Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

“Loạn 12 sứ quân”: Nhân dân vẫn yêu quý những người giữ nước, giúp dân

Vương Anh


NDĐT - Cho tới gần đây, khi viết về loạn 12 sứ quân, phần lớn các sử gia đều phê phán. Gần đây, qua các Hội thảo khoa học về Nhà Đinh và tiền Lê, về nhân vật lịch sử Đỗ Cảnh Thạc, tọa đàm khoa học về Đinh Bộ Lĩnh và 12 sứ quân..., nhiều nhà nghiên cứu sử học, hán nôm học, văn hóa học đã đưa ra những cách nhìn và đánh giá khác về hiện tượng này.

Trong các bộ sử cũ biên soạn dưới thời quân chủ, các sử gia phong kiến, nhất là các sử thần triều Nguyễn, thường cho rằng: Các sứ quân chỉ gây nên cảnh loạn ly, rối ren, khổ cực cho dân chúng, “ai nấy đều chiếm cứ huyện ấp, mưu thôn tính lẫn nhau”, hay “tụ tập quân đánh lẫn nhau”. Tuy nhiên, theo PGS,TS Nguyễn Danh Phiệt (Viện Sử học): “Kiểm tra qua thần tích, truyền thuyết, truyện kể, tuyệt nhiên chưa hề nói đến các sứ quân thôn tính lẫn nhau. Có chăng chỉ còn hiện tượng tìm cách liên kết chống lại Đinh Bộ Lĩnh, nhưng mưu toan không thành… Tất nhiên, tình trạng tự quản kéo dài, các sứ quân tập hợp lực lượng ngày càng mạnh mẽ sẽ dẫn đến hỗn chiến, thôn tính lẫn nhau. Trên thực tế, khả năng đó chưa thành hiện thực”. Trong số 12 sứ quân do sử sách cung cấp, theo thần phả, thần tích và sử sách có (đến) chín người là tướng thần của vương triều Ngô (Ngô Quyền), đã góp nhiều công tích trong việc xây dựng chính quyền tự chủ và kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập non trẻ.

Những mâu thuẫn rối ren trong nội bộ đã khiến triều đình của Ngô Quyền để lại sau khi ông mất (năm 945) không thể đảm đương được trách nhiệm quản lý đất nước. Xu hướng phân tán đã tồn tại như một di sản của quá khứ, gặp thời điểm chính quyền trung ương quá suy yếu, bất lực nên có điều kiện bộc phát. Xu thế phân tán trong bất kỳ thời điểm nào cũng gây tổn hại đến con đường phát triển của đất nước. Sử cũ cũng ghi lại các thủ lĩnh địa phương quản lý vùng đất và cư dân dưới quyền mình chỉ là các thế lực tự trị, chỉ là việc tự quản, “tự giữ”, chỉ xưng “công” chứ không (phải là) xưng “vương”. Chữ “sứ quân” hay “loạn 12 sứ quân” xuất hiện muộn hơn rất nhiều về sau, dưới quan điểm của các sử gia phong kiến chính thống. Những nghiên cứu mới gần đây đã cho thấy rằng : Đinh Bộ Lĩnh không phải “nổi lên” sau khi có tình trạng cát cứ mà chính ông, với tài năng quân sự và sự khôn khéo chính trị nổi bật của mình, cũng là một thế lực cát cứ mạnh (và sau này trở nên mạnh nhất) từ rất sớm trên vùng đất Hoa Lư (TS Trần Trọng Dương - Tọa đàm khoa học “Đinh Bộ Lĩnh – Loạn sứ quân: Từ sử liệu đến sử thực). Trong 15 năm (từ năm 951 đến năm 965) Đinh Bộ Lĩnh tích lũy lực lượng, củng cố vị thế và chờ thời cơ. Đến năm 967, Đinh Bộ Lĩnh đã đứng đầu liên minh mạnh nhất, giành được thế thượng phong, đánh bại những lực lượng còn lại của nhà Ngô, đồng thời buộc các sứ quân khác chấm dứt sự cát cứ của mình.

Đặc điểm của xu thế phân ly, chia tách là chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (so với lịch sử của đất nước ). Khi có một lực lượng đủ mạnh (về cả chính trị và quân sự), đủ sức thâu tóm quyền lực về tay mình để dựng nên một chính quyền thống nhất, các lực lượng cát cứ ở địa phương sẽ bị tiêu diệt. Đây là một quy luật bất biến của lịch sử Việt Nam. Thực tế lịch sử đã cho thấy: Chỉ hai năm sau khi nhà Ngô chính thức chấm dứt (năm 965), các sứ quân đã nhanh chóng tan rã hay quy phục dưới cờ của Đinh Bộ Lĩnh, cùng nhau xây dựng nước Đại Cồ Việt độc lập tự chủ. Xu hướng phân tán bị đẩy lùi, xu hướng thống nhất thắng thế để phát triển đất nước.

Xét trên lợi ích quốc gia, việc cát cứ (của các “sứ quân”) đi ngược lại nguyện vọng thống nhất của dân tộc. Nhưng có thể thấy trong bối cảnh đất nước rơi vào tình trạng “vô chính phủ”, việc các vị hào trưởng có thế lực quân sự mạnh, thiết lập chính quyền, duy trì trật tự tại địa phương để nhân dân có thể sống yên bình (tạm thời) trong vùng đất của họ là điều cần thiết và thuận lòng dân - dù việc này không có tính toàn cục và chỉ diễn ra trong một thời đoạn ngắn.

Có thể kể về nhân vật lịch sử Đỗ Cảnh Thạc như một thí dụ để chứng minh rằng : Dân vẫn tôn thờ những người có công bảo vệ, chăm lo cho họ. Trên vùng đất (Đỗ Động giang) mà Đỗ Cảnh Thạc cát cứ và trấn trị xưa là các huyện Thanh Oai, Quốc Oai (Hà Nội ngày nay), còn nhiều chứng tích cho thấy nhân dân rất biết ơn ông, dựng nhiều đình, đền để thờ phụng Đỗ Cảnh Thạc. Từ thời Lê, triều đình cũng thường ghi nhận công lao và ban nhiều đạo sắc phong, cho phép người dân được thờ phụng vị Thượng đẳng thần này. Tại đình Ngô Sài (huyện Quốc Oai, Hà Nội) thờ ông là thần thành hoàng còn lưu câu đối :

Hộ quốc tý dân, dịch thế thanh linh, thần tích hiển.

Minh công, lục đức lũy triều phong tặng đế ân long.

Tạm dịch:

Giữ nước, giúp dân, thanh danh lẫy lừng, thần tích hiển.

Khắc công, ghi đức, nhiều triều phong tặng.

Mục đích sâu xa của việc thờ phụng (không chỉ riêng Đỗ Cảnh Thạc) được các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: Đó là việc làm không chỉ vì người xưa, mà chủ yếu vì người nay: Giáo dục đạo lý cho thế hệ sau để sống sao cho xứng đáng với những gì mà tổ tiên để lại. Điều đó cũng nói lên rằng: Cần quan tâm tới việc bảo tồn, tôn tạo các di tích liên quan tới các bậc danh nhân lịch sử của dân tộc, vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của chúng ta, vừa góp phần giáo dục tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu quý quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/di-san/lo-n-12-s-quan-nhan-dan-v-n-yeu-qu-nh-ng-ng-i-gi-n-c-giup-dan-1.337009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét