Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

ĐỌC “VIỆT NAM THẾ KỶ X: NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ”

ĐỌC “VIỆT NAM THẾ KỶ X: NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ”
NNC Nguyễn Duy Chính



Tuy chỉ tập trung vào một giai đoạn tương đối ngắn – thế kỷ thứ X – so với cả chiều dài lịch sử của Việt Nam, tác giả Trần Trọng Dương đã nghiên cứu kỹ lưỡng 10 đề tài nêu lên ba chủ điểm lịch sử, từ trước tới nay vẫn là những vấn đề chưa có giải đáp chính thức:
+Mốc thời gian được định nghĩa cho khởi đầu nền tự chủ
+ Tình hình chuyển hoá từ mô hình địa phương rời rạc lên mô hình nhà nước tập quyền
+ Sự hiện diện của văn hóa Phật giáo trong hệ thống chính trị mới

Tuy ba ý niệm cốt lõi trên được đề cập đến nhưng tác giả không chia cắt rạch ròi như thế. Ông đưa ra một số điểm nho nhỏ trong lịch sử, trình bày quan điểm và lý luận của một số tác phẩm chủ đạo rồi khéo léo đưa ra những điểm mạnh, yếu, đúng, sai của từng vấn đề trước khi đến một kết luận và chọn lựa sau cùng.
Nói là những điểm nhỏ nhưng để đồng ý hay bác bỏ những quan niệm đã định hình mang tính chính thống từ lâu, tác giả đã sử dụng các tài liệu có giá trị gần với thời kỳ đó nhất, đồng thời áp dụng phương pháp suy luận mới của thời đại ngày nay để kết nối những chi tiết rời rạc tưởng như lạc lõng kia thành những cứ liệu vững chắc. Hai tiêu chuẩn chính của nghiên cứu là tài liệu [cổ] và phương pháp [tân] đã khiến cho chọn lựa của Trần Trọng Dương [và nhóm nghiên cứu] có một giá trị đáng trân trọng.
Mốc thời kỳ tự chủ: Cho tới nay, các sử gia Việt Nam hầu hết vẫn chấp nhận chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền là khởi đầu của thời kỳ tự chủ, lấy năm 939 như một ranh giới giữa Bắc thuộc và độc lập. Khẳng định này cho đến nay vẫn không ai đưa ra phản biện một cách rốt ráo. Riêng tác giả NMVLS không đồng ý với quan điểm đó mà cho rằng cần phải trở về trước nữa 34 năm (905) vì ngay từ thời điểm này, Khúc Thừa Dụ đã tổ chức được một chính quyền tự trị và một hệ thống hành chánh của người bản địa, thoát ra khỏi sự chi phối của chính quyền hay đại diện của họ từ Trung Hoa bổ nhiệm.

Nếu chỉ nhìn vào kết luận này, chúng ta khó hình dung được sự trăn trở của tác giả nhưng khi đi sâu vào cơ cấu xã hội Việt Nam cách đây hơn một thiên niên kỷ thì việc hình thành một bộ máy chính quyền tự quản phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp, không đơn giản chỉ là nhiều làng thành một huyện, nhiều huyện thành một châu, nhiều châu thành một phủ …Dưới thời Bắc thuộc, tuy các viên mục địa phương vẫn là người bản xứ nhưng cơ cấu thượng tầng là người từ triều đình từ Trung Hoa đưa sang. Nước ta, dân ta phải triều cống phương vật, đóng góp thuế má nhưng bù lại cũng có những sản vật phải mua từ bên Tàu, điển hình là trâu bò, gia súc và các đồ đồng, đồ sắt. Việc tách ra thành một quốc gia không thuần tuý chỉ là giành lại độc lập mà còn phải hội đủ một số điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá … để có thể tồn tại trong một tập thể đa phương. Để lấp đầy những khoảng trống của bộ máy hành chánh không phải dễ khi xã hội đa số là những người thất học, kém hiểu biết và thiếu kinh nghiệm trong việc điều hành. Việc quản trị một quốc gia bao gồm nhiều đơn vị không thuần nhất chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, không đơn giản chỉ là tuyên bố tự trị hay tách rời. Tác giả Trần Trọng Dương suy xét, cân nhắc thời điểm thích hợp nhất cho việc chọn mốc xây nền độc lập của nước ta nếu được tán thành sẽ trở thành một mốc quan trọng trong việc phân loại thời kỳ của lịch sử.

Nhà nước tập quyền: Luận điểm kế tiếp Trần Trọng Dương nêu ra tưởng như là một nghi án lịch sử nhưng cũng chính là một luận đề để giải thích cho hợp lý tại sao đang từ một xã hội đơn vị nhỏ tiến sang một cơ cấu chính trị thống nhất.
Đinh Bộ Lĩnh - một trong những ông vua đầu tiên thời tự chủ - thân thế ra sao?
Với những chứng liệu lịch sử có độ khả tín cao, bên cạnh việc bác bỏ truyền thuyết, huyền thoại được dựng lên quanh cái nghi án “dẹp loạn”, tác giả đã chứng minh rằng Đinh Bộ Lĩnh cũng là một trong các sứ quân thế tập [với nghĩa tốt] đã đánh thắng những trưởng mục khác để thành lập một nhà nước tập quyền làm nền móng cho một quốc gia tự chủ cho tới tận ngày nay.

Việc gồm thâu thiên hạ ấy, tuy qui mô nhỏ hơn các thời kỳ khác, cũng vẫn có những hình thái vận động quần chúng, liên minh thế lực, ràng buộc hôn nhân … mà hậu nhân đã tôn vinh hay lên án dựa trên qui tắc và đạo lý của Nho gia. Trần Trọng Dương cũng đưa ra được một chi tiết rất đáng quan tâm. Đó là “loạn Ngô Xử Bình”, người đã cướp ngôi họ Ngô đưa đến thời kỳ xung đột mà hậu nhân gọi là “loạn sứ quân” nhưng thực chất chỉ là những liên minh nhóm nọ với nhóm kia để tranh đoạt quyền lực.
Đi từ những thế lực địa phương đến một cơ chế quốc gia thống nhất chắc chắn có những cọ xát để làm mòn những góc cạnh. Những xung đột ấy đã được hình thành một cách dễ dãi trong sử cũ theo mô hình cá lớn nuốt cá bé. Thực tế, theo Trần Trọng Dương, việc sau cùng Đinh Bộ Lĩnh trở thành lãnh tụ duy nhất đã phải phối hợp nhiều phương thức như “tấn công tiêu diệt, liên minh, hàng phục và quy thuận”, tuỳ theo từng trường hợp mặc dầu lực lượng áp đảo vẫn là vũ khí chính để chinh phục đối phương.
Từ trước đến nay, sự xuất hiện và công nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh vẫn được nhìn dưới góc cạnh huyền thoại của “cờ lau tập trận”, “dẹp loạn sứ quân”, qua ngòi bút của tác giả Trần Trọng Dương chúng ta thấy hoàn toàn khác hẳn. Từ việc thay thế nhà Ngô đến việc nhà Lê thay nhà Đinh đều mang những mẫu số rất cung đình cho thấy đây không phải chỉ là truyện kể theo truyền thuyết mà ẩn tàng những âm mưu, những toan tính giải thích được nhiều ẩn số chính trị.

Sự bố trí lực lượng: Trước đây, dựa trên một số tài liệu cấp hai (secondary sources), nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng Đường Lâm, quê hương của Phùng Hưng và Ngô Quyền, là một địa danh thuộc tỉnh Sơn Tây. Trần Trọng Dương và nhóm nghiên cứu của ông đã đưa ra những chứng cứ có tính thuyết phục hơn khi cho rằng Đường Lâm phải thuộc Ái châu tức khu vực giữa vùng Thanh Hóa – Nghệ An ngày nay. Việc tái thẩm định này đã đưa ra những sắp xếp quyền lực địa lý-chính trị hợp lý, không những cho chính bản thân họ Phùng hay họ Ngô mà còn giải thích việc tiến tới tập quyền của triều Đinh, góp phần vào việc xác định lại quan niệm cũ về “loạn sứ quân” mà tác giả muốn phi bác. Thực tế xã hội và hợp lý hóa sự kiện là những chi tiết mà người nghiên cứu phải quan tâm, đôi khi còn giá trị hơn chứng cứ từ văn chương, bi ký.

Hình thành một nhà nước Phật/Nho bất phân: Tác giả Trần Trọng Dương cho rằng nước ta có văn hiến đã hình thành một tổ chức quốc gia tương đối hoàn bị và chữ CỒ trong quốc hiệu thời ấy mang dấu ấn Phật giáo, xác định ảnh hưởng quan trọng của triết học Cồ Đàm lưu lại trong xã hội. Tuy Phật giáo có một vị trí đặc biệt trong dân chúng, triều đình Đại [Cồ] Việt cũng đã được xây dựng theo mẫu hình Nho giáo. Nhà sư Khuông Việt [Ngô Chân Lưu] tuy dòng dõi Ngô Quyền vẫn được dùng như một cố vấn hành chánh, chính trị dưới cả thời Đinh và thời Tiền Lê và đóng góp nặng phần Nho triết hơn là Phật triết của ông đã được nhìn lại dưới một phong cách mới mẻ.

Nếu nối kết ảnh hưởng khác cuối thiên niên kỷ thứ nhất liên quan đến biến động vùng Đông Nam Á để khai triển thành nhiều chủ điểm lịch sử, những phân tích tinh tế và sâu sắc của tác giả Trần Trọng Dương có thể giúp các sử gia đương đại đi sâu vào hiện tượng tranh đoạt quyền hành và những ẩn số được nguỵ trang trong cung cấm (Phương thức chuyển giao quyền lực: vụ ám sát Đinh Bộ Lĩnh). Từ nguyên tắc biên soạn đa nguyên “văn-sử-triết bất phân”, tác giả đã phân tích lịch sử như nó có thể đã xảy ra và loại trừ được những chi tiết huyền hoặc, những phát ngôn từ phe chiến thắng, kể cả sấm vĩ nhằm vận động quần chúng đã khiến cho sự thật bị biến dạng. Những chi tiết rời rạc ấy nếu được soi sáng dưới những thực tế con người hơn như việc tư thông và âm mưu của Lê Hoàn với Dương thị để giành ngôi báu cho chúng ta một hình ảnh rõ rệt về sự thay đổi triểu đại này.

Tuy chỉ là các tiểu luận nêu lên một số vấn đề lịch sử, đúng như đề tựa chỉ là những mảnh vỡ, tác giả đã đặt mình trong vai trò một thám tử (detective) đứng trước một hiện trường đánh giá những chứng cứ mơ hồ còn sót lại và dùng những suy luận khoa học để tìm ra manh mối một vụ án. Lịch sử Việt Nam có không ít những chi tiết đáng ngờ, một phần vì phương pháp làm việc của cổ nhân còn hạn chế, phần khác có những xuyên tạc khi có sự thay đổi triều đại. Việc đi tìm lại những sự thật lẩn khuất trong số tài liệu hỗn tạp kia không những đòi hỏi sự kiên trì mà còn phải có đủ sáng suốt để hồ nghi những gì xưa nay từng được coi như chân lý không bàn cãi.

Một điểm cũng cần ghi nhận, tác giả và các cộng sự viên tuy không chuyên ngành về Sử nhưng với sở học Hán – Nôm thâm thúy đã khai thác các văn bản cổ để soi sáng những nghi vấn lịch sử vào thế kỷ thứ X. Lịch sử nước ta trong hơn 20 thế kỷ qua vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được nghiên cứu cho đầy đủ. Việc lật lại những văn bản có giá trị để nối những mắt xích đứt cho tròn vẹn không phải là điều dễ làm. Việt Nam thế kỷ X: Những mảnh vỡ lịch sử của Trần Trọng Dương và nhóm của ông là một công trình thú vị trong việc đi tìm những giải thích hợp lý cho những giai đoạn còn lẩn khuất. Các sử gia quan tâm về giai đoạn tranh tối tranh sáng của nền tự chủ dân tộc không thể không đánh giá cao về nỗ lực kiên trì này.
Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả và các nhà nghiên cứu.
NDC


3 nhận xét:

  1. “VIỆT NAM THẾ KỶ X – NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ” của ông Tiến sĩ giấy Trần Trọng Dương qua các bài phản biện của tác giả Phạm Trung Đà mới thấy chất lượng quá kém. Tôi đề nghị Nhà xuất bản có đính chính hoặc thu hồi cuốn sách này.

    Trả lờiXóa
  2. Các nhà xuất bản giờ nặng về thương mại, đơn cử như cuốn sách tào lao này họ cứ cho đăng bừa thôi chỉ có người đọc là nạn nhân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hãy động viên người viết, cứ đọc có điều không phải là nạn nhân, vì mọi tích luỹ tri thức không bao giờ là bỏ đi.

      Xóa