Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Sách mới: Kiến trúc một cột thời Lý

KIẾN TRÚC MỘT CỘT THỜI LÝ
(suối nguồn 9, Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang. Nxb Hồng Đức. Tp Hồ Chí Minh. 2013. 305 trang, 96 hình minh họa)

Lời của BBT
Lời mở
Chương 1: Chùa Một Cột hay Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu
1. Tình hình nghiên cứu về kiến trúc, biểu tượng
2. Lịch sử và bản chất khái niệm “chùa Một Cột”
3. Giải mã kiến trúc một cột
4. Nguồn gốc và ý nghĩa biểu tượng của “Liên Hoa Đài”
Chương 2: Phục dựng Liên Hoa Đài trong mandala chùa Diên Hựu
1. Đề xuất thứ nhất: đài sen nghìn cánh là cấu trúc chịu lực
2. Đề xuất thứ hai: Thích Ca Liên Hoa Đài chỉ là một phần của mandala chùa Diên Hựu
3. Đề xuất thứ ba: một cầu, hai cầu hay là tám cầu?
4. Đề xuất thứ tư: tám tháp hay hai tháp?
5. Đề xuất thứ năm: Tứ thiên vương trong cấu trúc mandala
Chương 3: Mandala chùa Diên Hựu trong văn hóa Phật giáo
1. Giới thuyết về mandala và đồ hình mandala trong văn hóa Phật giáo
2. Đồ hình mandala trong lịch sử kiến trúc Việt Nam
Chương 4: Liên Hoa Đài - núi vũ trụ Tu Di trong văn hóa Phật giáo
1. Giới thuyết về núi Meru- Tu Di
2. Núi Meru- Tu Di trong văn hóa Đông Á
3. Núi Meru -Tu Di trong văn hóa Việt Nam
Chương 5: Phục dựng chùa Diên Hựu thời Lý từ hiện vật khảo cổ
1. Bản vẽ phục dựng Liên Hoa Đài trong tổng thể chùa Diên Hựu
2. Những đề xuất phục dựng từ hiện vật khảo cổ
2.1 Cột đá chùa Dạm- hay mô hình nguyên bản của Liên Hoa Đài thời Lý
2.2. Các cầu vồng bắc qua Linh Chiêu và Bích Trì
2.3. Phục dựng các tháp lưu ly
2.4. Phục dựng bạch tháp
2.5. Phục dựng tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trong Liên Hoa Đài
2.6. Phục dựng tượng Tứ thiên vương
Phụ chương: Biểu tượng xi vẫn ở chùa Diên Hựu
Phụ lục 1: Một số tư liệu về kiến trúc một cột tại Trung Hoa
Phụ lục 2: Liên Hoa Đài xưa (ảnh)
Phụ lục 3: Hoa tạng thế giới (đồ họa cổ qua kinh sách)
Phụ lục 4: Chùa Một Cột ban đầu (Ngô Văn Doanh)
Phụ lục 5: Tiếp tục quan sát cột đá chùa Dạm (Nguyễn Hùng Vĩ)
Phụ lục 6: Chùa Một Cột (Nguyễn Bá Lăng)
Phụ lục 7: Một số góp ý, trao đổi
Phụ lục 8: Giới thiệu, dịch chú văn bia Sùng Thiện Diên Linh
Tài liệu tham khảo
Bảng tra


Bình đồ phục dựng.

Chú thích:
(1). Liên Hoa Đài (Tu Di sơn)
(2). Ao Linh Chiêu (ao trong)
(3). Các cầu vồng bắc qua ao Linh Chiêu
(4). Các sân diễn xướng múa Tứ thiên vương
(5). Hành lang (hồi lang, họa lang)
(6). Các cầu vồng bắc qua ao Bích Trì
(7). Ao Bích Trì (ao ngoài)
(8). Tám tháp lưu ly
(9). Nam phương
(10). Đông phương
(11). Bắc phương
(12). Tây phương
(13). Hành lang, giải vũ, trai phòng
(14). Bạch tháp
(15). Lầu chuông Quy Điền


LỜI MỞ




Khi xây dựng một công trình kiến trúc tôn giáo là người xưa cho xây dựng cả một thế giới tâm linh. Vì thế, kiến tạo một ngôi chùa đồng thời là xây dựng một Phật giới. Chùa Một Cột không phải là chùa, mà rốt cục vẫn được gọi là chùa. Dù gọi nó là chùa, là tháp (stupa) hay là đài thì tôi đều hiểu rằng, đó chỉ là một, là như như nhất nhất ở nội hàm bên trong. Đó là điều chúng tôi nhận thức được trong quá trình thực hiện cuốn sách này. Giống như núi lại là núi sau quá trình nhận thức - giải nhận thức và dỡ bỏ nhận thức.
Từ nhỏ, tôi đã nghe không biết đến bao nhiêu lần cái tên “chùa Một Cột”, cũng không biết bao nhiêu lần tôi gọi cái danh xưng ấy, và cũng đã nhiều lần viếng thăm chùa với tấm lòng hồ hởi, ngây thơ của con trẻ về một biểu tượng của văn hóa Việt. Có lẽ ở Việt Nam, không có một di tích nào, không một ngôi chùa nào được sách vở, tranh ảnh, các phương tiện thông tin truyền thông đề cập đến nhiều đến thế. Một công trình được dựng trên một chiếc cột, đó hẳn là một độc sáng về ý tưởng, là một thăng hoa trong nghệ thuật kiến trúc của cha ông. Hình ảnh ngôi chùa ấy xuất hiện trên khắp các trang báo, trong các sách hướng dẫn du lịch, trong các công trình nghiên cứu, rồi được họa sĩ cũng như bao lớp đồng ấu vẽ lại. Dù là nét vẽ ngây thơ hay những nét phóng bút chuyên nghiệp, phảng phất trong đó là một niềm tự hào dân tộc. Hẳn nhiên là thế! Rồi kiến trúc ấy được một số tự viện trong nước nhân rộng, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Có khi được dựng bằng mô hình dùng để trang trí, hay đúc đồng làm quà su - vơ - nia để biếu tặng nhau hay bán cho khách du lịch. Chùa Một Cột đã được coi như là biểu tượng của Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội, là biểu tượng của quê hương Việt Nam. Một biểu tượng đã quá rõ ràng vì sự bền vững lấp lánh của nó trong tâm khảm của biết bao thế hệ.
Cơ duyên đưa đẩy tôi đến với cổ học rồi dần dần bắt đầu có ý thức về việc phải nghiên cứu về truyền thống văn hóa nước mình. Xuất phát ban đầu là người nghiên cứu về tiếng Việt lịch sử và văn tự học (chữ Nôm, chữ Hán), tôi thường chỉ biết mày mò trên từng vảy chữ, với những công việc khắc khổ của việc giải độc văn bản, giải mã cấu trúc, thống kê tư liệu. Tôi dần hiểu ra rằng ngôn ngữ là một hệ biểu tượng, và tiếng Việt là hệ biểu tượng của văn hóa Việt. Hứng thú với biểu tượng, tôi dần tự mở rộng mình, từ việc nghiên cứu lịch sử, tư tưởng, văn học cho đến văn hóa.
Với tư cách là một người làm nghiên cứu, tôi luôn đi theo những “đầu mối của sử liệu” giống như một người phá án đang lần theo những “sợi tóc chứng cứ” để từ đó đi đến những khám nghiệm về “tính chất ADN của lịch sử”. Để nghiên cứu về kiến trúc một cột đời Lý, tôi đọc trước tiên bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Đọi (Hà Nam), viết năm 1121 do Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật- người đương thời chấp bút. Đọc sử liệu, với tôi, luôn phải là đọc bằng nguyên bản chữ Hán, bởi chỉ có tư duy nguyên ngữ/ cảm nhận nguyên ngữ mới có thể giúp ta được điều gì đó, còn các bản dịch chỉ là tham khảo. Với cách làm việc như vậy, tôi đã bước đầu đạt được những thức nhận đầu tiên mà cuốn sách này là sự cụ thể hóa những thức nhận ấy.
Chuyên luận Kiến trúc một cột thời Lý được phân làm năm chương như sau.
Chương một- “Chùa Một Cột hay Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu”
chương này thể hiện sự tái nhận thức về kiến trúc này trong quá trình đọc lại những nghiên cứu của những người đi trước. Có thể coi đó như là lược sử vấn đề nghiên cứu. Quý vị có thể đọc được ở đây lịch sử của tên gọi “chùa Một Cột”, cũng như các kiến giải của các nhà nghiên cứu trước nay về kiến trúc này. Đó là một “bông sen nghệ thuật khổng lồ” (Chu Quang Trứ), là một tháp Phật (Nguyễn Duy Hinh, Ngô Văn Doanh, Hà Văn Tấn), hay là một linga thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Việt (Nguyễn Đăng Thục, Trần Lâm Biền, Trần Ngọc Thêm),... Từ các cứ liệu văn bản học, chương này cho rằng, “chùa Một Cột” là tên gọi dân gian dành cho kiến trúc nhất trụ của “Liên Hoa Đài” được hình thành từ thế kỷ XVII. Và thực chất, Liên Hoa Đài chỉ là một đơn nguyên kiến trúc trong tổng thể mặt bằng của chùa Diên Hựu. Từ góc độ biểu tượng tôn giáo, Liên Hoa Đài là một công trình nhằm cụ thể hóa, vật chất hóa biểu tượng hoa sen bằng nghệ thuật kiến trúc.

Chương hai- “Phục dựng Liên Hoa Đài trong mandala chùa Diên Hựu”. Sử liệu đương thời về Liên Hoa Đài được sử dụng ở đây là văn bia Sùng Thiện Diên Linh (1121). Quá trình giải độc văn bản gốc (original text) được tiến hành song song với quá trình hiệu điểm, giải mã và hiệu đính của khoa văn bản học. Từ việc giải độc đó chúng tôi đưa ra một số đề xuất phục dựng như sau.
Thứ nhất, đài sen nghìn cánh là cấu trúc chịu lực (đài sen này hiện đã không còn dấu vết).
Thứ hai, Liên Hoa Đài chỉ là một phần của mandala chùa Diên Hựu vào thời Lý. Mandala này có bình đồ đa tầng, đồng tâm với hai vòng ao và Liên Hoa Đài ở trung tâm của nó.
Thứ ba, chúng tôi cho rằng, chùa Diên Hựu thời Lý không thể nào chỉ có một cầu như hiện nay, mà khả năng có nhiều cầu bắc qua hai ao. Giả thuyết tối thiểu là có hai chiếc cầu bắc ở mặt Nam. Giả thuyết trung bình là có 5 cầu (trong đó 4 cầu bắc ở bốn hướng của ao ngoài) và 1 cầu bắc qua ao trong, đây là giả thuyết nhóm Ngô Văn Doanh đã đưa ra. Một giả thuyết nữa, là có 6 cầu. Cũng như giả thuyết trung bình, nhưng có thêm một cầu nữa bắc ở mặt Bắc vào đến Liên Hoa Đài. Giả thuyết tối đa là có tám cầu, bắc qua Đông, Tây, Nam, Bắc của hai ao Bích Trì, và Linh Chiêu. Giả thuyết này dựa trên nguyên tắc đối xứng của các mandala thời cổ.
Thứ tư, về số lượng tháp. Từ việc phân tích sử liệu đề cập đến các kiểu tháp lưu ly và tháp bạch manh, chúng tôi đề xuất rằng đây là hai loại tháp khác nhau. Tháp bạch manh là loại tháp lớn, có khả năng nằm ngoài khuôn viên của mandala Diên Hựu. Còn các tháp lưu ly được đề cập đến trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh là loại tháp sứ hoặc gốm, nhỏ hơn và nằm trong mandala. Cũng theo nguyên tắc đối xứng của mandala, chúng tôi cho rằng có tám tháp lưu ly được dựng ở bốn sân, ngay ở đầu các cầu của ao ngoài Bích Trì. Cũng xin lưu ý ở đây, bốn sân cũng là một điểm mới trong cách phục dựng này.
Ngoài ra, phần này cũng lưu ý thêm một đóng góp nữa là về hành lang ngăn cách giữa hai ao Bích Trì và Linh Chiêu. Đó có khả năng cao là một hành lang có mái (không như ngày nay), trên cột hoặc vách có vẽ các tích chuyện Phật giáo. Như giải thích của nhóm Ngô Văn Doanh, hành lang này dùng để chạy đàn khi mở pháp hội.
Thứ năm, từ sử liệu trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh, chúng tôi đề xuất rằng sẽ có tôn tượng Tứ Thiên Vương trong cấu trúc mandala chùa Diên Hựu. Giả thuyết này được củng cố bởi các sử liệu có đề cập đến tục thờ Tứ Thiên Vương trong văn hóa Phật Giáo thời Lý, cũng như hình tượng - tôn tượng các vị thần này trong các ngôi chùa Việt ở các đời sau. Trong các dịp Phật đản, hay lễ nghi Phật giáo, sẽ có diễn xướng múa Tứ Thiên Vương tại bốn phía sân. Ngoài ra, còn có một số đề xuất nhỏ khác ở mục này. Nếu như đã có tôn tượng, hẳn tôn tượng đó được đặt trong các công trình kiến trúc có mái. Kiến trúc này có hai chức năng, vừa là đề thờ, vừa là cửa để đi vào. Nên rất có khả năng các kiến trúc ấy có hai tầng. Tầng trên đặt tượng, tầng dưới làm lối đi. Kết nối với bốn đơn nguyên kiến trúc này có khả năng là tường, hoặc là các hành lang, giải vũ trai phòng bao quanh đồ hình mandala.

Chương ba- “Mandala chùa Diên Hựu trong văn hóa Phật giáo”.
Vì mandala là một thuật ngữ của kiến trúc Phật giáo còn khá xa lạ với nhiều độc giả, nên ở phần này chúng tôi tập trung giới thiệu về khái niệm này cũng như những biểu hiện của nó trong văn hóa, đặc biệt là trong nghệ thuật kiến trúc Phật giáo của Việt Nam cũng như các nước Đông Á và Đông Nam Á. Với quan điểm, mỗi một ngôi chùa là một Phật giới, mỗi một Phật giới là một mandala vũ trụ, chương này sẽ chủ yếu đưa ra một cái nhìn tổng quát về sự thể hiện của ý niệm mandala trong nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Đại Việt thời Lý. Đó là tư duy thế giới quan- địa lý học và thế giới quan- kiến trúc học trong lịch sử văn hóa.

Chương bốn - “Liên Hoa Đài - núi vũ trụ Tu Di trong văn hóa Phật giáo”.
Từ việc phục dựng bình đồ mandala của chùa Diên Hựu thời Lý, chúng tôi đã có cơ sở để lý giải về biểu tượng của Liên Hoa Đài một cột thời Lý. Xuất phát từ thế giới quan Phật giáo được đề cập đến trong một số bộ sách như Phật Tổ thống kỷ, Pháp giới an lập đồ, Hoa tạng truyện, …, chúng tôi cho rằng Liên Hoa Đài là một công trình kiến trúc mô phỏng ngọn núi vũ trụ Tu Di. Núi Tu Di là ngọn núi mang hình hoa sen nằm ở trung tâm của mandala thế giới. Ngọn núi ấy là nơi đức Phật Thích Ca trú xứ, là trung tâm của một tiểu vũ trụ, là trung tâm của thế giới. Bao quanh núi Tu Di là tám vòng núi và tám vòng biển. Nhìn trên bình đồ, cả một tiểu vũ trụ (cửu sơn bát hải) là hình ảnh hoa sen nở ra hoa sen, hoa sen nở ra thế giới. So sánh với các kiến trúc mandala mô phỏng Phật giới như Angkor Wat, Borobudur, chùa Tang Da,… chúng ta thấy kiến trúc mandala với Liên Hoa Đài làm trung tâm là một sáng tạo độc đáo của con người Đại Việt xưa. Hình ảnh kiến trúc một cột mô phỏng đóa hoa sen, nằm ở trung tâm của mandala chùa Diên Hựu là một sự Việt hóa tài tình mà táo bạo trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc. Đó là một loại hình kiến trúc mang tính quốc tế, ở tầm quốc tế.

Chương năm- “Phục dựng chùa Diên Hựu thời Lý từ hiện vật khảo cổ”.

Chương này thực hiện được trên cơ sở nghiên cứu của các chương trước, nhằm tính đến các phương án phục dựng về mặt vật chất đối với chùa Diên Hựu thời Lý. Trong đó, các cứ liệu khảo cổ học được coi như là yếu tố then chốt trong quá trình phục dựng sau này. Trước tiên, chương này đưa ra bản vẽ phục dựng Liên Hoa Đài trong tổng thể mandala chùa Diên Hựu. Sau đó các hiện vật khảo cổ, và mỹ thuật cổ được cân nhắc để từ đó hướng đến việc giải mã biểu tượng và phục dựng.

Ngoài năm chương chính, chuyên luận còn có một phụ chương- “Biểu tượng xi vẫn ở chùa Diên Hựu”.

Xuất phát từ hình tượng xi vẫn trong bài thơ “Diên Hựu tự” của đức Trúc Lâm Tam Tổ Huyền Quang, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu về nguồn gốc lịch sử, quá trình truyền nhập của biểu tượng này từ Ấn Độ đến Trung Hoa và Việt Nam. Quá trình đi tìm hình tượng xi vẫn không chỉ dừng lại ở nội hàm của biểu tượng này, mà chúng tôi còn tìm kiếm hình ảnh thực của nó qua các hiện vật khảo cổ. Như một cuộc lội ngược dòng quá khứ, các hiện vật xi vẫn từ Nguyễn, Lê, Trần cho đến Lý đã phần nào cho chúng ta thấy sự chuyển biến về phong cách tạo tác cũng như hơi thở của từng thời đại. Việc phát hiện ra hình tượng xi vẫn thời Lý – mà trước nay vẫn bị gọi là đầu rồng, có thể coi là đóng góp lớn nhất của phụ chương này cho việc phục dựng chùa Diên Hựu trong tương lai.
Bên cạnh các chương trên, chuyên luận còn cung cấp thêm tám phụ lục. Phụ lục một cung cấp một số sử liệu về kiến trúc một cột Trung Hoa. Sở dĩ, chúng tôi không đưa những dữ kiện này vào chính văn bởi lẽ ở Trung Quốc hiện không còn các di tích này, và chúng tôi hiện cũng chưa xác định được đây có phải là kiến trúc Phật giáo hay Đạo giáo? Nhưng đúng như Lê Quý Đôn đã trích dẫn trong cuốn Vân đài loại ngữ nổi tiếng, những sử liệu trên là khá quan trọng, cho ta cái nhìn khu vực về dạng kiến trúc này để từ đó tiếp tục tìm hiểu thêm trong tương lai.
Phụ lục hai cung cấp một số hình ảnh Liên Hoa Đài xưa và nay. Phụ lục ba cung cấp các bức đồ họa cổ trong kinh sách Phật giáo, nội dung của các bức đồ họa này là mô tả núi Tu Di trong mandala thế giới.
Phụ lục bốn là bài khảo cứu của nhóm Ngô Văn Doanh được in trên tạp chí Khảo cổ học vào cuối những năm 1970, nhưng đã có những sửa chữa, bổ sung mới. Đây có thể coi là bài viết có giá trị nhất về kiến trúc một cột tại chùa Diên Hựu trong thế kỷ XX. Tiếc rằng trong mấy chục năm qua, giả thuyết này ít được biết đến. Chính vì thế, chúng tôi đã xin phép tác giả được in lại bài viết này để cung cấp thêm tư liệu cho quý vị độc giả. Nhân đây xin gửi lời cảm ơn đến GS Ngô Văn Doanh.
Phụ lục năm là bài viết “Tiếp tục quan sát cột đá chùa Dạm” của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ. Đây là bài cuối cùng của tác giả trong số năm bài ông viết về kiến trúc một cột đời Lý. Bài này trước nay mới chỉ được công bố trên mạng, nay chúng tôi cũng xin phép in lại ở đây.
Phụ lục sáu chúng tôi tuyển lại bài “Chùa Một Cột” của Nguyễn Nam Kinh tức kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng - người đã dựng lại Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu vào năm 1955 như ta thấy ngày nay. Bài này đã từng công bố ở hải ngoại, nay chúng tôi thấy BBT của báo Hương Sen đã đưa lên mạng, nên cũng mạn phép in lại bởi có nhiều thông tin quý giá. Vì tác giả đã mất và chúng tôi lại chưa có nhân duyên liên lạc được với gia đình ông cũng như BBT tờ Hương Sen, rất mong quý vị nếu đọc được những dòng này xin vui lòng liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử trantrongduonghn@gmail.com để chúng tôi gửi lời tri ân và thăm hỏi.
Phụ lục bảy là hai bài viết của các nhà báo Việt Quỳnh và Nguyên Khôi. Nguyên ủy vào tháng 5 năm 2012, chúng tôi đã có buổi thuyết trình “Kiến giải mới về kiến trúc một cột chùa Diên Hựu” do tạp chí Tia Sáng và Không gian sáng tạo Café Trung Nguyên tổ chức. Trong buổi thuyết trình này có nhiều nhà nghiên cứu như Lê Văn Cương, Nguyễn Hùng Vĩ, Trần Thị Kim Anh, Trần Hậu Yên Thế, Phạm Lê Huy, Nguyễn Phúc Anh, Nguyễn Bá Dũng… đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng. Một số đã được tiếp thu trong lần xuất bản này, còn một số ý kiến khác chúng tôi chưa thực hiện được vì ngoài khả năng, vì thế xin in lại bài tường thuật của Nguyên Khôi ở đây để quý vị có thể suy ngẫm thêm giúp chúng tôi. Bài của nhà báo Việt Quỳnh chủ yếu phỏng vấn các chuyên gia về mỹ thuật cổ và kiến trúc cổ như Phan Cẩm Thượng, Lê Thiết Cương, Lý Trực Dũng. Dù là tán thành hay không, chúng tôi cũng in lại nguyên văn để rộng đường thảo luận. Nhân đây xin chân thành cảm ơn các quý vị đã bớt chút thời gian để bổ khuyết và góp ý cho nghiên cứu này.
Phụ lục tám là phần giới thiệu, dịch chú văn bia Sùng Thiện Diên Linh. Đây là sử liệu gốc quan trọng nhất và là gợi ý khởi nguồn cho chuyên luận này, nên chúng tôi đã hiệu điểm, chú thích và dịch lại.
Mặc dù đã rất cố gắng, song cuốn sách cũng sẽ khó tránh khỏi sai sót, mong quý vị nếu có ý kiến xin liên lạc trực tiếp với chúng tôi.
Lời cuối cùng, chúng tôi xin gửi lời tri ân đến BBT của tập san Suối Nguồn, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ Thuật, Tạp chí Tia Sáng, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Huế), quỹ Nafosted cũng như một số bạn bè và các nhà khoa học đã góp ý để chuyên luận này được hoàn thành.
Chèm- Từ Liêm, rằm tháng giêng năm Quý Tỵ
Trần Trọng Dương

4 nhận xét:

  1. em muốn hỏi cuốn sách này bán ở đâu ạ. em đã đi tìm rất nhiều nơi mà không có

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. mình cũng muốn có cuốn này quá

      Xóa
    2. mình cũng muốn có cuốn này quá

      Xóa
    3. chào bạn có tài liệu về kiến trúc và kết cấu chùa một cột không cho mình xin với . cảm ơn bạn nhiều

      Xóa