Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

từ nguyên của Quấn- Vấn- Bện

các cặp QUẤN- VẤN- BỆN,
cũng là từ gốc Hán, âm Hán Việt là BIỀN, các âm Thượng cổ như sau:
[Ancient Han Phonetic Database]
Chữ Hán: 緶
Thanh mẫu: 並
Vận mẫu: 仙
Thanh điệu: 平
Độ mở: 开
Nhiếp: 山
Đẳng: 重钮四等
Thiết âm: 房連
Ghi chú: 字见《说文》
Phục nguyên âm thượng cổ:
Karlgren: bʹi ̯an
Lí Phương Quế: bjian
Vương Lực: bian
Baxter: bjen
Trịnh Trương Thượng Phương: ben
Phan Ngộ Vân: ben

Như vậy, kben là âm bản địa hóa của BIỀN (thuộc trường hợp như bài em đã gửi cho thầy Việt hóa thành CCVC),
kbjen > rụng b> kjen> thêm -w-> quấn > vấn, vặn (thừng)
kbjen > rụng k> bện

từ nguyên của Quầng, Vầng, Vừng, Hừng, Hửng, Váng

Tương tự như vậy, QUẦNG- VẦNG (mặt trăng, -trời, -người)- VỪNG- HỪNG- HỬNG, VÁNG (-đầu)
cũng là các đồng nguyên tự của một từ gốc hán là VỰNG, cụ thể như sau:

[Ancient Han Phonetic Database]
Chữ Hán: 暈
Thanh mẫu: 云
Vận mẫu: 文
Thanh điệu: 去
Độ mở: 合
Nhiếp: 臻
Đẳng: 三等
Thiết âm: 王問
Ghi chú: 见《史记》。字见《说文》
Phục nguyên âm thượng cổ:
Karlgren: gi ̯wən
Lí Phương Quế: gwjənh
Vương Lực: ɣiuən
Baxter: wjuns
Trịnh Trương Thượng Phương: ɢuns
Phan Ngộ Vân: ɢuns

Như vậy, QUẦNG là Tiền Hán Việt, còn lại đều là các âm Việt hóa. (không có yếu tố Hán Việt)

Từ nguyên của Quây- Vây- Vầy

về chữ QUÂY- VÂY,
đây là một từ gốc Hán, âm Hán Việt là VI, cụ thể nhưu sau:

[Ancient Han Phonetic Database]
Chữ Hán: 圍
Thanh mẫu: 云
Vận mẫu: 微
Thanh điệu: 平
Độ mở: 合
Nhiếp: 止
Đẳng: 三等
Thiết âm: 雨非
Ghi chú: 字见《说文》
Phục nguyên âm thượng cổ:
Karlgren: gi ̯wər
Lí Phương Quế: gwjəd
Vương Lực: ɣiuəi
Baxter: wjəj
Trịnh Trương Thượng Phương: ɢʷɯl
Phan Ngộ Vân: ɢul

Như vậy, QUÂY là Tiền Hán Việt, còn VÂY và VẦY (trong XUM VẦY) là các âm Việt hóa.

Từ nguyên của Vụt- Vọt- Vót- Mót

Về chữ VÓT, thực ra không nên nhầm theo Bỉ Nhu,
đó không phải là "vót nhọn cho thành roi nhỏ"
mà VÓT- VỌT là từ Việt cổ, đều là "cái roi".
tục ngữ: thương cho roi cho vọt...

Chỉ Nam ngọc âm: cung kiện: túi cung bền sao, Mã tiên: vọt ngựa giục vào hăm hăm
Thiên Nam ngữ lục: đúc một ngựa sắt ngàn cân, luyện một vọt sắt mười phẩn cả cao [Nguyễn Ngọc San 2003: 220]

Truyền kỳ mạn lục: Nối nghe giữa trời có tiếng phải vọt đánh mà khóc lóc (QI, 44a)
Thêm đau vọt đánh máu chảy đầm đìa (QIV, 22a) [Nguyễn Quang Hồng Tự điển chữ Nôm2006: nxb GD, H, tr1245].

Thiền tông khóa hư ngữ lục (tk XIV): Khách đi đường giơ vọt chóng bằng tên, thuyền về bến quai chèo chỉn kíp bằng thoi (46b)
Mười xin lòng ngựa chớ còn phải giơ vọt nữa (75a).[Trần Thái Tông.Thiền tông khóa hư ngữ lục. Tuệ Tĩnh giải nghĩa. Trần trọng Dương (khảo cứu, phiên chú). TT Quốc học, Nxb Văn học. Hà Nội. 2009]

Kết luận, ta có chuổi đồng nguyên: MÓT- VÓT- VỌT và VỤT (bằng cái vọt)

Từ nguyễn của Quạnh- Vắng

QUẠNH- VẮNG- Goạnh có thể so sánh với cách tái lập âm Hán Thượng cổ như sau:

Chữ Hán: 煢
Thanh mẫu: 群
Vận mẫu: 清
Thanh điệu: 平
Độ mở: 合
Nhiếp: 梗
Đẳng: 三等
Thiết âm: 渠營
Ghi chú: 字见《说文》
Phục nguyên âm thượng cổ:
B.Karlgren: gʹi ̯we ̆ŋ
Lí Phương Quế: gwjiŋ
Vương Lực: giueŋ
W.Baxter: gʷjeŋ
Trịnh Trương Thượng Phương: gʷeŋ
Phan Ngộ Vân: gʷeŋ

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

từ nguyên của "bóc, róc, rọc, lóc, lọc, gióc, giọc, tróc"

Chữ Hán: 剝
Thanh mẫu: 幫
Vận mẫu: 覺
Thanh điệu: 入
Độ mở: 开
Nhiếp: 江
Đẳng: 二等
Thiết âm: 北角
Ghi chú: 見於《說文》
Phục nguyên âm thượng cổ:
Karlgren: pu ̆k
Lí Phương Quế: pruk
Vương Lực: peok
Baxter: prok
Trịnh Trương Thượng Phương: proog
Phan Ngộ Vân: proog


Âm Hán Việt là BÁC, âm Bắc kinh là bō, bāo.
Các nhà ngữ âm học lịch sử dựa vào các lưu tích trong chữ Hán để tiến hành tái lập.
Cụ thể, thanh phù của chữ trên là LỤC 彔, thanh phù này cho hàng loạt các chữ hình thanh có âm này như 錄祿碌淥逯. Mặt khác âm BÁC của chữ đang xét là căn cứ quan trọng nhất để có thể tiến hành tái lập thủy âm kép *pr-.
có thể thấy tiếng Việt còn giữ một số lưu tích của thủy âm kép CC trong tiếng Hán Thượng cổ.

1. *pr-> rụng -r-> *pok > bóc (bóc lá mía), bóc lột, trong đó "lột" mới có khả năng là từ gốc Nam Á, bóc = lột, tức bóc đi và lột ra. Lại thêm từ "bóc mẽ", "bóc tem". Có khả năng "bóc" còn cho biến thể "vạc" (hết nạc thì vạc đến xương).

2. *pr-> rụng -p-> *rok > róc (róc mía), rọc (rọc giấy)

3. *pr-> rụng -p-> *rok > lóc/ lọc (lóc/ lọc xương cá).

4. *pr-> *br-/ *bl-> giọc/ gióc/ tróc (tróc vẩy, gióc vẩy)

5. Bác với tư cách là âm đời Đường, đã được dùng khá linh loạt, như: bác bỏ, phản bác, thư bác, phiếu bác, biện bác

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Từ nguyên của "ngạnh, cành, nghển, nghén,.. "

Trích bài "Từ nguyên một số từ đơn tiết gốc Hán" trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội. 2011.

Từ nguyên của một số từ có thanh phù cánh 更.

Thanh phù更này được dùng để ghi âm cho nhiều chữ Hán có âm đọc Hán Việt là ngạnh như: 梗, 硬, 骾, 鯁. Các từ này đều đọc theo âm Bắc Kinh hiện đại là /geng3/ hoặc /ying3 /. Trên nguyên tắc tương ứng ngữ âm và tương ứng ngữ nghĩa, chúng ta tạm thời có thể nhận định rằng đây là các nguyên tự của một số từ gốc Hán đơn tiết trong tiếng Việt. Cụ thể như sau. Chữ ngạnh 梗 là nguyên từ của các từ cành, cọng, cậng, cặng, cuộng, cuống , nhánh, nhành , ngành (chi ngành, chi nhánh ) và ngồng . Chữ ngành được ghi bằng chữ Nôm 梗 xuất hiện trong một số văn cảnh sau: gạn gùng ngọn hỏi ngành tra (Kiều, 36b), gạn gùng ngành ngọn cho tường (Kiều, 43b), ngành than ngọn thở nhường quên bóng dời (Hoa tiên, 37b). Chữ nhánh được ghi bằng chữ Nôm 梗 xuất hiện trong một số từ điển cổ như Bá Đa Lộc Bỉ Nhu (1772-1773), Huình Tịnh Của (1895-1896).
Không chỉ có vậy, khi là động từ, nó còn cho ta từ nghển, nghểnh với nghĩa “vươn cổ lên” . Ở một nét nghĩa khác khi là một động từ, từ ngạnh 梗này đồng thời là nguyên từ của nghẽn, tiếng Hán có từ ngạnh tắc 梗塞 , được dịch đối âm tiết sang tiếng Việt là tắc nghẽn . Có điều đáng lưu ý là ở hai nét nghĩa vừa nêu, thì nghĩa phù mộc của chữ ngạnh lại không tương thích với trường nghĩa của từ đang xét. Điều này khiến chúng tôi suy đoán rằng đây là một chữ giả tá dùng thông. Tra từ điển, chúng tôi thấy chữ ngạnh 哽có lẽ là từ gốc, với bộ khẩu trỏ trường nghĩa liên quan đến mồm miệng, ăn uống. Từ điển của Lâm Ngữ Đường ghi nhận rõ như sau: “哽塞 [geng3se4], V.i., be choked and unable to speak” (bực tức không nói ra được: tức nghẹn). Như thế, chữ ngạnh 哽 này có lẽ vốn mang nét nghĩa là “tắc ở cổ họng không phát ra thành tiếng”, mà trong tiếng Việt chúng ta đọc là nghẹn và nghén. Sách Thuyết văn ghi: 哽,语为舌所介也 cạnh: tiếng nói bị lưỡi chặn lại. Thiên Lễ nhạc chí礼乐志 sách Hán thư汉书ghi: 祝哽在前,祝噎在后 chúc ngạnh tại tiền, chúc ngạnh tại hậu (khi đọc lời chúc thánh, thì nghẹn phía trước; khi đọc lời chúc thánh thì nghẹn phía sau). Theo sự ghi nhận của Đại từ điển tiếng Việt, từ nghẹn có hai nghĩa: “đgt. 1. bị tắc trong cổ họng. đang ăn bị nghẹn. nghẹn lời. muốn nói mà giọng nghẹn lại. 2. (Cây) ngừng phát triển không lớn được. Nghẹn đòng.” Trong thuật ngữ y học còn có từ nuốt nghẹn . Nghẹn lại có hình thức láy là nghèn nghẹn, nghẹn ngào, nghẹn tắc, nghẹn ứ. Nghèn nghẹn 哽哽: nghẹn khí, uẩn ức trong lồng ngực. Nghẹn tắc 哽塞 trong tiếng Việt là đảo âm của tắc nghẹn. Nghẹn ứ : Ứ là âm trại của ế噎. Ế và ứ có vị trí cấu âm gần nhau, ứ/ ế 噎có nghĩa là nghẹn, khác với chữ ứ 瘀trong từ ứ máu, khác với ứ 淤trong ứ đọng, ứ bùn, khác với ứ 飫trong no ứ ; như vậy nghẹn và ứ là hai từ đồng nghĩa, cấu trúc của từ kép nghẹn ứ là cấu trúc đẳng lập đồng đẳng giống như từ u minh. Trại âm từ nghẹn sang nghẽn là điều có thể xảy ra trên thực tế. Phương thức biến đổi ngữ âm này trong tiếng Việt đã thay thế cho phương pháp gia cố thanh phù hay dùng phép giả tá trong chữ Hán.
Từ nghén trong thai nghén, ốm nghén trỏ hiện tượng không ăn được hay nôn ọe khi mang thai. Từ nghén sau còn trỏ cả các hiện tượng khác của sản phụ, như hiện tượng thèm ăn, ví dụ: nghén cơm cháy, nghén nước mắm, nghén ốc. Từ nghén còn mở rộng theo trường nghĩa “thèm” như trên, ví dụ: nghén nhạc, có hiện tượng các bà bầu nghén ‘yêu’. Và rộng nhất, nghén còn để trỏ hiện tượng đàn ông ốm thay vợ khi vợ đang có bầu, ví dụ: Các cụ ngày xưa đúc kết ra rằng đàn ông mà nghén thay vợ chứng tỏ người đó yêu vợ rất nhiều và người vợ sau này sinh nở sẽ gặp nhiều may mắn. Thai nghén còn có nghĩa phái sinh trỏ việc nung nấu ý tưởng và cảm hứng để sáng tác nghệ thuật.
Cũng bằng phương pháp gia cố bộ thủ của chữ Hán, chúng ta còn có từ ngạnh硬 (bộ thạch) với nghĩa ban đầu là trỏ độ cứng của đá, sau khi mở rộng nét nghĩa, tiếng Hán có từ kính勁trỏ độ cứng cỏi của sức lực khí tiết con người. Chữ cứng được ghi nhận trong Đại từ điển tiếng Việt (2008) gồm có bảy nét nghĩa. Ngoài ra cứng còn là một từ tố tạo nên một số từ vựng có hai âm tiết như: cứng cát, cứng cỏi, cứng còng, cứng cổ, cứng đầu , cứng cựa, cứng đờ, cứng họng, cứng lưỡi, cứng miệng, cứng ngắc, cứng nhắc, cứng quèo, cứng rắn, cứng hóa (xi măng hóa), cương cứng, cứng đét, cưng cứng, cứng cựng, ổ cứng, phần cứng, đĩa cứng , hàng cứng, độ cứng (độ PH của nước) , tiện cứng, bìa cứng, siêu cứng, cứng tay , nằm cứng , vé cứng, giường cứng, ghế cứng , ngồi cứng, nằm cứng, xơ cứng bì. Một số kết hợp với từ cứng đang có xu hướng trở thành từ vựng cố định, như: chết cứng, xơ cứng, kẹt cứng, hóc cứng, mặn cứng, chát cứng 澀硬, liệt cứng劣硬, tê cứng痹硬, lạnh cứng冷硬, đông cứng凍硬 , nghẹn cứng哽硬 . Có thể thấy các nét nghĩa dẫn thân sau này thường là nghĩa bóng để trỏ sự ương bướng, cố chấp hay sự vững vàng về một khả năng chuyên môn nào đó.
Với âm ngạnh 硬chúng ta có từ ngạnh trực硬直 , cương ngạnh 剛硬 , ngang ngạnh , ngoan ngạnh 頑 硬 , ương ngạnh . Đây có lẽ còn là nguyên từ của từ ngang (ngang bướng, ngang ngược 硬虐 , ngang tàn 硬殘 ) trong tiếng Việt. Ngang còn có một nghĩa dẫn thân khác là “ngang qua”. Từ ngang đi khá sâu vào tiếng Việt, cho ta một số cụm như: ngang phè phè, ngang như cua, nhà ngang, đò ngang 渡硬, xà ngang闒 硬 . Xa hơn nữa, nó có thể là nguyên từ của từ ngáng trong ngáng chân, ngáng đường, ngáng trở.
Cũng bằng cách gia cố bộ thủ, tiếng Hán còn có từ ngạnh鯁 là một danh từ để trỏ xương cá . Đại từ điển tiếng Việt (2008) ghi: “ngạnh dt. 1. mũi nhọn đâm ngang chéo ra, ngược với chiều của mũi nhọn chính để làm cho vật khi mắc khó tuột, giẫy ra được: ngạnh cầu. Chông có nhiều ngạnh. 2. gai xương cứng ở vây, ngực một số loài vật, cá: ngạnh cá trê” [sdd, tr.1099]. Tuy nhiên, nếu xét theo tiêu chí từ nguyên thì nên đổi nét nghĩa thứ hai lên trước, bởi nét nghĩa “mũi nhọn quay ngược” ở nét nghĩa thứ nhất là nghĩa dẫn thân, ngay ở nét nghĩa này chúng tôi còn tìm được một số ví dụ cho thấy sự mở rộng nét nghĩa, như một số ví dụ dưới đây: Khóa nòng then xoay trông như cái ngón tay đầu có ngạnh, nếu có nhiều tầng ngạnh thì giống khóa nòng ren cắt của pháo. Tất cả binh lính La Mã đều trang bị 3-5 ngọn lao pilla, đầu có ngạnh tam giác. Cho em hỏi luôn, xe lanos thì dây công tơ mét 2 đầu có ngạnh ngang hay một đầu ngạnh ngang và một đầu ngạnh vuông ạ? Có một biến âm khác của ngạnh trong tiếng Việt, đó là cạnh với nét nghĩa: góc viền dạng chóp nhọn của một vật thể hay hình khối có độ sắc. Với nét nghĩa tương tự như từ ngạnh ở trên, chúng ta có từ ghép sắc cạnh. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (2008) ghi: “cạnh d. 1. chỗ một mặt phẳng tiếp giáp với một mặt phẳng khác trong cùng một vật. Mảnh chai có cạnh sắc. 2. chỗ sát liền bên. nhà ở cạnh đường. đứng cạnh nhau. đặt cạnh lối đi. bên cạnh thành tích còn có một số khuyết điểm. ĐN: mé, rìa. 3. Đoạn thẳng làm thành phần của một hình. hình vuông có bốn cạnh bằng nhau. cạnh của một góc” . Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phân xuất từ này theo các lớp nghĩa như sau. Nghĩa gốc của cạnh 鯁 là cái ngạnh sắc của cá. Từ nghĩa gốc này chúng ta mới có nghĩa phái sinh cấp thứ hai. Đó là cạnh với nét nghĩa “cái mũi nhọn”. Mũi nhọn này có thể là hình chóp tròn, chóp hai cạnh, chóp ba cạnh vuông, hoặc chóp đa cạnh. Từ đó, ta mới có từ cạnh với vài nghĩa phái sinh như dưới đây. Nghĩa thứ nhất, cạnh để trỏ góc nhọn tiếp giáp của ba mặt phẳng chất liệu để tạo nên độ dày của vật hình khối, cạnh này được tạo nên bởi sự tiếp giáp của ba góc 900, đây chính là nghĩa của cụm vuông thành sắc cạnh (là một nét nghĩa có thể biểu diễn bằng hình ảnh ba chiều). Nghĩa thứ hai, cạnh còn trỏ nơi tiếp giáp giữa hai mặt phẳng của chất liệu để tạo thành góc 900 , góc này cũng tạo nên độ sắc nhất định, có thể gây nguy hiểm (đây là một nét nghĩa có thể biểu diễn bằng hình ảnh hai chiều). Tiếp tục phái sinh từ nét nghĩa phái sinh thứ hai, chúng ta có nét nghĩa thứ nhất mà từ điển của Vietlex đã bàn: “chỗ một mặt phẳng tiếp giáp với một mặt phẳng khác trong cùng một vật. Mảnh chai có cạnh sắc”. Thế nhưng ở phần ví dụ, chúng ta thấy lại có một nét nghĩa phái sinh thứ tư mà từ điển trên chưa phân xuất được, đó là “mép sắc của vật”, mép này không nhất thiết được tạo nên từ hai mặt phẳng, mà có thể từ các mặt vỡ, mặt vỉa, mặt tước. Khi rụng đi nét nghĩa “sắc nhọn”, từ cạnh là một từ đồng nghĩa với các từ mép, rìa (chỉ dùng cho vật thể có hình khối), đây là nét nghĩa thứ năm. Nét nghĩa thứ năm này lại phái sinh thêm một nghĩa nữa, để từ cạnh trở thành một phương vị từ, đây chính là nét nghĩa thứ hai được ghi nhận trong từ điển của Vietlex: “chỗ sát liền bên. nhà ở cạnh đường. đứng cạnh nhau. đặt cạnh lối đi.” Có thể định nghĩa lại như sau cạnh là trỏ vị trí ở ngay kề bên mép ngoài, rìa ngoài, cạnh ngoài của một sự vật, hay không gian cụ thể có ranh giới nào đó. Từ nét nghĩa thứ năm này, chúng ta mới có nét nghĩa phái sinh thứ sáu, đó là cạnh là một từ tố trong từ bên cạnh với tư cách là một hư từ, đồng nghĩa với các từ ngoài ra, thêm nữa.
Trong tiếng Việt, chúng ta còn có từ ngạnh 鯁để trỏ loại cá sông da trơn cùng họ với cá lăng, cá trê, cá nheo, cá bò. Cá ngạnh có đầu nhọn bẹt cứng, hai vây hai bên là hai cái xương rất cứng nhọn, đâm rất buốt. Cá ngạnh màu trắng nhợt, thân nhỏ, khác với cá bò thân vàng ruộm và nhỉnh hơn một tí, khác với ca trê to và đen, cá lăng vàng có thân hình lớn và râu dài. Từ điển Chỉ Nam ngọc âm thế kỷ XV có câu: “ngạnh ngư 鯁魚: cá ngạnh rắn xương” . Tiếng Hán có từ ngạnh 骾với bộ cốt với nghĩa chiết tự là xương cứng; ở tiếng Việt chúng ta cũng có từ ngạnh với nghĩa nguyên gốc này mà có lẽ tiếng Hán đã đánh mất, ví dụ: Mẫu tóc tém thích hợp với người có hai bên đầu có ngạnh và phần phía sau đầu hị hóp. Thằng bé lành như đất, nằm bẹp đầu đến nỗi sinh ngạnh.

nguyên của từ Phường

Trích bài "Từ nguyên một số từ đơn tiết gốc Hán" trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội. 2011.

Từ Phường坊nguyên trong tiếng Hán có khoảng bảy nghĩa, nhưng chỉ có hai nghĩa sau đi vào tiếng Việt. Thứ nhất, phường là nơi sản xuất của các ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống; thứ hai phường trỏ các loại chợ bán dọc bên đường hoặc các quầy các tiệm trong chợ. Vào tiếng Việt, phường trỏ tổ chức liên kết tự nguyện của những người làm cùng một nghề, đây chính là nghĩa của phường trong 36 phố phường Hà Nội, hay phường vải, phường hát, phường bát âm, phường thợ, phường chèo, phường hội... Cứ liệu sớm nhất hiện nay tìm được là trong sách Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú, ví dụ: Ở nhờ nhà phường Đồng Xuân bên cầu (Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm, I, 15a), mọi xã bản phường chia rước tượng Phật (Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục, 20a) .Về sau, việc hành chính hóa các đơn vị này đã khiến cho phường còn để chỉ đơn vị hành chính trong nội thành, nội thị tổ chức theo khu vực dân cư, tiến tới trở thành đơn vị hành chính dưới cấp quận. Với nét nghĩa này, phường bao gồm cả những khu vực dân cư không nhất thiết phải là làng nghề sản xuất hay kinh doanh nữa. Theo hướng “trỏ nhóm người có cùng đặc điểm hay tính chất xã hội nào đó”, phường trong tiếng Việt còn xuất hiện trong các cụm phường trốn chúa, phường con đỏ,… Một số ngữ liệu cổ như: đánh đàn đánh đó cùng phường chăn trâu (Ngữ, 59b), Một phường rách rưới con như bố (Tú Xương. XIX-XX. Vị Thành giai cú tập biên, 24a) .

Từ nguyên của từ Phố

Trích bài "Từ nguyên một số từ đơn tiết gốc Hán" trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội. 2011.


Phố浦 nghĩa gốc trong tiếng Hán là bến nước men sông hoặc nơi sông đổ ra biển. Nguyễn Du 阮攸 trong bài Thu chí 秋至có câu: 回首藍江浦 Hồi thủ Lam giang phố (Ngoảnh đầu về bến sông Lam). Hay Bà Huyện Thanh Quan viết “gác mái ngư ông về viễn phố”, còn phố ở đất kẻ chợ Thăng Long xưa hẳn phải là bến cảng giao thương, từ bến ấy người ta mới trổ nhà dọc hai bên lối lên để đổ hàng và buôn bán ngay tại chỗ (nên mới có từ phố xá 埔舍, tức là phố có nhiều nhà dựng hai bên. Ss. quán xá 館舍 ), buôn bán càng lớn thì phố càng dài, càng kéo sâu vào đất liền, nên chữ Nôm hậu kỳ chữ phố 浦 (vốn là bộ thủy) đã bị thay bằng bộ thổ, được viết thành 埔. Từ phố 埔còn có âm nữa là bộ trong bộ đầu 埔頭 nghĩa là điểm buôn bán thuận tiện giao thông . Địa danh Đông Bộ Đầu東埔頭 có nghĩa từ nguyên là đầu mối giao thương ở cửa nước phía đông kinh thành Thăng Long vậy. Một số ngữ liệu cổ: sánh mở phố phấn chưng ngoại thành Tây đô (Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm, IV, 25b), Thị xá: hàng phố ngồi chơi bán hàng (Pháp Tính. XV. Chỉ nam ngọc âm, 24b), ra phố khăn ngang quàng lấy mặt (Tú Xương. XIX-XX. Vị thành giai cú tập biên, 15b) .

Từ nguyên của từ "Tiết canh"

Trích bài "Từ nguyên một số từ đơn tiết gốc Hán" trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội. 2011.

Tiết trong tiết canh, là một dạng âm đọc cổ của huyết 血(máu). Đời Đường, chữ血mới có âm đọc là huyết . Chữ 血 trong tiếng Hán cổ (trước đời Đường) là âm đầu lưỡi, nên nó được dùng làm thanh phù cho các chữ có âm tuất như 侐, 洫, 裇, 殈, 烅, 欰, 卹, 賉đặc biệt chữ tuất 恤 (nghĩa là thương xót- xót cũng là âm Tiền Hán Việt của từ này, có thể so sánh với âm Bắc Kinh hiện nay là / xù /) trong tử tuất 死恤, lân tuất 憐恤. Tiếng Việt hiện nay còn có từ tiền tuất 錢恤hay lương tuất 糧恤 để trỏ tiền lương tháng cho người cô quả mà thân nhân của mình có công với cách mạng , ngoài ra còn có từ quà tuất 饋恤. Trở lại với từ tiết血(huyết), chúng tôi cho rằng âm đọc này là sự bảo lưu văn hóa cúng tế thời cổ với tục ăn máu, uống máu của vật hy sinh. Sách Loại thiên類篇 ghi: 祭所薦牲血。从皿,一象血形 tế sở tiến sinh huyết. Tòng mãnh, nhất tượng huyết hình (huyết là máu vật hy sinh trong cúng tế, chữ thuộc bộ mãnh, chữ nhất ở trên tượng cho hình máu chảy), ý ở đây nói huyết là chữ tượng hình, trỏ dòng máu đang chảy xuống bát tế . Từ điển Hán Việt Nhật dụng thường đàm 日用常談của Phạm Đình Hổ (1768-1839) ghi: huyết canh là tiết canh (tr.26b) . Canh羹 là chữ hội ý, trên là chữ cao 羔nghĩa là dê non (chữ này gồm bộ dương với bốn chấm hỏa), dưới là chữ mỹ美, trỏ mùi thịt tươi ngon. Sách Thuyết văn 说文 nói: 五味和羹 ngũ vị hoà canh. Xét chữ canh羹đời thượng cổ đều chỉ loại thịt có nước ngọt.” Từ đời Trung cổ về sau, người Hoa Hạ khi ăn thịt dê, thường nấu thịt với rau, tạo thành món ăn có nước sệt như súp và nêm thêm ngũ vị hương, đến lúc này canh mới dùng để trỏ các món có nước. Đến đây có thể nhận định rằng, chữ canh trong từ tiết canh của tiếng Việt mang nghĩa nguyên gốc từ thời thượng cổ. Tiết canh là loại món ăn được làm từ máu động vật tươi cộng với sụn, họng và thịt của động vật băm nhỏ. Ngoài ra, món này được ăn kèm với một số gia vị như ớt, tiêu, hành tỏi sống, nước cốt chanh, cũng như rượu đế, các chất ăn kèm này vừa khử mùi chống tanh, đồng thời lại sát trùng diệt khuẩn. Tế máu, ăn máu, và uống máu là một trong những phổ niệm văn hóa của nhiều nền văn minh trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Từ tố tiết đã đi sâu vào hệ thống từ vựng tiếng Việt từ khá sớm, chúng ta còn thấy từ tố này được sử dụng khá linh hoạt trong nhiều trường hợp. Tiết là từ gốc Hán đơn tiết có thể dùng độc lập, như trong các ngữ cắt tiết, chọc tiết, và cũng có thể là từ tố để tạo nên một số ít từ khác như màu tiết gà. Ngoài ra, tiết còn có nghĩa bóng trỏ “sự tức giận sôi máu”, nhưng thường là nó được kết hợp với các từ tố khác như: điên tiết, sôi tiết, nóng tiết, cáu tiết, sặc tiết, hăng tiết, hăng tiết vịt. Câu đối chơi chữ của Nguyễn Khuyến có thể coi là văn cảnh thú vị nhất cho chữ này: tứ thời bát tiết canh chung thủy, ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang (Câu đối viết cho góa phụ bán thịt lợn- Nguyễn Khuyến).

Từ nguyên của các từ hàm - càm - cằm - ngậm - gặm - gậm - ngâm - ngàm

Trích bài "Từ nguyên một số từ đơn tiết gốc Hán" trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội. 2011.

Trong chuỗi này ta có từ Hàm 含 là một từ gốc để khảo sát. Sách Thuyết văn giải tự 說文解 字 của Hứa Thận ghi: 含,嗛也 hàm, hiềm dã (hàm, ngậm vậy). Sách Thích danh釋名thiên Thích ẩm thực 釋飲食ghi: 含,口也,合口亭之也。銜亦然也Hàm, khẩu dã, hợp khẩu đình chi dã. Hàm diệc nhiên dã (hàm là miệng, trỏ việc khép miệng rồi giữ nó như thế. Chữ hàm銜 cũng như vậy). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, nghĩa gốc của từ hàm này vốn là một danh từ chỉ chung phần xương dưới (bộ nhai), mà tiếng Việt còn bảo lưu (trong khi tiếng Hán đã rơi mất), tiếng Việt có cụm từ hất hàm. Phần đầu ngoài cùng của xương hàm chính là cái cằm (âm Hán Việt trước đời Đường của chữ 含, dấu tích còn trong thanh phù kim, câm 今), sau này, khi chữ Hán hậu kỳ gia tăng kết cấu hình thanh để khu biệt nét nghĩa thì mới có chữ頷 hàm với nghĩa là cằm (kết cấu: hàm/ càm含là thanh phù kết hợp với bộ hiệt 頁trỏ đầu và các bộ phận ở phần đầu). Vào tiếng Việt, hàm còn là một loại từ dùng để trỏ cả bộ xương răng trên, răng dưới và phần răng phía trước (hàm trên, hàm dưới, hàm mặt) . Ngoài ra, chữ hàm này còn mở rộng nét nghĩa, để trỏ cả phần xương vòm phía trên tạo nên khoang miệng (dù xương này không có khớp và không cử động được), gọi là hàm ếch . Hàm trỏ chung cả khoang miệng, trong văn hóa cổ truyền có lễ phạn hàm . Cuốn từ điển Hán Việt cổ Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có câu: giáp tư má tựa hoa đào, càng hàm râu mọc giáp xa lồm xồm (4, 15a). Phương ngữ Nghệ An còn lưu giữ âm cổ này dưới hình thức càm hàm, hay cằm hàm. Ví như: “cằm hàm: (T.). dt. cằm: bị đấm trúng cằm hàm.”
Hàm khi là động từ, có nghĩa là giữ vật bằng hai hàm trong trạng thái để nguyên, Hán văn có thành ngữ hàm mai tật tẩu 銜枚疾走 (ngậm hàm đi nhanh) , cho nên hàm còn là nguyên từ của ngậm, chữ Nôm viết là唅 . Trong sách Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, từ ngậm 吟xuất hiện hai lần, ví dụ: nhịn chịu ngậm trong lòng , dịch câu 忍受甘心 nhẫn thụ cam tâm [42a7]; có thức ngậm thiêng liêng trong tam giới dịch từ câu 有識含靈 hữu thức hàm linh [42a7], trong đó cụm ngậm thiêng liêng được dịch từ chữ hàm linh, có nghĩa là dung chứa linh thiêng . Trong bản giải nghĩa Thiền tông khóa hư ngữ lục của Tuệ Tĩnh cũng có một số ví dụ như sau: Mọc lông đeo sừng, ngậm sắt, đội yên [23a], trong đó từ ngậm sắt dịch từ chữ hàm thiết啣鐵; Phập phồng sáng đầu núi hằng ngậm bóng nguyệt [55a], trong đó cụm từ ngậm bóng nguyệt dịch từ nguyên văn chữ Hán hàm thố啣兔 . Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi cũng có câu: chim có miệng kêu âu lại ngậm (Tự thán. 108.3). Chúng ta có từ Hán Việt hàm oan 銜冤/ 含冤và một biến âm khác của nó là ngậm oan. Tương tự như vậy là các cặp hàm tiếu銜笑 - ngậm cười/ ngậm cười chín suối, hàm hận銜恨- gậm hờn (gậm một mối căm hờn trong cũi sắt- Nhớ rừng- Thế Lữ).
Hàm 銜còn là một từ tố để trỏ các vật, các máy móc có hai ngàm cử động, ví dụ máy nghiền hàm. Mối tương ứng H- NG còn cho một âm nữa là ngàm. Trong kiến trúc cổ truyền, ngàm là lỗ đục lộng trên cấu kiện gỗ để đóng chốt/ mộng/ngõng vào đó. Tuy nhiên cả với nét nghĩa này, chúng ta vẫn thấy cái ý nghĩa gốc là “cái ngàm dùng để ngậm và giữ cái mộng/cái ngõng/ cái đột ở trong”. Ngàm là dụng cụ cũng có hai hàm dùng để kẹp và giữ vật. Ví dụ một số thuật ngữ kỹ thuật hiện nay và một số văn cảnh: mô men ngàm, ngàm cứng, ngàm di động, ngàm hở, ngàm mềm, ngàm đàn hồi, ngàm một đầu, ngàm chống xoay, ngàm hoàn toàn, ngàm cục bộ, ngàm biên, tấm chu tuyến ngàm, ngàm trượt, ngàm bốn cạnh, ngàm khớp . Thử kéo mẫu thép tròn trơn trên máy kéo nén vạn năng thủy lực Instron Model 2000KN, lực tải tối đa 2000kN, ngàm kẹp thủy lực dạng nêm có tấm chắn không cho mạt sắt lọt vào má trượt .
Phái sinh theo một hướng khác, hàm còn đọc trại thành gậm (hay gặm), để trỏ việc dùng cả hàm để nhai xương, hay ăn cỏ. Sự tương ứng thủy âm H-G-NG ở đây còn có thể thấy qua một ví dụ tương tự khác là từ gẫm (ngẫm, nghiệm ra rằng). Gẫm là cách đọc Hậu Hán Việt của niệm 念, trong đó thanh phù của chữ này là câm/ kim 今. Ngay trong tiếng Hán, chữ niệm念còn cho một biến âm khác là nghiệm chữ Hán là騐 (niệm 念 làm thanh phù cấp hai, còn kim今 là thanh phù cấp một, thanh phù gốc). Thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có câu: từ thuở hóa rồng càng lạ nữa, chúa xuân gẫm càng huyễn thay (Trúc thi, 223.4); trong tập thơ này đồng thời tồn tại từ ngẫm: ngẫm hay sự thế nhẹ bằng lông (Lão hạc, 284.2). Cho thấy, ở thế kỷ XV, biến âm đã là một phương thức để khu biệt các nét nghĩa cho các từ có cùng một nguyên từ.
Theo nghĩa bóng, ngâm 吟tức là ngậm âm, ngậm tiếng ở trong khoang miệng rồi nhả ra theo tiết tấu, nhịp điệu của hơi thơ. Tiếng Việt có các từ theo nghĩa này như ngâm thơ 吟詩, ngâm vịnh 吟詠 , ngâm nga 吟哦 , ngâm ngợi 吟議 , ngâm khúc 吟曲, ngâm tụng 吟誦 , trầm ngâm沈吟 . Phái sinh tiếp theo hướng “để lâu vật trong một trạng thái nào đó”, chúng ta còn có từ ngâm với nét nghĩa “dìm lâu trong chất lỏng”, như ngâm mình, ngâm gạo, có khi việc ngâm đó là để tạo các quá trình phản ứng hóa học hay chuyển đổi chất, thẩm thấu chất, như ngâm thuốc, ngâm dấm, ngâm gỗ, hồng ngâm, rượu ngâm, măng ngâm,… Phái sinh xa hơn cả, chúng ta thấy còn có chữ ngâm với nghĩa bóng là “để việc lại rất lâu không chịu giải quyết” như câu có mỗi việc bé tẹo mà mấy bác hành chính ngâm mãi không xong. Từ các nét nghĩa trên, ta thấy câu thơ của Hồ Xuân Hương “cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ, đợi đến ba thu mới giãi màu” là tinh nghịch hiếm thấy.

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Có hay không “loạn 12 sứ quân”?

Trần Trọng Dương (Viện NC Hán Nôm)



Trong bài viết “Đinh Bộ Lĩnh và loạn Lã Xử Bình (từ sử liệu tới sử thực)”, chúng tôi đã công bố một số sử liệu mới cho phép đi đến một số nhận định rằng: (1) Đinh Bộ Lĩnh là người nổi dậy sớm (từ năm 951); (2) ông đã cát cứ ở Hoa Lư trong quãng 15-17 năm; (3) Năm 967, sau các chiến thắng trước Đỗ Cảnh Thạc (và 500 con cháu họ Ngô), tiêu diệt phe tiếm quyền Lã Xử Bình, và chinh phục Thứ sử Phong châu Kiều Tri Hựu, Thứ sử Vũ Ninh châu Dương Huy, thì Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành lực lượng quân sự mạnh nhất, đủ sức thống nhất các lực lượng khác, để thu giang sơn về một mối. Kể từ thời điểm này, nhà Ngô sụp đổ. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần phải tiếp tục thảo luận thêm. Thứ nhất là các khái niệm “sứ quân”, “loạn sứ quân”, “loạn mười hai sứ quân” và tại sao Đinh Bộ Lĩnh trước nay lại không được liệt vào hàng sứ quân? Thứ hai, thời gian loạn đời nhà Ngô nên là (944-967) hay chỉ giới hạn trong khoảng (965-967)? Tình hình cát cứ ở thời nhà Ngô nên nhận diện cụ thể như thế nào? Chúng tôi sẽ lần lượt thảo luận từng vấn đề. Sự thảo luận dựa trên tính quan trọng của vấn đề nên không câu nệ vào mức độ ngắn dài của các đoạn viết.
Khái niệm “sứ quân”
Theo cách định nghĩa của từ điển Từ nguyên thì khái niệm “sứ quân” chỉ là một cách gọi tôn xưng trang trọng trong khẩu ngữ dành cho những người nắm giữ chức đầu của một châu mục nào đó. Cách tôn xưng này đã từ dân gian mà đi vào văn ngôn qua một số văn bản từ đời Đường cho đến đời Thanh. Vì vậy, cần khẳng định lại một điểm ở đây là “sứ quân” không hề có nghĩa xấu như nhiều người trước nay vẫn hiểu. Cái nghĩa xấu bị gắn cho ấy bởi nó thường được định danh bởi các cụm “loạn sứ quân” hay “loạn 12 sứ quân” do đời sau gán vào. Dưới đây chúng tôi sẽ thảo luận về một số nhân vật sứ quân tiêu biểu, cũng như bản chất của cục diện chính trị thế kỷ X- giai đoạn Đinh Bộ Lĩnh “dẹp loạn 12 sứ quân” (sic).
Điểm diện “sứ quân”
Trước tiên là về Ngô Xương Xí. Ông được gọi là “sứ quân” hẳn là có lý do riêng. Bởi vì với tư cách là cháu đích tôn của Ngô Quyền, cháu ruột của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, Ngô Xương Xí được Nam Tấn Vương giao trọng trách trị nhậm Ái châu- đất mồ mả tổ tông. Như thế, ông là Thứ sử Ái châu vào giai đoạn này, và Bình Kiều là trị sở đầu não của Ái châu vào thời điểm đó. Đến giai đoạn 965-967, sau khi Ngô Xương Văn mất, ông đáng ra sẽ lên ngôi. Nhưng, với thực trạng nhà Ngô bị Lã Xử Bình cướp mất quân đội và chiếm mất kinh đô Cổ Loa, lại thêm tình thế cát cứ của liên minh Trần Lãm- Đinh Bộ Lĩnh thì Ngô Xương Xí đã bị cô lập ở Ái Châu trong hai năm, không thể ra ngoài bắc để lên ngôi. Việc ghi chép “Ngô sứ quân” (phụ chép: các sứ quân khác) trong Đại Việt sử ký toàn thư chứng tỏ điều này. Như vậy, sau khi Nam Tấn Vương mất, không có chuyện Ngô Xương Xí nổi loạn, làm loạn.
Thứ hai là về Đinh Bộ Lĩnh. Các sử liệu đời Tống- Minh đều ghi chép rõ rằng, Đinh Bộ Lĩnh từng nhậm chức Ngự Phiên Đô đốc ở Hoan châu, khi Đinh Công Trứ- cha ông còn sống. Đến khi cha mất, Đinh Bộ Lĩnh, theo phép tập ấm, được thay cha nhiếp chức Hoan châu Thứ sử. Nhưng sau đó, vì liên quan đến thế lực Dương Tam Kha, nên ông đã mất chức, và phải về quê ở Hoa Lư, thời điểm xảy ra sự kiện này là vào năm 950. Sau đó một năm, năm 951, hai vua họ Ngô lên ngôi, và Đinh Bộ Lĩnh ngay lập tức ra mặt chống lại là Ngô. Ông đã tiến hành cát cứ tại Hoa Lư từ năm 951 đến năm 965. Từ năm 965-967, Lã Xử Bình cướp ngôi nhà Ngô, khiến cho các sứ quân (thứ sử) khác phải “tự giữ”, hoặc phải xuất quân đánh Xử Bình. Giai đoạn này, Đinh Bộ Lĩnh tuy không còn chức, nhưng đã trở thành một lực lượng mạnh nhất, và cuối cùng đã chiến thắng tất cả các lực lượng còn lại. Như thế, Đinh Bộ Lĩnh, ở giai đoạn 951-967, không được các sử gia đời sau xếp vào hàng sứ quân là chính xác. Ngoài ra, như ta biết, Đinh Bộ Lĩnh là người chiến thắng, và thống nhất lãnh thổ, nên ông không bị các sử gia đời sau xếp vào “lực lượng sứ quân”. Vì thế, chúng tôi đề xuất không nên dùng khái niệm “sứ quân” để trỏ chung cho tất cả các lực lượng quân sự ở giai đoạn này.
Thứ ba là về Đỗ Cảnh Thạc. Ông là một nha tướng của Ngô Quyền. Sau đó làm tướng trong thời Bình Vương Dương Tam Kha cùng với Dương Cát Lợi. Năm 950, hai tướng này thuận theo lời đạo nghĩa của Ngô Xương Văn nên dẫn quân về đảo chính Bình Vương . Vậy ta có thể khẳng định rằng, với cuộc đảo chính này, Đỗ Cảnh Thạc là tướng đầu triều của nhà hậu Ngô. Ông được ban thực ấp tại quê hương là Đỗ Động giang (Thanh Oai/ Quốc Oai, Hà Nội ngày nay). Với cách ghi như Đại Việt sử ký toàn thư và một số bộ sử khác, thì ông có thể được giao làm Thứ sử của vùng đất này. Tiếc là sử liệu không cho biết đó là châu nào, mà chỉ ghi theo tên quê của ông. Vì vậy, gọi sứ quân Đỗ Cảnh Thạc hay Thứ sử Đỗ Cảnh Thạc là có cơ sở. Năm 965, Ngô Xương Văn chết trận, thuộc tướng là Lã Xử Bình thâu tóm binh quyền, quay về cướp kinh đô Cổ Loa. Hơn 500 con cháu họ Ngô phải chạy về Đỗ Động giang nương nhờ Đỗ Cảnh Thạc. Lưu ý là trong số hơn 500 người này hẳn phải có hai người con trai út của Ngô Quyền là Nam Hưng và Càn Hưng (Lúc đó Nam Hưng và Càn Hưng đã gần 30 tuổi), thêm vào đó là con của Ngô Xương Văn (hiện sử liệu không có biết danh tính cụ thể của ai). Sau hai trận Ô Man và Đỗ Động giang, Đỗ Cảnh Thạc và hơn 500 con cháu họ Ngô đã bị Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt. Như vậy, Đỗ Cảnh Thạc không phải là “sứ quân nổi loạn” mà là lực lượng của nhà Ngô. Khi Đỗ Cảnh Thạc bị tiêu diệt, thì cán cân lực lượng hẳn là đã nghiêng hẳn về Đinh Bộ Lĩnh.
Cuối cùng là Lã Xử Bình. Nhân vật này là thuộc tướng của Ngô Xương Văn, và hẳn là không giữ chức Thử sử ở một châu nào đó. Sử liệu Việt Nam không hề nhắc đến nhân vật này. Nhưng các sử liệu Tống- Minh đều ghi rõ Lã Xử Bình cướp ngôi họ Ngô. Kết hợp với thông tin “500 con cháu họ Ngô ở Đỗ Động giang” trong Toàn thư, chúng tôi đoán định rằng Lã Xử Bình đã kéo quân về Cổ Loa cướp quyền họ Ngô. Đây là phát hiện quan trọng nhất trong nghiên cứu của chúng tôi về hình hình chính sự nhà Ngô mà trước nay được gọi là “loạn sứ quân”. Nhưng dầu sao, cũng có thể khẳng định là Lã Xử Bình không phải là “sứ quân” bởi chức vụ chỉ là Tham tá, chứ không phải là Thứ sử. Và cái “loạn sứ quân” trước nay sử sách vẫn dùng phải chăng nên gọi là “loạn Lã Xử Bình.”
Điểm qua bốn nhân vật quan trọng nhất của giai đoạn này, chúng ta thấy, khó có thể dùng khái niệm “sứ quân” để bao quát cho tình trạng cát cứ cũng như các lực lượng quân sự ở giai đoạn cuối của nhà Ngô.
Số lượng sứ quân- Thứ sử nhà Ngô
Đến đây, chúng ta thử đếm lại các sứ quân như sau.
(1) Ngô Xương Xí: Thứ sử Ái châu (Thanh Hóa), lị sở Bình Kiều (Triệu Sơn?, Thanh Hóa).
(2) Kiều Công Hãn: Thứ sử Phong châu (Phong Châu, Vĩnh Phú).
(3) Nguyễn Khoan (Nguyễn Thái Bình): Thứ sử châu (?), lị sở Tam Đái (Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú).
(4) Ngô Nhật Khánh: Thứ sử Hoan châu (Nghệ An), lị sở Đường Lâm (Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An).
(5) Đỗ Cảnh Thạc (Đỗ Cảnh công): Thứ sử châu (?), lị sở Đỗ Động giang (Thanh Oai- Quốc Oai, Hà Nội).
(6) Lý Khuê (Lý Lãng công): Thứ sử châu (?), lị sở Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh).
(7) Nguyễn Thủ Tiệp (Nguyễn Lệnh công), Thứ sử châu (?), lị sở Tiên Du (Tiên Du, Bắc Ninh).
(8) Lữ Đường (Lữ Tá Công): Thứ sử châu (?), lị sở Tế Giang (Mỹ Văn, Hưng Yên).
(9) Nguyễn Siêu (Nguyễn Hữu công): Thứ sử châu (?), lị sở Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội).
(10) Kiều Thuận (Kiều Lệnh công): Thứ sử châu (?), lị sở Hồi Hồ (Cẩm Khê, Sông Thao, Vĩnh Phú).
(11) Phạm Bạch Hổ (Phạm Phòng Át): Thứ sử Đằng châu (Xích Đằng, Kim Thi, Hưng Yên).
(12) Trần Lãm (Trần Minh công): Thứ sử Trường Châu (Thái Bình, Nam Định), lị sở Bố Hải Khẩu (thành phố Thái Bình).
(13) Dương Huy: Thứ sử châu Vũ Ninh (?).
Tổng hợp các sử liệu Việt Nam và Trung Hoa, chúng ta thấy, giai đoạn này có 13 sứ quân (Thứ sử). Như vậy, bản đồ hành chính thời Hậu Ngô vương có thể chia thành 13 châu, cộng với Cổ Loa cả thảy sẽ ít nhất có 14 khu vực địa lý hành chính lớn. Tên gọi các châu này và địa phận của từng châu ra sao thì với tình hình sử liệu hiện nay, chúng ta chưa thể giải quyết được. Hoa Lư có thể là một động thuộc về Trường Châu dưới sự trị nhậm của Thứ sử Trần Lãm. Đây cũng là một yếu tố địa - chính trị góp phần khẳng định về sự thuận lợi của liên minh Trần – Đinh.
Nhân vật Thứ sử bổ sung là Dương Huy. Nhân vật này trước nay còn là một ẩn số. Theo chúng tôi, Dương Huy có lẽ là con trai của Dương Cát Lợi- thuộc tướng trung thành của nhà Ngô. Sử liệu nhà Tống ghi ông “tranh lập” cùng bọn Lã Xử Bình. Theo chúng tôi, việc “tranh lập” này là một cách ghi mù mờ, không chính xác. Có lẽ, đã có một số trận đánh giữa các lực lượng trung thành với nhà Ngô (như Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Tri Hựu và Dương Huy) với Lã Xử Bình. Nhưng kinh đô Cổ Loa là thành trì vững chắc nhất vào thời bấy giờ, cho nên việc đánh thành có lẽ đã diễn ra trong hai ba năm, nhưng đều không thành công. Tiếc rằng, sử liệu hiện còn quá ít ỏi, không có thông tin nào về sự đối đầu giữa các lực lượng này.
Đến đây có thể nhận định rằng, không có khái niệm “mười hai sứ quân” như trước nay vẫn hiểu. Các sứ quân/ Thứ sử đó cũng không hề đánh lẫn nhau để gây nên “loạn 12 sứ quân”. Như Nguyễn Danh Phiệt đã từng khẳng định: “Liệu có thể từ những điều ghi chép của Việt sử lược và Toàn thư để chuyển dịch sang hình thức nội chiến giữa các sứ quân như Cương mục đã chép được không? Kiểm tra qua thần tích, truyền thuyết, cho đến nay, tuyệt nhiên chưa hề gặp một chi tiết nào nói đến chuyện đánh lẫn nhau trong số 12 sứ quân (TTD nhm).”
Như trên, chúng tôi đề xuất ý kiến, không nên dùng “sứ quân” hay “loạn sứ quân”. Khái niệm “sứ quân” là cách gọi trỏ Thứ sử của các châu đời nhà Ngô, khái niệm này không bao quát hết các lực lượng quân sự thời này, bởi hai nhóm quan trọng nhất gây nên sự bất ổn và sụp đổ của nhà Ngô chính là Lã Xử Bình và Đinh Bộ Lĩnh (hai nhân vật này đều không trị nhậm một châu nào). Cụm “loạn sứ quân” hay “loạn 12 sứ quân” cũng không nên dùng, bởi lẽ số lượng sứ quân/ Thứ sử là nhiều hơn thế. Thứ nữa, như chúng tôi đã nêu, các Thứ sử này không đánh nhau. Mà chiến sự chỉ xảy ra giữa các Thứ sử trung thành với nhà Ngô (như Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Tri Hựu, Dương Huy) với Lã Xử Bình; và chỉ xảy ra giữa phe liên minh Đinh Bộ Lĩnh với ba Thứ sử trên và Lã Xử Bình mà thôi. Điều này cho thấy những ghi chép “Giao Chỉ đại loạn” trong Ngũ đại sử (của Âu Dương Tu) hay “Giao Chỉ thập nhị châu đại loạn” trong Tục tư trị thông giám trường biên (của Lý Đảo), “quản nội nhị thập châu đại loạn” trong Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm, ... là những ghi chép đại khái giống như “kỳ bộ nội loạn” trong Ngọc hải của Vương Ứng Lân .
Tính chất cát cứ của các lực lượng
Thêm nữa, cũng cần xác định lại tính chất cát cứ của các lực lượng ở các giai đoạn khác nhau. Đinh Bộ Lĩnh cát cứ so với nhà Ngô trong thời gian 15 năm từ 951 đến 965. Liên minh Trần Lãm- Đinh Bộ Lĩnh trong thời gian này có thể theo hai khả năng. Thứ nhất: nếu đó là liên minh ngầm, thì Trần Lãm chỉ được coi là sự cát cứ ngấm ngầm, tức là ông chưa thực sự ra mặt trên chính trường. Thứ hai: nếu đó là liên minh công khai, thì Trần Lãm sẽ nổi lên như một thế lực lớn đáng kể nhất trong 15 năm này. Song, với sử liệu hiện nay (Toàn thư bỏ trống không ghi một sự kiện nào trong 15 năm trị vì của Hậu Ngô vương ngoài sự kiện Đinh Bộ Lĩnh), chúng tôi chỉ thấy rằng, Trần Lãm thực sự “ra mặt” sau cái chết của Ngô Xương Văn. Và cái chết của Trần Lãm năm 967, có thể coi là nguyên nhân gián tiếp gây nên chuyển biến lớn đầu tiên trên chính trường: con cháu nhà Ngô tổng tiến công Bố Hải Khẩu và chịu thất bại ở Ô Man. Tiếp đến, sự chiếm cứ của Lã Xử Bình ở thành Cổ Loa từ năm 965 đến năm 967, tạm có thể coi là sự cát cứ. Nhưng đó không phải là cát cứ trên chính lãnh thổ trị nhậm của nhân vật này, mà đó là sự cướp đất, cướp quyền nhà Ngô mà chúng đề xuất nên gọi là “loạn Lã Xử Bình”. Sự cát cứ của các Thứ sử còn lại theo chúng tôi là việc “tự giữ” (chữ của Toàn thư) đất đai của mình, quân đội của mình mà không nghe theo sự sai khiến của Cổ Loa (Lã Xử Bình). Những thứ sử trung thành nhất với nhà Ngô như Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Tiễn, Dương Huy vừa “tự giữ”, vừa tiến hành tấn công Lã Xử Bình (sử liệu hiện nay chưa cho thấy ba thứ sử này đánh lẫn nhau). Một số Thứ sử khác thì “tự giữ” đất để chờ vua mới lên ngôi và tình hình chiến sự giữa các nhóm thế lực trên. Sự cát cứ ở giai đoạn này còn phải kể đến hai thôn (họ) Đường- Nguyễn ở đất Thái Bình (Phú Thọ ngày nay).
Trên đây là một số ý kiến bổ sung của chúng tôi về việc nhận thức lại sự kiện Đinh Bộ Lĩnh và tình hình động loạn thời Hậu Ngô vương trong thế kỷ X. Những giả thuyết hay đề xuất được nêu ra trong bài viết được dựa trên những sử liệu mà chúng tôi tiếp cận được. Và những giả thuyết ấy sẽ cần phải đặt lại một khi sử liệu có phát hiện mới- khác hoặc là khi cách đọc sử liệu của chúng tôi có điểm bất cập mà chúng tôi chưa nhận thức được hết.

“Đọc lại” lịch sử: vượt qua nỗi sợ

Hương Lan

SGTT.VN - Xét lại lịch sử, hay gọi một cách ôn hoà hơn là nhìn lại lịch sử đang trở thành một hướng đi mới, đầy lôi cuốn với không ít nhà nghiên cứu. Và, không ít người cũng băn khoăn: ứng xử ra sao trước xu hướng đang gây tranh cãi này?

Xét lại lịch sử: có nên gọi là trào lưu?



Sự kiện “xét lại” mới nhất là buổi thuyết trình “Đinh Bộ Lĩnh – loạn sứ quân: từ sử liệu tới sử thực” của TS Trần Trọng Dương (viện Nghiên cứu Hán Nôm), diễn ra sáng 28.2 tại Hà Nội. Bên cạnh những nghi vấn tác giả đưa ra như: Đinh Bộ Lĩnh có thực xuất thân là cậu bé chăn trâu mồ côi cha, sau này trở thành biểu tượng cho ý thức thống nhất quốc gia, hay thật ra ông là sứ quân nổi loạn sớm nhất và quyết liệt nhất trong 12 sứ quân nổi loạn, cử toạ còn bất ngờ trước rất nhiều kết quả nghiên cứu khác. Chẳng hạn, theo nhà sử học Đào Hùng, nhìn vào cục diện 12 sứ quân nổi loạn, sự phân định chính – nguỵ chỉ là tương đối, và cần xem xét lại. Đồng thời, ý thức thống nhất quốc gia chưa hẳn đã hình thành trong thời đại Ngô Quyền, thậm chí, thời đại của Đinh Bộ Lĩnh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tô Lan thì khẳng định: không thể có loạn 12 sứ quân khi họ luôn giữ gìn tư thế “tự giữ”. Tức là, không chỉ TS Trần Trọng Dương, mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử khác cũng âm thầm đặt nghi vấn về Đinh Bộ Lĩnh, cũng tự khảo sử, nghiên cứu trong một quá trình dài, để có thể đưa ra một cách nhìn riêng, khách quan hơn, nhằm bổ sung cho chính sử.

Năm 2007, khi cuốn Việt sử yếu của Hoàng Cao Khải được xuất bản sau nhiều năm lận đận, người ta thấy rõ, ít nhất là từ một, hai thế kỷ trước, đã có những sử gia, chuyên hoặc không chuyên, nuôi dưỡng ý định giải mã nhiều góc khuất trong lịch sử. Khá thú vị, chính Hoàng Cao Khải cũng trở thành đối tượng “xét lại” của không ít nhà nghiên cứu, điển hình là TS Chương Thâu. Ông cho rằng, Hoàng Cao Khải đã không ít lần lợi dụng chức tổng đốc, ngầm hỗ trợ nghĩa quân Yên Thế, nhất là báo trước những cuộc đàn áp của lính Pháp. Từ sự mạnh dạn của TS Chương Thâu, nhiều nhân vật lịch sử khác đã, đang hoặc bắt đầu được nhìn lại theo hướng đa chiều, khách quan hơn như Phan Thanh Giản, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký… Và, không ít nghiên cứu được khởi sự một cách âm thầm, tự phát, có khi phải ngắt quãng nhiều năm do thiếu kinh phí và tư liệu lịch sử.

Cần một cái nhìn mở

Nghiên cứu về Đinh Bộ Lĩnh của TS Trần Trọng Dương không thể hoàn thành nếu tác giả chỉ khoanh vùng phạm vi khảo cứu trong một số cuốn sử Việt Nam còn sót lại. Trước đó, để có thể đưa ra những kết luận mới về Hoàng Cao Khải, TS Chương Thâu cũng phải tìm kiếm, rồi nghiền ngẫm các trang mật trong tài liệu cũ của Pháp. Với nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Huệ Chi, cái nhìn cởi mở trước các nguồn sử liệu phong phú là một cách làm sử mới so với thế hệ trước. Và đó cũng là lựa chọn thông minh nếu các nhà sử học thời nay muốn “đọc lại” lịch sử. PGS.TS Trần Ngọc Vương cho rằng, không nên bỏ qua những nguồn sử liệu nước ngoài, những bộ tư sử, dã sử… bởi sự tỉ mẩn là cách thức nghiên cứu đem lại hiệu quả cao. Và, ông nhấn mạnh, xét lại lịch sử là một xu thế, là hoạt động nghề nghiệp rất bình thường trên thế giới. Lạ là, tại Việt Nam, nó trở thành một nỗi sợ có thật!

“Loạn 12 sứ quân”: Nhân dân vẫn yêu quý những người giữ nước, giúp dân

Vương Anh


NDĐT - Cho tới gần đây, khi viết về loạn 12 sứ quân, phần lớn các sử gia đều phê phán. Gần đây, qua các Hội thảo khoa học về Nhà Đinh và tiền Lê, về nhân vật lịch sử Đỗ Cảnh Thạc, tọa đàm khoa học về Đinh Bộ Lĩnh và 12 sứ quân..., nhiều nhà nghiên cứu sử học, hán nôm học, văn hóa học đã đưa ra những cách nhìn và đánh giá khác về hiện tượng này.

Trong các bộ sử cũ biên soạn dưới thời quân chủ, các sử gia phong kiến, nhất là các sử thần triều Nguyễn, thường cho rằng: Các sứ quân chỉ gây nên cảnh loạn ly, rối ren, khổ cực cho dân chúng, “ai nấy đều chiếm cứ huyện ấp, mưu thôn tính lẫn nhau”, hay “tụ tập quân đánh lẫn nhau”. Tuy nhiên, theo PGS,TS Nguyễn Danh Phiệt (Viện Sử học): “Kiểm tra qua thần tích, truyền thuyết, truyện kể, tuyệt nhiên chưa hề nói đến các sứ quân thôn tính lẫn nhau. Có chăng chỉ còn hiện tượng tìm cách liên kết chống lại Đinh Bộ Lĩnh, nhưng mưu toan không thành… Tất nhiên, tình trạng tự quản kéo dài, các sứ quân tập hợp lực lượng ngày càng mạnh mẽ sẽ dẫn đến hỗn chiến, thôn tính lẫn nhau. Trên thực tế, khả năng đó chưa thành hiện thực”. Trong số 12 sứ quân do sử sách cung cấp, theo thần phả, thần tích và sử sách có (đến) chín người là tướng thần của vương triều Ngô (Ngô Quyền), đã góp nhiều công tích trong việc xây dựng chính quyền tự chủ và kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập non trẻ.

Những mâu thuẫn rối ren trong nội bộ đã khiến triều đình của Ngô Quyền để lại sau khi ông mất (năm 945) không thể đảm đương được trách nhiệm quản lý đất nước. Xu hướng phân tán đã tồn tại như một di sản của quá khứ, gặp thời điểm chính quyền trung ương quá suy yếu, bất lực nên có điều kiện bộc phát. Xu thế phân tán trong bất kỳ thời điểm nào cũng gây tổn hại đến con đường phát triển của đất nước. Sử cũ cũng ghi lại các thủ lĩnh địa phương quản lý vùng đất và cư dân dưới quyền mình chỉ là các thế lực tự trị, chỉ là việc tự quản, “tự giữ”, chỉ xưng “công” chứ không (phải là) xưng “vương”. Chữ “sứ quân” hay “loạn 12 sứ quân” xuất hiện muộn hơn rất nhiều về sau, dưới quan điểm của các sử gia phong kiến chính thống. Những nghiên cứu mới gần đây đã cho thấy rằng : Đinh Bộ Lĩnh không phải “nổi lên” sau khi có tình trạng cát cứ mà chính ông, với tài năng quân sự và sự khôn khéo chính trị nổi bật của mình, cũng là một thế lực cát cứ mạnh (và sau này trở nên mạnh nhất) từ rất sớm trên vùng đất Hoa Lư (TS Trần Trọng Dương - Tọa đàm khoa học “Đinh Bộ Lĩnh – Loạn sứ quân: Từ sử liệu đến sử thực). Trong 15 năm (từ năm 951 đến năm 965) Đinh Bộ Lĩnh tích lũy lực lượng, củng cố vị thế và chờ thời cơ. Đến năm 967, Đinh Bộ Lĩnh đã đứng đầu liên minh mạnh nhất, giành được thế thượng phong, đánh bại những lực lượng còn lại của nhà Ngô, đồng thời buộc các sứ quân khác chấm dứt sự cát cứ của mình.

Đặc điểm của xu thế phân ly, chia tách là chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (so với lịch sử của đất nước ). Khi có một lực lượng đủ mạnh (về cả chính trị và quân sự), đủ sức thâu tóm quyền lực về tay mình để dựng nên một chính quyền thống nhất, các lực lượng cát cứ ở địa phương sẽ bị tiêu diệt. Đây là một quy luật bất biến của lịch sử Việt Nam. Thực tế lịch sử đã cho thấy: Chỉ hai năm sau khi nhà Ngô chính thức chấm dứt (năm 965), các sứ quân đã nhanh chóng tan rã hay quy phục dưới cờ của Đinh Bộ Lĩnh, cùng nhau xây dựng nước Đại Cồ Việt độc lập tự chủ. Xu hướng phân tán bị đẩy lùi, xu hướng thống nhất thắng thế để phát triển đất nước.

Xét trên lợi ích quốc gia, việc cát cứ (của các “sứ quân”) đi ngược lại nguyện vọng thống nhất của dân tộc. Nhưng có thể thấy trong bối cảnh đất nước rơi vào tình trạng “vô chính phủ”, việc các vị hào trưởng có thế lực quân sự mạnh, thiết lập chính quyền, duy trì trật tự tại địa phương để nhân dân có thể sống yên bình (tạm thời) trong vùng đất của họ là điều cần thiết và thuận lòng dân - dù việc này không có tính toàn cục và chỉ diễn ra trong một thời đoạn ngắn.

Có thể kể về nhân vật lịch sử Đỗ Cảnh Thạc như một thí dụ để chứng minh rằng : Dân vẫn tôn thờ những người có công bảo vệ, chăm lo cho họ. Trên vùng đất (Đỗ Động giang) mà Đỗ Cảnh Thạc cát cứ và trấn trị xưa là các huyện Thanh Oai, Quốc Oai (Hà Nội ngày nay), còn nhiều chứng tích cho thấy nhân dân rất biết ơn ông, dựng nhiều đình, đền để thờ phụng Đỗ Cảnh Thạc. Từ thời Lê, triều đình cũng thường ghi nhận công lao và ban nhiều đạo sắc phong, cho phép người dân được thờ phụng vị Thượng đẳng thần này. Tại đình Ngô Sài (huyện Quốc Oai, Hà Nội) thờ ông là thần thành hoàng còn lưu câu đối :

Hộ quốc tý dân, dịch thế thanh linh, thần tích hiển.

Minh công, lục đức lũy triều phong tặng đế ân long.

Tạm dịch:

Giữ nước, giúp dân, thanh danh lẫy lừng, thần tích hiển.

Khắc công, ghi đức, nhiều triều phong tặng.

Mục đích sâu xa của việc thờ phụng (không chỉ riêng Đỗ Cảnh Thạc) được các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: Đó là việc làm không chỉ vì người xưa, mà chủ yếu vì người nay: Giáo dục đạo lý cho thế hệ sau để sống sao cho xứng đáng với những gì mà tổ tiên để lại. Điều đó cũng nói lên rằng: Cần quan tâm tới việc bảo tồn, tôn tạo các di tích liên quan tới các bậc danh nhân lịch sử của dân tộc, vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của chúng ta, vừa góp phần giáo dục tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu quý quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/di-san/lo-n-12-s-quan-nhan-dan-v-n-yeu-qu-nh-ng-ng-i-gi-n-c-giup-dan-1.337009