Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

“Đọc lại” lịch sử: vượt qua nỗi sợ

Hương Lan

SGTT.VN - Xét lại lịch sử, hay gọi một cách ôn hoà hơn là nhìn lại lịch sử đang trở thành một hướng đi mới, đầy lôi cuốn với không ít nhà nghiên cứu. Và, không ít người cũng băn khoăn: ứng xử ra sao trước xu hướng đang gây tranh cãi này?

Xét lại lịch sử: có nên gọi là trào lưu?



Sự kiện “xét lại” mới nhất là buổi thuyết trình “Đinh Bộ Lĩnh – loạn sứ quân: từ sử liệu tới sử thực” của TS Trần Trọng Dương (viện Nghiên cứu Hán Nôm), diễn ra sáng 28.2 tại Hà Nội. Bên cạnh những nghi vấn tác giả đưa ra như: Đinh Bộ Lĩnh có thực xuất thân là cậu bé chăn trâu mồ côi cha, sau này trở thành biểu tượng cho ý thức thống nhất quốc gia, hay thật ra ông là sứ quân nổi loạn sớm nhất và quyết liệt nhất trong 12 sứ quân nổi loạn, cử toạ còn bất ngờ trước rất nhiều kết quả nghiên cứu khác. Chẳng hạn, theo nhà sử học Đào Hùng, nhìn vào cục diện 12 sứ quân nổi loạn, sự phân định chính – nguỵ chỉ là tương đối, và cần xem xét lại. Đồng thời, ý thức thống nhất quốc gia chưa hẳn đã hình thành trong thời đại Ngô Quyền, thậm chí, thời đại của Đinh Bộ Lĩnh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tô Lan thì khẳng định: không thể có loạn 12 sứ quân khi họ luôn giữ gìn tư thế “tự giữ”. Tức là, không chỉ TS Trần Trọng Dương, mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử khác cũng âm thầm đặt nghi vấn về Đinh Bộ Lĩnh, cũng tự khảo sử, nghiên cứu trong một quá trình dài, để có thể đưa ra một cách nhìn riêng, khách quan hơn, nhằm bổ sung cho chính sử.

Năm 2007, khi cuốn Việt sử yếu của Hoàng Cao Khải được xuất bản sau nhiều năm lận đận, người ta thấy rõ, ít nhất là từ một, hai thế kỷ trước, đã có những sử gia, chuyên hoặc không chuyên, nuôi dưỡng ý định giải mã nhiều góc khuất trong lịch sử. Khá thú vị, chính Hoàng Cao Khải cũng trở thành đối tượng “xét lại” của không ít nhà nghiên cứu, điển hình là TS Chương Thâu. Ông cho rằng, Hoàng Cao Khải đã không ít lần lợi dụng chức tổng đốc, ngầm hỗ trợ nghĩa quân Yên Thế, nhất là báo trước những cuộc đàn áp của lính Pháp. Từ sự mạnh dạn của TS Chương Thâu, nhiều nhân vật lịch sử khác đã, đang hoặc bắt đầu được nhìn lại theo hướng đa chiều, khách quan hơn như Phan Thanh Giản, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký… Và, không ít nghiên cứu được khởi sự một cách âm thầm, tự phát, có khi phải ngắt quãng nhiều năm do thiếu kinh phí và tư liệu lịch sử.

Cần một cái nhìn mở

Nghiên cứu về Đinh Bộ Lĩnh của TS Trần Trọng Dương không thể hoàn thành nếu tác giả chỉ khoanh vùng phạm vi khảo cứu trong một số cuốn sử Việt Nam còn sót lại. Trước đó, để có thể đưa ra những kết luận mới về Hoàng Cao Khải, TS Chương Thâu cũng phải tìm kiếm, rồi nghiền ngẫm các trang mật trong tài liệu cũ của Pháp. Với nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Huệ Chi, cái nhìn cởi mở trước các nguồn sử liệu phong phú là một cách làm sử mới so với thế hệ trước. Và đó cũng là lựa chọn thông minh nếu các nhà sử học thời nay muốn “đọc lại” lịch sử. PGS.TS Trần Ngọc Vương cho rằng, không nên bỏ qua những nguồn sử liệu nước ngoài, những bộ tư sử, dã sử… bởi sự tỉ mẩn là cách thức nghiên cứu đem lại hiệu quả cao. Và, ông nhấn mạnh, xét lại lịch sử là một xu thế, là hoạt động nghề nghiệp rất bình thường trên thế giới. Lạ là, tại Việt Nam, nó trở thành một nỗi sợ có thật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét