Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Tiếng Việt thời Hùng Vương? (2)

Đọc xong bài Lâu đài trên mây hay dự cảm sáng suốt? của ông Hà Văn Thuỳ đăng trên viet-studies.info, tôi nghĩ có thể coi đó là bài viết được diễn đạt bằng một loại ngôn từ đam mê và tràn đầy nhiệt huyết tìm về về cội nguồn văn hoá Việt Nam. Xét trên phương diện mục đích thì ông Hà Văn Thuỳ phần nào cũng có điều đáng quý, tương tự như ông Lê Mạnh Thát, bởi xuất phát điểm của hai ông, theo như tôi biết ở đây, là thuần về văn hoá. Và tôi xin được chân thành ghi nhận các “phản tư” với yêu cầu phải viết lại lịch sử của ông Hà Văn Thùy; đồng thời, tôi cũng muốn gửi lời tri ân đến ông, vì ông đã đồng điệu với tôi ở chỗ… “nghi ngờ kinh sách của Tàu”.

Nhưng, tôi cũng có vài lời muốn thổ lộ với ông rằng: tôi chỉ là một người đang học chữ Hán, chứ không phải là một nhà Hán học - vinh dự mà ngay đến lúc này tôi vẫn chưa dám mơ tưởng. Cho nên, với các ngôn từ ông đã ưu ái dành cho tôi, quả là tôi không dám nhận. Tôi chỉ là một người làm việc trên cơ sở của các cứ liệu, tôi hoàn toàn không thuộc về phe nào, kể cả “Việt tâm” lẫn “Hoa tâm”, cho dù trong khi say sưa quy kết tôi là “tín đồ của chủ nghĩa Hoa tâm”, ông Hà Văn Thuỳ đã rạch ròi chia đôi “chiến tuyến” Hoa - Việt và mặc nhiên nhận mình đứng về một trong hai phe. Tôi xin phép được đứng ngoài sự phân loại của ông, nếu điều đó có làm cho ông không còn đối tượng để tranh luận thì hy vọng sau đây ông sẽ không tiếp tục tranh luận… theo lối độc thoại!

Về quan niệm của di truyền học với cổ sử và nguồn gốc của dân tộc Việt, tôi không dám lạm bàn. Vì khi đọc các bài viết của ông Hà Văn Thùy đã đăng tải trên internet, tôi thấy dường như ông chủ yếu chỉ dựa vào ý kiến của hai tác giả Kim Định và Stephen Oppenheimer, còn các ý kiến phản biện bất lợi cho giả thuyết này thì ông không để ý, hoặc có để ý thì lờ đi không trích dẫn[1]. Và thực tế thì các cứ liệu trong bài viết của ông khi trao đổi với tôi chỉ là cắt dán (cut & paste), dùng đi dùng lại từ bài này sang bài kia. Tôi cũng đã đọc đôi bài ông tranh luận với Tạ Chí Đại Trường và Huệ Thiên, và cảm giác của tôi (có lẽ cũng giống với một số người) là rất “ngại” đối thoại với… ông. Bởi ai cũng biết một điều là ông không biết tại sao người khác lại “ngại” ông! Tuy nhiên, ông đã có lời thì tôi xin thưa lại, và cũng chỉ thưa lại một lần mà thôi.

1. Những ngôn từ mê mải với lập luận mải mê

Đọc bài viết của ông, tôi bị khựng lại khá nhiều lần về lỗi từ ngữ, lỗi văn phạm và nhất là lỗi lập luận, như việc ông nhận xét tôi “giữ thái độ tương kính” với ông Lê Mạnh Thát chẳng hạn. Tôi và ông Lê Mạnh Thát không hề quen biết nhau, ông ấy cũng chưa có câu nào đối thoại với tôi, vậy làm sao có thể nói là có thái độ “tương kính” được. Tôi nghĩ trước khi viết báo, nhất là trước khi đưa ra nhận xét, ông Hà Văn Thuỳ nên tra từ điển tiếng Việt một cách cẩn trọng. Ở đây chỉ nên sử dụng các từ chỉ có tính một chiều như “kính trọng, trọng thị, tôn trọng” là được rồi.

Thêm nữa, thưa ông, chữ “lê dân 黎民” là một từ Hán nghĩa là “dân chúng” (lê nghĩa là đông đúc, tức chỉ bách tính, trăm họ) chứ không phải là “dân có nước da đen” (mặc dù lê còn có một nghĩa nữa là đen[2]) như các bài viết ông đã công bố. Tôi tạm đặt ra hai giả thuyết: 1. Ông Hà Văn Thuỳ không biết tiếng Hán. 2. Ông có biết tiếng Hán (ở một mức độ nào đó mà tôi không biết được) nhưng đã bẻ quặt ngôn từ để phục vụ cho giả thuyết “di dân” của một số người[3], thì xem ra điều đó cũng không được sòng phẳng lắm. Ở trong nước viết với nhau như thế cho vui (mà thực tế là không nên viết, vì rất có hại với bạn đọc nhỏ tuổi), chứ để người nước ngoài nào đó có nghiên cứu vấn đề mà người ta đọc được, thì họ cười cho. Đến đây tôi bỗng nhớ đến hai câu thơ có phần yếm thế và hơi thái quá của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: “Dân 25 triệu ai người lớn? - Đất 4000 năm vẫn trẻ con”.

Rồi ông mê mải lập luận, tôi xin được dẫn lại: câu trước ông viết “Ban đầu tiếng nói được ký tự bằng chữ Khoa đẩu[4] của người Việt. Khi chế ra chữ vuông, tất cả từ vựng chuyển sang viết bằng chữ vuông: tiếng Việt biến thành tiếng Hán” nhưng ngay lập tức đến câu sau, ông “đá” lại mình mấy cú ra trò “Bây giờ chúng ta biết được rằng, tổ tiên ta là chủ nhân ông đầu tiên của đất Trung Hoa, từng sống ba bốn vạn năm trên lưu vực Hoàng Hà, tiếng nói Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán thì vấn đề đã khác” hay “Dù gì đi nữa thì việc xuất hiện những tên riêng Việt như vậy cũng là chỉ dấu xác nhận tiếng Việt đã gia nhập ngôn ngữ Trung Hoa.” Lạ thật, lúc thì tiếng Việt biến thành tiếng Hán, lúc thì tiếng Việt là chủ thể tạo nên tiếng Hán, lúc khác tiếng Việt lại gia nhập tiếng Hán. Ông làm tôi muốn nghĩ đây là ngôn ngữ của một người bị “tẩu hoả nhập ma”. Đọc cứ rờn rợn thế nào ấy!

Ông viết: “Ngày nay, nhờ sự hiểu biết chính xác lịch sử hình thành dân cư cùng văn hóa Á Đông, ta biết được nhiều điều về quá khứ. Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc phát hiện tại di chỉ Bán Pha 2 (gần Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây) một văn bản khắc trên bình gốm 12.000 năm trước với những ký tự “gợi nhớ” đến chữ thời nhà Thương. Tại Giả Hồ (Hà Nam) gần 9000 năm trước đã tìm thấy những ký tự khắc trên mai rùa gợi hình chữ “mục”, “cửa sổ”… Đó là chữ mà người Việt đã sáng tạo gần 10.000 năm trước khi người Hán ra đời! Nhưng rồi sau đó mất đất, mất nước, nên người Việt xuống phía nam mất luôn chữ viết. May mà còn giữ được “tiếng ta”. Sau này, “tiếng ta” được ký tự bằng âm Nôm rồi quốc ngữ”. Căn cứ vào đó, tôi tạm vẽ ra “tam đoạn luận” của ông như sau:

Tam đoạn luận thứ nhất:

a. Cách nay 5000 năm, người Bách Việt hoà huyết với người Mongoloid phương Bắc để tạo nên Hán tộc (lớp con lai của chủng Mongoloid phương Nam) [đây chỉ là giả thuyết chứ chưa phải là định đề, chính ông Stephen Oppenheimer cũng nói vậy[5]].

b. Văn tự đã xuất hiện tại một số di chỉ khảo cổ tại Trung Quốc có niên đại cách nay 9000-12000 năm;

c. Kết luận: “Đó là chữ mà người Việt đã sáng tạo gần 10.000 năm trước khi người Hán ra đời!”.

Tam đoạn luận thứ hai:

a. “tổ tiên ta là chủ nhân ông đầu tiên của đất Trung Hoa, từng sống ba bốn vạn năm trên lưu vực Hoàng Hà”.

b. “tiếng nói Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán”; “ngôn ngữ Trung Hoa kế thừa ngôn ngữ Việt từ nguồn cội”.

c. Kết luận: có thể “tìm dấu vết Việt trong thư tịch Trung Hoa”; “ý tưởng của Thiền sư Lê Mạnh Thát không phải “lâu đài cất từ hơi nước” mà là dự cảm tài tình về sự đóng góp của tiếng Việt vào ngôn ngữ Trung Hoa.”

Và ông Hà Văn Thuỳ đã thực hiện nguyên xi cái thao tác mà ông Lê Mạnh Thát đã dùng: đi tìm hình dáng tiếng Việt qua các văn bản chữ Hán.

Nhưng, tôi đồ rằng ông Hà Văn Thuỳ không có khả năng đọc hiểu tiếng Việt hiện đại, hoặc là ông không có khả năng tư duy bằng khái niệm; bởi mặc dù ông có trích dẫn lập luận của tôi, nhưng ông không hề biết tôi định nói gì. Tôi phản biện ông Lê Mạnh Thát: “Ông đã đem những cái “phi đồng đại” ở những không gian địa lý khác nhau so sánh và đồng quy. Nói đơn giản hơn: ông dùng cái tư duy tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt hiện đại) để tìm kiếm một số ít hiện tượng tương đồng trong một văn bản Hán văn cổ, sau đó đưa ra 2 chủ ý: 1. Bản Hán văn bị ảnh hưởng của tiếng Việt; 2. Tiếng Việt thời Hùng Vương không có thay đổi gì so với tiếng Việt hiện nay ở kết cấu trung - định”, và trong bài viết của mình, tôi luôn nhắc lại các câu hỏi rằng: Tiếng Việt là tiếng Việt nào? Tiếng Hán là tiếng Hán nào? Tiếng Việt và tiếng Hán có quan hệ gì với nhau không? Tôi nhắc như thế để những người quan tâm đến văn hoá cổ nước nhà tìm đọc tài liệu của các nhà chuyên môn, xem họ nghiên cứu ra sao, thành tựu đến đâu. Nhưng có lẽ, ông Hà Văn Thuỳ không tìm đọc, nên tôi đành phải thưa với ông như dưới đây (tôi cũng xin lỗi bạn đọc là ở đây tôi chỉ làm người repeat mà thôi).

2. Tiếng Việt, tiếng Hán và nguồn gốc của chúng

2.1. Theo kết quả nghiên cứu của giới nghiên cứu ngôn ngữ, thì “tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc nhóm Việt - Mường, tiểu chi Việt - Chứt, nằm trong khối Việt - Katu, thuộc khu vực phía đông của ngành Mon - Khmer, họ Nam Á… Proto - Việt Chứt, tức cái ngôn ngữ mẹ, chung cho cả nhóm Việt Mường và Pọng Chứt, không tách trực tiếp từ Proto Mon - Khmer mà tách ra từ khối Proto Việt = Katu. Thời gian chia tách này cách nay trên 4000 năm (Xin nhấn mạnh - TTD)… ” [Nguyễn Thiện Giáp, Khái quát về sự hình thành và phát triển của tiếng Việt, trong Lược sử Việt ngữ học, T.1, Nxb Giáo dục. H. 2005. tr.15] . “Sự tiếp xúc với người Hán, tiếng Hán, nền văn hoá Hán đã xảy ra trước khi người Hán xâm lược, nhưng để lại dấu ấn sâu đậm vẫn là sự tiếp xúc trực tiếp trong suốt 1000 năm Bắc thuộc. Ảnh hưởng của tiếng Hán, văn hoá Hán không toả ra đồng đều trên toàn lãnh thổ bị chiếm đóng. Ảnh hưởng đó ở vùng phía Bắc sâu đậm hơn ở vùng phía Nam, ở vùng đồng bằng sâu đậm hơn ở vùng núi. Chính vì vậy, sự khác biệt vốn đã có giữa nhóm Pọng Chứt và nhóm Việt Mường ngày càng rõ nét và cuối cùng đã phân hoá thành hai nhóm ngôn ngữ cách đây từ 2000 đến 2500 năm (Xin nhấn mạnh - TTD). Trong nội bộ nhóm Việt - Mường về sau lại phân hoá thành tiếng Việt ở miền châu thổ sông Hồng và tiếng Mường ở thượng du Hoà Bình, Sơn La, Phú Thọ. Sự phân hoá này diễn ra cách đây từ 1000 đến 1500 năm (Xin nhấn mạnh - TTD). ” [sđd, tr 16-17]. Theo đó thì cái mà ông Hà Văn Thuỳ gọi là “tiếng ta” hay “tiếng Việt” chỉ tồn tại quãng từ hơn 1000 năm trở lại đây thôi.

Còn việc phân kỳ lịch sử tiếng Việt trong 1000 năm này thì tôi cũng xin nêu luôn ở đây. Theo GS Nguyễn Tài Cẩn[6], tiếng Việt có 6 giai đoạn: 1. Giai đoạn Proto Việt (TK VIII - TK IX); 2. Giai đoạn tiếng Việt tiền cổ (TK X - TK XII); 3. Giai đoạn tiếng Việt cổ (TK XIII - TK XVI); 4. Giai đoạn tiếng Việt trung đại (TK XVII - TK XIX); 5. Giai đoạn tiếng Việt cận đại (1858 - 1945); 6. Giai đoạn tiếng Việt hiện đại (từ năm 1945 trở đi). Kết luận trên là thành quả nghiên cứu của hàng chục nhà khoa học trong và ngoài nước trong quãng 200 năm qua, chỉ có điều hơi lạ một chút là chủ yếu do các học giả nước ngoài, như J. R. Logan, W. Schmidt, H. Maspero, A. G. Haudricourt… tiến hành.

Liệu ông Hà Văn Thuỳ có biết rằng tiếng Việt ngay vào thế kỷ XVII đây thôi vẫn còn các tổ hợp phụ âm đầu như Bl, Kl…, liệu ông có biết rằng vào thế kỷ XII - XVI vẫn còn tồn tại rất nhiều từ song tiết (chứ không phải đơn tiết như tiếng Việt ngày nay) như mangơ (con ngựa), lata (hòn đá). Hay ông có tưởng tượng được rằng, vào quãng năm thế kỷ trước khi giành được quyền tự chủ, tiền thân của tiếng Việt chỉ có 3 thanh, và khi ở giai đoạn bắt đầu tiếp xúc với tiếng Hán nó vẫn là thứ ngôn ngữ không có thanh điệu… Tất cả những điều đó cho thấy ngôn ngữ là một thực thể biến đổi liên tục, chứ không phải là một thứ nhất thành bất biến trong suốt mấy ngàn năm. Không biết đến đây ông Hà đã hiểu cái mà tôi gọi là “phi đồng đại” là thế nào chưa nhỉ?

2.2. Trái với khái niệm “tiếng Việt”, khái niệm “tiếng Hán” được dùng để cho thứ ngôn ngữ mà chủ thể là tộc Hán dùng cách nay quãng 3500 năm (dài hơn khoảng 2000 năm so với tiếng Việt), thứ tiếng này thuộc về ngữ hệ Hán - Tạng. Để cho tiện kiểm chứng, tôi cũng xin trích dẫn: “Tiếng Hán từ khi có chứng tích văn tự ghi lại đã hơn 3500 năm lịch sử. Lịch sử tiếng Hán có thể được chia ra những giai đoạn cụ thể trên cơ sở những khác biệt về ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng. Về đại thể, các nhà nghiên cứu tiếng Hán cho rằng, có thể chia ra ba giai đoạn phát triển lớn: tiếng Hán cổ đại (từ khi có chứng tích văn tự ghi lại cho đến khoảng thế kỷ VI), tiếng Hán trung đại (từ thế kỷ VII cho đến nửa đầu thế kỷ XIX); tiếng Hán hiện đại (từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay)”[7]. Trên đây là kết quả thu được từ những nghiên cứu của giới Hán học ở Liên Xô (cũ) với các tên tuổi lớn như S. E. Jakhontop, Kriukov, I. C. Gurevic, I.T Zograph,… cộng thêm là của giới nghiên cứu bản địa - Trung Quốc, cực kỳ hùng hậu.

Ngoài ra, gần đây giới nghiên cứu Hán học, còn bổ sung thêm một giai đoạn nữa đó là giai đoạn tiếng Hán viễn cổ (từ đời Thương trở về trước). “Theo nhiều nghiên cứu của giới Hán ngữ học (Mantaro Hashimoto 1980, Trần Kì Quang 1990, Cao Hoa Niên 1992, Cù Yết Đường & Kính Tùng 2000, Đinh Bang Tân, Lưu Trung Hoa 2003, Trịnh Hưng Phương & Trương Kì 2005, Cliff Goddard…) cho biết, trong tiếng Hán thời viễn cổ (trước thời nhà Thương), cấu trúc chính phụ thể từ tính (mà tiếng Hán hiện đại gọi là cấu trúc định ngữ - trung tâm ngữ) từng có trật tự là trung - định, từ thời Thương Chu trở đi thì dần dần biến thành định - trung.”[8]

2.3. Đến đây, tạm có thể thấy rằng:

- Tiếng Việt và tiếng Hán là hai thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau về nguồn gốc. Tiếng Việt thuộc về họ Nam Á. Tiếng Hán thuộc về Hán - Tạng.

- Quan hệ giữa tiếng Việt và tiếng Hán chỉ là quan hệ tiếp xúc trong khoảng 2000 năm nay. Không có chuyện cái nào là “chủ nhân ông” của cái nào. Còn tiếp xúc, vay mượn lẫn nhau[9] là hiện tượng phổ quát của mọi ngôn ngữ, nên không có gì phải xấu hổ hay tự ti. Tôi nhớ hồi còn học lớp 10 phổ thông, tôi cũng có cảm giác tự ti ấy vì chưa đủ phông kiến thức để hiểu về tình trạng vay mượn từ vựng. Và cứ xét đoán theo lối của ông thì đến một ngày nào đó, căn cứ vào các từ đại loại như xúp-lơ, xà-lách, ghi-đông, poóc-tăng, xà-phòng,… sẽ có người bảo rằng tiếng Việt hiện đại có nguồn gốc từ tiếng Pháp hoặc ngược lại, tiếng Pháp đã có nguồn gốc từ tiếng Việt[10]!

- Không thể đem tiếng Việt hiện đại (1945 - nay) (thứ tiếng Việt mà ông Hà Văn Thuỳ, ông Lê Mạnh Thát và tôi đang nói) để so sánh với văn bản Hán văn của giai đoạn tiếng Hán cổ đại được (TK XV Tcn - TK VI Scn)

- Hiện tượng trung - định trong tiếng Việt, như tôi đọc được qua các văn bản Nôm hiện tồn (khoảng từ TK XII - nay), cũng như trong tiếng Hán cổ đại thuộc về phổ niệm ngôn ngữ. Bởi quan hệ giữa danh từ và từ tu sức cho nó chỉ có 3 dạng: không trung - định thì là định - trung; không thì là trung - định - trung, như tiếng Việt và tiếng Anh hiện nay, ví dụ: một người con gái Việt nam xinh xắn và khờ khạo - a Vietnamese girl pretty and unwise.

- Ta chưa khai quật được bất cứ văn bản nào ghi lại tiếng Việt - Mường hay ProtoViệt Chứt cả. Nên không có gì để mà so sánh hay nghiên cứu.

3. Bàn lại về hiện tượng trung - định và định - trung

Ở trên, tôi đã ngỏ ý tri ân ông Hà Văn Thuỳ vì ông đã nhắc tôi “nghi ngờ kinh điển Tàu”. Ông phản biện tôi khá nhiều, nhưng ông chỉ đúng ở một điểm; đó là tinh thần nghi ngờ. Còn câu “hàm hồ” nhất của tôi thì lại được ông khen: “Ông Trần Trọng Dương nói đúng một điều: ‘Thêm nữa, với sự ghi nhận của từ điển, các từ trung cung, trung tâm, trung đình thuộc về vốn từ vựng cơ bản của tiếng Hán suốt từ thời cổ đại cho đến ngày nay’…” Thực ra, trong bài viết phản biện lại ông Lê Mạnh Thát, tôi đã hữu ý để lại đôi ba sơ hở làm địa dư cho cuộc thảo luận. Rất may cho tôi là ông Hà Văn Thuỳ đã chạm được vào một trong những điểm mà tôi và một số người nữa đang chờ đợi.

Việc ông nghi ngờ Từ nguyên là hoàn toàn chính xác. Vì đây là một cuốn từ điển soạn vào những thập kỷ đầu của thế kỷ trước, khi ấy hầu như chưa có khái niệm gì về ngôn ngữ Hán - Tạng hay những đợt tiếp xúc giữa tiếng Hán viễn cổ với các ngôn ngữ có cấu trúc trung - định như Đồng - Thái, Miêu - Dao. Đến giữa thế kỷ XX, GS Vương Lực mới cho là tiếng Việt thuộc vào ngữ hệ Hán - Tạng, bây giờ thì không còn ai còn nói như vậy nữa. Mặt khác, Từ nguyên chỉ là một cuốn từ điển ngữ văn, dùng để tra điển cố, chứ không phải là cuốn từ điển chuyên ngành ngôn ngữ học. Từ điển này, sưu tầm và giải thích các từ ngữ của tiếng Hán cổ đại và tiếng Hán trung đại. Và, nếu tin tuyệt đối vào Từ nguyên ở những trường hợp có sự thay đổi từ tiếng Hán cổ đại sang tiếng Hán trung đại sẽ là sai lầm. Cho nên, câu nói của tôi đã trích dẫn ở trên, là trường hợp mà tôi đã hữu ý chừa lại một trong những vấn đề cực khó và cực tế nhị của tiếng Hán trong lịch sử, vì sợ đi sâu quá sẽ làm khó người đọc. Nhưng giờ thì không thể né tránh được nữa, tôi xin trình bày lại ở đây.

Cụ thể như sau:

Cấu trúc trung - định là một hiện tượng mang tính phổ biến trong tiếng Hán cổ và Viễn cổ (từ TK VI trở về trước). Đây cũng là một đặc điểm khá quan trọng của tiếng Hán cổ, cho nên ở Trung Quốc đã đưa vào chương trình dạy cho học sinh trung học vào năm 1979. Nhưng đến cuối giai đoạn Hán cổ đại và đầu giai đoạn Hán trung đại tiếng Hán dần chuyển sang cấu trúc định - trung. Điều này thể hiện khá rõ trong những thống kê của ông Lê Mạnh Thát[11]. Chỉ có điều, đây là sự vận động của tự thân tiếng Hán. Như thế, cấu trúc trung - định trong tiếng Hán cổ lại vô tình giống như trong tiếng Việt hiện đại. Cứ như theo lập luận của ông Hà Văn Thuỳ và ông Lê Mạnh Thát thì những tổ hợp phụ âm đầu trong tiếng Hán cổ đại như *gr, *kr có khi lại được bắt chước từ hiện tượng tượng tự trong tiếng Việt cổ trung đại, như Bl, Tl! Nhưng thực tế là, tiếng Hán đã thực hiện quá trình đơn tiết hoá trước tiếng Việt cả 2000 năm. Và tiếng Việt có 6 thanh như ngày nay là do 1000 năm liên tục bị tiếp xúc cưỡng bức với tiếng Hán.

Mặt khác, sau khi tiếng Hán đã hoàn tất quá trình “định - trung hóa” (quãng Lục triều và đời Đường), thì trong văn chương, do tâm lý sùng cổ, người ta vẫn dùng một số các hiện tượng trung - định vốn là văn liệu từ Thi, Thư, Lễ, Luận, Dịch …để cho văn chương thêm cổ kính và điển nhã. Đây là một trong những yếu tố tạo nên hiện tượng văn ngôn. Và trong quá trình sử dụng lâu dài, người Hán đã “từ vựng hoá” các hiện tượng như kiểu trung cung, trung tâm này. Như thế, trung cung hay trung tâm vốn là một cụm từ có kết cấu lỏng trong Hán ngữ viễn cổ và Hán ngữ cổ đại đã trở thành từ vựng trong Hán ngữ trung đại về sau, dĩ nhiên giai đoạn chuyển tiếp sẽ tồn tại khả năng “lưỡng dụng”. Theo tiêu chí phân biệt trung - định, định – trung, tôi tạm phân kì lịch sử tiếng Hán thành 4 giai đoạn như sau:

Tiếng Hán


Trung - định


Định - trung


Chú thích

Viễn Cổ
(trước nhà Thương)


+





Giống như các nhóm Đồng Thái..

Cổ đại (Thương – II tcn)


+





Sưu tập dân gian

Cổ - trung đại (I tcn - VI scn)


+


+


Lưỡng dụng

Trung đại (VII - nửa đầu XIX)


(sùng cổ, dùng trong văn ngôn)


+


“từ vựng hoá” kết cấu trung định

Hiện đại (Nửa cuối XIX -nay)





+




Qua bảng phân loại, có thể thấy một điều là giai đoạn tiếng Hán cổ- trung đại là giai đoạn chuyển tiếp (từ Hán cổ đại sang Hán trung đại). Trong tâm lý người bản ngữ lúc đó, kết cấu trung-định hay định-trung là lưỡng khả. Sang giai đoạn trung đại, tiếng Hán đang hoàn tất quá trình “định-trung hoá”. Nhưng, hiện tượng sùng cổ (trích dẫn, dùng lại kinh điển cổ nhân) của văn nhân, sĩ tử khiến cho kết cấu trung -định vẫn được sử dụng, và trong quá trình sử dụng các nhà huấn hỗ đã chú giải nó để cho người đương thời có thể hiểu được. Quá trình “từ vựng hoá” kết cấu này phần nào đó đã nảy sinh từ việc chú giải kinh điển. Và như thế, ngôn ngữ trong Lục độ tập kinh của Khương Tặng Hội viết tại Giao Châu (nhà Hán) sẽ phải thuộc về giai đoạn tiếng Hán cổ - trung đại.

Cho nên, Thang Dụng Đồng đã khen Lục độ tập kinh “văn từ điển nhã 文辭 典 雅” là hết sức chính xác; vì “điển nhã” là một từ để chỉ văn chương có nội hàm sâu sắc, có điển cố, có từ chương, có độ cổ kính và uyên áo, và quan trọng nhất nó thể hiện trình độ văn bút cũng như mỹ cảm ngôn từ của người viết (dĩ nhiên người khen sẽ có chung một tần số; còn những người không có chút mỹ cảm gì về tiếng mẹ đẻ của mình thì cũng chẳng thể có cơ hội hiểu được mỹ cảm ngôn từ tiếng Hán). Thế mà, ông Lê Mạnh Thát đã có một “phát hiện chấn động lịch sử” về tính điển nhã của Lục độ tập kinh: “Chính xuất phát từ một nguyên bản tiếng Việt, do sự gần gũi từ vựng và ngữ pháp giữa tiếng Trung Quốc và tiếng Việt, nên lục độ tập kinh tiếng Trung Quốc hiện nay mới có được tính văn từ điển nhã vừa nói.”[12] Còn việc Thang Dụng Đồng khen cuốn kinh Phật này có ngôn từ điển nhã chỉ chứng minh hai điều là: 1.ngôn từ của Nho giáo đã tham gia vào quá trình dịch thuật Phật điển vào thời đó; 2.Lực lượng tiến hành dịch thuật Phật điển ắt hẳn là tầng lớp trí thức xuất thân từ Nho sĩ.

Còn định nghĩa về trung cung, trung tâm trong Từ nguyên thì chưa hẳn là sai đâu. Nếu Từ nguyên dẫn dụng các ngữ liệu của tiếng Hán cổ đại như Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch để chứng minh cho mục từ “trung tâm” thì quả là cần phải sửa chữa lại. Còn nếu Từ nguyên dẫn dụng các ngữ liệu từ tiếng Hán trung đại như thơ Đường, hay tản văn Đường Tống, và tiểu thuyết Minh Thanh … thì lại hoàn toàn có lý. Bởi trong tâm lý của người bản ngữ lúc đó, trung cung hay trung tâm, đều là từ vựng cả. Cho nên, những số liệu mà chúng tôi đã thống kê được trong Tứ khố toàn thư cũng chỉ là những số liệu hàm hồ, chưa chuẩn xác. Vì bộ sách này thu thập hàng ngàn cuốn sách trong suốt hai giai đoạn từ tiếng Hán cổ đại đến tiếng Hán trung đại. Cần phải xác định trong số hơn 9900 lần xuất hiện của trung tâm , trường hợp nào là kết cấu lỏng (trung- định hay định- trung thuộc về hiện tượng ngữ pháp), trường hợp nào là một đơn vị từ vựng; và điều kiện tiên quyết là phải giám định niên đại văn bản cũng như niên đại sáng tác. Các trường hợp, trung cung, trung đình… cũng vậy. Còn ông Hà Văn Thuỳ cười Từ nguyên, vì nhà chỉ có một sân chứ làm gì có sân trước với cả sân giữa; thế thì ông nên bớt thời gian nghiên cứu để xem phim Tầu nhiều hơn, vì một đặc điểm vô cùng quan trọng của văn hoá Trung Quốc đó chính là văn hoá gia tộc.

4. Thay cho lời kết

Dầu vậy, tôi vẫn rất trân quý ông Hà Văn Thuỳ, bởi lẽ tình yêu ông giành cho văn hoá dân tộc là một thứ tình cảm thuần khiết, không bị vấy bẩn bởi những yếu tố ngoài văn hoá. Tuy nhiên, do không được chuẩn bị một phông kiến thức cơ bản đủ để lạnh lùng trước các dữ kiện, ông đã có những cảm xúc và phản ứng hơi quá trước những hiện tượng của lịch sử nước nhà. Một nhà khoa học đích thực sẽ có một thái độ an nhiên để không bị rơi vào các thái cực, không “Nho tâm” cũng chẳng “Phật tâm”. Nhà nghiên cứu phải là người phát ngôn cho các dữ kiện, chứ không nên biến dữ kiện thành “tay sai” cho một mệnh đề tiền định nào đó ngoài khả năng hiện thực.

Viết đến đây, tôi cảm thấy ái ngại cho ông Hà Văn Thuỳ và những người giống như ông, ở cùng hoàn cảnh như ông. Cả một đời vất vả mưu sinh, cả một đời tiêu hao cho những năm dài chiến loạn, lúc về già chợt bừng tỉnh để nghĩ suy về văn hoá và mệnh vận của văn hoá dân tộc, lúc ấy mới vội vã chắp chíu những kiến thức tự mò mẫm tìm tòi. Thú thực, tôi rất ngại phải đối diện và hầu chuyện những người như ông. Bởi lẽ với ông, tuổi đời cũng đã đủ, đến lúc được nói, được phát ngôn; thế là bao nhiêu khát vọng, bao nhiêu uẩn ức, bao nhiêu dồn nén được dịp phát tiết. Tiếc là lúc này không còn đủ tỉnh táo để xem những người xung quanh phản ứng ra sao. Kể cả khi có những phản biện với ông, ông cũng tỏ ra không đủ khả năng để thấu hiểu. Ông không hiểu và không biết dùng khái niệm, không biết đến phân loại hay phân kỳ lịch sử, không biết đưa ra những kết luận vừa đủ cho các dữ kiện. Tất cả là một chuỗi ơ-rê-ca, mê mải và đều đều như kinh cầu. Điều ấy làm cho những người trẻ tuổi như chúng tôi cảm thấy rờn rợn, ngài ngại. Và buồn! Chúng tôi vẫn mong “những vẻ đẹp của ngàn năm nước… sẽ còn mãi đến triệu năm sau”. Liệu lịch sử dân tộc ta là 40.000 năm hay là lâu hơn thế nữa, thì tôi không dám nói. Nhưng với nguồn gốc dân tộc, chúng ta cần sự thật, sự thật được kiểm chứng nghiêm túc chứ không phải ra đời từ sự võ đoán của những “nghiên cứu” theo kiểu “dự cảm” như của ông Hà Văn Thùy và Lê Mạnh Thát.

09/05/2008

[1] Ví dụ như các tài liệu trích dẫn trong bài Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam và Ðịa đàng phương Ðông của Oppenheimer của Nguyễn Quang Trọng như sau:

• Diamond JM (1988) Express train to Polynesia. Nature 336:307-30

• Ballinger SW, Schurr TG, Torroni A, Gan YY, Hodge JA, Hassan K, Chen K-H, et al Southeast Asian mitochondrial DNA analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migrations. Genetics 130, 139- 152 (1992) Trích bản tóm tắt: Human mitochondrial DNAs (mtDNAs) from 153 independent samples encompassing seven Asian populations were surveyed for sequence variation. The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNAs with HpaI/HincII morph 1 were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians.

• Bellwood P (1991) The Austronesian dispersal and the origin of languages. Sci Am 265:70-7

• Blust R, Subgrouping, circularity, and extinction: some issues in Austronesian comparative linguistics, Symp Ser Ins Linguist Acad Sinica, 1, 31 (1999)

• Capelli C, Wilson JF, Richards M, Stumpf M PH, Gratrix F, Oppenheimer S, Underhill P, Pascali V, Ko T, Goldstein DB, A Predominantly Indigenous Paternal Heritage for the Austronesian-Speaking Peoples of Insular Southeast Asia and Oceania Am. J. Hum. Genet., 68:432-43, 2001.

• Hà văn Tấn, Theo dấu các nền văn hóa cổ , Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, Hà.1998.

• Hà văn Tấn, Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, H.1994

• Higham C, The bronze age of southeast Asia, Cambridge University Press (1996)

• Khảo cổ học Việt Nam, I Thời đồ đá, và II, Thời đại kim khí Việt Nam, Hà văn Tấn Ed, Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, H.1998.

• Kiều Quang Chẩn, Văn hoá Đông Sơn ở Indonesia- một thoáng nhìn, Thế kỷ 21, tháng 6 năm 2001.

• Meacham W, On the improbability of austronesian origins in south China, Asian perspectives, 25 (1), 100 (1985)

• Solheim WGH, Southeast Asia and Korea : from the beginning of food production to the first states, in History of humanity: scientific and cultural development, vol. 1 (Prehistory and the beginning of civilization) Ch. 45, UNESCO/Rouletge, 468-80 (1994)

• The slow birth of Agriculture, trong Special section : Archeology : Transition in prehistory, Science, 282, 1446,(1998)

• Shiba R., Việt và Nhật, nguyên tác đăng trên Bungei Shunju tháng 2-1990, Vĩnh Sính dịch, Diễn Đàn Forum (Pháp), tháng 1-1993, 24-25

• Hemudu, Zhonghua Yuangu Wenhua Zhiguang (Hemudu, light of ancient culture in China), ISBN 7-81035-572-4/K.066 (1998)

• Su B, Xiao J, Underhill P, Deka R, Zhang W, Akey J, Huang W, Shen D, Lu D, Luo J, Chu J, Tan J, Shen P, Davis R, Cavalli-Sforza L, Chakraborty R, Xiong M, Du R, Oefner P, Chen Z, Jin L, Y-chromosome evidence for a northward migration of modern humans into eastern Asia during the last Ice Age, Am J Hum Genet, 65, 1718-1724 (1999)

• Chu J Y, Huang W, Huang SQ, Xu JJ, Chu Z T, Yang Z Q, Lin K Q, Li P, Wu M, Geng Z C, Tan C C, Du R F, Jin L, Genetic relationship of populations in China, Proc Nat Acad Sci USA, 95, 11763 (1998)

[2] Trong tiếng Việt quả có từ : “dân đen” để chỉ nhân dân nói chung. Từ “dân đen” này vốn dịch từ chữ “kiềm thủ 黔 首” (dân đầu đen, không có chức tước mũ mạo gì cả), để phân biệt với quan lại.

[3] Ví dụ như Stephen Oppenheimer: Out of Eden Peopling of the World. http://www.bradshawfoundation.com/j.... Bản đồ di dân của ông được vẽ bằng cách nối các điểm khảo cổ. Và cái điểm có niên đại sớm hơn là tiên tổ của của cái có niên đại muộn hơn. Không biết bản đồ cổ sinh vật có được vẽ bằng phương pháp như vậy không? Tôi thiển nghĩ: sự đa dạng văn hoá cũng như sự đa dạng sinh học vậy…

[4] Về cái gọi là chữ “khoa đẩu” thì cũng thật lạ. Sai lầm hình như bắt đầu từ Vương Duy Trinh trong “Thanh Hoá Quan Phong”. Rồi gần đây một só người hô hào phục dựng, tìm lại chữ viết cổ của người Việt thời cổ. Hành động thì cũng đáng quý, nhưng phiến diện và vô ích. Vì, “khoa đẩu” là một loại triện thư, thuộc hệ thống thư thể, bia thiếp của thư pháp cổ điển. Những ai từng học thư pháp đều đã từng nghe nói về thư thể này. Nếu vào wwww.baidu.com tìm mục “khoa đẩu văn 蝌 蚪 文”, sẽ hiển thị kết quả tìm kiếm là 66.700 ; trong khi đó kết quả tìm được về “chữ khoa đẩu” trên các website tiếng Việt chỉ vẻn vẹn có khoảng 2700 kết quả. Và, tác giả các bài báo này rất hạn chế, giới hạn trong hai ba người, trong đó ông Hà Văn Thuỳ là người tốn sức hơn cả. Tuy nhiên, vấn đề này chúng tôi xin bàn cụ thể trong một dịp khác.

[5] Xin xem Nguyễn Quang Trọng, Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam và Ðịa đàng phương Ðông của Oppenheimer. Oppenheimer đặt ra giả thuyết Đông Nam Á là trung tâm của văn hoá và cư dân thời cổ” với dân cư chiếm khoảng hơn 50% dân số toàn cầu lúc bấy giờ, có một nền văn hoá cực kỳ phát triển. Nhưng khi nước biển dâng lên, dân cư buộc phải tiến hành một cuộc thiên di vĩ đại. Và tất cả nền văn hoá của họ đã nằm sâu dưới lòng đại dương; tiếc là cho đến nay chưa ai làm được một cuộc khai quật nào ở các thềm lục địa này! Đến đây tôi cũng chợt nhớ đến bản Kiều Nôm cổ nhất (hình như 1840) mà cụ Phạm Văn Đồng đã trao phó cho một nhà nghiên cứu, nhưng nó không may đã bị thiêu trụi trước khi được đem ra công bố; may mà người ta đã kịp phiên âm sang tiếng Việt và xuất bản!...

[6] Nguyễn tài Cẩn. 1998. Thử phân kỳ lịch sử 12 thế kỷ của tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ số 10 năm 1998.

[7] Phạm Văn Khoái, Một số vấn đề chữ Hán thế kỷ XX. Nxb Đại học Quốc Gia. H.2001, tr.38-39.

[8] Nguyễn Tuấn Cường, http://360.yahoo.com/profile-8WJR63.... (Nhân đây tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Nguyễn Tuấn Cường vì những góp ý về mặt học thuật và những điều tôi học được từ anh).

[9] Dĩ nhiên, tiếng Hán cũng sẽ vay mượn từ vựng của tiếng Việt, ví dụ tiếng Nam Á có một từ ná (so sánh với na ở tiếng Mường, Chứt, Cuối, sa-na ở tiếng Kơ ho, s-na ở tiếng Khơ me). Tiếng Hán đã mượn từ này và ghi bằng chữ 弩 nỗ.

[10] Trên thực tế tiếng Pháp cũng đã mượn vài từ của tiếng Việt ví dụ như longane (long nhãn), litchi (lệ chi, quả vải), dienbienphuoe (hiện tượng Điện Biên Phủ). Hay ông R. Crayssac dịch câu đồng dao Việt “ông giẳng ông giăng” sang tiếng Pháp là “le luỷn le luyn”. Cũng thật thú vị.

[11] Lê Mạnh Thát, 2005. Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta. Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Tr. 195-202.

[12] Lê Mạnh Thát, 2005. Sđd. Tr.195.

(Theo viet-studies ngày 13-5-2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét