Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Đinh Bộ Lĩnh: HUYỀN THOẠI VÀ LỊCH SỬ

Đinh Bộ Lĩnh: HUYỀN THOẠI VÀ LỊCH SỬ
Trần Trọng Dương

Đại Việt sử ký toàn thư trước nay vẫn được coi là bộ chính sử quan trọng nhất đối với các nhà sử học, văn hóa học,… Tính chính sử của nó được coi như cái mác bảo hành cho những gì được ghi chép bên trong. Song do tình trạng thiếu khuyết tư liệu trầm trọng, mà văn bản này đã sưu tập không ít những huyền thoại, thần tích trong dân gian. Điều đó có thể hiểu được trong bối cảnh “văn- sử- triết bất phân”, là nơi chủ thể văn hóa không quan tâm, hoặc không thể phân biệt được ranh giới giữa các lĩnh vực khoa học. Song điều nguy hiểm là ở chỗ, trong suốt thế kỷ XX và cho đến tận ngày nay, tư duy huyền thoại ngày càng lấn át tư duy sử học trong đời sống người Việt. Chúng ta đánh đồng huyền thoại và lịch sử. Ở một số trường hợp cụ thể, chúng ta “làm sử” chỉ là kéo dài cách nghĩ của từ vài trăm năm trước. Nói cách khác đó là lối làm sử “hậu phong kiến”.
Một ví dụ tiêu biểu cho việc đan xen giữa huyền thoại và lịch sử là chi tiết về cuộc đời ấu thơ của Đinh Bộ Lĩnh. Đại Việt sử ký toàn thư ghi như sau: “Xưa, cha của vua là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ giao giữ chức quyền Thứ sử châu Hoan, sau theo về với Ngô Vương, vẫn được giữ chức cũ, rồi mất. Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: "Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn". Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương” .
`Đoạn trích trên lâu nay vẫn được coi như là một sử liệu nguyên khối và khả tín. Chưa thấy một nhà nghiên cứu nào tiến hành giám định sử liệu, hay cao hơn phê phán sử liệu cho trường hợp này. Trong thế kỷ XX, hình tượng chú bé mồ côi, chăn trâu không chỉ dừng lại ở sách sử mà nó đã được chuyển hóa vào đời sống của người Việt hiện đại. Người ta tiếp tục bồi đắp để xây dựng thành một huyền thoại “cờ lau dựng nước”. Những tác phẩm nghệ thuật xuất hiện trong nhiều năm qua khai thác chủ để này là những minh chứng cụ thể. Phải kể đến hai bức tranh dân gian Đông Hồ: một bức là hoạt cảnh Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu có hai trẻ cầm cờ lau hộ giá, một bức là cảnh Đinh Bộ Lĩnh được rồng che chở khi bị khi bị ông chú Đinh Dự truy sát. Chúng ta còn biết đến cuốn tiểu thuyết lịch sử “Cờ lau dựng nước” (2001) của nhà văn Ngô Văn Phú , “Hoàng Đế cờ lau” (2010) của Nguyễn Khắc Triệu , truyện tranh cho thiếu nhi “Đinh Bộ Lĩnh” (2000) trong bộ tranh truyện lịch sử Việt Nam , truyện lịch sử “Vạn Thắng Vương (Đinh Bộ Lĩnh)” (2000) của Lữ Giang , truyện tranh “Cờ lau tập trận” (1999) trong bộ “Truyện xưa đất Việt” (24 tập) của Tạ Chí Đông Hải . Ngoài ra còn phải kể đến bài hát “Cờ lau tập trận” của Khánh Vinh, sử nhạc Đinh Bộ Lĩnh của một tác giả vô danh (youtube), và còn nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc, phim truyện, phim tài liệu, phim lịch sử khác không thể kể hết ra ở đây. Lỗi không phải là ở những người làm nghệ thuật mà là ở những người làm khoa học khi họ không tiến hành định hướng xã hội.

Tượng đài cờ lau Đinh Bộ Lĩnh ở TP Hồ Chí Minh, ảnh: Vân Du.
Để giám định tính khả tín của đoạn trên, chúng ta ít nhất phải có những sử liệu độc lập soi chiếu. Chúng tôi muốn nhắc đến đoạn sau đây trong sách Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đảo (1115- 1184) ghi: “Trước, Dương Đình Nghệ làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, sai Nha tướng Đinh Công Trứ nhiếp Hoan châu Thứ sử. Công Trứ chết, con Bộ Lĩnh nối chức ấy. Khi đó, Bộ Lĩnh cùng con là Liễn cùng thống soái ba vạn người đánh phá bọn Xử Bình, đất ấy mới yên, bèn tự lập làm Vạn Thắng Vương, lấy Liễn làm Tĩnh Hải tiết độ sứ” .
Sách Văn hiến Thông khảo của sử gia Mã Đoan Lâm (1254 - 1324) đời Tống ghi: “Trước, Dương Đình Nghệ lấy Nha tướng Đinh Công Trứ giữ chức Hoan châu Thứ sử, và Ngự phiên Đô đốc. Bộ Lĩnh con của Công Trứ vậy. Khi Công Trứ chết, Bộ Lĩnh nối các chức ấy. Đến đây, Bộ Lĩnh cùng con là Liễn đem binh đánh bại bọn Xử Bình, tặc đảng tan vỡ, cảnh nội đều yên, dân ơn đức ấy bèn suy Bộ Lĩnh làm Giao Châu soái, hiệu là Đại Thắng Vương).”
Sách An Nam chí lược của Lê Trắc ghi: “Cuối đời Ngũ Đại, Đình Nghệ đi trấn Giao Châu, lấy Công Trứ quyền Thứ sử Hoan Châu. Trước đây, Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn, cha con Bộ Lĩnh về với Ngô Quyền, Quyền nhân khiến Công Trứ về nhiệm chức cũ. Khi Công Trứ mất, Bộ Lĩnh kế tập chức cha” .
Điều đáng chú ý là thời gian định bản của các sử liệu trên xuất hiện trước Đại Việt sử ký toàn thư từ 2 đến 5 thế kỷ . Nguyễn Danh Phiệt trong “Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước” đã chứng minh rằng không hề có chuyện Đinh Bộ Lĩnh mồ côi cha từ bé. Theo cách tính của Nguyễn Danh Phiệt, Đinh Công Trứ mất khi Đinh Bộ Lĩnh quãng từ 15 đến 20 tuổi . Vậy, việc “nối cha giữ chức Thứ sử Hoan Châu và Ngự phiên Đô đốc” có thể sẽ xảy ra vào quãng năm 940 đến 944. Keith Weller Taylor cũng dựa vào sử liệu nhà Tống mà đoán định rằng Đinh Bộ Lĩnh giữ chức Thứ sử Hoan- Ái vào thời Bình Vương Dương Tam Kha ở ngôi . Trong khi Nguyễn Danh Phiệt phủ nhận việc Đinh Bộ Lĩnh nối chức cha bằng các truyền thuyết và sử liệu dân gian, thì chúng tôi cho rằng, quãng tuổi từ 15- 20 là quãng tuổi hoàn toàn có thể nhậm chức trong thời xưa theo phép tập ấm.
Những thông tin này rất quan trọng. Từ đây, có thể nhận định rằng: (1) Đinh Bộ Lĩnh không phải trẻ mồ côi, mà chỉ mất cha quãng thời thanh niên. (2) Đinh Bộ Lĩnh là con của danh gia vọng tộc, con của quan chức cao cấp nhà Ngô. (3) Khi cha mất, ông có khả năng được tập ấm các chức Thứ sử Hoan châu, Ngự phiên Đô đốc. Như nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã lý giải rằng, Đinh Bộ Lĩnh đã bị mất chức mà phải trở về nguyên quán là động Hoa Lư có lẽ vì liên quan đến thế lực Dương Tam Kha. Trở về Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh hẳn đã vấp phải những mâu thuẫn quyền lực trong nội bộ gia tộc mà câu chuyện hai chú cháu Đinh Dự - Đinh Bộ Lĩnh đánh lẫn nhau là một kiểu trầm tích lịch sử được hóa thạch trong truyền thuyết như Toàn thư đã ghi. Từ cái lõi lịch sử này, dân gian nhiều đời đã xây dựng nhiều huyền thoại khác nhau. Đại Việt sử ký tiền biên còn sưu tầm một huyền thoại ngộ nghĩnh hơn, rằng Đinh Dự muốn giết cháu bởi vì Đinh Bộ Lĩnh đã dám giết lợn nhà để khao đám trẻ chăn trâu . Đến đây, nhìn lại những ghi chép trong Toàn thư, ta sẽ thấy các chuyện “mồ côi cha từ bé”, “cùng bọn trẻ chăn trâu ngoài đồng”, “cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử”, “hai con rồng vàng hộ vệ vua”… đều là những chuyện sáng tác của đời sau, ít nhất là vào thế kỷ XV- thời Lê sơ sau thời của Đinh Bộ Lĩnh quãng 500 năm.

Box: “Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh được biết tới tài năng quân sự khi còn nhỏ tuổi đã bày trò cỡi trâu đánh trận. Tranh vẽ theo lối Fantasy Art với ý tưởng đưa hình ảnh cỡi trâu và cờ lau gắn bó với Đinh Bộ Lĩnh. Tranh cũng muốn đưa ý niệm thần thánh hóa những anh hùng lịch sử Việt Nam, không chịu thua kém Trung Hoa”. (http://yume.vn post: 23/12/2012 11:13 )
Huyền thoại là những câu chuyện kể huyền hoặc hoang đường, là một thể loại của văn học dân gian, tức nó là một sản phẩm “hư cấu”. Trái lại lịch sử là một sản phẩm “thực cấu” của quá trình thu thập thông tin, nhận thức, xử lý thông tin và tư duy sử học. Cái LỊCH SỬ TUYỆT ĐỐI là toàn bộ tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ, là cái đích mà nhà sử học muốn hướng đến. Nó là cái đích không tưởng, vì sẽ không bao giờ có thể tri nhận nó một cách tuyệt đối- toàn diện, mà chỉ có thể tiệm cận đến nó một phần nào đó. Tuyệt vọng trước cái bất khả toàn tri ấy, dân gian đã phải sáng tác ra các huyền thoại để lấp đầy những nhu cầu về sự hiểu biết. Tham vọng trước cái bất khả toàn tri ấy, nhà sử học buộc phải tiến hành các thao tác tư duy trên những mảnh vụn chắp vá của sử liệu. Nhưng trớ trêu thay, có những lịch sử đã trở thành huyền thoại, và cũng có những huyền thoại chưa bao giờ là lịch sử!


Box: Tranh trên ghi lại một huyền thoại giải thích về sự mồ côi cha của Đinh Bộ Lĩnh. Rằng, Đinh Bộ Lĩnh là con trai của rái cá. Điều đáng ngại là tranh này nằm trong tập 57 “Thuở thiếu thời hàn vi của Đinh Bộ Lĩnh” (tr.14) thuộc bộ sách “Muôn thuở nước non này” (200 tập, nhà xuất bản Giáo dục, 2008). Ta biết truyền thuyết này vốn được chép trong sách “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề .

Kinh Dương Vương- ông là ai?

Kinh Dương Vương- ông là ai?

Trần Trọng Dương

Đã đăng Tia sáng số 17- 05.9.2013, tr.37-39.

Như trong bài viết trước đây, chúng tôi đã chứng minh rằng Đại Việt sử ký toàn thư- bộ sử quan trọng nhất của Việt Nam đề cập đến những sự kiện từ khởi thủy cho đến thế kỷ XVII- là một tư liệu được biên soạn trên tư duy đa nguyên "văn- sử- triết" của thời Trung Đại. Trong đó, bộ sử này đã sưu tập nhiều huyền thoại dân gian của đời sau để bù đắp cho những khuyết thiếu của sử liệu. Trong bài này, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra những cứ liệu để làm rõ hơn vấn đề tai hại trên. Đối tượng được đề cập đến ở đây chính là Kinh Dương Vương- một nhân vật được coi là thủy tổ của Việt Nam- phải chăng chỉ là một ảo ảnh diễn hóa từ nhân vật Kinh Xuyên trong tiểu thuyết truyền kỳ của Trung Quốc?


Cổng đền thờ Kinh Dương Vương có bốn chữ Hán đắp nổi THỦY TỔ ĐÀI MÔN, ảnh: Thọ Bình, Bá Kiên, theo tienphong.vn
Kinh Dương Vương và tín ngưỡng thờ Kinh Dương Vương
Theo như cách trình bày ở Kỷ Hồng Bàng thị trong Toàn thư, Kinh Dương Vương tên là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông, vị vua khai sáng ra nước Xích Quỷ (quỷ đỏ). Vì thế Kinh Dương Vương này được Ngô Sĩ Liên coi như là là vị thủy tổ đầu tiên của người Việt và nước Việt. Chẳng những thế, Kinh Dương Vương còn lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long để sinh ra Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau lấy Âu Cơ- con gái của Đế Lai, sinh ra trăm con trai, 50 con lên rừng, 50 con xuống bể. Vị con trưởng được nối ngôi cha, phong là Hùng Vương. Sử gia Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV đã bình luận đoạn này như sau: "Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?" . Kể từ sau Ngô Sĩ Liên, phần lớn các bộ lịch sử Việt Nam đều công nhận Kinh Dương vương là thủy tổ của nước Việt. Ví dụ như sách Thiên Nam minh giám (thế kỷ XVII) mở đầu như sau:
"1- Tượng mảng xưa sách trời đã định,
Phân cõi bờ xuống thánh sửa sang,
Nước Nam từ chúa Kinh Dương,
Tày nhường phải đạo mở mang phải thì.
5- Tới Lạc Long nối vì cửu ngũ,
Thói nhưng nhưng no đủ đều vui,
Âu Cơ gặp gỡ kết đôi,
Trổ sinh một bọc trăm trai khác thường.
Xưng Hùng Vương cha truyền con nối,
10- Mười tám đời một mối xa thư,
Cành vàng lá ngọc xởn xơ,
Nước xưng một hiệu năm dư hai nghìn."

Đến thế kỷ XVII, Kinh Dương Vương đã chính thức được văn hóa dân gian đưa vào thờ làm vị thủy tổ trong đền ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh (ngày nay). Năm 1840, đền cho dựng bia đá "Kinh Dương Vương lăng". Năm 1940, đời vua Bảo Đại, đền làm thêm hai đại tự "Nam Tổ miếu" và "Thần truyền thánh kế". Năm 2000, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã về thăm đền và để lại bút tích gợi ý tỉnh Bắc Ninh có đề xuất lên trung ương nâng cấp cơ sở thờ tự của tổ tiên. Năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã đến thăm đền và để lại những lời kỷ niệm sâu sắc về cội nguồn dân tộc . Năm 2012, các tác giả Trần Quốc Thịnh, Đỗ Văn Sơn, Biện Xuân Phẩm đã xuất bản cuốn sách “Nam Bang Thủy Tổ Kinh Dương Vương” - Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Sách tập hợp các tư liệu từ “Đại Việt Sử ký toàn thư”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Thủy Kinh chú”… từ các truyền thuyết, văn bia, thần phả, thần tích cũng như công trình nghiên cứu, tham luận của các học giả, nhà sử học. Ngày 25 tháng 2 năm 2013, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lễ hội kỷ niệm 4892 năm Đức thủy tổ khai sinh mở nước. Đến dự lễ khai hội có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số Bộ, ngành.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương. Ảnh: dangcongsan.vn -

Sau lễ dâng hương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dự lễ khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương. Theo quy hoạch đã được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt, dự án có tổng diện tích gần 40ha, gồm không gian bảo tồn di tích, không gian phát huy giá trị di tích, không gian quản lý và dịch vụ phụ trợ, với nguồn vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng . Như vậy, sau nhiều trăm năm tồn tại, tín ngưỡng thờ Kinh Dương Vương đến nay đã chính thức được sự đồng thuận của nhà nước.
Kinh Dương Vương- từ nhân vật của truyện truyền kỳ Trung Hoa
Tuy nhiên, như ngay ở đầu bài viết, chúng tôi có ý nghi vấn rằng, Kinh Dương Vương chưa chắc đã là một nhân vật lịch sử có thật, mà có thể đó chỉ là một sự nhầm lẫn của Ngô Sĩ Liên khi ông đã sưu tầm một câu chuyện văn học để mở đầu cho một công trình sử học của nước nhà. Chứng cớ nào đề chúng tôi có thể đi đến nghi ngờ như vậy?
Chứng cứ nằm ngay trong Toàn thư, sau khi viết về lai lịch, cuộc đời của Kinh Dương Vương, Ngô Sĩ Liên đã viết: “Xét Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi” . Nhưng chúng ta còn thấy chuyện này được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái (một tác phẩm văn học sưu tầm những chuyện quái dị ở Lĩnh Nam) của Trần Thế Pháp (thế kỷ XIV?) , rồi sau đó lại được sao chép nguyên vẹn vào trong thần tích của Mẫu Thoải tại Tuyên Quang .
Cần nhắc lại ở đây ghi chép về nguồn Đường kỷ của Ngô Sĩ Liên là một gợi ý hữu ích cho những người nghiên cứu sau này. Từ gợi ý đó, một số học giả đã tìm ra cả chục văn bản văn học Trung Quốc có chép câu chuyện này. Lần xa hơn nữa, các học giả đều thống nhất cho rằng, truyện Kinh Dương Vương có sự sao chép từ tiểu thuyết Liễu Nghị truyện (柳毅傳) do Lý Triều Uy sáng tác vào đời Đường . Truyện có thể tóm tắt như sau: Liễu Nghị là một nho sinh thi trượt, trên đường gặp một thiếu phụ chăn dê xinh đẹp nhưng dáng vẻ tiều tụy. Người phụ nữ ấy nói rằng mình là con gái của Long Vương ở hồ Động Đình, vốn lấy con trai thứ của Kinh Xuyên, nhưng bị bạc đãi, bắt đi chăn dê, nên muốn nhờ Liễu Nghị chuyển thư đến cho cha để báo tình cảnh của mình. Liễu Nghị đem thư xuống Long cung. Em trai Long Vương là Tiền Đường giận quá nên giết con trai của Kinh Xuyên, cứu cháu về, rồi định gả cho Liễu Nghị. Nghị từ chối, xin về, được Long vương ban cho nhiều vàng bạc châu báu. Sau Liễu Nghị lấy vợ, lần nào lấy xong vợ cũng chết. Con gái Long Vương thấy vậy bèn nhớ lại duyên cũ, muốn báo đáp bèn hóa làm người con gái xinh đẹp mà lấy Liễu Nghị làm chồng. Sau hai vợ chồng đều thành tiên .
“Liễu Nghị truyện” được coi là một truyện truyền kỳ sớm nhất của Trung Quốc. Từ cuối đời Đường, truyện được lưu hành rộng rãi trong dân gian. Đến thời Tống trở đi, truyện Liễu Nghị được Thượng Trọng Hiền chuyển thể sang kịch bản tạp kịch với tên “Động Đình hồ Liễu Nghị truyền thư” . Liễu Nghị đã trở thành một tích truyện rất được ưa thích trong văn hóa diễn xướng của người Trung Quốc. Hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng đã ra đời, như nhà Tống có Liễu Nghị đại thánh nhạc, nhà Kim có Liễu Nghị truyền thư của Gia Cùng Điệu, triều Nguyên có Liễu Nghị Động Đình long nữ (Nam hí), thời Minh Thanh có Quất bồ ký của Hứa Tự Xương, Long tiêu ký của Hoàng Thuyết, Long cao ký của Dương Ban, Thẩn trung lâu của Lý Ngư, Thừa long giai thoại của Hà Phủ .
Cho đến nay, Liễu Nghị truyền thư (còn có tên Thủy tinh cung, Liễu Nghị kỳ duyên) vẫn được người Trung Quốc coi như là một kịch mục kinh điển của hý kịch Trung Hoa. Từ năm 1952, vở kịch này đã nhiều lần được dàn dựng bởi các đạo diễn khác nhau, số lần trình diễn có lẽ là khá nhiều, hiện chưa thể thống kê hết được . Không những thế, tích truyện này đang có xu hướng được áp dụng sang các hoạt động văn hóa khác hiện nay ở Trung Quốc. Ví dụ, người ta lấy đề tài này làm tranh khắc ván, thư họa truyền thống (thủy mặc).

Ngày 17 tháng 7 năm 2004, Bưu cục Quốc gia Trung Quốc đã phát hành seri tem “Dân gian truyền thuyết- Liễu Nghị truyền thư”, gồm 4 con tem với 4 hoạt cảnh: “Long nữ gửi thư”, “Thư gửi Động Đình”, “Cốt nhục đoàn tụ”, và “Nghĩa trọng tình thâm” .
Và những nhận định của sử gia đời sau
Đến đây có thể nhận định về nguồn gốc của các mô típ, các nhân vật, cũng như địa danh trong truyện Kinh Dương Vương được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Ngô Sĩ Liên đã tình cờ đem một số chi tiết của truyện Liễu Nghị để ghép với các huyền thoại khác như Lạc Long Quân- Âu Cơ, và coi đó như là nguồn gốc khởi đầu cho sự xuất hiện của Hùng Vương- cái triều đại mà người Việt ngày nay coi như là lịch sử đích thực của mình. Nhưng, với một tác phẩm có ảnh hưởng lớn như vậy, các nhà Nho Việt Nam trong nhiều thế kỷ hẳn cũng phải biết đến. Bằng chứng là nhà thơ nổi tiếng Thái Thuận (Tiến sĩ 1475) cũng đã sáng tác bài thơ Liễu Nghị truyền thư. Nhưng đó là chuyện của văn học.
Còn với tư cách là những người viết sử, không ít sử gia thời Trung Đại đã phản đối cách lắp ghép của Ngô Sĩ Liên. Đầu tiên, phải kể đến những nhận định của Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử kí tiền biên. Ông viết: “Nay xét phần Ngoại kỉ chép: Năm Nhâm Tuất thì bắt đầu Giáp Tí là năm nào? Ghi chép tên húy Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân sao riêng lược bỏ Hùng Vương? Thời Ngũ Đế trở về trước thì chưa từng gọi là vương. Xích Quỷ là tên nào, mà lại để làm tên nước. Một loạt hoang đường càn rỡ đều là đáng bỏ đi. Cái lỗi ấy là tại kẻ hiếu sự thấy trong Liễu Nghị truyền thư. Trong truyện nói con gái vua Động Đình gả cho con thứ của Kinh Xuyên Vương, tưởng càn Kinh Xuyên là Kinh Dương. Đã có vợ chồng thì có cha con, vua tôi, nhân đó mà thêu dệt thành văn, cốt cho đủ số đời vua, nhà làm sử theo đó mà chọn dùng, và cho đó là sự thực. Phàm những chuyện lấy từ Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, cũng như Bắc sử lấy ở Kinh Nam Hoa và thiên Hồng Liệt đấy.”
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1856 - 1883) viết: “Vâng tra sử cũ, danh xưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân trong ‘Kỉ họ Hồng Bàng, vốn từ thời Thượng cổ, thuộc thuở hồng hoang, tác giả căn cứ vào cái không và làm ra có, sợ rằng không đủ độ tin cậy, lại phụ hội với Liễu Nghị truyện của nhà viết tiểu thuyết đời Đường, lấy đó làm chứng cứ” . Chuẩn tâu những lời của sử quan, vua Tự Đức đã nhận định đây là những “câu truyện đề cập đến ma trâu, thần rắn, hoang đường không có chuẩn tắc” và kiên quyết loại Kinh Dương và Lạc Long ra khỏi chính sử bằng cách đưa xuống phụ chú dưới niên kỷ Hùng Vương, để “cho hợp với cái nghĩa lấy nghi truyền nghi” .
Qua những trình bày ở trên, độc giả đã phần nào mường tượng ra con đường thu nhận biến đổi tích truyện từ truyện Liễu Nghị đến truyện Kinh Dương. Đây sẽ là những tư liệu thú vị để nghiên cứu về tiếp xúc văn học văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa. Đồng thời cũng là “mẫu sử liệu” thú vị cho giới nghiên cứu khám nghiệm và giám định. Đến đây, chúng tôi xin mượn lời của giáo sư Liam Christopher Kelley (Đại học Hawaii) để kết thúc bài viết này: trải qua nhiều thế kỷ, những truyền thống mà họ [các sử gia] sáng tạo đã trở thành cái tự nhiên thứ hai (second nature). Thực tế, trong nửa thế kỷ qua, dưới sự ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, những truyền thống được sáng tạo ấy (invented traditions) đã và đang trở thành những sử thực không thể thay đổi .

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Sách mới: Kiến trúc một cột thời Lý

KIẾN TRÚC MỘT CỘT THỜI LÝ
(suối nguồn 9, Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang. Nxb Hồng Đức. Tp Hồ Chí Minh. 2013. 305 trang, 96 hình minh họa)

Lời của BBT
Lời mở
Chương 1: Chùa Một Cột hay Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu
1. Tình hình nghiên cứu về kiến trúc, biểu tượng
2. Lịch sử và bản chất khái niệm “chùa Một Cột”
3. Giải mã kiến trúc một cột
4. Nguồn gốc và ý nghĩa biểu tượng của “Liên Hoa Đài”
Chương 2: Phục dựng Liên Hoa Đài trong mandala chùa Diên Hựu
1. Đề xuất thứ nhất: đài sen nghìn cánh là cấu trúc chịu lực
2. Đề xuất thứ hai: Thích Ca Liên Hoa Đài chỉ là một phần của mandala chùa Diên Hựu
3. Đề xuất thứ ba: một cầu, hai cầu hay là tám cầu?
4. Đề xuất thứ tư: tám tháp hay hai tháp?
5. Đề xuất thứ năm: Tứ thiên vương trong cấu trúc mandala
Chương 3: Mandala chùa Diên Hựu trong văn hóa Phật giáo
1. Giới thuyết về mandala và đồ hình mandala trong văn hóa Phật giáo
2. Đồ hình mandala trong lịch sử kiến trúc Việt Nam
Chương 4: Liên Hoa Đài - núi vũ trụ Tu Di trong văn hóa Phật giáo
1. Giới thuyết về núi Meru- Tu Di
2. Núi Meru- Tu Di trong văn hóa Đông Á
3. Núi Meru -Tu Di trong văn hóa Việt Nam
Chương 5: Phục dựng chùa Diên Hựu thời Lý từ hiện vật khảo cổ
1. Bản vẽ phục dựng Liên Hoa Đài trong tổng thể chùa Diên Hựu
2. Những đề xuất phục dựng từ hiện vật khảo cổ
2.1 Cột đá chùa Dạm- hay mô hình nguyên bản của Liên Hoa Đài thời Lý
2.2. Các cầu vồng bắc qua Linh Chiêu và Bích Trì
2.3. Phục dựng các tháp lưu ly
2.4. Phục dựng bạch tháp
2.5. Phục dựng tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trong Liên Hoa Đài
2.6. Phục dựng tượng Tứ thiên vương
Phụ chương: Biểu tượng xi vẫn ở chùa Diên Hựu
Phụ lục 1: Một số tư liệu về kiến trúc một cột tại Trung Hoa
Phụ lục 2: Liên Hoa Đài xưa (ảnh)
Phụ lục 3: Hoa tạng thế giới (đồ họa cổ qua kinh sách)
Phụ lục 4: Chùa Một Cột ban đầu (Ngô Văn Doanh)
Phụ lục 5: Tiếp tục quan sát cột đá chùa Dạm (Nguyễn Hùng Vĩ)
Phụ lục 6: Chùa Một Cột (Nguyễn Bá Lăng)
Phụ lục 7: Một số góp ý, trao đổi
Phụ lục 8: Giới thiệu, dịch chú văn bia Sùng Thiện Diên Linh
Tài liệu tham khảo
Bảng tra


Bình đồ phục dựng.

Chú thích:
(1). Liên Hoa Đài (Tu Di sơn)
(2). Ao Linh Chiêu (ao trong)
(3). Các cầu vồng bắc qua ao Linh Chiêu
(4). Các sân diễn xướng múa Tứ thiên vương
(5). Hành lang (hồi lang, họa lang)
(6). Các cầu vồng bắc qua ao Bích Trì
(7). Ao Bích Trì (ao ngoài)
(8). Tám tháp lưu ly
(9). Nam phương
(10). Đông phương
(11). Bắc phương
(12). Tây phương
(13). Hành lang, giải vũ, trai phòng
(14). Bạch tháp
(15). Lầu chuông Quy Điền


LỜI MỞ




Khi xây dựng một công trình kiến trúc tôn giáo là người xưa cho xây dựng cả một thế giới tâm linh. Vì thế, kiến tạo một ngôi chùa đồng thời là xây dựng một Phật giới. Chùa Một Cột không phải là chùa, mà rốt cục vẫn được gọi là chùa. Dù gọi nó là chùa, là tháp (stupa) hay là đài thì tôi đều hiểu rằng, đó chỉ là một, là như như nhất nhất ở nội hàm bên trong. Đó là điều chúng tôi nhận thức được trong quá trình thực hiện cuốn sách này. Giống như núi lại là núi sau quá trình nhận thức - giải nhận thức và dỡ bỏ nhận thức.
Từ nhỏ, tôi đã nghe không biết đến bao nhiêu lần cái tên “chùa Một Cột”, cũng không biết bao nhiêu lần tôi gọi cái danh xưng ấy, và cũng đã nhiều lần viếng thăm chùa với tấm lòng hồ hởi, ngây thơ của con trẻ về một biểu tượng của văn hóa Việt. Có lẽ ở Việt Nam, không có một di tích nào, không một ngôi chùa nào được sách vở, tranh ảnh, các phương tiện thông tin truyền thông đề cập đến nhiều đến thế. Một công trình được dựng trên một chiếc cột, đó hẳn là một độc sáng về ý tưởng, là một thăng hoa trong nghệ thuật kiến trúc của cha ông. Hình ảnh ngôi chùa ấy xuất hiện trên khắp các trang báo, trong các sách hướng dẫn du lịch, trong các công trình nghiên cứu, rồi được họa sĩ cũng như bao lớp đồng ấu vẽ lại. Dù là nét vẽ ngây thơ hay những nét phóng bút chuyên nghiệp, phảng phất trong đó là một niềm tự hào dân tộc. Hẳn nhiên là thế! Rồi kiến trúc ấy được một số tự viện trong nước nhân rộng, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Có khi được dựng bằng mô hình dùng để trang trí, hay đúc đồng làm quà su - vơ - nia để biếu tặng nhau hay bán cho khách du lịch. Chùa Một Cột đã được coi như là biểu tượng của Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội, là biểu tượng của quê hương Việt Nam. Một biểu tượng đã quá rõ ràng vì sự bền vững lấp lánh của nó trong tâm khảm của biết bao thế hệ.
Cơ duyên đưa đẩy tôi đến với cổ học rồi dần dần bắt đầu có ý thức về việc phải nghiên cứu về truyền thống văn hóa nước mình. Xuất phát ban đầu là người nghiên cứu về tiếng Việt lịch sử và văn tự học (chữ Nôm, chữ Hán), tôi thường chỉ biết mày mò trên từng vảy chữ, với những công việc khắc khổ của việc giải độc văn bản, giải mã cấu trúc, thống kê tư liệu. Tôi dần hiểu ra rằng ngôn ngữ là một hệ biểu tượng, và tiếng Việt là hệ biểu tượng của văn hóa Việt. Hứng thú với biểu tượng, tôi dần tự mở rộng mình, từ việc nghiên cứu lịch sử, tư tưởng, văn học cho đến văn hóa.
Với tư cách là một người làm nghiên cứu, tôi luôn đi theo những “đầu mối của sử liệu” giống như một người phá án đang lần theo những “sợi tóc chứng cứ” để từ đó đi đến những khám nghiệm về “tính chất ADN của lịch sử”. Để nghiên cứu về kiến trúc một cột đời Lý, tôi đọc trước tiên bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Đọi (Hà Nam), viết năm 1121 do Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật- người đương thời chấp bút. Đọc sử liệu, với tôi, luôn phải là đọc bằng nguyên bản chữ Hán, bởi chỉ có tư duy nguyên ngữ/ cảm nhận nguyên ngữ mới có thể giúp ta được điều gì đó, còn các bản dịch chỉ là tham khảo. Với cách làm việc như vậy, tôi đã bước đầu đạt được những thức nhận đầu tiên mà cuốn sách này là sự cụ thể hóa những thức nhận ấy.
Chuyên luận Kiến trúc một cột thời Lý được phân làm năm chương như sau.
Chương một- “Chùa Một Cột hay Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu”
chương này thể hiện sự tái nhận thức về kiến trúc này trong quá trình đọc lại những nghiên cứu của những người đi trước. Có thể coi đó như là lược sử vấn đề nghiên cứu. Quý vị có thể đọc được ở đây lịch sử của tên gọi “chùa Một Cột”, cũng như các kiến giải của các nhà nghiên cứu trước nay về kiến trúc này. Đó là một “bông sen nghệ thuật khổng lồ” (Chu Quang Trứ), là một tháp Phật (Nguyễn Duy Hinh, Ngô Văn Doanh, Hà Văn Tấn), hay là một linga thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Việt (Nguyễn Đăng Thục, Trần Lâm Biền, Trần Ngọc Thêm),... Từ các cứ liệu văn bản học, chương này cho rằng, “chùa Một Cột” là tên gọi dân gian dành cho kiến trúc nhất trụ của “Liên Hoa Đài” được hình thành từ thế kỷ XVII. Và thực chất, Liên Hoa Đài chỉ là một đơn nguyên kiến trúc trong tổng thể mặt bằng của chùa Diên Hựu. Từ góc độ biểu tượng tôn giáo, Liên Hoa Đài là một công trình nhằm cụ thể hóa, vật chất hóa biểu tượng hoa sen bằng nghệ thuật kiến trúc.

Chương hai- “Phục dựng Liên Hoa Đài trong mandala chùa Diên Hựu”. Sử liệu đương thời về Liên Hoa Đài được sử dụng ở đây là văn bia Sùng Thiện Diên Linh (1121). Quá trình giải độc văn bản gốc (original text) được tiến hành song song với quá trình hiệu điểm, giải mã và hiệu đính của khoa văn bản học. Từ việc giải độc đó chúng tôi đưa ra một số đề xuất phục dựng như sau.
Thứ nhất, đài sen nghìn cánh là cấu trúc chịu lực (đài sen này hiện đã không còn dấu vết).
Thứ hai, Liên Hoa Đài chỉ là một phần của mandala chùa Diên Hựu vào thời Lý. Mandala này có bình đồ đa tầng, đồng tâm với hai vòng ao và Liên Hoa Đài ở trung tâm của nó.
Thứ ba, chúng tôi cho rằng, chùa Diên Hựu thời Lý không thể nào chỉ có một cầu như hiện nay, mà khả năng có nhiều cầu bắc qua hai ao. Giả thuyết tối thiểu là có hai chiếc cầu bắc ở mặt Nam. Giả thuyết trung bình là có 5 cầu (trong đó 4 cầu bắc ở bốn hướng của ao ngoài) và 1 cầu bắc qua ao trong, đây là giả thuyết nhóm Ngô Văn Doanh đã đưa ra. Một giả thuyết nữa, là có 6 cầu. Cũng như giả thuyết trung bình, nhưng có thêm một cầu nữa bắc ở mặt Bắc vào đến Liên Hoa Đài. Giả thuyết tối đa là có tám cầu, bắc qua Đông, Tây, Nam, Bắc của hai ao Bích Trì, và Linh Chiêu. Giả thuyết này dựa trên nguyên tắc đối xứng của các mandala thời cổ.
Thứ tư, về số lượng tháp. Từ việc phân tích sử liệu đề cập đến các kiểu tháp lưu ly và tháp bạch manh, chúng tôi đề xuất rằng đây là hai loại tháp khác nhau. Tháp bạch manh là loại tháp lớn, có khả năng nằm ngoài khuôn viên của mandala Diên Hựu. Còn các tháp lưu ly được đề cập đến trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh là loại tháp sứ hoặc gốm, nhỏ hơn và nằm trong mandala. Cũng theo nguyên tắc đối xứng của mandala, chúng tôi cho rằng có tám tháp lưu ly được dựng ở bốn sân, ngay ở đầu các cầu của ao ngoài Bích Trì. Cũng xin lưu ý ở đây, bốn sân cũng là một điểm mới trong cách phục dựng này.
Ngoài ra, phần này cũng lưu ý thêm một đóng góp nữa là về hành lang ngăn cách giữa hai ao Bích Trì và Linh Chiêu. Đó có khả năng cao là một hành lang có mái (không như ngày nay), trên cột hoặc vách có vẽ các tích chuyện Phật giáo. Như giải thích của nhóm Ngô Văn Doanh, hành lang này dùng để chạy đàn khi mở pháp hội.
Thứ năm, từ sử liệu trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh, chúng tôi đề xuất rằng sẽ có tôn tượng Tứ Thiên Vương trong cấu trúc mandala chùa Diên Hựu. Giả thuyết này được củng cố bởi các sử liệu có đề cập đến tục thờ Tứ Thiên Vương trong văn hóa Phật Giáo thời Lý, cũng như hình tượng - tôn tượng các vị thần này trong các ngôi chùa Việt ở các đời sau. Trong các dịp Phật đản, hay lễ nghi Phật giáo, sẽ có diễn xướng múa Tứ Thiên Vương tại bốn phía sân. Ngoài ra, còn có một số đề xuất nhỏ khác ở mục này. Nếu như đã có tôn tượng, hẳn tôn tượng đó được đặt trong các công trình kiến trúc có mái. Kiến trúc này có hai chức năng, vừa là đề thờ, vừa là cửa để đi vào. Nên rất có khả năng các kiến trúc ấy có hai tầng. Tầng trên đặt tượng, tầng dưới làm lối đi. Kết nối với bốn đơn nguyên kiến trúc này có khả năng là tường, hoặc là các hành lang, giải vũ trai phòng bao quanh đồ hình mandala.

Chương ba- “Mandala chùa Diên Hựu trong văn hóa Phật giáo”.
Vì mandala là một thuật ngữ của kiến trúc Phật giáo còn khá xa lạ với nhiều độc giả, nên ở phần này chúng tôi tập trung giới thiệu về khái niệm này cũng như những biểu hiện của nó trong văn hóa, đặc biệt là trong nghệ thuật kiến trúc Phật giáo của Việt Nam cũng như các nước Đông Á và Đông Nam Á. Với quan điểm, mỗi một ngôi chùa là một Phật giới, mỗi một Phật giới là một mandala vũ trụ, chương này sẽ chủ yếu đưa ra một cái nhìn tổng quát về sự thể hiện của ý niệm mandala trong nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Đại Việt thời Lý. Đó là tư duy thế giới quan- địa lý học và thế giới quan- kiến trúc học trong lịch sử văn hóa.

Chương bốn - “Liên Hoa Đài - núi vũ trụ Tu Di trong văn hóa Phật giáo”.
Từ việc phục dựng bình đồ mandala của chùa Diên Hựu thời Lý, chúng tôi đã có cơ sở để lý giải về biểu tượng của Liên Hoa Đài một cột thời Lý. Xuất phát từ thế giới quan Phật giáo được đề cập đến trong một số bộ sách như Phật Tổ thống kỷ, Pháp giới an lập đồ, Hoa tạng truyện, …, chúng tôi cho rằng Liên Hoa Đài là một công trình kiến trúc mô phỏng ngọn núi vũ trụ Tu Di. Núi Tu Di là ngọn núi mang hình hoa sen nằm ở trung tâm của mandala thế giới. Ngọn núi ấy là nơi đức Phật Thích Ca trú xứ, là trung tâm của một tiểu vũ trụ, là trung tâm của thế giới. Bao quanh núi Tu Di là tám vòng núi và tám vòng biển. Nhìn trên bình đồ, cả một tiểu vũ trụ (cửu sơn bát hải) là hình ảnh hoa sen nở ra hoa sen, hoa sen nở ra thế giới. So sánh với các kiến trúc mandala mô phỏng Phật giới như Angkor Wat, Borobudur, chùa Tang Da,… chúng ta thấy kiến trúc mandala với Liên Hoa Đài làm trung tâm là một sáng tạo độc đáo của con người Đại Việt xưa. Hình ảnh kiến trúc một cột mô phỏng đóa hoa sen, nằm ở trung tâm của mandala chùa Diên Hựu là một sự Việt hóa tài tình mà táo bạo trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc. Đó là một loại hình kiến trúc mang tính quốc tế, ở tầm quốc tế.

Chương năm- “Phục dựng chùa Diên Hựu thời Lý từ hiện vật khảo cổ”.

Chương này thực hiện được trên cơ sở nghiên cứu của các chương trước, nhằm tính đến các phương án phục dựng về mặt vật chất đối với chùa Diên Hựu thời Lý. Trong đó, các cứ liệu khảo cổ học được coi như là yếu tố then chốt trong quá trình phục dựng sau này. Trước tiên, chương này đưa ra bản vẽ phục dựng Liên Hoa Đài trong tổng thể mandala chùa Diên Hựu. Sau đó các hiện vật khảo cổ, và mỹ thuật cổ được cân nhắc để từ đó hướng đến việc giải mã biểu tượng và phục dựng.

Ngoài năm chương chính, chuyên luận còn có một phụ chương- “Biểu tượng xi vẫn ở chùa Diên Hựu”.

Xuất phát từ hình tượng xi vẫn trong bài thơ “Diên Hựu tự” của đức Trúc Lâm Tam Tổ Huyền Quang, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu về nguồn gốc lịch sử, quá trình truyền nhập của biểu tượng này từ Ấn Độ đến Trung Hoa và Việt Nam. Quá trình đi tìm hình tượng xi vẫn không chỉ dừng lại ở nội hàm của biểu tượng này, mà chúng tôi còn tìm kiếm hình ảnh thực của nó qua các hiện vật khảo cổ. Như một cuộc lội ngược dòng quá khứ, các hiện vật xi vẫn từ Nguyễn, Lê, Trần cho đến Lý đã phần nào cho chúng ta thấy sự chuyển biến về phong cách tạo tác cũng như hơi thở của từng thời đại. Việc phát hiện ra hình tượng xi vẫn thời Lý – mà trước nay vẫn bị gọi là đầu rồng, có thể coi là đóng góp lớn nhất của phụ chương này cho việc phục dựng chùa Diên Hựu trong tương lai.
Bên cạnh các chương trên, chuyên luận còn cung cấp thêm tám phụ lục. Phụ lục một cung cấp một số sử liệu về kiến trúc một cột Trung Hoa. Sở dĩ, chúng tôi không đưa những dữ kiện này vào chính văn bởi lẽ ở Trung Quốc hiện không còn các di tích này, và chúng tôi hiện cũng chưa xác định được đây có phải là kiến trúc Phật giáo hay Đạo giáo? Nhưng đúng như Lê Quý Đôn đã trích dẫn trong cuốn Vân đài loại ngữ nổi tiếng, những sử liệu trên là khá quan trọng, cho ta cái nhìn khu vực về dạng kiến trúc này để từ đó tiếp tục tìm hiểu thêm trong tương lai.
Phụ lục hai cung cấp một số hình ảnh Liên Hoa Đài xưa và nay. Phụ lục ba cung cấp các bức đồ họa cổ trong kinh sách Phật giáo, nội dung của các bức đồ họa này là mô tả núi Tu Di trong mandala thế giới.
Phụ lục bốn là bài khảo cứu của nhóm Ngô Văn Doanh được in trên tạp chí Khảo cổ học vào cuối những năm 1970, nhưng đã có những sửa chữa, bổ sung mới. Đây có thể coi là bài viết có giá trị nhất về kiến trúc một cột tại chùa Diên Hựu trong thế kỷ XX. Tiếc rằng trong mấy chục năm qua, giả thuyết này ít được biết đến. Chính vì thế, chúng tôi đã xin phép tác giả được in lại bài viết này để cung cấp thêm tư liệu cho quý vị độc giả. Nhân đây xin gửi lời cảm ơn đến GS Ngô Văn Doanh.
Phụ lục năm là bài viết “Tiếp tục quan sát cột đá chùa Dạm” của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ. Đây là bài cuối cùng của tác giả trong số năm bài ông viết về kiến trúc một cột đời Lý. Bài này trước nay mới chỉ được công bố trên mạng, nay chúng tôi cũng xin phép in lại ở đây.
Phụ lục sáu chúng tôi tuyển lại bài “Chùa Một Cột” của Nguyễn Nam Kinh tức kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng - người đã dựng lại Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu vào năm 1955 như ta thấy ngày nay. Bài này đã từng công bố ở hải ngoại, nay chúng tôi thấy BBT của báo Hương Sen đã đưa lên mạng, nên cũng mạn phép in lại bởi có nhiều thông tin quý giá. Vì tác giả đã mất và chúng tôi lại chưa có nhân duyên liên lạc được với gia đình ông cũng như BBT tờ Hương Sen, rất mong quý vị nếu đọc được những dòng này xin vui lòng liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ thư điện tử trantrongduonghn@gmail.com để chúng tôi gửi lời tri ân và thăm hỏi.
Phụ lục bảy là hai bài viết của các nhà báo Việt Quỳnh và Nguyên Khôi. Nguyên ủy vào tháng 5 năm 2012, chúng tôi đã có buổi thuyết trình “Kiến giải mới về kiến trúc một cột chùa Diên Hựu” do tạp chí Tia Sáng và Không gian sáng tạo Café Trung Nguyên tổ chức. Trong buổi thuyết trình này có nhiều nhà nghiên cứu như Lê Văn Cương, Nguyễn Hùng Vĩ, Trần Thị Kim Anh, Trần Hậu Yên Thế, Phạm Lê Huy, Nguyễn Phúc Anh, Nguyễn Bá Dũng… đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng. Một số đã được tiếp thu trong lần xuất bản này, còn một số ý kiến khác chúng tôi chưa thực hiện được vì ngoài khả năng, vì thế xin in lại bài tường thuật của Nguyên Khôi ở đây để quý vị có thể suy ngẫm thêm giúp chúng tôi. Bài của nhà báo Việt Quỳnh chủ yếu phỏng vấn các chuyên gia về mỹ thuật cổ và kiến trúc cổ như Phan Cẩm Thượng, Lê Thiết Cương, Lý Trực Dũng. Dù là tán thành hay không, chúng tôi cũng in lại nguyên văn để rộng đường thảo luận. Nhân đây xin chân thành cảm ơn các quý vị đã bớt chút thời gian để bổ khuyết và góp ý cho nghiên cứu này.
Phụ lục tám là phần giới thiệu, dịch chú văn bia Sùng Thiện Diên Linh. Đây là sử liệu gốc quan trọng nhất và là gợi ý khởi nguồn cho chuyên luận này, nên chúng tôi đã hiệu điểm, chú thích và dịch lại.
Mặc dù đã rất cố gắng, song cuốn sách cũng sẽ khó tránh khỏi sai sót, mong quý vị nếu có ý kiến xin liên lạc trực tiếp với chúng tôi.
Lời cuối cùng, chúng tôi xin gửi lời tri ân đến BBT của tập san Suối Nguồn, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ Thuật, Tạp chí Tia Sáng, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Huế), quỹ Nafosted cũng như một số bạn bè và các nhà khoa học đã góp ý để chuyên luận này được hoàn thành.
Chèm- Từ Liêm, rằm tháng giêng năm Quý Tỵ
Trần Trọng Dương

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

GIẢI MÃ NHỮNG CÂU THƠ SÁU CHỮ TRONG QUỐC ÂM THI TẬP TỪ NGẢ ĐƯỜNG NGỮ ÂM HỌC LỊCH SỬ


Bài đăng TC Hán Nôm, số 01/2013
Tải toàn văn word và PDF (có thể trích dẫn): http://www.mediafire.com/?wzv9e15gc8kcea1


TRẦN TRỌNG DƯƠNG



1. Mở đầu
Quãng vài chục thập kỷ trở lại đây, giới nghiên cứu văn học đã bỏ ra nhiều công sức để đi tìm lời giải mã cho hiện tượng câu thơ Nôm sáu chữ của nhiều tác giả nổi tiếng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Có thể kể đến các ý kiến của Dương Quảng Hàm, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Ngọc San, Lê Hoài Nam, Nguyễn Hữu Sơn, Ngô Văn Phú, Phạm Luận, Phạm Thị Phương Thái… Kết luận hiện nay dễ được chấp nhận hơn cả, là giả thuyết coi đây là một thể loại mới - một sáng tạo độc đáo của Việt Nam mà người đi đầu là Nguyễn Trãi. Thể loại mới ấy được định danh là thể “thất ngôn xen lục ngôn” [Nguyễn Phạm Hùng 2006]. Nguồn gốc của thể thơ này chính là thất ngôn Đường luật, một thể thơ đồng thời xuất hiện trong hàng loạt thi tập nổi tiếng và cổ kính như Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Bạch Vân Am thi tập,… Một số nhà nghiên cứu khẳng định như vậy đã ngầm thực hiện một phương trình khá bất tiện, rằng Nguyễn Trãi đã “sáng tạo thể loại thất ngôn xen lục ngôn” bằng cách “cải tạo thất ngôn Đường luật”; ở khía cạnh thi luật học cổ điển thì “các câu lục ngôn thất luật” ấy là sự phát triển từ thể thơ gò bó có nguồn gốc Trung Hoa. Sự “sáng tạo/ cải tạo” ấy được chứng minh bằng cách: các câu lục ngôn/ ngũ ngôn là sự sáng tạo về mặt số lượng âm thanh và nhịp điệu. Và những nhịp điệu lạ lẫm (thực ra là thất luật ấy) lại là những đóng góp lớn của Nguyễn Trãi cho văn hóa Việt Nam.
Bài viết này, dựa trên những gợi ý của GS. Bùi Văn Nguyên (1994) và Cao Tự Thanh (2006), sẽ tiến hành giải mã các câu thơ sáu chữ từ góc độ ngữ âm học lịch sử qua trường hợp Quốc âm thi tập (QATT). Văn bản QATT hiện còn là một văn bản đã được dọn lần cuối vào thế kỷ XIX do nhóm Dương Bá Cung (1795- 1868) thực hiện. Các nhà nghiên cứu trước nay đều thống nhất rằng văn bản chỉ còn lưu giữ được một số ít các chữ Nôm cổ từ đời trước để lại. Chữ Nôm cổ



Nôm cổ ở đây trỏ chữ Nôm dùng hai chữ Hán nén trong một khối vuông (ký hiệu là E2) để ghi ngữ âm tiếng Việt cổ [Trần Trọng Dương 2008a]. Qua khảo sát của Nhẫn Gaston (1967)(1), Paul Schneider (1987) và Nguyễn Quang Hồng (2008), v.v... văn bản QATT có khoảng trên dưới hai mươi chữ Nôm cổ thuộc loại trên. Trên cơ sở tiếp thu những người đi trước, chúng tôi đã tái lập ngữ âm của trên ba mươi chữ Nôm cổ. Đôi chỗ có sự khác biệt với những người đi trước thì chúng tôi đã tiến hành thảo luận kỹ càng hơn [Trần Trọng Dương 2012]. Đối với một ngữ tố có nhiều cách ghi Nôm khác nhau, thì chúng tôi dựa vào kiến thức của các ngành ngữ âm học lịch sử, văn tự học chữ Nôm (như mô hình ngữ âm của chữ), để tiến hành tái lập ngữ âm và sau đó loại bỏ những chữ Nôm hậu kỳ làm cơ sở cho việc tái lập(2) chữ Nôm trong thời gian tới. Cách làm việc như vậy vừa bám sát văn bản lại vừa loại bỏ những văn tự đã bị sửa đổi hoặc sai lầm do việc truyền bản vào đời sau. Sau khi tiến hành tái lập ngữ âm của các chữ Nôm cổ, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát chức năng và những biến thể âm thanh của chúng trong các dòng thơ sáu chữ của QATT. Từ đó bước đầu đưa ra cách giải thích về hiện tượng này từ góc nhìn của ngữ âm học lịch sử cũng như tâm lý học sáng tạo của người Việt cổ trong hoạt động sáng tác thơ bằng ngôn ngữ bản địa.
Tổ hợp phụ âm đầu là hiện tượng phổ biến của tiếng Việt từ thế kỷ XVII trở về trước. Có thể mô hình hóa tổ hợp phụ âm đầu bằng ký hiệu CC-, ví dụ như: bl-, tl-, ml-,... trong blời (trời), tlôn (trôn), mlời (lời) giống như các tổ hợp phụ âm đầu sl-, cl-, sp- trong các từ sleep, club, speech ở tiếng Anh. Những từ có tổ hợp phụ âm đầu sẽ có cấu trúc ngữ âm là CCVC. Phần này chúng tôi sẽ tái lập ngữ âm tiếng Việt cổ có cấu trúc này thông qua lưu tích của chữ Nôm trong QATT.
Quy ước trình bày như sau: về chữ Nôm, chúng tôi cắt tự dạng từ nguyên bản, sau đó tiến hành phân tích cấu trúc, trong đó ký hiệu văn tự dùng để ghi yếu tố đầu trong tổ hợp phụ âm luôn được đưa lên trước, bất luận nó có vị trí như thế nào trong chữ Nôm đó(3), phân tích như vậy để tiện theo dõi và trình bày, nếu như phần chữ Nôm đó có một số chữ tục thể, giản thể thì chúng tôi đều thống nhất quy về dạng chính thể, phồn thể. Kiểu tái lập giả định, sẽ luôn được đánh dấu asterisk (*) ở đầu. Âm phiên chuyển sang tiếng Việt hiện đại được thể hiện bằng ký hiệu >. Các xuất xứ đều ghi rõ ngữ cảnh theo thứ tự: phiên âm sang tiếng Việt hiện đại, tên bài, số thứ tự trong tập và số thứ tự của câu trong bài đó. Riêng chính tả của vị trí đó chúng tôi tạm để nguyên theo kiểu tái lập. Các dấu thanh (gồm: ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng) lần lượt được ký hiệu là 1, 2, 3, 4, 5. Tuy nhiên, phần lớn các tái lập chúng tôi đã công bố trong bài viết Thủy âm kép tiếng Việt cổ thế kỷ XIV-XV qua các chữ Nôm cổ trong Quốc âm thi tập (2012, Tạp chí Ngôn ngữ), cho nên ở đây chúng tôi chỉ đưa lại một ví dụ để minh họa.
- Chữ (cư 車+ lô 盧); (cư 車+ sô芻). Xuất hiện lần lượt trong các ngữ cảnh: ngạn nọ so miền Thái Thạch, làng kia mỉa cảnh Tiêu Tương (Trần tình 42.3), Huống lại bảng xuân sơ chiếm được, so tam hữu chẳng bằng mày (Mai thi 226.4). Ở đây, các tự dạng đang xét đến đều cổ như nhau, có giá trị tương đương nhau, nên giữ nguyên cả hai trường hợp. Nhẫn Gaston tái lập là *kro [1967:150]. Nguyễn Quang Hồng tái lập là *klo và *kso [2008: 239]. Bản giải nghĩa Thiền tông khóa hư ngữ lục của Tuệ Tĩnh vào thế kỷ XIV ghi車卢, ss: chẳng luận so đấng trí cùng đấng ngu <不論上智下愚 (7a4), Trần Trọng Dương tái lập là *kro [2009: 34]. Cả ba cách tái lập trên đều có ưu điểm riêng. Các kiểu tái lập như *kl-, *kr- là bám sát vào tự dạng Nôm. GS. Nguyễn Ngọc San dựa vào các lưu tích của một số thổ ngữ Mường, đã đưa ra giả thuyết rằng *ks- cũng là một dạng tổ hợp phụ âm vốn là lai nguyên của S- hiện nay. Với cứ liệu chữ Nôm ở đây, chúng ta thấy rằng giả thuyết của GS. Nguyễn là có lý. Bài viết chấp nhận tất cả các kiểu tái lập trên, bởi các giá trị tái lập không loại trừ mà bổ sung cho nhau (từ đây về sau xin dùng dấu sổ chéo, để biểu thị tính tương đương giữa các kiểu tái lập này). Các kiểu tái lập: *klɔ1 / *krɔ1 / *ksɔ1 > so (= sánh, lưu tích còn trong so sánh, so bì, so kè, so đo và có thể so le nữa).
Chúng tôi đã tiến hành tái lập ngữ âm cho 29 đơn vị xuất hiện tại 101 vị trí trong thơ Nôm Nguyễn Trãi. Tất cả đều có cấu trúc ngữ âm CCVC, tức có tổ hợp phụ âm đầu CC-. Điều này cho thấy, tiếng Việt cổ thế kỷ XV có cấu trúc ngữ âm khá giống với một số từ trong tiếng Anh(4) hiện nay. Có thể so sánh các tổ hợp phụ âm đầu của hai tiếng này: *blời (trời) với black (bờ- lách), *klui (lùi) với clip (cờ- líp), *klang (sang) với club (cờ- lắp). Tiếp theo, bài viết sẽ tiến hành nghiên cứu sự hoạt động của các đơn vị này trong các câu thơ sáu chữ của QATT để tìm hiểu thêm về hiện tượng các câu thơ sáu chữ trong ngôn ngữ văn học Nôm từ thế kỷ XVII về trước qua trường hợp thơ Nôm Nguyễn Trãi.
2. Cấu trúc ngữ âm CCVC trong dòng thơ sáu chữ của QATT
Đến đây, chúng tôi muốn trình bày lại những vị trí đã tái lập ngữ âm và văn tự. Một quang cảnh kỳ lạ đã xảy ra, khi đặt toàn bộ những tái lập ấy vào dòng thơ sáu chữ. Cụ thể xin xem bảng dưới.
Ký hiệu viết tắt: STT = số thứ tự. AĐ = âm đối ứng trong tiếng Việt hiện đại. KTL = kiểu tái lập. CT = chính tả phỏng theo cách ghi của A. Des Rhodes. TS = tần số xuất hiện trong QATT. A = Tần số xuất hiện trong câu sáu chữ, X = ký hiệu trỏ toàn bộ tần số của ngữ tố nhất loạt chỉ xuất hiện ở câu thơ sáu chữ; B = Tần số xuất hiện trong câu thơ bảy chữ; C = tần số chỉ xuất hiện trong câu thơ bảy chữ.

STT AĐ KTL(5) CT Nôm TS A B C
1. So *ksɔ1 *kso 2 X 0 0
2. Sang *ksaŋ1 *ksang 6 X 0 0
3. Sang *ksaŋ1 *ksang 2 X 0 0
4. Sệt *kset6 *ksệt 1 X 0 0
5. Soi *ksɔi1 *ksoi 1 X 0 0
6. Sống *ksoŋ5 *ksống 3 X 0 0
7. Sao *c’sao1 *chsao 4 3 1 0
8. Treo *klεo1 *kleo 2 X 0 0
9. Trông *kroŋ1 *krông 4 3 1 0
10. Trống *kroŋ5 *krống 1 X 0 0
11. Vui *tbui *tvui 6 5 1 0
12. Trái *blai5 *blái 3 X 0 0
13. Rốt *krot5 *krốt 栗巨 3 X 0 0
14. Lầm *klam2 *klầm 2 1 1 0
15. Lời *mlei2 *mlời 3 1 2 0
16. Lớn *klən5 *klớn 1 X 0 0
17. Lui *klui1 *klui 7 5 2 0
18. Mỉa *kmia3 *kmỉa 1 X 0 0
19. Muống *kmuəŋ5 *kmuống 2 1 1 0
20. Mùng *kmuŋ2 *kmùng 2 1 1 0
21. Trăng *blăŋ1 *blăng 10 X 0 0
22. Trời *bləi2 *blời 19 18 1 0
23. Trước *klək5 *klước 2 X 0 0
24. Giơ *?jə1 *agiơ 1 X 0 0
25. Giàu *kjau2 *kgiàu 7 6 1 0
26. Lặt *klăt6 *klặt 栗巨 1 X 0 0
27. Sầm/ thầm *ksâm2 *ksầm 2 X 0 0
28. Ngủ *kŋu3 *kngủ 3 1 2 0
29. Vua *tbua *tvua 2 X 0 0
Tổng 101 89 14 0


Bảng trên cho thấy: trong số 29 ngữ tố xuất hiện với tần số 101 lần trong văn bản QATT, có 89 vị trí xuất hiện trong câu thơ sáu chữ (cột A), chỉ có 14 vị trí đồng thời xuất hiện trong câu thơ bảy chữ (cột B), không có vị trí nào chỉ xuất hiện trong câu thơ bảy chữ (cột C). Trong đó có 19 ngữ tố chỉ xuất hiện trong những câu thơ sáu chữ, 14 ngữ tố xuất hiện ở cả hai câu bảy và câu sáu, không có ngữ tố nào chỉ xuất hiện trong các câu bảy chữ. Các vị trí đồng thời xuất hiện trong câu thơ sáu chữ và bảy chữ có tần số là 10. Và có 1 vị trí xuất hiện trong một câu thơ sáu chữ nhưng có đến hai khả năng tái lập.
Những số liệu trên khiến chúng tôi nghi ngờ rằng, những câu thơ sáu chữ trong QATT có lẽ thuộc về một đặc thù của thi pháp cổ điển trong văn học chữ Nôm. Từ góc độ tâm lý học sáng tạo, chúng tôi cho rằng rất có thể Nguyễn Trãi đã tiến hành điều phối âm thanh (những âm CCVC của tiếng Việt cổ thế kỷ XV) trong một dòng thơ bảy âm tiết của thể thất ngôn Đường luật (sản phẩm hoàn hảo của tiếng Hán - một ngôn ngữ đã đơn tiết hóa triệt để với cấu trúc âm tiết CVC). Ông đã điều phối bằng cách âm tiết hóa yếu tố đằng trước của tổ hợp phụ âm đầu CC- [theo cách gọi của H. Maspéro] để các từ có cấu trúc CCVC trở thành cấu trúc CV-CVC. Quá trình này được gọi bằng thuật ngữ “đa tiết hóa” (polysyllabism). Dưới đây, chúng tôi xin thảo luận kỹ hơn về vấn đề này.
3. Đa tiết hóa CCVC dưới cơ chế của thơ thất ngôn Đường luật
3.1. Đa tiết hóa CCVC một phương thức cấu tạo từ trong lịch sử tiếng Việt
Mục này, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu về hiện tượng đa tiết hóa cấu trúc CCVC để nhận thức rõ hơn về quá trình một từ có tổ hợp phụ âm đầu đã trở thành một từ song tiết như thế nào trong lịch sử tiếng Việt. Trước tiên, xin xem bảng thống kê dưới đây.

CVC  CCVC  CVC-CVC
Tròng (cái-)/ lõng
(đón-), thòng (động từ)  *thlɔng  Thòng lọng
Long/ rồng  *thluong  Thuồng luồng
Rồng  *krong  Cà rồng (cửu long)
Rắn, trằn, trăn  *thlan  Thằn lằn
Lũng, ruộng, luống, thung  *thlung  Thung lũng
Tẽn, thẹn, trẽn  *thlen  Thèn lẹn
Trẽn, tẽn, thẹn  *blen  Bẽn lẽn(6)
Sơ, thưa, sưa  *thlə  Thơ rơ / xơ rơ/ lơ thơ(7)
Lem, nhem, nhèm  *mlem  Ma lem(8)
Ranh, rành (hiểu rõ),
Lanh (-lợi), nhanh (-trí)  *mlanh  Ma lanh
Trót, lọt, tọt  *tlot  Trót lọt
Sáng, rạng  *khlang  Sáng láng
Trệt, sệt  *klet  Lệt sệt


Cột CCVC trỏ yếu tố có dạng ngữ âm cổ từ thế kỷ XVII về trước. Cột CVC là những sản phẩm của quá trình đơn tiết hóa bằng cách hòa đúc hay rụng một yếu tố. Cột CVC-CVC là sản phẩm của quá trình “âm tiết hóa yếu tố đầu của CCVC”. Như vậy đơn tiết hóa và đa tiết hóa các từ CCVC là một phương thức tạo từ vựng trong tiếng Việt bằng cách âm tiết hóa.
Phương thức âm tiết hóa gồm: (1) tiến hành dùng toàn bộ khuôn vần của âm tiết chính (vốn đã có trọng âm, trường âm) chắp vào yếu tố đầu của CC-, như thòng lọng, thung lũng, thuồng luồng, thèn lẹn, bẽn lẽn; (2) âm tiết hóa yếu tố đầu của CC, như: thơ rơ, ma lem, ma lanh. (3) Thực hiện cơ chế láy toàn phần sau đó dị hóa ở từng âm tiết(9).
Trong số ba phương thức âm tiết hóa vừa nêu, chúng tôi muốn chú ý đến phương thức thứ hai - phương thức đa tiết hóa bằng cách âm tiết hóa yếu tố đầu của tổ hợp phụ âm CC. Theo Jakhontov [xem thêm Nguyễn Tài Cẩn 1995: 247], hình thái của bồ câu của tiếng Việt hiện đại vốn bắt nguồn từ một hình thái cổ có dạng tổ hợp phụ âm đầu trong ngôn ngữ Proto Đồng Thủy là *pq-. Gohman trong cuốn Ngữ âm lịch sử các ngôn ngữ Thái đồng thuận với giả thuyết này, và cung cấp một số đối ứng của bồ câu trong các thổ ngữ như: pau (4 thổ ngữ), piau (1), peu (1), kau (1), qau (1), kuu (1) [Istoricheskaja Phoneticka Taiskikh Jazykov. Izd Nauka. Moscva 1992: 30]. Từ những ý kiến và tư liệu trên, Vũ Đức Nghiệu cho rằng: “lý do ra đời của một số trong những từ đa tiết như: ba láp, ba trợn, bồ cào, bồ các, bồ cắt, bồ nâu, bồ chao, bồ hôi, bồ đài, bồ hòn, bồ kết, bồ ngót, bù nhìn, bồ nông, bố láo, cà chớn, cà khổ, cà kheo, cà tàng... là hiện tượng âm tiết hóa thành tố đầu trong tổ hợp âm đầu của đơn vị hình thái đơn tiết nguyên gốc” [2005: 9].
Hiện tượng đa tiết hóa cấu trúc CCVC còn để lại khá nhiều lưu tích trong địa danh Việt Nam. Vấn đề sẽ hết sức thú vị với nhiều nhà nghiên cứu khi đứng ở góc độ ngữ âm học lịch sử. Nhiều địa danh đã được chứng minh rằng, các tên chữ Hán vốn là một cách đa tiết hóa của một tên Nôm có cấu trúc CCVC. Ví dụ như: Từ Liêm để ghi âm Việt cổ là *tlèm mà nay đọc là Trèm/ Chèm. Tương tự như vậy: Thanh Liệt/ *tlét/ sét (vì làng này thờ thần Sét- Pháp Điện), Phù Lưu/ *plầu/ Trầu (làng này chuyên trồng trầu cau), Phả Lại/ *phlại/ trại (vì địa danh này là nơi nhà Trần đóng quân cắm chốt), Cửu Long/ *krong/ sông (và chữ Cửu Long lấp láy giữa nghĩa này với nghĩa chữ Hán “chín con rồng” của từ nguyên dân gian), Khả Lễ/ *khlễ/ Sẻ (huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), Khuê Liễu/ *khlếu/ Sếu (tên một làng ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), Khả Lang/ *khlang/ Sang (tên làng ở Quỳnh Phụ, Thái Bình), Cà Lồ/ *klù/ khù - khú (sông có nhiều cá SẤU ở), Câu Lậu/ *klâu/ Trâu (núi con Trâu, Thạch Thất, Hà Nội)... Những ví dụ như vậy hiện chưa có một thống kê đầy đủ và toàn diện.
Mặt khác, hiện tượng đa tiết hóa có thể vẫn thấy trong tiếng Việt hiện nay đối với những từ phiên âm các ngôn ngữ chắp dính có CC- đứng đầu như: style > xì - tai, pro (professional) > pờ - rồ, sport > xì - pót, stress > xì - choét, scandale > xì - căng - đan, slip > xi - líp, x-teen > xì - tin, stop > xì - tóp, club > cờ - lắp, black > bờ - lách, clip > cờ - líp, clé > cờ - lê, Khmer > Khơ - me, Khmú > Khơ - Mú, Khmau > Cà - Mau, ...
Từ những cứ liệu cụ thể như trên, chúng tôi bước đầu có cơ sở thực tế cũng như lý luận để nói rằng các câu thơ sáu chữ trong QATT rất có thể là những tàn tích của hiện tượng đa tiết hóa cấu trúc CCVC. Dưới đây, chúng tôi sẽ đi vào nghiên cứu sâu hơn về hiện tượng này.
3.2. Đa tiết hóa và âm tiết cảm thức
Chúng tôi cho rằng rất có thể Nguyễn Trãi tiến hành điều phối âm thanh bằng cách âm tiết hóa yếu tố đầu của tổ hợp phụ âm CC-. Những yếu tố đã được âm tiết hóa ấy, trên quan điểm của tâm lý học ngôn ngữ, được gọi là các đại lượng âm tiết cảm thức (intuitive)(10). Theo sự giới thiệu của GS. Nguyễn Quang Hồng, các âm tiết cảm thức có thể được phân xuất ra ngay cả trong những trường hợp đặc biệt của ngôn từ thi ca, có những từ được các nhà thơ sử dụng vừa như là từ đơn âm tiết lại vừa như là từ song âm tiết [TTD nhm]; lại có những từ khác được sử dụng khi thì như từ song tiết khi thì như là ba âm tiết. Đối với một số nhà thơ, việc phân xuất ra các âm tiết như vậy không phải hoàn toàn tùy ý, mà là có dụng ý hẳn hoi trong sáng tạo dòng thơ. Dụng ý thi ca đó càng chi phối rõ rệt hơn đối với sự phân định âm tiết khi các nhà thơ viết (và đọc)… Rõ ràng là trong các trường hợp như thế, đối với những từ đã cho, do áp lực của cấu trúc dòng thơ, số lượng âm tiết (và cả các âm tiết cụ thể) có thể được cảm thức khác nhau [TTD nhm] [Nguyễn Quang Hồng 2002: 47].
Với một truyền thống thi học chịu ảnh hưởng sâu đậm của ngôn ngữ - văn hóa Trung Hoa, có lẽ những âm tiết cảm thức trong thơ Nguyễn Trãi chính là những lưu tích của quá trình va đập của tiếng Việt với tiếng Hán(11). Các từ có cấu trúc CCVC trong QATT có lẽ đã được Nguyễn Trãi đọc thành CV-CVC với tư cách như là những từ song tiết thực thụ - có thể coi đó là những từ song tiết lâm thời trong ngữ lưu của câu thơ. Nếu không phải như vậy thì chúng ta sao có thể lý giải được gần chín mươi lần chúng xuất hiện trong câu thơ sáu chữ của Nguyễn Trãi.
Các từ song tiết lâm thời ấy, trong cảm thức của tác giả, đã lấp đầy khoảng trống thanh âm trong những câu thơ thất ngôn Đường luật. Lấp đầy khoảng trống âm thanh thực chất là đang khỏa lấp những điểm vênh/ chênh về ngữ âm của tiếng Việt cổ thế kỷ XV với thể loại thơ thất ngôn Đường luật (thể thơ đỉnh cao của một loại hình ngôn ngữ đã đơn tiết hóa triệt để). Chỉ cần thực hiện một thao tác đơn giản là lắp các vị trí đã được âm tiết hóa kia vào câu thơ, chúng ta sẽ phần nào khôi phục được những âm tiết trong cảm thức của Nguyễn Trãi. Đó là những vị trí mà chúng tôi muốn tái lập như ở dưới đây.
Văn bản Dương Bá Cung ghi (theo âm tái lập(12) trước đây của chúng tôi [Trần Trọng Dương 2012]):
Quân thân chưa báo lòng cánh cánh,
Tình phụ cơm *blời (trời) áo cha
(Ngôn chí 8.8)
Có thể tái lập thành:
Quân thân chưa báo lòng cánh cánh,
Tình phụ cơm *bơ - lời áo cha
(Ngôn chí 8.8)
Một ví dụ nữa:
Ngạn nọ *kso miền Thái Thạch
Làng kia *kmỉa cảnh Tiêu Tương
(Trần tình 42.4)
Có thể tái lập thành:
Ngạn nọ *cơ - so miền Thái Thạch
Làng kia *cơ - mỉa cảnh Tiêu Tương
(Trần tình 42.4)
Một ví dụ nữa:
*Klặt hoa tàn xem ngọc rụng,
*Ksoi nguyệt xấu kẻo đèn khêu
(Tự thán 105.5).
Có thể tái lập thành:
*Cơ - lặt hoa tàn xem ngọc rụng,
*Cơ - soi nguyệt xấu kẻo đèn khêu
(Tự thán 105.5).
Các tái lập trên cho thấy thủ pháp điều phối âm thanh mà Nguyễn Trãi đã thực hiện: đó là việc sử dụng các từ đa tiết hóa để đối với một từ đa tiết hóa trong những liên bắt buộc phải có đối ngẫu. Khi sắp âm vào dòng thơ, yếu tố đầu C- của các CC- đã được đọc rõ lên và hoạt động như là một âm tiết thực thụ trong dòng thơ thất ngôn. Đây có thể coi là một quy luật xảy ra thường xuyên trong QATT, các cặp như vậy theo sự khảo sát của chúng tôi lên đến gần một trăm năm mươi trường hợp [Trần Trọng Dương 2011]. Một đặc điểm nữa có thể rút ra là các “âm tiết được tỏ hóa” ít khi rơi vào vị trí 2, 5, 7 trong câu thơ, bởi một lẽ đơn giản: chúng đều mang thanh bằng(13).
4. Thảo luận về việc tái lập
Có ba vấn đề cần được cân nhắc ở đây:
- Tái lập âm đọc trong 1 vị trí của một ngữ lưu có đến hai khả năng tái lập.
- Tái lập âm đọc trong 89 vị trí xuất hiện ở ngữ lưu của câu thơ sáu chữ.
- Tái lập âm đọc cho vị trí xuất hiện ở câu thơ sáu chữ chỉ có một khả năng tái lập.
(1) Thảo luận về việc tái lập các từ song tiết trong một câu thơ có hai khả năng tái lập. Xuất xứ:
*ksang cùng khó bởi chưng *blời,
Lặn mọc làm chi cho nhọc hơi
(Ngôn chí 10.1)
Hai vị trí cùng có thể được đa tiết hóa là: *ksang > *cơ - sang và *blời > *bờ - lời. Trong một câu thơ bảy chữ, ta đều có thể hoặc tái lặp trường hợp này hoặc tái lập trường hợp kia. Tức là Nguyễn Trãi đã sử dụng một trường hợp là cận song tiết và một trường hợp là dạng đơn tiết. Ở đây tái lập ở vị trí nào cũng được, bởi cả hai cách đều không phạm bằng trắc:
*Cơ - sang cùng khó bởi chưng *blời,
Lặn mọc làm chi cho nhọc hơi
(Ngôn chí 10.1)
hoặc:
*ksang cùng khó bởi chưng *bờ - lời,
Lặn mọc làm chi cho nhọc hơi
(Ngôn chí 10.1)
Điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện cả hai cách tái lập, ấy là các vị trí “khó, bởi” ở giữa dòng thơ đều là thanh trắc(14).
(2) Thảo luận về âm đọc trong 10 vị trí ở ngữ lưu của câu thơ bảy chữ
Đối với những trường hợp này, chúng tôi cho rằng khi phiên âm, vẫn để nguyên dạng đơn tiết CCVC. Khi câu thơ đã đủ bảy âm tiết, Nguyễn Trãi sẽ chọn một từ có vỏ âm thanh đơn tiết. Bởi ta biết, các “song thức, tam thức” và tính lưỡng khả, tam khả về mặt ngữ âm (CvCVC / CCVC và CVC) của một ngữ tố (vd: *bờ -lời, *blời, lời, và sau này còn có trời, giời, xời) đã khiến kho ngữ âm của tiếng Việt thế kỷ XV phong phú về mặt thanh âm. Nói cách khác, tiếng Việt cổ thế kỷ XV là một thứ ngôn ngữ đang trong quá trình đơn tiết hóa, cho nên các biến thể ngữ âm (dạng cận song tiết CvCVC, dạng đơn tiết CCVC và dạng đơn tiết CVC(15) và dạng Cv - CVC) của một ngữ tố cùng một lúc tồn tại trong quá trình hành ngôn sống động(16) (TTD nhm). Việc sáng tác thơ Nôm của Nguyễn Trãi là một quá trình của việc “điều phối” những thanh âm nằm trong hệ lựa chọn của ông.
(3) Tái lập âm đọc cho vị trí xuất hiện ở câu thơ sáu chữ chỉ có một khả năng tái lập. Có thể thấy rõ qua ví dụ cụ thể như sau.
Tai thường phỏng dạng câu ai đọc:
“*Cơ - rốt nhân sinh bảy tám mươi”
(Tự thán 76.8)
Số lượng các vị trí này là khá nhiều, không nêu chi tiết được, nên chúng tôi
thể hiện qua bảng dưới.
Các quy ước chính tả khi phiên chuyển:
Các từ cận song tiết (được đọc như là một từ song tiết trong câu thơ QATT) khi phiên chuyển sẽ dùng kiểu phiên âm là A-B. Trong đó dấu ngang (-) luôn nằm ở giữa.
- Các âm tiết chính sẽ ghi ở dạng chính tả gần nhất so với đối ứng trong tiếng Việt hiện đại. Ví dụ: không phiên “cơ - lo” hay “cơ - ro” mà là “cơ - so”. “Cơ - so” đối ứng với “so”, đây là cách phiên tiện theo dõi và dễ tiếp nhận hơn cả(17).
- Các âm “tỏ hóa”, dĩ nhiên, luôn mang thanh bằng (ngang, hoặc huyền).

STT KTL Đa tiết hóa HĐ TS A
1. *ksɔ1 *Cơ - so So 2 X
2. *ksaŋ1 *Cơ - sang Sang 6 X
3. *ksaŋ1 *Cơ - sang Sang 2 X
4. *kset6 *Cơ - sệt Sệt 1 X
5. *ksɔi1 *Cơ - soi Soi 3 1
6. *ksoŋ5 *Cơ - sống Sống 3 X
7. *c’sao1 *Chơ -sao Sao 4 3
8. *klɛo1 *Cơ - leo Treo 2 X
9. *kroŋ1 *Cơ - rông Trông 4 3
10. *kroŋ5 *Cơ - rống Trống 1 X
11. *tbui *Tơ - bui Vui 6 5
12. *blai5 *Bờ - lái Trái 3 X
13. *krot5 *Cơ - rốt Rốt 3 X
14. *klam2 *Cơ - lầm Lầm 2 1
15. *mlei2 *Mờ - lời Lời 3 1
16. *klən5 *Cơ - lớn Lớn 1 X
17. *klui1 *Cơ - lui Lui 7 5
18. *kmia3 *Cơ - mỉa Mỉa 1 X
19. *kmuəŋ5 *Cơ - muống Muống 2 1
20. *kmuŋ2 *Cơ - mùng Mùng 2 1
21. *blăŋ1 *Ba - lăng Trăng 10 X
22. *bləi2 *Bờ - lời Trời 19 18
23. *klɯək5 *Cơ - lước Trước 2 X
24. *?jə1 *A - giơ Giơ 1 X
25. *kjau2 *Cơ - giàu Giàu 7 6
26. *klăt6 *Cơ - lặt Lặt 1 X
27. *ksâm2 *Cơ - sầm Sầm/ thầm 2 X
28. *kŋu3 *Cơ - ngủ Ngủ 3 1
29. *tbua *Tơ - bua Vua 2 X
Tổng 103 89


Sau khi tiến hành tái lập, chúng tôi thấy, trong số 89 trường hợp câu thơ có sáu chữ, có đến 83 câu đúng luật, chỉ có 6 câu bị thất luật. Chúng tôi cho rằng, 83 trường hợp đúng luật là kết quả có thể chấp nhận được. Còn sáu vị trí thất luật tạm để tồn nghi chờ nghiên cứu tiếp, chúng sẽ thuộc về trường hợp câu sáu chữ có đến hai vị trí tái lập.
Tóm lại, như trên đã trình bày, chúng tôi đã tiến hành tái lập ngữ âm của 29 ngữ tố xuất hiện với tần số 103 lần trong QATT. Trên cơ sở 29 chữ Nôm cổ dạng E2 (48 lượt) ghi các từ có tổ hợp phụ âm đầu CC- trong cấu trúc ngữ âm CCVC của tiếng Việt thế kỷ XV. Mười tổ hợp phụ âm đã được tái lập qua các chữ Nôm E2 gồm có: *ks-, *kl-, *tb-, *c’r-, *ml-, *km-, *bl-, *?-, *kj-, *kŋ-. Bài viết mở đầu cho một số công việc mà chúng tôi dự định làm trong tương lai: (1) Giải mã hơn 400 câu thơ sáu chữ trong QATT để từ đó đi đến trả lời câu hỏi liệu có hay không thể thơ thất ngôn xen lục ngôn trong lịch sử văn học Việt Nam. (2) Nghiên cứu hệ thống ngữ âm tiếng Việt thế kỷ XV. (3) Nghiên cứu chữ Nôm thế kỷ XV... Cách làm của chúng tôi đang đối diện một trong những vấn đề tế nhị nhất của văn bản học, văn tự học cũng như văn học Việt Nam cổ - trung đại. Có thể trong một số trường hợp sẽ không tránh khỏi sai lầm, điều đó thật khó được thông cảm và chấp nhận.
T.T.D

* Bài viết thuộc chương trình nghiên cứu do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc Gia (Nafosted) tài trợ. Xin chân thành cảm ơn!

Chú thích:
(1) Nhân đây, xin gửi lời tri ân đến anh Lê Sơn Thanh đã chia sẻ cho chúng tôi tài liệu quý hiếm này.
(2) Tái lập vốn là thuật ngữ của ngành ngữ âm học, trỏ việc thiết lập lại cách đọc/ ngữ âm của một ngôn ngữ trong quá khứ một cách giả định. Bài viết muốn áp dụng thuật ngữ này cho cả ngành văn tự học và văn bản học. Khái niệm tái lập ở khía cạnh văn tự học chữ Nôm là trỏ việc khôi phục lại các chữ Nôm cổ (đã bị dọn, sửa trong một văn bản cụ thể) trên cơ sở lưu tích của ngữ âm và văn tự Nôm hậu kỳ. Khái niệm tái lập ở khía cạnh văn bản học (của các văn bản chữ Nôm) là trỏ việc dựng lại một cách có hệ thống các yếu tố cổ của văn bản đó, trong đó sẽ có các thao tác đính ngoa, hiệu khám, phê phán văn bản học, phê phán văn tự học,… Và điểm cuối cùng chúng tôi muốn chua thêm ở đây là tái lập luôn hàm ý trong đó sự giả định mà thôi. Nó trỏ một phương thức tiến hành hơn là chân lý tuyệt đối.
(3) Sở dĩ nói là “bất luận” bởi lẽ các yếu tố, các ký hiệu chữ Hán dùng để ghi tiền âm tiết, hay yếu tố đầu của tổ hợp phụ âm theo lẽ thường sẽ (theo tuyến tính trên dưới của một văn bản cổ Hán Nôm) yếu tố chữ Hán dùng để ghi âm tiết chính. Nhưng trong chữ Nôm không phải lúc nào cũng vậy, các ký tự ghi tiền âm tiết hay yếu tố đầu của tổ hợp phụ âm có thể đứng bên phải hoặc bên trái của yếu tố chính. Sở dĩ có những cách viết khác nhau như vậy là do người viết đã bố trí kết cấu, gian giá của các ký tự đó trong một khối vuông. Những sắp xếp ấy thuần để phục vụ cho hình thể, thuộc về lĩnh vực thư pháp cổ điển.
(4) Sự so sánh này hoàn toàn chỉ mang tính thao tác trình bày, để cho quý vị tiện theo dõi, chứ thực tế, hai ngôn ngữ này không có quan hệ họ hàng với nhau. Mọi sự giống nhau về cấu trúc ngữ âm ở đây là ngẫu nhiên từ góc nhìn lịch đại. Nhưng dẫu sao, tổ hợp phụ âm đầu là một phổ niệm ngôn ngữ.
(5) Kiểu tái lập sẽ sử dụng cách ký hiệu có /ə /.
(6) Có thể thấy *thlen4 và là *blen4 những biến thể ngữ âm của cùng một căn tố từ nguyên.
(7) Cụ thể xin xem Trần Trọng Dương 2008b.
(8) Một số từ điển tiếng Việt hiện nay hiểu theo từ nguyên dân gian, coi ma lem với nghĩa là “con ma lem luốc”.
(8) Hiện tượng láy toàn phần từ một động từ gốc có thể thấy xuất hiện trong QATT như: sát sát (sát sát kề song giấc hòe, sau cho biến âm san sát), tấp tấp (giường tấp tấp một nồi hương), phơi phơi (năm thức phơi phơi đuôi phượng mở, tám lòng ỉm ỉm chữ nhàn phong), [Trần Trọng Dương 2011].
Hoặc có thể đây cũng chỉ là một kiểu kết hợp ngẫu nhiên của những từ có cùng một gốc nhưng lại có những biến thể ngữ âm khác nhau, kiểu kết hợp này có được sau khi đã toàn tất quá trình đơn tiết hóa.
(9) “Âm tiết cảm thức là đơn vị nhỏ nhất mà theo chủ quan của những người bản ngữ của một thứ tiếng nào đó phân xuất ra với tư cách là âm tiết.” [theo E.B. Trofimova 1979: 92-98, chuyển dẫn theo Nguyễn Quang Hồng 2002: 44]. Nói một cách đơn giản, âm tiết cảm thức là sản phẩm của quá trình phân chia âm tiết theo cảm thức.
Nếu so sánh những cách ghi trong An Nam dịch ngữ hay An Nam quốc dịch ngữ (hai tác phẩm của người nước ngoài) với những chữ Nôm trong Phật thuyết, ta thấy rằng không phải lúc nào cũng có thể phân biệt rạch ròi giữa âm tiết cảm thức phi bản ngữ và âm tiết cảm thức bản ngữ. Nhiều khi tính chủ quan trong sự cảm nhận các âm tố/ âm tiết còn dựa trên cấu trúc thực tế mà âm đó tồn tại.
(10) Vấn đề này chúng tôi xin được đi sâu hơn trong một bài viết khác.
(11) Lưu ý là các kiểu tái lập đã thực hiện ở phần đầu của bài viết là dùng các ký hiệu của ngành ngữ âm, các tái lập này chỉ để phục vụ các đối tượng nghiên cứu chuyên sâu. Cho nên, khi đối tượng là các độc giả không ở trong ngành ngữ học, chúng tôi tạm phỏng theo phương pháp ký hiệu chính tả quốc ngữ cổ của A. Des Rhodes để tiện theo dõi.
(12) Tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ, hiện tượng này chúng tôi xin được đề cập đến trong dịp khác.
(13) Vấn đề này cần phải tiếp tục khảo sát thêm.
(14) Cũng xin lưu ý là dạng đơn tiết cũng có thể có hai ba biến thể khác nhau như lời- trời chẳng hạn.
(15) Bởi chưa phát hiện ra đặc điểm này, nhiều nhà nghiên cứu trước đây đều băn khoăn rằng: nếu đã tái lập ở trường hợp này thì đủ bảy âm tiết nhưng ở chỗ khác lại thừa thành tám chín âm tiết. Tức là cách tiếp cận và tái lập ấy tưởng là có tính hệ thống và tính nhất quán nhưng lại quên đi tính sống động của ngôn ngữ. Tuy nhiên, hầu hết vẫn không mấy khi nghi ngờ về những cặp song tiết- đơn tiết như đá - la đá, ngựa - bà ngựa, ngàn - la ngàn vốn đã có sẵn trong văn bản rồi.
(16) Vấn đề phiên âm Nôm, chúng tôi xin được thảo luận trong một bài viết khác. Ta khó có thể “hiện đại hóa” cách phiên trong QATT như trước nay vẫn làm, bởi nó gây bất lợi cho việc nghiên cứu, ngôn ngữ, văn tự cũng như ngôn ngữ văn học…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Pierre Pegneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu): Dictionarium Anamitico Latinum 1772 - 1772 (Tự vị An nam La tinh), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb. Trẻ. 1999.
2. Nguyễn Tài Cẩn: Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nxb. Giáo dục, H. 1997.
3. Nguyễn Tài Cẩn: Về chữ Nôm thời Quốc âm thi tập. Trong “Một số chứng tích về ngôn ngữ - văn tự - văn hóa”. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 1989, tb 2001.
4. Huình Tịnh Paulus Của: “大南國音字彙” Đại Nam quấc âm tự vị, SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4.; Nxb. Trẻ. 1998 (theo ấn bản 1895-1896).
5. Trần Trọng Dương: Đi tìm âm đọc cổ cho chữ “lơ thơ”. Tạp chí Hán Nôm. Số 03/2006. tr.44-53.
6. Trần Trọng Dương: Tình hình cấu trúc chữ Nôm qua ‘Khóa hư lục giải nghĩa” và “Khóa hư lục giải âm”. Tạp chí Hán Nôm số 02/2008. tr.43-57.
7. Trần Trọng Dương: Thử tầm nguyên hai chữ “tha la”. Trong “Nghiên cứu chữ Nôm”. Hội bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ, Nxb. KHXH, H. 2008, tr.169-180.
8. Trần Trọng Dương: Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển (bản thảo sắp in). Alphabook, Nxb. KHXH, H. 2013, 550 tr.
9. Trần Trọng Dương: Thủy âm kép tiếng Việt cổ thế kỷ XIV-XV qua các chữ Nôm cổ trong Quốc âm thi tập. Tạp chí Ngôn ngữ, số 8/2012. tr.44-61.
10. J.F.M. Génibrel: Dictionnaire Annamite - Français (大越國音漢字法 釋集成), SaiGon Imprimerie de la mission à Tân Định. 1898.
11. Michel Ferlus: Sự biến hóa của các âm tắc giữa (obstruentes mediales) trong tiếng Việt. Vân Hà dịch. Trong Giao lưu văn hóa và ngôn ngữ Việt - Pháp. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1999a tr.116-145.
12. Michel Ferlus: Những sự không hài hòa thanh điệu trong tiếng Việt Mường và những mối liên quan lịch sử của chúng. Vương Lộc dịch. Trong “Giao lưu văn hóa và ngôn ngữ Việt - Pháp”. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh. 1999b, tr.147-161.
13. Michel Ferlus: The Origin of Tones in Viet - Muong, Southeast Asian Linguistic Society XIth Conference, Bangkok, Thailand, May 16-18 2001.
14. Nguyễn Quang Hồng: Khái luận văn tự học chữ Nôm. Nxb. Giáo Dục. H. 2008.
15. Nguyễn Quang Hồng: Âm tiết và loại hình ngôn ngữ. Nxb. Đại học Quốc gia, H. 2002.
16. Nguyễn Phạm Hùng: Thể thơ thất ngôn xen lục ngôn (The Heptameter Intercalated with Hexameter Poetry). Nxb. Đại học Quốc gia. H. 2006, 449 tr.
17. Mai Quốc Liên cb: Quốc âm thi tập. Trong Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (T3). Nxb. Văn học - TTNC Quốc học, H. 2001.
18. Jimes A. Matisoff: Tonogenesis in Southeast Asia, in: Hyman, Larry M. (ed.) Consonant Types and Tones. Southern California Occasional Papers in Linguistics 1, 1973, tr.71-96.
19. Vương Lộc: An Nam dịch ngữ, Trung tâm Từ điển học & Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng. 2001.
20. Shimizu Masaaki: Khảo sát sơ lược về cấu trúc âm tiết tiếng Việt vào thế kỷ XIV-XV qua hai cứ liệu chữ Nôm. Trong Các nhà Việt Nam học nước ngoài viết về Việt Nam (Tập 2). Nxb. Thế giới, H. 2002.
21. Shimizu Masaaki: A Phonological Reconstruction of 15th Century Vietnamese Using Chữ Nôm 字喃Materials. 2010 International Conference and Taiwanese Studies, National Cheng Kung University, Taiwan. 2010.
22. Bùi Văn Nguyên: Thơ quốc âm Nguyễn Trãi. Nxb. Giáo dục. H. 1994.
23. Nhẫn Gaston: Etude du consonantisme du Quốc âm thi tập (Nghiên cứu hệ thống phụ âm đầu của Quốc âm thi tập, Luận án Tiến sĩ đệ tam cấp), INACO. Pháp. 1967, 243 tr.
24. Vũ Đức Nghiệu: Đơn tiết, đơn tiết hoá và đa tiết, đa tiết hoá trong quá trình phát triển của tiếng Việt (Monosyllabism, Monosyllablization and Polysyllabism, Polysyllablization during Vietnamese Developing Process). Kỉ yếu hội thảo quốc tế về ngôn ngữ và ngôn ngữ học liên Á. H. 2005, tr.202-213.
25. Hoàng Thị Ngọ: Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm ‘Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh’, Nxb. KHXH, H. 1999.
26. Hoàng Thị Ngọ: Dấu tích của các tổ hợp phụ âm đầu KB, KM, KN, KĐ qua cách ghi chữ Nôm cổ. Trong Mạch đạo dòng đời. Nxb. KHXH, H. 2002, tr.198-208.
27. Nguyễn Tá Nhí: Các phương thức biểu âm trong cấu trúc chữ Nôm Việt, Nxb. KHXH, H. 1997.
28. Nguyễn Tá Nhí cb: Tổng tập văn học Nôm Việt Nam, T1, Nxb. KHXH. H. 2008.
29. Trương Đức Quả : Vận dụng tri thức ngữ âm lịch sử trong nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm. Trong “Mạch đạo dòng đời”. Viện Nghiên cứu Hán Nôm. H. 2002, tr 221-237.
30. Alexandro de Rhodes: 1651. Dictionarivm Annnamiticivm Lvsitanvm et Latinvm ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in Lucem Editum ab Alexandro de Rhodes e Societati Jesu, Eiusdemque Sacra Congregationis Missionario Apostolico. - Romae: typis & sumptibus eiusdem Sacr. Congreg. p.633, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch, Nxb. KHXH. H. 1994.
31. Nguyễn Ngọc San: Chữ Nôm và văn bản chữ Nôm, trong Cơ sở ngữ văn Hán Nôm (Tập IV phần 2). Lê Trí Viễn chủ biên, Nxb. Giáo dục, H. 1987. tr.184-355.
32. Nguyễn Ngọc San: Góp vài ý kiến về âm đầu tiếng Việt cổ qua cứ liệu Phật thuyết, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.1982.
33. Nguyễn Ngọc San: Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, Nxb. Đại học Sư phạm, H. 2003.
34. Nguyễn Ngọc San: Lý thuyết chữ Nôm - văn Nôm, Nxb. Đại học Sư phạm, H. 2003.
35. Paul Schneider: Nguyen Trai et son Receuil de Poemesen en Langue Nationale. Centre National de la Rechercher Scientifique. Paris. 1987.
36. Cao Tự Thanh: Văn học Đàng Trong. Trong “Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX những vấn đề lý luận và lịch sử”, Trần Ngọc Vương chủ biên, Nxb. Giáo dục, H. 2007.
37. Trần Uyên Thi-Nguyễn Hữu Vinh: Ai vẽ được, ai xóa được? Dấu vết âm Việt cổ: từ song tiết và phụ âm kép. Tham luận Hội nghị Quốc tế về tiếng Việt. Viện Việt học, California, USA. 2007
38. Trần Thái Tông: Thiền tông khóa hư ngữ lục. Tuệ Tĩnh giải nghĩa, Trần Trọng Dương khảo cứu, dịch và phiên chú. Nxb. Văn học & TT Nghiên cứu Quốc học. 2009.
39. Nguyễn Hùng Vĩ: Những ghi chép chữ nghĩa khi đọc Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Trong “Thông báo Hán Nôm học năm 2009”. Nxb. KHXH. H. 2010./.