Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Nhà MUỐNG là nhà gì?


24.
AC: Phụ hạ [負厦] là nhà MUỐNG tiếp mái thềm (tr.322/22b). Phiên thành “nhà muống” thì vô nghĩa. Nôm ghi bằng chữ [臱], âm Hán Việt là biên nên phải đọc thành BÊN. Và “phụ hạ” là nhà bên chứ làm gì có “nhà muống” (!)

TTD: Chúng tôi xin bảo lưu cách phiên “nhà muống”. Chữ Nôm ghi ngữ tố này không phải là biên [臱] mà là mộng [夢]. «Đại Nam quốc ngữ» cũng có mục từ tương tự, nhưng bị phiên thành «Phụ hạ: nhà MỎNG tiếp mái thềm» (Lã Minh Hằng 2013 : 129). “Nhà muống” là một thuật ngữ của kiến trúc cổ truyền, miền bắc thường gọi là ống muống, hay tòa nhà cầu, gian nhà cầu. Còn theo kinh nghiệm điền dã của chúng tôi, ống muống là một loại kiến trúc phụ (dạng mái) dùng để nối các tòa trong một tổng thể kiến trúc liên hoàn.
Có hai loại ống muống :
1/ mái ống muống song song cùng chiều với các mái nhà chính, nhìn trên cao xuống, trông như hình chữ tam, ví như ống muống ở đình Chèm. Ống muống kiểu này có khi không có chân cột mà các thanh xà của nó ăn vào các cột cái cột quân của hai kiến trúc chính. Ống muống sẽ che mưa nắng, giúp cho việc đi lại liên thông và có không gian để thắp hương, hành lễ, nên Phạm Đình Hổ mới giảng là «tiếp mái thềm».

2/ Ống muống bắc dọc, vuông góc với các mái kiến trúc chính. Theo Paulus Của (1895: 730), “Nhà cầu: nhà dài nhỏ cắt nối theo nhà lớn”. Ví dụ, nếu một di tích có ba gian song song với nhau theo hình chữ tam [三] thì sẽ có 2 ống muống nối liền 3 tòa nhà này, để tạo thành chữ vương [王], trong một tổng thể kiến trúc «nội vương ngoại vi». (Nguyễn Văn Cương 2006: 108).

Từ “nhà muống” hay “ống muống” này không thấy ghi trong từ điển Paulus Của cũng như trong các từ điển tiếng Việt hiện đại, nhưng vẫn thường xuyên được sử dụng trong các công trình nghiên cứu kiến trúc cổ.

Toàn văn bài thảo luận xem link:
https://www.dropbox.com/s/90mas7yoyeeh89x/th%C6%B0%20c%E1%BA%A3m%20%C6%A1n%20b%C3%A1c%20An%20Chi-%20TTD.pdf?dl=0


Hình: Phụ hạ負厦 nhà MUỐNG tiếp mái thềm, đình Chèm. Ảnh: Trần Trọng Dương (2015: 58)


1 nhận xét: