Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

GHẾ HƯƠNG- HƯƠNG KỈ là gì?

76.

AC: Hương kỷ [香几] là ghế hương (tr. 369/38a). Thực ra thì “Hương kỷ là kỷ hương.” Kỷ là một thứ khay nhỏ, có mặt đáy phẳng và có thành thấp, thường thấy nhất là trong danh ngữ kỷ trà (còn ở đây là kỷ hương).

TTD: Đúng là “kỷ” là một loại khay nhỏ, đáy phẳng, như kỷ trà- kỷ chè.
Nhưng “kỷ hương” thì vẫn là “ghế hương” vì nó là một loại GHẾ.
Ghế hương có mặt hình vuông, tròn hoặc lục giác, có chân tương đối cao, các chân đều uốn cong một độ vừa phải và duyên dáng. Chức năng của ghế hương là dùng để đặt lò hương, đỉnh trầm.
Hán ngữ đại từ điển (1994 Q12: 23) ghi: “Hương kỷ: là loại kỉ án để đặt lò hương. Vương Tích đời Minh trong sách “Tam tài đồ hội” phần Khí dụng mục Hương kỷ ghi rằng ‘Lý Vưu đời Hán trong bài Kỷ minh có viết: Hoàng Đế và Hiên Viên chế tác thành. Như thế Kỉ / Ghế có từ đời Hoàng đế, đến nay đã cổ…… Nay gọi là yến kỷ 燕几, hay đài 檯, hay thư trác 書卓, hay thiên thiền kỷ 天禪几, hay hương kỷ 香几, vắn dài to nhỏ khác nhau’.”
Năm 1591, Cao Liêm trong tác phẩm “Tuân sinh bát tiên” phần "Yên nhàn thanh thưởng tiên" có ghi: “hình chế của hương kỷ trong phòng sách thì có hai loại: loại cao 1 thước tám tấc, mặt ghế hoặc ốp đá Đại Lý, hoặc các loại Kỳ Dương, Mã Não, hoặc tương ở giữa bằng đậu bá nam; có khi thì mặt tứ giác, bát giác, có khi lại vuông, có khi thì là hình hoa mai, hoa quỳ, hoa ráy, hoặc dạng hình tròn, có khi sơn có khi đánh bóng. Các loại ghế này dùng để đặt các bể non bộ, các chậu thưởng lãm dị thạch, hoặt đặt mâm bưởi, hoặc đặt lọ hoa để cắm nhiều hoa, hoặc đặt riêng một lò hương. Loại này đều là ghế cao.”
Ghế hương, thời Nguyễn. Nguồn: ảnh thời Pháp.

Toàn văn bài thảo luận xem link:
https://www.dropbox.com/s/90mas7yoyeeh89x/th%C6%B0%20c%E1%BA%A3m%20%C6%A1n%20b%C3%A1c%20An%20Chi-%20TTD.pdf?dl=0

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Từ nguyên của thịt SẤN- thịt THĂN?

38.
AC: Môi nhục [脢肉] là SƯỜN (tr.334/27b). Nhà hiệu khảo đã ghi tại cước chú 4: “Chữ Nôm [月+辰], có lẽ là nhầm từ [月+長]. Vì môi nghĩa là LƯỜN.” Thực ra thì chẳng có nhầm lẫn gì ở đây. Chữ [辰] được viết tắt từ chữ chấn [振], đọc Nôm thành SẤN. Vậy câu này phải đọc thành “Môi nhục là sấn.” Sấn là “phần thịt có nạc nằm trên mỡ phần ở lưng, mông và vai lợn” (Từ điển tiếng Việt của Vietlex). Đây hiển nhiên là phần thịt lườn, vì môi nghĩa là lườn, như đã ghi ở cước chú 4.

TTD: Chúng tôi đồng ý với tự dạng [月+辰], và không hoàn toàn đồng ý với cách hiểu “môi nghĩa là lườn /hay thịt sườn” (về mặt từ nguyên).
Chúng tôi lại KHÔNG đồng ý với cách định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt của Vietlex và Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý 2008). Sấn không phải là “phần thịt có nạc nằm trên mỡ (sic) phần ở lưng, mông và vai lợn (sic)” mà chỉ là phần thịt nạc dọc hai bên xương sống, đây mới là nghĩa chính xác của môi [脢]. Cách nói “mông sấn” trong khẩu ngữ hàng ngày chỉ là một cách gọi gộp, chứ thịt sấn khác với thịt mông và thịt vai.

Thêm nữa, “sấn” còn có một điệp thức nữa là “thăn” (thịt thăn), mà nguyên từ của nó là [胂] với âm Hán Việt là “sân”, và âm tiếng Trung hiện tại là shen. Quảng vận ghi âm cắt “Sửu nhÂN thiết” (丑人切). Sách Bác nhã ghi: (肑謂之胂,胂謂之脢). Sách Tập vận ghi chữ này như sau “… Lại có {âm đọc} NGoại nhÂN thiết, âm THÂN” (…又外人切,音申。).
Thế kỷ 17, Rhodes (1651/1994: 215) ghi: “THĂN: lưng. Thăn thịt lợn: thịt lưng lợn.” Như vậy, vị trí cả câu này nên đọc là “Môi nhục [脢肉] là sấn/ thăn” (tr. 334/27b).
Tuy nhiên, ngày nay, thịt thăn được hiểu rộng hơn nghĩa gốc, gồm cả 2 thớ thịt dọc theo xương sống (tức nạc thăn, Tenderloin), và 2 tảng của sườn/ lườn (còn gọi thịt cốt-lết, Cotlete de porc).
Bản 2016 chúng tôi phiên "lườn" là không đúng do bị nhiễm từ tiếng Việt hiện đại.
Nay theo đề xuất của An Chi phiên là "sấn", và bổ sung thêm cách phiên "thăn" và nguyên từ [胂].


Toàn văn bài thảo luận xem link:
https://www.dropbox.com/s/90mas7yoyeeh89x/th%C6%B0%20c%E1%BA%A3m%20%C6%A1n%20b%C3%A1c%20An%20Chi-%20TTD.pdf?dl=0

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Nhà MUỐNG là nhà gì?


24.
AC: Phụ hạ [負厦] là nhà MUỐNG tiếp mái thềm (tr.322/22b). Phiên thành “nhà muống” thì vô nghĩa. Nôm ghi bằng chữ [臱], âm Hán Việt là biên nên phải đọc thành BÊN. Và “phụ hạ” là nhà bên chứ làm gì có “nhà muống” (!)

TTD: Chúng tôi xin bảo lưu cách phiên “nhà muống”. Chữ Nôm ghi ngữ tố này không phải là biên [臱] mà là mộng [夢]. «Đại Nam quốc ngữ» cũng có mục từ tương tự, nhưng bị phiên thành «Phụ hạ: nhà MỎNG tiếp mái thềm» (Lã Minh Hằng 2013 : 129). “Nhà muống” là một thuật ngữ của kiến trúc cổ truyền, miền bắc thường gọi là ống muống, hay tòa nhà cầu, gian nhà cầu. Còn theo kinh nghiệm điền dã của chúng tôi, ống muống là một loại kiến trúc phụ (dạng mái) dùng để nối các tòa trong một tổng thể kiến trúc liên hoàn.
Có hai loại ống muống :
1/ mái ống muống song song cùng chiều với các mái nhà chính, nhìn trên cao xuống, trông như hình chữ tam, ví như ống muống ở đình Chèm. Ống muống kiểu này có khi không có chân cột mà các thanh xà của nó ăn vào các cột cái cột quân của hai kiến trúc chính. Ống muống sẽ che mưa nắng, giúp cho việc đi lại liên thông và có không gian để thắp hương, hành lễ, nên Phạm Đình Hổ mới giảng là «tiếp mái thềm».

2/ Ống muống bắc dọc, vuông góc với các mái kiến trúc chính. Theo Paulus Của (1895: 730), “Nhà cầu: nhà dài nhỏ cắt nối theo nhà lớn”. Ví dụ, nếu một di tích có ba gian song song với nhau theo hình chữ tam [三] thì sẽ có 2 ống muống nối liền 3 tòa nhà này, để tạo thành chữ vương [王], trong một tổng thể kiến trúc «nội vương ngoại vi». (Nguyễn Văn Cương 2006: 108).

Từ “nhà muống” hay “ống muống” này không thấy ghi trong từ điển Paulus Của cũng như trong các từ điển tiếng Việt hiện đại, nhưng vẫn thường xuyên được sử dụng trong các công trình nghiên cứu kiến trúc cổ.

Toàn văn bài thảo luận xem link:
https://www.dropbox.com/s/90mas7yoyeeh89x/th%C6%B0%20c%E1%BA%A3m%20%C6%A1n%20b%C3%A1c%20An%20Chi-%20TTD.pdf?dl=0


Hình: Phụ hạ負厦 nhà MUỐNG tiếp mái thềm, đình Chèm. Ảnh: Trần Trọng Dương (2015: 58)