Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Tờ bằng cấp Lý Sơn- văn bản- hiệu điểm và dịch thuật (áp dụng các chuẩn Quốc tế)

Link: https://www.dropbox.com/s/k69zyixfka1xtd0/A%20A%20A%20PDF-%20articles-trantrongduong-%20citable.rar?dl=0
(để thuận tiện cho việc upload và download tư liệu, các bài của chủ blog được scan và đưa vào 1 file: up 1 lần, down 1 lần).


Trần Trọng Dương. Khảo cứu tờ bằng Lý Sơn: văn bản, hiệu điểm và dịch thuật. Tc NC và PT. (Huế). Số 01. 2015. P.38-57.



KHẢO CỨU TỜ BẰNG LÝ SƠN:
VĂN BẢN, HIỆU ĐIỂM VÀ DỊCH THUẬT

Trần Trọng Dương*


TÓM TẮT

Tờ bằng Lý Sơn (trước đây thường được gọi là tờ lệnh Lý Sơn), kể từ khi phát hiện đến nay, được xem là một trong những văn kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của nhà Nguyễn tại Hoàng Sa, góp phần chứng minh tính lịch sử của chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này. Kể từ sau khi được nhóm Nguyễn Đăng Vũ, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Đức Toàn phát hiện và công bố vào tháng 3-4 năm 2009, văn bản này không chỉ được báo giới quan tâm mà còn được giới nghiên cứu và các cơ quan chính phủ hữu trách nghiên cứu. Cho đến giữa năm 2014, văn bản này đã được dịch thuật, chú thích và công bố bốn lần. Các bản sau kế thừa và bổ sung những ý kiến cho các bản trước, thiết nghĩ đó là công việc cần thiết. Chính vì vậy, bài này tiến hành khảo sát một số vấn đề mà trước nay các nhà nghiên cứu chưa đề cập đến. Đó là vấn đề văn bản học của văn bản Lý Sơn, cụ thể là vấn đề phục dựng văn bản, hiệu điểm (ngắt câu), phân phiến (phân đoạn) và dịch thuật văn bản này từ góc độ của khoa văn bản học và ngôn ngữ học.



Tờ bằng Lý Sơn (trước đây thường được gọi là tờ lệnh Lý Sơn), kể từ khi phát hiện đến nay, được coi như là một trong những văn kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của nhà Nguyễn tại Hoàng Sa, góp phần chứng minh tính lịch sử của chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này. Kể từ sau khi được nhóm Nguyễn Đăng Vũ, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Đức Toàn phát hiện và công bố vào tháng 3-4 năm 2009, văn bản này không chỉ được báo giới quan tâm mà còn được giới nghiên cứu và các cơ quan chính phủ hữu trách nghiên cứu. Cho đến giữa năm 2014, văn bản này đã được dịch thuật, chú thích và công bố bốn lần. Các bản sau kế thừa và bổ sung những ý kiến cho các bản trước, thiết nghĩ đó là công việc cần thiết. Chính vì vậy, bài này sẽ tiến hành khảo sát một số vấn đề mà trước nay các nhà nghiên cứu chưa đề cập đến. Đó là vấn đề văn bản học của văn bản Lý Sơn, cụ thể là vấn đề phục dựng văn bản, hiệu điểm, phân phiến và dịch thuật văn bản này từ góc độ của khoa văn bản học và ngôn ngữ học.

1. Nghiên cứu văn bản học tờ bằng Lý Sơn

Có một điều đầu tiên cần nhận định rằng, trong bốn lần công bố văn bản trước đây, văn bản Lý Sơn chưa một lần được một học giả nào tiến hành nghiên cứu văn bản học theo đúng quy trình của ngành khoa học này. Và cũng lạ hơn nữa, ngoài hai tác giả Nguyễn Xuân Diện-Nguyễn Đăng Vũ, hầu như các tác giả đi sau dường như chưa từng được tận mắt tận tay giám định văn bản này, kể cả người viết bài này. Theo như chúng tôi được biết, vì tầm quan trọng của nó, văn bản Lý Sơn đã được sưu tầm, lưu trữ tại Ủy ban Biên giới Quốc gia ngay sau khi được phát hiện. Kể từ đó về sau, các bản công bố (kể cả bản của Ủy ban Biên giới Quốc gia - nơi đang lưu trữ, bảo vệ văn bản này) đều sử dụng lại ảnh chụp của ông Nguyễn Đăng Vũ!

Việc nghiên cứu văn bản học ở bài này, vì vậy, sẽ được tiến hành bằng cách khảo sát các bản ảnh của các lần công bố trước đây. Đây là việc làm chưa có tiền lệ trong công tác nghiên cứu văn bản học. Song do điều kiện khách quan là hiện rất khó có thể tiếp cận văn bản này. Nên những nghiên cứu sau đây ít nhiều còn mang tính giả thuyết.

Lược thuật tình hình nghiên cứu văn bản và công bố văn bản Lý Sơn

Các bản công bố trước đây về văn bản Lý Sơn được thực hiện theo nhiều mức độ khác nhau, do tính chất của kênh công bố và tính chất của bài viết.

Bản của Nguyễn Xuân Diện và Nguyễn Đức Toàn (2009), do công bố trên báo Thanh niên [4], nên chỉ có phần dịch nghĩa, sau đó công bố trên blog cá nhân của Nguyễn Xuân Diện có bổ sung thêm ảnh nguyên văn. Bản tái bản năm 2010 trong Thông báo Hán Nôm học 2009 [21] có phần đánh máy lại nguyên văn, phiên âm, dịch nghĩa và khảo cứu. Bản tái bản lần 3 vào năm 2014 có bổ sung thêm ảnh nguyên văn.

Bản của Ủy ban Biên giới Quốc gia chỉ công bố ảnh ấn và phần dịch nghĩa, chú thích (cùng với đó là 2 bản dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp) [6].

Bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm công bố ảnh ấn, bản số hóa (tại trang 436), bổ sung thêm phần phiên âm, hiệu điểm (chấm câu) và dịch nghĩa [23].

Bản của Trần Đại Vinh, vì là bản góp ý phần phiên âm dịch nghĩa cho bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nên không có ảnh ấn, không có phần vi tính hóa, không có cú đậu ở nguyên văn, không phiên âm, mà chỉ có phần dịch nghĩa [22].

Các công bố trên, có thể thấy, là hầu như đã bỏ qua các khâu khá quan trọng trong nghiên cứu văn bản học. Các khâu đó bao gồm: (1) khảo tả văn bản (trừ bản của nhóm Nguyễn Xuân Diện); (2) phục dựng văn bản; (3) số hóa văn bản; (4) cú đậu, hiệu điểm; (5) phân phiến; (6) phiên âm (trừ bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Nếu kẻ khung chiếu theo các bản công bố trước đây, chúng ta sẽ thấy cụ thể như sau.


Hệ truyền bản các bản ảnh ấn tờ bằng Lý Sơn

Trước khi đi vào nghiên cứu các vấn đề về văn tự học, phiên dịch học, và văn vản học, chúng tôi trước tiên sẽ phải tiến hành nghiên cứu trên các hệ ảnh ấn về văn bản Lý Sơn.

Hiện tại, chúng tôi có các hệ ảnh ấn của văn bản Lý Sơn như sau:

(1) Ảnh ấn công bố trên mạng của nhóm Nguyễn Xuân Diện tháng 4 năm 2009.

(2) Ảnh ấn chính thức đầu tiên trong bản của Ủy ban Biên giới Quốc gia năm 2013.

(3) Ảnh ấn của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đầu năm 2014.

(4) Ảnh ấn cuối là của nhóm Nguyễn Đăng Vũ-Nguyễn Xuân Diện giữa năm 2014.

Khi so sánh các bản này với nhau chúng tôi có thể chia làm 3 nhóm như sau:

- Nhóm 1: văn bản (1).

- Nhóm 2: văn bản (4).

- Nhóm 3: văn bản (2) và (3).

Trong đó, văn bản (4) là văn bản gốc của (1). Hai văn bản này cùng do nhóm Nguyễn Xuân Diện-Nguyễn Đăng Vũ công bố ở hai thời điểm khác nhau. Như trên đã nói, Nguyễn Xuân Diện là nhà nghiên cứu duy nhất cho đến nay giám định văn bản này. Hai văn bản (1) và (4) chỉ khác ở 1 điểm: bản (4) có khuôn rộng hơn so với bản (1). Như vậy, có thể kết luận rằng: bản (1) do công bố trên mạng, nên đã bị cắt cúp và giảm size, bản (4) tuy công bố sau nhưng lại là bản ảnh gốc của (1).

So sánh nhóm 3, chúng tôi thấy ảnh ấn của văn bản (2) và (3) có một đặc điểm chung là tờ số 3 và tờ số 4 đảo lẫn cho nhau. Như vậy, bản ảnh của Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiếp thu từ bản của Ủy ban Biên giới.

Song quan trọng nhất, chúng tôi cho rằng bản (2) và (3) đều có nguồn từ bản (1) chỉ khác ở chỗ là đã đảo thứ tự số trang (3-4) thành (4-3) của bản (1) mà thôi. Và như vậy, thực chất nhóm 3 nên quy vào nhóm 1. Chứng cứ quan trọng nhất để xác định được điều này đó chính là ảnh tờ niên đại của bản Ủy ban Biên giới Quốc gia và Viện NC Hán Nôm giống hệt như tờ niên đại của bản Nguyễn Đăng Vũ. Vì thấy dòng niên đại rất quan trọng nên Nguyễn Đăng Vũ đã zoom cận vào trang này, khiến cho tất cả các chữ Hán đều to hơn tất cả các chữ khác của văn bản. Thêm nữa, văn bản gốc từng bị gập làm tư, nên có thể thấy rõ dấu gập này nằm ở dưới cùng của ảnh.

Đến đây, chúng tôi lập ra sơ đồ chuyển dịch văn bản ảnh của tờ bằng Lý Sơn như sau:

Nguyễn Đăng Vũ 2014 (4) → Nguyễn Đăng Vũ 2009 (1) → Ủy ban Biên giới Quốc gia 2013 (2) → Viện Nghiên cứu Hán Nôm 2014 (3).






Bốn trang ảnh ấn văn bản Lý Sơn trong sách của Ủy ban Biên giới Quốc gia 2013 [6].

Phục dựng văn bản Lý Sơn

Theo khảo tả của nhóm Nguyễn Xuân Diện (2009), văn bản Lý Sơn gồm có 4 tờ, được đóng thành sách, có gáy, kích thước là 24 x 36cm. Thứ tự bốn tờ gồm:

Tờ 1: từ “Ngãi tỉnh” đến “thừa hành”.

Tờ 2: từ “vụ đắc thập phần....” đến “...Dương Văn Định cứ thử”.

Tờ 3: từ “kê... thủy thủ...” đến “Trương Văn Tài”.

Tờ 4: ghi dòng niên đại “Minh Mệnh thập ngũ niên...”.

Trong khi đó, các bản công bố của Uỷ Ban Biên giới Quốc gia và Viện NC Hán Nôm lại có thứ tự khác: tờ 3 và 4 đảo vị trí lẫn nhau. Tức là dòng niên đại đứng trước bản kê khai danh sách thủy thủ (xem thứ tự trang ảnh ấn của UB Biên giới đã dẫn ở trên). Vậy văn bản nào là văn bản đúng?

Theo nguyên tắc của khoa văn bản học, nhà nghiên cứu nào đã đích thân giám định văn bản thì kết quả khảo sát người đó đáng tin hơn. Vì thế, chúng tôi nghiêng theo thứ tự mà nhóm Nguyễn Đăng Vũ đã công bố.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, văn bản Lý Sơn không có 4 tờ mà chỉ có 2 tờ. Nhóm Nguyễn Đăng Vũ-Nguyễn Xuân Diện không tiến hành phục dựng văn bản, cho nên các bản của UB Biên giới, Viện NC Hán Nôm đều sai theo. Căn cứ để chúng tôi xác định như vậy, đó chính là khổ giấy và dấu kiềm trên văn bản.

Trước tiên là khổ giấy các bản châu phê thường là cỡ giấy khổ rộng. Khổ giấy này được hạn định bởi khuôn xeo giấy, và về cơ bản là khớp một tấm mộc bản. Khi in ván, tờ giấy được trải đều lên mặt ván, khi in mộc bản xong, giấy sẽ được gấp đôi ở phần bản tâm (gồm đuôi cá/ tên sách/ số trang), cho nên ký hiệu văn bản cổ mới dùng số trang 1a/1b. Khổ giấy này khi viết buộc phải trải rộng ra (chứ không gấp đôi) để tránh mực xuyên thấu sang các lớp giấy. Khi văn bản đã khô thì lại gập đôi lại, và nếu dầy có thể đóng gáy, chốt bìa, quang cậy. Nếu văn bản hành chính nào dài, phải dùng từ hai tờ giấy trở lên thì giữa các tờ này luôn phải có dấu kiềm (giáp lai/ giáp trang). Các văn bản hành chính hiện nay vẫn còn dùng quy cách này.

Nhóm Nguyễn Đăng Vũ-Nguyễn Xuân Diện-Nguyễn Đức Toàn, vì không để ý chi tiết này, nên mới cho rằng văn bản có con dấu thứ ba, đó là con dấu chỉ có hai chữ Quảng Ngãi (2009: 1097). Nhưng thực ra, đây chỉ là một nửa của con dấu “Quảng Ngãi Án sát”. Trong văn bản Lý Sơn, dấu “Quảng Ngãi Án sát” được đóng 28 lần vào giữa trang, và 1 lần được dùng để đóng giáp lai giữa hai trang rời. Nhóm Nguyễn Đăng Vũ không nghĩ đây chính là 1 nửa dấu kiềm, nên coi đó là con dấu thứ 3 của văn bản. Trong khi, trên mặt văn bản, một nửa dấu mang 2 chữ “án sát” còn lại đã bị đóng vào phần gáy. Điều này thể hiện rõ trong văn bản ảnh ấn công bố 2014 và 2009, có thể chứng thực qua bản gốc nếu có điều kiện.

Như vậy, nếu bản phục dựng của chúng tôi có cơ sở thì văn bản Lý Sơn sẽ có số liệu khảo tả như sau. Văn bản gồm có 2 tờ. Kích thước mỗi tờ là 48x36cm.(1) Tờ 1 có 11 dòng, tờ 2 có 7 dòng. Tờ 1 có 7 dấu nhỏ “Quảng Ngãi án sát”. Tờ 2 có 21 dấu “Quảng Ngãi án sát” và 1 dấu “Quảng Ngãi bố chánh”. Giữa hai tờ lại dùng dấu nhỏ “Quảng Ngãi án sát” để đóng giáp lai.





Bản phục dựng tờ 1 văn bản Lý Sơn



Bản phục dựng tờ 2 văn bản Lý Sơn


Phục dựng văn bản


2. Hiệu điểm văn bản Lý Sơn

2.1. Lược thuật tình hình hiệu điểm văn bản

Công tác hiệu điểm được coi là một thao tác quan trọng hàng đầu của khoa văn bản học và phiên dịch học. Hiệu điểm là một đặc điểm riêng có của những người nghiên cứu các văn bản cổ thuộc vành đai chữ Hán, bởi lẽ, các văn bản Hán văn cổ thường được tạo lập trong một truyền thống rất khác so với ngày nay, tức là các ngữ đoạn, các câu trong một ngôn bản nào đó thường không mang dấu chấm dấu phẩy; hoặc giả có dấu chấm phẩy thì quan niệm/ quy ước về chức năng/ nhiệm vụ của các ký hiệu này cũng khác nhiều so với ngày nay. Vì thế, trong quá trình giải mã văn bản, ngoài khâu nghiên cứu văn bản học, nhận đọc tự dạng từng văn tự đơn lẻ, những người làm nghiên cứu văn bản cổ còn phải tiến hành hiệu điểm văn bản theo quan niệm của ngôn ngữ học hiện đại.

Trong khối các nước đồng văn, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, công việc hiệu điểm văn bản đã được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, có hệ thống và có lịch sử dày dặn với hàng trăm nghìn đơn vị văn bản đã được xử lý và công bố với số lượng chữ lên đến vài trăm triệu lượt. Hiệu điểm đương nhiên đã trở thành một thao tác không thể bỏ qua trong bất kỳ công trình nghiên cứu, dịch thuật nào về các văn bản cổ.

Hiệu điểm cũng trở thành một tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá chất lượng của các công trình này. Tiếc rằng, trước nay, giới Hán học, Nôm học Việt Nam hầu như bỏ qua thao tác này. Hiệu điểm văn bản không được đưa vào bảng giá đầu tư của nhà nước, không nằm trong danh mục các thao tác được coi là “khoa học”. Hiệu điểm văn bản trở thành một vấn đề xa lạ. Người đọc có thể sẵn sàng trích dẫn một văn bản dịch (ví dụ như Đại Việt sử ký toàn thư), nhưng không biết là văn bản đó được dịch trên cơ sở văn bản hiệu điểm nào, trong khi đó theo quy chuẩn của thế giới và khu vực, văn bản có thể trích dẫn (citable) thường là các văn bản đã được xử lý về văn bản học. Còn các bản "tân dịch" (dịch sang tiếng Hoa hiện đại) mà không có cú đậu nguyên văn đi kèm, chỉ được coi như là các bản dịch thị trường.

Ở Việt Nam, trước nay mới chỉ có một số công trình tiến hành hiệu điểm văn bản. Đó là bản Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử lược do GS Trần Kinh Hòa (người Đài Loan) hiệu điểm từ những năm 1960-1970. Công trình đầu tiên do các nhà nghiên cứu trong nước thực hiện hiệu điểm là bộ Văn khắc Hán Nôm Việt Nam do Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiến hành trong sự hợp tác với các học giả Đài Loan và Pháp.(2) Bộ sách thứ ba là Nho tạng Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc hợp tác với chương trình Nho tạng của Đại học Bắc Kinh (xuất bản năm 2013) với 10 đầu văn bản được hiệu điểm.(3) Bộ thứ tư là Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành (nhóm Tôn Tốn, Trịnh Khắc Mạnh, Trần Ích Nguyên đồng chủ biên, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 2013).(4) Tất cả các văn bản Hán văn Việt Nam đã được hiệu điểm nêu trên, trước nay, gần như không được giới nghiên cứu trong nước sử dụng, trích dẫn.

Từ cái nhìn tổng quan như trên, chúng ta thấy, văn bản bằng cấp Lý Sơn nói riêng, và các văn bản Hán văn Việt Nam nói chung, chưa bao giờ được xử lý hiệu điểm trước khi dịch thuật. Thực ra, mọi bản dịch thuật đều đã có hiệu điểm, nhưng việc chấm câu phân phiến đã được mặc định theo cách chấm câu (ngầm) của từng dịch giả trong bản dịch. Nhưng dịch giả lại không bao giờ công bố một bản hiệu điểm văn bản của văn bản gốc song song với bản dịch. Thời hiện tại, không mấy ai còn cảm được câu thơ mà Nguyễn Trãi đã từng viết: “phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu” (Quốc âm thi tập). Hai nhóm dịch giả có tiến hành thao tác hiệu điểm trên bản vi tính hóa là nhóm Nguyễn Xuân Diện (2014) và nhóm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2014). Thao tác chung của hai nhóm này, theo truyền thống, vẫn là tiến hành chấm câu mang tính điểm xuyết ở phần vi tính hóa văn bản và chấm câu cụ thể hơn trong phần phiên âm. Thiết nghĩ phiên âm là một thao tác vừa thừa vừa không chuẩn. Bởi lẽ, người biết chữ Hán thì không cần bản phiên âm. Phiên âm là một thao tác của giai đoạn mà giới nghiên cứu, dịch thuật cổ học phục vụ giới nghiên cứu văn học. Vì vậy, phần tiếp theo của bài viết sẽ tiến hành giới thiệu về quy cách và các ký hiệu hiệu điểm văn bản.

2.2. Ký hiệu hiệu điểm văn bản

Một văn bản hiệu điểm được coi là đạt chất lượng khi văn bản đó đáp ứng một số yêu cầu sau.

(1) Bản hiệu điểm phản ánh vị trí của văn tự trong văn bản nền/ bản gốc. Ví dụ, trong văn bản gốc được chọn làm bản nền, các dòng chữ Hán luôn là nằm theo hàng dọc, các hàng lần lượt trải từ phải sang trái. Khi số hóa, các dòng sẽ chuyển sang hàng ngang và lần lượt trải từ trên xuống dưới. Mặt khác, số lượng chữ ở các dòng dọc trong văn bản gốc không phải lúc nào cũng trùng với số lượng chữ ở dòng ngang trong bản số hóa, và không phải dòng nào trong nguyên bản hàng dọc cũng trùng với một câu lọn nghĩa. Vì vậy, bản hiệu điểm phải thể hiện được điều khác biệt này bằng cách: dùng dấu sổ chéo trước vị trí chữ bắt đầu một dòng dọc, tốt nhất là phải có ký hiệu trang nguyên bản và dòng nguyên bản.(5) Ví dụ:

茲,辦理各∕1-6已清妥,派員現已乘梨船駛到

Có nghĩa rằng: sau dấu sổ chéo là dòng thứ 6 từ phải sang trái trong tờ thứ nhất của văn bản (xin đối chiếu với tờ 1 của bản phục chế ở trên).

(2) Bản hiệu điểm phản ánh một số đặc điểm văn bản của văn bản gốc, như: hiện tượng viết đài (抬), hiện tượng ngắt dòng do quy định của thể thức văn bản, hiện tượng chú lưỡng cước, hiện tượng chữ viết nhỏ hơn. Với trường hợp viết đài sang dòng mới, chúng ta đã có dấu sổ chéo thể hiện dòng. Với trường hợp viết đài bằng quãng cách (trong hàng dọc) có thể thể hiện bằng dấu cách (space/ tab) theo hàng ngang. Ví dụ:照得月前接 兵部咨敘:

(3) Bản hiệu điểm phản ánh cách chấm câu của người hiệu điểm. Trong đó các ký hiệu hiệu điểm gồm các dấu như sau:(6)




(4) Phân phiến là một thao tác thuộc quy trình hiệu điểm. Bản hiệu điểm phản ánh quan điểm phân phiến của người hiệu điểm. Nếu như hiệu điểm là ngắt câu, thì phân phiến là quá trình tái lập cách tổ chức các câu để thành một ngữ đoạn lập luận. Phân phiến phải tái lập được cách chia ngữ đoạn, cách trình bày cấu trúc ý tưởng, cấu trúc của văn bản, hoặc là cấu trúc thể thức của loại hình văn bản, nhất là các văn bản hành chính có tính định thức cao (mẫu). Đối với văn bản hành chính như tờ bằng Lý Sơn, các ngữ đoạn đều có dấu hiệu phân đoạn qua tiêu chí ngôn ngữ. Ví dụ, mỗi khi kết thúc một “căn cứ” thì ngữ đoạn đó được kết bằng hai chữ “đẳng nhân” (等因). Trong văn bản Lý Sơn, có 3 lần sử dụng chữ này. Ngoài chữ “đẳng nhân” văn bản còn có chữ “tư” (nghĩa là: nay) đứng đầu câu, để thể hiện “yêu cầu đã được đáp ứng trong thời điểm ra văn bản”. Tổng hợp các căn cứ đã nêu, tổng hợp các giấy tờ đã dẫn, cơ quan hữu trách mới có cơ sở để ban hành văn bản “hợp hành bằng cấp” ra quyết định (thông tin chính) trong văn bản này. Sau khi ra quyết định, thì văn bản có lời răn, thể hiện tính nghiêm túc của vấn đề và trách nhiệm của người nhận lệnh. Nếu văn bản có bảng biểu đi kèm thì cũng sẽ có một đoạn nhắc. Cuối cùng là đoạn công bố các nhân sự được nhận bằng.

Như vậy, văn bản Lý Sơn sẽ có bố cục gồm các ngữ đoạn (phiến) như sau:

(1) Ngữ đoạn 1: cơ quan ra văn bản: Án sát - Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi

(2) Ngữ đoạn 2: căn cứ 1: chiểu theo.... (đẳng nhân)

(3) Ngữ đoạn 3: căn cứ 2: [chiếu theo]... (đẳng nhân)

(4) Ngữ đoạn 4: căn cứ 3: nay... (tư)

(5) Ngữ đoạn 5: căn cứ 4: nay .... (tư + đẳng nhân)

(6) Ngữ đoạn 6: quyết định "hợp hành bằng cấp" cho đi Hoàng Sa

(7) Ngữ đoạn 7: lời răn: Hải trình quan trọng, không được sơ suất...

(8) Ngữ đoạn 8: thông báo là có bảng kê tên thủy thủ đi kèm ở trang sau.

(9) Ngữ đoạn 9: công bố các nhân sự thi hành quyết định là Đặng Văn Siểm và Dương Văn Định.

(10) Ngữ đoạn 10: bản kê khai đi kèm (8 tên người).

(11) Ngữ đoạn 11: ngày tháng ra văn bản: Minh Mạng 15 (1834).

Để tiện theo dõi, chúng tôi sẽ công bố bản hiệu điểm, dịch thuật như dưới đây.(7)

2.3. Bản phục dựng, hiệu điểm, phân phiến, dịch thuật văn bản Lý Sơn

Như trên đã giới thiệu, phần này chúng tôi sẽ công bố bản hiệu điểm nguyên bản Hán văn văn bản Lý Sơn. Kèm với đó là phần phiên âm và dịch thuật có hiệu điểm tương ứng.

Nguyên bản

∕1-1義省布按官 為憑給事。

照得月前接 兵部咨敘:奉∕1-2勅,部行咨:先行預撥征船叁艘, 修補堅固,竢在京派員及水軍弁兵前往,協同駛∕1-3探黄沙處等因;

欽此,祈雇撥在省之輕快船叁艘並隨船物件,各行修補;

再∕1-4出去年所派之武文雄及增揀沿海之民夫諳熟海程者,充船工、水手。 前後務∕1-5要每艘捌名,該貳拾肆名,務於叁月下旬乘順駛放等因;

茲,辦理各∕1-6已清妥,派員現已乘梨船駛到;

兹,據武文雄遴擇善水民鄧文諂等∕1-7可堪柁工事等因;

合行憑給:宜乘船壹艘,率內船水手等名,從派員弁∕1-8兵並武文雄,同往黃沙處,奉行公務。

這海程關要,須宜實力承行,∕1-9務得十分穏妥。若疎忽,必干重罪。

所有干名開列于後。

須至憑給者。

∕1-10右憑給:

平山縣:

安海坊,柁工鄧文諂

華塩村,楊文定

據此!

∕2-1計
∕2-2水手:
∕2-3名提: 范未清 安永坊、

名簪: 泑文簪 麗水東貳(名)〔社〕、
∕2-4名初: 陳文堪 安永坊、
名川: 阮文孟 安海坊、
∕2-5名黎: 陳文黎 盤安邑、
名盈:阮文盈: 慕華縣、安石、石滩村、
∕2-6由金瑲隊貳名:武文内、張文才

∕2-7明命拾五年肆月拾五日。

Phiên âm

∕ 1-1 Ngãi tỉnh Bố - Án quan vi bằng cấp sự.

Chiếu đắc nguyệt tiền tiếp Binh Bộ tư tự: Phụng ∕ 1-2 sắc, Bộ hành tư: Tiên hành dự bát chinh thuyền tam sưu, tu bổ kiên cố, sĩ tại kinh phái viên cập thủy quân biền binh tiền vãng, hiệp đồng sử ∕ 1-3 thám Hoàng Sa xứ đẳng nhân;

Khâm thử, kỳ cố bát tại tỉnh chi khinh khoái thuyền tam sưu tịnh tùy thuyền vật kiện, các hành tu bổ;

Tái ∕ 1-4 xuất khứ niên sở phái chi Võ Văn Hùng cập tăng giản diên hải chi dân phu am thục hải trình giả, sung thuyền công thủy thủ. Tiền hậu vụ ∕ 1-5 yếu mỗi tao bát danh, cai nhị thập tứ danh, vụ ư tam nguyệt hạ tuần thừa thuận sử phóng đẳng nhân;

Tư, biện lý các ∕ 1-6 dĩ thanh thỏa, phái viên hiện dĩ thừa lê thuyền sử đáo;

Tư, cứ Võ Văn Hùng lân trạch thiện thủy dân Đặng Văm Siểm đẳng, ∕ 1-7 khả kham đà công sự đẳng nhân;

Hiệp hành bằng cấp: Nghi thừa thuyền nhất sưu, suất nội thuyền thủy thủ đẳng danh, tòng phái viên biền ∕ 1-8 binh tịnh Võ Văn Hùng đồng vãng Hoàng Sa xứ phụng hành công vụ.

Giá hải trình quan yếu, tu nghi thực lực thừa hành, ∕ 1-9 vụ đắc thập phần ổn thỏa. Nhược sơ hốt, tất can trọng tội!

Sở hữu can danh, khai liệt vu hậu.

Tu chí bằng cấp giả.

∕ 1-10 Hữu bằng cấp:

Bình Sơn huyện,

An Hải phường, Đà công Đặng Văn Siểm,

Hoa Diêm thôn, Dương Văn Định

cứ thử.

∕ 2-1 Kê:

∕ 2-2 Thủy thủ:

∕ 2-3 Danh Đề, Phạm Vị Thanh (An Vĩnh phường)

Danh Trâm, Ao Văn Trâm (Lệ Thủy Đông Nhị [xã](8))

∕ 2-4 Danh Sơ, Trần Văn Kham (An Vĩnh phường)

Danh Xuyên, Nguyễn Văn Mạnh (An Hải phường)

∕ 2-5 Danh Lê, Trần Văn Lê (Bàn An ấp).

Danh Dinh, Nguyễn Văn Dinh (Mộ Hoa huyện, An Thạch, Thạch Than thôn),

∕ 2-6 Do Kim thương đội, nhị danh:

Võ Văn Nội,

Trương Văn Tài

∕ 2-7 Minh Mệnh ngũ thập niên, Tứ nguyệt, Thập ngũ nhật.

Dịch nghĩa

∕ 1-1 Quan Án sát và Bố chánh tỉnh [Quảng] Ngãi làm việc cấp bằng này.

Chiếu theo công văn của Bộ Binh nhận được từ tháng trước [rằng]: vâng ∕ 1-2 sắc [triều đình], Bộ ra tờ tư [rằng]: [tỉnh] trước là phải thi hành việc trưng tập 3 chiếc chinh thuyền,(9) sửa sang bền chắc, đợi các phái viên ở kinh và biền binh thủy quân tới, thì cùng nhau hiệp đồng đi thuyền ∕ 1-3 thám sát các xứ của vùng Hoàng Sa.

Kính theo lệnh đó, [tỉnh đã] tìm thuê và điều động 3 thuyền nhanh nhẹ trong tỉnh cùng các vật dụng theo thuyền, đều đem tu bổ.

Lại ∕ 1-4 điều những người am tường hải trình gồm tên Võ Văn Hùng vốn đã được cử đi từ năm trước và những dân phu ven biển mới được chọn thêm để sung làm thủy thủ và thợ thuyền. Tất cả các thuyền ấy: cốt sao ∕ 1-5 phải chọn được mỗi thuyền 8 tên, tổng cộng là 24 tên, [cốt sao] đúng hạ tuần tháng 3 thì thuận theo thời tiết mà dong thuyền ra khơi.

Nay, [xét thấy] các việc cần xử lý [nêu trên] ∕ 1-6 đã ổn thỏa, các phái viên đã đi lê thuyền(10) đến;

Nay, xét thấy bọn Đặng Văn Siểm (dân thạo biển do Võ Văn Hùng tuyển chọn) ∕ 1-7 có thể đảm trách làm lái thuyền.

[Với các căn cứ trên, nay] cấp bằng này [cho Đặng Văn Siểm, Dương Văn Định] [có trách nhiệm] đi một thuyền, hướng dẫn các thủy thủ trên thuyền theo phái viên, binh ∕ 1-8 lính [thủy quân] và Võ Văn Hùng cùng đến xứ Hoàng Sa thi hành việc công.

Đường biển ấy quan yếu, cần phải dốc sức mà thừa hành, ∕ 1-9 cốt cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội.

Tất cả những ai có trách nhiệm kê ở dưới đây.

[Văn bằng này] nên chuyển cho những người được cấp bằng.

∕ 1-10 Bằng cấp này [cho]:

° Đà công Đặng Văn Siểm, phường An Hải, huyện Bình Sơn;

° Dương Văn Định, thôn Hoa Diêm, [huyện Bình Sơn].

theo đây mà thi hành!

∕ 2-1 Kê khai:

∕ 2-2 Thủy thủ:

∕ 2-3 Tên Đề, Phạm Vị Thanh (phường An Vĩnh)

Tên Trâm, Ao Văn Trâm ([xã] Lệ Thủy Đông Nhị)

∕ 2-4 Tên Sơ, Trần Văn Kham (phường An Vĩnh)

Tên Xuyên, Nguyễn Văn Mạnh (phường An Hải)

∕ 2-5 Tên Lê, Trần Văn Lê (ấp Bàn An).

Tên Dinh, Nguyễn Văn Dinh (thôn Thạch Than, [xã] An Thạch, huyện Mộ Hoa)

∕ 2-6 Từ đội Súng ống chuyển sang, hai tên:

Võ Văn Nội

Trương Văn Tài

∕ 2-7 Ngày 15, tháng Tư, năm Minh Mệnh thứ 15 (1834).

2.4. Thảo luận về hiệu điểm, phiên dịch

Trong phần này, chúng tôi sẽ tiến hành thảo luận về việc phiên dịch từng câu trong các bản dịch từ trước đến nay, để thấy rõ đóng góp cũng như điểm cần phải tiếp tục thảo luận của từng bản dịch. Để tiện trình bày, chúng tôi ký hiệu như sau: NV là nguyên văn chữ Hán. DT: bản dịch của nhóm Nguyễn Xuân Diện và Nguyễn Đức Toàn công bố năm 2009 (gồm bản công bố trên báo Thanh niên vào tháng 4 và bản in trong Thông báo Hán Nôm học 2009, in lại có sửa chữa năm 2014), BNG: là bản của Ủy ban Biên giới năm 2013. VHN: là bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm năm 2014. TĐV: là bản dịch của Trần Đại Vinh góp ý cho bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. BHĐ: là bản dịch hiệu điểm của chúng tôi trên cơ sở các bản đi trước. Các điểm dịch khác nhau sẽ được gạch chân.

NV: 義省布按官 為憑給事。

° DT: Quan Án sát và Bố chánh tỉnh (Quảng) Ngãi làm việc cấp bằng này.

° BNG: Quan Bố chính, Án sát tỉnh [Quảng] Ngãi căn cứ vào công việc cấp bằng.

° VHN: Quan Bố chính, Án sát tỉnh Quảng Ngãi thực hiện việc cấp bằng.

° TĐV: Quan Bố chính, Án sát tỉnh Quảng Ngãi về việc cấp bằng.

* Thảo luận: nguyên văn là “vi bằng cấp sự” nghĩa là “thực hiện việc cấp bằng”, dịch là “căn cứ vào” hay “về việc” là không đúng mặt chữ. Nay theo cách dịch của nhóm DT và VHN.

NV: 照得月前接 兵部咨敘:奉∕1-2 勅,部行咨:先行預撥征船叁艘,修補堅固,竢在京派員及水軍弁兵前往,協同駛∕1-3探黄沙處等因。

° DT: Chiếu theo tháng trước tiếp được công văn của Bộ Binh, vâng sắc (triều đình) cho bộ ấy trước là phải thi hành việc tuyển chọn, trưng tập 3 thuyền, sửa sang bền chắc, đợi sẵn ở kinh. Các phái viên và lính thủy đi trước để cùng thám sát các vùng của xứ Hoàng Sa.

° BNG: Theo tờ tư của Bộ Binh nhận được tháng trước có đoạn trình bầy: Vâng theo sắc lệnh [của nhà vua], bộ đã tư [cho tỉnh] chuẩn bị điều động trước ba chiếc thuyền lớn, cho tu sửa chắc chắn đợi tại kinh, Phái viên và Biền binh thủy quân đến trước để hiệp đồng nhanh chóng đi khảo sát các xứ của Hoàng Sa. Hãy tuân mệnh.

° VHN: Theo tờ tư của Bộ Binh nhận được tháng trước nói rằng: vâng theo sắc lệnh (của nhà vua) cho Bộ, bảo trước tiên hãy chuẩn bị điều động trước 3 chiếc chinh thuyền, cho tu sửa chắc chắn đợi tại kinh, các phái viên và biền binh thủy quân đi trước để hiệp đồng đến thám sát các xứ của Hoàng Sa. Hãy tuân mệnh.

° TĐV: Chiếu theo tháng trước nhận được tờ tư của Bộ Binh nói rằng: Kính vâng sắc chỉ, bộ gởi văn thư [yêu cầu tỉnh] trước hết chuẩn bị lấy 3 chiếc thuyền chinh, sửa chữa vững chắc, đợi phái viên tại kinh và biền binh thủy quân vào tới thì hiệp đồng cùng đi tàu ra thám sát xứ Hoàng Sa. Hãy kính đấy.

° BHĐ: Chiếu theo công văn của Bộ Binh nhận được từ tháng trước [rằng]: vâng ∕ 1-2 sắc [triều đình], Bộ ra tờ tư [rằng]: [tỉnh] trước là phải thi hành việc trưng tập 3 chiếc chinh thuyền, sửa sang bền chắc, đợi các phái viên ở kinh và biền binh thủy quân tới, thì cùng nhau hiệp đồng đi thuyền ∕ 1-3 thám sát các xứ của vùng Hoàng Sa.

* Thảo luận: (1) Bản BNG và VHN dịch thiếu chữ “chiếu”. (2) Bản BNG và VHN dịch đúng cấu trúc ngữ danh từ “công văn (tờ tư) của Bộ Binh nhận được tháng trước”, trái với bản DT và TĐV. (3) Bản BNG thêm chữ “có đoạn trình bầy” và bản TĐV thêm chữ “nói rằng” là chính xác, nhưng không cho vào ngoặc vuông. (4) Bản DT dịch “vâng sắc (triều đình) cho bộ ấy”, bản BNG và TĐV đã ngắt phần “vâng sắc” làm trạng ngữ, là chính xác. (5) Đoạn “Bộ gởi văn thư [yêu cầu tỉnh]”, bản BNG đã thêm chữ chính xác và rõ mạch văn hơn so với bản DT, bản TĐV tiếp thu và dịch lại ý tưởng của bản BNG. (6) Chữ “chinh thuyền”, bản DT dịch “3 thuyền” là lược dịch, bản BNG dịch là “3 chiếc thuyền lớn” là không chính xác, bản TĐV dịch “thuyền chinh” là đúng. Bởi ta biết “thuyền chinh” là một loại thuyền đi biển, không phải là “lớn”. Theo Đại Nam thực lục chính biên, là “chỉ những thuyền ván, thuyền nan không đầy 7 thước ta, của các tư gia mà phải nộp thuế”. Xem thêm Hội điển, mục Tào chính, Minh Mệnh 7. (7) Đoạn “đợi sẵn ở kinh”, bản DT chấm câu ngay sau đó, bản BNG thay bằng dấu phẩy, bản VHN tiếp thu BNG, bản TĐV sửa được lỗi này, đây là đóng góp lớn nhất của bản TĐV cho phần dịch. (8) Đoạn “Hoàng Sa xứ đẳng nhân”, bản DT vì không biết cấu trúc “đẳng nhân” nên đã chấm câu sau chữ “đẳng” và dịch là “các vùng của xứ Hoàng Sa”, bản BNG tiếp thu bản DT nên dịch là “các xứ của Hoàng Sa”. Bản TĐV sửa được lỗi này.

NV: 欽此,祈雇撥在省之輕快船叁艘並隨船物件,各行修補。

° DT: Nhân kính theo đó mà xem xét và tuyển chọn trong tỉnh 3 thuyền tốt, cùng với đó là các vật dụng được tu bổ vững chắc.

° BNG: Hãy tuân mệnh. [Kính vâng theo, tỉnh thần] làm lễ cầu khấn, [sau đó], điều động, thuê ba chiếc thuyền nhanh, nhẹ ở tỉnh cùng các vật kiện theo thuyền, mỗi loại đều cho tu bổ [cẩn thận].

° VHN: Hãy tuân mệnh. (Kính vâng theo, tỉnh thần) chọn thuê, điều động trong tỉnh 3 chiếc thuyền nhanh, nhẹ cùng các vật dụng cần thiết của thuyền, các vật đó đều cho tu bổ.

° TĐV: Hãy kính đấy. Theo đó [tỉnh] đã thuê 3 chiếc thuyền nhẹ đi nhanh ở tại tỉnh, có đủ các vật kiện của thuyền, đều đã sửa chữa.

° BHĐ: Kính theo lệnh đó, [tỉnh đã] tìm thuê và điều động 3 thuyền nhanh nhẹ trong tỉnh cùng các vật dụng theo thuyền, đều đem tu bổ.

* Thảo luận: (9) chữ “khâm thử”, bản BNG, VHN và TĐV đều coi đó là lời răn cuối văn bản, nên dịch vậy. Thực tế, đoạn văn trên không phải trích nguyên văn lời của Bộ Binh hay sắc lệnh của vua bởi phía trước đã có hai chữ “đẳng nhân”. Cho nên sẽ không thể có chữ "khâm thử" ở cuối văn bản. Bản DT đã có lý khi phân phiến "khâm thử" sang ngữ đoạn sau. Chữ “khâm thử” là trạng ngữ, nghĩa là “kính cẩn tuân theo lệnh đó”, cách dịch này rất sáng ý nên các bản BNG, VHN, TĐV đều tiếp thu. (10) chữ “kỳ cố bát”, bản DT dịch thoát là “xem xét và tuyển chọn”, BNG dịch kỳ khu hơn thành “làm lễ cầu khấn, [sau đó], điều động, thuê”, bản VHN dịch “chọn thuê, điều động”, bản TĐV dịch ngắn gọn là “thuê”. Xét, “kỳ” đúng là có nghĩa “cầu khấn” nhưng ở đây chỉ có nghĩa là “tìm thuê”, chữ “bát” nghĩa là “điều bát” (điều động). Nên dịch là “tìm thuê và điều động 3 thuyền nhanh nhẹ”. Những xuất nhập khác của các bản dịch trước nay hầu như không khác so với bản dịch đầu tiên của DT.

NV:再∕1-4 出去年所派之武文雄及增揀沿海之民夫諳熟海程者, 充船工、 水手。

° DT: lại chọn ra tên Võ Văn Hùng - đã được cử đi từ năm trước và chọn thêm những dân phu ven biển thạo đường biển để sung làm thủy thủ trên thuyền.

° BNG: Lại phái Vũ Văn Hùng, người được cử đi năm trước và chọn thêm dân phu miền biển am hiểu đường biển sung làm thủy thủ phục vụ trên thuyền.

° VHN: Lại chọn Vũ Văn Hùng, người từng được cử đi năm trước và chọn thêm những người thông thạo đường biển trong số dân phu ven biển sung làm thủy thủ chèo thuyền...

° TĐV: Lại sai phái viên đi năm trước là Võ Văn Hùng chọn thêm dân phu ven biển, am hiểu kỹ đường biển, sung vào làm thủy thủ và phu thuyền.

° BHĐ: Lại ∕ 1-4 điều những người am tường hải trình gồm tên Võ Văn Hùng vốn đã được cử đi từ năm trước và những dân phu ven biển mới được chọn thêm để sung làm thủy thủ và thợ thuyền.

* Thảo luận: (11) chữ “xuất”, DT, VHN dịch “chọn”, BNG dịch “phái”, TĐV dịch “sai phái”, BHĐ dịch “điều”. Xét, tất cả các cách dịch đều có thể chấp nhận được, chỉ khác nhau ở cách chọn chữ. (12) đoạn “khứ niên sở phái chi Võ Văn Hùng”, DT dịch “tên Võ Văn Hùng - đã được cử đi từ năm trước”, bản BNG, VHN đều tiếp thu bản DT, TĐV có đảo lại thành “phái viên đi năm trước là Võ Văn Hùng”. (13) Xét, tất cả các bản dịch trước nay đều dịch sai câu này do không hiểu cấu trúc ngữ pháp. Đây là câu liên động, gồm “xuất” là động từ thứ nhất, “sung” là động từ thứ hai. “Xuất” có tân ngữ khá phức tạp là “去年所派之武文雄及增揀沿海之民夫諳熟海程者” trong đó “am thục hải trình giả” (những người am tường hải trình) mới là danh từ trung tâm, còn “khứ niên sở phái chi Võ Văn Hùng” (tên Võ Văn Hùng được phái đi năm ngoái) và “tăng giản duyên hải chi dân phu” (dân phu duyên hải mới được chọn thêm) là hai định ngữ của “am thục hải trình giả”. (14) Các chữ “sung thuyền công thủy thủ”, DT dịch “để sung làm thủy thủ trên thuyền”, BNG dịch “sung làm thủy thủ phục vụ trên thuyền”, VHN dịch “sung làm thủy thủ chèo thuyền”, TĐV dịch “sung vào làm thủy thủ và phu thuyền”. Bản TĐV dịch đúng và đủ. Các bản khác đều dịch sót chữ “thuyền công”. Bản BNG, VHN đều tham khảo và chịu ảnh hưởng từ bản DT. (15) cả 3 bản BNG, VHN, TĐV đều không chấm câu ở đây. Nay đề xuất chấm ngắt câu theo bản DT, để câu văn đỡ rườm rà.

NV: 前後務∕1-5要每艘捌名,該貳拾肆名,務於叁月下旬乘順駛放等因。

° DT: “Cốt yếu là phải chọn mỗi thuyền 8 tên, tổng cộng là 24 tên, cứ đến hạ tuần tháng ba thì thuận theo thời tiết mà đi”.

° BNG: “trước sau, mỗi thuyền 8 người cộng 24 người, [đến] mùa từ hạ tuần tháng 3 thuận gió, thì nhanh chóng cho thuyền ra khơi.”

° VHN: “trước sau, cốt sao chọn được mỗi thuyền 8 người cộng 24 người. Đến hạ tuần tháng 3 thì thuận gió, cho thuyền ra khơi.”

° TĐV: “trước sau, cốt cho mỗi thuyền 8 người, tổng cộng 24 người, đến hạ tuần tháng 3 nhân gió thuận để ra khơi.”

° BHĐ: Tất cả các thuyền ấy: cốt sao ∕ 1-5 phải chọn được mỗi thuyền 8 tên, tổng cộng là 24 tên, [cốt sao] đúng hạ tuần tháng 3 thì thuận theo thời tiết mà dong thuyền ra khơi.

* Thảo luận: (16) Chữ “tiền hậu” có 9 nghĩa theo Hán ngữ đại từ điển, bản DT bỏ dịch chữ này; BNG, VHN, TĐV đều dịch “trước sau”, ở đây, “tiền hậu” là đại từ, nghĩa là “tất cả các thuyền” làm đề ngữ trong câu, chứ không phải là “thủy thủ/ phu thuyền trước sau” như bản BNG, VHN, TĐV. (17) chữ “vụ ư”, bản DT dịch “cứ đến”, BNG, VHN, TĐV đều dịch “đến”, đều dịch sót chữ “vụ”. Xét, đây là câu đồng vị. Chủ ngữ là “tiền hậu” (tất cả các thuyền), hai động từ đồng vị đều là “vụ”. (18) NV “thừa thuận sử phóng”, DT dịch “thì thuận theo thời tiết mà đi”, BNG dịch “thì nhanh chóng cho thuyền ra khơi”, VHN dịch “thì thuận gió, cho thuyền ra khơi”, TĐV dịch “nhân gió thuận để ra khơi”. Bản TĐV kế thừa bản VHN. Bản BNG phóng dịch các chữ “nhanh chóng”. Xét, cách dịch của nhóm DT là tốt nhất. Bởi “thừa thuận” là cấu trúc động tân, trong đó “thuận” là một danh từ (do hoạt dụng từ loại, chuyển từ tính từ mà thành). Như vậy, “thừa thuận” là “nương theo điều kiện thuận lợi của thời tiết, của thủy triều,... để đưa thuyền ra khơi”. (19) Chữ “sử phóng”, bản DT dịch “mà đi” là đúng, bản BNG, VHN, TĐV dịch “ra khơi” là hay hơn.

NV: 茲,辦理各∕1-6已清妥,派員現已乘梨船駛到。

° DT: Nay, nhân các việc đã xong xuôi, các phái viên đã đi lê thuyền đến.

° BNG: Nay các việc lo liệu xong xuôi, Phái viên đã đi thuyền đến.

° VHN: Nay các việc lo liệu xong xuôi, các phái viên đã đi thuyền nhẹ đến.

° TĐV: Nay mọi việc lo liệu đã xong, phái viên hiện đã đi thuyền lê vào.

° BHĐ: Nay, [xét thấy] các việc cần xử lý [nêu trên] ∕ 1-6 đã ổn thỏa, các phái viên đã đi lê thuyền đến.

* Thảo luận: (20) Về cơ bản, các bản sau đều tiếp thu cách dịch của nhóm DT. Duy bản VHN dịch “lê thuyền” thành “thuyền nhẹ” là không ổn. Bởi “lê thuyền” là loại họa thuyền (thuyền có vẽ hình).(11)

NV: 兹,據武文雄遴擇善水民鄧文諂等∕ 1-7可堪柁工事等因

° DT: “chọn thủy thủ giỏi mà Võ Văn Hùng đã tuyển chọn là bọn Đặng Văn Siểm có thể đảm nhận công việc lái thuyền.”

° BNG: “Nay căn cứ vào các lý lẽ tuyển lựa của Vũ Văn Hùng [là] phù hợp,..”.

° VHN: “Nay thấy số dân thạo sông nước là bọn Đặng Văn Xiểm có thể đảm nhận được việc lái thuyền,...”

° TĐV: “Căn cứ theo Võ Văn Hùng đã chọn được dân giỏi đi biển là Đặng Văn Siểm có thể làm được người chèo lái,...”.

° BHĐ: “Nay, xét thấy bọn Đặng Văn Siểm (dân thạo biển do Võ Văn Hùng tuyển chọn) ∕ 1-7 có thể đảm trách làm lái thuyền.”

* Thảo luận: (21) Chữ “tư”, bản DT, bản TĐV dịch sót chữ này. (22) Cấu trúc câu “cứ... đẳng nhân” (dựa vào... căn cứ...), bản DT không dịch cấu trúc này, bản BNG dịch đúng cấu trúc nhưng lại không rõ đoạn “Võ Văn Hùng lân trạch thiện thủy dân Đặng Văn Siểm đẳng” là một ngữ danh từ nên dịch sót cụm chủ ngữ này và phần vị ngữ “có thể làm lái thuyền” đứng sau, bản VHN dịch sót đoạn “do Võ Văn Hùng chọn”, bản TĐV khắc phục được hai lỗi này. Nhưng đáng ra, phải nêu thành 1 ngữ danh từ (bọn Đặng Văn Siểm) với mệnh đề quan hệ mở rộng (“do Võ Văn Hùng tuyển chọn”) thì bản TĐV lại diễn thành 2 câu. (23) Đoạn “khả kham đà công”, DT dịch “có thể đảm nhận công việc lái thuyền”, BNG dịch “[là] phù hợp”, VHN dịch “có thể đảm nhận được việc lái thuyền”, TĐV “có thể làm được người chèo lái”. Xét, “đà công” là người chuyên trách cầm bánh lái, nên dịch như TĐV là hợp lý nhất. Bản VHN tiếp thu bản DT, hai bản này dịch không sai, nhưng cũng không chính xác. Bản BNG dịch hỏng/ sót chữ này.

NV: 合行憑給:宜乘船壹艘,率內船水手等名,從派員弁∕1-8 兵並武文雄,同往黃沙處,奉行公務。

° DT: “Nhân đấy mà cấp cho bằng này để đi một thuyền dẫn các thủy thủ trên thuyền theo quân của phái viên và Võ Văn Hùng cùng đến Hoàng Sa thi hành việc công.”

° BNG: “[tỉnh thần] thực hiện cấp bằng cho những thủy dân thạo đường biển là bọn Đặng Văn Xiểm đảm đương công việc lái thuyền, [bọn Đặng Văn Xiểm] hãy đi trên một chiếc thuyền, dẫn theo các thủy thủ trong đoàn theo Phái viên, Biền binh và Vũ Văn Hùng đến Hoàng Sa thực hiện công vụ.”

° VHN: “... xứng đáng được cấp bằng, hãy đi một chiếc thuyền dẫn các viên thủy thủ đi theo các phái viên binh lính và Vũ Văn Hùng đến Hoàng Sa thực hiện công vụ”.

° TĐV: “..,ban cho bằng cấp, hãy lái một chiếc thuyền đưa các tên thủy thủ trong thuyền theo phái viên, biền binh và Võ Văn Hùng ra xứ Hoàng Sa thừa hành công vụ”.

° BHĐ: “[Với các căn cứ trên, nay] cấp bằng này [cho Đặng Văn Siểm, Dương Văn Định] [có trách nhiệm] đi một thuyền, hướng dẫn các thủy thủ trên thuyền theo phái viên, binh ∕ 1-8 lính [thủy quân] và Võ Văn Hùng cùng đến xứ Hoàng Sa thi hành việc công.”

* Thảo luận: (24) chữ “hiệp hành bằng cấp”, nghĩa đen là “nên/ đáng ban hành bằng cấp này”, bản DT dịch “Nhân đấy mà cấp cho bằng này” là chính xác, bản BNG dịch lộn tân ngữ của đoạn “căn cứ” (đẳng nhân) ở phía trên, bản này dịch là “cấp bằng cho những thủy dân thạo đường biển là bọn Đặng Văn Xiểm đảm đương công việc lái thuyền,...”, bản VHN dịch “xứng đáng được cấp bằng” và bản TĐV “ban cho bằng cấp” cũng đều chính xác. Xét, “hiệp hành bằng cấp” là các chữ quan trọng nhất trong một văn bản bằng cấp. Bởi cấu trúc văn bản là “chiếu theo căn cứ 1,...; chiếu theo căn cứ 2;.... Nay, căn cứ vào việc 1,... Nay căn cứ vào việc 2;...” mới đủ tiêu chuẩn để “hiệp hành bằng cấp”. Bản DT dịch thêm hai chữ “nhân đấy” là có lý riêng, cho nên BHĐ dịch “[Với các căn cứ trên, nay] cấp bằng này”. Các bản BNG, VHN, TĐV và DT đều không ngắt thành ngữ đoạn riêng. Nay đề xuất. Mặt khác, văn bằng không ghi tên người được cấp bằng ở vị trí này, nên câu văn hơi tối nghĩa. Nhưng đặt trong cả văn bản, hai người được nhận để thi hành bằng cấp này đã nêu ở dưới, cho nên bản BNG có lý khi thêm Đặng Văn Siểm. Nay, đề xuất câu văn dịch là “[Với các căn cứ trên, nay] cấp bằng này [cho Đặng Văn Siểm, Dương Văn Định] [có trách nhiệm] đi một thuyền,...”. Bản DT, VHN, TĐV không bổ sung tân ngữ. (25) Đoạn sau là cụm liên động, bản DT dịch đúng, các bản BNG, VHN, TĐV, BHĐ đều tiếp thu.

NV:這海程關要,須宜實力承行,∕1- 9務得十分穏妥。若疎忽,必干重罪。

° DT: “Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội.”

° BNG: “Chuyến đi này có tầm quan trọng đặc biệt, các người phải dốc lòng thực hiện công việc cho thực sự thỏa đáng. Nếu sao nhãng, sơ suất tất bị trọng tội.”

° VHN: “Chuyến đi này có tầm quan trọng đặc biệt cần phải dốc sức thực hiện cho thực sự ổn thỏa. Nếu sao nhãng sơ suất định trọng tội.”

° TĐV: “Chuyến đi này rất quan trọng, cần phải ra sức làm việc, cốt cho mười phần ổn thỏa. Nếu lười biếng sơ suất ắt bị tội nặng.”

* Thảo luận: (26) Đoạn “giá hải trình quan yếu”, bản DT dịch “Đường biển ấy là nơi quan yếu”, các bản BNG, VHN, TĐV đều dịch “chuyến đi này ...”. Xét, cả hai cách dịch đều có lý riêng. Từ điển Hán điển ghi: “Hải trình: lộ trình thuyền phải đi trên biển. Lộ trình đến hòn đảo nhỏ đó hơi xa” (海程 hǎichéng [voyage; distance travelled by sea] 在海上航行所经的路程.那个小岛海程较长).(12) Nhưng nếu dịch theo nhóm DT, tính quan trọng của văn bản sẽ được đẩy lên cao hơn, bởi nếu “chỉ là chuyến đi quan trọng” thì sẽ không thể so với “hải trình/ tuyến đường biển quan trọng” được. Chúng tôi nghiêng về thuyết của nhóm DT. (27) chữ “thực lực”, bản DT dịch “dốc sức”, bản VHN kế thừa, bản TĐV dịch “ra sức”, hai cách dịch này đều chính xác, bản BNG dịch “dốc lòng” là không đúng mặt chữ. (28) chữ “vụ đắc”, bản DT dịch “để cho”, bản BNG, VHN kế thừa và sửa thành “cho”, đều không bám sát mặt chữ; bản TĐV dịch “cốt cho” là hữu lý. (29) câu răn, các bản đều có cách chọn chữ khác nhau, nhưng về cơ bản, đều dựa trên cách dịch của bản DT dùng câu giả thiết để răn dè.

NV: 所有干名開列于後。

° DT: “Các người có trách nhiệm kê ở dưới đây”.

° BNG: “Tất cả số người bao nhiêu đều liệt kê dưới đây”.

° VHN: “Tất cả bao nhiêu người đều liệt kê dưới đây”.

° TĐV: “Số người bao nhiêu kê khai dưới đây”.

° BHĐ: “Tất cả những ai có trách nhiệm kê ở dưới đây”.

* Thảo luận: (30) Chữ “sở hữu”, nghĩa là “toàn bộ”, bản DT dịch “các người” và bản TĐV dịch “số người bao nhiêu” đều không đúng mặt chữ, bản BNG, VHN dịch “tất cả” là chính xác. (31) chữ “can danh”, bản DT dịch “người có trách nhiệm” là chính xác, các bản BNG, VHN, TĐV đều dịch sót chữ “can”. “Can danh” đồng nghĩa với chữ “can nhân” (người có liên quan đến văn bằng này, phải thực thi quyết định đã nêu trong bằng này). (32) Bản DT cú đậu đúng câu này, và đặt cùng phiến với câu “vậy nên có bằng này”. Bản BNG ghép cùng phiến với cả đoạn sau. Bản VHN tiếp thu bản BNG. Bản TĐV cắt câu này thành 1 phiến độc lập, nay theo thuyết này. (Xem thêm cấu trúc văn bản đã nêu ở trên).

NV: 須至憑給者。

° DT: “Vậy nên có bằng cấp này.”

° BNG: không dịch câu này.

° VHN: không dịch câu này.

° TĐV: “Nay bằng cấp.”

* Thảo luận: (33) xét, bản DT dịch không đúng mặt chữ, bản TĐV cũng vậy. Nay đề xuất cách dịch là “[Văn bằng này] nên chuyển cho những người được cấp bằng.” Đây là câu văn thuộc thể thức của bằng cấp. (34) Bản DT ghép câu này cùng phiến với câu trước, nay theo cách phân phiến của TĐV. Đây là câu văn thuộc thể thức/ văn phong của bằng cấp, chiếm một thông tin độc lập, lọn nghĩa. Một câu trùng với một phiến.

NV: ∕1-10右憑給:平山縣:安海坊柁工鄧文諂,華塩村楊文定 據此!

° DT: “Trở lên là bằng cấp. Đà công Đặng Văn Siểm người thôn Hoa Diêm, phường An Hải, huyện Bình Sơn và Dương Văn Định, người thôn Hoa Diêm theo đây mà thi hành.”

° BNG: “Các người lái thuyền là bọn Đặng Văn Xiểm, người phường An Hải huyện Bình Sơn, Dương Văn Định người thôn Hoa Diêm được cấp bằng trên đây chiểu theo thi hành.”

° VHN: “Những người lái thuyền là bọn Đặng Văn Xiểm, người phường An Hải huyện Bình Sơn, Dương Văn Định người thôn Hoa Diêm được cấp bằng trên đây chiểu theo thi hành.”

° TĐV: “Bên trên là bằng cấp. Đà công Đặng Văn Siểm ở phường An Hải, huyện Bình Sơn và Dương Văn Định thôn Hoa Diêm chiếu theo thi hành.”

° BHĐ: ∕ 1-10 Bằng cấp này [cho]:

- Đà công Đặng Văn Siểm, phường An Hải, huyện Bình Sơn;

- Dương Văn Định, thôn Hoa Diêm, [huyện Bình Sơn].

* Thảo luận: (35) các chữ “Hữu bằng cấp”, bản DT dịch “Trở lên là bằng cấp”, bản TĐV dịch “Bên trên là bằng cấp” là dựa theo bản DT. Bản BNG, VHN đều bỏ dịch các chữ này. Xét, nên dịch là “Bằng cấp này [cho]”. Chữ “hữu bằng” không nên dịch “bằng trên”, bởi trong văn phong hành chính bằng chữ Hán, tất cả nội dung của tờ bằng đó đã trình bày ở “bên phải” tức “ở trên”, nhưng đây chỉ là chuyện “chữ vai nghĩa đen”, còn câu này thực chất vẫn thuộc một phần của bằng đó. Mặt khác, dịch là “bằng trên” thì người hiện nay và người nước ngoài sẽ dễ bị hiểu nhầm là còn có một bằng nào khác nữa. Cho nên, nên dịch là “bằng cấp này” hoặc “bằng này”. (36) Tất cả các bản đều chấm hết câu sau ba chữ “Hữu bằng cấp” là cần phải thảo luận lại. Sở dĩ tất cả các bản đều chấm hết câu ở đây vì nguyên văn ba chữ này đứng thành một dòng riêng. Thực ra đây cũng là thể thức trình bày của văn bản. Các văn bản bằng cấp bao giờ cũng viết “hữu bằng cấp” tách ra một dòng riêng, thụt thấp xuống một chữ và dòng ngay sau đó là tên người được cấp bằng (xin xem thêm ảnh phụ lục một bằng cấp khác). Vì thế, ở phần hiệu điểm và dịch nghĩa, chúng tôi đặt dấu hai chấm (:) để báo hiệu rằng đây chỉ là ba chữ khởi đầu cho ngữ đoạn cuối cùng của bản bằng cấp, sau dấu hai chấm sẽ là tên những người chịu trách nhiệm thi thành quyết định trong bằng này.





Kết luận

Bài viết đã tiến hành khảo cứu vấn đề văn bản học và thực hành phiên dịch bằng cấp Lý Sơn. Bước đầu có thể đi đến một số nhận định như sau:

- Các bản ảnh nguyên văn công bố trước đây của Ủy ban Biên giới Quốc gia và Viện Nghiên cứu Hán Nôm đều xuất phát từ bản ảnh đã công bố năm 2009 của ông Nguyễn Đăng Vũ trên mạng.

- Bản Nguyễn Đăng Vũ, Nguyễn Xuân Diện cho rằng văn bản Lý Sơn có 4 tờ, trong đó thứ tự là 1, 2, 3 (tờ kê), 4 (niên đại); trong khi các bản BNG, VHN, TĐV đều cho rằng niên đại đứng trước tờ kê khai.

- Qua nghiên cứu văn bản học, dựa trên con dấu kiềm duy nhất trong văn bản, chúng tôi cho rằng, văn bản này vốn chỉ có 2 tờ, nhưng đã bị gập đôi và đóng gáy. Cụ thể tờ 1 và tờ 2 của bản Nguyễn Đăng Vũ là 2 nửa của tờ thứ nhất, tờ 3 và tờ 4 của bản Nguyễn Đăng Vũ là 2 nửa của tờ 2.

- Dựa trên bản ảnh hiện còn, chúng tôi đã tiến hành phục dựng văn bản gốc, để từ đó làm cơ sở cho các thao tác nghiên cứu văn bản học tiếp theo. (Xem ảnh phục dựng trong chính văn bài viết).

- Phần hai của bài nghiên cứu tiến hành hiệu điểm, phân phiến văn bản bằng cấp Lý Sơn trên cơ sở áp dụng các quy tắc hiệu điểm của giới nghiên cứu quốc tế (Trung Quốc và Nhật Bản). Lần đầu tiên văn bản Lý Sơn được tiến hành hiệu điểm, chấm câu theo đúng tiêu chuẩn của khoa công bố văn bản.

- Quá trình hiệu điểm cho thấy cấu trúc của văn bản bằng cấp Lý Sơn gồm có 10 ngữ đoạn (phiến).

- Sau khi phân phiến, chúng tôi đã công bố bản dịch riêng trên cơ sở tiếp thu tất cả các thành tựu và sửa chữa các điểm bất cập của các bản dịch trước đó (qua 36 đoạn thảo luận ở phần cuối bài viết).

Tờ bằng Lý Sơn là một văn bản quan trọng nhằm xác định tính lịch sử và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc sai sót trong quá trình dịch thuật bất kỳ một văn bản cổ ngữ nào là chuyện không tránh khỏi. Trong quá trình góp ý, sửa chữa cho các bản dịch trước, nếu có sai sót thì đó cũng là một chuyện bình thường, song không vì thế mà phủ định sạch trơn công lao của những người đi trước. Thiết nghĩ, mỗi người cố gắng một chút vì công việc chung trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, đó là một việc cần thiết để quá trình nhận thức ngày một tiến triển hơn.

T T D

CHÚ THÍCH

(1) Gấp đôi so với số liệu Nguyễn Xuân Diện đo là 24 x 36cm.

(2) Phan Văn Các-Claudine Salmon, Épigraphie en Chinois du Viet Nam (Văn khắc Hán Nôm Việt Nam), tập 1, tập 2, tập 3, École Française d’Extrême Orient, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Paris-Hà Nội, 1998.

(3) (Trung Quốc) Thang Nhất Giới 湯一介 (Tổng chủ biên) - (Việt Nam) Nguyễn Kim Sơn (chủ biên). 2013. Nho tạng 儒藏 (Tinh hoa biên Việt Nam chi bộ nhất sách 精華編越南之部一冊). Kinh bộ-Sử bộ. Trung tâm Nghiên cứu Nho tạng - Đại học Bắc Kinh & Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc - Đại học Quốc gia Hà Nội. Bắc Kinh đại học xuất bản xã 北京大學出版社. 1.071 tr.

(4) Tôn Tốn 孫遜, Trịnh Khắc Mạnh 鄭克孟, Trần Ích Nguyên 陳益源 đồng chủ biên, 2013. 越南漢文小說集成 “Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành”, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, Thượng Hải.

(5) Dấu sổ chéo này là ký hiệu được sử dụng trong FUJITA Reio 藤田励夫, 2014. Quan hệ Nhật-Việt thế kỷ XVI- XVII nhìn từ văn thư ngoại giao (外交文書信にみる16- 17 世紀の日越交流). Trong “Lịch sử giao lưu Việt Nam-Nhật Bản”, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.37-56. (p. 29-42). Nhưng các văn thư ngoại giao này thường chỉ có 1 tờ nên chỉ có ký hiệu sổ chéo. Mặt khác quan điểm cú đậu của tác giả lại theo cách hiệu điểm truyền thống, tức là chủ yếu dùng dấu chấm chanh thay thế tất cả các ký hiệu khác. Cho nên, ở đây, chúng tôi chỉ tiếp thu dấu sổ chéo dùng để ký hiệu sang dòng trong nguyên bản. Đồng thời chúng tôi bổ sung thêm số trang và số dòng để tiện theo dõi và trình bày.

(6) Các quy cách này lấy chuẩn theo 許逸民 Hứa Dật Dân。 2014。《古籍整理釋例》(Cổ tịch chỉnh lý thích lệ), Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh.

(7) Bản hiệu điểm, dịch thuật này được tiến hành trên cơ sở tổng hợp tất cả các bản dịch đã công bố trước đây, trong đó có sự thảo luận với TS Nguyễn Xuân Diện và ThS Dương Văn Hoàn. Nhân đây xin cảm ơn ThS Dương Văn Hoàn đã hướng dẫn chúng tôi thâm nhập loại hình văn bản này.

(8) Trên văn bản, chữ ở vị trí này là chữ “danh”. Nguyễn Xuân Diện cho là viết nhầm, cho rằng phải là chữ “xã”: “Ông Ao Văn Trâm được ghi là ở Lệ Thủy Đông Nhị, mà Lệ Thủy Đông Nhị vốn là một xã trong 25 xã/thôn thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn (có thể tương đương với xã Bình Trị hiện nay, tức là nơi có Nhà máy lọc dầu Dung Quất). Theo Đồng Khánh địa dư chí, địa danh Lệ Thủy Đông Nhị (xã) còn tồn tại đến thời vua Đồng Khánh (1885-1888)”. Đồng Khánh địa dư chí lược. Bản chữ Hán. A.537/19, tờ 22a. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. [Chuyển dẫn Nguyễn Đăng Vũ-Nguyễn Xuân Diện, 2014, bản sửa chữa chưa công bố].

(9) Chinh thuyền: Theo Đại Nam thực lục chính biên, là “chỉ những thuyền ván, thuyền nan không đầy 7 thước ta, của các tư gia mà phải nộp thuế”. Xem thêm Hội điển, mục Tào chính, Minh Mệnh 7.

(10) Lê thuyền: Là loại thuyền có chạm vẽ ở đầu và đuôi thuyền.

(11) “thuyền chiến (hình thức như thuyền buôn, không mui mà nhỏ), thuyền ô (sơn đen nên gọi là ô thuyền), thuyền son (sơn đỏ gọi là chu thuyền), thuyền lê (đầu đuôi thuyền đều chạm vẽ gọi là lê thuyền)” [Đại Nam thực lục hợp biên, tập 1, tr. 216].

(12) http://www.zdic.net/c/7/15d/354026.htm. Chữ “hải trình” không thấy ghi nhận trong Từ hải (1999), Hán ngữ đại từ điển (La Trúc Phong chủ biên, Q5, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, Thượng Hải, 1986, p. 1.218-1.228), đều không thấy ghi nhận từ này.

(13) Xin cảm ơn ThS Dương Văn Hoàn đã cung cấp tư liệu này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Phan Văn Các-Claudine Salmon. 1998, Épigraphie en Chinois du Viet Nam (Văn khắc Hán Nôm Việt Nam), tập 1, tập 2, tập 3. École Française d’Extrême Orient & Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Paris-Hà Nội.

2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.

3. Hứa Dật Dân, 2014, Cổ tịch chỉnh lý thích lệ, Trung Hoa thư cục Bắc Kinh.

4. Nguyễn Xuân Diện-Nguyễn Đức Toàn (dịch), “Tờ bằng Lý Sơn”, báo Thanh niên, ngày 10/4/2009.

5. Cao Xuân Dục chủ biên, Quốc triều chính biên toát yếu, Nxb Thuận Hóa, Huế, tái bản1998.

6. Bộ Ngoại giao - Ủy ban Biên giới Quốc gia. 2013, Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Tri thức, Hà Nội. trang 94-100.

7. (Trung Quốc) Thang Nhất Giới 湯一介 (tổng chủ biên) - (Việt Nam) Nguyễn Kim Sơn 阮金山 (chủ biên). 2013, Nho tạng 儒藏 (Tinh hoa biên Việt Nam chi bộ nhất sách - 精華編越南之部一冊), Kinh bộ - Sử bộ, Trung tâm Nghiên cứu Nho tạng - Đại học Bắc Kinh & Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc - Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác. Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 1.071trang.

8. Khánh Ly (ghi), “Ý chí của tổ tiên về chủ quyền biển đảo”, báo Thanh niên, 28/12/2009. Nguồn:

http://www.thanhnien.com.vn/news1/pages/200915/20090409231024.aspx

9. Trần Ích Nguyên 陳益原 (Đài Loan). 2009, Thái Đình Lan và tác phẩm Hải Nam tạp trứ, Ngô Đức Thọ dịch, Nxb Lao động, Hà Nội.

10. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1992.

11. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tái bản 2004, 5 tập.

12. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đồng Khánh địa dư chí lược, bản chữ Hán Nôm, ký hiệu A. 537/19, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

13. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đồng Khánh địa dư chí, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2003.

14. Hoàng Việt địa dư chí, bản chữ Hán Nôm, ký hiệu A.1074, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

15. Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993.

16. La Trúc Phong 罗竹风 chủ biên. 1986, Hán ngữ đại từ điển (Q.5), Thượng Hải từ thư xuất bản xã, Thượng Hải, p.1218-1228.

17. Trà Sơn, Tờ lệnh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, (http://www.thanhnien.com.vn/), ngày đăng tải: 09/4/2009, 23:10.

18. Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997.

19. Tôn Tốn, Trịnh Khắc Mạnh, Trần Ích Nguyên đồng chủ biên. 2013, “Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành”, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, Thượng Hải.

20. Việt sử cương giám khảo lược, ký hiệu A.998, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

21. Nguyễn Đăng Vũ-Nguyễn Xuân Diện. 2010, “Khảo cứu tư liệu Lý Sơn”, trong Thông báo Hán Nôm học 2009, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.1.092-1.104, tái bản 2014.

22. Trần Đại Vinh, “Góp ý bổ cứu cho công trình “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông”, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3-4 (110-111). 2014, tr. 116-126.

23. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2014.

24. Nguyễn Công Việt, Nguyễn Thị Thu Hường, Đoàn Thị Thu Thủy, Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn (1802-1945), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2014.

25. Nguyễn Công Việt, Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005.










* Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Rồng Lý Trần: biểu tượng lưỡng trị của Nho giáo- Phật giáo thế kỷ XI- XIV

Trần Trọng Dương. Rồng Lý Trần: biểu tượng lưỡng trị của Nho giáo Phật giáo thế kỷ X- XIV. Tạp chí Khoa học Xã hội (ISSN 1013-4328; VSS: A.218-12552). 02/2015. P.87-94.


Link download chính văn (cùng nhiều bài khác, pdf):
https://www.dropbox.com/s/k69zyixfka1xtd0/A%20A%20A%20PDF-%20articles-trantrongduong-%20citable.rar?dl=0



RỒNG LÝ TRẦN: BIỂU TƯỢNG LƯỠNG TRỊ

CỦA NHO GIÁO - PHẬT GIÁO THẾ KỶ XI - XIV

Trần Trọng Dương

(Viện NC Hán Nôm)



Rồng là một biểu tượng huyền thoại trong nhiều nền văn hóa. Biểu tượng này cũng đã xuất hiện từ rất sớm và cũng trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau khiến cho nó có sự phong phú cả về nội hàm biểu tượng cũng như về hình dáng và phương pháp tạo tác. Ở Việt Nam, rồng là một biểu tượng có nguồn gốc đa nguyên. Theo thành quả của giới nghiên cứu lịch sử văn hóa, thì rồng Việt vốn xuất nguyên từ một con vật sông nước của cư dân nông nghiệp, cụ thể là con cá sấu với những bằng chứng trên cổ vật thời Đông Sơn, hay trong mỹ thuật Đại La[1]. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp xúc với các nền văn minh của Ấn Độ và Trung Quốc, con rồng bản địa đã thâu nhập các yếu tố ngoại lai để ở mỗi một giai đoạn nó lại có những nét đặc thù riêng. Bài viết này sẽ tiến hành nghiên cứu về biểu tượng rồng thời Lý Trần như là một yếu tố lưỡng trị của Nho giáo Đại Việt thế kỷ XI- XIV. Các tư liệu khảo sát bao gồm (1) các hiện vật khảo cổ học có hình tượng rồng; (2) các thư tịch, bi ký, sử liệu thời Lý Trần có đề cập đến hình tượng này.


Hình: cá sấu Đại La, Hoàng thành Thăng Long, ảnh: TTD.

1. Phật- Nho tịnh hành: bối cảnh tư tưởng thời Lý Trần

Như ta biết, Lý Trần được coi là hai triều đại quan trọng hàng đầu để xác định chủ quyền quốc gia độc lập với những chiến công hiển hách trước giặc ngoại xâm, cũng như về thể chế nhà nước và hệ thống văn hóa do chính mình xây dựng và vận hành. Cả hai triều đại đều đã phải đi đến một sự chọn lựa về mô hình nhà nước và tư tưởng nền tảng cho xã hội. Như trong một số nghiên cứu gần đây, mô hình nhà nước và tư tưởng của thời Lý Trần không phải tự dưng “đột khởi” mà nó vốn đã được chuẩn bị từ trước. Đó là giai đoạn thế kỷ X với những kiểu nhà nước cát cứ- li khai khỏi các triều đình phương Bắc trên nền tảng Phật giáo dung hòa với Nho giáo và Đạo giáo cuối đời Đường đầu đời Tống.

Như ta biết, thế kỷ X cũng đã là một thế kỷ có sự đan xen, tịnh hành giữa Nho giáo và Phật giáo. Ba đời họ Khúc trong khi xây dựng chế độ tự quản của mình cũng đã thực hiện những thao tác quản lý hết sức bài bản theo tinh thần Nho giáo. Đinh Bộ Lĩnh được nhà Nho các đời suy tôn là vị vua chính thống đầu tiên của đất Việt, hẳn cũng bởi vì ông đã tiến hành một loạt các thao tác xây dựng mô hình nhà nước theo kiểu Nho gia, như định đô ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu, định triều nghi- phẩm phục, xắp đặt bách quan, đúc tiền riêng, đặt niên hiệu, chế hình luật,… Nhưng mô hình nhà nước thời Đinh Lê cũng đã mang trong mình nhiều màu sắc Phật giáo và Đạo giáo, ví dụ như Ngô Chân Lưu (Khuông Việt) được phong làm Tăng thống (Toàn thư, Bản kỷ Q1, t.3b). Không những thế, nhân vật này được coi như là mẫu hình thiền sư- chính khách (Nho sĩ) khởi đầu cho giai đoạn sau này[2]. Mặt khác, một trong những tác phẩm văn chương sớm nhất trong lịch sử dân tộc không gì khác chính là bài Thơ thần: Nam quốc sơn hà Nam đế cư! Một bài thơ, hiện giờ đã được xếp vào hàng khuyết danh (chứ không phải của Lý Thường Kiệt), nhưng ta biết đích xác là được sáng tác vào thời vua Lê Hoàn trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 981. Bài thơ ấy đã mang đầy tinh thần Nho giáo với những khái niệm cơ bản quốc- sơn hà- đế- phận- thiên thư, mà nhân vật nhà Nho quan trọng bậc nhất đứng sau Lê Hoàn chính là Thái sư Hồng Hiến. Mặt khác, chúng ta còn biết đến những dấu ấn đậm nét của Phật giáo thế kỷ này, với hơn hai trăm kinh tràng của Phật giáo Mật tông thời Đinh Lê, với tín ngưỡng thờ Tỳ Sa Môn Thiên Vương (vị thần chiến tranh, hộ quốc) của Phật giáo trong trận chiến tại thành Bình Lỗ mà sau này Việt hóa thành Sóc Thiên Vương- Xung Thiên Thần Vương- Phù Đổng Thiên Vương- và cuối cùng là Thánh Dóng[3]… Những cứ liệu trên cho thấy, văn hóa Phật giáo đã sớm đi vào đời sống cung đình ngay ở thế kỷ X, trong một mô hình nhà nước đa giáo (Phật- Nho- Đạo- Pháp), trong đó chiếm ưu thế hơn cả vẫn là Phật giáo và Nho giáo. Nho giáo và Phật giáo đã có sự phân chia chức năng và quyền lực: Phật giáo được coi là quốc giáo với chức năng dẫn dắt tư tưởng tâm linh; còn Nho giáo được coi như là một mô hình thiết chế nhà nước với chức năng quản lý, điều hành bộ máy hành chính. Đó là một tiền đề tương đối hợp lý để văn hóa thời Lý Trần tiếp nối và hưng khởi.

Nhiều nhà nghiên cứu trước đây thường đưa ra nhận định hơi quyết đoán rằng: thời Lý Trần là Phật giáo chiếm vị trí thống trị[4], còn từ thời Lê - Nguyễn về sau là Nho giáo độc tôn. Thực tế, thì trong suốt cả ngàn năm độc lập tự chủ, Nho- Phật- Đạo luôn luôn tịnh hành, đồng dụng trong đời sống xã hội. Và như trên đã nói, thời Lý Trần là thời đại mà Phật giáo được coi như là bệ đỡ tâm linh của triều đình trong khi Nho giáo vẫn được coi như là một mô hình để tổ chức và quản lý đất nước.

Trần Ngọc Vương đã viết, nhà Lý đã dùng Nho giáo trong ba việc trọng đại để củng cố thể chế và vương quyền, đó là “(+) dùng quan niệm của Nho giáo để hình dung về một nhà nước cần có, về các mối quan hệ và trật tự xã hội”. (+) Dùng Nho giáo đề đào tạo và tuyển chọn quan lại, kiến tạo bộ máy quan liêu cho chế độ; (+) Dùng Nho giáo để giáo dục, để tuyên truyền thuyết phục dân chúng, tập hợp và hướng dẫn họ thực thi bổn phận thần dân”[5]. Không những vậy, triều Lý triều Trần còn xây dựng hệ thống pháp luật qua bộ Hình luật có tiếp thu từ Đường luật và luật pháp của nhà Tống (một biểu hiện khác của tư tưởng: nội Pháp- ngoại Nho). Triều Lý thực thi luật pháp khá khoan dung dưới sự điều tiết của tư tưởng đại từ Phật giáo. Từ Lý chuyển sang Trần, những yếu tố thần bí- nhân đạo trong quyền lực chính trị dần được xóa bỏ. Và nhà Trần đã dần siết chặt quản lý xã hội bằng hệ thống của bộ máy quan liêu (Nho lại) trên cơ sở pháp luật[6]. Mặc dù, các vua Trần vẫn là những người sùng Phật, song việc áp dụng chế độ tử hình cho thấy lực lượng trí thức Nho giáo ủng hộ pháp quyền ngày càng lấn lướt các trí thức Phật giáo từ bi hỷ xả. Điều này lý giải vì sao, con rồng thời Trần có tính thô mộc- áp chế hơn so với rồng thời Lý.

Vào thời Lý, trong khi, hàng ngàn chùa tháp (như Đại Thắng Tư Thiên, Diên Hựu, Tứ Thiên Vương, Cảnh Long Đồng Khánh, Sùng Thiện Diên Linh…) được xây dựng, thì hệ thống văn miếu và khoa cử Nho giáo cũng được thiết lập: Khổng Miếu[7], Quốc tử giám, Viện Hàn lâm,… Đương nhiên, trong thời đại Phật giáo chiếm vị trí chủ lưu thì mẫu hình trí thức- thiền sư về cơ bản chiếm số lượng ưu trội hơn cả, và “với tư cách là những trung tâm văn hóa, nhà chùa, ngoài in kinh thuyết pháp, còn dạy chữ Hán, dạy cả tri thức Nho học.”[8] Nguyễn Kim Sơn viết: “Thời kỳ Lý Trần, Tam giáo tịnh hành, hội nhập trên cơ sở lấy Phật giáo làm bản vị. Hội nhập tam giáo thời kỳ này lấy thực hành đạo trị, lấy thiên hạ, tức phương diện chính trị xã hội (cũng đồng thời là vấn đề dân tộc), làm điểm quy kết. Tinh thần bồ tát cứu thế, tinh thần nhập thế hoà quang đồng trần của Phật giáo đời Trần và lý tưởng bình trị thiên hạ của Nho gia gặp nhau, tạo ra trạng thái khoan dung, hợp nhất của tam giáo, là cơ sở cho Phật giáo chấp nhận Nho giáo.”[9]

Bối cảnh thời đại như trên khiến cho cả một thời gian dài, từ Lý đến Trần, đã để lại một nền văn hóa đậm đà những yếu tố của cả Nho lẫn Phật. Các tác phẩm văn học thời Lý Trần còn lại cho đến nay là một ví dụ điển hình cho một thời đại đỉnh cao của nghệ thuật tôn giáo. Và với những cứ liệu vật chất (khảo cổ học lịch sử hiện còn), chúng ta cũng có thể đi đến nhận định rằng: nghệ thuật tạo hình (kiến trúc, điêu khắc…) Đại Việt thời kỳ này cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Tiếp dưới đây, bài viết sẽ tiến hành khảo cứu tính lưỡng trị của Nho giáo- Phật giáo qua biểu tượng rồng của giai đoạn này.


Ảnh: rồng (phụ hí) trên trán bia Trường Xuân, Thanh Hóa. niên đại: 618. BTLSQN- HN. Ảnh: TTD.



2. Rồng Lý Trần- rồng Nho giáo: biểu tượng của vương quyền

Nằm trong thế giới chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn minh Hoa Hạ, văn hóa Lý Trần đã tiếp thu biểu tượng vương quyền trong hình ảnh rồng mà tiền đề cho hình tượng rồng thời kỳ này là con rồng của giai đoạn thế kỷ X và xa hơn là Bắc Thuộc. Dựa trên những cứ liệu khảo cổ học, chúng ta được biết đến hình ảnh rồng có sừng sớm nhất hiện còn là rồng của nhà Tùy trên trán ngạch văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn khắc in năm 618[10] tại quận Cửu Chân (Thanh Hóa). Bài văn bia này ngoài việc ca ngợi Phật Pháp và công lao xây chùa hoằng dương Phật giáo của Ái Châu Thứ sử Lê Hầu, còn sử dụng rất nhiều ngôn từ Nho giáo để ca ngợi việc cai trị của nhân vật lịch sử này[11]. Điều đó cho thấy, hình tượng rồng như một biểu tượng lưỡng trị của Nho giáo- Phật giáo đã sớm được di thực vào Việt Nam trong giai đoạn Bắc thuộc. Đến thế kỷ X, các dấu hiệu vật chất không còn nhiều, hiện chỉ thấy một hiện vật đầu rồng thời Đinh Lê tại Hoa Lư. Đầu rồng này hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Ninh Bình. Và theo chúng tôi, đó là dạng xi vẫn- một trong long sinh cửu tử[12] của thế kỷ X. Dạng xi vẫn này được tạo tác theo xu hướng long đầu (chỉ chú trọng đến đầu rồng), khác với xu hướng xi vĩ hóa (chú trọng vào yếu tố đuôi) trong văn hóa kiến trúc đời Đường. Cách tạo tác thô tháp của đầu rồng cho thấy, mỹ thuật thời kỳ này chưa thực sự chau chuốt như thời Lý (nhất là ở phần bờm, lưỡi và tua râu), nhưng về cơ bản đó là hình ảnh của một đầu rồng hướng thượng, miệng đã ngậm một viên hỏa châu. Điều này chứng tỏ, hình tượng rồng thời Đinh Lê đã tạo một tiền đề cơ bản cho rồng thời Lý Trần sau này. Điều này cũng chứng tỏ, tính lưỡng trị của rồng Lý Trần là sự tiếp nối vốn đã tồn tại từ một vài thế kỷ trước đó.


Hình: đầu rồng (xi vẫn), Đinh- Lê, thế kỷ X, BT Ninh Bình. Ảnh: Trọng Bách.

Huyền thoại rời đô của Lý Thái Tổ với cái tên đầy ý nghĩa “Thăng Long” hẳn là một dấu vết quan trọng cho thấy việc chuyển kinh từ Hoa Lư ra Đại La phải có sự tham mưu, cố vấn của các nhà Nho. Những điển tích Nho giáo trong chiếu dời đô với các mẫu hình nhân vật chính trị kiểu Nho giáo Hoa Hạ khiến cho mảnh đất mới dùng để đặt đô không chỉ đẹp về địa thế quân sự, mà còn hàm ý trong đó cái đẹp của vương quyền, “mảnh đất rồng bay” với hình thế “rồng cuộn, hổ ngồi” (long bàn, hổ cứ) chồng lấn trong đó là một thông điệp: mảnh đất đế vương (vi vạn thế đế vương chi thượng đô). Mặt khác, ngay từ thời Lý, chúng ta đã thấy một quan niệm rõ ràng về hình ảnh rồng như là biểu tượng quan trọng nhất cho đế vương. Điều này được thể hiện qua các cứ liệu của văn bia Sùng Thiện Diên Linh- một tấm bia quan phương của triều đình- do Thượng thư Nguyễn Công Bật soạn và đích thân hoàng đế Lý Nhân Tông ngự thư trên bi ngạch và cho khắc năm 1121[13]. Bài văn bia này có nhiều đoạn mô tả hình dáng, phong độ đế vương của vua Nhân Tông như sau:

· Phụ hoàng[14] nhập mộng, nước ngoài dâng voi trắng sáu ngà[15]; Mẫu hậu[16] hoài thai, gác tía phủ rồng vàng năm sắc[17].父皇入夢,殊邦獻雪象六牙;母后有娠,飛閣廕黃龍五彩。

· Ngươi rồng mắt phượng, trong ngọc trắng băng. Mắt trong veo mà đen trắng phân minh, khác ngươi hai tròng Thuấn Đế[18]; Tai thọ trường mà thành quách cao dầy, hơn tai ba lỗ Hạ Vương[19].龍睛鳳目;玉潔冰姿。眸澄而青白分明,異重瞳於舜帝;耳壽而輪郭修廣,嗤三漏於夏王。

· Thế tựa rồng bay phượng múa, phép viết từ tay ngọc viết ra; Hình như loan liệng thước chao, thể chữ tự lòng vua chữ hiện[20].龍躍鳳翔之勢,法從玉手;鸞迴鵲返之形,體出宸心。

· Hòa bốn bể thanh bình; hợp muôn dân hòa mục. Sẻ trắng, cưu vàng vừa đỗ; rồng ngọc, cò trắng mới trình.叶寰海之宴清;契兆民之輯睦。瓊鳩白雀而屢集;素鷸玉龍而始呈。

· Ngày tháng năm mùa hè, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118): Cưỡi xe phượng chơi cõi tiên; cưỡi thuyền rồng lòa nắng báu.時會祥大慶九年夏五月日, 駕飛仙之鳳輦,漾耀寶之龍舟。

· Hòm vàng năm lớp, Êm bánh xe rồng.金函五重,龍輪平秘。

Như vậy, chúng ta có thể thấy, rồng vàng ngũ sắc được coi như là điềm lành báo việc sinh hạ Thánh vương. Phong độ đế vương được mô tả bằng hình ảnh "ngươi rồng mắt phượng" với những quý tướng khác theo quan điểm nhân tướng học của Nho gia. Thư pháp vua viết đẹp đẽ và sang trọng như "rồng bay phượng múa". Khi ngài lên ngôi trị vì quốc gia thì hàng loạt các điềm lành xuất hiện, nếu như voi trắng sáu ngà là biểu tượng cho vị vua Phật, thì rồng ngọc là biểu tượng cho vị hoàng đế Nho gia. Bàng bạc khắp các dòng chữ trong bi ký hay sử ký là những câu chuyện liên quan đến rồng. Rồng xuất hiện ở điện Trường Xuân khiến vua đặt bảo tháp ở [Phật] Đồ Sơn tên là Tường Long. Rồng bay trên mặt biển thì dựng tháp ở núi Long Chương (vẻ rực rỡ của rồng). Rồng ùa thành đàn, thành đội qua hình dáng núi sông thì dựng tháp ở Long Đội (đội quân rồng). Rồng núi Long Tỵ[21] đậu trên tay Khai Minh Vương báo đại thắng bình Chiêm như một điềm lành cho vị minh quân Lý Phật Mã vốn thuộc nằm lòng lục nghệ. Rồng bay theo thuyền ngự vua Nhân Tông đến tận thác bờ Long Thủy trong trận đánh dẹp động Ma Sa. Rồi cửa Phi Long, cửa Đan Phượng, gác Long Đồ, điện Hội Long, tường Long Thành, rồi Long Trì trong hoàng cung để diễn xướng rồng cuộn trên ngọn núi chúc thọ Vạn Tuế Nam Sơn... Đâu đâu cũng thấy rồng. Rồng trở thành "style thời trang" của cả thời đại, đến mức cả đám dân đen lẫn nô bộc trong nhà thường dân cũng đua đòi thích chữ xăm rồng, khiến triều đình phải ra luật cấm[22]. Còn như hoàng gia nhà Trần thì vốn là dân võ thuật miền biển lại săm hình rồng vào đùi để luôn nhớ nguồn gốc tổ tiên[23] và tránh giao long (cá sấu, thuồng luồng). Quân sĩ nhà Trần thì ai nấy đều xăm hình rồng hoa (thái long) ở bụng, lưng và hai bắp đùi như là biểu hiện của hào khí Đông A- Sát Thát. Phong cách ăn uống như "rồng cuốn" (chữ dùng của Toàn thư) thì đích thân Thượng hoàng Trần Anh Tông khẩu dụ cho vua con và các quần thần khi ban ngự yến... Những cứ liệu trên cho thấy, rồng là một biểu tượng phổ dụng của thời đại Lý Trần. Rồng xuất hiện trong các cung điện, lầu gác của hoàng cung. Rồng được dùng để đặt tên cho tên núi, tên sông, tên chùa, tên tháp. Rồng là điềm lành báo hiệu thánh vương xuất hiện, hay trưng triệu chiến thắng trước quân thù. Rồng cuộn bay trên áo long bào, long cổn. Rồng đi vào nghệ thuật điêu khắc- kiến trúc và hoạt động diễn xướng cung đình. Rồng ùa vào đời sống mỹ thuật của dân gian. Tuy nhiên, những biểu hiện phong phú phong phú ấy chỉ còn lại vài dòng trên các sử liệu. Muốn nghiên cứu sâu hơn về hình tượng rồng trong thời Lý Trần, có lẽ chỉ còn cách khai thác qua các tư liệu mỹ thuật cổ và khảo cổ học lịch sử.


Hình: rồng trên cổn miện Lý Trần, Phục dựng: Trần Quang Đức, Tranh: Lý Tiệp[24].


Hình: rồng Lý được dùng để phục chế, gạch, Hoàng Thành Thăng Long.

Trước đây, khi nghiên cứu về biểu tượng rồng giai đoạn này, phần lớn các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng: rồng Lý Trần là biểu tượng cho Nho giáo. Nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi viết: “dường như những di tích có liên quan đến vua mới được chạm rồng, còn các kiến trúc khác, dù là của Hoàng hậu (như chùa Lạng, chùa Tấm...) cũng bị cấm. Điều đó chứng tỏ đến thời này đã có quy chế nghiêm ngặt và rồng không còn là vật tổ dân dã mà đã được dành riêng cho thần quyền mặc dù trong cấu trúc của nó vẫn giữ nguyên những quan niệm của dân dã”[25]. Nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ cũng có những nhận định tương tự: “với nhà Lý, cái ý thức vua gắn với rồng- rồng là biểu trưng của vua đã được khẳng định”[26]. Trần Lâm Biền và Chu Quang Trứ cũng viết: “từ một con vật mang ý niệm vũ trụ vốn được người thời ấy tôn sùng, có lẽ rồng đã bị nhà vua độc chiếm để làm vật bảo vệ và trang điểm cho uy lực của mình”[27]. Song cũng có người, trên cơ sở thiếu vắng của mô típ rồng chầu mặt trời, lại cho rằng “con rồng thời Lý không có ý nghĩa thần quyền như kiểu các con rồng đời sau”[28]. Tuy nhiên, dù rồng có chầu mặt trời hay không, thì bản thân hình tượng rồng đã mang ý nghĩa vương quyền (như trên đã chứng minh). Còn motif lưỡng long triều nhật có khả năng là một sản phẩm của Nho giáo thời Minh Thanh và Lê Nguyễn.


Hình: rồng trên bàn đạp yên ngựa, Trần (tk 13), C: 15,5; R: 12,2. Địa điểm phát lộ: Yên Sinh, Đông Triều Quảng Ninh. Hiện vật BTLSVN[29].

3. Rồng Lý Trần- rồng Phật giáo: biểu tượng hồi quy giác tính

Như trên đã phân tích, hai triều Lý Trần Những vẫn luôn dùng Nho giáo như một thiết chế để quản lý xã hội, nhưng đời sống tư tưởng và hoạt động tâm linh thì lấy Phật giáo làm bệ đỡ tinh thần. Mặc dù, không ai có thể phủ nhận yếu tố vương quyền trong hình tượng con rồng vào thời kỳ này. Nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, bản thân hình tượng rồng còn là biểu tượng trong văn hóa Phật giáo. Tức là trong biểu tượng này có sự hòa kết giữa hai luồng tư tưởng mỹ học của cả Nho lẫn Phật. Yếu tố Nho làm cho con rồng mang tính uy quyền, biểu thị sự thần quyền hóa của nhà vua. Yếu tố Phật làm cho con rồng mang tính nhân văn biểu thị sự Phật tính hóa trong tâm tính của cả một thời đại. Nhưng có điểm chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là yếu tố Phật có phần nổi trội hơn yếu tố Nho ở phương diện tạo hình. Điều đó sẽ được trình bày như dưới đây.

Việc xuất hiện con rồng (với một sự đồng nhất cao độ về hình tượng và phương thức tạo hình) trên vật liệu kiến trúc chùa tháp cũng như Hoàng thành Thăng Long là một biểu hiện giao thoa sống động giữa văn hóa Nho giáo và văn hóa Phật giáo. Con rồng tạc trên các chùa hành cung (còn gọi chùa hoàng gia) như chùa tháp Từ Thị Thiên Phúc tại núi Phật Tích (1066), chùa tháp Tường Long ở núi [Phật] Đồ Sơn (1072), chùa tháp Cảnh Long Đồng Khánh ở núi Dạm (1096), chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh ở núi Long Đội (1121), chùa tháp Vạn Phong Thành Thiện ở núi Chương Sơn (1108)… là biểu hiện của vương quyền gắn với thần quyền. Các hình tượng song long hiến châu, rồng chầu lá đề, rồng dùng để trang trí trên thân cột theo mô hình tu di đài- cửu sơn bát hải, rồng- xi vẫn ngậm ngọc, rồng tràn ngập trên các dấu vết vật chất trong Hoàng Thành Thăng Long,...cho thấy, biểu tượng rồng không chỉ xuất hiện trong không gian chùa tháp Phật giáo mà đã trở thành yếu tố thường trực nổi trội trong văn hóa và nghệ thuật cung đình. Tác giả Thích Đức Thiện khi nghiên cứu về rồng tại chùa Phật Tích cũng viết: “rồng là biểu tượng cho quyền lực của vương quyền… Rồng cũng gắn liền với cuộc đời đức Phật khi ngài đản sinh có chìn rồng phun nước tắm cho Phật”[30].




Hình: Song long hiến châu, Liên Hoa Đài chùa Dạm, niên đại: 1096. ảnh: TTD.

Một đặc điểm chung về mô típ rồng thời Lý đó là “rồng ngậm ngọc châu”. Theo sự đọc của chúng tôi, chưa một nghiên cứu nào trước đây giải mã ý nghĩa biểu tượng này. Thực chất, mô típ này xuất phát từ điển “long nữ hiến châu” trong kinh sách nhà Phật.

Theo Mã Thư Điền thì điển này có thể diễn lại như sau:

Long nữ là một vị thiên thần hộ pháp của nhà Phật, vốn là con gái của Bà Kiệt La Long, một trong hai mươi chư thiên. Long nữ là người cực kỳ thông minh dĩnh ngộ, khi mới tám tuổi tình cờ nghe được Văn Thù Bồ Tát thuyết pháp tại Long Cung, mà bỗng nhiên giác ngộ, bèn đến núi Linh Thứu lễ Phật Thích Ca, đem thân mình đầu vào cõi Phật. Một hôm, Trí Tích Bồ Tát với Văn Thù Bồ Tát bàn về chuyện nữ nhân thành Phật, Trí Tích hỏi Văn Thù rằng: “kinh Phật cực kỳ vi diệu, sâu sắc, hiếm thấy trong đời, Chúng sinh phải kiên trì tinh tiến, tu hành khổ hạnh thì mới có thể thành tựu được. Nhưng, liệu có ai ngay lập tức có thể thành Phật được không?” Văn Thù trả lời: “có chứ, có con gái của Bà Kiệt Long Vương, mới tám tuổi, đã có thể thụ trì, tiến hành thiền định, hiểu rõ các pháp, chỉ trong khoảng sát na, mà phát lòng bồ đề, mà thành Phật ngay được” Trí Tích Bồ Tát nghe vậy rất ngờ, nói “tôi thấy đức Thích Ca Như Lai phải trải qua vô số kiếp nạn, trải nhiều rèn luyện, kiên nhẫn chẳng rời, thì mới có thể thành chính giác. Tôi không tin một đứa bé gái lại có thể thành Phật trong chốc lát như vậy”. Long Nữ liền hiện ra, lễ Trí Tích, mới thấy bản lĩnh không phải là tầm thường. Đương thời, Xá Lị Phất (một trong mười đại đệ tử của Thích Ca, dù mẫn tiệp đa văn, giỏi giảng Phật pháp, là “trí tuệ đệ nhất”) cũng rất bất bình, nói: “ngươi chỉ là một bé gái sao có thể lập tức thành Phật cho được? Ta không tin. Vả lại, nữ giới thân thể không sạch, vốn chẳng có tư cách để thành Phật cơ mà”. Long Nữ cười không đáp, lập tức lấy ra một viên bảo châu lớn, giá trị bằng tam thiên đại thiên thế giới. Long Nữ bèn đem viên châu ấy dâng cho Thích Ca, Thích Ca liền nhận lấy, rất lấy làm vừa lòng. Long Nữ mới quay sang bảo Trí Tích và Xá Lị Phất rằng: “tôi đã dâng bảo châu, đức Thế tôn đã nhận ngay rồi, việc dâng bảo châu đó có nhanh hay không?” Hai vị đều đáp: “rất nhanh”. Lúc ấy, Long Nữ mới nói: “Các ngài hãy tưởng tượng tôi thành Phật cũng chỉ trong chốc lát như vậy thôi”. Nói rồi, Long Nữ bỗng nhiên biến thành con trai, cụ Bồ Tát hạnh, rồi đi về Nam phương vô cấu thế giới, ngồi hoa sen báu, thành đấng chính giác” (Diệu pháp liên hoa kinh quyển 4, thiên Đề Bà Thát Đa phẩm đệ thập nhị)[31]. Long Nữ từ đó giúp Quan Thế Âm phổ độ chúng sinh, lại hiện làm nữ thân, đứng bên tay phải của Quan Âm, còn Thiện Tài đứng bên tay trái.

Sự xuất hiện mô típ “long nữ hiến châu” chuyển thân nam mà thành Phật có thể coi là một dấu ấn về mặt tạo hình cho thấy những ảnh hưởng cụ thể của Phật giáo Đại Thừa trên đất Đại Việt vào thời kỳ này[32].

Chúng ta còn thấy hình ảnh rồng trong khá nhiều bi ký chùa chiền của thời Lý. Trong đó hình ảnh rồng luôn xuất hiện với tư cách là linh vật huyền thoại đã được giác ngộ, là thần hộ pháp.
•Cung trời mưa diệu hoa thất bảo, rồng biển phun nước ngát lưu li. (天 宮 雨 柒 寶 妙 花,海 龍 灌 琉 璃 香 水。) trong bia Minh tịnh tự bi văn khắc năm 1090[33].
•[Phật đã nhập diệt], các bậc rồng trời đua nhau nhặt lấy xá lị để cất dựng phù đồ (順 請 波 旬,詣 鶴 林 而 我 淨; 天 龍 兢 湊,收 舍 利 而 樹 浮 圖。) trong bia Minh tịnh tự bi văn.
•Long cung cao vút giữa đất bằng: treo sao làm đấu đỡ, giát nguyệt làm thượng lương. (龍 宮 地 涌: 懸 星 作 紏,偃 月 為 梁)(Minh tịnh tự bi văn)

· Dấu Phật đó, ngọc trắng dưới đáy, rồng xanh cuộn bên ngoài; đài nghê đó, tê giác trấn bên cạnh, đèn chuỗi sáng lung linh.下 存 佛 跡 ,中 壯 倪 臺 ◦其 跡 也 , 白 玉 在 底 , 青 龍 盤 外 ; 其 臺 也 , 犀 角 鎮 傍 , 燈 釭 連 次 ◦ (Thiên Phúc tự hồng chung minh văn, 1109)[34].

· Cửu long[35] chạy đàn quanh lối, điềm lành châu báu sánh đua; Dáng vẻ tràn đầy khắp nơi, triệu tốt phương xa vượt tới.遶九龍之寶,禎奪好珠;長繁岐之姿,祥超異畝。 (bia Sùng Thiện Diên Linh, 1121)

· Hoàng đế long vương, trên trời dưới đất, thời đều tề tựu, giác tướng[36]chia nhau.人主龍王,陰間天上, 時皆造集,覺相分俵。

· Đã xong gác lớn; lại dựng lầu cao. Mái chồng ngói ngọc; vách trổ dáng rồng.既已圓高閣;又更起危層。蓋迭素瓊;壁鐫龍狀。

· Đức sánh đất trời[37], nên năm sao[38] tỏ bùa; Ơn tới cá chim[39], thì muôn loài dâng phúc[40]. Mười tám rồng thần, phô sáng chốn thềm quỳnh bảo điện; Một nghìn voi trắng[41], khoe điềm nơi hiên ngọc cấm cung. Tỏ rõ ngôi báu khá miên trường; tương hợp phúc lành thêm xương thịnh.德同高厚,則五緯昭符; 惠及飛潛,則萬靈薦祉。神龍二九,光復於寶殿瓊丹; 雪象一千,呈祥於瑤墀禁御。

· Dựng mười ba tầng chọc sông ngân; mở bốn mươi cửa nghênh gió mát. Vách chạm hang rồng[42]; góc treo chuông ngọc. Tầng trên chứa hộp thiêng xá lị, vì đời thịnh mà tỏa hào quang; Đỉnh mái đặt tiên khách bưng mâm, giương trời cao mà hứng sương ngọc.涌矗漢之十三層;啟承風之四十戶。壁鐫龍窟;角挂金鈴。上層緘舍利琅函,佇放祥光於盛世; 絕頂置捧盤仙客,長承玉露於晴天。

· Phía dưới, bên trái dựng cung tứ giác: Ôm hai rồng mà trấn đất; đội tám tướng chầu trời[43]. Nêu khí tượng cho danh sơn; truyền thánh công cho hậu thế. Bên hữu chùa, dựng nhà khám nhọn vuông, trong đặt Tân Đầu hòa thượng khi bị đày ra Ma Lê sơn[44]. Nhận lời dặn của Như Lai, vì chúng sinh mà chứng phúc.次級, 左建四角宮:含雙龍而鎮地,負八將以朝天。揚氣概於名山;播聖功於後裔。右梵方礄龕室, 貯以賓頭和尚,放于麻黎山。受囑累於如來,為眾生而證福。

· Ban cơm chay như ngọc, cho khách cơ hàn; Phát của quý tựa sông, cứu dân cùng khổ. U – hiển[45] đều về; rồng – trời[46] cùng tụ. 頒雪粒之香齋,飫充饑旅; 散泉流之圓寶,賙賑窮民。幽顯咸臻;天龍悉簉 。

Có thể thấy hình ảnh rồng phun nước lưu ly trong văn bia Minh Tịnh, hay cửu long chạy đàn trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh là một kiểu ánh xạ của thuyết long vương phun nước khi đức Phật đản sinh[47]. Như vậy đến đây có thể thấy rằng, mỹ thuật thời Lý Trần, như cách gọi của Chu Quang Trứ là mỹ thuật Phật giáo. Hình tượng rồng trong văn hóa thời Lý Trần, cụ thể là trên các công trình kiến trúc, điêu khắc thời này, có lẽ đều mang trong đó những nội hàm của nhà Phật.

Hình ảnh các con rồng ngậm hỏa châu chứ không phải “vờn khối cầu”[48] hay lưỡng long tranh châu[49], đó là một biểu hiện của sự quy y Phật pháp, hay sự quy hồi giác tính. Nghệ thuật tạo hình Đại Việt thời Lý- Trần đã chớp được cái ý tưởng cao quý đó và thể hiện qua rất nhiều công trình điêu khắc- kiến trúc khác nhau. Chỉ có điều, trong mỹ thuật, các nghệ nhân xưa đã sáng tạo ra các loại bố cục, đồ án phong phú tùy theo sự hạn định của vật chất tạo tác và bề mặt của vật liệu. Trên một mặt phẳng hình chữ nhật như tòa tu di đỡ tượng Phật Thích Ca ở chùa Phật Tích, hay trán bia chùa Long Đọi, bia chùa Quỳnh Lâm, người ta sẽ tạc lên đó hình các con rồng dâng châu nối đuôi nhau miên viễn và bất tận. Trên các hình lá đề, người ta sẽ tạc lên đó mô típ song long hiến châu với thân rồng uốn lượn, và ba đôi chân đang dâng ba viên ngọc châu tỏa sáng. Cũng có khi trong mỗi hào quang của hỏa châu đó, người ta tạc thêm cả hình tượng một vị Phật đang ngồi kiết già.


Hình: rồng trên cửa chùa tháp Phổ Minh, đời Trần. Nguồn: BT Nam Định. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.

Còn với các kiến trúc một cột, không gian tạo hình đã thay đổi, tính lập thể cảm của bề mặt đã khiến cho người xưa thỏa sức sáng tạo. Ví dụ ở cột đèn Quảng Chiếu, hàng loạt thân rồng cắm thẳng vào các lỗ ngàm, đầu rồng đua ra đỡ lấy một tòa sen vàng, ở trên đó người ta sẽ thắp hoa chúc (đuốc). Hàng chục, hàng trăm hình rồng ấy cắm từ dưới lên trên đỉnh cột tạo thành một hội đèn rực rỡ như ánh từ quang chiếu diệu kinh thành. Một ví dụ nữa, như chân đèn tại chùa Phật Tích, các thân rồng uốn lượn dọc theo thân cột, đầu hướng về phía đài sen ở phía trên như một sự chiêm bái tôn sùng ánh từ quang (xem thêm phần dịch văn bia Sùng Thiện Diên Linh trong phụ lục). Hay chân cột thời Lý đào được tại làng Ngọc Hà, những tầng lớp sóng nước và núi non phủ kín phần chân, phía trên thân cột là một đôi rồng uốn lượn nhịp nhàng như đan dệt khắp thân cột. Sự đăng đối chỉnh thể nhưng đầy tính linh hoạt của thân rồng đã tạo nên sự sống động hiếm thấy, nếu như đặt cột ấy lên một bàn xoay, ta sẽ thấy cả một thế giới tâm linh đang chuyển động: những tầng sóng nước như đang dâng vỗ vào các tầng núi non trùng điệp, các tầng núi non ấy lại đang như nâng đôi rồng cao lên, còn đôi rồng như như đang phi thăng lên trên cung trời Đao Lị, như đang ngưỡng vọng về một cõi niết bàn. Còn như cột đá Liên Hoa Đài chùa Dạm thì đôi rồng theo đặc trưng phong cách Lý, uyển chuyển, duyên dáng mà khỏe khoắn, sung mãn đang cùng nhau dâng lên những viên ngọc châu sáng ngời[50].


Hình: đầu rồng, Thăng Long, Lý (tk 11- 12). Nguồn: VMT?

Hình: rồng, Chương Sơn, Lý (1108). Nguồn: VMT?

Hình: rồng- lá đề, Lý (tk 11-12). Nguồn: VMT?

Hình: trụ đá Bách Thảo (Ngọc Hà, Hà Nội), nguồn: BTLSVN.

Kết luận: Nhìn từ góc độ tạo hình và hàm nghĩa biểu tượng tôn giáo, hình ảnh rồng thời Lý Trần là một sự đan xen hai khuynh hướng thẩm mỹ của Nho giáo và Phật giáo. Rồng Lý Trần, dù là thể hiện tính vương quyền của Nho gia, nhưng hầu như không có chút áp chế, dữ dằn như rồng Trung Hoa. Trong đó, yếu tố Phật giáo được thể hiện ở mô típ “long nữ hiến châu” trong hầu hết các hiện vật khảo cổ. Rồng luôn đi liền với các biểu tượng Phật giáo khác như tháp, nhạn, sư tử, hoa cúc, hoa sen, lá đề, khẩn na la, ca lâu la… Vì tính Phật tương đối đậm nét, nên hình tượng rồng Lý Trần cũng trở nên hài hòa, duy mỹ hơn, nhân văn hơn, vì thế nó thể hiện được phần nào nét đặc trưng cho tinh thần khoan dung, uyển chuyển của thời đại.

* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) trong đề tài mã số VIII1.3-2012.01





[1] Nguyễn Quang Hà. 2012. Suy nghĩ về hình tượng cá sấu trang trí trên gạch Đại La (tk VII- IX) phát hiện ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long Hà Nội với tư liệu thư tịch cổ. Nc Mỹ thuật. số 1 (41)- 03/2012. tr.24-27.


[2] Trần Trọng Dương. Khuông Việt thiền sư hay phức thể dung hội Nho Phật. Kỷ yếu Hội thảo Phật giáo – Văn học với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nxb Văn hóa. 2010. tr.97-109.


[3] Nguyễn Thanh Tùng. 2012. Giấc mơ Khuông Việt- nhìn từ giác độ lịch sử văn hóa. Tc Nghiên Cứu và Phát triển. 11/2012.


[4] Alexey B. Polyacop. 2009. Vai trò của Nho giáo ở Đại Việt thời Hậu Lý sơ (1010- 1127). Trong “Nghiên cứu tư tưởng Nho gia Việt Nam từ hướng tiếp cận liên ngành”. Nxb Thế giới. H. tr.691.


[5] Trần Ngọc Vương. 1999, tb2010. Cấu trúc và diễn tiến hệ tư tưởng ở Việt Nam đầu thời Lý. Trong “Thực thể Việt- nhìn từ các tọa độ chữ”. Nxb. Thế giới. Tr. 108.


[6] Yu Insun. 2009. Hệ thống luật pháp của triều Lý và triều Trần của Việt Nam- mối quan hệ giữa Đường luật và Lê triều hình luật. Kỷ yếu hội thảo khoa học “1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long”. Nxb Thế giới. H. Tr.356.


[7] Chú ý, Văn miếu vốn gọi tắt từ Miếu thờ đức Văn Tuyên Vương Khổng Tử, chỉ là tên gọi đời sau do các sử gia nhà Nho thời Lê áp đặt. Còn ở thời Lý, mới chỉ có tên là Khổng Miếu. Dựa vào sử liệu ghi dựng Khổng Miếu năm 1222 Polyacop cho rằng, thời điểm 1075 chỉ là ngụy tạo của các nhà Nho đời sau. Còn thời điểm chính thức là năm 1225 [Polyacop. 2009. bdd].


[8] Nguyễn Kim Sơn. 1998. Nho giáo và tâm thái lập quốc triều Lý. Trong 45 năm khoa Văn học. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. tr.424.


[9] Nguyễn Kim Sơn. 2004. Xu hướng hội nhập tam giáo trong tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Kỷ yếu “Hội thảo quốc tế về Nho giáo tại Việt Nam” Harvard Yenching (Hoa Kỳ) - Viện nghiên cứu Hán Nôm. Nxb Thế giới. H.


[10] Hình rồng này được khảo tả như sau “Phần trán bia (bi ngạch) được đẽo thành hình bán nguyệt cao 46cm, diềm trán bia không đẽo góc vuông như các bia đời sau mà trực tiếp tạc lên đó hình đôi rồng liền thân, hai đầu rồng hướng sang hai bên cạnh bia, hướng miệng cắm vuông góc với mặt đất. Miệng rồng há, để lộ 4 cặp răng hàm bằng đều và hai chiếc răng nanh dài nhọn. Bờm rồng vuốt từ khóe miệng ra phía sau, áp sát theo thân rồng. Phía dưới cằm và trên môi trên chạm các tua râu bó sát đầu rồng. Phía trên đầu là lông mày tạc nổi, che phần hốc mắt phía trong. Ngay sau phần mày rồng, tai rồng và sừng rồng cũng kéo dài về phía sau áp theo khối thân. Riêng cuống tai dài bằng cả phần chính của tai. Giữa thân rồng có ba vạch khắc sâu. Cách tạc này cho thấy, bia được tạc khối chữ nhật trước, sau đó mới chém các cạnh mà chạm sâu vào thớ đá. Cách tạc này khiến cho hình mình rồng chính là phần trên cùng của trán bia (cả ở hai mặt, dù mặt âm không có chữ), bụng rồng ôm lấy phần không gian khắc chữ trên ngạch bia.” [Trần trọng Dương. 2012. Văn bia Trường Xuân. Trong “Văn bia Thanh Hóa: Tập 1: Văn bia thời Lý Trần”. Nxb Thanh Hóa. Thanh Hóa. Tr.


[11] Trần Trọng Dương. 2012. bdd.


[12] Trần Trọng Dương. 2013. Xi Vẫn- Xi vỹ và các xu hướng biến đổi trong văn hóa Việt Nam và Châu Á. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Đài Loan- Việt Nam.


[13] Thượng thư Nguyễn Công Bật. 1121. Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi. Lý Nhân Tông ngự đề bi ngạch. Thượng thư Lý Bảo Cung viết chữ. chùa Long Đọi, núi Long Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. ký hiệu thác bản 32724-32725. x. Trần Trọng Dương. 2013. Kiến trúc một cột thời Lý. Suối nguồn- nxb Hồng Đức. Tp. HCM.


[14] Phụ hoàng: tức hoàng đế Lý Thánh Tông, huý Nhật Tôn, sinh năm 1023, ở ngôi 17 năm (1054-1072).


[15] Voi trắng sáu ngà: điềm sinh đức Phật, đây là cách dùng từ rất tôn quý dành cho nhà vua.


[16] Mẫu hậu: tức Thái hậu Ỷ Lan, họ Lê, mất năm Hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117), thụy hiệu là Phù Thánh Linh Nhân Thái hậu.


[17] Điềm sinh thánh chúa.


[18] Hai ngươi: hai con ngươi. Theo truyền thuyết, mắt vua Thuấn nhà Ngu có hai con ngươi, gọi là “trùng hoa” hay “trùng đồng”. Sau dùng để chỉ mắt những vị vua anh minh.


[19] Theo truyền thuyết, tai Vũ Vương nhà Hạ có 3 lỗ (tam lậu).


[20] Đây là một trong số rất hiếm chi tiết nói đến thư pháp dưới thời Lý. Theo quan sát của chúng tôi, dưới thời Lý, qua các văn bia, có cả thảy hai lần nhắc đến nghệ thuật thư pháp. Thời Trần, qua văn bia có một lần nhắc đến thư pháp. Tất cả các lần đó đều nói đến lối chữ phi bạch, cho thấy dường như thời Lý – Trần, lối phi bạch rất được ưa chuộng.


[21] Núi Long Tỵ: theo Cương mục, ở địa phận xã Thuần Chất, huyện Bình Chính, tỉnh Quảng Bình, hình thể núi này nhô lên như vòi rồng, nên gọi là "Long tỵ" (CMCB2, 22a). Huyện Bình Chính nay là huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.


[22] Cấm nô bộc của các nhà dân trong ngoài kinh thành không được thích mực vào ngực, vào chân như cấm quân cùng là xăm hình rồng ở mình, ai phạm thì sung làm quan nô. (Toàn thư, Hội Tường Đại Khánh thứ 9: 1118).


[23] Thượng Hoàng Trần Nhân Tông từng nói: "Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên [7b] xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc".


[24] Trần Quang Đức. 2013. Ngàn năm áo mũ (Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009- 1945). Nxb Thế giới. H. tr.62.


[25] Nguyễn Du Chi. 2001. Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông. Nxb Mỹ thuật. H. tr.538.


[26] Chu Quang Trứ. Tb2012, Mỹ thuật Lý Trần- Mỹ thuật Phật giáo. Nxb Mỹ Thuật. H. tr.282.


[27] Trần Lâm Biền- Chu Quang Trứ. 1975. Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam (qua các bản rập). Viện Nghệ thuật- Bộ văn hóa. Sài Gòn. Tr.12.


[28] Hoàng Văn Khoán. 2009. Con rồng thời Lý. Kỷ yếu hội thảo khoa học “1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long”. Nxb Thế giới. H. tr.636.


[29] Cổ vật Việt Nam. tr. 98.


[30] Thích Đức Thiện. 2014. Phật Tích- di sản văn hóa Phật giáo (Buddhist Heritage Site). Nxb Văn hóa Thông tin. H. tr.45.


[31] Chuyển dẫn. Ma Shutian Mã Thư Điền. 1995.Trung Quốc Phật giáo chư thần. Đoàn kết xuất bản xã. tr.174-175. Xem mục Long Nữ trong Đoàn Trung Còn. tb2009. Phật học từ điển. nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh. 630-631.


[32] Xem thêm mục LONG NỮ HIẾN CHÂU và LONG NỮ THÀNH PHẬT trong 2000. Phật Quang đại từ điển (quyển 6). Sa môn Thích Quảng Độ dịch. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. tr.2834.


[33] Thích Thiện Giác. 1090. Minh Tịnh tự bi văn. Hiện vật hiện đặt tại sân nghè thôn Tế Độ, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa [xem trong Phan Bảo (chủ trì), Nguyễn Tô Lan (hiệu duyệt). 2012. Tuyển tập văn bia Thanh Hóa (Tập 1 : văn bia thời Lý – Trần). Phạm Văn Ánh, Trần Trọng Dương, Lê Quốc Việt khảo cứu, giới thiệu, dịch chú. Nxb Thanh Hóa. Thanh Hóa.]


[34] Sa môn Thích Huệ Hưng. 1109. Thiên Phúc tự hồng chung minh văn. vốn đặt ở chùa Thiên Phúc, tục gọi là chùa Thầy, trên núi Phật Tích, xã Thụy Khê, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Hiện chuông và bản dập không còn. Hiện theo bảo chép trong Kim văn loại tụ ký hiệu A.1059/2:5a-8b Viện NC Hán Nôm. Bản dịch theo nhóm Nguyễn Văn Thịnh. 2010. sdd.


[35] Cửu long: chín con rồng. Theo kinh Phật thì Phật tổ vừa lọt lòng mẹ đã biết đi, biết nói, đồng thời lúc ấy có 9 con rồng phun nước để tắm cho người. Trong các chùa, để diễn tả Phật ở giai đoạn này, người ta tạc hình một chú bé, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, bao xung quanh có hình 9 con rồng, thường gọi là tượng Thích Ca cửu long, Thế Tôn sơ sinh hay Thích Ca sơ sinh.


[36] Giác tướng: ở đây chỉ xá lị của Phật.


[37] Trời đất: nguyên văn là “cao hậu” (cao dầy) viết tắt của “thiên cao địa hậu” , nghĩa là trời cao đất dầy.


[38] Năm sao (ngũ vĩ): là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.


[39] Cá chim: nguyên văn là “phi tiềm”, trỏ các loài chim bay cá lội.


[40] Phúc: nguyên văn là chữ chỉ “祉”.


[41] Voi trắng: tức tuyết tượng, bạch tượng, trỏ điềm lành theo văn hóa Phật giáo.


[42] Có bản dịch là “rồng ổ” ý là “ổ rồng”, nhưng dễ nhầm với thuật ngữ “rồng ổ” (rồng mẹ và đàn rồng con) trong mỹ thuật cổ.


[43] Trấn đất: nguyên văn “地”, có bản ghi lầm là “也”.


[44] Tân Đầu hòa thượng: là một vị La Hán, vốn là bề tôi của Ưu Điền, đi tu đắc đạo. Vì trổ phép thần thông không đúng chỗ, bị Phật quở trách, không được ở cõi Nam Phù Đề. Phật sai ông đến giáo hóa châu Tây Cồ Gia Ni. Sau chúng sinh ở Nam Phù Đề xin Phật cho ông trở về. Phật bằng lòng, nhưng không cho ông nhập niết bàn mà bắt ông vĩnh viễn ở Ma Lê sơn.


[45] U – hiển (幽顯): u trỏ thần linh, hiển trỏ chúng sinh có tín tâm.


[46] Rồng – trời: nguyên văn “thiên long” (天龍), nói tắt của chư thiên và long thần, là nhị chúng trong bát bộ chúng của Phật giáo.


[47] Xem mục LONG VƯƠNG trong. Phật Quang đại từ điển (quyển 6). Sa môn Thích Quảng Độ dịch. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. 2000. tr.2844.


[48] Chu Quang Trứ. Tb.2012. sdd. Tr.284.


[49] Một số eteket tại các bảo tàng thường chú thích các mô típ này do ảnh hưởng từ mỹ thuật Nho giáo của thời Lê – Nguyễn. Lưỡng long tranh châu, khó có thể mang nội hàm Phật giáo ở đây được.


[50] Đuôi của đôi rồng này quấn lấy nhau ở phía sau. Sẽ có người cho rằng, đây là một hoạt cảnh rồng ấp, biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa cổ của người Việt. Nhưng chúng tôi xin lưu ý rằng, việc cuốn đuôi ấy hoàn toàn chỉ mang tính mỹ thuật. Bởi sự hạn định của không gian trụ tròn (rồng vờn ngang thân cột), nên thân rồng bắt buộc chỉ được tạc trong một giới hạn bề mặt nhất định. Đó là một sự thách thức khả năng bố cục đối với những người thợ thời xưa. Cần phải có một sự tính toán có cân nhắc. Chúng ta có thể tìm thấy khá nhiều kiểu bố cục như thế trong điêu khắc văn bia đời sau. Kể cả ở một số bia quan phương, do không gian của trán bia hạn hẹp, nên đôi rồng đã quấn đuôi vào nhau, để bố cục chặt chẽ và hiệu quả hơn.