Trần Trọng Dương
Kỳ 1
Các giả thuyết “chồng trứng”
(trong TIẾNG VIỆT THỜI HÙNG VƯƠNG - HAY LÂU ĐÀI CẤT TỪ HƠI NƯỚC?)
Ts Lê Mạnh Thát là một trong những học giả lớn trong giới nghiên cứu Phật học ở Việt Nam từ mấy chục năm trở lại đây. Việc đọc sách, mua sách của ông nhiều khi đã trở thành lạc thú. Nhìn khối lượng công việc và những kết quả mà ông đã thành tựu thì không ai là không cảm thấy nể phục và kính trọng. Gần đây, một loạt những phát hiện về lịch sử và văn hoá dân tộc của Tiến sĩ đã trở thành điểm nóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Từ những thức nhận sau khi đọc xong chương IV “Vấn đề tiếng Việt thời Hùng Vương” trong cuốn “Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta” của Lê Mạnh Thát (Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 2005), bài này được viết ra nhằm trao đổi với Ts Lê Mạnh Thát về việc phục nguyên Tiếng Việt thời Hùng Vương từ cách xác lập giả thuyết đến vấn đề văn bản học.
1. Về các giả thuyết
Để cho tiện theo dõi, bài viết sẽ trình bày lại các bước giả thuyết của Ts Lê Mạnh Thát trong việc “khôi phục lại diện mạo của tiếng Việt” (chữ của LMT) thời kì Hùng Vương. Cụ thể như sau:
Giả thuyết bước 1: Ts Lê Mạnh Thát cho rằng có thể đã có hệ thống văn tự ghi lại tiếng Việt thời Hùng Vương qua sự tồn tại của Việt luật. Sở dĩ ông đưa ra giả thuyết như vậy là vì sách Hậu Hán thư có một đoạn chép rằng sau khi Mã Viện diệt xong Trưng Trắc, Trưng Nhị bèn “điều tấu Việt Luật (so) với Hán luật sai khác hơn 10 việc”[1]. Ông đi đến nhận định rằng: “Việc tồn tại Việt luật vào những năm 40 - 43 sdl như vậy buộc ta phải giả thiết nước ta vào thời điểm đó đã phát triển tới một mức độ chính xác nhất định đáp ứng được yêu cầu diễn đạt đúng đắn những khái niệm và quy định luật pháp và đã có một hệ thống chữ viết tương đối hoàn chỉnh (TTD nhấn mạnh) để ghi chép các quy định ấy thành một văn bản pháp quy.” [tr.187]
Giả thuyết bước 2: (trên cơ sở giả thuyết 1): Ts LMT cho rằng hệ thống chữ viết của người Việt thời Hùng Vương đã có khả năng ghi lại Việt luật thì cũng có nghĩa là nó đủ sức để thực hiện dịch thuật kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Việt. Tiến sĩ viết: “Một là có khả năng thầy Khương Tăng Hội đã dùng một nguyên bản Phạn văn để dạy cho Hội bằng tiếng Việt. Hội đã ghi chép lại những lời dạy bằng tiếng Việt ấy... để sau này khi có dịp, do nhu cầu truyền giáo ở Trung Quốc, Hội cho dịch ra tiếng Trung Quốc. Hai là thầy Hội đã dùng một bản Cựu tạp thí dụ kinh tiếng Việt dạy cho Hội và đây là một khả năng có tính hiện thực nhất” (TTD nhấn mạnh) [sdd. tr.189]. Và từ “kết luận (TTD nhấn mạnh) về việc tồn tại của một nguyên bản Cựu Tạp thí dụ kinh bằng tiếng Việt” [tr.190].
Giả thuyết bước 3: (trên cơ sở 2 giả thuyết trên): ông cho rằng có khả năng người Việt thời Hùng Vương đã dịch kinh Phật từ tiếng Việt sang tiếng Hán. Ông viết: “Nếu Cựu Tạp thí dụ kinh tiếng Trung Quốc hiện nay do Khương Tăng Hội dịch từ một nguyên bản tiếng Việt thì cũng có khả năng Hội đã dịch Lục độ tập kinh tiếng Trung Quốc hiện nay từ một nguyên bản Lục độ tập kinh tiếng Việt như thế. Và khả năng này trở thành một hiện thực khá rõ nét (TTD nhấn mạnh) khi ta đi sâu vào việc nghiên cứu chính Lục độ tập kinh” [tr.191-192]. Luận cứ mà ông đưa ra là “quá trình cải biên đã được tiến hành một cách có hệ thống và triệt để nhằm tạo cho các truyện kể và giáo lý Phật giáo mang bộ mặt Việt Nam” [tr.192]. Ví dụ: cải biến 100 mảnh thịt thành 100 trứng[2]...
2. Thảo luận về các giả thuyết
Lý luận rằng thời Hùng Vương đã có Việt luật thì có thể tồn tại hệ thống chữ viết hoàn chỉnh, giả thuyết này có thể chấp nhận được với tư cách là một giả thuyết để từ đó ta có ý thức tìm kiếm văn bản trong quá trình khai quật. Vì đến cả văn bản Việt luật hay Hán luật giờ đều đã mất. Tư liệu là mảng trắng.
Giả thuyết thứ hai cho rằng kinh Phật đã được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Việt, gải thuyết này cũng có thể chấp nhận được. Nhưng nó cũng yếu như giả thuyết trước. Vì tư liệu cũng không còn gì.
Giả thuyết thứ ba cho rằng đã có một đợt dịch kinh Phật từ tiếng Việt sang tiếng Hán. Giả thuyết này là yếu nhất, vì nó chỉ đứng được khi chúng ta đáp ứng được 3 yêu cầu: thứ nhất phải có nguyên bản tiếng Việt để chuyển dịch, và văn bản đó hiện còn; thứ 2 phải có văn bản dịch bằng tiếng Hán (điều kiện này thì luôn luôn đáp ứng đủ); thứ 3 Có các văn bản tiếng Việt khác cùng thời (ví dụ văn bản Việt luật hoặc các văn bản Kinh Phật bằng tiếng Việt khác). Chỉ khi đáp ứng được cả ba yêu cầu này thì chúng ta mới có cơ sở để khảo sát và so sánh ngôn ngữ được. Tiếc rằng điều kiện quan trọng nhất chúng ta cũng không có trên tay: văn bản tiếng Việt thời Hùng Vương.
Chừng nào chưa tìm thấy, chưa khai quật được những văn bản như vậy (Trung Quốc gọi là “xuất thổ văn hiến”) thì các giả thuyết trên chỉ có giá trị như là ... giả thuyết. Vì chúng ta không có gì để nghiên cứu cả. Tất cả hệ thống tư liệu về ngôn ngữ và chữ viết thời Hùng Vương là một dải băng tần trắng xóa. Dĩ nhiên, việc nghiên cứu văn tự không thể lấy một chút tư liệu gì từ mảng truyền thuyết, thần thoại, hay huyền sử được mà hoàn toàn nương cậy vào những kết quả của giới khảo cổ. Chính vì thế, chúng ta thấy khâm phục và tin tưởng vào những thành quả mà Giáo sư Hà Văn Tấn đã chiu chắt suốt cả cuộc đời để đi tìm những con chữ trên đá trên đồng, trên từng con dấu và cột kinh[3]!
Nhân đây, tác giả bài viết cũng muốn nhắc đến một số văn bản văn xuôi tiếng Việt được ghi bằng chữ Nôm cổ nhất còn lại cho đến nay[4] đều chỉ được khắc in vào thế kỷ XVII-XVIII như Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh[5] (1730), hay Tân biên truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú[6] (1714). Ngay đến cả mấy bài phú Nôm đời Trần (sáng tác tk XIII) thì văn bản cũng khắc in lại ở thế kỉ XVIII. Và các nhà ngữ học như Hoàng Xuân Hãn[7]... phải chứng minh niên đại sáng tác của tác phẩm qua hệ thống từ cổ, hệ thống chữ Nôm và ngữ âm của tiếng Việt vào giai đoạn Lí Trần.
Mặt khác, chúng tôi tự đặt ra câu hỏi: tại sao lại có sự trùng khít “kì lạ” giữa Việt luật và Hán luật? Tại sao hai bộ luật: một là của thời Hùng Vương, một là của nhà Hán lại chỉ khác nhau có hơn 10 điều? Hay là Hán luật bắt chước Việt luật? Các điều luật giống nhau như thế nào, cụ thể là những điều khoản gì? Khác nhau ra sao? Chúng tôi đã lần theo Tứ khố toàn thư [8] thì thấy có gần 20 bộ sử (như Thông chí, Quảng Tây thông chí, Thiểm Tây thông chí, Quảng Đông thông chí, Ngọc Hải, Thái Bình ngự lãm…) có đề cập đến Việt luật. Các bộ sau này đều là chép/ trích dẫn lại nguyên văn của Hậu Hán thư (dĩ nhiên câu chữ có đôi chỗ xuất nhập). Nội dung chỉ vỏn vẹn có như vậy (xem chú 1)! Như thế, về bộ Việt luật chúng ta chỉ có mỗi cái tên (mà tên là bằng chữ Hán, tiếng Hán), còn nội dung của nó cụ thể ra sao, nó được viết bằng thứ tiếng gì, bằng thứ văn tự gì thì không biết.
Dĩ nhiên, việc xây dựng giả thuyết là quyền của mọi nhà khoa học, và tất cả những người có tinh thần dân tộc đều “hi vọng” giả thuyết của Ts Lê Mạnh Thát là sự thực. Vấn đề đáng nói ở đây là các giả thuyết sau chỉ có thể đứng vững được nếu giả thuyết trước đã trở thành sự thực hoặc đã được chứng minh là đúng, tiếc thay tất cả các giả thuyết trước đều chỉ là... giả thuyết! Nếu ông chỉ dừng lại ở việc đưa ra các giả thuyết thì sẽ không có vấn đề gì để nói. Nhưng, từ những giả thuyết theo kiểu “chồng trứng” như trên, Ts LMT đã thực hiện một thao tác trước nay chưa từng biết đến: ĐI TÌM DIỆN MẠO TIẾNG VIỆT THỜI HÙNG VƯƠNG QUA “LỤC ĐỘ TẬP KINH” - MỘT BẢN HÁN VĂN. Còn cụ thể ông đã tìm thấy những gì, và tìm thấy như thế nào, chúng tôi sẽ trình bày cụ thể ở các bài bài sau. Dù sao chúng tôi vẫn muốn nói: giá như chúng ta khai quật được một mảnh văn bản Việt luật... giá như chúng ta có một văn bản dịch Kinh Phật bằng tiếng Việt thời Hùng Vương trong tay. Giá như... giá như......!!! Và, dù sao đi nữa, chúng tôi cũng vẫn rất trân trọng Ts Lê Mạnh Thát vì ông đã cố gắng xây dựng lại dáng hình của lâu đài tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của chúng ta qua những hơi nước bốc lên từ “bể đời” mênh mông.
Kỳ 2
Thao tác “Việt hóa” tiếng Hán cổ
Tiếp theo những phản biện về những giả thuyết kiểu “chồng trứng” của Ts LMT đã đăng ở kì trước, chúng tôi có một số câu hỏi:
Tại sao cứ nhất quyết Khương Tăng Hội dịch Lục độ tập kinh từ một bản tiếng Việt thời Hùng Vương mà không dịch thẳng từ tiếng Phạn sang tiếng Hán?
Phải chăng Khương Tăng Hội không biết tiếng Phạn?
Hay là ông cũng có biết tiếng Phạn, nhưng để “Việt hoá”, Khương Tăng Hội chỉ dùng bản tiếng Việt mà thôi? Nếu quả đúng như thế thật thì chúng ta có thể khẳng định rằng ý định “Việt hoá ” ngôn từ kinh kệ tiếng Hán đã tồn tại từ gần 2000 năm trước cho đến tận bây giờ!
Ts LMT viết: “Ấn tượng “văn từ điển nhã” bắt nguồn từ việc Khương Tăng Hội đã sử dụng bản đáy Lục độ tập kinh tiếng Việt với một hệ thống văn từ Phật giáo đã được Việt hoá (TTD nhấn mạnh) mang sắc thái văn hoá Viễn Đông, để dịch ra bản Lục độ tập kinh tiếng Trung Quốc” [2001. Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. T1, tr.395]. Và bây giờ là những “văn từ điển nhã” mà Ts Lê Mạnh Thát đã phục dựng lại. Chúng tôi muốn nhắc đến trường hợp cấu trúc trung tâm ngữ- định ngữ (trung – định).
1. Sự nghiên cứu của Ts LMT
Ts LMT viết: “Chúng ta phát hiện ra một sự kiện hết sức lạ lùng, nhưng rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa đối với không những lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn lịch sử văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Sự kiện đó là trong một số câu của Lục độ tập kinh, Khương Tăng Hội đã không viết đúng theo ngữ pháp Trung Quốc, mà lại theo ngữ pháp Việt Nam” [T1, tr.400]. Đó là các chữ trung cung, trung tâm, trung đình, thần thụ... Ông lập luận: “Theo ngữ pháp tiếng Trung Quốc thì chữ trung luôn luôn đứng sau danh từ hay đại từ mà nó chỉ nơi chốn. Điều này hoàn toàn ngược với ngữ pháp tiếng Việt. Cho nên, khi viết trung tâm, trung cung, trung đình với nghĩa “trong lòng”, “trong cung”, “trong sân”, Khương Tăng Hội rõ ràng đã sử dụng ngữ pháp tiếng Việt, chứ không phải ngữ pháp tiếng Trung Quốc. Nếu viết theo ngữ pháp tiếng Trung Quốc, thì trung tâm, trung cung, trung đình phải đổi lại thành cung trung, tâm trung, đình trung.” [T1, tr.401-402]
Ông có nhắc đến một đặc điểm của Hán ngữ cổ đại: “Vị trí chữ trung như một giới từ chỉ nơi chốn đến thế kỉ thứ II sdl như vậy được qui định là ở sau danh từ hay đại từ nó chỉ định.” [tr.403] Còn trước đó, kết cấu này của tiếng Hán cổ đại (từ tk I về trước đến đời Thương Chu) cũng giống y hệt như tiếng Việt hiện đại ngày nay: trung – định. Ông thống kê rằng: “từ thế kỷ thứ I sdl về sau cho đến thời Khương Tăng Hội, trong khoảng 300 năm, cụm từ trung tâm chỉ được sử dụng 3 lần; trong khi đó Lục độ thập kinh 8 lần xuất hiện cấu trúc trung tâm [tr.409]. “Vậy, sự có mặt của những cấu trúc trung tâm này xác nhận một cách không chối cãi (TTD nhấn mạnh) ảnh hưởng của ngữ pháp tiếng Việt đối với bản dịch Lục độ tập kinh” [tr.410].
2. Phản biện
Phản biện 1: trung cung, trung tâm, trung đình là những từ song tiết (có nghĩa). Từ pháp của chúng đều là theo cấu trúc phụ-chính. Trung lúc này nghĩa là “ở giữa, ở bên trong” (= inside adj), nghĩa đen là “cung ở chính giữa”, “tim ở trong ngực”, “cái sân giữa.” Các từ này được ghi nhận trong từ điển Từ nguyên [1997. Thương vụ ấn thư quán. Bắc Kinh] như sau:
“Trung cung: 1.Nơi ở của hoàng hậu, để phân biệt hai cung Đông và cung Tây, cho nên thường dùng từ này để gọi thay cho hoàng hậu...2.Chỉ vùng trời nơi sao Bắc cực ở.” [tr.0047.2] Nên câu “王及夫人。自然還在本國中宮正殿上坐。如前不異。Vương cập phu nhân, tự nhiên hoàn tại bản quốc trung cung chính điện thượng tọa, như tiền bất dị” trong truyện 13 tờ 7c13 nên dịch là “vua và phu nhân tự nhiên ngồi ở trung cung (cung chính giữa) nước mình, ngồi trên chính điện như trước, không hề khác.” chứ không dịch là “ngồi trên chính điện trong cung”[tr.583]. Câu “爾王 者之子生於榮樂長於中宮Nhĩ vương giả chi tử, sinh ư vinh lạc, trưởng ư trung cung...” nên dịch là “nàng là con vua, sinh ra trong vui sướng, lớn lên ở nơi cung cấm.” Chỉ có chữ “ư” là giới từ, chữ cung trung là từ song tiết như chữ “vinh lạc” ở câu trên.
“Trung tâm: 1.Nội tâm/ cõi lòng. Tim ở trong ngực, cho nên gọi trung tâm. Bài Hữu phu chi đỗ phần Đường phong trong Kinh thi có câu: ‘trung tâm hiếu chi’; 2. Chính giữa của sự vật...’” [Từ Nguyên: tr.0045.4]. Cho nên, từ “trung tâm” trong các câu “trung tâm sảng nhiên”, “trung tâm hoan hỉ”, “trung tâm đát cụ”...đều dịch lần lượt theo nghĩa là “cõi lòng nhẹ nhõm/ hoan hỉ/ sợ hãi...” cả.
Vậy, Ts Lê Mạnh Thát sơ suất đến mức không biết rằng đây là những từ Hán song tiết? Câu trả lời rằng: ông biết! Nhưng ông có “mục đích luận” của ông: “dù biết trung cung và trung đình trong tiếng Trung Quốc là những danh từ ghép chỉ những sự vật cụ thể, chúng tôi vẫn tách riêng chúng ra, coi chúng có cấu trúc tiếng Việt kiểu cụm từ trung tâm và hiểu theo nghĩa tiếng Việt.” Phải chăng, đây chính là “thao tác Việt hóa” của ông!? Đọc dăm ba từ theo “kiểu Việt” trong một văn bản tiếng Hán cổ có độ dài lên đến 79.607 lượt chữ như thế liệu có thuyết phục được không?
Thêm nữa, với sự ghi nhận của từ điển, các từ trung cung, trung tâm, trung đình thuộc về vốn từ vựng cơ bản của tiếng Hán suốt từ thời cổ đại cho đến ngày nay. Theo thống kê của Ts Lê Mạnh Thát, từ trung cung xuất hiện 2 lần, trung tâm xuất hiện 8 lần, trung đình xuất hiện 1 lần trong Lục độ tập kinh. Còn chúng tôi thống kê được rằng, trong Tứ khố toàn thư, chữ trung cung xuất hiện 5000 lần trong 2942 quyển, trung tâm xuất hiện 9441 lần trong 6094 quyển, trung đình xuất hiện 4093 lần trong 2853 quyển. Đến đây, chúng tôi không dám bình luận gì thêm cả, hãy để các con số trò chuyện với nhau vậy!
Phản biện 2: Về từ Thần thụ (thọ)
Chúng tôi tạm chấp nhận với Ts LMT rằng từ “Thần thụ” có lẽ mới là từ được đặt theo kết cấu trung - định. Thần thụ nghĩa là “thần cây” chứ không phải cây thần. Ông dẫn chứng rằng chữ này còn xuất hiện trong cả Cựu tạp thí dụ kinh [tr.414]. Ngoài ra, ông còn dẫn thêm một số trường hợp khác như thuỷ vũ là “nước mưa”, tượng Phật, bệ thăng thiên là “bệ lên trời”, ngoại dã là “ngoài cánh đồng.” Ông coi đây như là chứng tích của sự “Việt hoá” ngữ pháp trong văn bản này.
Trước hết, về chữ thần thụ theo cấu trúc trung-định, chúng tôi thống kê được rằng chữ này xuất hiện 243 lần trong 185 quyển ở Tứ khố toàn thư. Tạm có thể nhận định rằng: kết cấu Thần thụ là một hiện tượng ngữ pháp không phải chỉ xuất hiện trong hai văn bản mà Ts LMT đang nghiên cứu (2 so với 243).
Thực ra, vấn đề kết cấu trung - định không lạ lẫm gì đối với giới nghiên cứu Hán ngữ cổ đại. Năm 1956, Dương Bá Tuấn trong Văn pháp văn ngôn đã đề xuất khái niệm “định ngữ hậu trí” (định ngữ đặt sau trung tâm ngữ) trong tiếng Hán cổ. Vấn đề này quan trọng đến nỗi, năm 1979, Trung Quốc đã đưa vào chương trình học tập cho học sinh trung học (TTD nhấn mạnh) [theo Mai Quang Trạch. 2004. Thiển đàm AB giả kết cấu định ngữ hậu trí. trong “Nhạc Sơn Sư phạm Học viện Học báo”, số 8, tr.18-20]. Mai Quang Trạch cho rằng: trong lịch sử còn có một giai đoạn mà cả hai hình thái trung- định, định – trung cùng song song tồn tại. Bài viết, sách vở nghiên cứu về vấn đề này thì nhiều không kể xiết, các tác giả như Mantaro Hashimoto (1980), Trần Địch Minh (1981), Tào Văn An (1982), Kinh Quý Sinh (2001), C.Goddard (2005)... đã nghiên cứu cho thấy: kết cấu trung định trong Hán cổ là sản phẩm của quá trình tiếp xúc với các ngôn ngữ có họ hàng với nó, như các ngôn ngữ thuộc các ngữ tộc Tạng - Miến, Miêu - Dao, Đồng - Thái (chuyển dẫn theo NTC).
Vì thế có thế nói, cái “ sự kiện lạ lùng” mà Ts LMT phát hiện ra kia thực ra cũng chỉ là “lạ với mình mà quen với người” mà thôi. Việc ông phát hiện ra một hiện tượng ngữ pháp của tiếng Việt hiện đại (TTD nhấn mạnh) trong bản Hán văn Lục độ tập kinh (vào Tk II sdl) là sai lầm không những về văn bản học, mà còn về phương pháp khoa học. Ông đã đem những cái “phi đồng đại” ở những không gian địa lý khác nhau so sánh và đồng quy. Nói đơn giản hơn: ông dùng cái tư duy tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt hiện đại) để tìm kiếm một số ít hiện tương tương đồng trong một văn bản Hán văn cổ, sau đó đưa ra 2 chủ ý: 1.Bản Hán văn bị ảnh hưởng của tiếng Việt; 2. Tiếng Việt thời Hùng Vương không có thay đổi gì so với tiếng Việt hiện nay ở kết cấu trung - định. Đến đây, chúng tôi mới hiểu vì sao những phát hiện “chấn động” của Ts Lê Mạnh Thát đến giờ mới được dư luận chú ý; còn các nhà chuyên môn (ngữ học) thì vẫn cứ tiếp tục công việc của mình một cách thầm lặng và ưu tư.
Kỳ 3
Biến “văn Hán” thành “thơ thời Hùng Vương”
Ở kì 2, chúng tôi đã đề cập đến thao tác của Ts Lê Mạnh Thát, đó là việc ông “Việt hóa” tiếng Hán cổ theo tinh thần “mục đích luận”; đó là tinh thần “vị chủng”, “Việt nguyên”. Chúng tôi đã chứng minh rằng từ cung trung, trung tâm,...là từ vựng cơ bản của tiếng Hán cổ, và chúng xuất hiện với tần số cực cao (5000 và 9441 lần) trong Tứ khố toàn thư. Chúng tôi cũng đã cung cấp thông tin việc cấu trúc trung – định trong tiếng Hán cổ như kiểu thần thụ đã được đưa vào dạy cho học sinh trung học ở Trung Quốc từ năm 1979. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi tiếp vào phát hiện “chấn động” của Ts LMT. Đó là việc ông phục dựng lại một bài “thơ thời Hùng Vương” qua văn bản Hán văn Lục độ tập kinh. Liệu có hay không sự tồn tại của một bài thơ Việt thời Hùng Vương trong văn bản được viết bằng chữ Hán cách đây gần 2000 năm?
1. Sự nghiên cứu của Ts LMT
Ông viết: “Ngoài ra, truyện 14, mà chúng tôi sẽ bàn kỹ ở dưới đây, khi tả diện mạo lão phạm chí, đã viết: “Tỉ chính biển hổ, thân thể liêu lệ, diện sô thần đả, ngôn ngữ khiểng ngật”. Trong đó nếu ta coi những chữ “tỉ”, “diện”, “thần” như những tá âm tiếng Việt của chữ Trung Quốc tức đọc "mũi", "mặt", "môi", thì bốn câu vừa phiên âm có thể là một bài thơ tiếng Việt cổ:
Mũi chính vểnh vẹo,
Thân thể rệu rạo (rẹo),
Mặt xô môi dày,
Ngôn ngữ ngọng nghịu
Tất cả những chữ “vểnh vẹo”, “xô”, “dầy”, “ngọng nghịu”, chúng tôi hầu như phiên âm lại những chữ viết của Khương Tăng Hội. Và chúng có thể là những chữ quốc âm (TTD nhấn mạnh) đầu tiên hiện còn ghi lại. Chữ “xô” đây là xô xảm. Chữ “dày” đúng ra là phải phiên “đày”... .[Lê Mạnh Thát. 2001. Tổng tập văn học phật giáo Việt Nam. nxb Thành phố Hồ Chí Minh. tr.435]
Ông kết luận: “Qua những phân tích trên, ta thấy Lục độ tập kinh chứa đựng một số tàn dư (TTD nhấn mạnh) của ngữ vựng, ngữ pháp và cú pháp tiếng Việt. Sự tồn tại của những tàn dư nầy đưa ta đến những kết luận nào? Thứ nhất, như trên đã nói, Khương Tăng Hội sinh ra, lớn lên và được đào tạo thành tài tại đất nước ta, cho nên khi tiến hành phiên dịch và trước tác, dứt khoát không thể nào không chịu ảnh hưởng của tiếng Việt về cả ba mặt ngữ vựng, cú pháp và ngữ pháp...Thứ hai: đó là có khả năng Khương Tăng Hội đã sử dụng một nguyên bản Lục độ tập kinh tiếng Việt để dịch ra bản Lục độ tập kinh tiếng Trung Quốc” [tr. 421-422]
2. Phản biện về phiên âm
Nguyên văn đoạn tiếng Hán như sau: “鼻正匾虒。身體繚戾。面皺脣[多頁][9]。言語蹇吃。” Điều mà tôi lấy làm lạ nhất là trong một đoạn có 16 chữ, lại có 4 chỗ sai phiên âm. Cụ thể đó là các chữ sau:
2.1. Chữ 鼻tị (nghĩa là mũi) bị đọc thành tỉ. Chữ này không thể đổ lỗi cho chế bản được, vì đây là chữ quá ư thông dụng, cũng không thể đổ lỗi là tác giả kém chữ nghĩa được, vì chúng ta đều biết ông là người rất uyên thâm về ngôn ngữ, nhất là tiếng Hán . Lỗi không thuộc về ai cả. Chỉ có việc phiên sai là tồn tại một cách có hệ thống và khá nhất quán[10].
2.2. Chữ 虒 bị đọc nhầm thành hổ. Vì đúng là có chữ “hổ 虎” nằm ở trong. Từ điển Từ nguyên chú âm là“虒:息移切 tức di thiết, bình thanh” [tr.1494.1], Trùng tu ngọc thiên chú: “思移切tư di thiết”. Sách Ngự định Khang Hi tự điển (Q.26) ghi: “虒Đường vận: 息移切tức di thiết. Tập vận: 相枝切tương chi thiết.” Như thế, chữ này phải đọc là “tì”.
2.3. Chữ 皺 bị đọc là sô. Sách Trùng tu ngọc thiên, Trùng tu quảng vận đều ghi: “側救切trắc cứu thiết”. Cổ văn tứ thanh vận ghi: “籀韻trứu vận”. Như vậy chữ này có âm Hán Việt là “trứu”.
2.4. Chữ 蹇bị đọc nhầm thành “khiểng”. Từ nguyên chú âm: “九輦切cửu liễn thiết, thượng” [tr.1633.2]. Ngự định Khang Hi tự điển ghi: “Đường vận: 居偃切cư yển thiết. Tập Vận vận hội: 紀偃切kỉ yển thiết.” Tự điển Hán Việt của Trần Văn Chánh ghi âm “kiển” [tr.919]. Như vậy, chữ này đọc là “kiển”.
3. Phản biện về khái niệm tá âm
Ts LMT cho rằng các chữ ““tị”, “diện”, “thần” là những tá âm tiếng Việt của chữ trung Quốc”. Ý ông là chữ “tị” mượn âm từ chữ “mũi”, chữ “diện” mượn âm từ “mặt”, chữ “thần” mượn âm từ “môi.” Như thế, ông hình dung những từ trong văn bản Hán văn Lục độ tập kinh là vay mượn (tá) âm đọc từ tiếng Việt (mà khái niệm “tiếng Việt” lại đánh đồng về lịch đại. Tiếng Việt nào?).
Quả đúng là Ts LMT tỏ ra không chuyên về vấn đề khái niệm. Ai cũng biết “tá âm[11]” là “vay mượn âm” (như chữ tá điền). Và sự vay mượn bao giờ cũng để lại những “chứng tích” về âm giữa các yếu tố từ vựng của hai ngôn ngữ. Và ở đây, chúng ta hãy đi tìm sự tương ứng hay gần gũi giữa các cặp âm tị – mũi, diện – mặt , thần – môi như ông Rokuro Kono đã làm với tiếng Nhật[12]! Nếu kết quả này của Ts LMT được các học giả thế giới công nhận thì tiếng Hán trong Lục độ tập kinh là phương ngôn của tiếng Việt thời Hùng Vương.
Ts LMT cũng lấy được đôi ba trường hợp có cùng vị trí cấu âm. Ví dụ: âm môi: biển – vểnh; âm đầu lưỡi: liêu lệ – rệu rạo. Nhưng những liên hệ âm đọc này chỉ là bề mặt. Muốn đọc được âm của thời Hùng Vương chúng ta phải thực hiện những quy trình tái lập ngữ âm (TTD nhấn mạnh) rất phức tạp, chứ không nên đơn giản hóa và bắc cầu giữa các hiện tượng tồn tại cách nhau 2000 năm. Nói cụ thể hơn là chữ “rệu rạo”, “ngọng nghịu” đều là từ vựng được đọc theo âm tiếng Việt hiện đại. Còn nếu tái lập âm đọc chữ “rệu rạo/ rẹo” cho tiếng Việt quãng thế kỉ XV thì phải là “kleo klao” (tạm ví dụ một cách cụ thể và thô phác như thế). Giống như cái việc mà ông Nguyễn Bạt Tụy ngày xưa tái lập câu “tìm mai theo đạp bóng trăng” của Nguyễn Trãi thành “xìm môi seo tạp boóng blăng” vậy (còn tái lập lên đến tận thời Hùng Vương thì ...). Mặt khác, chữ “rệu rạo” đến tận cuối thế kỳ XIX vẫn chưa thấy được ghi nhận trong từ điển [ví dụ Huình Tịnh Của, Génibrel].
Ấy là chưa kể đến mấy chữ không đọc đúng theo âm Hán Việt như đã nêu trên. Liệu chữ “vẹo” có liên quan gì đến âm “tì” (kể cả âm “hổ”)? Hay “xô” với “trứu”? Hay “ngọng” với “kiển” (/kiểng)? Hay “nghịu” với âm “ngật”? Thế mà, Ts Lê Mạnh Thát đã khẳng định “Chữ ngọng nghịu, rệu rạo và vặn vẹo thì quá rõ ràng, khỏi phải bàn cãi” [tr.435]
Chúng tôi cũng không thấy ông đề cập đến hai trường hợp từ Hán Việt là “thân thể” và “ngôn ngữ.” Có lẽ, cứ theo tinh thần lập luận của ông thì hai từ này cũng mượn từ tiếng Việt thời Hùng vương, rồi được kí âm bằng các chữ “身體”, “言語”. Tiếc là chữ viết thời Hùng Vương đến nay không còn dấu vết gì, chỉ có người Hán là may mắn giữ lại được.
Đến đây, chúng tôi tạm đưa ra vài câu hỏi để tự mình tìm hiểu:
Nếu cứ coi đây là một bài thơ Việt, thì tại sao người Việt thời Hùng Vương lại không dùng văn tự của chính mình để ghi lại chuỗi ngôn từ của tiếng Việt?
Mà lại dùng chữ Hán để ghi?
Bốn câu thơ mà Ts LMT phục dựng trên đây liệu có thể đọc theo “cách Việt” trong một văn bản văn xuôi tiếng Hán “điển nhã” dài đến 79.607 lượt chữ?
Chúng ta đã bao giờ thấy việc sử dụng những chữ cực khó (như匾, 虒,皺, [多頁],, 蹇) của tiếng Hán cổ để ghi âm lại tiếng Việt bao giờ chưa? Bởi đã dùng chữ Hán để ghi âm tiếng Việt thì ắt phải dùng những chữ thông dụng để mọi người cùng đọc được.
Chúng tôi cho rằng đoạn trên vẫn là những “ngôn từ điển nhã” của văn ngôn tiếng Hán cổ. Chúng tôi xin dịch lại như sau:
3. Phiên dịch lại đoạn văn
Nguyên văn “鼻正匾虒。身體繚戾。面皺脣[多頁][13]。言語蹇吃。”
Chú thích chữ nghĩa (loại trừ những chữ dễ):
Về chữ 匾 biển:“薄也。《方言》:物 之薄 者曰匾[匸+虒]。《玉篇》:匾. 匾[匸+虒]. 《廣韻》,匾。匾[匸+虒],薄也.”[Lâm Doãn & Cao Minh (chủ biên). Trung văn đại từ điển. (Q.37). Trung Quốc văn hóa nghiên cứu sở ấn hành & Hoa Cương văn hóa thư cục. tr 1956][14]. Chữ [ 匸+虒] được ghi nhận trong từ điển này bao gồm bộ hạp (匸) bao ở ngoài và chữ tì (虒) nằm ở trong bộ hạp. Do ít gặp, nên chữ này chưa được đưa vào trong bất cứ bộ gõ chữ nào. Chúng tôi đành phải mô tả cấu trúc hình thể lại như vậy. Theo Chính tự thông[15] chữ [ 匸+虒] (hạp + tì) còn có một tục tự nữa là [匸+ 虎] (hạp + hổ). Nhưng vị trí này trong văn bản được viết bởi chữ tì虒, như chúng tôi đã đề cập đến ở phần “2.Phản biện âm đọc”. Chúng tôi tạm đưa ra giả thuyết như sau: trong văn bản này, chữ tì[16] 虒là chữ giả tá của chữ [ 匸+虒], chúng có giá trị ngữ âm như nhau, có ngữ nghĩa như nhau khi đi với từ biển; vì hai chữ này hợp lại thành một từ song tiết. Vậy chữ [ 匸+虒] có âm đọc là gì? Trung văn đại từ điển cũng ghi: “廣韻》:土奚切。《集韻》:天黎切,音梯。” (Quảng vận: thổ hề thiết. Tập vận: thiên lê thiết, âm thê). Như vậy, chữ [ 匸+虒] đọc là THÊ. Đến đây chúng tôi phiên âm, dịch nghĩa lại đoạn trên trong Trung văn đại từ điển: Biển: “bạc dã. Phương ngôn: vật chi bạc giả viết BIỂN THÊ. Ngọc thiên: biển, biển thê. Quảng vận: biển, biển thê, bạc dã.” Dịch nghĩa: “Biển: nghĩa là mỏng. Sách Phương ngôn viết: vật gì mà mỏng dẹt thì nói là BIỂN THÊ. Sách Ngọc thiên viết: biển, tức BIỂN THÊ, nghĩa là mỏng). Tiểu kết: hai chữ 匾 [匸+虒] đọc là BIỂN THÊ nghĩa là “mỏng dẹt”. Câu “tị chính biển thê” nên dịch là “mũi thẳng và dẹt”. Rõ ràng là đặc điểm nhân chủng của vị phạm chí này không phải là người Việt. Như thế, Khương Tăng Hội dịch khá sát về ngữ nghĩa. Tiếc rằng, chúng tôi không biết tiếng Phạn để đối chiếu và kiểm chứng.
Về chữ “Liêu lệ”. Trung văn đại từ điển ghi: “Liêu lệ 繚戾: chỉ cái dáng nước chảy uốn éo (khuất khúc 屈曲)” [sđd, Q 26, tr.11308]. Đặt trong cả câu thì chữ này nên dịch như thế nào? “Thân thể liêu lệ” là lời của một chàng trai khi chê bai hình dáng của phạm chí ở huyện Cưu Lưu. Dĩ nhiên, không thể dịch một cách thô thiển là: thân thể uốn éo được. Chúng tôi tạm đưa ra hai giả thuyết để xử lý: nhứ nhất, chữ liêu lệ không chỉ dùng để chỉ dáng quanh co, uốn lượn của dòng nước chảy qua khe mà còn còn được dùng để chỉ dáng người. Thứ 2, từ liêu lệ chỉ có nghĩa “uốn éo” như trên, nhưng trong văn cảnh này, tác giả/ người dịch (người chuyển ngữ) đã dùng ngôn từ theo hướng văn học. Nếu dịch câu này theo đúng nghĩa từ điển và cho dễ hiểu hơn thì nên “tân dịch” (dịch từ Hán cổ sang tiếng Hán trung đại) là “thân thể khuất khúc”. Khuất khúc nghĩa là “bất trực” (không thẳng). Chúng tôi tạm đưa ra 2 cách dịch sau: 1. Thân hình khúc khuỷu (Ý tả hình dáng gầy gò, chân tay cong và teo tóp); 2. Thân thể còng queo. Với cả hai cách dịch trên, câu văn trở nên hợp nghĩa hơn với cả đoạn văn miêu tả một vị phạm chí tóc bạc, da mồi.
Về chữ trứu 皺 (Ts LMT đọc nhầm là sô 芻). Chữ trứu gồm bộ bì 皮để trỏ trường nghĩa (liên quan đến da) và âm sô 芻(Sô芻được dùng làm thanh phù để tạo nên các chữ khác, một số chữ có âm đọc là sô như雛鶵犓蒭, và một đôi chữ có âm đọc là trứu 皺縐謅). Từ nguyên ghi: “Trứu: chỉ mặt có nếp nhăn, vật gì mà có nếp vết cũng đều dùng chữ trứu cả.”[tr.1184.4]。Đỗ Phủ 杜甫trong bài《病后过王倚饮赠歌》viết:"肉黄皮皺命如线。" (nhục hoàng bì trứu mệnh như tuyến) nghĩa là: thịt vàng, da nhăn, mệnh đã mỏng như cái sợi. Ts Lê Mạnh Thát không dịch mà phiên âm thành “xô”.
Về chữ [多頁] (chữ này không có trong các bộ gõ, nên chúng tôi tam mô tả như sau: chữ đa ở bên trái, bộ hiệt ở bên phải). Trung văn đại từ điển ghi: “[多頁]《廣韻》: 丁可切。《集韻》:典可切,音嚲, 上聲。醜貌” [tr.16076]. (Sách Quảng vận ghi: đinh khả thiết. Sách Tập vận ghi: điển khả thiết, âm ĐẢ, nghĩa là vẻ xấu xí.) Chữ này cũng rất ít xuất hiện đến mức các từ điển thông thường không ghi nhận. Như vậy câu: “diện trứu thần đả” dịch là: mặt nhăn nhúm, môi xấu xí.
Về chữ kiển ngật 蹇吃. Sách Trung văn đại từ điển ghi: “《一切經音義, 引通俗文》: 言不通利,謂之蹇吃” nghĩa là “ Sách Nhất thiết kinh âm nghĩa có dẫn sách Thông tục văn rằng: lời nói không lưu loát, thì gọi là Kiển ngật”. Như vậy, Kiển ngật nghĩa là: lắp bắp, lúng búng (hoặc cũng có thể dịch là ngọng nghịu như Ts LMT, nhưng chữ này chỉ dùng cho trẻ em đang ở độ tuổi nói chưa sõi). Như vậy câu: “ngôn ngữ kiển ngật” nên dịch là “ăn nói lắp bắp”.
Bây giờ, chúng ta thử đặt các câu dịch trên trong toàn bộ đoạn văn xem như thế nào: “Mặt mày đen đúa, mũi cao và dẹt, thân hình còng queo, mặt nhăn môi xấu, ăn nói lắp bắp, hai mắt thì xanh, dạng hình như quỷ... ”. Đây là đoạn văn chữ Hán hoàn toàn. Tuy nhiên, hình thức bốn chữ của cổ văn khiến cho Ts LMT giải quyết theo hướng “thơ hóa”. Như thế, Ts Lê Mạnh Thát đã biến một đoạn “văn Hán” trong một văn bản Hán văn cổ kính và “điển nhã” thành “thơ tiếng Việt thời Hùng Vương”. Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin trích lại một đoạn lập luận của Ts LMT: “Ấn tượng “văn từ điển nhã” ấy có được là do khi dịch Lục độ tập kinh , Khương tăng Hội đã sử dụng một bản đáy tiếng Việt, thay vì tiếng Phạn. Chính nhờ căn cứ vào bản đáy Lục độ tập kinh tiếng Việt này, Khương Tăng Hội mới có được một bản Lục độ tập kinh tiếng Trung Quốc mang tính “văn từ điển nhã” vừa thấy” [tr.394].
về loạt bài này xin vào: http://lequangthong.jimdo.com/literature/history/
________________________________________
Chú thích
[1] Nguyên văn: 條奏越律與漢律駮者十餘事. [Hậu Hán Thư. Quyển 54]. Chữ “條奏điều tấu” nên dịch sang tiếng Việt là “theo từng điều một mà tâu lên trên 逐条上奏” [罗竹风 主编. 《汉语大词典(全13卷)》。汉语大词典出版社1994。第01卷, tr. 1482]. Chúng tôi xin trích dịch cả đoạn để làm tư liệu: ..." 援所过辄为郡县治城郭,穿渠灌溉,以利其民。條奏越律与汉律驳者十余事,与越人申明旧制以约束之,自后骆越奉行马将军故事。Cả câu dịch là: "Mã Viện đi đến đâu cũng tu sửa thành quách, đào mương máng tưới tiêu, để làm lợi cho dân. Theo từng điều mà tấu trình về hơn chục chỗ trái nhau giữa Việt luật với Hán luật, giảng giải cho người Việt rõ về phép tắc cũ để ước thúc họ, từ đó người Lạc Việt phụng theo phép tắc cũ của Mã Tướng quân" [许嘉璐主编.《二十四史全译-后汉书-第2册 . 世纪出版集团-汉语大词典出版社2004,tr.657.]
[2] Tuy nhiên, biểu tượng trứng là một mẫu số phổ quát ở mọi nền văn hóa từ Celtes, Hy Lạp, Ai Cập, Phénicien cho đến Tây Tạng, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản. [Jean Chevalier & Alain Gheerbrant.1997. Từ điển biểu tượng văn hóa Thế giới. (bản dịch do Phạm Vĩnh Cư chủ biên). Nxb Đà Nẵng & Trường Viết Văn Nguyễn Du. H. tr.961-965.] Ông còn khẳng định: “những đối tượng này chắc chắn không phải là người Trung Quốc mà là người Việt Nam, người thuộc một dân tộc tự nhận tổ tiên mình sinh ra từ một trăm cái trứng, như Lĩnh Nam chích quái và Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi”[tr.194] Khốn nỗi, cả hai văn bản này đều ra đời sau Lục độ tập kinh đến cả hơn ngàn năm.
[3] Hà Văn Tấn. 2002. Chữ trên đá, chữ trên đồng- Minh văn và lịch sử. Nxb. KHXH.212tr.
[4] Theo những nghiên cứu về chữ Nôm tính đến thời điểm viết bài.
[5] Theo chứng minh của Hoàng Thị Ngọ thì văn bản Phật thuyết... do Trịnh Quán đem khắc lại vào trước năm 1730. Còn theo chứng minh của Nguyễn Quang Hồng qua việc tái lập ngữ âm từ chứng tích về chữ Nôm cổ thì tiếng Việt trong bản này thuộc về thời Lý-Trần. “Cũng cần lưu ý đến những văn bản chữ Nôm mặc dầu chưa xác minh được niên đại, song xét về mặt ngôn ngữ được ghi chép bằng chữ Nôm trong đó, ta thấy những dấu hiệu của một tiếng Việt cổ xưa, có thể là xưa hơn cả các văn bản thời nhà Trần. Đó phải chăng là trường hợp của văn bản giải âm (trực dịch từ Hán sang Nôm) trong sách Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, trong đó ngoài những chữ Nôm tự tạo, có hàng loạt từ ngữ tiếng Việt được viết bằng hai chữ vuông Hán, phản ánh tình trạng cấu trúc ngữ âm từ theo kiểu MiS+MaS (âm tiết phụ + âm tiết chính) hoặc CCVC với tổ hợp phụ âm đầu khá đa dạng, như 破 散 "phá tán" *păsanh / psănh > rắn) 破 了 "phá liễu" *pălau / plău > sáu, "cư mãng" 車 莽 * kămang / kmăng > mắng , "cá nô" 个 奴 *kăno / kno > no, v.v., là những gì đặc trưng cho tiếng Việt sơ kỳ, có thể là vào thời nhà Lý, là thời kỳ đạo Phật rất thịnh hành ở nước ta”. [Nguyễn Quang Hồng. 2004. Một số vấn đề và khía cạnh nghiên cứu chữ Nôm. Trong Nghiên cứu chữ Nôm. Viện NCHN & The Vietnamese Preservation Nom Foundation (USA). Nxb KHXH.H.tr.32-33] .
[6] Xin xem Nguyễn Quang Hồng phiên khảo, 2001. Tân biên truyền Kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[7] Hoàng Xuân Hãn. 1998. Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần- Lê, trong “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn”. Nxb. Giáo dục. Hà Nội.
[8] Văn Uyên Các. Tứ Khố toàn thư. Thượng Hải nhân dân xuất bản xã.
[9] Chữ này khó và ít xuất hiện đến mức không thấy trong bất cứ một bộ phông tiếng Hán nào có mã chữ này cả. Các từ điển như Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, Từ nguyên , hay Khang Hi tự điển đều không có chữ này. Chúng tôi tạm ghép như trên và để trong ngoặc kép.
[10] Lê Mạnh Thát. 2001. Tổng tập văn học phật giáo Việt Nam. nxb Thành phố Hồ Chí Minh. tr.423; tr.435; Lê Mạnh Thát. 2005. Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 205. http://www.quangduc.com/lichsu/14vanhocpgvn07.html
[11] Còn theo Ngô Chấn Phương trong sách Độc thư chính âm thì tá âm được chia nhỏ ra làm nhiều loại như: đồng âm tá nghĩa, tá đồng âm nhưng không tá nghĩa, nhân nghĩa tá âm, ...
[12] “sự tương ứng về ngữ âm đã được sử dụng trong một số tên riêng như 須佐 cho “Susa” trong “速須佐之男命” hayasusanowo [Tên một vị nam thần trong Kojiki, em trai của nữ thần mặt trời], hay 須賀 cho /Suga/ trong “須賀宮” (cung Suga). Phương pháp [mượn] âm này đã được tiếp thu một cách hoàn hảo trong một bài hát nổi tiếng bắt đầu bằng “yakumo tatu...”. Sự tương ứng về ngữ âm không phải là một chiều hướng lấn át, trừ trường hợp đối với tên riêng hoặc bài hát. Thậm chí trong tên riêng, phương pháp ngữ âm không phải luôn được chấp nhận.” [theo Nguyễn Khắc Kham. 1974. Chu Nom or the Former Vietnamese Script and its Past Contribution to Vietnamese Culture (NTC dịch), Area and Culture Series (Tokyo, Japan) 24.171-189.]
[13] Chữ này khó và ít xuất hiện đến mức không thấy trong bất cứ một bộ phông tiếng Hán nào có mã chữ này cả. Các từ điển như Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, Từ nguyên , hay Khang Hi tự điển đều không có chữ này. Chúng tôi tạm ghép như trên và để trong ngoặc kép.
[14] 林尹 & 高明 (主編)。中文大辭典。(第37 卷)。中國文化研究所印行 & 華岡文化書局。
[15] Chuyển dẫn theo林尹 & 高明 (主編)。中文大辭典。(第37 卷)。中國文化研究所印行 & 華岡文化書局. tr. 1960.
[16] Nêu Tì là từ đơn tiết thì có 2 nghĩa: Sách Chu dịch tượng từ (quyển 3) viết: “tì là loại hổ có sừng ở trên đầu, loại thú này không thấy ở trên đời.” Chữ này còn có nghĩa là “thò thụt, so le” như câu "偨池茈虒” trong bài 《Thượng lâm phú上林赋》của Tư Mã Tương Như.
Tôi đã đọc wa blog của văn nhân Nguyễn Quang Nhật, & nhận thấy từ sử thuyết của ông, thì bài viết này có nhiều điểm chung. Mong các ông có dịp jao tiếp với nhau nhất là thiền sư Lê Mạnh Thác.
Trả lờiXóaTôi xin gởi đường dẫn blog của Nguyễn Quang Nhật để jới thiệu về ổng:
https://huvi.wordpress.com/