VỀ MỘT SỐ TÁC GIA HOÀNG TỘC TRIỀU NGUYỄN
(Giới thiệu tác giả, khảo sát tình hình văn bản)
Trần Trọng Dương
Đã in trong Thông báo Hán Nôm học.2008. Nxb KHXH.H.
Triều Nguyễn là giai đoạn nở rộ của văn học với khối lượng tác phẩm nhiều nhất với số lượng tác gia đông đảo nhất. Góp phần dựng nên diện mạo của văn học giai đoạn này là các tác gia trong hoàng tộc nhà Nguyễn. Những tên tuổi như Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bửu, Công chúa Mai Am, Công chúa Huệ Phố v.v…đã đi vào tiềm thức của mọi người như những hiện tượng văn chương tiêu biểu của giai đoạn này. Các vị vua như Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức cũng nổi tiếng có tài hay thơ. Riêng ba tác gia này số lượng tác phẩm đã lên đến trên dưới chục ngàn bài. Việc sưu tầm, phiên âm, dịch chú và giới thiệu các tác phẩm của các tác gia hoàng tộc triều Nguyễn không chỉ giúp chúng ta hiểu được một lực lượng sáng tác quan trọng trong giai đoạn này, mà còn góp phần dựng nên diện mạo chung cho văn học Hán Nôm trên đất cố đô.
Kể từ khi vua Gia Long lên ngôi, mở ra thời kì mới của đất nước, Huế đã trở thành trung tâm văn hóa của cả đất nước. Huế đã trở thành nơi hội tụ anh tài. Huế đã tồn tại như một trung tâm chính trị và giáo giục. Từ đây, Huế cũng tồn tại như một trung tâm văn học của cả nước. Đại Nam liệt truyện (từ đây viết tắt là ĐNLT) ghi: “Thương Sơn lập ra Thi xã, họp khách văn chương hơn 300 người.” Có thể nói, lực lượng các tác gia hoàng tộc giữ vị trí như là những người tổ chức, lĩnh xướng. Các hoàng tử triều Nguyễn là những người được đào tạo quy củ và bài bản về Nho học. ĐNLT còn ghi Tùng Thiện vương Miên Thẩm khi bẩy tuổi đã có thể “gấp sách đọc có khi trăm tờ”, 9 tuổi đã làm được thơ, sau lớn lên “học tập các sách kinh sử không sách gì không thông hiểu lại có tính mê sơn thuỷ, hàng ngày cùng danh sĩ giao du, kiến văn ngày càng rộng...”. Tuy Lý vương Miên Trinh bốn tuổi đã học thuộc Tiểu học, Hiếu kinh, “khi lớn học rộng văn hay”. Hồng Sâm con của Tuy Lý vương “lên 9 tuổi đã biết làm thơ, 13 tuổi biết làm văn, đến 20 tuổi, xem rộng các sách, càng giỏi về thơ.” Tương An quân vương Miên Bửu “thông khắp kinh sử, có tiếng làm thơ, càng giỏi về quốc âm.” Quỳ Châu quận công Miên Liêu “lúc trẻ thông minh và khi ra mở phủ riêng dốc chí ham học, thông khắp các kinh điển, có tiếng về thơ hay.” Quảng Trạch quận công Miên Cư “dĩnh ngộ kì lạ, ...học các kinh sử đến cả các sách chư tử. Hiện (tức Hoàng đế) Kì (tức Kì Bá) (hai sách thuốc), đạo Phật, đạo Lão đều biết qua cả. Đàm luận giỏi, viện dẫn đều có căn cứ, lời thơ rất phong nhã, có tiếng về thơ.”...Có thể nói, lực lượng các tác gia văn học hoàng tộc là những người có kiến thức, có văn tài. Các hoàng tử, hoàng thân đều được đào tạo để phục vụ cho việc quản lý xã hội theo thiết chế của Nho gia. Giai đoạn chúa Nguyễn trước đó, các hoàng tử chủ yếu khẳng định vị trí và vai trò của mình bằng cách dẫn quân chinh chiến, dẹp loạn. Họ đều là các võ tướng, trực tiếp cầm quân đánh trận. Như hoàng tử Thuần mới 20 tuổi cầm quân đánh thắng quân Trịnh, chấm dứt cuộc giao tranh Trịnh- Nguyễn. Duy chỉ có hoàng tử Tứ “học rộng các sử sách, đặc biệt là trội về thơ Nôm.” [2] Có thể thấy, giai đoạn các chúa Nguyễn là giai đoạn võ trị, sang đến triều Nguyễn xu hướng đi dần đến văn trị. Lực lượng tác gia hoàng tộc triều Nguyễn là một biểu hiện của xu hướng này.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi vào giới thiệu một số tác gia hoàng tộc triều Nguyễn mà từ trước đến nay ít người biết đến, gồm 17 tác giả. Đó là những người có thi tập, có thể đứng riêng thành một tác giả lớn, cũng có thể đó là tác giả chỉ còn để lại một số bài thơ được chép trong một số tuyển thơ. Còn các tác gia nổi tiếng có ít nhiều tác phẩm đã được dịch chú và đã được nghiên cứu như Miên Thẩm, Miên Trinh, Mai Am, Huệ Phố, Minh Mệnh, Tự Đức thì chúng tôi xin được để lại trong một dịp khác.
I. Giới thiệu về các tác gia hoàng tộc triều Nguyễn
1. Từ Sơn công (1813- 1869): ông tên là Mão, là con thứ 13 của Thế Tổ Cao hoàng đế Gia Long, mẹ là Chiêu dung họ Nguyễn Văn, năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) ông được phong làm Từ Sơn công. Ông vốn chịu khó đọc sách, hành động theo lễ phép, kính giữ chức phiên vương. Tự Đức thứ 2 (1849), vua thấy ông tuổi cao lại có đạo đức, miễn khỏi triều lạy. Ông mất năm 1869 thọ 56 tuổi, thụy là Ôn Thận, đền ở xã Xuân Hoà thuộc huyện Hương Thuỷ. Không thấy ông để lại trước tác gì. Chỉ thấy có mười bài thơ ứng chế khi ông cùng vua Tự Đức đi thăm nhà Thái học năm 1854 chép trong ĐNLT và Ngự chế bích ung canh ca hội tập (từ đây viết tắt là BUCC). [2]
2. Thọ Xuân vương Miên Định (1808- 1885) tự là Minh Tĩnh, hiệu là Đông Trì, sinh năm 1808, lúc đầu Thế Tổ Cao hoàng đế Gia Long cho tên là Yến. Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), được ban tên là Định. Ông là con thứ ba của Thánh Tổ Nhân hoàng đế Minh Mệnh, mẹ là gia phi họ Phạm. Ông vốn tư chất hơn người, nổi tiếng hay thơ, nhất là thể thơ ứng chế, sau được phong làm Thọ Xuân công. Khi vua đi tuần thú, ông thường được giao lưu lại ở kinh lo việc. Ông từng làm chức Tổng lí coi làm bộ Đại Nam hội điển, sau được sung Ngự tiền thân thần, giữ chức Tả tôn chính phủ Tôn Nhân. Ông mất năm Đồng Khánh nguyên niên (1885) thọ 77 tuổi. Tác phẩm: Minh Mệnh cung từ, Minh Tĩnh ai phương thi tập. Ông có một bài thơ được chép trong BUCC. Đây là bài thơ duy nhất còn lại của ông. [2]
3. Ninh Thuận công Miên Nghi (1810- 1875): ông trước tên là Dục sau mới được ban tên là Nghi. Là con thứ 4 của Thánh tổ Nhân hoàng đế Minh Mệnh, mẹ là Trang tần người Phú Lộc, phủ Thừa Thiên, con gái của Trần Công Nghị. Ông phong tư khôi ngô khác thường, tính tình hào mại. Khi làm hoàng tử ra mở phủ đệ theo học, đọc rộng khắp kinh sử. Năm Minh Mệnh thứ 14, đổi phong làm Ninh Thuận công. Từng giữ chức Tả tôn nhân phủ Tôn Nhân, Hữu tôn chính phủ Tôn Nhân. Ông mất năm 1875, thọ 65 tuổi, thụy là Đoan Túc, đền ở xã Tiên Nộn, huyện Phú Vang. Ông chỉ để lại một bài thơ được chép trong BUCC. [2]
4. Tương An quận vương Miên Bửu (30/5/1820- 8/3/1854) huý là Miên Bửu, tự là Duy Thiện, còn có tự là Sư Cổ, hiệu là Khiêm Trai hay Mai Hiên, tước Tương An quận vương. Vương là con thứ 12 của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế và bà An Tần họ Hồ. Vương thuở nhỏ sức mạnh khác thường, ham thích võ nghệ, cưỡi ngựa bắn cung rất giỏi. Lớn lên, vương chịu khó đọc sách, hiểu rộng kinh sử. Vương nổi tiếng về thơ, nhất là về thơ quốc âm, lại đặt ra điền từ, nhiều bài rất hay. Vương cũng nổi danh về đàn tì bà. Đương thời, ông cùng Miên Thẩm, Miên Trinh thành lập Tùng Vân thi xã, tạo thành bộ ba Tam Đường nổi tiếng thời bấy giờ. Năm Thiệu Trị 2 (1842), vương cùng Tùng Thiện hộ giá Hiến Tổ bắc tuần, về được thăng tước. Vương từng làm Giáo đạo cho An Phong công Hường Bảo và Phước Tuy công Hường Nhậm, nhưng xem ra ưu ái với Hường Bảo hơn. Sau vụ Hường Bảo âm mưu đảo chính và bị giết, vương bị Tự Đức nghi ngờ. Từ đó ông đóng cửa ở nhà lấy thơ rượu làm khuây. Ông thọ 35 tuổi, thuỵ là Cung Nghị. Lăng và từ đường hiện ở làng Nguyệt Biều, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tác phẩm:Khiêm Trai thi tập, Khiêm Trai văn tập. Thơ nôm của ông không được khắc in, hiện chỉ truyền lại Hoài cổ ngâm, Trăm thương, bài liên ngâm Hoà lạc ca và 16 bài thơ luật. [2]
5. Quỳ Châu quận công Miên Liêu (1824- 1882): ông là con thứ 29 của Thánh tổ Nhân hoàng đế Minh Mệnh, mẹ là cung tần họ Lê, con gái Đô thống Lê Chất. Ông lúc trẻ thông minh, khi ra mở phủ riêng dốc chí học hành, thông khắp các sách kinh điển, có tiếng về thơ hay. Năm Thiệu Trị thứ 3 được phong làm Quỳ Châu quận công. Năm Thiệu trị thứ 7 (1847), ông theo vua thăm nhà Thái học, ứng chỉ làm 8 bài “vua thăm nhà học”. Vua rất khen, và cho chép vào tập BUCC. Năm Tự Đức thứ 34 (1882), ông mất, thọ 53 tuổi, thụy là Cung Lượng, đền ở xã An Cựu, huyện Hương Thuỷ. Thơ văn ông chỉ còn lại 8 bài được chép trong tập BUCC và ĐNLT.
6. Quảng Ninh quận vương Miên Bật (1825- 1848), hiệu là Vân Đình, con thứ 30 của Thánh Tổ Nhân hoàng đế Minh Mệnh. Ông sinh năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), lúc trẻ dĩnh ngộ lạ thường, thích học viết, khi trưởng thành thì ra học thầy ở bên ngoài không sách gì là không đọc nên được vua rất yêu. Ông tính vốn cung kính, cẩn thận và hiền hậu. Khi làm thân phiên, có dựng thư viện Tự Hương để làm nơi đọc sách, thường vịnh với những người văn thơ nổi tiếng lúc bấy giờ. Khi Dực Tông Anh hoàng đế Tự Đức còn ở tiềm để, cùng học với ông, hai ông thường cùng nhau xướng hoạ. Được phong làm Ninh quốc công. Năm Tự Đức 7 (1848), ông mất thọ 23 tuổi, thụy là Đôn Hoà. Trước tác của ông có tập thơ Hân Nhiên. Khi Tự Đức lên ngôi, thấy bản thảo của ông còn để ở các nên đề rằng: “cách biệt nhau ngàn thu, hận đã dài lắm, trông thấy thơ để lại càng thương. Cấm thành ngày dài cùng ai nối thơ, viện kín hoa tàn há có thể tụ được hương thơm. Đạm bạc lòng như ông Đào Tĩnh Tiết, thanh cao nối vần như ông Mạnh Tương Dương. Đêm nay lúc tĩnh đem thơ ra đọc, gió thổi đèn sương, trăng soi rường nhà.” Sau được Miên Thẩm dâng biểu xin san khắc, được vua chấp thuận. [2]
7. Lạc Biên quận công Miên Khoan (1826 - 1864): ông là con thứ 33 của Thánh tổ Nhân hoàng đế Minh Mạng, mẹ là Quý nhân họ Lương, người Phù Mĩ, Bình Định con gái của Đình Suy. Lúc mới làm hoàng tử có học hạnh, được phong làm Lạc Biên quận công. Năm Tự Đức thứ 7 (1848), mùa xuân, tháng 2, vua thăm nhà Thái học, ông theo hầu, vâng mệnh ứng chế 12 bài ca Thị học, được vua khen, cho chép vào BUCC. Ông mất năm Tự Đức 16 (1864), thọ 38 tuổi, thụy là Đôn Lượng, dựng đền ở ấp Trung Bộ thuộc Hương Thuỷ. Thơ văn ông chỉ còn 12 bài thơ ứng chế chép trong BUCC và ĐNLT.
8. Quảng Trạch quận công Miên Cư (1838 -1854) là Trọng Trữ, con thứ 47 của Thánh Tổ Nhân hoàng đế Minh Mạng, mẹ là Hoà Tần họ Nguyễn Văn, con gái của Văn Thanh, Chưởng cơ trấn thủ Quảng Yên. Ông sinh năm Minh Mệnh thứ 10. Ông lúc trẻ rất thông minh dĩnh ngộ, học thông kinh sử và chư tử. Ông được phong Quảng Trạch công. Lúc bị bệnh ông thường ngâm nga câu: Sầu cực hốt sinh Y, Lạc trưởng, xuy sinh kị hạc ta thời nhân (sầu lắm chợt sinh ra tưởng tượng đi chơi sông Y sông Lạc, thổi tiêu cưỡi hạc từ biệt người đời. Năm Tự Đức thứ 7 (1854), ông mất thọ 26 tuổi. Ông có tập thơ Cống thảo viên thi do Tùng Thiện vương Miên Thẩm san khắc và đề tựa, tựa rằng: “đại khái rằng đặt tên vườn là Cống Thảo ấy là trộm theo điển trong sách Chu Lễ; mơ thấy bút sinh hoa, tự tác làm tập Hán Phiên. Nhưng mà: Trần Thư (tức Tào Thực) không được dùng, hoảng hốt mà thành bệnh sầu; Hoài Nam (tức Ôn Lưu) tự thương thân, hoặc nương tựa mà tìm người ẩn dật. Ghét kẻ gian tà thói đời, thường thấy trong bài thơ; cưỡi hạc thổi tiêu thành câu thơ sấm. Vì là: dụng tâm quá khắc khổ, tinh thần có chỗ khó chịu, lo quá thành ốm, cho nên không hưởng tuổi trời được lâu.” [2] Tập thơ Cống thảo viên thi hiện nay cũng không còn.
9. An quốc công Miên Ngung (1829) hiệu là Mạn Viên, tự Hoà Phủ, con thứ 48 của Thánh Tổ Nhân hoàng đế Minh Mệnh, sinh năm Minh Mệnh thứ 10 (1829). Lúc trẻ ông rất ham học, trời phú cho tư chất thông minh, đọc rộng khắp các sách kinh sử và sách chư tử. Nổi tiếng văn hay, có thể sánh với Quảng Ninh quận công Miên Bật. Được phong làm Bình An quận công. Năm Tự Đức thứ 6 (1853) mất, thọ 25 tuổi. Được truy tặng làm An quốc công, thuỵ là Cẩn Tuệ, liệt tự ở đền Thân Huân. Ông có trước tác tập thơ Mạn Viên. Miên Thẩm đề tựa cho tập thơ ấy, khen rằng: ông có tâm linh suốt đời xưa, trí sâu xa xét rõ từng tí, phát ra lời văn đều hay cả [2]. Nhưng tập thơ này đến nay không thấy còn. [2]
10. Trấn Biên quận công Miên Thanh (1830- 1877) tự là Giản Trọng, hiệu là Duân Đình, con thứ 51 của Thánh tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng, anh cũng mẹ với Phong quốc công Miên Kiền. Ông người yếu, nhiều bệnh, mới làm hoàng tử mở phủ học, thông kinh sử, có tiếng thơ hay, biết nghề thuốc. Năm Minh Mạng thứ 21, được phong Trấn Biên quận công. Năm Tự Đức thứ 29 (1876), ông theo hầu vua ngự thăm cửa biển Thuận An, vâng sắc kính hoạ thơ Thuận An ngự chế tám mươi vần (bài này chép trong ĐNLT và BUCC). Ông mất năm 1877, thọ 47 tuổi, thụy là Cung Lượng. [2] Tác phẩm: Duân Đình thi thảo nay đã mất. Thơ còn lại của ông được in trong Đào Trang tập (VHv. 15) của Hường Vịnh, con trai thứ ba của ông[12].
11. Phong quốc công Miên Kiền (1831- 1855): ông tự là Trọng Cung, con thứ 55 của Thánh Tổ Nhân hoàng đế Minh Mệnh, em cùng mẹ với Trấn Biên quận công Miên Thanh. Khi làm hoàng tử ra mở phủ riêng đi học, thông kinh sử, có văn từ. Năm Thiệu Trị thứ 6, phong làm Phong quốc công. Năm Tự Đức thứ 7, vua ngự thăm nhà Thái Học, ông theo hầu, hiến bài Tụng thị học và được đưa vào cuốn BUCC. Năm Tự Đức thứ 7 (1855), ông mất, thọ 24 tuổi, thụy là Hoằng Nhã, đền ở xã Vĩ Dã huyện Phú Vang.[2] Ông sáng tác không nhiều. Bài Tụng thị học là tác phẩm duy nhất còn lại của ông.
12. Hoà Thạnh vương Miên Tuấn (1827- 1907): tự là Dương Hiền, Ngạn Chi, Ngạn Thúc, Trọng Diên, Tử Tài, Nhã Đường chủ nhân, Lạc thiện lão nhân hiệu là Tùng Viên [13]. Ông là con thứ 37 của đức Thánh Tổ, mẹ là An tần Hồ Thị Tuỳ. Năm 1831, ông được ra Quảng Phúc đường cùng học với anh em, sau được tấn phong là Hoà Thạnh quận công. Năm 1883, được phong là Thạnh quốc công. Năm 1895, ông được phong làm Hoà Thạnh công. Sau khi mất, được truy phong là Hoà Thạnh quận vương rồi Hoà Thạnh vương. Nhà thờ ở Phú Mỹ, Huế. Tác phẩm có: Nhã Đường thi tập, Nhã Đường văn tập, Hiếu kinh lập bản, Quốc âm hiếu sử. [9]
13. Nguyễn Phước Hường Vịnh ( ? - ? ) hiệu Trọng Vĩnh, con trai thứ ba của Trấn Biên quận công Miên Thanh, thời trẻ thông minh nhanh nhẹn, thích ngâm vịnh, phong cách giống như cha, kiêm thông nghề thuốc. Lúc mới ra làm việc từng trải chức Bổ tri huyện, sau đổi sung Trợ giáo, rồi thăng hàm Thị giảng [2]. Tác phẩm có Đào Trang tập. Ông viết rất nhiều thơ về cảnh quan xứ Huế. Thơ ông đượm ý vị thiền, cảm hứng trầm lặng. Thơ ông cũng in dấu những suy tư của một bề tôi đối với vua và những công việc của đất nước [12].
14. Phong Lộc quận công Hường Hàng (1837- 1867) ông là con thứ 9 của Hiến tổ Chương hoàng đế Thiệu Trị, mẹ là Đoan tần họ Trương, người huyện Tống Sơn, Thanh Hoá, con gái của Văn Minh. Lúc đầu làm hoàng tử có đức hạnh. Năm Tự Đức thứ 5, được phong làm Phong Lộc quận công. Năm thứ 7, mùa xuân tháng 2, Tự Đức ngự thăm nhà Thái học, ông theo hầu, vâng lệnh ứng chế 6 bài thơ Thị học, được chép trong tập BUCC. Tự Đức thứ 18 (1867), ông mất, thọ 30 tuổi, thụy là Cung Hậu. Thơ văn ông chỉ có 6 bài thơ trên.
15. Kiến Thuỵ quận vương Hường Y (1833- 1878): tự là Quân Bác, con thứ 4 của Hiến tổ Chương Hoàng đế Thiệu Trị, mẹ là Thục phi họ Nguyễn Văn, người Lệ Thuỷ, Quảng Bình, con gái của Chưởng cơ lãnh binh là Văn Phượng. Sinh năm Minh Mạng thứ 14 (1833). Ông lúc bé kì dị, thông minh khác thường, đến khi lớn học rộng thơ hay, rất được vua yêu. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), ông được phong làm Kiến Thụy công. Đầu thời Tự Đức, ông cùng Tùng Thiện quận vương vào hầu vua ở vườn sau tập bắn. Vua làm 16 vần thơ Quý đông tân tình hậu uyển tập xạ, ông và Miên Thẩm mỗi người nối một câu thành một bài, vua rất vừa ý. Năm Tự Đức thứ 7(1854), ông theo vua đến thăm nhà Thái học, dâng bài tụng Thị học, vua khen cho liệt vào BUCC. Vua Tự Đức từng mừng thọ ông hai bài thơ trong đó có câu khen rằng: Văn chương sư Tử Kiến, đức nghiệp nộ Đông Bình (văn chương học Tào Thực, đức nghiệp sánh với Hán Đông Bình Vương.) Năm thứ 24 (1872), ông giữ chức Hữu tôn nhân phủ Tôn nhân. Năm thứ 30 (1878), ông mất, thọ 45 tuổi, vua xuống dụ truy tặng là Kiến Thuỵ quận vương, thuỵ là Tuệ Đạt, đền ở ấp Đông Trì huyện Hương Trà. Theo ĐNLT, ông vốn “tính hiếu hữu, thích làm điều thiện không mỏi, bình sinh không thích gì, chỉ lấy trước thuật làm vui, trên từ bài tụng hiến, dưới đến các bài tặng đáp, cùng là khi đi chơi núi hồ rừng nội, bài nói về bạn bè hội họp yến tiệc, ngâm vịnh về cá chim cây cỏ, cảm hứng về sự tích cổ kim, câu ngắn bài dài, văn chương rực rỡ.” Đương thời, ông có tập thơ Tuần Cai biệt thự thi tập. Bài tụng Thị học chép trong ĐNLT và BUCC [2].
16. Hường Sâm (1840? -1883?) tự là Dao Khanh, hiệu là Di Hiên, lúc trẻ thông minh. Chín tuổi đã biết làm thơ, 13 tuổi biết làm văn, đến 20 tuổi xem rộng các sách, tiếng tăm lừng lẫy trong Thi xã. Khi được Ngô Quý Đông tiến cử, ông làm bài thơ Thanh thanh lăng thượng bách, nghị làm tờ thư xin lại đất của quân sĩ sáu tỉnh Nam kì (dùng thể biền ngẫu), viết bài luận Lục luật sư vạn sự căn bản (sáu luật căn bản cho muôn việc)..., vì vậy ông được vua Tự Đức khen là có học và bổ thụ hàm Thị độc. Sau ông được bổ hàm Thị độc học sỹ, Tham biện viện các, cùng Bùi An Niên ứng chế bài thơ Thị các thần. Được vua khen là “tiếng, vần, khí, vị” rất bình đạm. Năm 1883, ông đi sứ nhà Thanh. Sau ông bị Nguyễn Văn Tường, Lê Thuyết buộc tội, truất làm người thường, giam vào ngục rồi bị đánh thuốc độc chết, thọ 44 tuổi. Trước tác có các tập: Di hiên, Hỷ mặc, Trúc lâm, Đạo nam, Bồ sơn nhưng đều thất truyền, chỉ còn hai bài thơ đề bức hoạ Tô Tử đi chơi Xích Bích được chép trong ĐNLT[2].
17. Nguyễn Phước Ưng Phục (? - ?): hiện không rõ hành trạng thế nào. Có lẽ ông là cháu của Miên Thanh, con của Hường Vịnh, anh em với Hường Sai. Tập thơ Thập nhị đầu đà hành oa ngâm thảo của ông được phụ chép trong cuốn Đào Trang tập của Hường Vịnh. Theo như lời ghi về tác giả trong đầu tập thơ, Ưng Phúc là người xuất gia, hiệu Nhất Tâm trụ trì chùa Bảo Lâm (Bảo Lâm tự chủ Ưng Phúc Nhất Tâm trứ). Tập thơ gồm 12 bài thơ, được Như Như Đạo Nhân san định. Theo tư liệu hiện có, chúng tôi chưa biết gì thêm về tác gia này [12].
II. Tình hình văn bản tác phẩm:
Trong số 17 tác giả, có 11 tác giả có thi tập, văn tập riêng, bao gồm: Miên Định (Minh Mệnh cung từ, Minh Tĩnh ai phương thi tập), Miên Bửu (Khiêm Trai thi tập, Khiêm Trai văn tập), Miên Bật (Hân nhiên thi tập), Miên Cư (Cống thảo viên thi), Miên Ngung (Mạn Viên thi tập), Miên Thanh (Duân Đình thi thảo), Hường Vịnh (Đào Trang tập), Hường Sâm (Di hiên, Hỷ mặc, Trúc Lâm, Đạo nam, Bồ Sơn), Hường Y (Tuần Cai biệt thự thi tập), Miên Tuấn (Nhã Đường thi tập, Nhã đường văn tập), Ưng Phúc (Thập nhị đầu đà hành oa ngâm thảo) tổng cộng có 16 tập thơ văn. Tuy nhiên, theo sự tra cứu của chúng tôi (qua [1], [10], [11]), đa số văn bản của các tác phẩm này đã thất truyền, đó là các tập: Minh Mệnh cung từ, Minh Tĩnh ai phương thi tập, Hân nhiên thi tập, Duân Đình thi thảo, Cống thảo viên thi, Di hiên, Hỷ mặc, Trúc Lâm, Đạo nam, Bồ Sơn. Duy có Duân Đình thi thảo của Miên Thanh còn một phần, được chép trong cuốn Đào Trang tập của Hường Vịnh mang tên Duân Đình thi thảo trích lục.
Trong số 17 tác giả, có 6 người không thấy để lại thi tập hay văn tập. Các tác phẩm còn lại của họ có thể coi là những tác phẩm duy nhất. Các tác phẩm này chủ yếu được chép trong BUCC, ĐNLT hoặc được phụ chép trong một số tập thơ của các tác gia hoàng tộc khác. Vì vậy, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu qua về văn bản hai tác phẩm BUCC, ĐNLT cùng với một số tập thơ văn hiện vẫn còn lưu trữ được.
Về văn bản tác phẩm Ngự chế bích ung canh ca hội tập[1]御制辟雝賡歌會集 : khảo sát sự tồn tại văn bản của tác phẩm thấy rằng: hiện nay ở các thư viện ở Hà Nội tồn tại 3 bản: Một bản ở thư viện Quốc gia (bản in), 4 quyển: Quyển thủ: R.1529, 30tr, Quyển I: R. 1530, 41tr., Quyển II: R.1531, 85 tr, Quyển III: R. 1532, 76 tr; khổ 26 x16. Hai bản còn lại ở thư viện của Viện nghiên cứu Hán Nôm. Trong đó, một bản in: A. 150, 458 tr; khổ 26 x16. Một bản viết: VHv.102, 206 tr; khổ 28 x16. Cả 3 bản hiện nay được bảo quản trong tình trạng khá tốt. Hai bản in có in màu son ở phần tựa và ngự chế. Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng cả hai cuốn này đều được in ra từ một ván khắc, nội dung và hình thức không có gì khác nhau. Chỉ có điều cuốn ở thư viện Quốc gia được đóng riêng biệt theo thứ tự từng phần thành 4 quyển nhỏ. Những quyển này bìa đóng giấy cứng, hơi cũ màu nâu đỏ; bên trong in bằng loại giấy dó mỏng, dai. Cuốn ở thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, tất cả các quyển nhỏ được đóng gộp lại trong một quyển lớn, bìa giấy cứng màu trắng ngà đã ngả vàng; bên trong cũng được in bằng loại giấy dó mỏng. Trong từng trang, kết cấu hình chữ nhật có khung viền và dòng kẻ chia các dòng. Tổng cộng 1 trang có 7 dòng, số chữ tối đa một dòng là 18. Chữ in theo thể Khải, tinh xảo và rõ ràng, dễ đọc. [4]
Về văn bản cuốn Đại Nam liệt truyện 大南列傳 : chúng tôi tiếp thu từ [1]. ĐNLT do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) đến năm Thành Thái thứ 17 (1905). In năm Duy Tân thứ 3 (1909). Gồm 4 bản in (85Q), 1 biểu dâng sách, 1 phàm lệ, 1 tổng mục. Gồm các kí hiệu: VHv 1569/1-10: 3800 tr. 31x19; A.35/1=10: 4200 tr. 30x19; A.2771/1-10: 4200 tr.30x19; MF: 1138 & 611 (A.35/1-10); Paris. EFEO.MF.II/2/162 (A.35/1-10).
Về văn bản cuốn Khiêm Trai thi tập 謙齋詩集 : văn bản này theo Nguyễn Khuê trong [3] chỉ còn được lưu trữ tại Viện Khảo cổ Sài Gòn (không biết nay là ở đâu). Đó là văn bản khắc in mang kí hiệu V.22 gồm 655 bài. Khiêm Trai thi tập được Hoà Thạnh quận vương san định và khắc in, trong bản in không thấy đề năm khắc in, gồm 14 quyển tổng cộng 655 bài, cụ thể là Q.1: 39 bài; Q.2: 65 bài; Q.3: 58 bài; Q.4: 21 bài; Q.5: 29 bài; Q.6: 47 bài; Q.7: 37 bài; Q.8: 43 bài; Q.9: 48 bài; Q.10: 52 bài; Q.11: 66 bài; Q.12: 42 bài; Q.13: 62 bài; Q.14: 46 bài. Tờ đầu có đề “Tương An quận vương trứ”. Theo Nguyễn Khuê có lẽ văn bản này được khắc in trong khoảng năm 1878-1883, tức là sau khi Tương An được truy tặng quận vương và trước khi Tuy Lý vương được phong lên tước vương. Về văn chữ Hán, có Khiêm Trai văn tập, gồm 2 quyển, tổng cộng 74 bài, gồm 2 quyển, cụ thể như sau: Q1: 54 bài; Q2: 20 bài. Thơ Nôm của ông rất nhiều, nhưng vì không được khắc in nên một phần đã bị thất truyền. Hiện chỉ còn một số thi phẩm chính là Hoài cổ ngâm, Trăm thương, bài liên ngâm Hoà Lạc ca và 13 bài thất ngôn Đường luật bát cú. Các văn bản Nôm hiện giờ cũng không biết còn hay mất. Chỉ còn một số bản in chữ la tinh của thế kỉ XX như: bản Bửu Cầm, Thái Văn Kiểm [8], Nguyễn Khuê [3].
Về văn bản cuốn Duân Đình thi thảo trích lục 筠亭詩草摘錄 : cuốn này được chép ở đầu cuốn Đào Trang tập (Đào Trang thi thảo) của Hàn lâm viện thị giảng Hường Vịnh Trọng Vĩnh kí hiệu VHv.15 hiện lưu trữ tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm. Bản VHv.15 dày 254 trang. Nhưng thực chất là đóng gộp hai bản làm một. Bản 1, theo chúng tôi là bản in lần đầu. Bản 2 là bản in lần sau vì có bổ sung nhiều chỗ. Trong bản 1, thơ Miên Thanh có 19 bài. Trong bản 2 có in thêm bài Cung hoạ ngự chế thực ngạc ngư ứng chế. Như vậy, thơ Miên Thanh hiện tại còn 20 bài. Trong đó bài Cung hoạ ngự chế Thuận An bát thập vận thi nguyên vận được chép trong 2 bản của cuốn Đào Trang tập kí hiệu VHv.15 và các bản của ĐNLT.
Về văn bản cuốn Đào Trang tập 桃莊集 : theo [1] ghi: VHv.15 gồm “toàn bộ 8 tập thơ của Hường Vịnh, gồm những bài vịnh cảnh vật, thời tiết, thơ thuật sự, cảm hoài, vịnh sử, thơ thù tặng...”. Theo sự khảo sát của chúng tôi, văn bản VHv.15 không giống như vậy. Như trên đã nói, bản VHv.15 gồm hai bản in ở hai lần in đóng gộp lại. Bản lần một, chỉ có in Duân Đình thi thảo trích lục của Miên Thanh và 6 tập thơ của Hường Vịnh. Bản in lần hai có bổ sung một bài thơ cho tập Duân Đình thi thảo trích lục, ngoài ra còn có thêm 4 tập thơ nữa của Hường Vịnh và phụ thêm tập Lại An thi thảo trích lục 賴安詩草摘錄 (gồm 26 bài thơ) của Hình bộ Thượng thư Nguyễn Bài Vĩnh Cao do Hường Vịnh phụng hiệu, và Thập nhị đầu đà hành oa ngâm thảo của Ưng Phúc. 10 tập thơ của Hường Vịnh trong Đào Trang tập bao gồm:
Đào Trang tập nhất: còn có tên Nghiễn bắc sơn phòng ngâm sao 硯北山房吟鈔 , do Lưu Thuý San tàng bản khắc năm Canh dần, gồm 18 bài thơ.
Đào Trang tập nhị: còn có tên Lô hoa thiển thuỷ đình ngâm sao 蘆花淺水亭吟鈔 , mất tờ đầu nên không biết in ở đâu, gồm 16 bài thơ.
Đào Trang tập tam: còn có tên Tiểu Thuý Vân sơn chi sào ngâm sao 小翠雲山之巢
吟鈔 , do Hoa Nam thư ốc tàng bản khắc năm Canh dần, gồm 21 bài thơ.
Đào Trang tập tứ: còn có tên Trú hạc ngâm sao 住鶴 吟鈔 , mất tờ đầu nên không biết in ở đâu, gồm 18 bài thơ.
Đào Trang tập ngũ: còn có tên Tam thuý lâm tạ ngâm sao 三翠林榭吟鈔 , mất tờ đầu nên không biết in ở đâu, gồm 19 bài thơ.
Đào Trang tập lục: còn có tên Xuân sơn thương thuý nhi tri tiếu hiên ngâm sao 春山蒼翠而知笑軒吟鈔 , mất tờ đầu nên không biết in ở đâu, gồm 39 bài thơ.
Đào Trang tập thất: còn có tên Tùng cúc do tồn chi hoá đài ngâm sao 松菊猶存之化臺吟鈔 , mất tờ đầu nên không biết in ở đâu, gồm 18 bài thơ.
Đào Trang tập tứ: còn có tên Tiên thuý động tiên ngâm sao 鮮翠洞天吟鈔 , mất tờ đầu nên không biết in ở đâu, gồm 47 bài thơ.
Đào Trang hậu tập nhất: còn có tên Cổ Thuý Trai ngâm sao 古翠齋吟鈔 , mất tờ đầu nên không biết in ở đâu, gồm 36 bài thơ.
Đào Trang hậu tập nhị: còn có tên Hạc tiệp sào ngâm sao 鶴睫吟鈔, do Ưng Sai phụng hiệu, mất tờ đầu nên không biết in ở đâu, gồm 18 bài thơ.
Như vậy, Hường Vịnh còn 250 bài thơ được chép trong Đào Trang tập. Trên thực tế, thơ Hường Vịnh có khoảng trên 704 bài thơ.
Về văn bản cuốn Tuần Cai biệt thự hợp tập[2] 循荄別墅合集 hiện còn hai bản lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, bản in kí hiệu A.2985, 4 tập, 608 trang, khổ giấy 27.5x16.5. Bản viết tay mang kí hiệu A.377 gồm 1 tập, 472 trang, khổ giấy 31.5x22.5. Ngoài hai bản trên còn có một bản viết tay hiện được lưu trữ lại gia đình ông Nguyễn Quý Tiết ở thành phố Huế. Chúng tôi chọn bản in để khảo sát tình hình thơ văn của Quân Bác. Cụ thể như sau: văn bản in A.2985 là một bộ sách 4 tập, trong đó: Tập 1: trang đầu tiên đề Tuần Cai biệt thự hợp tập. Kết cấu gồm 1 bài tựa do Miên Trinh viết, thơ ngự chế của vua Tự Đức và một số sáng tác chung của Hường Y Quân Bác và một số nhân sĩ khác, mục lục (sắp xếp các quyển thơ theo số thứ tự, năm sáng tác, liệt kê các thể thơ hoặc thể văn được sử dụng và số lượng bài thơ sử dụng thể loại đó, văn (Tuần Cai biệt thự văn sao) quyển 1 và quyển 2, thơ (Tuần Cai biệt thự thi sao) quyển 1 đến quyển 4.Tập 2: Thơ quyển 5 đến quyển 9. Tập 3: Thơ quyển 10 đến quyển 18. Tập 4: Thơ quyển 19 đến quyển 25. Tuần Cai biệt thự hợp tập kí hiệu A.2985 gồm những sáng tác của của Quân Bác từ năm 1851 đến năm 1876 do con trai ông là Ưng Hinh hiệu Mạnh Minh biên tập, hiệu đính và cho khắc in. [7]
Về văn bản cuốn Nhã Đường thi tập 雅堂詩集 (còn gọi Nhã Trang雅莊 ): theo [1] ghi văn bản mang kí hiệu VHb.7 gồm có: “ 213 bài thơ, ca từ, hành... vịnh cảnh vật, hoa cỏ, thời tiết...”, theo [9] ghi Nhã Đường thi tập gồm có 10 tập. Trên thực tế, theo mục lục của văn bản VHb.7, Nhã đường thi tập gồm có 15 quyển, cụ thể là: Q1: 56 bài; Q2: 41 bài; Q3: 49 bài; Q4: 35 bài; Q5: 33 bài; Q6: 35 bài; Q7: 21 bài; Q8: 28 bài; Q9: 46 bài; Q10: 33 bài; Q11: 26 bài; Q12: 38 bài; Q13: 26 bài; Q14: 23 bài; Q15: 10 bài. Tổng cộng gồm 500 bài. Đây là bản được tăng ấn năm Thành Thái. Phần đầu có phụ chép những bài thơ đề tặng của các anh em và bạn bè, con cháu bao gồm: thơ của Miên Thẩm, Miên Bửu, Miên Tể, Miên Ổn, Miên Bật, Miên Khoan, Miên Ngôn, Miên Kiền, Hường Y, Hường Phi... Bản này còn có Nhã Đường thi sao tự tự của Miên Tuấn do Vĩ Dã phê duyệt. Tuy nhiên, văn bản đã rách nát, một số tờ giấy dó đã rời ra thành từng miếng. Sách đã rách mất từ cuối Q11 đến Q15 (khoảng vài chục trang).
Về văn bản cuốn Thập nhị đầu đà hành oa ngâm thảo 十二頭陀行 窩吟草 xin xem phần giới thiệu về tác giả Ưng Phục.
Để nắm bắt dễ dàng hơn tình hình văn bản tác phẩm của các tác giả, chúng tôi lập bảng thống kê như dưới đây. Bảng thống kê gồm ba cột: cột 1 là thông tin về tên tác giả; cột 2 là thông in về tên tác phẩm, có thể là tên của một tập thơ hay tập văn, cũng có thể chỉ là tên một tác phẩm thơ văn cụ thể, kèm theo số lượng tác phẩm. Cột 3 là thông tin về văn bản tác phẩm, các bài thơ, bài tụng ngự chế của các tác giả, chủ yếu được chép trong hai cuốn ĐNLT và BUCC. Nếu là nguyên tác của tác giả thì chúng tôi ghi số kí hiệu văn bản. Nếu là phụ chép trong tập thơ khác thì ghi cả tên sách ấy cùng số kí hiệu văn bản. Các kí hiệu A, VHv, VHb là kí hiệu của kho sách thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm thì chúng tôi không ghi nơi lưu trữ.
Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu qua một số tác gia hoàng tộc triều Nguyễn và khảo sát văn bản thơ văn còn lại của các tác gia này. Trên thực tế, số lượng tác gia chắc còn lớn hơn nhiều. Theo Nhã Đường thi tập ghi thì còn có những tác gia có thể vẫn tìm thấy tác phẩm như Miên Bật, Miên Ổn, Miên Kiền, Miên Ngôn, Miên Tể, Hường Phi v.v. Tất nhiên, số lượng của các tác gia có thi tập, văn tập cũng không nhiều. Việc sưu tầm lại các văn bản các tác phẩm là một việc làm bước đầu và cần thiết. Giới thiệu, phiên âm, dịch nghĩa và chú thích toàn bộ các tác phẩm này cũng là một việc quan trọng không kém. Trong tình hình tư liệu hiện có, chúng tôi sơ bộ thực hiện việc giới thiệu tác giả và khảo sát văn bản như trên. Rất mong các nhà nghiên cứu quan tâm, phủ chính.
TRẦN TRỌNG DƯƠNG
địa chỉ: trantrongduonghn@gmail.com
Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Hà Nội.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Nghĩa & Francois Gros (đồng chủ biên), Di sản Hán Nôm Việt Nam- Thư mục đề yếu, Nxb. Khoa học Xã hội.1993
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Nxb.Thuận Hoá, Huế.1997.
3. Nguyễn Khuê, Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông, Trung tâm sản xuất học liệu, 1974.
4. Hoàng Thị Thu Hường, Giới thiệu và tuyển dịch tác phẩm Ngự chế bích ung canh ca hội tập (luận văn tốt nghiệp), Hà Nội.2003
5. Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn Hoá. 1993
6. Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác gia Việt Nam, T1, Nxb. KHXH.1971
7. Phùng Minh Hiếu, “Tuần Cai biệt thự hợp tập” (Quyển 10)- Bước đầu khảo sát, phiên dịch, chú thích, giới thiệu văn bản và nhận xét về phong cách nghệ thuật (Khoá luận tốt nghiệp), Hà Nội.2004
8. Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế- Di tích- lịch sử- thắng cảnh, Nxb. Đà Nẵng.1994
9. Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả- Thuỷ tổ phả- Vương phả- Đế phả, Nxb. Thuận Hoá, Huế.1995.
10. Trần Trọng Dương, Phan Thị thu Hiền, Vũ Thị Hương, Phạm Thị Thảo, Di sản Hán Nôm Huế- Thư mục đề dẫn (khoá luận tốt nghiệp), Hà Nội.2002.
11. Nguyễn Tô Lan, Sơ bộ khảo sát thư tịch Hán Nôm tại thành phố Huế (khoá luận tốt nghiệp), Hà Nội.2003
12. Nguyễn Phước Hường Vịnh, Đào Trang tập, VHv.15 (Viện Hán Nôm)
13. Nguyễn Phước Miên Tuấn, Nhã Đường thi tập, VHb.7 (Viện hán Nôm)
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Phần khảo sát này chúng tôi sử dụng tư liệu trong [4] của tác giả Hoàng Thị Thu Hường. Nhân đây xin được cảm ơn tác giả.
[2] Phần khảo sát này chúng tôi sử dụng tư liệu trong [7] của tác giả Phùng Minh Hiếu. Nhân đây xin được cảm ơn tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét