Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

để con người trở thành chủ thể văn hóa

Bản cứng đã đăng trên Tia Sáng mang tên "Chai rượu văn hóa",
và tải lại trên website:
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=5761&CategoryID=41

Nay in lại nguyên bản ở đây, với tên cũ.





Trần Trọng Dương



Bấy lâu nay khẩu hiệu giữ gìn và phát huy văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc luôn xuất hiện trong mọi bài viết, công trình nghiên cứu. Nhưng hình như khẩu hiệu này chỉ thực thi trong các ban ngành, trong các cơ quan hữu trách về văn hoá thông qua các hoạt động festival, lễ hội văn hoá, giao lưu văn hoá; tức là văn hoá truyền thống chỉ được tái hiện một phần nào đó thông qua các diễn viên, và mang tính biểu diễn cho quần chúng và bạn bè quốc tế thưởng lãm. Còn những người đến xem chỉ là …người đến xem, tức là họ được coi như là khách thể văn hoá. Giữ gìn bản sắc, theo chiều sâu, phải là sự tái dụng văn hoá truyền thống trong đời sống thường nhật của con người. Tức là biến những vị khách (vốn là những người chủ của văn hoá kia) trở về với đúng vị trí của mình. Để thực hiện được công việc này, nhà nước cần phải có những chính sách, hệ thống pháp lý, có những chiến lược đào tạo chủ thể văn hoá. Và dĩ nhiên, trước đó, các nhà nghiên cứu phải hoạch định rõ các yếu tố văn hoá truyền thống nào là bản sắc, là của riêng Việt Nam, là những yếu tố cần thiết cho nền văn hoá đương đại.


1. Thực trạng của chủ thể văn hoá hiện


Xã hội Việt Nam truyền thống đã có những biến động rất lớn kể từ khi Pháp đến. Người Pháp mang theo văn hoá và khoa học (kỹ thuật cũng như nhân văn) của Phương Tây. Người Việt lần đầu tiên phản tư và đặt ra sự so sánh với một nền văn hoá khác ngoài Trung Hoa. Có người nhận thấy rằng, cho dù có so sánh với nền văn hoá nào đi chăng nữa thì Việt Nam vẫn là biểu hiện của một nền văn hoá nhược tiểu/ thiểu, sự thực chưa hẳn đã là như vậy. Chính quyền thực dân Pháp tiến hành khai hoá trên nhiều phương diện. Để dễ bề cai trị, từ năm 1869 đến 1919, Pháp lần lượt ban hành các đạo luật G.Ohier, J.Lafont, Le Myre de Villers và Albert Sarraut nhằm “diệt Hán - Nôm, hưng quốc ngữ”[i], nhằm tách dân chúng ra khỏi tầng lớp Nho sĩ, cô lập Đại Nam với các nước đồng văn và quan trọng nhất là “biến những đứa trẻ Annam trở thành người ngoại quốc trên chính đất nước của chúng” [trích lời Toàn quyền Paul Bert 1886][ii]. Tuy nhiên, phải nói một cách công bằng rằng người Pháp gần như không có những chính sách tiêu diệt văn hoá bản địa, mà ngược lại, văn hoá truyền thống vẫn được bảo lưu trong hệ thống làng xã và được người Pháp nghiên cứu khá chi tiết. Mặt khác, người Pháp đã tạo nên một thế hệ những trí thức Tây học trên cơ sở văn hoá bản địa. Nhiều người nói, đây là thế hệ một đi không trở lại trong lịch sử của trí thức Việt Nam.


Năm 1945, chữ quốc ngữ chính thức là thứ văn tự duy nhất của quốc gia. Chữ Hán, chữ Nôm biến mất khỏi hệ thống giáo dục và đời sống sau 2000 năm hiện diện trên mảnh đất văn hiến. Có thể coi đây là bước ngoặt lớn thứ hai về văn hoá, kể từ đợt tiếp xúc của cơ tầng Đông Nam Á với Trung Hoa. Tầng lớp trí thức Tây học trở về nước, nhưng do điều kiện này nọ họ chỉ có thể đóng góp ở mảng này hay mảng khác với mức độ nhất định. Trong suốt mấy chục năm chiến tranh, văn hoá truyền thống (lễ hội, di tích, thư tịch, phong tục tập quán…) bị biến mất, biến dạng nhanh và nhiều đến mức không thể kể hết được và đến nay vẫn chưa có ai thực hiện việc thống kê xem văn hoá truyền thống Việt Nam từng có những gì, đã mất những gì, cái gì cần giữ lại, cái gì cần phát huy. Mọi cố gắng của các nhà nghiên cứu hay của các nghệ nhân chỉ là tự phát trong vòng hai ba chục năm trở lại đây. Mặt khác, không ít các nhà nghiên cứu khi bảo tồn văn hoá lại luôn coi mình là kẻ đứng trên và đứng ngoài đối tượng nghiên cứu. Nghệ nhân chỉ là tư liệu khảo sát! Các dự án bảo tồn là để giải ngân. Cho nên, kết quả là khá méo mó so với thực tế. Hai mươi năm nay, các lễ hội cổ truyền được phục dựng ở khắp nơi bởi các nhà đạo diễn văn hoá quần chúng từ cấp địa phương đến cấp quốc gia. Sân khấu hoá và rập khuôn lễ hội là tình trạng phổ biến. Trong khi ngàn vạn tài liệu thư tịch về hương ước và lễ tục làng xã vẫn nằm chết cứng trong các thư viện của nhà nước và đang mục nát trong dân gian.


Thế hệ già 70-80 ra đi, mang theo những nét văn hoá cũ. Thế hệ trung niên, đã quá vất vả vì chiến tranh và đói kém triền miên, không mấy người quan tâm đến việc cha ông mình vốn là chủ thể của nền văn hoá gì. Giờ đến 8x và 9x, sự đứt rễ quá lâu và quá xa khỏi văn hoá truyền thống, khiến thế hệ trẻ không biết mình đến từ đâu, vì thế cũng nhiều khi không xác định được mình sẽ đi đâu. Họ không nhận thức được rằng mình đang là, sẽ là những chủ thể của nền văn hoá như thế nào. Việc nhuộm răng của một hoạ sĩ 7x, được toàn bộ cộng đồng coi như là hành động lạc lõng và quái dị. Thanh niên ăn trầu chỉ là thử cho vui. Các làng nghề chạy theo thương mại mà bỏ bê (hoặc chuyển đổi) sản xuất các mặt hàng truyền thống. Lễ tục giản thiểu tối đa cho tiện dụng. Mọi nhà cắm cờ thay vì trồng cây nêu. Ăn bánh chưng rán ngoài hàng thay cho gói ghém và nấu nướng. Các loại quán xá thì được dịp tung hô quảng cáo và tận dụng hai chữ “bản sắc”, nào là Hồn Việt, nào là Bún Ta, hay nữa là Bia Đại Việt. Bóng đá thể thao thì gióng trống khua chiêng cổ động bằng cách hô khẩu hiệu “tinh thần Việt Nam”, “vì màu cờ sắc áo”. Sự tự hào dân tộc thường chỉ được lấp ló trong những khoảnh khắc chiến thắng của thể thao hay núp sau tà áo dài hoa hậu. Giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế loanh quanh cũng chỉ là ca múa nhạc của các diễn viên. Tà áo dài được cách tân và cải biến, tính mỹ học cao hơn; song ngoài Huế thì ở các nơi khác tà áo dài đã trở thành trang phục biểu diễn, hay lễ nghi thuần tuý. Sang lắm như tranh Đông Hồ, mang đi triển lãm khắp nơi trên thế giới, nhưng chỉ là những nét khắc ngờ nghệch, chữ nghĩa thậm xấu và sai chính tả đến mức không thể chấp nhận được, đề tài phần lớn là của tranh Tàu (trừ Hứng dừa và Đánh ghen). Chỉ có số rất ít nghệ nhân (như ông Nguyễn Đăng Chế,…) làm lụng với tư cách cá nhân với tấm lòng yêu nghề. Còn các quan tâm đầu tư khác của nhà nước thường dừng lại ở việc “cho đi cùng”. Nâng cao chất lượng nghệ thuật tranh Đông Hồ ra sao thì chưa thấy. Nhưng ở nhà trường, học sinh vẫn học suông mấy chữ “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” một cách hồn nhiên mà chưa bao giờ được hỏi: “làm thế nào để tạo nên màu dân tộc ấy?”.



Hình: Đánh ghen, chữ thậm xấu.


2. Để con người trở thành chủ thể văn hoá


Dĩ nhiên, việc trau dồi văn hoá cổ truyền chỉ là một cạnh khía trong sự nghiệp trăm năm của một đất nước. Nhưng thiết nghĩ, hun đúc tình yêu dân tộc không chỉ đơn thuần ở việc ngợi ca non sông gấm vóc, rừng vàng biển bạc được[iii]; lại càng không thể kêu gọi, hô hào hay ép buộc con em phải yêu nước. Tình yêu bao giờ cũng cần được nuôi dưỡng, nhất là tình yêu dân tộc. Nuôi dưỡng bằng cách nào? Bằng cách, người lớn phải yêu dân tộc. Tình yêu ấy phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, thường nhật, liên tục với số lượng đông đảo của chủ thể, chứ không phải bằng những sáo ngữ cũ mòn. Đó chính là hành vi “thân giáo” (giáo dục bằng chính hành động của thày)-phương pháp giáo dục của Nho gia mà Khổng Tử đề xướng. Phương pháp này không ép buộc mà hoàn toàn tôn trọng vào sự chọn lựa của người học. Nó tương đồng với “nguyên tắc tự do của chủ thể” trong triết học giáo dục của Éric Plaisance và Gérard Vergnaud[iv]. Như thế, mỗi một người lớn là một thày cô giáo, mỗi một gia đình là một ngôi trường. Và ngược lại, mỗi thày cô giáo lại là một chủ thể văn hoá, mỗi mái trường là một mái ấm gia đình, để con người tự do trong tình yêu nhỏ, tình yêu nhỏ sẽ góp nên những tình yêu rộng lớn hơn.

Đối với trẻ em, việc xác lập tình cảm và hứng thú thường là rất dễ dàng nếu có cách truyền thụ hợp lý. Cách truyền thụ văn hoá hữu hiệu nhất chính là biến các em thành chủ thể. Thế nào là chủ thể văn hoá? Chủ thể là người được đích thân tham gia vào các hoạt động văn hoá, từ các hoạt động văn hoá ấy chúng sẽ nảy sinh những tình cảm và lựa chọn những yếu tố nào phù hợp nhất với tư chất của chúng. Đương nhiên, một con người hiện đại là người tích hợp của nhiều nền văn hoá, và đây cũng chính là một trong những mục đích của nền giáo dục hiện đại. Hiện nay, Bảo tàng Dân tộc học là cơ quan văn hoá hoạt động hiệu quả nhất về phương diện này. Bảo tàng đã kết hợp được với một số trường học, đưa học sinh đến học ngoại khoá. Học sinh đến đây sẽ được đích thân nhuộm vải, in tranh Đông Hồ, học đan lát, học cách in hoa văn bằng sáp ong của người Hmông, cách nhuộm ikat của người Thái, cách thêu của người Việt, tập khâu vá, cắt may, tập làm búp bê giấy, búp bê vải,[v]... Việc đào tạo như vậy không có nghĩa là kéo lùi những kiến thức khoa học hiện đại của trẻ mà thực chất đó chính là những hoạt động nhằm giúp các em nhận thức về văn hoá, và được tham gia vào đó với tư cách của một thành tố văn hoá.


Để đảm bảo yếu tố bản sắc và đa dạng văn hoá của các dân tộc, sẽ phải có những cách thức riêng cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Nhưng, đối với các dân tộc thiểu số, tốt nhất là nên dạy song ngữ (tiếng bản tộc và tiếng Việt). Các em phải nhận thức được rằng, giá trị của văn hoá là ở chỗ khác nhau. Mọi ngôn ngữ và văn hoá đều là đáng quý và cần bảo lưu. Bởi một dân tộc không còn là mình nữa khi dân tộc ấy cứ nói theo thứ tiếng và chữ viết của dân tộc khác. Tình trạng a dua, học đòi theo người Kinh là nguy cơ lớn nhất đối với văn hoá dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, các trường dân tộc nội trú hiện nay vẫn chủ yếu tập trung dạy các môn văn hoá y như chương trình ở dưới xuôi. Ý thức về văn hoá dân tộc mình trong tương quan với dân tộc khác (ít nhất là với văn hoá Kinh) là một cách “giáo dục về hoàn cảnh con người”. Bộ giáo dục dường như chưa từng để ý đến vấn đề đưa văn hoá bản địa vào trường học. Hiện nay, chỉ có chương trình duy nhất của quỹ Ford kết hợp với sở Văn hoá Lào Cai là thực hiện theo hướng này. Chương trình đã sưu tầm hơn 700 văn bản chữ Nôm của người Dao (từ 1736 đến 1945) tại Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai[vi]. Mục đích cuối cùng của dự án là dạy cho người Dao tại Lào Cai có thể đọc lại được hệ thống văn tự khối vuông truyền thống mà mình đã bỏ quên trong hơn 50 năm qua. Đây là một chương chình chưa từng được thực hiện ở bất kỳ dân tộc nào khác tại Việt Nam.


Bài viết chưa đề cập đến việc giáo dục con người để trở thành chủ thể của nền văn hoá trong mối tương quan với văn hoá khu vực và thế giới. Nhưng việc này không đáng lo lắm bởi người Việt vốn nắm bắt rất nhanh những yếu tố văn hoá từ bên ngoài mới vào. Vấn đề là ở chỗ giáo dục như thế nào để con người Việt Nam có thể ý thức, thực thi và phát huy được năng lực của mình với tư cách là công dân của đất nước và của địa cầu. Thế giới ngày càng phẳng và nền giáo dục ngày càng trở nên có xu hướng quốc tế hoá, đó là điều không thể cưỡng lại được. Dân tộc hoá giáo dục ở phương diện văn hoá là một xu hướng trái chiều nhưng không làm triệt tiêu xu hướng toàn cầu hoá văn hoá, bởi trong “bữa tiệc hội nhập” mỗi dân tộc đều phải có “chai rượu văn hoá” của riêng mình. Văn hoá làm cơ sở, làm bản vị để mỗi dân tộc, mỗi quốc gia phát triển bền vững hơn. Nước chảy xa vì nguồn nó sâu. Kinh tế có phát triển ổn định là bởi sau lưng nó là cả một nền văn hoá có độ đằm của lịch sử. Phát triển bền vững ắt hẳn phải bắt đầu từ vấn đề chủ thể văn hoá của chúng ta hiện nay!?


[i] Triều Anh.1999. Những trang sử cuối cùng của chữ Hán Nôm. Nxb Tổng Hợp Đồng Nai.

[ii] Zenei Gang of Five. 2007. Script: Avant-garde Calligraphy. Tho Studio. Hà Nội.

[iii] Đáng ra, những tác phẩm đầy trăn trở về đất nước và dân tộc như “đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy phải được đưa vào sách giáo khoa để học sinh biết rằng mình còn là một thành tố của đời sống đất nước. Tiếc rằng đây vẫn là điều bất khả thi. Sự lảng tránh những điều “tế nhị” của người lớn sẽ góp phần làm nên nhân cách cho trẻ em.

[iv] Éric Plaisance & Gérard Vergnaud .1999.Les sciences de L’éducation (Các khoa học giáo dục). Découverte Paris. Chuyển dẫn theo Phạm Khiêm Ích. 2008. Edgar Morin và triết học giáo dục. (dantri.com.vn)

[v] http://www.vme.org.vn
[vi] Bradley C Davis.2008. Chữ Nôm Dao in Việt Nam- The Study and Sustainability of a Traditional Script. International Conference on Nôm Studies. Center for Vietnamese Philosophy, Culture & Society Temple University, Philadelphia, USA. (http://www.temple.edu)









Từ nguyên của chữ XE và các điệp thức của nó



Trần Trọng Dương







Trong tiếng Việt hiện nay có các từ thể hiện số nhiều, hay mức độ nhiều như lắm, nhiều. Trong tiếng Việt lịch sử từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX, chúng tôi còn thấy từ khác là xe. Bài viết này sẽ tiến hành khảo sát các ngữ cảnh của từ XE qua các văn liệu và sự ghi nhận từ điển. Mục đích là tìm hiểu sự xuất hiện biến mất của từ cổ xe, cũng như từ nguyên và những điệp (thức từ gốc Hán đồng nguyên khác) của nó.


1. Khảo về chữ XE


XE là chỉ thấy ghi nhận trong từ điển của Génibrel: “6. Có xe, innombrable, adj”[1] [tr.961]. Các từ điển cổ khác đều không thấy ghi nhận. Ngay cả Gustave Hue vốn tiếp thu khá nhiều mục từ từ điển này cũng không thấy có. Trong văn liệu, từ XE xuất hiện một số lần trong văn cảnh, cụ thể như sau: “Vốn xưa làm Nôm xe chữ kép[2] (CNNA tr75). Mãnh lôi tiếng dậy rầm rầm xe thay [3](CNNA), Long nhãn có hiệu nhãn lồng ngọt xe[4](CNNA), Sãi muốn nói một chuyện xa xa cho Vãi biết, trong kinh chép đã nên xe (Sãi Vãi c.194)” [5]


Về nghĩa, tạm thời có thể phân suất được hai nghĩa như dưới đây: 1.Xe là tính từ chỉ số lượng (xe chữ kép, có xe), bằng với từ nhiều hiện nay. 2.Xe là trạng từ mức độ trong các ngữ cảnh rầm rầm xe thay, ngọt xe, bằng với từ lắm hiện nay. Thú vị là từ điển A. de Rhodes chỉ thấy ghi nhận các từ nhièu, nhèu, dèu, bao deu, bao nheu. Gén cũng ghi nhận từ “nhiều”[6] có nhiều ví dụ dẫn dụng đi kèm.


Tạm đi đến nhận định là: vào thế kỷ XVII-XIX, “xe” hầu như lùi vào “hậu trường” để trở thành một từ cổ. Trong khi đó, “nhiều” là một từ phổ dụng và đã và đang thay thế XE. Nói “hầu như” là vì các tác phẩm từ thế kỷ XVI-XIX không hề thấy XE xuất hiện nữa, nhưng nó bắt đầu “chết” từ lúc nào thì có lẽ nên dè dặt vì không có mặt trong từ điển không nhất thiết có nghĩa là không có mặt trong từ vựng. Như Truyện Kiều 22 lần xuất hiện nhiều[7]. Cư trần lạc đạo đời Trần thấy nhiều xuất hiện 1 lần[8]. Quốc âm thi tập có 15 lần dùng từ nhiêu, và 54 lần từ nhiều[9]. Khóa hư lục giải nghĩa thì nhiêu 14 lần, nhiều 12 lần[10] . Nhưng 2 văn bản được đỉnh bản vào thế kỷ XIX, chắc bị sửa ít nhiều. Phật thuyết một bản dịch có thể được tiến hành vào quãng thế kỷ XII trở về trước, ngôn ngữ khá bảo lưu thì nhiều xuất hiện 11 lần[11] và cũng không thấy xuất hiện XE.


Như vậy, chỉ thấy xe xuất hiện trong 2 tác phẩm, CNNA và Sãi Vãi. CNNA là văn bản tk XVII, và chắc đây là bản trùng san từ một bản cổ hơn. Theo như chứng minh của Ngô Đức Thọ về chữ Húy triều Hồ[12], đây là văn bản khắc in vào đầu tk XV, và bản tk XVII là bản in lại mà không sửa chữa gì nhiều so với bản trước. Sãi vãi là tác phẩm của Nguyên Cư Trinh (1716-1767) Đàng Trong. Vậy tại sao từ xe lại xuất hiện trong tác phẩm này? Như ta biết, Đàng Trong (nhất là vùng Bình Trị Thiên) là vùng phương ngữ cổ của tiếng Việt. Và vùng phương ngữ này vào thế kỷ có thể XVIII vẫn còn lưu giữ từ xe mà ở Đàng Ngoài (Bắc) đã biến mất. Sau đó, từ cuối tk XVIII, từ XE cũng đã biến mất khỏi vùng phương ngữ này.




Còn một vấn đề nữa, tại sao Gén lại ghi nhận được từ XE? Ta biết rằng các nhà truyền giáo có phong cách tiếp thu từ điển của những người đi trước, như A de Rhodes tiếp thu hai cuốn Annamiticium Lussitanum*[13] của Gaspar de Amaral (1592-1646) và Lussitanum Annamiticium* của Antonio Barbosa. Cuốn từ điển Dictionarium Annamitico-Latinum (1838) của Taberd tiếp thu từ Dictionarium Anamitico Latinum (1772) của Bỉ Nhu và A. de Rhodes, Dictionaire Annamite- Chinois- Français (1937) của G.Hue tiếp thu từ Dictionaire Annamite - Français (1898) của Génibrel, và Génibrel lại tiếp thu từ Dictionaire Annamite - Français (Imprimerie de la Mission de Saigon 1877*) của Mgr Caspar. Sự bổ sung các mục từ có thể là được tiếp thu từ những bảng từ chép tay của từng giáo sĩ, đồng thời có cứ liệu thực địa bổ sung và sự tiếp thu mục từ XE của Génibrel có thể là từ một bản thảo chép tay vô danh nào đó từ các thế kỷ trước để lại.


Tạm thời có thể đi đến một số nhận định như sau:

1.XE là một từ đang biến mất/ hoặc đang bị thay thế dần dần bởi từ nhiều vào giai đoạn tiếng Việt cổ (thế kỷ XIII-XVI), và có lẽ biến mất ở Bắc bộ vào giai đoạn tiếng Việt Trung đại XVII-XVIII.

2.Đầu thế kỷ XVIII, XE vẫn còn tồn tại ở vùng phương ngữ Đàng Trong, và sau đó cũng nhanh chóng biến mất.

3.(Giả thuyết) XE là một từ phổ dụng của tiếng Việt tiền cổ vào giai đoạn tk X-XIII.

4.Mục từ XE trong Génibrel có lẽ đã được tiếp thu từ một bảng từ của các giáo sĩ vô danh được khảo sát từ các thế kỷ XVII-XVIII tại vùng phương ngữ Đàng Trong. Trong tình hình tư liệu hiện có chúng ta chỉ tạm có thể đưa ra giả thuyết như trên.




2. Từ nguyên của chữ XE

Với âm XE, chúng ta từng biết đến âm XE trong các từ cái xe, xe cộ, xe pháo mã tốt, tàu xe. XE là âm đọc Tiền Hán Việt trước đời Đường của chữ XA 車. Từ tiền lệ như vậy, chúng tôi thử đặt giả thuyết tương tự cho âm XA đang xét đến ở đây. Kết quả là chúng tôi tìm được chữ XA賒.


XA 賒 có nghĩa là nhiều, nghĩa thứ 5 trong Hán ngữ đại tự điển [14] [đa, phồn đa], ví dụ: Lãng Sĩ Nguyên朗士元trong bài Văn xuy dương diệp giả 聞吹羊葉者 có câu胡馬迎風起恨賒Hồ mã nghinh phong khởi hận xa (ngựa Hồ nghênh gió, hận dấy đầy). Và như thế, có thể tạm đi đến nhận định rằng, XE (nhiều) trong tiếng Việt cổ là một từ gốc Hán đọc theo âm Tiền Hán Việt. Về mặt ngữ âm, chúng ta thấy sự phân biệt / e / < > / a / giữa các âm Tiền Hán Việt với âm Hán Việt, có thể nêu ra một số ví dụ như: chén – trản 盞 ; chèo – trạo 棹 ; hen (ho hen, hen suyễn) – han 鼾, hét – hát 喝[15].


Chữ賒với âm XA đồng thời cũng là một hình vị Hán Việt được du nhập khá sâu vào tiếng Việt, với nghĩa là xa (trái với gần). Đây là nghĩa thứ 3 trong Hán ngữ đại tự điển (dao viễn 遙 遠). Như thế XA賒là một từ Hán Việt đơn tiết trong tiếng Việt hiện nay, chứ không phải là một từ thuần Việt như trước nay chúng ta vẫn hiểu. Đồng thời, XA là một từ đơn tiết trong tiếng Hán cổ đại. Thơ cổ có ví dụ sau: Vương Bột王勃trong bài Đằng Vương các tự滕王閣序có câu: 北海虽賒, 扶摇可接 Bắc hải tuy xa, phù dao khả tiếp (bể Bắc tuy xa, lần theo cũng tới) . Thơ cổ cũng có câu萬里休言道路賒vạn lý hưu ngôn đạo lộ xa (muôn dặm chớ nói rằng đường đi xa). Thêm nữa, XA với nghĩa này còn là một từ tố để tạo nên một số từ song tiết khác cận/ gần nghĩa như xa xôi, xa vời, xa xăm, xa cách, xa lánh, xa tít, xa mù, xa ngái, xa khơi, xa lắc, xa xa, xa hoắc, xa lìa, xa lơ xa lắc, xa mú, xa mú tí tè, xa tắp, xa tít tắp, xa thẳm, xa vắng, xa xưa.


Chữ 賒 còn thông với chữ XA奢 trong “xa xỉ” và có một điệp thức (doublet) cổ là “xe” trong “xe xua” và “xo xe” trong tiếng Nam Bộ, mà vì siêu chỉnh (hypercorrection) nên đã biến thành “se sua” và “so se”. Ngoài ra, XA cũng là một hình vị Hán Việt trong các từ Hán Việt như: “xa hoa”, “xa xỉ” và “kiêu sa” (trại âm từ kiều xa 嬌賒- một từ Hán Việt Việt tạo?, nghĩa là “đẹp sang trọng”).


Chữ賒còn trỏ hành động dùng tiền để mua bán, trao đổi. Trong tiếng Hán có từ sha xiao賒銷 (đọc theo âm Hán Việt là xa tiêu). Vào tiếng Việt, đọc theo âm Quảng Đông thành tiêu xài. Xài cũng vừa là một từ gốc Hán đơn tiết vừa là một từ tố Hán Việt.


Có điều đáng chú ý là, trong các văn bản Nôm, âm XA đôi khi không được dùng bằng tự dạng gốc là 賒, mà được ghi bằng chữ đồng âm khác là 車(xe cộ). Đây là một đặc điểm thường thấy đối với những chữ Nôm ghi âm từ gốc Hán trong các văn bản Nôm thuộc thế kỷ XV-XIX. Điều này thể hiện qua hệ thống chữ Nôm dùng để ghi các từ cổ đọc theo âm Phi Hán Việt, tuy số lượng của chúng không nhiều, nhưng lại là những trường hợp khá thú vị đối với những người quan tâm đến các văn bản Nôm và từ nguyên học.





Từ Liêm 2010



Tác giả: Trần Trọng Dương

Địa chỉ: Viện NC Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội.

Email: trantrongduonghn@gmail.com

[1] J.F.M. Génibrel, (1898), Dictionnaire Annamite- Français (大越國音漢字法 釋集成 ), SaiGon Imprimerie de la mission à Tân Định.

[2] Trần Xuân Ngọc Lan, (1985), Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. Tr.75.

[3] Trần Xuân Ngọc Lan, (1985), sdd. tr78

[4] Trần Xuân Ngọc Lan, (1985), sdd. tr218

[5] Vương Lộc, (1999), Từ điển từ cổ, Trung tâm Từ điển học & Nxb. Đà Nẵng. H.

[6] J.F.M. Génibrel, (1898), Dictionnaire Annamite- Français (大越國音漢字法 釋集成 ), SaiGon Imprimerie de la mission à Tân Định. tr560

[7] Đào Duy Anh. Từ điển truyện Kiều.

[8] Hoàng Xuân Hãn.(1978). Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần-Lê: Phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. KHXH (Paris) 5-7 91978-1980). tb 1998. Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần- Lê, trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Nxb Giáo dục. T3: 1091-1095.

[9] Phùng Minh Hiếu. Bảng tra từ vựng trong Quốc âm thi tập (bản thảo), nhân đây xin cảm ơn tác giả đã chia sẻ tư liệu.

[10] Trần Thái Tông. (2009). Thiền tông khóa hư ngữ lục. Tuệ Tĩnh giải nghĩa, Trần Trọng Dương khảo cứu, dịch và phiên chú. Nxb Văn học & TT Nghiên cứu Quốc Học.

[11] Hoàng Thị Ngọ, (1999), Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm ‘Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh’, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[12] Ngô Đức Thọ, (2005), Thông tin mới nhất về Chỉ nam ngọc âm, T/c Hán Nôm, số 3.2005.

[13] Ký hiệu * biểu thị văn bản đã thất truyền.

[14] Hán ngữ đại tự điển 漢語大字典. Thành Đô xuất bản xã, 1993.

[15] Nhân đây xin gửi lời tri ân đến học giả An Chi, người đã trực tiếp gợi ý, hướng dẫn tôi đi đến nghiên cứu này. Và một số kết quả trong bài viết thực chất là cùng thuộc về ông.

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

chữ không có trong từ điển



Khi đọc một văn bản Hán hay Nôm, gặp một từ nào đó không có trong từ điển có chữ thì giải mã được có chữ thì tắc tị, đó là chuyện thường ngày.

Hôm nay gặp phải bài Nôm này, nên pốt lên đây để hỏi anh em, khách khứa.
Ngoài hai chữ này ra nếu còn có chữ nào chưa thỏa đáng lắm, cộng thêm hai cái điển cố thì cũng nhờ anh em khách khứa chỉ chính thêm.Công đức vô lường!

Hy vọng các anh em khác cũng pốt các chữ khó lên, để cùng nhau học hỏi.




Thi nhất thủ



Một ngón thao[1] cầm mấy vạn binh,

Cõi Tây chẳng những núi là thành.

Trông cờ ngươi Cát[2] tung mưu lạ,

Ngó hộp họ Tào[3] tỏ nhôi thanh[4].

Noi dấu trước theo dòng phúc khánh

Soi lòng trên có đấng tài minh.

[Dấu][5] thiêng vững trấn muôn ngàn dặm,

Chi ấy vân nhung[6] động thản bình.



--------------------------------------------------------------------------------

[1] Ngón thao: trình độ thao lược.

[2] Bản chép theo trí nhớ nên đảo lộn chữ với câu dưới. Ở trên phải là “ngươi Cát”. “Ngươi” là một loại từ trong tiếng Việt cổ chỉ đứng trước tên người, và không phải là đại từ nhân xưng mang hàm ý coi thường như trong tiếng Việt hiện đại. “Ngươi Cát”: là trỏ Gia Cát Lượng.

[3] Họ Tào: trỏ Tào Tháo. Xem chú 2.

[4] Nhôi thanh: lòng thanh. “Nhôi” từ Việt cổ, nghĩa là “tấm lòng”, “cõi lòng”. Trong tiếng Việt cổ hay nói “”khúc nhôi”. Ví dụ: “Bặt bặt con chim cò đỗ nơi bãi phẳng; đứt nhôi tiếng ve kêu trong khóm liễu” (Thiền tông khóa hư ngữ lục- Tuệ Tĩnh, tk XIV). “Thái hậu nghe biết khúc nhôi” (Thiên Nam ngữ lục- vô danh, tk XVII). “Khấu đầu bèn kể mọi lời khúc nhôi” (Vị thành giai cú tập biên- Tú Xương, tk XIX).

[5] Chữ mờ, đoán đọc, nên để trong ngoặc.

[6] Tra trong Hán ngữ đại tự điển không thấy có chữ này: {風問}+ {風+戎}, nên tạm xác định là một chữ Nôm tự tạo.Tự dạng này chưa từng gặp trong bất kỳ từ điển chữ Nôm cổ từ thế kỷ XVII đến nay. Tạm phiên theo thanh phù để chờ giải đáp.