Trích bài "Từ nguyên một số từ đơn tiết gốc Hán" trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội. 2011.
Trong chuỗi này ta có từ Hàm 含 là một từ gốc để khảo sát. Sách Thuyết văn giải tự 說文解 字 của Hứa Thận ghi: 含,嗛也 hàm, hiềm dã (hàm, ngậm vậy). Sách Thích danh釋名thiên Thích ẩm thực 釋飲食ghi: 含,口也,合口亭之也。銜亦然也Hàm, khẩu dã, hợp khẩu đình chi dã. Hàm diệc nhiên dã (hàm là miệng, trỏ việc khép miệng rồi giữ nó như thế. Chữ hàm銜 cũng như vậy). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, nghĩa gốc của từ hàm này vốn là một danh từ chỉ chung phần xương dưới (bộ nhai), mà tiếng Việt còn bảo lưu (trong khi tiếng Hán đã rơi mất), tiếng Việt có cụm từ hất hàm. Phần đầu ngoài cùng của xương hàm chính là cái cằm (âm Hán Việt trước đời Đường của chữ 含, dấu tích còn trong thanh phù kim, câm 今), sau này, khi chữ Hán hậu kỳ gia tăng kết cấu hình thanh để khu biệt nét nghĩa thì mới có chữ頷 hàm với nghĩa là cằm (kết cấu: hàm/ càm含là thanh phù kết hợp với bộ hiệt 頁trỏ đầu và các bộ phận ở phần đầu). Vào tiếng Việt, hàm còn là một loại từ dùng để trỏ cả bộ xương răng trên, răng dưới và phần răng phía trước (hàm trên, hàm dưới, hàm mặt) . Ngoài ra, chữ hàm này còn mở rộng nét nghĩa, để trỏ cả phần xương vòm phía trên tạo nên khoang miệng (dù xương này không có khớp và không cử động được), gọi là hàm ếch . Hàm trỏ chung cả khoang miệng, trong văn hóa cổ truyền có lễ phạn hàm . Cuốn từ điển Hán Việt cổ Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có câu: giáp tư má tựa hoa đào, càng hàm râu mọc giáp xa lồm xồm (4, 15a). Phương ngữ Nghệ An còn lưu giữ âm cổ này dưới hình thức càm hàm, hay cằm hàm. Ví như: “cằm hàm: (T.). dt. cằm: bị đấm trúng cằm hàm.”
Hàm khi là động từ, có nghĩa là giữ vật bằng hai hàm trong trạng thái để nguyên, Hán văn có thành ngữ hàm mai tật tẩu 銜枚疾走 (ngậm hàm đi nhanh) , cho nên hàm còn là nguyên từ của ngậm, chữ Nôm viết là唅 . Trong sách Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, từ ngậm 吟xuất hiện hai lần, ví dụ: nhịn chịu ngậm trong lòng , dịch câu 忍受甘心 nhẫn thụ cam tâm [42a7]; có thức ngậm thiêng liêng trong tam giới dịch từ câu 有識含靈 hữu thức hàm linh [42a7], trong đó cụm ngậm thiêng liêng được dịch từ chữ hàm linh, có nghĩa là dung chứa linh thiêng . Trong bản giải nghĩa Thiền tông khóa hư ngữ lục của Tuệ Tĩnh cũng có một số ví dụ như sau: Mọc lông đeo sừng, ngậm sắt, đội yên [23a], trong đó từ ngậm sắt dịch từ chữ hàm thiết啣鐵; Phập phồng sáng đầu núi hằng ngậm bóng nguyệt [55a], trong đó cụm từ ngậm bóng nguyệt dịch từ nguyên văn chữ Hán hàm thố啣兔 . Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi cũng có câu: chim có miệng kêu âu lại ngậm (Tự thán. 108.3). Chúng ta có từ Hán Việt hàm oan 銜冤/ 含冤và một biến âm khác của nó là ngậm oan. Tương tự như vậy là các cặp hàm tiếu銜笑 - ngậm cười/ ngậm cười chín suối, hàm hận銜恨- gậm hờn (gậm một mối căm hờn trong cũi sắt- Nhớ rừng- Thế Lữ).
Hàm 銜còn là một từ tố để trỏ các vật, các máy móc có hai ngàm cử động, ví dụ máy nghiền hàm. Mối tương ứng H- NG còn cho một âm nữa là ngàm. Trong kiến trúc cổ truyền, ngàm là lỗ đục lộng trên cấu kiện gỗ để đóng chốt/ mộng/ngõng vào đó. Tuy nhiên cả với nét nghĩa này, chúng ta vẫn thấy cái ý nghĩa gốc là “cái ngàm dùng để ngậm và giữ cái mộng/cái ngõng/ cái đột ở trong”. Ngàm là dụng cụ cũng có hai hàm dùng để kẹp và giữ vật. Ví dụ một số thuật ngữ kỹ thuật hiện nay và một số văn cảnh: mô men ngàm, ngàm cứng, ngàm di động, ngàm hở, ngàm mềm, ngàm đàn hồi, ngàm một đầu, ngàm chống xoay, ngàm hoàn toàn, ngàm cục bộ, ngàm biên, tấm chu tuyến ngàm, ngàm trượt, ngàm bốn cạnh, ngàm khớp . Thử kéo mẫu thép tròn trơn trên máy kéo nén vạn năng thủy lực Instron Model 2000KN, lực tải tối đa 2000kN, ngàm kẹp thủy lực dạng nêm có tấm chắn không cho mạt sắt lọt vào má trượt .
Phái sinh theo một hướng khác, hàm còn đọc trại thành gậm (hay gặm), để trỏ việc dùng cả hàm để nhai xương, hay ăn cỏ. Sự tương ứng thủy âm H-G-NG ở đây còn có thể thấy qua một ví dụ tương tự khác là từ gẫm (ngẫm, nghiệm ra rằng). Gẫm là cách đọc Hậu Hán Việt của niệm 念, trong đó thanh phù của chữ này là câm/ kim 今. Ngay trong tiếng Hán, chữ niệm念còn cho một biến âm khác là nghiệm chữ Hán là騐 (niệm 念 làm thanh phù cấp hai, còn kim今 là thanh phù cấp một, thanh phù gốc). Thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có câu: từ thuở hóa rồng càng lạ nữa, chúa xuân gẫm càng huyễn thay (Trúc thi, 223.4); trong tập thơ này đồng thời tồn tại từ ngẫm: ngẫm hay sự thế nhẹ bằng lông (Lão hạc, 284.2). Cho thấy, ở thế kỷ XV, biến âm đã là một phương thức để khu biệt các nét nghĩa cho các từ có cùng một nguyên từ.
Theo nghĩa bóng, ngâm 吟tức là ngậm âm, ngậm tiếng ở trong khoang miệng rồi nhả ra theo tiết tấu, nhịp điệu của hơi thơ. Tiếng Việt có các từ theo nghĩa này như ngâm thơ 吟詩, ngâm vịnh 吟詠 , ngâm nga 吟哦 , ngâm ngợi 吟議 , ngâm khúc 吟曲, ngâm tụng 吟誦 , trầm ngâm沈吟 . Phái sinh tiếp theo hướng “để lâu vật trong một trạng thái nào đó”, chúng ta còn có từ ngâm với nét nghĩa “dìm lâu trong chất lỏng”, như ngâm mình, ngâm gạo, có khi việc ngâm đó là để tạo các quá trình phản ứng hóa học hay chuyển đổi chất, thẩm thấu chất, như ngâm thuốc, ngâm dấm, ngâm gỗ, hồng ngâm, rượu ngâm, măng ngâm,… Phái sinh xa hơn cả, chúng ta thấy còn có chữ ngâm với nghĩa bóng là “để việc lại rất lâu không chịu giải quyết” như câu có mỗi việc bé tẹo mà mấy bác hành chính ngâm mãi không xong. Từ các nét nghĩa trên, ta thấy câu thơ của Hồ Xuân Hương “cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ, đợi đến ba thu mới giãi màu” là tinh nghịch hiếm thấy.
Từ bài này: cần loài bỏ từ CẰM với tư cách là một từ vựng cơ bản (sic) để nghiên cứu nguồn gốc tiếng Việt
Trả lờiXóa