Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

NGUYỄN TRÃI QUỐC ÂM TỪ ĐIỂN MỘT CÔNG TRÌNH ĐỘC ĐÁO BỔ ÍCH

link "Gõ cửa ngày mới":

https://www.youtube.com/watch?v=8hhyUG9ulX8



Trần Văn Chánh
Nguyễn Trãi quốc âm từ điển của Trần Trọng Dương vừa được xuất bản (quý II-2014, do NXB Từ Điển Bách Khoa) là quyển từ điển chuyên biệt về những từ ngữ có trong bộ sưu tập thơ Nôm của Nguyễn Trãi (1380-1442), tức Quốc âm thi tập, là tập thơ Nôm cổ nhất, phong phú nhất của Việt Nam vào thế kỷ XV còn lưu giữ lại được cho đến ngày hôm nay.

Được biết, sau nạn tru di vì vụ án oan Lệ Chi Viên năm 1442, thơ văn Nguyễn Trãi bị mai một, mãi đến thời Lê Thánh Tông mới có lệnh cho Trần Khắc Kiệm sưu tầm (1480), nhưng sau đó cũng bị thất lạc. Năm Tự Đức thứ 21 (1868), Dương Bá Cung (đậu cử nhân năm Tân Tị, 1821) sưu tầm lại lần nữa từ trong dân gian, và cho khắc in chung trong bộ Ức Trai tập 7 quyển (xem Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập I, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1984, tr. 51), với quyển 7 gồm Ức Trai di tập và Quốc âm thi tập, mà riêng phần Quốc âm thi tập lần đầu tiên đã được Trần Văn Giáp-Phạm Trọng Điềm phiên âm ra chữ Quốc ngữ và chú giải (NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, 1956).
Hiện trạng Quốc âm thi tập được chia thành 4 mục, gồm tổng cộng 254 bài: (1) Vô đề (Ngôn chí, Mạn thuật, Trần tình, Thuật hứng, Tự thán, Tự thuật, Tức sự...); (2) Thì lịnh môn (Tảo xuân đắc ý, Trừ tịch, Vãn xuân, Xuân hoa tuyệt cú, Tích cảnh thi…); (3) Hoa mộc môn (Mai thi, Lão mai, Cúc…); (4) Cầm thú môn (Lão hạc, Nhạn trận, Miêu, Trư…). Phần lớn là thơ tâm sự, tỏ chí hướng, ca tụng thú nhàn tản... của tác giả, ít nhiều bộc lộ mối hận không có cơ hội gặp người tri kỷ để cùng mình thực hiện chí lớn. Ngoài ra, còn không ít bài làm để tự răn mình, khuyên bảo con cháu trong nhà giữ vững đạo đức, nhân phẩm, theo đúng lời dạy của thánh hiền (61 bài Bảo kính cảnh giới).
Thể thơ trong Quốc âm thi tập rất đặc biệt: có bài thất ngôn bát cú, có bài thất ngôn tứ tuyệt; nhiều bài giữa những câu 7 chữ, xen 1-2 câu 6 tiếng, hơi giống với thơ tự do. Đó là thể thơ riêng của thế kỷ 15, với đặc điểm dùng nhiều ca dao tục ngữ, nhiều từ cổ và từ thuần Việt.
Sau bản phiên âm-chú giải đầu tiên của Trần Văn Giáp-Phạm Trọng Điềm (1956) nêu trên, đã có thêm ít nhất 6 bản phiên âm-chú giải Quốc âm thi tập của những nhà nghiên cứu khác, và như vậy, tính đến nay, có thể xem Nguyễn Trãi quốc âm từ điển của Trần Trọng Dương như là bản chú giải mới nhất/ sau cùng nhưng thuộc loại đặc biệt, dưới dạng từ điển dành riêng cho một tác phẩm chuyên biệt, và có tính chất tập đại thành, trên cơ sở đã tham khảo tổng hợp được tất cả những công trình, thành tựu nghiên cứu trước đó liên quan tập thơ Nôm Quốc âm thi tập, trên các phương diện văn chương và ngôn ngữ.
Ở Trung Quốc từ lâu đã có loại sách công cụ tương tự, như Thi kinh từ điển (bản của Hướng Hi 1988 và bản của Dương Hợp Minh 2012), Thế thuyết tân ngữ từ điển (của Trương Vạn Khởi), Kim bình mai từ điển (của Bạch Duy Quốc)…Riêng tại Việt Nam, cũng từng có Từ điển truyện Kiều của Đào Duy Anh (viết xong 1965, xuất bản 1974), Từ điển Lục Vân Tiên của Nguyễn Quảng Tuân-Nguyễn Khắc Thuần (1989). Như vậy Nguyễn Trãi quốc âm từ điển của Trần Trọng Dương chỉ là cách gọi khác của “Từ điển Quốc âm thi tập”, có thể được coi là quyển thứ ba, tương đối hiếm hoi ở Việt Nam trong cùng thể loại từ điển tác phẩm, nhưng với sự gia công nghiên cứu để cung cấp lượng thông tin có phần nhiều hơn và đặc sắc hơn hẳn những công trình đã có trước.
Sách dày 480 trang khổ 16 x 24 cm in cỡ chữ nhỏ, nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu ngôn ngữ và văn chương thế kỷ XV qua tư liệu chữ viết Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi.
Theo tác giả, sách được biên soạn trong suốt 5 năm trời mới hoàn thành và xuất bản. Về phương pháp, đã theo lối “liên phương pháp”, bao gồm cả văn tự học, văn bản học, ngữ âm học lịch sử, từ vựng học lịch sử, từ nguyên học, và từ chương học; là cuốn sách thử nghiệm đầu tiên cho việc mở rộng cấu trúc vi mô (tức cấu trúc của mục từ) trong từ điển học, theo đó mỗi một mục từ chứa đựng nhiều nội dung thông tin khác nhau như: nguồn gốc và lịch sử phát triển của từ đó (thuộc từ nguyên học), so sánh với các ngôn ngữ khác (tiếng Hán, Mường, Tày, Rục, Khmer...), phê phán văn tự học, cung cấp thông tin giám thưởng (lịch sử tiếp nhận), từ đồng nghĩa- trái nghĩa, phong cách tu từ...


Tổng cộng gồm hơn 2.500 mục từ với số lượng hơn 12.000 lượt âm tiết được khảo sát.
“Cuốn sách sưu tập toàn bộ các từ ngữ, thành ngữ, điển cố… được Nguyễn Trãi sử dụng. Đọc sách, chúng ta sẽ hiểu được phần nào tiếng mẹ đẻ của chúng ta cách nay quãng 600 năm. Nói một cách hình ảnh, nếu Quốc âm thi tập là ‘những hiện vật hóa thạch’ của tiếng Việt cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV’, thì cuốn Nguyễn Trãi quốc âm từ điển này chính là công trình giải mã những hiện vật đó, để dâng tặng cho người đọc hôm nay” (trích “Lời tựa”).
Về cấu trúc vĩ mô, từ điển đã thu thập các yếu tố ngôn ngữ được sử dụng trong Quốc âm thi tập, bao gồm: toàn bộ các yếu tố từ vựng, các từ tố, các thành ngữ-tục ngữ, các điển cố văn học, các từ cổ/ từ ngữ lịch sử, tên các nhân vật lịch sử, các địa danh, các từ công cụ-chức năng (như chăng, thì chớ…).
Về cấu trúc vi mô, cung cấp được rất nhiều thông tin chi tiết và sâu. Cụ thể: (1) Về hình thức trình bày, mỗi mục từ được xếp theo thứ tự: phần khảo cứu- nghĩa cơ bản/ nghĩa xuất hiện trước- các nghĩa phái sinh theo quan hệ ngữ nghĩa- nghĩa cụ thể/ nghĩa đen đặt trước nghĩa trừu tượng và nghĩa bóng- trường hợp có hiện tượng hoạt dụng từ loại thì vẫn nêu nghĩa riêng- các nghĩa của một đơn vị đa nghĩa được đánh số 1, 2…; (2) Cấu trúc của mỗi mục từ chứa đựng các thông tin như: đầu mục từ- chữ Hán (đối với từ gốc Hán)- âm Hán Việt, âm phiên thiết, chữ Hán và chữ Nôm dùng để ghi các âm đó, nghĩa từ nguyên của mục từ đang xét- từ loại- chú thích phong cách, phạm vi sử dụng, sắc thái tu từ…- lời tường giải (có thể trích dẫn các từ điển cố để minh họa)- các từ ngữ tiếng Hán mà mục từ đó đối dịch- trích dẫn vài thí dụ lấy từ Quốc âm thi tập (có ghi rõ số chỉ tên bài thơ và số câu thứ mấy trong bài)- từ đồng nghĩa, trái nghĩa, từ có liên quan, các đồng nguyên tự, các từ có mối tương ứng ngữ âm và ngữ nghĩa- chú thích khác (như liên quan đến thi pháp, phong cách học)...
Thí dụ:
cơ ○ ahv: ki, kê
dt. mưu, mưu tính trong cơ mưu (cơ = mưu), nghĩa này hô ứng với “toan”. Thua cuộc được toan chi cơ Hán Sở, Nên chăng đành lẽ kiện Thương Chu. (Thuật hứng 58.3).
Trong khi trình bày mục từ, xuất xứ của các nguồn tư liệu dùng dẫn chứng đều được kê rõ.
Thú vị nhất có lẽ là rất nhiều từ cổ, mà nếu không có sách này hoặc loại sách công cụ chuyên môn khác (như Từ điển từ cổ của Vương Lộc chẳng hạn…) để tra cứu, chúng ta ngày nay khó lòng đọc hiểu được Quốc âm thi tập, hoặc một số tác phẩm Nôm cổ tương tự, mà lại còn có thể hiểu được tới căn nguyên, nguồn cội của chúng, như những từ CHỈN, MỰA, TỊN, ĐÃI ĐẰNG, MỘT DƯỜNG, SONG VIẾT, THÚ THỨA… nghe rất lạ tai.
Ngoài tác dụng giải nghĩa từ ngữ để giúp tìm hiểu, nghiên cứu về Quốc âm thi tập, sách còn có thể cung cấp thêm tài liệu hữu ích cho người yêu thích học cả chữ Hán lẫn chữ Nôm ở trình độ nâng cao, nhất là đối với chữ Nôm cổ khoảng trước sau thế kỷ XV. Khi có cơ hội, tác giả đều giải thích cách cấu tạo chữ (như chữ Nôm SON là do chu 朱+ lôn 侖… ở tr. 311), dẫn chứng từ nguyên, (như bói ở là do tên bài thơ “Bốc cư”, cúc ba đườnglà do cụm từ “tam kính cúc”…), và nêu một số điển cố liên quan đến mục từ đang xét. Đồng thời, cũng có thể coi nó như một từ điển văn hóa, trong chứa đựng không ít mục từ về phong tục tập quán cổ (hiện đã mất), như: lễ xua na, thần na, chong đèn chực tuổi, thái cầu, đốt trúc, lễ đẩy xe...
Cuối sách còn có bảng tra cứu (sách dẫn/ index) về tên người, tên đất, tên tác phẩm, thuật ngữ ngôn ngữ học… (tr. 414-426), và bảng “Tài liệu tham khảo” (nêu được 218 loại sách báo). Đặc biệt là phần phụ lục “Bản phiên mới Quốc âm thi tập” (tr. 127-465) được coi như kết quả tổng hợp từ công trình nghiên cứu của tác giả đã thể hiện chi tiết cụ thể trước đó trong phần Chính văn từ điển (tr. 1-414), với một bảng Quy ước phiên âm được trình bày rất khoa học và tỉ mỉ.
Khuyết điểm dễ nhìn thấy ở từ điển này có lẽ nằm ở chỗ tác giả thể hiện chưa mấy cân đối/ đồng đều về dung lượng trình bày thông tin giữa các mục từ được đem ra giải thích. Chẳng hạn, mục từ SONG VIẾT (tr. 312) vốn là đề tài tranh luận lâu nay của nhiều nhà nghiên cứu chữ Nôm cổ, dễ gây thắc mắc nơi người đọc, và nhiều người mong muốn được thỏa mãn, nhưng được giảng giải chỉ trong khoảng tương đương nửa cột chữ; trong khi đó, các tên người (như Lâm Bô, Ma Cật, Ngu công, Ngụy Trưng, Trương Khiên…) thì lại chiếm dung lượng lớn hơn gấp mấy lần, tuy đầy đủ vẫn tốt nhưng không mấy cần thiết cho từ điển loại đặc biệt này.
Lẽ thường, đã dám đi vào loại đề tài hóc búa (ở đây là chữ Nôm cổ) thì khó đạt được sự hoàn hảo, do sẽ khó tránh một số trường hợp giải thích từ ngữ chỉ đáng dừng lại ở mức độ giả thuyết, chứ chưa thể kết luận chắc chắn, chủ yếu vì chưa có điều kiện thu thập dữ liệu/ cứ liệu đầy đủ, hoặc do tình trạng tam sao thất bổn gây ra nhưng vô phương phục hồi văn bản gốc. Tuy nhiên, chúng ta sẽ tạm hài lòng với những thành quả đã thực hiện được, miễn là chúng thể hiện phong cách làm việc cẩn trọng, nghiêm túc và khoa học của tác giả. Về những phẩm chất này trong công việc nghiên cứu Quốc âm thi tập, cũng như ở nhiều công trình đáng giá khác được biết, chẳng những tác giả Trần Trọng Dương có đủ mà còn tỏ ra là một nhà nghiên cứu Hán Nôm trẻ có đức tính nhẫn nại đáng kính nể, chịu khó rị mọ làm việc không mệt mỏi, mà nếu không phải là người có lòng thiết tha với học thuật chân chính, thậm chí “trọng nghĩa khinh tài”, trong điều kiện cuộc sống kinh tế thị trường hiện nay, thì không dễ mấy ai làm được!
Trong khi chưa có điều kiện đi sâu để chỉ ra những chi tiết nào còn sai sót, như kiểu làm việc trước đây của cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889-1947) mỗi khi phê bình tác phẩm khảo cứu của ai, chúng tôi tổng quát nhận thấy Nguyễn Trãi quốc âm từ điển của Trần Trọng Dương là một công trình độc đáo bổ ích, chẳng những đóng góp rất lớn vào việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu chữ Nôm/ tiếng Việt cổ qua Quốc âm thi tập mà còn cung cấp dữ liệu cơ bản đáng tin cậy cho việc biên soạn các loại từ điển tiếng Việt cổ hoặc đại từ điển tiếng Việt tiêu chuẩn sau này.
Chúng tôi hết sức chia sẻ với cảm tưởng của ông An Chi đã nêu ra trong lời bạt đặt ở cuối sách: “Sự ra đời của NTQÂTĐ đem đến cho chúng ta một thông điệp đáng vui mừng là trong khi các nhà nghiên cứu Hán Nôm lão thành lần lượt ra đi…, thì ta đang có một đội ngũ chuyên gia Hán Nôm trẻ được đào tạo chính quy, đầy năng lực, vững quyết tâm ghé vai gánh vác công cuộc khai thác vốn cổ của dân tộc mà các bậc tiền bối đã bàn giao”.
Nguồn: Đặc san Suối Nguồn, số 15 (tháng 8.2014)

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Sách mới: Nguyễn Trãi quốc âm từ điển




Bản thử 3D


Giá bìa 410.000 đ.
Giá thị trường 230k (giá vận chuyển đi các tỉnh và nước ngoài do độc giả thanh toán).
Phát hành tại:
+ Nhà sách Đông Tây, 62 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. số điện thoại phát hành ngoại tỉnh: 0462660152
+ Nhà sách NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, số 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
+ Nhà sách chị Hoa, số 5, Đinh Lễ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
+ Nhà sách Hà Nội( NS Cửu Đức) 245 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Cư Trinh, Q1, TP Hồ Chí Minh.



Còn đây là toàn bộ 4 bìa của sách.

Cuối cùng thì sách cũng ra. Sau 5 năm khổ ải với nó.
Note vài dòng ở đây để mọi người biết được cái mới của cuốn sách này.


(1) Đây là cuốn từ điển đầu tiên về tiếng Việt cổ thế kỷ XV qua tư liệu chữ viết
(2) Đây là cuốn từ điển tác gia đầu tiên về Nguyễn Trãi.
(3) Được biên soạn liên phương pháp: văn tự học + văn bản học + ngữ âm học lịch sử + từ vựng học lịch sử + từ nguyên học + từ chương học.
(4) là cuốn sách thử nghiệm đầu tiên cho việc mở rộng cấu trúc vi mô (tức cấu trúc của mục từ) trong từ điển học. Tức là một mục từ chứa đựng nhiều nội dung thông tin khác nhau: như nguồn gốc và lịch sử phát triển của từ đó (thuộc từ nguyên học), so sánh với các ngôn ngữ khác (tiếng Hán, Mường, Tày, Rục, Khmer...), phê phán văn tự học, cung cấp thông tin giám thưởng (lịch sử tiếp nhận), đồng nghĩa- trái nghĩa, phong cách tu từ...
(5) Cuốn sách gồm hơn 2500 mục từ với số lượng âm tiết khảo sát là hơn 12000 lượt âm tiết.
(6) Cuốn từ điển này đồng thời là từ điển văn hóa, trong đó có nhiều mục từ về phong tục tập quán cổ (hiện đã mất), ví dụ: lễ xua na, thần na, chong đèn chực tuổi, thái cầu, đốt trúc, lễ đẩy xe,...

Sách này, mình cố tình ăn gian, lúc đầu gần 700 trang {256.000 lượt chữ; so sánh với Đại việt sử ký toàn thư là 306.000 lượt chữ}, sau thấy to quá, nên giảm cỡ chữ xuống còn 9.5,
giảm cách dòng xuống còn exactly 14.
Phần phụ lục phiên âm mới thơ QATT thì không in 1 bài thành 1 trang như nhiều sách hiện nay
mà dồn 7-12 bài/ trang.
Sau khi ăn gian xong thì kiểm lại chỉ còn 496 trang (4 trang bìa lót + 12 tr lệ ngôn + và 480 trang còn lại).
Lại chọn thêm loại giấy siêu mỏng và siêu nhẹ. Nên cuốn sách nhẹ hều. Có thể nằm đọc được. hí hí.



Còn đây là bìa 1 của cuốn sách. Họa tiết trang trí là trên tháp Phổ Minh, bản dập xin được của anh Nguyễn Anh Tuấn.

PS: Hôm qua đi làm về, thấy con Cò khoe, cu Pi mở sách ra, thấy hình bố liền thơm lấy thơm để, làm dãi dớt dây đầy ra sách.
Hôm nay cấm tiệt mẹ con nhà nó sờ vào sách. Thế là nó lại bù lu bù loa lên là bố yêu sách hơn chúng nó. hé hé.

AH, post lại ở đây bài thơ đầu tiên mình tặng cho Mẹ con con Cò (được in trong sách như một lời cảm ơn cuộc đời)
bài này được làm năm 2010, khi mình viết xong bản thảo sách này lần thứ nhất. Những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời thì lại làm được việc. Không biết sau này sướng hơn có làm được gì không? Tại sao mình vừa muốn sướng lại vừa muốn làm việc? tham quá! Thôi đá ống bơ cái đã:

Ta bệnh, vợ thất nghiệp,
Thanh nhàn viết sách chơi.
Tiếng con đạp trong bụng,
Như tiếng gọi cuộc đời. (Thăng Long, 2010)



Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

BIA CHÙA ĐỌI TRÔNG NHƯ "MẶT GIẶC": LỄ CÔNG NHẬN VÀ PHÁ HOẠI BẢO VẬT QUỐC GIA

Ngày mai, 18 tháng 4 năm 2014, UBND huyện Duy Tiên sẽ khai mạc Lễ hội chùa Long Đọi Sơn và công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia bia Sùng Thiện Diên Linh.

Tôi hăm hở về chùa để chiêm ngưỡng báu vật mà bấy lâu nay tôi hằng mong đợi. Nhưng khi đến nơi thì ôi thôi!
Báu vật Quốc gia đã bị phá hoại nghiêm trọng với một phương thức khá tàn bạo. Theo lời kể của bà con bán hàng quán trong chùa, phòng văn hóa huyện đã hăm hở thuê một tốp thợ xây, dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt, phoi bào sắt,... kì cọ cho mặt bia "nhẵn thín" hòng xóa đi những "rêu phong cổ kính ngàn năm". Mục đích của họ đơn giản là chỉ định làm vệ sinh bia cho bà con chiêm ngưỡng trong dịp trọng đại này. Nhưng quả là " ngu dốt + nhiệt tình = phá hoại". Những người làm văn hóa mà lại không có văn hóa thì đúng là phản văn hóa rồi!
Thôi chả muốn nói nhiều, đính ảnh lên để xem cho nó đau vậy!


Đây là tấm biến hoành tráng của ban tổ chức.


Còn đây là trán bia Long Đọi, lối chữ phi bạch do chính hoàng đế Lý Nhân Tông ngự bút, giờ cũng thành ra thế này.
Đâu còn:
"Thế tựa rồng bay phượng múa, phép viết từ tay ngọc viết ra;
Hình như loan liệng thước chao, thể chữ tự lòng vua chữ hiện"
(Trích lời Thượng thư Nguyễn Công Bật ca ngợi thư pháp của hoàng đế Lý Nhân Tông).




Một trích đoạn cận cảnh lòng văn bia nham nhở như "mặt giặc".


Còn đây, dấu vết còn lại của hung khí.



Một văn bia đời Lê cũng chịu chung số phận.


Lại một văn bia nữa.



Còn đây là bộ mặt thất thần của một gã lang thang.

Xin hết!


PS: Giới thiệu qua về văn bia Sùng Thiện Diên Linh.
(Trích Trần Trọng Dương. 2013. Kiến trúc một cột thời Lý. Suối nguồn 9 - Nxb Hồng Đức. Tp.HCM.)

Văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi là một tấm bia cổ thời Lý còn lại đến nay. Tấm bia này giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam, bởi lẽ đây là tấm bia quan phương của triều đình, tổng kết lại phần lớn công đức dựng chùa, lập pháp, tôn sùng đạo Phật, cũng như công nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Bia dựng ngày mồng 6 tháng bảy năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (ngày 20 tháng 8 năm 1121), nhân dịp khánh thành tháp Sùng Thiện Diên Linh, trên núi Long Đọi (Hà Nam ngày nay). Bài văn bia do Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật soạn và Thượng thư Lý Bảo Cung viết chữ, được khắc ở mặt trước của bia, gồm 55 dòng, dài 4500 chữ. Bia hiện dựng trong nhà bia, trước chùa Long Đọi, núi Long Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Hiện nay, văn bia có 2 thác bản. Một thác bản do Viện Mỹ thuật in rập từ trước năm 1977. Một thác bản khác do tiến sĩ Phạm Văn Thắm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức in rập năm 1997, ký hiệu 32724-32725.
Bia cao 2.65m, rộng 1.69m, dầy 0,29m, đặt trên một bệ lớn là phối thể giữa hình tượng song long hiến châu với mai rùa đá (bí hí). Diềm bia trang trí hình hoa lá, chim muông. Trán bia ghi “Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi”, do đích thân Lý Nhân Tông ngự đề bằng lối chữ “phi bạch”. Hai bên phải và trái ô tên bia có hai con rồng chầu vào.
Bài văn bia chia làm 2 phần: (1) phần bi văn; (2) phần minh văn. Riêng phần bi văn có thể chia thành ba đoạn .
- Phần 1: Ca ngợi đạo huyền tịch mầu nhiệm, cũng như công dụng vô cùng của nó. Thuật lại sự tích Phật Thích Ca và quá trình người truyền giáo lý sâu sắc đến chúng sinh.
- Phần 2: Ca ngợi vua Lý Nhân Tông: từ điềm lành lúc đầu thai, khi ra đời; vẻ trang nghiêm, tầm hiểu biết, tài nghệ của vua; việc sáng chế rùa vàng (múa rối), tài chế tạo thuyền ngự – thuyền chiến; công vun đắp thắng duyên; việc dựng chùa Phật và hoằng dương Phật pháp (chùa Diên Hựu, hội đèn Quảng Chiếu ); công nghiệp bình trị thù trong giặc ngoài; sự lo toan cho đất nước cho nhân dân; đến những biểu hiện về một thời đại thái hòa an lạc của nhà vua.
- Phần 3: Kể lại nhân duyên, bố cục, mặt bằng, tượng pháp và quá trình xây dựng chùa – tháp Sùng Thiện Diên Linh, ca ngợi công dụng của việc xây chùa tháp.
Toàn bộ bài văn bia ca ngợi vua Lý Nhân Tông như một bậc đại hộ pháp của Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12.
Đặt văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh trong dòng chảy văn học dân tộc, chúng tôi thấy đây là một tác phẩm văn chương đỉnh cao của văn học chữ Hán tại Việt Nam. Bài văn bia này sử dụng một vốn từ vựng rất đỗi phong phú, nhiều điển tích Phật giáo và Nho giáo. Nếu như Dụ chư tỳ tướng hịch văn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là những áng “thiên cổ hùng văn”, thì văn bia Sùng Thiện Diên Linh là một bài “thiên cổ diễm văn”. Đọc lời văn của Thượng thư Nguyễn Công Bật cũng như giải mã những biểu tượng kiến trúc mà vua Lý Nhân Tông đã xây dựng nên, chúng ta sẽ phần nào hiểu thêm về một thời đại Phật giáo – mà những tàn tích văn hiến, văn vật còn lại cho đến nay vẫn làm chúng ta choáng ngợp và ngưỡng mộ.