Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Lược khảo về biểu tượng thanh long trong văn hóa Việt Nam



TS Trần Trọng Dương

Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Trần Trọng Dương. 2015. Biểu tượng thanh long trong văn hóa Việt Nam. Tạp chí Di sản, (Bộ Văn Thể Du) số 08/2015. ISSN: 1859-4956. Tr.42-45.



Thanh long (rồng xanh) là một biểu tượng thuộc tứ tượng trong văn hóa Hoa Hạ và đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến một số nước thuộc vành đai văn hóa chữ Hán như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Bài viết này sẽ tiến hành khảo cứu về biểu tượng thanh long từ góc độ của văn hiến và văn vật với các cứ liệu trong thư tịch cổ và khảo cổ học lịch sử. Bước đầu bài viết đi đến nhận định rằng, thanh long là một biểu tượng khá phổ biến nằm trong tứ tượng (thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ), biểu tượng này đã có những nội hàm và biểu hiện phong phú trong văn hóa Việt Nam.

Giới thuyết về biểu tượng Thanh long trong văn hóa Hoa Hạ

Thanh long hay còn gọi là thương long, là một linh vật được coi là điềm lành trong văn hóa Hoa Hạ. Sách Hoài Nam tử phầm Giám minh huấn ghi: “phượng hoàng liệng ở sân, kỳ lân dạo ngoài thành. Rồng xanh dâng xe cưỡi” (鳳 凰 翔 於 庭 ,麒 麟 游 於 野 ,青龍 進 駕, 飛 黃 伏 皁). Sách Tống thư khi viết về các điềm lành cũng có đoạn kể rằng, khi Vũ Vương mất, Thành Vương còn nhỏ, Chu Công Đán nhiếp chính bảy năm, Khi cùng Thành Vương đến ở sông Hà sông Lạc, dầm ngọc bích để tế thì thấy mây xanh nổi cuộn, rồng xanh giáng xuống đàn. Tào Đường trong bài Tiểu du tiên thi có câu: “rồng xanh cất bước đi muôn dặm, chớ nói Bồng Lai lối mịt mù” (青 龍 舉 步 行 千 里 ;休 道 蓬 萊 歸 路 長 ). Sử ký phần Phong thiện thư ghi: “nhà Hạ được mộc đức, thanh long dừng chân ngoài thành, cỏ cây đều tươi tốt.” (夏 得木德,青龙止於郊,草木畅茂。). Sách Tống thư phần Phù thụy chí thượng ghi: “thời nhà Hạ khi đạo sắp hưng thịnh, cỏ cây đều tươi tốt, rồng xanh dừng ngoài thành” (夏 道将兴,草木畅茂,青龙止于郊。) . Theo Từ điển văn hóa thần bí trung Hoa ghi, thương long (rồng xanh): là linh vật phù giúp thánh nhân, hay dự báo việc thánh nhân xuất hiện. Sách Thập di ký thiên Thương long ghi: khi Khổng Tử sắp chào đời, có hai rồng xanh từ trên trời giáng xuống, cuốn quanh nóc nhà. Đến khi ông sinh ra, lại có hai vị nữ thần tay bưng bình hương móc tắm gội cho ông. [Ngô Khang 1993: 309].


Hình 1: Thanh Long, đời Hán, Nguồn: La Trúc Phong (1998 q11: 557)

Thanh long còn là tên gọi của của chòm bảy ngôi sao ở phương Đông, gồm sao giác角 , sao cang亢, sao đê氐 , sao phòng房 , sao tâm心 , sao vỹ 尾 , sao cơ箕 . GS Vương Lực viết: “từ sao Giác đến sao Cơ là mang hình một con rồng, sao giác tượng như sừng rồng, sao Đê tượng thân rồng, sao Vỹ tức đuôi rồng ” Sách Hoài Nam tử phần Binh lược huấn ghi: “Thiên số là tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ” (所 謂 天 數 者 左 青 龍 ,右 白 虎 ,前 朱 雀 ,後 玄 武 ). Cao Tú chú thích rằng: “sao giốc và sao cang là rồng xanh”. Sách Thái Bình ngự lãm dẫn bài Cổ diễm thi có hai câu thơ như sau: “Trước thì rồng xanh vá chiếu, sau thì bạch hổ nâng bình. Nam Đẩu gõ trống đánh đàn, Bắc Đẩu thổi sênh huýt sáo.” (青 龍 前 補 席 ,白 虎 持榼壺.南 斗 工 鼓 琴 ,北 斗 吹 笙 竽 ). GS Vương Lực (2002 : 9-10) viết : «Huyền vũ còn gọi là quy xà (rồng rắn), là thần thú thời cổ đại. Thanh long có thể hô phong hoán vũ, là đứng đầu của tứ tượng …». Như vậy, thanh long vốn là một thuật ngữ của ngành thiên văn học cổ đại Hoa Hạ, người ta dùng một con vật biểu trưng ứng với hình dáng của các chòm sao để định danh. Dựa trên quỹ đạo và các quy luật vận hành của tinh tú, các tri thức về thiên sau văn đó được áp dụng sang nhiều ngành khoa học khác như chiêm tinh học, bốc phệ (bói toán), địa lý học (phân dã), nông học, toán học cổ đại và nhiều ngành khoa học khác.

Về địa lý học và nhận thức về không gian, Thanh long được coi là vị thần chủ phương Đông. Cát Hồng đời Tấn trong sách Bão phác tử phần Cảm ứng ghi: “[Lão Quân] theo sau là 120 hoàng đồng, bên trái có 12 thanh long, phải có 26 bạch hổ, trước có 24 chu tước, sau có 72 huyền vũ.” (﹝ 老君 ﹞从黄童百二十人,左有十二青龙,右有二十六白虎,前有二十四朱雀,后有七十二元武。). Triệu Ngạn Vệ đời Tống trong sách Vân lộc mạn sao ghi: “chu tước, nguyên vũ, thanh long, bạch hổ là thần bốn phương.” Sách Vân cáp thất tiêm ghi: “tôn thần thì có muôn ngàn, đều là tả hữu của ta; tả thì có thanh long tên là Mạnh Chương, hữu thì có bạch hổ tên là Giám Binh, trước thì có chu tước tên là Lăng Quang, sau thì có huyền vũ tên là Chấp Minh” (尊神千千万万,在吾左右;左有青龙名 孟章 ,右有白虎名 监兵 ,前有朱雀名 陵光 ,后有玄武名 执明 。) [Đạo giáo đại từ điển 1991: 609]. Ứng với phương Đông, Thanh long là trỏ bên tay trái. Đổng Trọng Thư đời Hán trong sách Xuân thu phồn lộ ghi: “Kiếm ở bên tay trái thì là tượng thanh long vậy; dao bên tả hữu thì là tượng bạch hổ vậy.” (剑之在左,青龙之象也;刀之在右,白虎之象也。). Điều này sau đó đã được ứng dụng khá mạnh mẽ trong các khái niệm về địa lý phong thủy truyền thống ở cả Trung Hoa lẫn Việt Nam.

Thanh long- bạch hổ còn là cặp khái niệm đi đôi với nhau biểu thị khái niệm, sự vật đối lập nhưng nương tựa vào nhau, “tương sinh tương khắc”. Vương Ngọc Phong đời Minh trong Phần hương ký ghi: “chính là thanh long- bạch hổ cùng đi, điềm cát – điềm hung chăng thể lường trước được” (正是青龙共白虎同行,吉凶事全然未料。)








Hình 2: thanh long- bạch hổ- chu tước- huyền vũ, đầu ngói ống đời Hán.


Hình3: tứ tượng, đầu ngói ống, tại Vương Mãng cửu miếu, đời Hán, nguồn: Vương Lực (2002: 9)

Thanh long là thần chủ mùa Xuân. Đây là khái niệm dựa trên các truyền thuyết về họ Phục Hy. Sách Hán thư phần Bách quan công khanh biểu thượng ghi: “宓羲 龙师名官”, Nhan Sư Cổ chú dẫn lời của Ưng Thiệu như sau: “sư là bề trên, lấy rồng để ghi ứng với quan trưởng, cho nên gọi là long sư. Xuân quan là thanh long, hạ quan là xích long, thu quan là bạch long, đông quan là hắc long, trung quan là hoàng long”. Quan niệm về ngũ phương ứng với ngũ sắc, ngũ vị. Quan niệm về tứ phương thông qua tứ linh còn được ứng dụng cho cờ xí. Sách Lễ ký thiên Khúc lễ thượng ghi: “khi ra quân, thì đi trước là chu tước, đi sau là huyền vũ, đi trái là thanh long, mà đi tay phải là bạch hổ” (行,前朱鸟而后玄武,左青龙而右白虎。), Trần Hạo chú rằng: “chu tước, huyền vũ, thanh long, bạch hổ là tên sao ở bốn phương, dùng để làm biểu trưng trên cờ.” Sách Ngô tử thiên Trị binh ghi: “ắt là tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ; vẫy huơ ở trên mà quân dàn trận ở dưới” (必左青龙,右白虎;前朱雀,后玄武;招摇在上,从事於下。) [La Trúc Phong 1998 q11: 557].


Hình 4: Thác bản Từ thị mộ chí, niên đại: Đại Bảo nhà Nam Đường, địa điểm: Giang Tô. [Vương Lực 2002: 11].

Văn bản mộ chí này cho thấy, các thần trong nhóm tứ linh/ tứ tượng đặt ở bốn góc theo phương vị Đông Bắc Tây Nam (ngược chiều kim đồng hồ), tiếp vòng trong là nhị thập bát tú tương ứng với bốn chòm sao, vòng trong nữa là mười hai sinh tiêu, bát quái với các tinh tú, hoa cái, nhật nguyệt. Hoặc như bích họa trong mộ đời Tây Hán ở Lạc Dương, bích họa mộ Hán ở thôn Táo Viên (Bình Lục), bích họa mộ Cao Cú Lệ (Trường Xuyên, Tập An), bích họa trong mộ Công chúa Như Như đời Đông Ngụy (huyện Từ, Hà Bắc), ngoài việc mô tả chim thần, nữ oa, quái thú, còn có cả thanh long, bạch hổ[1].

Trên đây là những nội hàm của biểu tượng thanh long trong văn hóa Hoa Hạ, tiếp theo chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu những biểu hiện của hình tượng này trong văn hóa Việt Nam.

Thanh long trong văn hóa Việt Nam

Quan niệm về thanh long trong văn hóa Việt Nam gặp sớm nhất trong bài Thiên đô chiếu của vua Lý Thái Tổ: “long bàn hổ cứ”/ hay “hổ cứ long bàn” (龍蟠虎据 ). Đây là cụm từ trỏ địa thế rất mực xung yếu và quan trọng. Dữu Tín đời Bắc Chu trong Ai Giang nam phú có câu: “xưa thì rồng cuộn hổ ngồi, lại thêm cờ vàng sắc tía; ai cũng theo cáo thỏ mà đào hang, cùng phong trần mà thảm thiết” (昔之虎据龍蟠,加以黄旂紫气;莫不随狐兔而窟穴,与风尘而殄悴。). Tân Khí Tật đời Tống trong bài Niệm nô kiều có câu: “rồng cuộn hổ ngồi chốn nào đây? Chỉ có hưng vong mắt ứa đầy.” (虎踞龍蟠何处是?只有兴亡满目。)

Từ đời Trần, quan niệm tứ tượng chủ yếu được dịch chuyển vào ứng dụng phong thủy – địa lý cho việc xây cất các công trình kiến trúc tôn giáo, tiêu biểu như kiến trúc Phật giáo. Chùa Hưng Phúc (x. Hoa Cầu, h. Văn Giang,t. Bắc Ninh) được xây dựng vào năm Thiệu Phong 11 (1350) được xây dựng ở nơi phúc địa, có sông Nghĩa Giang vòng quanh như rồng cuộn (thanh long) ở phía Đông, có làng Nhân Lý bao bọc như hổ ngồi (bạch hổ) ở phía Tây, có gò chu tước ở phía Nam (hướng cửa), có dải huyền vũ cao vời ở Nam là chùa Khánh Lâm. [Nguyễn Kiên (1570) Trùng tu Hưng Phúc tự bi; Phạm Hiền viết chữ. No 11383, VNCHN]. Chùa Thiên Hựu (x. Mỹ Xá, h. Nam Sách, t. Hải Dương) có sông êm ả ôm vòng phía Tây, gò nhấp nhô chầu phục phía Đông, núi thiêng sừng sững trấn sau (Bắc), nước biếc quanh co lượn trước (Nam) [Trần Quý Túc. (1571) Thiên Hựu tự bi ký. No 12556]. Đền Linh Quang (x. Quảng Yên, h. Quốc Oai, Hà Nội) có núi Mã Yên làm huyền vũ ở Bắc (sau lưng), có núi Cân Tử làm chu tước ở phía Nam, có Hát giang làm thanh long bên trái, có núi Âm Dương làm bạch hổ bên phải. [Nguyễn Hữu Dự (1580). Linh Quang thần từ bi. Lê Ngoan viết chữ]. Đến thời Lê Trung Hưng, phần lớn các chùa cũng được xây dựng theo mô hình này. Tiêu biểu như chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) được mô tả có đỉnh Phượng Lĩnh ứng ở hướng Bắc làm huyền vũ cao chót vót, có Ngưu Giang chảy dẫn vào lòng như chiếc án vuông tròn ở phía Nam, trái có dòng thanh long, phải có đỉnh bạch hổ[2] [Sinh đồ huyện Tiên Du soạn. (1680) Vạn phúc đại thiền tự bi. Sa di Chân Hòa nhuận sắc, Phật Ấn hòa thượng viết chữ.]

Đây là một trong những đặc điểm khá cơ bản khiến chúng tôi cho rằng đã có sự thay đổi cơ bản trong mỹ học địa lý cảnh quan của Đại Việt từ giai đoạn Lý Trần sang giai đoạn Lê- Mạc- Nguyễn. Nếu như thời Lý Trần, các chùa tháp được thiết kế xây dựng trên một bình đồ mandala như là một tiểu vũ trụ theo thế giới quan nhà Phật [Trần Trọng Dương 2013], thì đến thời sau hệ thống chùa- đền- đình được xây dựng theo thế giới quan Đạo giáo. Sự chuyển biến này đã bắt đầu le lói từ cuối đời Trần qua cách đặt phong thủy bình đồ của chùa Hưng Phúc, trùng khớp với những thay đổi về hệ hình tư tưởng và phong cách văn học như nhiều nhà nghiên cứu trước đây đã đề cập đến. Thời Nguyễn, thanh long trở thành một phổ niệm trong văn hóa kiến trúc. Các di tích ở Nam Bộ thường có riêng ban thờ, hoặc hương án thờ thanh long đối ứng với hương án thờ bạch hổ [Huỳnh Ngọc Trảng 1993: 73]. Các đồ án thanh long thường là phù điêu vôi vữa đắp nổi trên tường hai bên vào, khắc họa hình ảnh một con rồng xanh đang uốn mình phun nước, ví dụ như đền Quan Thánh (Hàng Buồm), hay Quán Thánh ở Hà Nội.

Đến giai đoạn nhà Nguyễn, biểu tượng thanh long cùng với bạch hổ đã trở thành một khái niệm phổ biến của phong thủy truyền thống và được gọi tắt thành “long”- “hổ”. Trong đó, long trỏ các dòng nước (sông, trước tiên bái tướng, Hổ quá Đông cung thì đời đời có khoa hoạn.” (Long quá Tây cung tiên bái tướng, Hổ quá Đông cung thế thế khoa) [Tả Ao tb.1919: 5b]. Hoặc trong “Thu nguyệt ấn xuyên đồ” trong cách thứ 9 có ghi: “rồng hình uốn bọc vây bốn bề, khí tụ hình tàng ở đáy kia.” Như vậy, có thể thấy, thanh long- tứ tượng đã có những chuyển biến nhất định trong quá trình du nhập vào văn hóa Việt Nam. Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã tiến hành khảo sát qua một số khía cạnh văn hóa trong nghi chế tang ma của người Việt như trình bày dưới đây.
Hình 5: Thu nguyệt ấn xuyên đồ, nguồn Tả Ao.

Thanh long cùng với tam tượng còn lại được khắc họa trong một số lá bùa hay áo lục thù hải hội, ví dụ bộ áo lục thù tại chùa Đông Bộ Đầu (Quan Thánh tự, Thường Tín Hà Nội), chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự, Thuận Thành, Bắc Ninh), chùa Duy Tinh (Sùng Nghiêm Diễn Thánh tự, Hậu Lộc, Thanh Hóa), chùa Mậu Hòa (Địa Linh tự, Hoài Đức, Hà Tây) với niên đại của ván từ thế kỷ XVII đến XIX [Phan Cẩm Thượng 1999/tb2011: 78-178-179, 154-159, 162-163-181]. Tư liệu sớm nhất cho biết áo lục thù đã xuất hiện từ thời Trần, đó là đôi liên phú của Trúc Lâm Đệ tam tổ Huyền Quang: Quán thất bảo vẻ bao Bụt hiện; Áo lục thù tiếng gió tiên phiêu. (Huyền Quang 1334: 33b)[3]. hải hội[4] đã xuất hiện ở Việt Nam là văn bia Bảo Chẩm tự bi đời Mạc khắc năm 1548 [Đinh Khắc Thuân 1996: 75-76]. Các áo lục thù hải hội vì được in giập bằng giấy, nên dân gian còn gọi là áo giấy, như thành ngữ: đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Sau đó chuyển thành đồ hàng mã, dùng phổ biến trong nghi thức cúng tế. Thế kỷ 18, trong bài văn tế tiết thanh minh có câu: Áo giấy vàng hồ, Rau khe nước suối. Hoá sinh ra có , Biến ít nên nhiều. (Thanh minh quốc ngữ văn tk18: 48)[5]. Không những vậy, thanh long còn được vẽ như hình long đầu- tượng trưng cho vị trí của Bồng Lai tiên cảnh trong tranh độ linh của dân tộc Tày[6].

Trong các áo lục thù hải hội nói chung, thanh long được dán ở mặt ngoài của ván bên tả, chu tước được đặt ở ván trước phía ngoài của áo quan, bạch hổ được dán được dán ở mặt ngoài của ván bên hữu, huyền vũ được dán ở mặt ngoài ván hậu của áo quan. Sự kết hợp của tứ tượng với các biểu tượng Phật giáo (cửu phẩm liên hoa, liên tịch, kinh chú) và các nghi thức mang màu sắc Nho giáo là một biểu hiện sống động cho Tam giáo tịnh hành trong đời sống văn hóa, đời sống xã hội của Việt Nam trong quá khứ. Tứ tượng được coi như là bốn linh vật thiêng ngự trị và bảo vệ bốn phương (tứ trấn). Khi tứ tượng trấn tứ phương của quan tài, người xưa quan niệm rằng, đó là những con vật thiêng để bảo vệ hướng trung ương- linh hồn và thân xác người đã mất. Dường như qua cách thông diễn này, người xưa có quan niệm coi con người như một vũ trụ thu nhỏ (nhân thân tiểu vũ trụ). Những nghi lễ Nho gia chủ yếu giữ vai trò cầu nối chức năng xã hội giữa người mất với những người đang sống. Còn các biểu hiệu văn hóa của Đạo giáo và Phật giáo dường như nghiêng về phía siêu hình, hoặc muốn bảo hộ cho người chết được tốt đẹp hơn trong thế giới bên kia, hoặc muốn gia trì cho thân chủ được thoát khỏi lục đạo luân hồi, mau sớm được tái sinh trong nước Phật (vãng sinh tịnh độ).

Hình 6: tứ tượng trên áo lục thù hải hội, chùa Bút Tháp. Bản dập: Lê Quốc Việt.



Đúng như Phan Cẩm Thượng đã nhận xét: “trong triết học cổ phương Đông và khoa chiêm tinh cũng được sử dụng như một phương tiện thần bí. Các chòm sao trong nhị thập bát tú được vẽ xen kẽ trong các phần chú Hán- Phạn như số phận là sự trợ lực cho vong hồn. Các hình âm dương, bát quái, 64 quẻ trong Kinh Dịch được sử dụng tùy từng trường hợp mục đích, tùy từng không gian và thời gian của tín chữ cung cấp, con người lìa đời và thầy pháp ra tay. Do vậy, ý nghĩa của nó chỉ xác định trong các trường hợp có thể với các lá bùa cụ thể, còn tổng thể chỉ là các quy luật về sự tồn tại và sự luân chuyển giữa cái sống và cái chết.” [Phan Cẩm Thượng vcs 1999/tb2011: 83]. Như vậy, đặt trong một hệ biểu tượng về tinh tú- vũ trụ- dương giới và âm giới, chúng tôi thấy, biểu tượng thanh long đã thể hiện rõ như là một giá trị không thể tách rời trong mối tương quan với những biểu tượng khác. Tứ tượng đi liền với những lời Phạn chú, Hán kinh, danh hiệu của chư Phật hay nghi lễ Nho gia. Đó là sự tổng hòa của các hệ biểu tượng của các tôn giáo tịnh hành trong đời sống văn hóa người Việt.

Kết luận: Như vậy, thanh long (rồng xanh) vốn là một biểu tượng điềm lành có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa Hoa Hạ từ thời nhà Chu. Sau đó, thanh long đã được sử dụng như một khái niệm của thiên văn học cổ đại. Cùng với tứ tượng, thanh long đã liên tục được mở rộng nội hàm triết học, nội hàm biểu tượng qua nhiều lĩnh vực khác nhau như địa lý, phong thủy, tang chế, nông học, thần học… Từ văn hóa Hoa Hạ, biểu tượng thanh long đã truyền nhập đến các nước sử dụng chữ Hán, trong đó có Việt Nam. Sự tiếp biến của hình tượng này trong văn hóa Việt Nam góp phần làm nên tính đa dạng văn hóa khi nhìn nhận văn hóa Việt Nam từ góc nhìn của khu vực học[7].

Tài liệu tham khảo

Tả Ao. (?).《左真傳地理》(Tả Ao chân truyền địa lý). Hà- Kim, Diên Tự sơn nhân hiệu chính bất chuẩn phiên khắc. Phát thụ tại Hàng Đào phố, Nghĩa Lợi hiệu. Khải Định Kỷ Mùi xuân (1919).
Trần Trọng Dương. 2013. Kiến trúc một cột thời Lý. Suối Nguồn 9- Nxb. Hồng Đức. Tp. Hồ Chí Minh.
Trương Long Hổ張 龙 虎& Trần Khánh Hoàng陈 庆 煌 & Dương Thiên Qua楊 天 戈。1988 。《華 夏 文 化 詞 典》(Hoa Hạ văn hóa từ điển) 。華 夏 出 版 社 。北 京 –山 东 。
Ngô Khang 吳 康 (chủ biên) 。 1993。 《中 华 神 秘 文 化 辞 典》 (Trung Hoa Thần bí văn hóa từ điển) 。 南 海 出 版 社。湖 南。
Quý Tiên Lâm季 羡 林 。 1998。《 敦 煌 學 大 辭 典》(Đôn Hoàng học đại từ điển) 。上 海 辞 书 出 版 社 。 上 海。
Vương Lực王力。 2002。《中国古代文化常识图典》 (Trung Quốc cổ đại văn hóa thường thức đồ điển) 。 中国言实出版社 Trung Quốc ngôn thực xuất bản xã。 北京 Bắc Kinh。
Nguyễn Tá Nhí. Bài văn tế cô hồn trong tiết thanh minh. Thông báo Hán Nôm.
La Trúc Phong罗竹风 (主编)。 (1994) 。《汉语大词典》 (Hán ngữ đại từ điển)。(全13卷)。汉语大词典出版社。
Đinh Khắc Thuân. 1996. Văn bia thời mạc. Nxb. KHXH. H.
Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Cung Khắc Lược. (1999, tb.2011). Đồ họa cổ Việt Nam. Nxb Mỹ Thuật. Hà Nội.
Trung Quốc Đạo giáo hiệp hội中 国 道 教协 会 – Tô Châu Đạo giáo hiệp hội苏 州 道 教协 会 。 1991。 《道 教 大 辞 典》 (Đạo giáo đại từ điển) 。华 夏 出 版 社。北 京。
Hà Hiền Vũ何 贤 武 & Vương Thu Hoa王 秋 华 (chủ biên) 。1993. 《中国文物考古辞典》(Trung quốc văn vật khảo cổ từ điển) 。 辽 宁 科 学 技 术 出 版 社。辽 宁。
Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Tổng tập thơ Nôm Trúc Lâm Yên Tử. Trần Trọng Dương hiệu đính. Nxb. Thông tin và Truyền thông. Hà Nội.

[1] Hà Hiền Vũ 1993: 616-617,622.

[2] 惟 仙 遊 勝 地 佛 跡 名 山 應 勢 乾 方 鳳 嶺 入 懷 辛 水 牛 江 朱 案 起 方 圓 水 澄 凝 湛 湛 玄 虛 高 突 屼 出 燦 爛 巍 巍 左 青 龍 水 邊 右 白 虎 山.

[3] Chuyển dẫn Tổng tập thơ Nôm Trúc Lâm Yên Tử 2014: tr.28b, 60-61.

[4] Lưu ý, nguyên văn chỉ ghi là Hải hội, với chữ này có hai khả năng: hoặc trỏ (1) Lục thù hải hội; hoặc trỏ (2) Liên trì hải hội. Trong khi chưa xác quyết được giả thuyết nào đúng, tạm nêu ra đây để tiếp tục khảo cứu.

[5] Quốc âm tế văn ca phú, VNv.150

[6] Phan Ngọc Khuê 2008: 87, 88, 89.

[7] Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số VIII1.3-2012.01.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét