Đào Hùng
(Tạp chí Xưa và Nay)
Bài viết của Trần Trọng Dương đưa ra nhiều tài liệu của Trung Quốc và Việt Nam mà từ trước đến nay khi nghiên cứu về giai đoạn cuối thế kỷ X, các tác giả khác chưa đề cập đến. Qua những tư liệu mới sử dụng đó, chúng ta có thể nhìn lại rõ hơn bức tranh toàn cảnh của tình hình nước ta vào buổi giao thời, khi nền thống trị của Trung Hoa sụp đổ, và các lực lượng dân tộc nổi lên. Đồng thời tác giả cũng đưa ra những cách đánh giá và nhìn nhận lịch sử một cách khách quan hơn, tránh được những sự ca ngợi hay chê bai quá lời. Đây cũng là một cách đọc lại lịch sử, tìm ra những điều còn ẩn khuất đằng sau những câu chữ của người xưa khi viết theo nhãn quan của từng thời đại.
Qua những kiến giải của tác giả, tôi muốn tập trung bàn về những điểm chính như sau:
- Đinh Bộ Lĩnh không phải là vị hoàng đế dẹp loạn, thống nhất đất nước, mà cũng chỉ là một trong các sứ quân “nổi loạn” từ năm 951 ở Hoa Lư, nhưng nhờ tài trí hơn người mà chiến thắng các thế lực khác, để trở thành vị hoàng đế đầu tiên thu giang sơn về một mối.
- Trong cục diện loạn sứ quân từ 965-967 cần phân biệt ba nhóm thế lực có tư cách khác nhau về tính chính thống của những người kế tục vương triều nhà Ngô, và tình phi chính thống, thậm chí còn là ngụy, của những kẻ nổi dậy “làm loạn” hoặc đầu hàng nhà Nam Hán.
1. Theo sử cũ thì Ngô Quyền, sau khi đánh tan quân Nam Hán, đầu năm 939 đã định đô ở Cổ Loa, lập nên một vương triều tự chủ. Nhưng sự thực đó đã phải là một vương triều thống nhất chưa? Chưa có tài liệu nào chứng tỏ thế lực của Ngô Quyền đã vươn xa đến mọi châu quận, hào trưởng các nơi lúc đó thần phục vì uy danh chống ngoại xâm của Ngô Quyền, chứ trên thực tế họ vẫn giữ quyền tự trị của những hào trưởng cát cứ. Về mặt quân sự cũng như về mặt kinh tế, vương triều mới xây dựng chưa có đủ các nhân tố để xây dựng một chính quyền tập trung.
Cho nên có thể nói cục diện các sứ quân cát cứ đã có ngay từ đầu, chứ không cần phải chờ sau cái chết của Ngô Quyền mới xuất hiện. Chẳng qua là lúc đầu chưa có sự xung đột tranh giành nhau giữa các thế lực mà thôi. Như vậy thì sự xuất hiện của Đinh Bộ Lĩnh với tư cách là sứ quân, dù sớm hay muộn cũng không ảnh hưởng gì đến vai trò dẹp loạn sau này của ông.
Sử cũ không ghi lại sau khi định đô, Ngô Quyền lấy niên hiệu là gì, đặt tên nước ra sao. Điều đó cho thấy lúc đó Ngô vương chưa có ý thức/hay chưa có thì giờ, để xây dựng một vương triều thống nhất, ông vẫn xưng vương chứ chưa phải là hoàng đế, như vậy không có sự khác biệt mấy với các thủ lĩnh địa phương. Dù có sự thần phục của các hào trưởng địa phương, nhưng quyền lực thực sự của Ngô Quyền có lẽ chưa vượt khỏi phạm vi Phong Châu, là nơi ông đóng đô.
2. Theo Trần Trọng Dương thì không nên gọi phe họ Ngô gồm Đỗ Cảnh Thạc cùng con cháu họ Ngô là các sứ quân, nhằm phân biệt với phe sứ quân “nổi loạn”. Sự thật thì sau khi Ngô Quyền qua đời, con cháu của ông dù trở thành người kế vị chính thức hay không, thì họ vẫn ứng xử như những hào trưởng cát cứ. Điều này Keith Taylor từng phân tích rằng Ngô Xương Văn tự xưng là Nam Tấn Vương – một ông vua của dòng họ nhà Tấn nào đó bên Tàu không có liên quan gì đến người Việt, còn Ngô Xương Ngập thì lại xưng là Thiên Sách Vương - một cái tên không có gắn bó gì với đất nước ta. Điều đó cho thấy ý thức dân tộc của các hào trưởng lúc đó chưa được định hình. Họ vẫn là những hào trưởng như trước đây, khi còn sự thống trị của Trung Hoa, có khác chăng là lúc này họ được quyền tự trị rộng hơn, chứ chưa nghĩ rằng mình là người đại diện cho Việt tộc ở phương nam. Cũng như Định Bộ Lĩnh sau này vẫn tự xưng là Vạn Thắng Vương trước khi trở thành hoàng đế, và chỉ sau khi thống nhất lãnh thổ, ông mới ý thức về dân tộc Việt để lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt.
Cho nên vào thời điểm đó, khái niệm chính thống và phi chính thống chưa được định hình. Không thể nói những người nổi lên chống lại anh em nhà họ Ngô là những kẻ nổi loạn, còn những người phò tá họ Ngô là trung thần. Khái niệm chính – ngụy mà tác giả đưa ra ở đây chưa cần thiết. Nhà sử học chỉ đưa ra những chứng cứ lịch sử để giải thích các sự kiện lịch sử, chứ không nhất thiết phải đánh giá tư cách của các nhân vật đó. Đinh Bộ lĩnh dù có nổi loạn sớm hay muộn, dù có chính thống nay không, thì ông vẫn là người kiêu dũng nhất trong số các sứ quân, để đánh dẹp các thế lực khác, thâu tóm giang san về một mối, mở đầu một triều đại tự chủ thống nhất.
3. Nhân đây tôi muốn bàn thêm về khái niệm “chính – ngụy” mà tác giả đã dùng. Trong lịch sử, chúng ta đã gặp nhiều trường hợp mà các nhà sử học xưa cũng như nay từng đánh giá là ngụy triều sau khi có sự tiếm quyền lật đổ một triều đại cũ: từ nhà Hồ, đến nhà Mạc, rồi đến cả Tây Sơn (dưới con mắt nhà Nguyễn). Nếu cứ xét như vậy thì nhà Trần có thể gọi là ngụy triều không, dưới con mắt của sử gia nhà Lý (may thay khi đó nhà Lý không còn nữa). Cho nên theo tôi, nhà sử học không nên để mình bị sa vào thiên kiến của chính trị mà đưa ra những đánh giá thiếu cơ sở.
Hãy xem lại một sự kiện của lịch sử đương đại: chính quyền Hàn Quốc sau Thế chiến 2 do Lý Thừa Vãn đứng đầu, đã từng bị coi là kẻ gây nên cuộc chiến giữa hai miền Triều Tiên (sự thật thì đã bị Bắc Triều Tiên tấn công trước), bị coi là một chính quyền tay sai của Mỹ - tức là ngụy. Cho đến chính quyền quân sự của Pac Chung Hy rồi Chung Đô Hoan đều là những chính phủ ngụy tay sai, đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh của Mỹ chống Việt Nam. Nhưng chính trong giai đoạn đó, các vị tổng thống này đã đặt nền móng cho việc xây dựng cơ sở hùng mạnh của đất nước, để đến ngày nay có ai dám bảo rằng thể chế Hàn Quốc thiếu dân chủ hơn chế độ cộng sản của Bắc Triều Tiên? Còn về kinh tế thì miễn bàn. Vậy thì ai là chính, ai là ngụy.
4. Đã có nhiều tài liệu viết về các sứ quân, nhưng chúng ta chưa đi sâu vào tổ chức cũng như lãnh địa của từng sứ quân thời đó. Có đúng là các sứ quân chỉ nổi lên sau khi Ngô Quyền qua đời không? Hay họ là các hào trưởng đã từng quản lãnh địa vực của mình để làm nhiệm vụ thu thuế nộp cho người Tàu dưới thời thống trị của Trung Quốc? Không loại trừ trong số họ có cả những hào trưởng vốn là quan lại Trung Quốc đã ở lại nhiều đời để trở thành người Việt? Cho nên như tôi đã nói từ đầu, là yếu tố cát cứ vốn tồn tại trong xã hội Giao Châu cuối thế kỷ X và chỉ trở thành xung đột lớn sau khi Ngô vương băng hà.
Nếu tôi không nhầm thì có lẽ nhà sử học Nhật Bản Sakurai là người đầu tiên tìm hiểu lãnh địa của Đỗ Cảnh Thạc ở Thanh Oai, Hà Đông, nhằm xác định qui mô và khả năng tồn tại của các sứ quân thời đó. Ta không thể so sánh tình trạng cát cứ cuối thế kỷ X với cục diện Trung Quốc thời Xuân Thu Chiến Quốc, hay thời Ngũ đại Thập lục quốc, vì lẽ các lãnh địa ở Giao Châu quá nhỏ hẹp, không đủ điều kiện kinh tế và dân số để tồn tại lâu dài được. Nhưng nếu so sánh với tình hình Chămpa hồi đó thì ta thấy ở phía Nam vẫn tồn tại những tiểu vương quốc có qui mô không khác gì các lãnh địa sứ quân của ta. Các tiểu vương quốc Chăm gọi là mandala vẫn tồn tại tự trị dưới sự thần phục một vương triều Champa bao trùm cả miền Trung Việt Nam sau này. Tuy nhiên tình hình cát cứ ở nước ta chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, vậy thì do những yếu tố gì mà cục diện thống nhất đã mau chóng được vãn hồi? Đó cũng là một điều ta cần tìm hiểu.
5. Một biểu hiện nữa của tình hình cát cứ còn được thể hiện qua việc thay đổi triều đại từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê rồi nhà Lý. Thông thường, các tập đoàn chính trị khi lật đổ một tập đoàn khác thì sẽ vấp phải sự chống đối của các thế lực trung thành với triều đại cũ, và có thể dẫn đến nội chiến. Đó là trường hợp của nhà Hồ và nhà Mạc, tuy rằng nhà Hồ không phải bị thất bại dưới tay các thế lực phù Trần mà lại bị Trung Quốc nhân cơ hội đó để xâm lược nước ta. Còn trong trường hợp Lê Hoàn lên thay nhà Đinh, hay Lý Công Uẩn lên thay nhà tiền Lê, thì chỉ là một cuộc cách mạng trong cung đình, trong khi các nơi khác không có biến động gì.
Điều đó đặt cho chúng ta hai giả thuyết. Hoặc là các vương triều chưa nắm được toàn bộ các hào trưởng địa phương, nên dù họ có giữ được ngôi hay bị phế truất cũng không ảnh hưởng gì đến các thế lực cát cứ. Hoặc là uy tín của Đinh Bộ Lĩnh hay Lê Đại Hành chỉ nổi bật khi các vị còn sống vì những chiến công hiển hách được mọi người thừa nhận và nể sợ, còn sau khi các vị qua đời thì uy tín của những người kế vị chưa đủ để khuất phục các hào trưởng địa phương. Cho nên việc thay đổi triều đại chưa gây nên biến động đối với các thế lực địa phương, và không có tác động gì đến sự tồn vong của các thế lực đó. Hơn nữa, mối quan tâm của người Việt lúc đó là cần phải tôn một người có tài lên đứng đầu đất nước để đối phó với dã tâm xâm lược của các thế lực phương Bắc, chứ chưa phải là để tranh quyền đoạt lợi giữa các thế lực cát cứ. Do đó mà các hiện tượng thay đổi triều đại đã diễn ra một cách êm thấm, không có nhiều xáo trộn như những triều đại sau này.
Phải đợi đến khi triều Lý thành lập, thì tính thống nhất trong hệ thống cai trị mới được xây dựng, để loại dần những nhân tố cát cứ.
Đây là những vấn đề mong rằng tác giả Trần Trọng Dương và các nhà nghiên cứu trẻ khác sẽ tiếp tục đào sâu để dựng lại bộ mặt đầy đủ của xã hội nước ta trong giai đoạn lịch sử còn nhiều khiếm khuyết này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét