Trần Trọng Dương (Viện NC Hán Nôm)
Trong bài viết “Đinh Bộ Lĩnh và loạn Lã Xử Bình (từ sử liệu tới sử thực)”, chúng tôi đã công bố một số sử liệu mới cho phép đi đến một số nhận định rằng: (1) Đinh Bộ Lĩnh là người nổi dậy sớm (từ năm 951); (2) ông đã cát cứ ở Hoa Lư trong quãng 15-17 năm; (3) Năm 967, sau các chiến thắng trước Đỗ Cảnh Thạc (và 500 con cháu họ Ngô), tiêu diệt phe tiếm quyền Lã Xử Bình, và chinh phục Thứ sử Phong châu Kiều Tri Hựu, Thứ sử Vũ Ninh châu Dương Huy, thì Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành lực lượng quân sự mạnh nhất, đủ sức thống nhất các lực lượng khác, để thu giang sơn về một mối. Kể từ thời điểm này, nhà Ngô sụp đổ. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần phải tiếp tục thảo luận thêm. Thứ nhất là các khái niệm “sứ quân”, “loạn sứ quân”, “loạn mười hai sứ quân” và tại sao Đinh Bộ Lĩnh trước nay lại không được liệt vào hàng sứ quân? Thứ hai, thời gian loạn đời nhà Ngô nên là (944-967) hay chỉ giới hạn trong khoảng (965-967)? Tình hình cát cứ ở thời nhà Ngô nên nhận diện cụ thể như thế nào? Chúng tôi sẽ lần lượt thảo luận từng vấn đề. Sự thảo luận dựa trên tính quan trọng của vấn đề nên không câu nệ vào mức độ ngắn dài của các đoạn viết.
Khái niệm “sứ quân”
Theo cách định nghĩa của từ điển Từ nguyên thì khái niệm “sứ quân” chỉ là một cách gọi tôn xưng trang trọng trong khẩu ngữ dành cho những người nắm giữ chức đầu của một châu mục nào đó. Cách tôn xưng này đã từ dân gian mà đi vào văn ngôn qua một số văn bản từ đời Đường cho đến đời Thanh. Vì vậy, cần khẳng định lại một điểm ở đây là “sứ quân” không hề có nghĩa xấu như nhiều người trước nay vẫn hiểu. Cái nghĩa xấu bị gắn cho ấy bởi nó thường được định danh bởi các cụm “loạn sứ quân” hay “loạn 12 sứ quân” do đời sau gán vào. Dưới đây chúng tôi sẽ thảo luận về một số nhân vật sứ quân tiêu biểu, cũng như bản chất của cục diện chính trị thế kỷ X- giai đoạn Đinh Bộ Lĩnh “dẹp loạn 12 sứ quân” (sic).
Điểm diện “sứ quân”
Trước tiên là về Ngô Xương Xí. Ông được gọi là “sứ quân” hẳn là có lý do riêng. Bởi vì với tư cách là cháu đích tôn của Ngô Quyền, cháu ruột của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, Ngô Xương Xí được Nam Tấn Vương giao trọng trách trị nhậm Ái châu- đất mồ mả tổ tông. Như thế, ông là Thứ sử Ái châu vào giai đoạn này, và Bình Kiều là trị sở đầu não của Ái châu vào thời điểm đó. Đến giai đoạn 965-967, sau khi Ngô Xương Văn mất, ông đáng ra sẽ lên ngôi. Nhưng, với thực trạng nhà Ngô bị Lã Xử Bình cướp mất quân đội và chiếm mất kinh đô Cổ Loa, lại thêm tình thế cát cứ của liên minh Trần Lãm- Đinh Bộ Lĩnh thì Ngô Xương Xí đã bị cô lập ở Ái Châu trong hai năm, không thể ra ngoài bắc để lên ngôi. Việc ghi chép “Ngô sứ quân” (phụ chép: các sứ quân khác) trong Đại Việt sử ký toàn thư chứng tỏ điều này. Như vậy, sau khi Nam Tấn Vương mất, không có chuyện Ngô Xương Xí nổi loạn, làm loạn.
Thứ hai là về Đinh Bộ Lĩnh. Các sử liệu đời Tống- Minh đều ghi chép rõ rằng, Đinh Bộ Lĩnh từng nhậm chức Ngự Phiên Đô đốc ở Hoan châu, khi Đinh Công Trứ- cha ông còn sống. Đến khi cha mất, Đinh Bộ Lĩnh, theo phép tập ấm, được thay cha nhiếp chức Hoan châu Thứ sử. Nhưng sau đó, vì liên quan đến thế lực Dương Tam Kha, nên ông đã mất chức, và phải về quê ở Hoa Lư, thời điểm xảy ra sự kiện này là vào năm 950. Sau đó một năm, năm 951, hai vua họ Ngô lên ngôi, và Đinh Bộ Lĩnh ngay lập tức ra mặt chống lại là Ngô. Ông đã tiến hành cát cứ tại Hoa Lư từ năm 951 đến năm 965. Từ năm 965-967, Lã Xử Bình cướp ngôi nhà Ngô, khiến cho các sứ quân (thứ sử) khác phải “tự giữ”, hoặc phải xuất quân đánh Xử Bình. Giai đoạn này, Đinh Bộ Lĩnh tuy không còn chức, nhưng đã trở thành một lực lượng mạnh nhất, và cuối cùng đã chiến thắng tất cả các lực lượng còn lại. Như thế, Đinh Bộ Lĩnh, ở giai đoạn 951-967, không được các sử gia đời sau xếp vào hàng sứ quân là chính xác. Ngoài ra, như ta biết, Đinh Bộ Lĩnh là người chiến thắng, và thống nhất lãnh thổ, nên ông không bị các sử gia đời sau xếp vào “lực lượng sứ quân”. Vì thế, chúng tôi đề xuất không nên dùng khái niệm “sứ quân” để trỏ chung cho tất cả các lực lượng quân sự ở giai đoạn này.
Thứ ba là về Đỗ Cảnh Thạc. Ông là một nha tướng của Ngô Quyền. Sau đó làm tướng trong thời Bình Vương Dương Tam Kha cùng với Dương Cát Lợi. Năm 950, hai tướng này thuận theo lời đạo nghĩa của Ngô Xương Văn nên dẫn quân về đảo chính Bình Vương . Vậy ta có thể khẳng định rằng, với cuộc đảo chính này, Đỗ Cảnh Thạc là tướng đầu triều của nhà hậu Ngô. Ông được ban thực ấp tại quê hương là Đỗ Động giang (Thanh Oai/ Quốc Oai, Hà Nội ngày nay). Với cách ghi như Đại Việt sử ký toàn thư và một số bộ sử khác, thì ông có thể được giao làm Thứ sử của vùng đất này. Tiếc là sử liệu không cho biết đó là châu nào, mà chỉ ghi theo tên quê của ông. Vì vậy, gọi sứ quân Đỗ Cảnh Thạc hay Thứ sử Đỗ Cảnh Thạc là có cơ sở. Năm 965, Ngô Xương Văn chết trận, thuộc tướng là Lã Xử Bình thâu tóm binh quyền, quay về cướp kinh đô Cổ Loa. Hơn 500 con cháu họ Ngô phải chạy về Đỗ Động giang nương nhờ Đỗ Cảnh Thạc. Lưu ý là trong số hơn 500 người này hẳn phải có hai người con trai út của Ngô Quyền là Nam Hưng và Càn Hưng (Lúc đó Nam Hưng và Càn Hưng đã gần 30 tuổi), thêm vào đó là con của Ngô Xương Văn (hiện sử liệu không có biết danh tính cụ thể của ai). Sau hai trận Ô Man và Đỗ Động giang, Đỗ Cảnh Thạc và hơn 500 con cháu họ Ngô đã bị Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt. Như vậy, Đỗ Cảnh Thạc không phải là “sứ quân nổi loạn” mà là lực lượng của nhà Ngô. Khi Đỗ Cảnh Thạc bị tiêu diệt, thì cán cân lực lượng hẳn là đã nghiêng hẳn về Đinh Bộ Lĩnh.
Cuối cùng là Lã Xử Bình. Nhân vật này là thuộc tướng của Ngô Xương Văn, và hẳn là không giữ chức Thử sử ở một châu nào đó. Sử liệu Việt Nam không hề nhắc đến nhân vật này. Nhưng các sử liệu Tống- Minh đều ghi rõ Lã Xử Bình cướp ngôi họ Ngô. Kết hợp với thông tin “500 con cháu họ Ngô ở Đỗ Động giang” trong Toàn thư, chúng tôi đoán định rằng Lã Xử Bình đã kéo quân về Cổ Loa cướp quyền họ Ngô. Đây là phát hiện quan trọng nhất trong nghiên cứu của chúng tôi về hình hình chính sự nhà Ngô mà trước nay được gọi là “loạn sứ quân”. Nhưng dầu sao, cũng có thể khẳng định là Lã Xử Bình không phải là “sứ quân” bởi chức vụ chỉ là Tham tá, chứ không phải là Thứ sử. Và cái “loạn sứ quân” trước nay sử sách vẫn dùng phải chăng nên gọi là “loạn Lã Xử Bình.”
Điểm qua bốn nhân vật quan trọng nhất của giai đoạn này, chúng ta thấy, khó có thể dùng khái niệm “sứ quân” để bao quát cho tình trạng cát cứ cũng như các lực lượng quân sự ở giai đoạn cuối của nhà Ngô.
Số lượng sứ quân- Thứ sử nhà Ngô
Đến đây, chúng ta thử đếm lại các sứ quân như sau.
(1) Ngô Xương Xí: Thứ sử Ái châu (Thanh Hóa), lị sở Bình Kiều (Triệu Sơn?, Thanh Hóa).
(2) Kiều Công Hãn: Thứ sử Phong châu (Phong Châu, Vĩnh Phú).
(3) Nguyễn Khoan (Nguyễn Thái Bình): Thứ sử châu (?), lị sở Tam Đái (Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú).
(4) Ngô Nhật Khánh: Thứ sử Hoan châu (Nghệ An), lị sở Đường Lâm (Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An).
(5) Đỗ Cảnh Thạc (Đỗ Cảnh công): Thứ sử châu (?), lị sở Đỗ Động giang (Thanh Oai- Quốc Oai, Hà Nội).
(6) Lý Khuê (Lý Lãng công): Thứ sử châu (?), lị sở Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh).
(7) Nguyễn Thủ Tiệp (Nguyễn Lệnh công), Thứ sử châu (?), lị sở Tiên Du (Tiên Du, Bắc Ninh).
(8) Lữ Đường (Lữ Tá Công): Thứ sử châu (?), lị sở Tế Giang (Mỹ Văn, Hưng Yên).
(9) Nguyễn Siêu (Nguyễn Hữu công): Thứ sử châu (?), lị sở Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội).
(10) Kiều Thuận (Kiều Lệnh công): Thứ sử châu (?), lị sở Hồi Hồ (Cẩm Khê, Sông Thao, Vĩnh Phú).
(11) Phạm Bạch Hổ (Phạm Phòng Át): Thứ sử Đằng châu (Xích Đằng, Kim Thi, Hưng Yên).
(12) Trần Lãm (Trần Minh công): Thứ sử Trường Châu (Thái Bình, Nam Định), lị sở Bố Hải Khẩu (thành phố Thái Bình).
(13) Dương Huy: Thứ sử châu Vũ Ninh (?).
Tổng hợp các sử liệu Việt Nam và Trung Hoa, chúng ta thấy, giai đoạn này có 13 sứ quân (Thứ sử). Như vậy, bản đồ hành chính thời Hậu Ngô vương có thể chia thành 13 châu, cộng với Cổ Loa cả thảy sẽ ít nhất có 14 khu vực địa lý hành chính lớn. Tên gọi các châu này và địa phận của từng châu ra sao thì với tình hình sử liệu hiện nay, chúng ta chưa thể giải quyết được. Hoa Lư có thể là một động thuộc về Trường Châu dưới sự trị nhậm của Thứ sử Trần Lãm. Đây cũng là một yếu tố địa - chính trị góp phần khẳng định về sự thuận lợi của liên minh Trần – Đinh.
Nhân vật Thứ sử bổ sung là Dương Huy. Nhân vật này trước nay còn là một ẩn số. Theo chúng tôi, Dương Huy có lẽ là con trai của Dương Cát Lợi- thuộc tướng trung thành của nhà Ngô. Sử liệu nhà Tống ghi ông “tranh lập” cùng bọn Lã Xử Bình. Theo chúng tôi, việc “tranh lập” này là một cách ghi mù mờ, không chính xác. Có lẽ, đã có một số trận đánh giữa các lực lượng trung thành với nhà Ngô (như Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Tri Hựu và Dương Huy) với Lã Xử Bình. Nhưng kinh đô Cổ Loa là thành trì vững chắc nhất vào thời bấy giờ, cho nên việc đánh thành có lẽ đã diễn ra trong hai ba năm, nhưng đều không thành công. Tiếc rằng, sử liệu hiện còn quá ít ỏi, không có thông tin nào về sự đối đầu giữa các lực lượng này.
Đến đây có thể nhận định rằng, không có khái niệm “mười hai sứ quân” như trước nay vẫn hiểu. Các sứ quân/ Thứ sử đó cũng không hề đánh lẫn nhau để gây nên “loạn 12 sứ quân”. Như Nguyễn Danh Phiệt đã từng khẳng định: “Liệu có thể từ những điều ghi chép của Việt sử lược và Toàn thư để chuyển dịch sang hình thức nội chiến giữa các sứ quân như Cương mục đã chép được không? Kiểm tra qua thần tích, truyền thuyết, cho đến nay, tuyệt nhiên chưa hề gặp một chi tiết nào nói đến chuyện đánh lẫn nhau trong số 12 sứ quân (TTD nhm).”
Như trên, chúng tôi đề xuất ý kiến, không nên dùng “sứ quân” hay “loạn sứ quân”. Khái niệm “sứ quân” là cách gọi trỏ Thứ sử của các châu đời nhà Ngô, khái niệm này không bao quát hết các lực lượng quân sự thời này, bởi hai nhóm quan trọng nhất gây nên sự bất ổn và sụp đổ của nhà Ngô chính là Lã Xử Bình và Đinh Bộ Lĩnh (hai nhân vật này đều không trị nhậm một châu nào). Cụm “loạn sứ quân” hay “loạn 12 sứ quân” cũng không nên dùng, bởi lẽ số lượng sứ quân/ Thứ sử là nhiều hơn thế. Thứ nữa, như chúng tôi đã nêu, các Thứ sử này không đánh nhau. Mà chiến sự chỉ xảy ra giữa các Thứ sử trung thành với nhà Ngô (như Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Tri Hựu, Dương Huy) với Lã Xử Bình; và chỉ xảy ra giữa phe liên minh Đinh Bộ Lĩnh với ba Thứ sử trên và Lã Xử Bình mà thôi. Điều này cho thấy những ghi chép “Giao Chỉ đại loạn” trong Ngũ đại sử (của Âu Dương Tu) hay “Giao Chỉ thập nhị châu đại loạn” trong Tục tư trị thông giám trường biên (của Lý Đảo), “quản nội nhị thập châu đại loạn” trong Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm, ... là những ghi chép đại khái giống như “kỳ bộ nội loạn” trong Ngọc hải của Vương Ứng Lân .
Tính chất cát cứ của các lực lượng
Thêm nữa, cũng cần xác định lại tính chất cát cứ của các lực lượng ở các giai đoạn khác nhau. Đinh Bộ Lĩnh cát cứ so với nhà Ngô trong thời gian 15 năm từ 951 đến 965. Liên minh Trần Lãm- Đinh Bộ Lĩnh trong thời gian này có thể theo hai khả năng. Thứ nhất: nếu đó là liên minh ngầm, thì Trần Lãm chỉ được coi là sự cát cứ ngấm ngầm, tức là ông chưa thực sự ra mặt trên chính trường. Thứ hai: nếu đó là liên minh công khai, thì Trần Lãm sẽ nổi lên như một thế lực lớn đáng kể nhất trong 15 năm này. Song, với sử liệu hiện nay (Toàn thư bỏ trống không ghi một sự kiện nào trong 15 năm trị vì của Hậu Ngô vương ngoài sự kiện Đinh Bộ Lĩnh), chúng tôi chỉ thấy rằng, Trần Lãm thực sự “ra mặt” sau cái chết của Ngô Xương Văn. Và cái chết của Trần Lãm năm 967, có thể coi là nguyên nhân gián tiếp gây nên chuyển biến lớn đầu tiên trên chính trường: con cháu nhà Ngô tổng tiến công Bố Hải Khẩu và chịu thất bại ở Ô Man. Tiếp đến, sự chiếm cứ của Lã Xử Bình ở thành Cổ Loa từ năm 965 đến năm 967, tạm có thể coi là sự cát cứ. Nhưng đó không phải là cát cứ trên chính lãnh thổ trị nhậm của nhân vật này, mà đó là sự cướp đất, cướp quyền nhà Ngô mà chúng đề xuất nên gọi là “loạn Lã Xử Bình”. Sự cát cứ của các Thứ sử còn lại theo chúng tôi là việc “tự giữ” (chữ của Toàn thư) đất đai của mình, quân đội của mình mà không nghe theo sự sai khiến của Cổ Loa (Lã Xử Bình). Những thứ sử trung thành nhất với nhà Ngô như Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Tiễn, Dương Huy vừa “tự giữ”, vừa tiến hành tấn công Lã Xử Bình (sử liệu hiện nay chưa cho thấy ba thứ sử này đánh lẫn nhau). Một số Thứ sử khác thì “tự giữ” đất để chờ vua mới lên ngôi và tình hình chiến sự giữa các nhóm thế lực trên. Sự cát cứ ở giai đoạn này còn phải kể đến hai thôn (họ) Đường- Nguyễn ở đất Thái Bình (Phú Thọ ngày nay).
Trên đây là một số ý kiến bổ sung của chúng tôi về việc nhận thức lại sự kiện Đinh Bộ Lĩnh và tình hình động loạn thời Hậu Ngô vương trong thế kỷ X. Những giả thuyết hay đề xuất được nêu ra trong bài viết được dựa trên những sử liệu mà chúng tôi tiếp cận được. Và những giả thuyết ấy sẽ cần phải đặt lại một khi sử liệu có phát hiện mới- khác hoặc là khi cách đọc sử liệu của chúng tôi có điểm bất cập mà chúng tôi chưa nhận thức được hết.
Tiến sĩ giấy Trần Trọng Dương ơi tôi đọc nhiều bài viết của ông và chán ngán lắm rồi, kiểu làm mới lịch sử như ông để bán sách rẻ tiền lắm
Trả lờiXóa