khả năng kết hợp. (Loại 2)
Loại này có 69 đơn vị, xuất hiện với tần số 789 lần.
I.2.1.Những từ Việt cổ đơn tiết, xưa dùng độc lập, nay tồn tại như yếu tố mờ nghĩa trong các từ song tiết.
Như chường 章 (ghét, chán)/là dầy dẫy đen ra chẳng khá xem, chường ngắt xanh lên thực khá ghét.15b2; dấu 酉 (yêu dấu)/ sự dấu ghét hằng dấy.31b5; cưu 鳩 (mang, mong, muốn)/mựa cưu gối cao mà đánh giấc nằm dài.55b3/ mười một xin rộng cưu lòng chư Phật dạy bảo.75b1; xấu 丑 (xấu hổ)/ mình chẳng hay nghĩ xấu thửa trong ấy.14a4 (bản thân mình chẳng tự xấu hổ ở trong ấy); làu 咾 (hiểu, thuộc làu)/ làu được máy quỷ thần dẫu có nói khôn chưng thấy ai.26a4.; rệt 烈 (rõ rệt)/ bằng hay vội đấy hợp nà được trong cả ấy mà rệt ra. 71a3 (nếu như có thể mau mau thực hiện thì sẽ được hiển hiện rõ ở đấy), xơ 車 (xơ xác)/ hoa đã tàn liễu đã xơ, trong vườn bên ao há hay cầm đỗ.9a6…
Loại này chủ yếu thuộc về động từ hay tính từ.
I.2.2.Những từ hiện còn âm và nghĩa trong tiếng Việt hiện đại nhưng có sự biến động về các nét nghĩa và khả năng kết hợp. Chủ yếu là các từ đơn tiết.
Như ban/ Một vừng nguyệt bạc phó chưng ban trống canh ba.62a4; chốn/ trở mình bước ra cho khỏi chưng lỗ chốn sinh tử.17a2; chước / thuốc linh đan ấy là chước nói dối trường sinh.11a6; đường/ lấy sự dối làm sự thực, bỏ đường không mà đến đường sắc.13b6; giống/ chỉn thực đường rượu sắc tốt của nhiều ba giống ấy những đi.14b3; nẻo/ Nghĩ vậy sinh ra những nẻo trời đúc ra hình vóc.29a2; sự/ tranh sự lạ lùng đua của châu báu.7b6; áng/tài năng rấp hơn trong đời, áng chiêm bao cả chẳng bằng vậy.21b3…
Nhóm này chủ yếu là loại từ. Một điều dễ nhận thấy là các loại từ này có khả năng hoạt động khá rộng, có thể dùng thay thế cho nhau trong một số trường hợp, đôi chỗ chúng lại được sử dụng liền nhau. Ví dụ: nơi chốn/ chơi nơi chốn bát khổ mà bèn được tám sự tự tại.17b3; đứa thằng/ đứa thằng chài trong thuở say bỏ thuyền trôi ngang.12b3
I.2.3.Những thực từ hiện vẫn còn âm đọc nhưng có sự thay đổi về sắc thái, nét nghĩa. Khả năng kết hợp không có gì biến động.
Như cưu mang 鳩 墢 (mang thai)/ chẳng luận so đấng trí cùng với đấng ngu, thảy thảy đều cùng vào chưng trong lòng cưu mang.7a5; phím 禀 (cái sáo)/ lời bỉnh tày thuốc độc, nói ngọt bằng phím thổi sênh đánh.57b4; tốt 卒 (đẹp đẽ)/mắt tối mọi sắc tốt.8b2; rắn rỏi 氜 磊 (cường tráng, khoẻ mạnh)/ chí đàn ông khoe chưng mình rắn rỏi hay ném quả cầu.7b3…
I.3.Những từ còn nguyên nghĩa trong tiếng Việt hiện nay, nhưng trong văn bản giải nghĩa, chúng được ghi dưới dạng âm cổ. (Loại 3)
Loại này, khả năng kết hợp không có gì khác so với hiện nay, chủ yếu là thực từ. Có 41 đơn vị, xuất hiện với tần số 119 lần.
I.3.1.Những từ có tiền âm tiết được ghi bằng một hoặc hai khối vuông Nôm
Gồm 9 đơn vị xuất hiện với tần số 53 lần
Những từ tiền âm tiết được ghi bằng hai khối vuông Nôm. Như: bà cắt 婆 割 (chim cắt)/ bỏ lưới cùng là vây vóc đánh rấp giong bà cắt mà giục chó.64b2; la đá 卥 廏 (đá)/ hoặc là nâng chưng dưới hòn la đá cùng nơi chốn dưới núi Ốc Tiêu.22b4/ phải bàn la đá giập xuống thì một hồi phân ra làm hai đoạn.22b5.
Loại này chủ yếu là danh từ.
Những từ có tiền âm tiết được ghi bằng một khối vuông Nôm. Như: so 暦 (Kro)/ chẳng luận đấng trí cũng với đấng ngu.7a4; sang 禥 (Krang)/giàu sang lừng lẫy hơn người ta cũng khôn khỏi hai chữ vô thường vậy.21b4
I.3.2.Những từ có phụ âm đầu hoặc vần được ghi ở dạng cổ.
Như: tói 堆 (trói)/ bia ghi thấy mịt, tói xiềng rêu xanh.16a5 (bia khắc nửa mờ, khoá rêu xanh); át 渴 (ướt)/ mắng Bụt bèn vời lấy tội dối, thổ trời mà phải át mặt.73b1; diềm dà 霪 耶 (rườm rà)/ mới sạch trong muôn vật chưng uất mậu diềm dà.8a1; đam 耽 (đem)/ đam lòng về tới đạo dưỡng chân tính.11b1; dả 凁 (nhả)/ bốn xin dả tan thửa sự hữu lậu trần duyên.51a4;
I.3.3.Những từ song tiết mà âm tiết sau được ghi dưới dạng âm cổ, đến nay đã thay đổi, rụng mất hoặc bị thay thế.
Như: đóm nháng 耽 (đom đóm)/ đóm nháng soi ra thấy chòm cỏ xanh.16a4/ trong nội rộng mà cái đóm nháng sáng rỡ và lần.46b4; đến nhẫn 旦 忍 (đến)/ đến nhẫn muôn dặm đều đẹp mặt, chốn chốn đều oanh kêu líu lo, bướm bay phấp phới.8a3; trầm trệ 沉 滯 (trầm trọng)/ bệnh trầm trệ ghê tháng mà chửa thấy hèn.10b4/ một chốc sớm mai tật nhiễm bèn nên chứng trầm trệ.14b6; nói lếu 吶 乤 (nói đùa)/ nói lếu huỷ báng nơi phòng thầy, dức lác trong thửa điện Bụt ngự.57b6; rời rạc移 酢 (rơi rụng, tàn tạ)/xơ xác bằng chưng cây liễu thuở đến mùa thu, rời rạc khác nào cây hoa thuở cuối mùa xuân.9a3
II. Các từ ngữ Hán văn được sử dụng như là một yếu tố của tiếng Việt
Hiện tượng các từ ngữ Hán văn2 tham gia vào các văn bản Nôm là hiện tượng hay gặp trong các văn bản cổ, nhất là trong các văn bản song ngữ giải âm, giải nghĩa. Cần phân biệt loại này với từ Hán Việt đã đi vào vốn từ vựng tiếng Việt. Từ Hán Việt tham gia vào văn bản với tư cách là một thành tố nội tại của tiếng Việt. Từ ngữ Hán văn lại tham gia với tư cách như là một thành tố ngoại lai. Nó mang tính lâm thời trong từng văn cảnh, văn bản cụ thể. Nhiều khi nó còn chịu ảnh hưởng của phong cách tác giả hay thể loại tác phẩm. Vì là một thành tố ngoại tại và mang tính lâm thời, từ ngữ Hán văn luôn gây ra những trở ngại và khó khăn cho người giải mã và người đọc ngày nay. Chúng hiện là yếu tố mờ nghĩa trong văn bản.
Các từ ngữ Hán văn tham gia vào văn bản Thiền tông khoá hư ngữ lục có thể phân làm hai loại lớn như sau: 1. Từ ngữ Hán văn đơn tiết; 2. Từ ngữ Hán văn song tiết. Gồm 57 đơn vị (/451, chiếm 12,66%) với tần số 91 (/2.475 lần, chiếm 3,67%)
II.1.Từ ngữ Hán văn đơn tiết.
Các từ ngữ Hán văn đơn tiết hầu hết là thực từ. Nhóm từ này là loại gây khó khăn đáng kể nhất cho công việc phiên chú. Khi phiên chú, các từ Hán đơn tiết này hay bị coi là các chữ Nôm giả tá. Cũng có khi, người phiên chú coi chúng như là loại chữ Nôm đọc theo nghĩa. Trong các văn bản giải âm, hay giải nghĩa, các chữ này ít bị nhầm lẫn hơn bởi có bản nguyên văn chữ Hán để đối chiếu.
Xét theo tiêu chí đối dịch- không đối dịch, các từ gốc Hán đơn tiết trong bản Thiền tông khoá hư ngữ lục có thể chia làm ba nhóm:
II.1.1.Các từ ngữ Hán trong văn bản Nôm chuyển dịch từ nguyên bản chữ Hán
Như: chẩm 枕 (cái gối)/ bên chẩm chưng hồn bướm hãy còn say giấc.68a4; châu 洲 (bãi)/ chẳng phải núi Bồng Đảo trong châu mà sinh ra.35a6; đối 對 (đối diện)/ nay đối trước Bụt bao nhiêu những sự chẳng phải đều rửa ráy cho hết.32b6; sơ 初 (mới)/ trong lò ngọc sơ đốt thửa hương lòng tin.53b3
II.1.2.Các từ ngữ Hán dùng để đối dịch một từ Hán đồng nghĩa trong nguyên văn.
Như: cấu 構 < tích積 (tích chứa), dục育 (nuôi)/ cấu được nghiệp dữ sâu bằng giếng.14b5/ ấy hương ấy vậy cấu khí tốt ra tại trước trời.35a6; cứ 據 < bằng 憑 (dựa vào)/ cứ thửa Thắng nhân thành nên đạo chính giác.33b5/ 74b6; dịch 易 < cải 改/ mình mặt dần dần dịch khác.8b5; hao 耗 < suy 衰 (suy giảm)/ khí huyết ngày ngày đã hao.8b5; thổ 吐 < phúng 諷 hay thoá 唾 (nhổ, chửi)/ thổ chửi dưới sông cùng trong nước.57b5
II.1.3.Các từ gốc Hán không đối dịch so với nguyên bản chữ Hán.
Như: dụ 喻 (ví với)/ người ta chưng khi già thì năm dụ làm thuở mùa hè.9a4 (nv. Nhân chi lão tương tuế nãi hạ thì)/ người ta đến chưng ốm đến thì năm dụ làm thuở mùa thu.10b5;
Loại này có 27 chữ, xuất hiện 53 lần trong văn bản.
II.2.Các từ ngữ Hán văn song tiết.
Theo tiêu chí đối dịch- không đối dịch, các từ ngữ Hán văn song tiết tham gia trong văn bản Thiền tông khoá hư ngữ lục có thể phân làm hai loại:
II.2.1. Các từ ngữ Hán văn song tiết đối dịch.
Các từ này xuất hiện cả ở trong nguyên văn và phần dịch nghĩa. Người dịch để nguyên, không dùng khái niệm tương đương trong tiếng Việt để dịch. Có khi các từ này là thuật ngữ Phật giáo hay những danh từ chuyên môn khó có thể dịch được.
Như: điều sướng 調 暢 (khiến tinh thần hài hoà, tình cảm vui sướng)/ mất thửa chưng bản tính chân thường, lỗi thửa chưng nguồn điều sướng.10a4; vọng ngôn 妄 言 (lời trái)/ ghi nên làm những lời vọng ngôn, thêu dệt bèn nên chưng lời ỷ ngữ.54a4; trung quốc中 國 (kinh thành)/ nay đã làm người sinh ở trung quốc.19b3; pháp cổ 法 鼓 (trống pháp)/ tiếng trống pháp cổ đánh ngã trong thế gian chiêm bao.72b4 …
II.2.2. Dùng từ ngữ Hán song tiết để dịch một từ Hán đồng nghĩa.
Loại này chỉ có một đơn vị, xuất hiện 3 lần trong văn bản. Tác giả dùng chữ mỗ giáp để dịch chữ ngã (ta).
Như: mỗ giáp某 甲 < ngã (ta, tôi)/ mỗ giáp nay theo thửa phép phật mà sinh lòng mừng rỡ.33a5/ mỗ giáp nay theo đòi thửa phép phật mà mừng rỡ.39b5/ mỗ giáp đứng theo phép bụt sinh ra lòng vui mừng.71a6.
II.2.3. Các từ ngữ Hán văn song tiết không đối dịch.
Các từ này không xuất hiện trong nguyên văn mà chỉ xuất hiện trong phần giải nghĩa. Tác giả đã dùng những từ Hán này để diễn đạt ý tưởng của mình. Điều này cũng dễ hiểu đối với những người tư duy bằng hai ngôn ngữ. Sự thâm nhập của vốn từ tiếng Hán vào trong câu văn Nôm là điều không thể tránh khỏi trong quá trình phiên dịch. Trong bản Thiền tông khoá hư ngữ lục, có có 10 đơn vị với 10 lần xuất hiện.
Như huỷ báng 毀 謗 (báng bổ)/ nói lếu huỷ báng nơi phòng thầy.54b6; khang kiện 康 健 (khoẻ mạnh)/ còn muốn kì đảo thân mình khang kiện.15a2; úc úc 郁 郁 (phưng phức)/ chẳng chuộng thửa hương thực trong mình năm phần hương úc úc trong sạch.45a2; dung chất 容 質 (hình dáng và nhân cách)/ mình vóc mặt mũi theo vọng niệm mà sinh ra, tướng hình dung chất mượn trong ảo hoá vánh hiện ra.13a6;…
III. Các từ ngữ văn Nôm phiên chuyển từ các từ ngữ hay thuật ngữ Hán.
Dịch đối âm tiết là hiện tượng phổ biến trong lịch sử dịch thuật kinh điển, cả kinh điển Phật giáo lẫn kinh điển Nho giáo. Dịch đối âm tiết chính là chìa khoá để người hiện đại thực hiện việc phiên chuyển và chú giải các văn bản cổ sang ngôn ngữ hiện tại. Cũng đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Có bài viết cũng đã tiến hành thống kê, lượng hoá hiện tượng đối dịch từ song tiết tiếng Hán3. [xem 2] Tuy nhiên, các từ này nhiều khi bị bỏ qua hay bị xếp nhầm vào loại từ Việt cổ. Nhóm III gồm có 202 đơn vị (/451 đv, chiếm 45,29%) với tần số xuất hiện là 1132 lần (/2.475 lần, chiếm 46, 73%)
III.1.Các từ Nôm đơn tiết phiên chuyển cho các từ Hán đơn tiết.
Điều thú vị là hầu hết các đơn vị thống kê trong loại này là hư từ. Cụ thể là: trong 41 đơn vị, có 10 đơn vị là thực từ, xuất hiện 68 lần; 31 đơn vị là hư từ xuất hiện 748 lần.
III.1.1. Các thực từ đơn âm đối dịch.
Như: dẫy 仾 < trừ 除 / hợp sinh lòng tin thực dùng, dẫy chưng lòng nhiều ngờ.37b6; đỗ 杜 < trú 駐/ phới phới đỗ chơi nơi mối tơ mà lựng lựng điềm lạ.69b4; dối 肁 < huyễn 幻/ quên mất chân như quên mất bản tính, hiện làm sự dối hiện làm sự không.13b1; lấn 吝 < xâm侵 và lăng 凌 / ốm lấn tứ đại.53a4/ khoe khoang rằng mình giàu có, lấn những kẻ khó khăn.57b3; lành 令 < thiện 善, từ 慈 , tường 祥 , khánh 慶/ nổi thuyền lành ở chưng bến khó.30a2/ mười xin phúc lành cùng ruổi nổi tiếng.44a1; thương傷 < bi 悲 , ai哀 (buồn)/ trên đầu thành mà giốc vẽ trỗi khúc thương; trải 惐 < kinh 經 , lịch曆/ gối giường nằm lâu, trải tuần mà chửa thấy đỡ.10b4.
Các từ thuần Việt được dùng để dịch một hay nhiều từ Hán đồng nghĩa. Từ thuần Việt có nghĩa tương đương nhưng có khi sắc thái ngữ nghĩa không thật trùng khít, khả năng kết hợp trong văn cảnh cũng lệch chuẩn vì vậy cũng có thể coi loại này nằm trong nhóm từ cổ.
III.1.2.Các hư từ đơn âm đối dịch.
Nhóm này khá phức tạp. Một từ thuần Việt dùng để dịch một hư từ Hán có nhiều chức năng, ý nghĩa khác nhau. Cũng có khi, một từ thuần Việt được dùng để dịch nhiều hư từ Hán khác nhau. Điều đáng ghi nhận là một số hư từ đã được sử dụng một cách phổ biến ngay cả khi câu nguyên văn chữ Hán không có hư từ tương ứng. Chính vì vậy, nhiều khi, chúng được coi như là những từ thuộc nhóm từ Việt cổ.Trong bài viết này, chúng tôi không bàn cụ thể từng đơn vị một mà chỉ đưa ra một số hiện tượng làm ví dụ.
Như: ấy < thị是 (đó), giả者 (hư từ) nhĩ 耳(hư từ ngữ khí, vậy)/ nghiệp tà dâm ấy lòng đam chưng sự thanh sắc.65a3; bèn < nãi 乃(bèn) triếp 輒(bèn), tiện 便(bèn), khước 却(lại) cơ 幾 (mấy)/ rừng mau cây rậm xanh một trận gió may thổi đến mới căm bèn nên xơ xác.11a1; chỉn < chỉ 只, thù 殊/ chỉn dại lòng vọng niệm mà quên mất chốn chân như.8a6; chịu < thụ 受 / chịu cho rồi thửa tội nghiệp lại vào chốn đường quanh quất là lục đạo.23a1; chưng < chi 之(hư từ kết cấu, của) khước 却(lại)/ sinh ra còn sống phải chưng nghiệp mổ cắt.23a4; hầu < tương 將(sắp) dục 欲(muốn), sơ 初(mới), phương 方(mới), tạm暫(dần), tắc 則(thì)/ mặt trời đã hầu gác về chưng núi đoài.9a3/ bóng nắng dẩy cây tang đã hầu về muộn.9b4; hợp < ứng 應(nên) đáng 當(nên)/ hỡi ôi, thân mình thực chưng rất trọng mà còn tiếc hợp bỏ dường ấy.20b2/ hợp sinh lòng tín thực dùng, dẫy chưng lòng nhiều ngờ.40b5; xá < thả 且(vả lại), quản 管(ví như) tiên 先(trước hãy)/ xá nói bèn nay cổi làm cả chi.26b1; xảy < tài 纔(mới), tuỳ 隨(theo), thích 適(gặp, bị) trên mây biên má đỏ xảy ra làm tóc bạc da răn.8b6; …
III.2. Các từ Nôm song tiết phiên chuyển cho các từ Hán đơn tiết
Như: đã hầu < kí 既 , tương將 /xảy vậy bóng hoa phép lại đã hầu xế.41b1/ tây nghe: mây đỏ đã hầu suốt núi, mặt trời vừa khi gác non.46a6; chi vậy < tai 哉/ ví cũng người tham danh lợi, quên về thân mình nào có khác chi vậy.20a2; vậy ôi < hồ/ há chẳng làm quý vạy ôi!.19b4. Các từ một chốc < nhất一 (số đếm, một)/ một chốc sớm mai tật nhiễm bèn nên chứng trầm trệ.14b6 (một sớm mắc bệnh nên thêm trầm trọng); một hồi < nhất (trạng từ. không dịch)/ phải bàn la đá giập xuống thì một hồi phân ra làm hai đoạn.22b5 (bị hòn đá sập lên người liền đứt làm hai đoạn); một lúc < nhất (toàn bộ, tất cả)/ khí âm tinh rất thịnh, một lúc trời mưa giá luống lại càng bời bời.12b1 (khí âm đang nhiều, đầy trời mưa giá bời bời).
Như: cầm đỗ < lưu 留 / hoa đã tàn liễu đã xơ, trong vườn bên ao há hay cầm đỗ.9b1; chính lành < chính 正 (trong chính đạo)/ mất thảy thửa lòng chân như bản tính, chi nên chẳng biết thửa đường chính lành.41a4.
Trong số 8 đơn vị thống kê, chỉ có 2 đơn vị là thực từ với 2 lần xuất hiện; 6 đơn vị là hư từ với 23 lần xuất hiện.
III.3.Từ Nôm song tiết/ đa tiết dịch các từ Hán song tiết theo phép dịch đối âm tiết.
Để tiện trình bày các mô hình phiên âm, chúng tôi dùng hai chữ cái “A, B” để chỉ lần lượt các âm trong một từ Hán song tiết và các chữ “a, b” để chỉ các âm Nôm đối dịch. Từ Nôm không đối dịch là “x”.
III.3.1.Mô hình 1: ba < AB
Trong toàn bộ văn bản Thiền tông khoá hư ngữ lục, có 24 đơn vị từ ngữ song tiết Nôm với 30 lần xuất hiện. Thường là một từ Nôm dùng để dịch một từ Hán. Việc dịch đối âm tiết có một số trường hợp khó có thể hiểu được vì nó diễn đạt không thật chính xác về nét nghĩa, đôi khi không thể hiểu được. Muốn hiểu, người đọc phải so sánh với câu nguyên văn. Và tra nghĩa từ AB thông qua từ điển Hán văn [13].
Ví dụ như: cả chi < na cá 那 箇/ xá nói bèn nay cổi làm cả chi.26b1 (vả lại, đến nay, đạo đã biến thành điều đó); đất thực < tịnh địa净 地 / lau cột cùng là chùi thềm, nhơ chưng đất thực.48b6; làng nhà < gia hương 家 鄉 (quê hương)/ ngày ngày xa làng nhà đến muôn dặm đường.8b3; màn đãy < thác thược 橐 籥 (ống bễ lò rèn, cội nguồn)/ thảy thảy đều cùng về chưng trong chốn màn đãy.7a6; (ai ai cũng về chốn cội nguồn mình sinh ra); nhà lửa < hoả trạch 火 宅 (cõi tục nhiều phiền não)/ nhà lửa nấu nướng biết ngày nào cho rồi.21b5; thảy cả < đại để 大 抵 / thảy cả hễ có tâm thời có bệnh.11a5…
III.3.2. Mô hình 2: ab < AB
Mô hình này có 41 trường hợp với 98 lần xuất hiện. Chủ yếu là dịch thực từ.
Ví dụ như: chẳng làm < vô vi無 為/ làm người mà chẳng làm, ta chẳng hầu nào đấy.21a3 (làm người mà vô vi thì ta chẳng bao giờ như vậy cả); ghi lòng < chí tâm 志 心 (thành thực trong lòng)/ ghi lòng mà rửa ráy ăn năn.31b2 (thực lòng sám hối); tròn nên < viên thành 圓 成 (thành tựu viên mãn)/ há biết Bồ đề là giác tính cả cả đều tròn nên.25b1 (há biết đến giác tính của Bồ đề thì mọi thứ đều thành tựu viên mãn); xảy cóc < đốn ngộ頓 悟/ kìa tổ Huệ Năng cùng gặp khách nhân, tụng kinh nghe kinh mà xảy cóc.24a3;
III.3.3. Mô hình 3: aB < AB
Mô hình này có 7 đơn vị với 17 lần xuất hiện.
Như: trong quốc < trung quốc中 國 (kinh đô)/ thứ ba ấy thời đã được sinh vào chưng trong quốc.19a5; về mệnh < quy mệnh 歸 命 (nam mô)/ ghi lòng về mệnh mà lễ mười phương vô lượng tam bảo.33a1 (thành thực nam mô mà lễ mười phương tam bảo); bốn đại < tứ đại 四 大 (địa, thuỷ, hoả, phong- bốn thứ chi phối cái thân con người)/chỉn thực bốn đại ấy là thân dối.21a6; dứt trừ < tức trừ 息 除/ bảy xin dứt trừ các chướng lo bận thảy thảy.51a5…
III.3.4. Mô hình 4: Ab < AB
Mô hình này có 6 trường hợp với 6 lần xuất hiện.
Ví dụ như: đam mến < đam trứ 耽 着 (đắm đuối)/ đam mến chẳng bao giờ dừng, bằng như lợn vào nhà nhơ.45b5; nghiệp hột < nghiệp nhân 業 因 (các hành động thiện ác đã thực hiện xong thì trở thành nghiệp nhân)/ mình ấy là gốc khổ, vóc bèn là nghiệp hột.13a3; phương trên < thượng phương 上 方 (chùa trên núi cao)/ chỉn thực phương trên mới nhân mùi hương lạ ấy.68b3; thân dối/ huyễn thân 幻 身 / chỉn thực bốn đại ấy là thân dối.21a6…
III.3.5. Mô hình 5: aa < AA
Trong mô hình này, các âm tiết tiếng Việt được nhân đôi y như nguyên văn chữ Hán. Thường đó là các từ láy. Trong Thiền tông khoá hư ngữ lục có 30 đơn vị với 47 lần xuất hiện.
Như: đẵng đẵng 蕩 蕩 < siêu siêu 超 超 (xa xôi)/ đẵng đẵng sông Ngân Hán hằng ngang sao Sâm, Đẩu.62b1; cả cả 奇 奇 < cá cá 个 个 (tất cả)/ cả cả bèn siêng năng mà tu thân.31a3; lịm lịm 歛 歛 < thảo thảo 艸 艸 (mau mau)/ chỉn tua lịm lịm trồng hột tốt.31a2; khôn khôn 坤 坤 < nan nan 難 難 (khó khăn)/ tuy rằng nói đã như dường ấy chỉn thực khôn khôn vậy.17b4; ngất ngất 屹 屹 < thảm thảm 慘 慘 (buồn bã)/ cửa hoàng tuyền hằng đóng, những thấy mây sầu chứa ngất ngất.12a4; nấp nấp 立 立 < ẩn ẩn 隱 隱 (thấp thoáng, lấp ló)/ nấp nấp ác vàng đã lặn vào núi tây.60a4; rần rần 寅 寅 < ẩn ẩn 隱 隱 (từ tượng thanh)/ rần rần thửa những tiếng chuông trống rầm rã cổi ra oa kêu.41b2; sảng sảng 尚 尚 < huyên huyên 喧 喧 (ồn ã)/ sảng sảng thửa những tiếng đàn hứng thổi lại gọi rằng ấy thực rồng ngâm.41b2…
III.3.6. Mô hình 6: BA < AB
Loại này để nguyên âm Hán Việt và đảo vị trí giữa hai âm tiết. Trong văn bản có 2 đơn vị với 2 lần xuất hiện.
Ví dụ như: đàn nghiêm < Nghiêm đàn 嚴 壇 (đàn tràng) / Thầy tăng Lục Hoà họp nhau đến chốn đàn nghiêm.60b2; ma thụy < thụy ma 睡 魔 (khi ốm người chỉ muốn ngủ như có ma làm nên ốm đau gọi là ma ngủ)/ đã phải ma thụy hằng làm đảo đảo.62b1.
III.3.7. Mô hình 7: axb < AB
Mô hình này nói chung cũng có sự dịch đối âm, nhưng có gia thêm âm tiết cho rõ nghĩa. Trong văn bản có 3 đơn vị với 3 lần xuất hiện.
Như: cả hoà nhà < đại gia 大 家 (mọi người)/ tiếng chuông Phạn âm đánh bửa cả hoà nhà cùng điếc.73b4; đèn lòng huệ < huệ đăng 惠 燈 / rộng mở đèn lòng huệ các chư Phật.54b6; nương mình về < quy y 皈 依 (nương theo mà phục tùng người cao cả hơn)/ trong đạo nhà thiền này bằng chẳng có mùi ngon thơm, thì những đấng thánh hiền sao khứng chịu nương mình về.24a4/ sao chẳng nương mình về cùng tam bảo.60a5.
III.4. Từ thuần Việt song tiết dịch thuật ngữ Hán (không theo tiêu chí đối dịch âm tiết)
Tuệ Tĩnh dùng từ thuần Việt để dịch thuật ngữ nhà Phật. Dĩ nhiên, các từ Việt này khó có thể truyền tải hết nội hàm của từ được dịch. Loại này có 19 đơn vị, xuất hiện 55 lần.
Ví dụ như: cặn kẽ < ân cần 慇 勤 (chu đáo)/ cặn kẽ vội vàng rập đầu xuống đất mà lễ đức phật thế tôn.33b3; mảy phút < sát na 殺 那 (chỉ thời gian rất ngắn)/ biết chưng trăm ngày tháng đều chỉn ở nơi mảy phút.21a3; ăn năn < sám hối 懺 悔 (sám tức là trình bày điều xấu trước đây, hối là sửa chữa cái lỗi đã qua, tu rèn cái thiện sắp tới)/ ghi lòng rửa ráy ăn năn.31b2/ bằng chẳng rửa ráy những sự chẳng phải ngày trước chỉn khôn ăn năn những sự ngày sau.31b3; rửa ráy < sám hối 懺 悔 / nay đối trước Bụt, bao nhiêu những sự chẳng phải đều rửa ráy cho hết.32b6/ nay đến chưng trước mặt Bụt, ắt đều rửa ráy cả thảy.73b6; quanh quất < luân hồi 輪 迴 (chúng sinh lăn lóc trong lục đạo sinh tử như bánh xe lăn vô cùng)/ chịu cho rồi thửa tội nghiệp bèn lại vào chưng chốn đường quanh quất là lục đạo.23a; yên lặng < thiền định 禪 定 (một trong 5 công phu của nhà Phật, ngồi thiền chú tâm vào một cảnh giới, thầm nghĩ đến lẽ màu), tịch diệt 寂 滅 (cõi nát bàn không sinh không diệt)/ bây giờ lấy chưng nước yên lặng mà rưới vào.28b6; hiền lành < từ bi 慈 悲 / dốc lòng lễ Phật người hiền lành rộng rãi chẳng ai hơn nữa rất vô thượng.31a4…
Tiểu kết
(a) Có thể thấy, từ cổ trong bản Thiền tông khoá hư ngữ lục gồm ba loại: I. Từ Việt cổ (chiếm 42,15 % tổng số đơn vị), II. Từ ngữ Hán tham gia vào văn bản như thành tố của tiếng Việt (12,66 %); III. Từ ngữ Nôm đối dịch từ ngữ Hán (45,19 %). Với cách nhìn như vậy, ta có thể thức nhận rõ ràng hơn về hệ thống từ cổ trong bản giải nghĩa này: từ cổ có nguồn gốc không thuần Việt chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với từ Việt cổ (62,85% so với 42, 15 %).
(b) Các từ cổ thuộc loại II và III thường không cố định. Các tiểu loại trong loại II và các tiểu mô hình trong loại III có thể coi như là những tiểu loại mở, mô hình mở. Tức là, các đơn vị trong hai nhóm này chỉ là các từ cổ mang tính lâm thời, chúng thay đổi tuỳ thuộc vào vốn từ Hán và cách diễn đạt của người dịch. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định sự mờ nghĩa của chúng đã tác động không nhỏ đến việc giải mã và phiên âm các văn bản Nôm cổ.
(c) Văn bản có 451 từ cổ (/2169 đơn vị thống kê của toàn văn bản, chiếm 20,56%) xuất hiện 2.475 lượt (/12.244 lượt, chiếm 20.21 % độ dài văn bản). Điều này cho thấy độ mờ nghĩa trong bản giải nghĩa là khá cao.
(d) Từ Việt cổ có 191 đơn vị (/ 2.169 đv, chiếm 8,60%), với 1.244 lần xuất hiện (/12.244 lần, chiếm 9,73 %). Về mặt tỉ lệ số lượng từ Việt cổ, bản giải nghĩa thấp hơn Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (25,21%) và Quốc âm thi tập (8,75%); cao hơn Đắc thú lâm tuyền (6,9%) và Cư trần lạc đạo (8,32%)4. Như vậy, về mặt lượng của từ cổ, ta có thể nhận định rằng ngôn ngữ của Khoá hư lục giải nghĩa thuộc về tiếng Việt trung đại thế kỉ XV- XVIII (có thể còn trước cả năm 1631, thời điểm viết bài tựa của sách này)¬¬5¬.
Từ Liêm.Tháng 03/ 2005- 09/2005
TRẦN TRỌNG DƯƠNG
Địa chỉ: Khoa Bảo tàng, Đại học Văn hoá Hà Nội, 418 Đê La Thành.
Tel: 04.7541103 (nr)
Tài liệu tham khảo & từ điển tra cứu:
1. Hoàng Xuân Hãn, Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần- Lê, trong “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn”. Nxb. Giáo dục. 1998.
2. Nguyễn Quang Hồng, Chuyển dịch từ ngữ song tiết Hán văn sang từ ngữ văn Nôm trong bản giải âm Truyền kì mạn lục, Hội thảo quốc tế ngôn ngữ học liên Á lần VI (Hà Nội, 11- 2004)
3. Nguyễn Ngọc San, Tìm hiểu tiếng Việt Lịch sử, Nxb. Đại học Sư phạm. 2003.
4. Nguyễn Thanh Tùng, Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt trong Thiền tông khoá hư ngữ lục (Báo cáo khoa học). 2001.
5. Hoàng Thị Hồng Cẩm, Tân biên Truyền kì mạn lục- Nghiên cứu văn bản và vấn đề dịch Nôm, Nxb.Văn hoá Dân tộc, Hà Nội. 1999.
6. Nguyễn Ngọc San, Lý thuyết chữ Nôm văn Nôm, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội. 2003.
7. Vương Lộc, Từ điển từ cổ, Trung tâm Từ điển học & Nxb. Đà Nẵng, Hà Nội- Đà Nẵng. 2001.
8. Nguyễn Ngọc San & Đinh Văn Thiện, Từ điển từ Việt cổ, Nxb. Từ điển Bách khoa. Hà Nội. 2003.
9. Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị (chụp nguyên từ ấn bản 1895- 1896), Nxb. Trẻ.1998.
10. Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu), Tự vị An Nam La Tinh (Dictionarium Anamitico Latinum 1772- 1773), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu. Nxb.Trẻ. 1999.
11. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học & Nxb.Khoa học Xã hội.Hà Nội.1994.
12. J.F.M. Génibrel, Dictionaire Annamite- Francais, Imprimerie de la Mission à Tân Định.1898.
13. Đào Duy Anh, Chữ Nôm- Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.1975.
14. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 1985.
15. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Từ điển đối chiếu từ địa phương, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.2001.
16. A. de Rhodes, Từ điển Annam- Lusitan – Latinh (Từ điển Việt- Bồ- La), Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, 1994.
17. Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.1998.
18. Từ nguyên 辭 源 , Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh.1997.
19. Hán ngữ đại từ điển漢 語 大 詞 典 (3 tập), Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã
20. Hoàng Thị Ngọ, Chữ Nôm và Tiếng Việt qua bản giải âm ‘Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh’, Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội.1999.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét