Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

VĂN BIA ĐẠI TÙY-THỨ SỬ LÊ HẦU VÀ LỊCH SỬ VIỆT NAM THẾ KỶ 6-7

VĂN BIA ĐẠI TÙY-THỨ SỬ LÊ HẦU VÀ LỊCH SỬ VIỆT NAM THẾ KỶ 6-7

Trần Trọng Dương

Trần Trọng Dương. Văn bia Đại Tùy Cửu Chân- Thứ sử Lê Hầu và lịch sử Việt Nam thế kỷ VI-VII. Suối nguồn. Nxb Hồng Đức. 2014. tr.13- 72.


Tấm bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn được giáo sư Đào Duy Anh phát hiện năm 1960 và ông đã công bố một bài nghiên cứu vào năm 1963. Tấm bia được tìm thấy tại đền thờ Lê Cốc (hay Lê Ngọc) làng Trường Xuân, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Giáo sư Đào gọi là “bia cổ Trường Xuân”, học giả Trần Văn Giáp gọi là “bia đời Tùy”, nay chúng tôi gọi tắt là "bia Đại Tùy Cửu Chân" để tiện trình bày. Văn bia hiện đang lưu trữ tại khu trưng bày hiện vật giai đoạn Bắc thuộc (tầng 1) trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội. Tác giả bài văn bia này là Kiểm hiệu Giao Chỉ quận, Nhật Nam quận thừa, kiêm Nội sử Xá nhân, Nguyên Nhân Khí người ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc (xem chú thích 11 trong phần dịch). Văn bản được khắc vào năm Nhâm Dần, ghi niên hiệu đời nhà Tùy năm Đại Nghiệp thứ 14 (618). Từ năm 1960 đến năm 2012, văn bia này được coi là hiện vật văn hiến có niên đại sớm nhất tại Việt Nam [Đào Duy Anh 1963, Trần Văn Giáp 1969, Trịnh Khắc Mạnh 2008], trong đó có chứa nhiều sử liệu có giá trị không thấy được ghi nhận trong các bộ sử lớn của Trung Quốc và Việt Nam. Bài viết này sẽ tiến hành nghiên cứu về vấn đề văn bản học, sử liệu học của văn bia Đại Tùy để từ đó góp phần soi sáng những góc khuất chưa từng biết đến của lịch sử Việt Nam từ nửa sau thế kỷ thứ sáu đến đầu thế kỷ thứ bảy.

1. Một số vấn đề văn bản học của bia Đại Tùy Cửu Chân


Tấm bia Đại Tùy Cửu Chân có chiều cao quãng 152-153cm, rộng quãng 76-78 cm, dày 10,5cm. Tấm bia được làm bằng phiến thạch, nhưng trải qua gần 1.500 năm, đến nay chất đá đã bở thành nhiều lớp. Bố cục bia chia làm 3 phần: trán bia, thân bia và chân bia.
Phần trán bia (bi ngạch) được đẽo thành hình bán nguyệt cao 46 cm, diềm trán bia không đẽo góc vuông như các bia đời sau mà trực tiếp tạc lên đó hình đôi rồng liền thân , hai đầu rồng hướng sang hai bên cạnh bia, hướng miệng cắm vuông góc với mặt đất. Miệng rồng há, để lộ 4 cặp răng hàm bằng đều và hai chiếc răng nanh dài nhọn. Bờm rồng vuốt từ khóe miệng ra phía sau, áp sát theo thân rồng. Phía dưới cằm và trên môi trên chạm các tua râu bó sát đầu rồng. Phía trên đầu là lông mày tạc nổi, che phần hốc mắt phía trong. Ngay sau phần mày rồng, tai rồng và sừng rồng cũng kéo dài về phía sau áp theo khối thân. Riêng cuống tai dài bằng cả phần chính của tai. Giữa thân rồng có ba vạch khắc sâu. Cách tạc này cho thấy, bia được tạc khối chữ nhật trước, sau đó mới chém các cạnh mà chạm sâu vào thớ đá. Cách tạc này khiến cho hình mình rồng chính là phần trên cùng của trán bia (cả ở hai mặt, dù mặt âm không có chữ), bụng rồng ôm lấy phần không gian khắc chữ trên ngạch bia.

Phần chữ trên ngạch bia có thể khảo tả lại như sau. Trong phần bán nguyệt phía trong, còn lại trên trán bia, không gian được đặt ở chính giữa bởi một hình chữ nhật. Hình chữ nhật này được chia đều thành 12 ô vuông, và cách nhau bởi các gờ tự nhiên sau khi đã giật lòng tạo nét trong từng ô đó. Trong mỗi ô là một chữ triện khắc dương bản, là các chữ: 大隋九真 郡寶安道場之碑文. Các chữ này được sắp theo hàng dọc từ phải sang trái, gồm 4 hàng, mỗi hàng 3 chữ. Những phong cách mỹ thuật và thư pháp trên trán bia có thể cho phép đi đến nhận định rằng, tấm bia này giống như các văn bia đời Lục Triều khác hiện còn . Bia còn kỵ húy chữ “tùy”, nhà Tùy cho chữ “隨” có bộ quai xước (辶), trỏ việc chạy đi chạy lại long đong vất vả, nên mới dùng tự dạng “隋” . Từ tiêu chí mỹ thuật và văn tự học, có thể khẳng định, đây là một tấm bia nguyên bản có từ đời Tùy.

Phần thân bia cao 106 cm. Mặt bia nhiều chỗ đã bị bào mòn, nhiều chữ bị mờ không nhìn thấy chữ nữa. Bia không giật lòng, chữ viết được khắc trên mặt phẳng với trán bia. Phần phía dưới cùng bên tay phải của bia bị vỡ mất một miếng lớn, phía sau vỡ rộng hơn và cao hơn mặt trước. Dòng thứ nhất các chữ bị mất là “Nhân Khí soạn”, dòng thứ hai mở đầu bằng chữ “phù” và các chữ bị vỡ mất là “hỏa trạch”, dòng thứ 3 là chữ “dẫn” mở đầu, kết thúc là các chữ “kỳ hồi hướng phúc địa”, trong đó chữ “phúc địa” cũng đã bị vỡ mất. Mặt dương của bia có ba đường kẻ sọc, tạo thành 2 phần diềm bia nhỏ hai bên và ba không gian lòng bia dùng để khắc chữ. Hiện trạng văn bia chỉ còn đọc được khoảng 40-50 chữ. Song có thể đếm được văn bia có 26 dòng, mỗi dòng khoảng 38-40 chữ, viết bằng chữ chân (khải thư) . Dòng đầu tiên ghi lại tên bia, hết tên bia để quãng cách không gian, để phần cuối của dòng đó khắc tên và chức vụ của người soạn văn, dòng cuối cùng là tên người lập bia và niên đại dựng. Phần chân bia không rõ nguyên bản ra sao, còn hay mất. Chỉ thấy hiện vật trưng bày trong bảo tàng ngày nay được gắn liền trên một chân bia bằng bê tông! Trần Văn Giáp đoán có khả năng chân bia hiện vẫn còn ở địa phương [1969: 3]. Nhưng theo thông tin từ một số cán bộ văn hóa ở Thanh Hóa hiện nay, chân bia đã bị đem nung vôi vào quãng cuối những năm 1960. Bản rập của tấm bia mang số ký hiệu 20945 hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tiếc rằng bản rập có niên đại quá muộn nên cũng không có tác dụng nhiều cho việc giải độc tự dạng và khôi phục văn bản.

Văn bản còn lại nhiều chữ nhất đến nay còn giữ được là một bản sao của ông Chu Văn Liên, được thực hiện vào ngày mùng 9 tháng 4 năm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nhâm Dần (1962) có tên là Tùy thì Đại Nghiệp bi văn, hiện cũng được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số ký hiệu VHv.2369, có ghi nhận ông Nguyễn Tấn Minh là người kiểm duyệt việc sao chép. Văn bản này chép lại một bản sao vào đời Nguyễn, vào ngày 26 tháng 02 niên hiệu Thiệu Trị (1842). Bản này dùng để giao cho xã Đồng Pho để phụng thờ, lưu chiểu .

Bản chép đời Thiệu Trị nguyên chép lại một bản khác cổ hơn do thân hào các xã Phù Liễn, Đồng Pho, Vạn Lộc, Hữu Bộc thuộc tổng Thạch Khê huyện Đông Sơn đã hội họp cùng nhau, rửa bia đọc chữ, rồi sao chép lại vào ngày 28 tháng 4 năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731). Các cụ ở Thạch Khê đời Thiệu Trị đã dựa trên bản này mà chép thành năm bản, một bản lưu lại đền thờ Lê Cốc ở Thạch Khê, bốn bản còn lại giao cho các xã Phù Liễn, Đồng Pho, Vạn Lộc, Hữu Bộc để thờ truyền đời . Cũng theo Đào Duy Anh, ông đã nộp bài văn bia đời Vĩnh Khánh cùng các thần tích về Lê Hầu và vợ con ngài, biếu cho Thư viện Khoa học Trung ương năm 1963. Nhưng đến nay, chúng tôi chưa tìm ra ký hiệu của các sách này .

Dựa trên các văn bản văn bia, bản rập, các bản sao còn lại, nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo dị, khôi phục và chú thích bài văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn này. Đầu tiên là bản in trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Tập 1, Từ Bắc thuộc đến thời Lý, Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện, Paris-Hà Nội 1998: 7-9). Năm 2000, phó giáo sư Trần Nghĩa công bố một bản chỉnh lý mới, kèm thêm các phần phiên âm khảo dị trong chuyên luận Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X (tr. 262-271). Đối chiếu tất cả các bản trên, chúng tôi thấy tình trạng văn tự của văn bản này như sau. Bài minh có 30 câu, mỗi câu 4 chữ, độ dài văn bản là 120 chữ, hiện chỉ còn đọc được 102 chữ. Toàn bài văn bia có độ dài 957 chữ, hiện đã mờ mất 246 chữ, chỉ còn đọc được 711 chữ.

Đến đây chúng tôi thấy có thể chia ra làm ba hệ văn bản của bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn như sau.
(1) Hệ 1: [1a] văn bản gốc văn bia tại Bảo tàng (niên đại tuyệt đối 618) > [1b] bản dập thác bản văn bia (niên đại bản dập đầu thế kỷ 20) > [1c] các bản ảnh ấn lại thác bản này trong Tổng tập văn bia Việt Nam (2009), Một số vấn đề về văn bia Việt Nam (2008), [1d] các bản ảnh điện tử chụp văn bia và thác bản văn bia của chúng tôi (chụp năm 2012) được in lại trong lần xuất bản này, [1e] bản ảnh điện tử chụp lại thác bản văn bia của Viện NC Hán Nôm (niên đại: XX-2000).

(2) Hệ 2: các văn bản ghi chép-giải độc văn tự của đời sau. [2a] Bản chép tay của các cụ lão nhiều địa phương thực hiện vào năm Vĩnh Khánh thứ 3, gọi là bản 1731 (đã mất); [2b] Bản chép tay lại bản này vào đời Thiệu Trị, ta gọi là bản 1842. [2c] Bản chép tay lại bản Thiệu Trị vào năm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nhâm Dần, ta gọi là bản 1962. Hai bản [2a] và [2b] chúng ta không có trong tay. Bản [2a] khả năng cao là không thể tìm lại được. Bản [2b] có thể sưu tầm lại ở địa phương. Chúng tôi chỉ có bản [2c] để làm căn cứ đối chiếu.

(3) Hệ 3: các văn bản phục dựng của các nhà nghiên cứu. Trước nay chỉ có hai bản làm theo hướng này. Đó là bản của nhóm Phan Văn Các – Claudine Salmon năm 1998 và bản Trần Nghĩa năm 2000. Các tác giả đã tiến hành phục dựng một số vị trí đã mất, và cũng đã có những thảo luận khác nhau ở từng trường hợp cụ thể. Các phương pháp mà các nhà khoa học đưa ra là tiêu chí văn bản học, văn tự học, ngữ nghĩa học. Song, về cơ bản, hai bản này tuy không phải là bản gốc, và nếu tính về thời gian thì đây là hai bản muộn nhất, nhưng với phương pháp làm việc khoa học, đây có thể coi là hai bản tốt nhất đầy đủ nhất hiện còn.

Chúng tôi tạm lấy bản của nhóm Phan Văn Các và Claudine Salmon làm bản nền, bản Trần Nghĩa làm bản đối chiếu. Cách làm như vậy là ngược so với các thao tác văn bản học truyền thống. Sở dĩ như vậy là vì bản văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn còn lại đến nay đã tàn khuyết, hư hại nặng nề. Hiện chỉ còn đọc được vài chục chữ. Tuy nhiên, với vài chục chữ này, chúng tôi vẫn coi đây như là một văn bản gốc đáng tin cậy nhất để đưa ra những nhận định khoa học cuối cùng cho những vị trí ở trong các văn bản thuộc hệ 2 và hệ 3. Ví dụ, các hệ bản số 3 và số 2 không có tên phụ của bia, nay dựa trên bản gốc [1a] chúng tôi bổ sung thêm dòng này ngay đầu văn bản, rồi tiếp đó mới đến tên họ chức danh người soạn bia.

Ví dụ thứ hai, trước đây các nhà nghiên cứu có cân nhắc về tên hiệu con trai trưởng của Lê Hầu. Nhóm Phan Văn Các nhìn trên văn bia thì các nét bút còn lại không cho phép nghĩ rằng đó là chữ “益”, nên tạm để khuyết, và xác định tên của nhân vật này là “[…] Tự”. Nay dựa trên văn bia bản [1a] và bản 1962 [1c] , chúng tôi đưa ra hai kết luận như sau. (I) Tự dạng mà nhóm Phan Văn Các để khuyết là chữ “益”, vì lối viết liên bút trong hành thư khiến cho các nét chấm trong phần trên của chữ “ích” bị liền thành hai nét ngang ( ). (II) Tên hiệu của nhân vật này là “Ích Từ”. Nguyên văn chúng tôi xin đánh máy lại như sau: 長子益慈嗣... Sở dĩ, có thuyết cho đó là Ích Tự (益嗣) vì đọc sót chữ “từ”. Đoạn trên có thể phân tích như sau: “trưởng tử Ích Từ” là chủ ngữ, “tự” là động từ vị ngữ trong câu. Rất tiếc là sau chữ “tự” bị mất mấy chữ, nên không rõ tân ngữ/ hoặc bổ ngữ đầy đủ là gì, nhưng ngay sau đó còn một số chức danh và quan trọng nhất là chức Nhật Nam thứ sử. Chúng tôi tạm dịch cả câu như sau: “con trai trưởng [của Lê Hầu] tên hiệu là Ích Từ, nối [chức cha trước đây…], làm Thái thú quận Nhật Nam, kiêm [Tuyên] uy Tướng quân”. Bản 1962 là bản cũng khá muộn, song được sao chép có chủ đích về khoa học và có người giám sát về văn bản học, nên tạm thời có thể làm một bản tham khảo, đối chiếu. Bản Phan Văn Các có phục dựng được một số chữ và quan trọng nhất là lần đầu tiên có một bản làm đúng theo thao tác văn bản học, và bản này còn có trên 50 chú thích về từ ngữ, khảo dị, biện luận văn tự học. Bản của Trần Nghĩa chỉ có khoảng 20 chú thích. Đây chính là lý do khiến chúng tôi không lấy bản Trần Nghĩa mà chọn bản phục dựng của nhóm Phan Văn Các làm bản nền.

Công việc lần này của chúng tôi gồm:
1. Khảo tả lại tình trạng và mỹ thuật văn bia như đã thực hiện ở đầu bài khảo cứu.
2. Tái lập một số chữ đã bị mất thông qua con đường văn tự học, thi vận học, ngữ nghĩa học.
3. Tiến hành chú thích bổ sung các khái niệm Phật học, Nho học, nhân danh, địa danh, chức quan.
4. Phiên âm, hiệu điểm (chấm câu), ngắt ngữ đoạn.
5. Và quan trọng nhất, lần đầu tiên văn bản văn bia này được dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên, vì số lượng chữ mất quá nhiều, cho nên bản dịch này chỉ mang tính chất phỏng đoán ở nhiều đoạn (được đặt trong ngoặc vuông [...] ), riêng đoạn giữa tàn khuyết nặng nhất, nên có khi chỉ dịch đôi ba chữ lẻ, không thể dịch thành một ngữ đoạn, chỉ có phần bài minh còn khá đầy đủ nên chúng tôi dịch đúng văn vận, một số câu, chữ bị mất thì được chúng tôi phỏng dựng bằng phương pháp ngôn ngữ học và từ chương học cổ điển.
Về cách trình bày, mỗi chữ bị mất đều được ký hiệu bằng một ô vuông (cả ở phần chính văn Hán văn và phần phiên âm), các chữ bị mờ trên văn bia hoặc trên các bản sao được đoán đọc thì tự dạng tái lập cùng phiên âm, dịch nghĩa của các vị trí tái lập đó sẽ được đặt trong ngoặc vuông. Các chú thích được đánh số ở cả chính văn, phiên âm và dịch nghĩa.

2. Sự nghiệp Lê Hầu và lịch sử Việt Nam thế kỷ 6-7 qua sử liệu bia Đại Tùy Cửu Chân

Về nội dung, tấm bia Đại Tùy Cửu Chân đề cập đến một nhân vật lịch sử họ Lê, giữ chức Thứ sử ở quận Cửu Chân, ông từng trải các chức Ái Châu Thứ sử, Đô đốc Ái-Đức-Minh-Lị-Hoan chư quân sự vào thời nhà Lương, sau giữ các chức Thường thị Uy vũ Tướng quân, Cửu Chân thứ sử, tước Mục Phong hầu. Cho nên, ông còn được Nguyên Nhân Khí gọi là Lê Hầu, Lê Thứ sử hay Sứ quân Lê.
Bài văn bia ghi lại việc Lê Hầu dựng đạo tràng Bảo An (chùa Bảo An) tại quận Cửu Chân. Như truyền thống dựng chùa tháp và lập bi văn, chúng ta có thể thấy, Lê Hầu chính là hưng công hội chủ để xây dựng chùa này. Sau khi dựng chùa, ông đã mời Nguyên Nhân Khí viết văn bia, khi đó ông này đang giữ các chức Kiểm hiệu Giao Chỉ quận, Nhật Nam quận thừa, kiêm Nội sử xá nhân. Xét về chức quan, thì Lê Hầu giữ chức vụ cao hơn Nguyên Nhân Khí. Nguyên Nhân Khí có lẽ khi đó ít tuổi hơn, nhưng vì là người “thông minh mẫn tiệp”, giỏi văn chương và hiểu sâu về đạo Phật, nên đã được Lê Hầu nhờ soạn minh văn. Nguyên Nhân Khí là người Bắc, đến làm quan tại Nhật Nam, là em trai của Nguyên Huy – một người đang rất được trọng vọng ở triều đình nhà Tùy thời bấy giờ (cụ thể xem chú thích 11 trong phần dịch văn bia ở sau). Việc Lê Hầu nhờ Nhân Khí, hẳn thấy được sự quan hệ ở tầm cấp cao của hệ thống chính quyền thời bấy giờ. Lê Hầu trước đó hẳn đã nghe được văn tài cũng như thưởng đọc các tác phẩm của Nhân Khí, nên mới giao trọng trách này cho ông. Và ta biết, bài văn bia này cũng là tác phẩm văn chương duy nhất còn lại của Nguyên Nhân Khí. Qua lời văn bia, ta có thể thấy phần nào văn tài cũng như học vấn về Phật giáo của nhân vật này:

夫 法理靈符,非世智之可求;
法性幽深,豈石言之所測。
故 梵魔之境,猶為化城;
三界之間,方稱火宅。
Phù,
Pháp lý linh phù, phi thế trí chi khả cầu;
Pháp tính u thâm, khởi thạch ngôn chi sở trắc.
Cố,
Phạm ma chi cảnh, do vi hóa thành;
Tam giới chi gian, phương xưng hỏa trạch.

Tạm dịch sang văn vần:
Ôi,
Pháp Phật thiêng liêng, trí tuệ thế gian há thửa cầu.
Pháp tính thâm sâu, lời nói của trời khôn đoán hết.
Nên,
Cảnh Phạm thiên, còn là hóa thành
Chốn tam giới, cũng là nhà lửa.

Quay trở lại với nội dung tấm bia, chúng ta thấy, văn bia này còn ghi lại nhiều địa danh hành chính cổ vào nửa sau thế kỷ 6, đầu thế kỷ 7, như quận Giao Chỉ, quận Nhật Nam, châu Đức, châu Ái, châu Lị, châu Minh, châu Hoan, huyện Cửu Chân, quận Cửu Chân, quận Nam, huyện Vệ An, Giao Chỉ và một số khe động ở quận Cửu Chân. Những mảnh chữ rời còn sót lại như vậy ít nhiều cho phép chúng ta mường tượng các cấp hành chính vào thời này. Khe và Động có khả năng là những đơn vị cư dân bản địa, hẳn sẽ có tên nhưng không thấy chép trong văn bia hoặc đã mờ mất, chỉ biết Lê Hầu từng đem ân đức tưới tắm ở các khe động này, khiến nhân dân đều an cư lạc nghiệp ([ân] toại phú dân) mà tôn sùng ông, theo về với ông.

Người đầu tiên nghiên cứu về Lê Ngọc/Lê Hầu là Le Breton, ông cho rằng Lê Ngọc là Đô hộ Giao Châu (sic), là người đã dựng một quốc gia riêng và đóng đô ở Trường Xuân (Cửu Chân), sau đó ông chia các vùng lãnh thổ cho các con. Con cả Ích Trí (sic) được giao trị nhậm ở Cửu Chân, con thứ hai là Trung Quốc được làm Tả Quốc, con gái Tưng Liệt (sic, có lẽ là Trung Liệt – TTD chú) được trấn ở Đông Kinh. Sau đó, gia tộc của Lê Ngọc đã bị nhà Đường đánh lui về Cửu Chân, rồi bị tiêu diệt. Ông cho rằng thời đại của Lê Ngọc tồn tại từ năm 612 đến năm 619 [Le Breton 1924: 29]. Tuy nhiên, học giả người Pháp lại không thấy dẫn sử liệu nào từ văn bia, ông cũng không nhắc đến sự tồn tại của bia này. Theo phán đoán của chúng tôi, ông đã chủ yếu dựa vào thần tích.

Năm 1960, giáo sư Đào Duy Anh đã trở về Thanh Hóa khảo sát thực địa. Trong chuyến điền dã này, ông đã phát hiện ra tấm bia Đại Tùy Cửu Chân tại Trường Xuân. Sau đó, giáo sư Đào Duy Anh đã kết hợp với các tư liệu thần phả sưu tầm được tại địa phương và xác định rằng Thứ sử Lê tên thật là Lê Cốc hay Lê Ngọc, tổ tiên làm quan đời Tấn ở Trung Quốc và được phong hầu, đến đời Lương thì đã trải được ba đời, đều được phong hầu cả. Đến đời Tùy thì Lê Hầu được bổ làm Tuyên Uy Tướng quân, Nhật Nam Thái thú, đến niên hiệu Đại Nghiệp thì đổi làm Cửu Chân Thái thú [Đào Duy Anh 1963: 27]. Những nghiên cứu của Le Breton và Đào Duy Anh sau đó được một số nhà nghiên cứu như Trần Quốc Vượng , Lê Cường [2007: 83] kế thừa. Những nghiên cứu trên tưởng đã khép lại về một nhân vật lịch sử vào cuối thế kỷ 6 - đầu thế kỷ 7. Thế nhưng, điểm đáng ngạc nghiên nhất mà khi chúng tôi thực hiện nghiên cứu này, là sau hơn 50 năm phát hiện, bia Đại Tùy Cửu Chân chưa từng được bất kỳ học giả nào tiến hành dịch chú, và lạ hơn nữa là chỉ có một vài thông tin trong tấm bia này được các nhà nghiên cứu khai thác, còn phần lớn các sử liệu về Lê Ngọc chủ yếu lấy từ… thần tích. Ví dụ: tên chức Đô hộ (có từ đời Đường về sau), tên con trai cả là Ích Trí (chứ không phải Ích Từ như văn bia), rồi Ích Trí được giao trị nhậm ở Cửu Chân (thay vì Thái thú Nhật Nam như văn bia), rồi con gái út là Trung Liệt trấn ở Đông Kinh (một địa danh rất muộn về sau này, thuộc miền Bắc),… Vì thế, những khảo cứu giới thiệu dưới đây, sẽ đưa ra một tình hình khác về Lê Ngọc so với những công trình trước đây.

Theo như văn bia Đại Tùy Cửu Chân, gia tộc họ Lê đến thời Lê Hầu là đã “ba đời tự lập” (tự vị tam đại) . Tổ tiên Lê Hầu vào đời Tấn, nhân loạn Vĩnh Gia (xem giải thích trong phần chú thích văn bia) nên đã chạy về phía Nam lánh nạn. Thân sinh của ông có khả năng đã làm Thứ sử Triều Châu kiêm [Tổng quản] Tướng soái. Sau đó, đến đời nhà Lương, Lê Ngọc mới chuyển về vùng phên dậu biên viễn phía Nam, giữ các chức Thứ sử Ái Châu, rồi Thứ sử quận Cửu Chân đồng thời kiêm luôn các chức Đô đốc Ái-Đức-Minh-Lị-Hoan ngũ châu chư quân sự, Thường thị Uy vũ Tướng quân. Việc các viên quan đứng đầu các châu quận đồng thời nắm luôn quyền quân sự là điều có thể hiểu được. Những thông tin ở trên cho phép đi đến nhận định rằng Lê Hầu đã chuyển đến làm quan và lưu trú tại Giao Châu cho đến khi ông mất, tức là thời gian lưu trú của ông ở Cửu Chân trên dưới 60 năm (xem giải thích thêm về tuổi tác của Lê Hầu tại chú về “Hữu Lương” trong phần chú thích). Như vậy, ông đã trị nhậm qua bốn triều đại là Lương (502-557), Trần (557-589), Tùy (581-618) và Đường (618-907). Văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn cho biết đời Lương, Lê Hầu giữ chức Ái Châu thứ sử kiêm Đô đốc quân sự năm châu Ái-Đức-Minh-Lị-Hoan. Cả giai đoạn nhà Trần, không thấy chép ông giữ các chức gì. Chỉ thấy đến đời Tùy ông vẫn giữ chức tướng quân, làm Thứ sử các quận châu, được ban Thường thị Uy vũ tướng quân và vẫn nhậm Ái Châu Thứ sử. Từ đời Lương ông đã được phong tước Mục Phong hầu, đến đời Tùy ông vẫn ở tước đó, không được tấn phong thêm.

Với một bề dày trên chính trường, trải giữ nhiều chức vụ tại Cửu Chân trong quãng 60 năm, Lê Hầu đã có những quan hệ mật thiết với tầng lớp quan lại ở khắp các nơi từ Ái Châu đến Nhật Nam. Chính vì lẽ đó, trong văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận, chúng ta còn thấy một số các chức vụ quan lại ở một số nơi, ví dụ như Bằng Thừa Tự là Huyện lệnh huyện Cửu Chân. Thông tin này cho thấy, Bằng Thừa Tự là một viên quan dưới cấp của ông. Vào thời ông làm Thái thú quận Cửu Chân thì lị sở có khả năng là huyện Cửu Chân. Ngoài ra, còn có Huyện lệnh huyện Vệ An, hiện cũng chưa rõ huyện Vệ An ở đâu, và vị huyện lệnh này tên là gì, song có lẽ địa danh hành chính này cũng nằm đâu đó trong vùng đất Cửu Chân mà thôi.

Theo như nghiên cứu của giáo sư Đào Duy Anh, khi làm Nhật Nam Thứ sử, Lê Hầu đã lấy một người vợ ở đất Nhật Nam (Nghệ An ngày nay), sinh được ba người con trai và một con gái [Đào Duy Anh 1963: 27]. Qua tư liệu văn bia Đại Tùy Cửu Chân, chúng tôi thấy có nhắc đến con trai cả của ông tên là Ích Từ. Theo các tư liệu thần phả và các nghiên cứu của Le Breton và Đào Duy Anh, thì con trai trưởng của Lê Hầu hiệu là Ích Trí, tục gọi là đức Thánh Cả, con trai thứ hai là Trung Quốc, tục gọi là đức Thánh Hai, con thứ ba hiệu là Tham Xung được gọi là đức Thánh Lưỡng, vợ và con gái của ông không rõ tên nhưng thần hiệu là Tam Giang Trinh Liệt Thần Mẫu và Liệt Nữ Công Chúa [Le Breton 1924: 29; Đào Duy Anh 1963: 22]. Trên bia Đại Tùy Cửu Chân, đoạn nhắc đến trưởng nam Ích Từ còn thấy chép một số chức vụ như [Tuyên] uy Tướng quân, Nhật Nam Thái thú. Chưa nhà nghiên cứu nào trước đây nhắc đến chi tiết này. Chúng tôi tạm đưa ra giả thuyết rằng, khi Lê Hầu làm Thái thú quận Cửu Chân thì con trai cả của ông đồng thời giữ chức Thái thú quận Nhật Nam kiêm [Tuyên] uy tướng quân. Điều này lý giải vì sao, Nguyên Nhân Khí – một viên quan dưới quyền của Lê Ích Từ được mời viết minh văn cho bia Trường Xuân.

Đặt trong hệ thống các sử liệu trước nay về giai đoạn này, chúng tôi thấy văn bia Đại Tùy Cửu Chân đã góp thêm một số sử liệu bổ sung cho diện mạo chính trường Giao Châu giai đoạn này như sau. Khi Lê Hầu mới sinh (quãng năm 535-540, có lẽ sinh ở Triều Châu) , Lý Bôn đánh Thứ sử nhà Lương là Tiêu Tư. Năm 546, Thứ sử Giao Châu là Dương Phiêu đánh bại Lý Bôn ở thành Giao Ninh, năm sau Lý Bôn bị chém đầu [Lương thư q3, chuyển dẫn Đào Duy Anh 1963: 23]. Quãng những năm 550-557, khi đang ở độ tuổi khoảng từ 20-25 tuổi, Lê Ngọc giữ chức Ái Châu Thứ sử, Đô đốc quân sự năm châu. Đến năm 557, nhà Lương mất, nhà Trần lập quốc. Trong quãng từ năm 557-602, Lê Ngọc có khả năng vẫn trấn giữ đất Ái Châu. Trong khi, chính trường có nhiều biến động. Sách Trần thư chép, năm 558, nhà Trần sai Âu Dương Ngỗi đem con em là Thứ sử Giao Châu Thịnh đi đánh Chu Địch ở phía Bắc Ngũ Lĩnh. Sách Trần thư không hề chép thêm một chi tiết nào về Giao Châu giai đoạn này, mà chỉ chép các thông tin về vùng Quảng. Việt sử lược chỉ ghi chép một số biến động chính trị như sau. Thời Vũ Đế nhà Lương, có Trần Bá Tiên đã dẹp được Lý Bôn nên được giao làm Binh uy Tướng quân, Thứ sử Giao châu, rồi được gọi về Bắc. Đến năm 602, Lưu Phương làm Hành quân Tổng quản đánh Phật Tử ở thành Việt Vương và Đại Quyền ở Long Biên. Trong khoảng niên hiệu Đại Nghiệp (605-616) đời Tùy Dạng Đế vì Lâm Ấp làm phản nên vua nhà Tùy đổi Nhật Nam làm Hoan Châu, dùng Lưu Phương làm chức Hoan đạo Hành quân Tổng quản để đánh Lâm Ấp. Đánh xong, Lưu Phương khắc đá ghi công rồi trở về. Giữa đường bị bệnh mà chết. Năm 622, vua Cao Tổ nhà Đường trao cho Khâu Hòa (người Lạc Dương) chức Đại tổng Quản, tước Đàm quốc công, Hòa lại tâu xin đặt chức Đô hộ Phủ chúa. Những sử liệu trên cho thấy, những vùng đất có biến loạn, buộc các quan tướng triều Tùy đến đánh dẹp là thuộc phạm vi quận Giao Chỉ (tương ứng Bắc Bộ) và Lâm Ấp, không thấy có đoạn nào ghi chép về việc chinh phạt quận Cửu Chân do Lê Hầu trấn giữ trong quãng 60 năm.

Như vậy, khoảng thời gian từ những năm 557 đến năm 622, cả một vùng rộng lớn của quận Cửu Chân và quận Nhật Nam đều không thấy xuất hiện một dòng nào về việc chiến tranh tranh giành quyền lực với các thế lực phương Bắc. Điều ấy chứng tỏ rằng, Lê Hầu cùng với các con và thuộc tướng của mình đã tiến hành các phương thức chính trị hiệu quả. Một mặt, ông vẫn có những ứng xử mềm dẻo với chính quyền phương Bắc – để không bị nghi ngờ là kẻ có âm mưu làm phản. Mặt khác, đối với các thế lực quân sự tại quận Giao Chỉ, ông dường như “án binh bất động”. Tức là, ông chỉ chăm chú vào việc cai quản địa hạt của mình, và không tham gia vào các hoạt động tranh giành quyền lực của các thế lực địa phương. Về mặt ngoại giao, Lê Hầu trong khoảng 60 năm trải giữ các chức vụ quan trọng nơi vùng biên ải (Nhật Nam Thái thú, và Cửu Chân Thái thú) tiếp giáp và gần kề nhất đối với Lâm Ấp. Nhưng khi Lâm Ấp tỏ ra không thần phục ông cũng không khởi phát một cuộc chiến nào. Những việc chinh phạt ấy, dường như ông đã “đẩy” hết về các lực lượng của phương Bắc. Cuộc chinh phạt Lâm Ấp của Lưu Phương năm 605 hẳn đằng sau phải có bàn tay hậu thuẫn của các Thứ sử địa phương – Lê Hầu và Lê Ích Từ. Nhưng, những sử liệu hiện còn không thấy chép hai cha con ông có trực tiếp tham gia vào bất kỳ một trận tuyến nào. Văn bia chỉ ghi các hoạt động quân sự của Lê Hầu chủ yếu là huy động cơ binh để giữ an ninh trong phạm vi lãnh thổ. Đó là một sự khôn ngoan, sáng suốt đủ để an định cuộc sống của nhân dân và không làm hao tổn binh lực của bản quận, cũng như quyền lợi gia tộc. Có thể nói, Cửu Chân-Nhật Nam dưới thời của cha con Lê Hầu-Lê Ích Từ là một vùng đất thái bình, thịnh trị. Cho nên, Nguyên Nhân Khí trong văn bia Trường Xuân mới ca ngợi ông là “Lê hoàng” (vua Lê) của vùng đất này. Tên tước Mục Phong hầu dành tặng cho ông hẳn cũng vận đúng vào con người của ông.

Văn bia và những sử liệu không cho biết ông mất khi nào. Theo thần phả mà giáo sư Đào Duy Anh khai thác, sau khi nhà Đường diệt Tiêu Tiển thì Lê Hầu lui giữ Cửu Chân mà trấn thủ địa phương. Ông cùng các con đã kháng chiến với quân nhà Đường rồi tử trận [Đào Duy Anh tb2010: 90-92]. Trên đây là giả thuyết của Đào Duy Anh từ một số sử liệu gạn lọc được từ thần phả. Tuy nhiên, một số ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư đã nêu ra bối cảnh lịch sử khiến cho chúng ta nghĩ đến nhiều khả năng khác. Năm 622, Khâu Hòa làm Thái thú Giao Châu, cậy uy thế của nhà Tùy, thường đi tuần các khe động ở biên giới, ở châu hơn 60 năm (sic), sở hữu rất nhiều châu báu, giàu như vương giả [1998: 188-189]. Nhưng thông tin “ở châu 60 năm” hẳn là có vấn đề. Bởi lúc mà Khâu Hòa chuyển về trấn nhậm ở biên viễn phía Nam là lúc ông đã 60 tuổi [Taylor 1982: 166], nhận xét này của Taylor trùng khít với các sử liệu trong Cựu Đường thư. Sách này chép: Cuối đời Đại Nghiệp Hòa lánh mình ở Hải Nam, quan lại ở đấy thường cướp của thuyền chài, bách tính đều hàm oan, nên dấy loạn. Khưu Hòa khi đó đang trị lý hai quận đều thi hành chính sách nhân ái, rất nổi tiếng nên được Tùy Dạng Đế sai làm Giao Chỉ Thái thú, vỗ về hào kiệt, rất được lòng người Man. Đến khi nhà Tùy mất, bọn Tiêu Tiển, Nịnh Trường Chân đem quân đến đánh. Hòa dẫn thủ lĩnh các châu Giao-Ái, đánh lui bọn Trường Chân. Bờ cõi vẹn yên. Sau đấy, Hòa mới biết nhà Tùy đã mất bèn theo Tiêu Tiển. Đến khi Tiển bị dẹp, thì Hòa lại lấy đất Hải Nam dâng về nhà Đường. Vua Đường sai sứ Lý Đạo Dụ đến trao chức Thượng Trụ quốc Đàm Quốc công-Giao Châu Tổng quản. Hòa lại sai Cao Sĩ Liêm dâng biểu xin về triều. Vua thuận cho. Lại thêm, Khưu Hòa mất năm Trinh Quán 11 (636), thọ 86 tuổi. Năm 60 tuổi ông nhậm chức tại Giao Châu, suy ra năm ông nhậm chức tại Giao Châu là năm 816. Những thông tin này cho thấy có khả năng xung đột giữa Khâu Hòa và Lê Hầu. Nếu như khả năng này xảy ra thì đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự tiêu vong của dòng họ nhà Lê trên đất Cửu Chân đúng như giả thuyết của Le Breton và Đào Duy Anh.

Nhưng chúng tôi muốn hướng đến một giả thuyết khác, rằng Lê Hầu vẫn giữ chức Thái thú Cửu Chân cho đến hết đời. Tức là đã không xảy ra một cuộc chiến tranh nào giữa lực lượng của Lê Hầu cũng như của con trai ông – Thái thú Nhật Nam Lê Ích Từ với Thái thú Giao Châu-Khưu Hòa (từ 616 trở về sau). Có hai lý do khiến chúng tôi đưa ra giả thuyết như vậy.

Trước nay, các nhà khoa học cho rằng tấm bia Đại Tùy Cửu Chân do Lê Hầu dựng vào năm 618 tức là vào năm nhà Đường lật đổ nhà Tùy. Thế nhưng, văn bia vẫn cứ ghi “Đại Tùy” mà không ghi niên hiệu nhà Đường. Điều này chứng tỏ, Lê Hầu đã không đầu hàng nhà Đường mà đã đứng lên nổi dậy chống lại thế lực phương Bắc. Nhưng tính chi tiết thì không hẳn như vậy, văn bia Trường Xuân dựng vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Nhâm Dần niên hiệu Đại Nghiệp thứ 14 (618), trong khi nhà Đường chính thức thay nhà Tùy vào ngày 18 tháng 6 năm này. Nghĩa là, bia dựng trước hai tháng mười ngày.

Thứ nữa, đến sau năm 618, Lê Hầu lúc đó có khả năng đã từ 85-90 tuổi, một độ tuổi đã rất cao để trực tiếp lãnh đạo chiến tranh để đến mức bị giết do thất bại. Cuối cùng, và quan trọng nhất, như chúng tôi đã phân tích ở trên, Lê Hầu luôn là một người có một độ lùi mẫu mực trên con đường chính trị, khiến cho suốt cuộc đời làm quan 60 năm, giữ chức Tướng quân năm quận, Thứ sử các châu quận của ông không hề phải “ra trận” một lần nào với các Thứ sử cùng cấp (như Lý Bôn, Lý Bí, Lý Phật Tử, Tiêu Tiển, Âu Dương Ngỗi, Chu Địch, Trần Bá Tiên…). Bất luận là triều đại nào, Lương, Trần hay Tùy ông đều mềm mỏng lĩnh chức để yên ổn với vùng đất “sinh địa” của mình. Những thay đổi triều đại dường như không có tác động nào đến cuộc đời chính trị của ông. Cho nên, từ sau năm 618, mặc dầu là quan nhà Tùy, nhưng trong bối cảnh toàn bộ lãnh thổ Hoa Hạ đã thuộc về nhà Đường, thì một người lão luyện về chính trị như ông cũng phải biết rằng vận của nhà Tùy đã hết. Khưu Hòa kiêu dũng vậy mà vẫn phải quy thuận huống hồ là một người chủ trương “vô vi nhi trị”, và đằm mình trong Phật pháp như ông.

Qua văn bia, ta vẫn thấy Lê Hầu vẫn là người thung dung trên dặm thanh vân, thảng thích trong nguồn Phật học (tâm tùy vô môn, thị yên du xứ). Ông đã cho xây dựng một số công trình như đạo tràng Bảo An (chùa bảo hộ sự an lành) , đài Sủng Tịnh (đài tôn thờ sự thanh tịnh) , và theo thông tin từ thần tích do giáo sư Đào Duy Anh khai thác, ông còn cho xây dựng thêm cả thọ oanh (sinh phần) . Có thể nói, sự mềm mỏng lão luyện trên chính trường cùng với tinh thần từ bi của nhà Phật đã làm nên công tích bình trị của Lê Hầu tại đất Cửu Chân-Ái châu-Nhật Nam.

Mặt khác, xét về cán cân lực lượng thì gia đình ông lúc đó đã chiếm đến 2/3 lãnh thổ thời và non nửa dân số thời bấy giơ . Ông giữ Cửu Chân, con trai ông giữ Nhật Nam, Khưu Hòa giữ Giao Châu. Cho nên, chiến tranh giữa Lê Hầu với nhà Đường đã là một chuyện khó xảy ra, xung đột giữa gia tộc nhà ông với Khưu Hòa có lẽ cũng khó trở thành hiện thực.

Việc ông cùng vợ con và tướng lĩnh khác được thờ làm phúc thần ở nhiều nơi trong Thanh Hóa ngày nay, theo chúng tôi, có lẽ không chắc là do ông đã hy sinh cho việc “đấu tranh giữ nước” (chúng tôi muốn chua thêm rằng khái niệm “đấu tranh giữ nước” là của đời sau dùng cho thế kỷ thứ 6-7). Người được thờ làm phúc thần còn là người suốt đời làm phúc cho nhân dân, khiến cho cuộc sống của dân được yên ổn hạnh phúc. Lê Hầu cùng gia tộc ông có lẽ thuộc về trường hợp này.

Xét ở khía cạnh nào đó, Lê Hầu có thể coi như là “một vị vua” ở vùng đất Cửu Chân-Nhật Nam vào cuối thế kỷ 6, đầu thế kỷ 7. Sự tự trị mang tính chất “mềm” đối với nhà Lương, nhà Trần, nhà Tùy cũng như nhà Đường đã làm nên tính ổn định cho sự độc lập, cho vương quyền của gia tộc họ Lê trên mảnh đất này. Sự độc lập ấy đã khiến Lê Hầu được nhân dân của Cửu Chân cũng như quan lại địa phương coi ông như là vị “Vương” của họ. Điều ấy được thể hiện qua hàng loạt các từ ngữ của Nguyên Nhân Khí dành cho ông trong văn bia Trường Xuân như Lê hoàng, vương cung, khâm minh (chữ dùng để ca ngợi vua Nghiêu), ngự điện, thiệu long (dùng để trỏ việc nhà vua kế nối sự nghiệp của tiên vương), nhân phong (từ dùng để ca ngợi công nghiệp trị lý của nhà vua)… Nguyên Nhân Khí đã coi ông như là “đấng triết vương ở nước Bội nước Dung làm phên giậu cho nhà Chu đời trước”, đã ca ngợi ông như là một vị Điều ngự “từ bi tính Phật, làu thông đạo học” để dắt đám lê dân còn mê muội đến với cõi Phật an lạc:
Lê hoàng kết thiêng,
Bốn bể hòa đồng.
Kính cẩn trên ngôi,
Chỉnh sửa huân nhung!
“Ơn trạch của ông đã tưới khắp, khiến muôn dân sung túc” giống như “ngọn gió xuân nuôi dưỡng muôn loài” (Mục Phong hầu). Nhân dân đời sau, nhớ đến công đức của Lê Hầu cũng như gia tộc ông nên đã tôn ông lên làm phúc thần ở nhiều nơi. Theo văn bia Tu tập uy linh miếu bi ký do tiến sĩ Nguyễn Thực soạn, đến thế kỷ 17, Lê Hầu đã được nhân dân thờ phụng, và tôn xưng là Cao Tổ Lê Ngọc hoàng đế . Theo khảo sát thực địa của giáo sư Đào Duy Anh, thì Lê Ngọc cùng với vợ và các con được thờ tại hơn trăm đền thờ tại Thanh Hóa ngày nay .

3. Văn bia Đại Tùy Cửu Chân: giá trị văn học và lịch sử Phật giáo

So với văn bia Xá lị tháp minh đời Tùy năm 601, thì văn bia Đại Tùy Cửu Chân có giá trị hơn hẳn về mặt văn học cũng như những thông tin sử học có liên quan đến các nhân vật lịch sử. Độ dài văn bia quãng trên 900 chữ, là một bài văn của đại bút Nguyên Nhân Khí. So với Xá lị tháp minh là một bài văn bia không có chất văn chương, thuần túy là “rập khuôn” theo một mẫu để chôn dưới các tháp xá lị do vua Tùy sai xây dựng. Tức là, bia Xá lị tháp minh chỉ có nêu những nội dung tương tự như vài chục bia xá lị được làm cùng đợt như vậy ở Trung Quốc.

Vì thế, ở phần này, chúng tôi thiết nghĩ cũng cần phải có đôi dòng khảo luận về thể thức, nội dung và nghệ thuật ngôn từ của văn bia Trường Xuân.
Về mặt nội dung, văn bia Trường Xuân rõ ràng được viết ra là nhằm mục đích ca ngợi Lê Hầu cũng như dòng họ nhà ông trong việc chăn dân. Thế nhưng, như phân tích của chúng tôi về phương thức chính trị của Lê Hầu ở phần trên, Lê Hầu tuy là người đứng ở vị trí “cai trị nhân dân”, nhưng ông luôn là người ứng xử như là một vị Phật sống để dẫn dắt nhân dân khỏi khổ ải lầm than của cõi nhân sinh. Ngay từ thời quãng 17 đến 25 tuổi, nhận thấy xã hội nhà Lương động loạn, ông đã tự đi tìm cho mình một mảnh đất mới xa xôi và an lạc. Cha ông là Thứ sử Triều Châu, còn ông đã chuyển về làm Thứ sử Nhật Nam (theo như thần tích), hay Thứ sử Ái châu. Khi đó, như ta biết, Nhật Nam hay Cửu Chân là mảnh đất biên viễn, là cực Nam của nhà Lương lúc bấy giờ. Phía Tây Bắc là giáp Đại Lý, phía Bắc giáp Giao Chỉ, phía Tây là giáp Bồn Man, phía Nam là giáp Lâm Ấp. Thường thì, trong tâm lý người đời, phải đi làm quan xứ ấy không khác gì phải đi đày, bởi khí hậu khắc nghiệt, nhiều lam chướng. Những câu chuyện chép trong một số bộ sử quan phương có thể cho thấy rõ việc này. Chuyện Lưu Phương, năm 605, dù có chiến thắng Lâm Ấp, nhưng cũng đã chết trên đường trở về. Chuyện tông thất nhà Đường chết nơi đất Giao Chỉ. Chuyện một viên quan nhà Đường sau đó, thà “khi quân” chịu chém đầu còn hơn phải đi nhậm chức ở Giao Châu. Thế nhưng, Lê Hầu đã chọn cái mảnh đất không ai muốn đến ấy, để xây dựng một triều đại 60 năm của mình kéo dài đến ba đời (từ ông, đến con trai ông Lê Ích Từ, và có thể cả cháu chắt ông nữa ). Chọn một nơi xa xôi như thế, Lê Hầu đã gần như cách li hoàn toàn khỏi những động loạn xã hội, những bể dâu thay đổi triều đại từ Lương, Trần, Tùy rồi đến Đường. Sự lựa chọn ấy thể hiện sự tinh tế và tầm viễn kiến của một người vừa lão luyện trên chính trường, vừa minh tuệ về mặt triết học nhân sinh.

Văn bia có ca ngợi ông một đoạn như sau:
“Ôi, Lê Hầu [sứ quân ta], [tính bẩm] thiên tư, đạo học dần đủ, trước xưng Thứ sử, [sau] gọi Lê Hầu. [Người trị lý đất Cửu Chân so với Hoa Hạ rộng lớn] như đấng triết vương ở nước Bội nước Dung [làm phên giậu cho nhà Chu thuở nọ], vì thế mới vâng mệnh [đến đây]. [Trước đây] khi [loạn] đời Vĩnh Gia, [tổ tiên ông lánh nạn đến]囗囗囗囗. [Thân phụ]囗囗囗囗囗囗, tổ cao làm [Tổng quản] tướng soái, Thứ sử quận Triều Châu. Khi nhà Lương còn đang cai trị, [ông] làm Đô đốc quân sự năm châu Ái-Đức-Minh-Lị-Hoan, [nhiếp] chức Thứ sử Ái [châu], 囗囗囗囗囗囗囗囗 tướng quân, [được] phong tước Mục Phong hầu. [Cho nên] mới biết [việc cũ], [nhà ông] tự lập đã ba đời, hưởng năm lâu dài [vậy]. Ông ở nhàn tĩnh nơi vùng đất mới yên ổn [tránh được những động loạn các đời Lương, Trần, Tùy], ơn trạch tưới khắp, khiến muôn dân sung túc. [Ông vốn là người ham chuộng Phật pháp], khi theo học luôn có đức lại giữ pháp môn, [nên] phẩm hạnh được viên mãn. [Ông] thường hay lễ Phật tụng kinh, [thấy] linh tượng tỏa sáng; [lại lấy] Thiền tông làm lòng, thường tự thảng thích trong đó”.

Mặc dầu, câu chữ trên văn bia không còn nguyên vẹn, song những khắc họa về thân thế, gia tộc, công nghiệp và đức hạnh của Lê Hầu dưới ngòi bút của Nguyên Nhân Khí, có thể nói là hiện lên một cách khá sắc nét, rõ ràng. Ông tư chất vốn là một người nhân từ, lại thêm từ nhỏ đã được học hành, cho nên đức tài đều viên mãn (đạo học tiệm cụ). Chính cái sở học, cái thiên tư ấy đã giúp ông có được cái quyết định đúng đắn: coi đất Ái Châu-Nhật Nam là một miền đất hứa, một miền đất để định cư mà an lạc, ông đã coi đó như là “sinh địa” của cuộc đời ông, gia tộc ông.

Trong văn bia, Nguyên Nhân Khí cũng ca ngợi về phép cư xử của Lê Hầu. Dưới nhãn quan của Nho gia, Nguyên Nhân Khí coi hành động “trấn giữ Ái Châu” của Lê Hầu là một hình mẫu ứng xử chính trị tiêu biểu của sự nghiệp “tu tề”. Ông viết: “[Người trị lý đất Cửu Chân so với Hoa Hạ rộng lớn] như đấng triết vương ở nước Bội nước Dung [làm phên giậu cho nhà Chu thuở nọ]”. Có thể nói, đây là một biểu hiện rất sinh động cho thấy Nho giáo đã được thực thi như thế nào ở Việt Nam trong thế kỷ 6 thế kỷ 7. Chính vì thế, Lê Hầu được phong tước là “Mục Phong hầu”. Chữ “mục phong” là một điển ngữ xuất nguồn trong Kinh thi để trỏ ngọn gió mùa xuân mát lành thổi đến khiến cho muôn cây cỏ tốt tươi, sinh sôi nảy nở. “Mục Phong” là cái đức của người quân tử, là cái dụng của bậc vương chủ. Trong văn bia, Nguyên Nhân Khí đã dùng nhiều từ ngữ của Nho gia để ca ngợi Lê Hầu, nhưng quan trọng hơn cả các từ ngữ đó đều mang sắc thái tôn vinh, xưng tụng đối với các vị vua, các vị quân chủ.

Song, điểm nổi trội hơn cả trong văn bia Đại Tùy Cửu Chân chính là nội dung về Phật học. Như trên đã nêu, Lê Hầu là người ham chuộng Phật pháp, thường hay tụng kinh, là người biết giữ pháp môn, phẩm hạnh viên mãn. Ông đã cho xây dựng chùa Bảo An, cho khắc bia Trường Xuân, cho dựng đài Sủng Tịnh,… đây đều là những công trình có liên quan đến việc hoằng dương Phật pháp. Chính vì thế, Nguyên Nhân Khí đã sử dụng sáu bảy chục thuật ngữ Phật giáo trong bài văn bia này để nói về sự nghiệp của “đại hộ pháp” họ Lê trên đất Cửu Chân. Trong vòng 60 năm cai trị ở mảnh đất này, ông đã đem ơn đức, ân trạch, đã đem ánh sáng trí tuệ của Phật pháp chiếu rọi cho lê dân, đã đem đuốc tuệ (trí cự), nước tuệ (tuệ thủy) để dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi lầm than khổ ải. Cho nên, nhân dân mới coi ông như là một vị Phật sống, là người nối được chân tông, là đức “điều ngự” để “cứu vớt sinh linh”.

Đặt trong bối cảnh thời đại, thời Lương, Trần, Tùy là thời đại Phật giáo đang hết sức phát triển. Xã hội càng động loạn, con người càng cần đến chốn nương tựa tâm linh. Vào thời Lương, chùa Hồng Lô thuộc về Thiền tông. Cũng trong thời gian này, các thiền sư Thiên Trúc đã rộng truyền thiền pháp vào Trung Quốc. Trong đó nổi tiếng nhất là Bồ Đề Đạt Ma. Lương Vũ Đế nghe danh, mà mời vị sư này đến kinh đô Kiến Khang. Như thế, Phật giáo từ thời Lương đã đi vào chốn cung đình. Trải đến triều nhà Tùy, Phật giáo đã lên đến cực thịnh. Tùy Văn Đế từng tự nhận “công nghiệp của mình là do Phật pháp” (ngã hưng do Phật pháp), thậm chí sau còn chuyển sang bài xích Nho học, coi Phật giáo là quốc giáo. Tùy Văn Đế cũng là người dùng tôn giáo nhằm mục đích chính trị, ông này đã từng hiệu triệu sư tăng xuất sơn để “hành đạo vì quốc gia”. Đến thời Tùy Dạng Đế, thì ông vua bạo ngược này còn đích thân thụ giới của tông Thiên Thai, trở thành đệ tử nhà Phật. Nhà Tùy đã cho xây dựng hơn 5000 chùa tháp, tạo đắp vài vạn tượng Phật, phiên dịch vài vạn cuốn kinh Phật, khiến cho Phật giáo phát triển gấp bội so với các triều đại trước. Tùy Văn Đế còn cho xây dựng 83 tháp xá lị ở khắp nơi, trong đó có một tháp ở Long Biên (Bắc Ninh ngày nay).

Trong bối cảnh như vậy, việc Lê Hầu đi theo Phật pháp cũng là điều có thể hiểu được. Thế nhưng, lối “tu đạo” của Lê Hầu khác hẳn về chất so với các hoàng đế phương Bắc. Các vua Tùy Văn Đế, Tùy Dạng Đế tuy đẩy Phật giáo lên địa vị quốc giáo, khiến Phật giáo có địa vị tối cao, song cũng là những người đã thế tục hóa tôn giáo này. Hẳn không ít nhà sư đã nghe lời kêu gọi của Văn Đế mà lao vào cuộc chiến tranh “hành đạo” của ông vua này. Nhà Tùy, dựa trên chiêu bài Phật giáo để tiến hành thôn tính, chinh phạt hàng loạt các quốc gia láng giềng như Đột Quyết, Lâm Ấp, Khiết Đan, Cao Ly, Lưu Cầu, Y Ngô… Trong khi đó, Lê Hầu trong suốt 60 năm cai trị ở Cửu Chân, Nhật Nam ông không hề tiến hành bất kỳ một cuộc chiến tranh nào với các thế lực đương thời. Ông chuyên chú chăm lo cho dân chúng đi theo Phật pháp. Nhân Nguyên Khí ca ngợi ông là người “nối được chân tông”, hẳn cũng là vì thế.

Về mặt ngôn ngữ, văn bia Trường Xuân, tuy bị khuyết nhiều chữ, không còn đọc được toàn văn. Nhưng chúng ta còn thấy được thể thức, bố cục của văn bia thời này như sau. Ngoài tên bia trên bi ngạch, còn có tên phụ ở lòng bia. Ngay dưới tên phụ là chức tước tên tuổi, quê quán người soạn văn bia. Tên văn bản ghi rõ thể loại là “bi văn” trong đó, phần chính văn gồm đoạn thuyết lý duyên khởi về đạo Phật. Sau đó, là đoạn ký thuật về tông tộc, hành trạng, công nghiệp của Lê Hầu. Đoạn cuối là bài minh độc vận ca ngợi Phật pháp và công cuộc hoằng dương Phật giáo, dẫn dắt chúng sinh của Lê Hầu.

Văn bia Trường Xuân thể hiện rõ lối dùng văn xen kẽ giữa văn xuôi và văn biền ngẫu. Vì thế, có những đoạn lên xuống nhịp nhàng, cân đối mà thanh thoát, có những chỗ lại trần thuật lớp lang, giàu giá trị thông tin. Ví như:
Ôi,
Pháp Phật thiêng liêng, trí tuệ thế gian há thửa cầu;
Pháp tính thâm sâu, lời nói của trời khôn đoán hết.
Nên,
Cảnh Phạm thiên, còn là hóa thành;
Chốn tam giới, cũng là nhà lửa.
[Chúng sinh] khốn khổ, nhạo báng làm trái đạo […], [nên] khiến cho [thân…] phải chịu khổ ải.
Tùy cơ trời mà làm lợi cho muôn vật, [như] vua Dục Vương [dựng] tháp báu, Đế Thích [có] chùa chiền, [thực] đều [là để] chiêm ngưỡng dung nhan tôn quý. [Các đấng ấy] đã bắc cầu bến cứu vớt muôn loài, [khiến chúng sinh] hồi hướng về nơi tịnh độ đất phúc vậy.
Có thể thấy, ngay cả trong những đoạn văn xuôi, tác giả thỉnh thoảng xen cả những tiểu đối, khiến cho câu văn cũng trở nên duyên dáng hơn, mượt mà hơn.
Phần bài minh được tác giả soạn bằng thể 4 chữ thông dụng, với lối gieo vần độc vận. Lối gieo vần này khác so với một số bài minh đời Lí đời Trần. Nhưng nhìn chung, bút khí đi khá đều đặn, ngôn từ trau chuốt, ca ngợi nhưng không sáo mòn:
[Theo nối] chân tông,
Tâm pháp khó cùng.
Đức sinh 囗 ngự,
Xem dấu vương cung.
Từ bi tính Phật,
Học đạo làu thông.
Bừng bừng đuốc tuệ,
Dắt đám mung lung.
Nên xưng Điều ngự,
Làm đức Thế tông.
[Người] phá [đạo] pháp,
Thảy đều về không.
Lê Hoàng kết thiêng,
Bốn bể hòa đồng.
Kính cẩn trên ngôi,
Chỉnh sửa huân nhung.
Đẹp thay [Lê Hầu]!
Truyền nối hết lòng.
Tầng đài cao vút,
Giảng đạo thung dung .
[Lòng] [theo] [cửa] [Phật]
Tính [khua] cầu vồng.
Trong điện chính giác,
Mà tỏ thần công.
Nước tuệ nhuần tưới,
Hoa tiên thắm nồng.
Nên xem bia đá,
Gìn giữ nhân phong.
Hoa ngân [đầy] [đủ]
[Với] [thiên] [địa] [cùng]
Có thể nói, văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn tại Trường Xuân là một áng văn chương cổ có giá trị về mặt văn học.
Hình thức, nội dung, thể chức văn bia đã khá ổn định, do một người nổi tiếng tài hoa là Nguyên Nhân Khí soạn. Văn bia này đánh dấu mốc son khởi đầu cho thể loại bi kí cả ở mặt vật chất lẫn phương diện thể loại, để sau đó nó được tiếp tục phát huy trong thời đại Lí Trần. Văn chương Lí Trần trong đó bi kí Lí Trần là một đỉnh cao, đỉnh cao ấy bắt nguồn từ văn hóa đời Tùy-Đường. Hay nói cách khác, Tùy Đường là bệ phóng cho những yếu tố văn hóa, văn chương cho thời đại Lý Trần cũng như nhiều nước khác trong khu vực.

Với bài văn bia cũng như bài minh trong bia Đại Tùy Cửu Chân, Nguyên Nhân Khí là tác gia văn học sớm hàng đầu mà chúng ta hiện biết. Bài văn bia không chỉ có ý nghĩa cho văn học mà còn là hiện vật giá trị để cung cấp thông tin cho các ngành lịch sử, mỹ thuật cổ (điêu khắc, thư pháp),… Có thể nói, những thông tin sử liệu qua bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn tại Trường Xuân đã bổ sung một số cứ liệu quan trọng làm sáng tỏ hơn một giai đoạn lịch sử của mảnh đất Cửu Chân-Ái Châu-Thanh Hóa cũng như Nhật Nam-Hoan Châu-Nghệ An rộng hơn là lịch sử Việt Nam vào giai đoạn từ năm 557 đến 618 mà trước nay các bộ sử quan phương không hề nhắc đến. Những khôn khéo trong việc đối nội, đối ngoại, thù trong giặc ngoài cũng như lối “ứng xử mềm” của Lê Hầu đối với các triều đại phong kiến phương Bắc, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự và lịch sử!




Tài liệu tham khảo
1. Đào Duy Anh, “Cái bia cổ ở Trường Xuân với vấn đề nhà Tiền Lý”, Nghiên Cứu Lịch Sử, 50 (5.1963), tr. 22-28.
2. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, tb. 2010.
3. Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2000.
4. Le Breton, La Province de Thanh-Hoa, Imprimerie Kim Duc Giang, 1924.
5. Le Breton, Monuments et Lieux Historiques du Thanh Hoa (Contribution à l’inventaire des Vestiges), Revue Indochinoise, mars-avril-1921, XXIV, 3-4: 163-191.
6. Phan Văn Các – Claudine Salmon, Épigraphie en Chinois du Viet-Nam (Văn khắc Hán Nôm Việt Nam), Tập 1, École Française d’Extrême-Orient, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Paris-Hà Nội, 1998, tr. 1-12.
7. Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội - Viện Mỹ thuật, Hà Nội, 2003.
8. Lê Cường, “Nghiên cứu Mỹ thuật truyền thống: chặng đường dài”, Nghiên Cứu Mỹ Thuật, Nxb. Mỹ Thuật, H, 2007, tr. 80-89.
9. Trần Trọng Dương, “Đinh Bộ Lĩnh-loạn sứ quân: từ sử liệu đến sử thực”, Tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển, Huế, số 01.2012.
10. Trần Trọng Dương, “Biểu tượng núi vũ trụ Tu Di-Meru trong văn hóa Việt Nam và châu Á”, Tạp chí Nghiên Cứu Mỹ Thuật, 06. 2012, tr. 23-36.
11. Trần Văn Giáp, “Văn bia Việt Nam (công dụng thác bản văn bia Việt Nam đối với Khoa học Xã hội và những thác bản văn bia hiện còn có ở Thư viện Khoa học Xã hội”, Nghiên Cứu Lịch Sử, 118 (1.1969), tr. 3-6.
12. (Khuyết danh), XIII (?), Đại Việt sử lược, Trần Kinh Hòa biên hiệu, Soka daigaku Asia kenkyujo, Tokyo, 1987.
13. Nguyễn Quang Hà, “Về tấm bia đời Tùy (601) mới phát hiện tại chùa Giàn – Huệ Trạch tự (xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)”, Thông Báo Khảo Cổ Học, 2012.
14. Nguyễn Quang Hồng vcs, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH, H, 1992.
15. Phạm Lê Huy, “Việc xây dựng tháp Xá lợi dưới thời Tùy Văn Đế và minh văn tháp Xá lợi mới phát hiện tại Bắc Ninh”, Thông Báo Khảo Cổ Học 2012.
16. Hoàng Lê, “Tình hình sưu tầm và nghiên cứu văn bia”, Tạp chí Khảo Cổ Học, số 02.1982.
17. Trịnh Khắc Mạnh, Một số vấn đề về văn bia Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2008.
18. Trịnh Khắc Mạnh – Nguyễn Văn Nguyên – Philippe Papin, Corpus des Inscriptions Anciennes du Viet-Nam (Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam), Tập 21, Viện Cao học Thực hành-Viện Nghiên cứu Hán Nôm-Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Hà Nội, 2009.
19. Lê Viết Nga, “Về hai cổ vật niên đại thời Tùy ở Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh”, Báo Bắc Ninh, 2012.
20. Thủy kinh chú sớ, Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính-Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Địch phúc hiệu, Nguyễn Bá Mão dịch, Nxb. Thuận Hóa-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2005 [dịch từ ấn bản Thủy kinh chú sớ, Cổ Tịch xuất bản xã, Giang Tô, 1999].
21. Ngô Thị Thanh Tâm, “Nghiên cứu văn bia huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa” (Luận văn Thạc sĩ Hán Nôm), Thư viện khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 2008.
22. Đinh Khắc Thuân, Văn bia thời Mạc, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1996.
23. Keith Weller Taylor, The 'twelve lords' in tenth-century Vietnam, Journal of Southeast Asian Studies 14, 1 (March 1983), pp. 46-62.
24. Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam, University of California Press, Berkeley, 1983.
25. Trần Thái Tông, XIII, Thiền tông khóa hư ngữ lục, Tuệ Tĩnh (tk 14) dịch Nôm, Trần Trọng Dương khảo cứu-phiên chú, Nxb. Văn Học, TP. HCM.
26. Tỉnh ủy-Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Địa chí Thanh Hóa (Tập 2: Văn hóa xã hội), Nxb. KHXH, Thanh Hóa, 2004.
27. Lê Trắc, (1335) An Nam chí lược, Mạnh Nghị Trần Kinh Hòa dịch (Nxb. Thuận Hóa-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Huế, tb. 2002.
28. Chu Quang Trứ, “Bia và bia chùa Việt Nam”, Mỹ thuật Lý Trần - Mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ thuật, H, 2012, tr. 506-557.
29. Trần Quốc Vượng, “Xứ Thanh-vài nét về lịch sử-văn hóa”, Theo dòng lịch sử: những vùng đất, thần và tâm thức người Việt, Nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1996.
30. Khuyết danh, (đời Trần), (Đại) Việt sử lược, trong Tứ khố toàn thư (đời Càn Long nhà Thanh).
31. Chính Hòa thứ 18 (1697), Đại Việt sử ký toàn thư, Nội các quan bản, Bản khắc in, Bản dịch, 1998, Tập 1, Ngô Đức Thọ dịch chú, Hà Văn Tấn hiệu đính, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.
32. 阮實。《修葺昭慶廟碑》。1996。
33. 阮實。《修葺威靈廟碑記》。 1635。
34. 丁福寶。《佛教大辭典》 。文物出本社, 北京, 1984。
35. 葉昌熾 (撰) 。 柯昌泗 (評) 。 《石語異同評》。 中華書局。 北京。 1994。
36. 張正烺 (名譽主編) 。 呂宗力 (主編) 。 《中國歷代官制大辭典》。 北京出版社。 北京。 1994。
37. [唐] 林寶 (撰) 。 《元和姓篡》。四庫全書。(總纂:紀昀,陸錫熊,孫士毅)。
38. [唐] 李吉甫。《元和郡縣圖志》。四庫全書。(總纂:紀昀,陸錫熊,孫士毅)。
39. [唐] 魏徵, 顏師古、孔颖达。《随書》。 中华書局。北京。 2008。
40. 辭源。 商務印書館。
41. 沈起炜。徐光烈。《中国历代職官词典》。 上海辭書出版社。 上海。 1992。
42. 許慎。《說文解字》。 段玉裁注。 清代陳昌治刻本。

Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua các bản dịch Khóa hư lục

Sách cũ:

Trần Trọng Dương. 2012. "Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua các bản dịch Khóa hư lục" . Nxb Từ điển bách Khoa, Hà Nội. 351 trang.
Download free:
Link: https://www.dropbox.com/s/x493szl3sdwoa8o/Tran%20Trong%20Duong-%20NC%20Khoa%20hu%20luc%20-%202012-.pdf?dl=0



Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Phụ lục: QUỐC ÂM THI TẬP phiên âm Trích "Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển"



Trích "Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển". Nxb. Từ điển Bách khoa. Hà Nội. 2014.

Quy ước phiên âm


Thế kỷ XX là một thế kỷ của sự trăn trở giữa hai cách phiên chuyển các văn bản Nôm cổ sang chữ quốc ngữ hiện đại. Một mặt, các yếu tố ngôn ngữ cổ, đặc biệt ngữ âm cổ đã được gác lại để mong muốn có một văn bản phiên âm mang tính phổ thông, đại chúng phục vụ mọi đối tượng bạn đọc. Mặt khác, một số nhà nghiên cứu cũng luôn trăn trở với việc bảo lưu những yếu tố cổ kính của các tác phẩm Nôm xưa cũ để phục vụ cho việc bảo tồn và nghiên cứu. Cách làm thứ nhất giúp cho người đọc có thể tiếp nhận các áng văn chương cổ một cách dễ dàng và nhanh chóng, nhưng cũng từ đây những hệ lụy đã nảy sinh, và cho đến tận giờ không phải ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của nó. Cách làm thứ hai có xu hướng thuần túy khoa học và đã được không ít các học giả tiền bối thực hiện một cách cẩn trọng. Nhưng về mặt tổng quan, cách làm thứ nhất có vẻ như được dễ thông cảm hơn.
Bản phiên âm QATT lần này là một phép thử về tính nhất quán và tính hệ thống cho một phương pháp phiên âm văn bản cổ, đó là khuynh hướng thiên về cách làm thứ hai, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học chuyên sâu ở các mảng văn bản học, văn tự học, ngôn ngữ học, ngữ văn học và từ nguyên học. Có thể, cách làm này sẽ làm cho QATT xa bạn đọc hơn, kén chọn người đọc hơn và có thể sẽ bị một số người phản đối cũng chưa biết chừng. Nhưng chúng tôi quan niệm, QATT là một hố khảo cổ ngôn từ, ở đó có quãng mười hai ngàn “cổ vật” của tiếng Việt thế kỷ XV, và ngoài ra còn là mười hai ngàn hiện vật của văn tự truyền thống Việt Nam - tức chữ Nôm - thứ văn tự cho đến nay vẫn là văn tự duy nhất do chính người Việt sáng tạo và sử dụng trong quãng ngàn năm năm lịch sử. Mặc dù, ở hố khảo cổ này, không ít chỗ có thể có những hiện vật từ các thế kỷ sau rớt vào giống như sự xáo trộn địa tầng khảo cổ, và còn một số điểm tồn nghi lẫn lộn với thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm . Song với chúng tôi, mọi hiện vật đều là tư liệu, và mọi tư liệu đều có tính lịch sử của nó. Và công việc của chúng tôi là bóc tách các vấn đề phức tạp và nan giải đó.
 Phiên theo âm cổ mà chữ Nôm đó ký âm. Ví dụ: chữ Nôm ghi 責祿(trách lộc) sẽ được phiên là trách lóc thay vì trách móc. Chữ này sẽ được tái lập là trách mlóc trong mục từ của phần từ điển, làm như vậy là để bảo lưu tính chất cổ kính của âm đọc. Ví dụ khác: 免 > miễn, chứ không phiên là lẫn hay liễn như các nhà nghiên cứu trước đây, và ở mục này trong phần từ điển sẽ được tái lập là mliễn.
 Phiên theo âm Hán Việt của thế kỷ XV. Ví dụ: chữ 時, sẽ phiên là thì chứ không phiên là thời. Bởi như ta biết thời là cách đọc kỵ húy của triều Nguyễn vào thế kỷ XIX.
 Đối với những từ Hán Việt vay mượn từ kinh điển, thì phiên theo âm Hán Việt được dùng trong kinh điển đó. Ví dụ: 丁丁 sẽ không phiên là đinh đinh hay đanh đanh mà phiên là tranh tranh như cách đọc trong Kinh thi.
 Đối với một từ mà có đến hai cách ghi chữ Nôm khác nhau thì chúng tôi mạnh dạn đều phiên quy về từ có ngữ âm cổ hơn được ghi nhận qua Rhodes. Ví dụ: 羨 trước vẫn được phiên là tiện, tịn, tiễn… ; nay theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Ngọc San và Nguyễn Hùng Vĩ, chữ 羨là cách ghi âm của chữ Nôm cho cách đọc Hán Việt của chữ 盡tận vào quãng thế kỷ XVII về trước là tịn. Nên tất cả đều quy về đọc là tịn để thống nhất chính tả và bảo lưu âm đọc cổ.
 Các từ láy (có thể là các từ thuần Việt hay từ gốc Hán) được phiên đúng theo hình thức cổ là láy toàn phần. Ví dụ: vặc vặc (thay vì vằng vặc), xộc xộc (tv.xồng xộc), nớp nớp (tv. nơm nớp)... Sở dĩ phiên như vậy còn là để thống nhất với mặt chữ Nôm và những từ láy cổ khác như nồm nồm, cạy cạy, pho pho, hây hây, phơi phơi…
 Những từ gốc Hán được mượn từ trước đời Đường được đọc theo âm THV một cách hệ thống. Ví dụ: 池thay vì đọc trì sẽ đọc là đìa như đề xuất của Paul Schneider. Tương tự: 住 trú > đỗ (ở), 助trợ > đỡ, 鑄chúc > đúc, 矚望chúc vọng > chốc mòng, 燭chúc > đuốc, 追truy > đuổi, 濁濁trọc trọc > đục đục, tả > rửa, 鬚 tu > râu, 婿 tế > rể, 卒 tốt > rốt, 燥 táo > ráo, 灑 sái > rưới, 篩 sư > rây... Cũng cần lưu ý rằng một số các từ gốc Hán ở đây (và cả chữ Hán trong phần từ điển) đã được chúng tôi xử lý và khôi phục bằng con đường từ nguyên học. Hiệu đính văn bản Nôm bằng từ nguyên đối với các từ gốc Hán là việc làm chưa từng có tiền lệ. Điều này sẽ gây khó chịu cho không ít người. Song với chúng tôi, cái quan trọng là tiếng Việt chứ không phải là một hình thức lịch sử của nào đó của văn tự. Có đôi chỗ, có lẽ chưa thực sự thuyết phục, chúng tôi coi đó như là giả thuyết để quý vị cùng cân nhắc, nhưng hy vọng cách làm của chúng tôi sẽ được thông cảm.
 Một số từ sẽ phiên theo cách ghi nhận qua từ điển của Rhodes và một số từ điển cổ khác, khi có sự trùng khít giữa âm Nôm (mặt chữ Nôm) với các cứ liệu trong những từ điển này, ví dụ: đóng, gióng (chuông) sẽ phiên là dộng, giữ (lòng) > chử (lòng), đãi bôi > đãi buôi, đem > đam (mang), thuở > khuở, khách khứa > khách thứa, rỉ tai > dỉ tai, gảy/ gẩy > khảy, lừ khừ > lừ cừ, lù khù > lù cù, xoải (- chân) > quải … Tuy nhiên, những cách chính tả không có sự khu biệt âm trị sẽ không đưa vào, ví dụ: sẽ không phiên là đềy tớ như ghi nhận của AR mà vẫn phiên là đầy tớ…
 Một số từ sẽ phiên theo âm cổ trên cơ sở ngữ âm của các phương ngữ và ngôn ngữ bảo thủ. Ví dụ, ngữ tố giường (cái - ), giàu (- nghèo), giận (- dữ) mặc dù từ điển của Rhodes có ghi nhận “giường”, song qua các đối ứng của nó trong phương ngữ, sẽ nhất quán phiên là “chường”, “chàu”, “chận” với kiểu tái lập thủy âm kép *kc-.
 Một số từ sẽ được xác định âm đọc dựa trên những thành quả của ngữ âm học lịch sử tiếng Việt và tiếng Hán. Ví dụ: tràm (chứ không phải là chàm) bởi âm tái lập là *tlàm vốn có nguyên từ là lam 藍, ràn chứ không phải ràng, bởi đây là âm Tiền Hán Việt của lan 欄, rặng chứ không phải là dặng, bởi nguyên từ của nó là lĩnh 嶺…
 Một số lỗi chính tả (gây hại cho từ nguyên học) cũng sẽ được khuyến cáo sử dụng, ví dụ: 鐺sẽ phiên là sanh (cái chõ) đúng theo âm Hán Việt của nó, chứ không phải là xanh.
 Một số cặp âm gần nhau hay bị nhầm lẫn cũng cần được phân biệt, qua cứ liệu chữ Nôm và từ điển cổ. Ví dụ: cái dại (chứ không phải là giại) bởi chữ Nôm ghi là 待 (AHV: đãi), phân biệt với giại trong nắng giại (chứ không phiên là dại) bởi chữ Nôm ghi là 豸 (AHV: trãi).
 Một số từ cổ lần đầu tiên được công bố trong bản phiên lần này, qua các tư liệu hữu quan (phương ngữ, ngữ liệu dân gian, từ điển cổ, và văn liệu Nôm cổ…). Ví dụ: nừng (chỉ có), mỉa (giống, tựa như), leo heo (hiu hắt), phơi phơi (phô ra), rốt ,… Và khá nhiều từ kép mang nghĩa cổ như: nhẫn dầu (cho dù), nẻo khuở (khi), tốt lạ (đẹp đẽ), …
 Bản phiên cũng cung cấp một số lượng không nhỏ các từ dịch căn ke. Bởi như ta biết, QATT được sáng tạo trong môi trường song ngữ và song văn hóa Hán- Việt. Ví dụ: của cởi buồn vốn được dịch từ chữ Hán địch phiền tử (đồ gột buồn) hay vong ưu vật = vong ưu quân (đồ quên lo) đều trỏ rượu, nhà cả < đại trạch 大 宅 (vũ trụ) chứ không phải đại hạ 大廈 (ngôi nhà lớn), bói ở < bốc cư 卜居, quần đỏ < hồng quần 紅裙(người đẹp), mười chước < thập sách十策, bia miệng < khẩu bi口碑, xanh bạc < thanh bạch < thanh nhãn bạch nhãn 青眼白眼(coi thường và trọng thị)…  Một số trường hợp được phiên âm trong sự tương quan đối sánh với bối cảnh giải âm (đối dịch âm tiết cao độ) trong truyền thống dịch thuật thời Trung đại. Ví dụ: không phiên là chặt vàng mà là đứt vàng. Hai chữ Sá 舍và Hợp 合trước nay hay bị phiên âm lẫn lộn do tự dạng khá gần nhau, nay dựa vào truyền thống đối dịch hư từ trong các bản giải Nôm cũng đã phân xuất được nghĩa khác nhau, vì thế nên phân biệt sự khác nhau về âm đọc, tự dạng cũng như nghĩa của chúng. không phiên là tư túi mà là tây tối (chỗ riêng tây tối tăm chỉ mình mình biết), vốn dịch gộp từ chữ độc 獨 (trong thận độc) và ẩn隠vốn xuất nguồn từ cách chú giải của Chu Tử trong sách Trung Dung.  Bản phiên âm lần này còn chú ý đến tính thống nhất giữa tự hình chữ Nôm với âm đọc của từng đơn vị. Ví dụ chữ 算trước nay được phiên âm thành toan, toán và tính, nay đều thống nhất về một khả năng phiên là toan.  Bản phiên cũng chú ý đến sự thống nhất về cơ chế tạo từ của một số từ láy trong tương quan với từ gốc của nó. Ví dụ 塔塔 trước nay vẫn được phiên là thấp thấp. Nhưng trong tương quan với chữ 塔đọc là tấp (tấp vào, rấp vào, dấp vào) thì có thể nghĩ đến một khả năng phiên thống nhất âm đọc cho cùng một tự dạng. Hơn thế nữa, cơ chế láy của tiếng Việt cổ là láy toàn phần một động từ gốc hay tính từ gốc để có thể làm tăng/ hoặc giảm tính chất, mức độ, tần số, tần suất … của từ đó. Ví dụ: sát (gần kề)> sát sát (gần gần) rồi sau chuyển thành san sát. phơi (phô ra) > phơi phơi (cứ phơi ra mãi hoặc phơi ra rất nhiều), bụi (bụi bặm)> bụi bụi (nhiều bụi), phơ > phơ phơ, nảy (bật mầm)> nảy nảy (đâm mầm lên nhiều)… Đặt trong một cơ chế như vậy, ta có thể đọc塔塔 là tấp tấp (dáng cành mai theo từng cơn gió mà đập đập vào song cửa sổ: ánh cửa trăng mai tấp tấp; hoặc vẻ khói trầm bay theo từng cơn gió chốc chốc lại tạt về phía giường nằm: chường tấp tấp một nồi hương).
 Bản phiên cũng sẽ chú ý đến tính thống nhất về ngữ nghĩa trên cơ sở nghiên cứu diễn biến cấu trúc chữ Nôm theo mô hình ngữ âm. Ví dụ: chữ trước nay được phiên là lấp, lợp,… nhưng khi so sánh ngữ âm, và diễn biến chữ Nôm trong sự đối sánh với chữ Nôm , tạm thời có thể nhận định rằng, là chữ Nôm cổ còn sót lại để ghi âm rợp. Còn tự dạng chỉ là chữ Nôm được sử dụng sau khi đã có hiện tượng xóa nhãn giữa R và D vào giai đoạn muộn hơn.
 Bản phiên chấp nhận các biến thể ngữ âm khác nhau khi các biến thể đó có chức năng điều phối luật bằng trắc và số lượng âm tiết trong câu thơ. Ví dụ: Từ điển Rhodes ghi nhận cả hai biến thể lánh và tlánh mà nay đọc là tránh. QATT xuất hiện đủ các ngữ cảnh cho cả hai biến thể ngữ âm này, mặc dù văn tự sau nhiều lần dọn bản chỉ còn được viết bằng tự dạng duy nhất là 另.
 Bản phiên lần này là sự cập nhật tất cả các thành tựu phiên chú từ xưa đến nay, từ các bản sớm của nhóm Trần Văn Giáp- Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh đến Paul Schneider, Vũ Văn Kính, Mai Quốc Liên, Nguyễn Tá Nhí, Phạm Luận. Những chỗ phiên âm được in đậm là các ngữ tố trước nay có sự lệch nhau. Để theo dõi sự khác nhau này và vì sao chúng tôi lại chọn cách phiên âm như vậy, quý vị có thể tra cứu "phiên khác" ở từng mục từ trong phần từ điển. Ở đó vừa có sự biện luận về văn bản học, văn tự học, ngữ nghĩa học, ngữ âm học,.. lại vừa đưa ra những nhận định và lý giải cho lịch sử của các cách phiên chú.
 Cuối cùng, đây là bản phiên cập nhật tất cả những thành tựu phiên chú của những học giả đi trước, như: Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm (1956), Đào Duy Anh (1976), Paul Schneider (1987), Vũ Văn Kính, Bùi Văn Nguyên, nhóm Mai Quốc Liên, Kiều Thu Hoạch, Vương Lộc, Nguyễn Khuê (2001), nhóm Nguyễn Tá Nhí, Hoàng Thị Ngọ vcs (2008) và Phạm Luận (2011). Nhân đây xin gửi lời tri ân sâu sắc!









1. Thủ vĩ ngâm:
Góc thành Nam lều một căn, No nước uống thiếu cơm ăn.
Con đòi trốn dường ai quyến, Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn.
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá, Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn.
Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải, Góc thành Nam lều một căn.
2. Ngôn chí 1:
Thương Chu kiện cũ các chưa đôi, Sá lánh thân nhàn, khuở việc rồi.
Cổi tục chè thường pha nước tuyết, Tìm thanh khăn tịn nhặt chà mai.
Chim kêu hoa nở, ngày xuân tịnh, Hương lụn cờ tàn, tiệc khách thôi.
Bui có một niềm chăng nỡ trại, Đạo làm con miễn đạo làm tôi.
3. Ngôn chí 2:
Lảo thảo chưa nên tiết trượng phu, Miễn là phỏng dạng đạo tiên Nho.
Chà mai đêm nguyệt, dậy xem bóng, Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu.
Dưới công danh đeo khổ nhục, Trong dại dột có phong lưu.
Mấy người ngày nọ thi đỗ, Lá ngô đồng khuở mạt thu.
4. Ngôn chí 3:
Am trúc hiên mai, ngày tháng qua, Thị phi nào đến cõi yên hà.
Bữa ăn dầu có dưa muối, áo mặc nài chi gấm là.
Nước dưỡng cho thanh đìa thưởng nguyệt, Đất cày ngõ ải rãnh ương hoa.
Trong khi hứng động bề đêm tuyết, Ngâm được câu thần dắng dắng ca.
5. Ngôn chí 4:
Giũ bao nhiêu bụi, bụi lầm, Giơ tay áo đến tùng lâm.
Rừng nhiều cây rợp hoa chầy động, Đường ít người đi cỏ gấp xâm.
Thơ đới tục hiềm câu đới tục, Chủ vô tâm ỷ khách vô tâm.
Trúc thông hiên vắng trong khi ấy, Nừng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm.
6. Ngôn chí 5:
Làm người chăng có đức cùng tài, Đi nghỉ đều thì kém hết hai.
Hiểm hóc cửa quyền chăng đụt lặn, Thanh nhàn án sách hãy đeo đai.
Dễ hay ruột bể sâu cạn, Khôn biết lòng người vắn dài.
Sự thế dữ lành ai hỏi đến, Bảo rằng ông đã điếc hai tai.
7. Ngôn chí 6:
Trường ốc ba thu uổng mỗ danh, Chăng tài đâu xứng chức tiên sinh.
Cuốc cằn ước xáo vườn chư tử, Thuyền mọn khôn đua bể lục canh.
Án sách cây đèn hai bạn cũ, Song mai hiên trúc một lòng thanh.
Lại mừng nguyên khí vừa thịnh, Còn cậy vì hay một chữ “đinh”.


8. Ngôn chí 7:
Đã mấy thu nay để lệ nhà, Duyên nào đeo đẳng khó chăng tha.
Một thân lẩn quất đường khoa mục, Hai chữ mơ màng việc quốc gia.
Tài lẹt lạt nhiều, nên kém bạn, Người mòn mỏi hết, phúc còn ta.
Quân thân chưa báo lòng cánh cánh, Tình phụ cơm trời áo cha.
9. Ngôn chí 8:
Túi thơ bầu rượu quản xình xoàng, Quảy dụng đầm hâm mấy dặm đàng.
Đài Tử Lăng cao, thu mát, Bè Trương Khiên nhẹ, khách sang.
Tằm ươm lúc nhúc, thuyền đầu bãi, Hàu chất so le, cụm cuối làng.
Ngâm sách Thằng chài trong khuở ấy. Tiếng trào dậy khắp Thương Lang.
10. Ngôn chí 9:
Sang cùng khó bởi chưng trời, Lặn mọc làm chi cho nhọc hơi.
Rửa lòng thanh, vị núc nác, Vun đất ải, rãnh mùng tơi.
Liêm cần tiết cả tua hằng nắm, Trung hiếu niềm xưa mựa nỡ dời.
Con cháu chớ hiềm song viết ngặt, Thi -Thư thực ấy báu nghìn đời.
11. Ngôn chí 10:
Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa sày, Có thân chớ phải lợi danh vây.
Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén, Ngày vắng xem hoa bợ cây.
Cây cụm chồi cành chim kết tổ, Ao quang mấu ấu cá nên bầy.
Ít nhiều tiêu sái lòng ngoài thế, Nừng một ông này, đẹp thú này.
12. Ngôn chí 11:
Cỏ xanh cửa dưỡng để lòng nhân, Trúc rợp hiên mai quét tục trần.
Nghiệp cũ Thi- Thư hằng một chức, Duyên xưa hương hoả tượng ba thân.
Nhan Uyên nước chứa, bầu còn nguyệt, Đỗ Phủ thơ nên bút có thần.
Nợ quân thân chưa báo được, Hài hoa còn bện dặm thanh vân.
13. Ngôn chí 12:
Thân hèn dầu tới dầu lui, Thua được bằng cờ, ai kẻ đôi.
Bạn cũ thiếu: ham đèn miễn sách, Tính quen chăng: kiếm trúc cùng mai.
Cày chống tuyết ngâm đòi cảnh, Cuốc chơi xuân khắp mọi đồi.
Con cháu mựa hiềm song viết tiện, Nghìn đầu cam quýt ấy là tôi.
14. Ngôn chí 13:
Tà dương bóng ngả khuở giang lâu, Thế giới đông nên ngọc một bầu.
Tuyết sóc treo, cây điểm phấn, Quỹ đông giãi, nguyệt in câu.
Khói trầm thuỷ quốc quyên phẳng, Nhạn triện hư không gió thâu.
Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ, Trời ban tối ước về đâu.


15. Ngôn chí 14:
Bề sáu mươi dư tám chín thu, Lưng gầy da sảy, tướng lù cù.
Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào- Hứa, Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng- Chu.
Bát cơm xoa, nhờ ơn xã tắc, Căn lều cỏ, đội đức Đường Ngu.
Tơ hào chẳng có đền ơn chúa, Dạy láng giềng mấy sỹ Nhu (Nho).
16. Ngôn chí 15:
Am cao am thấp đặt đòi tầng, Khấp khểnh ba làn, trở lại bằng.
Quét trúc bước qua lòng suối, Thưởng mai về đạp bóng trăng.
Phần du lịu điệu thương quê cũ, Tùng cúc bù trì nhớ việc hằng.
Một phút thanh nhàn trong khuở ấy, Thiên kim ước đổi được hay chăng?
17. Ngôn chí 16:
Tham nhàn lánh đến giang san, Ngày vắng xem chơi sách một an.
Am rợp chim kêu hoa xảy động, Song im hương tịn khói sơ tàn.
Mưa thu rưới ba đường cúc, Gió xuân đưa một rãnh lan.
Ẩn cả lọ chi thành thị nữa, Nào đâu là chẳng đất nhà quan.
18. Ngôn chí 17:
Dụt xông biếng tới áng can qua, Địch lều ta dưỡng tính ta.
Song viết hằng lề phiến sách cũ, Hôm dao đủ bữa bát cơm xoa.
Đêm thanh nguyệt hiện ngoài hiên trúc, Ngày vắng chim kêu cuối cụm hoa.
Quân tử hãy lăm bền chí cũ, Chẳng âu ngặt chẳng âu già.
19. Ngôn chí 18:
Thương Lang mấy khóm một thuyền câu, Cảnh lạ đêm thanh hứng bởi đâu.
Nguyệt mọc đầu non kình dỏi tiếng, Khói tan mặt nước thẩn không lầu.
Giang sơn dạm được đồ hai bức, Thế giới đông nên ngọc một bầu.
Ta ắt lòng bằng Văn Chính nữa, Vui xưa chẳng quản đeo âu.
20. Ngôn chí 19:
Nẻo có ăn thì có lo, Chẳng bằng cài cửa ngáy pho pho.
Ngày nhàn mở quyển xem Chu Dịch, Đêm vắng tìm mai bạn Lão Bô.
Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc, Cho hay đường lợi cực quanh co.
Tuồng nay cốc được bề hơn thiệt, Chưa dễ bằng ai đắn mấy đo.
21. Ngôn chí 20:
Dấu người đi la- đá mòn, Đường hoa vướng vất trúc lòn.
Cửa song giãi, xâm hơi nắng, Tiếng vượn kêu, vang cách non.
Cây rợp, tán che am mát, Hồ thanh, nguyệt hiện bóng tròn.
Rùa nằm hạc lẩn nên bầy bạn, Ủ ấp cùng ta làm cái con.


22. Ngôn chí 21:
Chẳng hay rắp rắp đã bốn mươi, Ngày tháng bằng thoi một phút cười.
Thế sự: người no ổi tiết bảy, Nhân tình: ai ỏ cúc mùng mười.
Thuyền chèo đêm nguyệt sông biếc, Cây đến ngày xuân lá tươi.
Phú quý chẳng tham thanh tựa nước, Lòng nào vạy, mỗ hây hây.
23. Mạn thuật 1:
Ngày tháng kê khoai những sản hằng, Tường đào ngõ mận ngại thung thăng.
Đạo ta cậy bởi chân non khoẻ, Lòng thế tin chi mặt nước bằng.
Đìa cỏ được câu ngâm gió, Hiên mai cầm chén hỏi trăng.
Thề cùng vượn hạc trong hai ấy, Thấy có ai han chớ đãi đằng.
24. Mạn thuật 2:
Ngẫm ngọt sơn lâm miễn thị triều, Nào đâu là chẳng đất Đường Nghiêu.
Người tham phú quý người hằng trọng, Ta được thanh nhàn ta sá yêu.
Nô bộc ắt còn hai rặng quýt. Thất gia chẳng quản một con lều.
Miễn là tiêu sái qua ngày tháng, Lộc được bao nhiêu ăn bấy nhiêu.
25. Mạn thuật 3:
Có mống, tự nhiên lại có cây, Sự làm vướng vất, ắt còn chầy.
Thuỷ chung mỗ vật đều nhờ chúa, Động tĩnh nào ai chẳng bởi sày.
Hỷ nộ cương nhu tuy đã có, Nghĩa nhân lễ trí mựa cho khuây.
Hay văn hay vũ thì dùng đến, Chẳng đã khôn ngay kháo đầy.
26. Mạn thuật 4:
Đủng đỉnh chiều hôm giắt tay, Trông thế giới phút chim bay.
Non cao non thấp mây thuộc, Cây cứng cây mềm gió hay.
Nước mấy trăm thu còn vậy, Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay.
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết, Bui một lòng người cực hiểm thay.
27. Mạn thuật 5:
Sơn thuỷ nhàn chơi phận khó khăn, Cửa quyền hiểm hóc ngại xung xăng.
Say minh nguyệt chè ba chén, Địch thanh phong lều một căn.
Ngỏ cửa Nho chờ khách đến, Trồng cây đức để con ăn.
Được thua phú quý dầu thiên mệnh, Chen chúc làm chi cho nhọc nhằn.
28. Mạn thuật 6:
Đường thông khuở chống một cày, Sự thế bao nhiêu vuỗn đã khuây.
Bẻ cái trúc hòng phân suối, Quét con am để chứa mây.
Đìa tham nguyệt hiện chăng buông cá, Rừng tiếc chim về ngại phát cây.
Dầu Bụt dầu tiên ai kẻ hỏi, Ông này đã có thú ông này.


29. Mạn thuật 7:
“Ở chớ nề hay”, học cổ nhân, Lánh mình cho khỏi áng phong trần.
Chim kêu cá lội yên đòi phận, Câu quạnh cày nhàn dưỡng mỗ thân.
Nhà ngặt túi không tiền mẫu tử, Tật nhiều thuốc rặt vị quân thần.
Ấy còn lẵng đẵng làm chi nữa, Sá tiếc mình chơi áng thuỷ vân.
30. Mạn thuật 8:
Chân chăng lọt đến cửa vương hầu, ấy tuổi nào thay đã bạc đầu.
Liều cửa nhà xem bằng quán khách, Đam công danh đổi lấy cần câu.
Thân đà hết lụy, thân nên nhẹ, Bụt ấy là lòng, Bụt khá cầu.
Bui một quân thân ơn cực nặng, Tơ hào chửa báo hãy còn âu.
31. Mạn thuật 9:
Am quạnh thiêu hương đọc ngũ canh, Linh đài sạch một dường thanh.
Nhà còn thi lễ âu chi ngặt, Đời bượp văn chương uổng mỗ danh.
Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ, Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh.
Chi là của tiêu ngày tháng? -Thơ một hai thiên rượu một bình.
32. Mạn thuật 10:
Tưởng thân hư ảo nổi bằng bèo, Chí cũ công danh vuỗn rã keo.
Viện có hoa tàn chăng quét đất, Nước còn nguyệt hiện sá thôi chèo.
Lòng người tựa mặt ai ai khác, Sự thế bằng cờ, bước bước nghèo.
Không hết kể chi tay trí thuật, Để đòi khi ngã thắt khi eo.
33. Mạn thuật 11:
Náu về quê cũ bấy nhiêu xuân, Lưởng thưởng chưa lìa lưới trần.
Ở thế những hiềm qua mỗ thế, Có thân thì sá cốc chưng thân.
Vườn còn thông trúc đương năm mẫu, Câu ước công danh đổi một cần.
Miệt bả hài gai khăn gốc, Xênh xang làm mỗ đứa thôn nhân.
34. Mạn thuật 12:
Trường văn nằm ngả mấy thu dư, Uổng tốn công nhàn biện “lỗ ngư”.
Còn miệng tựa bình đà chỉn chử, Có lòng bằng trúc mỗ nên hư.
Én từ nẻo lạc nhà Vương Tạ, Quạt đã hầu thu lòng Tiệp dư.
Chỉn sá lui mà thủ phận, Lại tu thân khác mặc Thi- Thư.
35. Mạn thuật 13:
Quê cũ nhà ta thiếu của nào, Rau trong nội, cá trong ao.
Cách song mai tỉnh hồn Cô Dịch, Kề nước cầm đưa tiếng Cửu Cao.
Khách đến, vườn còn hoa lác, Thơ nên, cửa thấy nguyệt vào.
Cảnh thanh dường ấy chăng về nghỉ, Lẩn thẩn làm chi áng mận đào.


36. Mạn thuật 14:
Án tuyết mười thu uổng đọc thư, Kẻo còn loạt loạt chữ Tương Như.
Nước non kể khắp quê Hà Hữu, Sự nghiệp nhàn khoe phú Tử Hư.
Con mắt hòa xanh đầu dễ bạc; Lưng khôn uốn lộc nên từ.
Ai ai đều đã bằng câu hết, Nước chăng còn có Sử Ngư.
37. Trần tình 1:
Từ ngày gặp hội phong vân, Bổ báo chưa hề đặng mỗ phân.
Gánh, khôn đương quyền tướng phủ; Lui, ngõ được đất nho thần.
Ước bề trả ơn minh chúa, Hết khoẻ phù đạo thánh nhân.
Quốc phú binh cường chăng có chước, Bằng tôi nào khuở ích chưng dân.
38. Trần tình 2:
Vàng bạc nhà chăng có mỗ phân, Lành thay cơm cám được no ăn.
Lọn khuở đông, hằng nhờ bếp, Suốt mùa hè, kẻo đắp chăn.
Ác thỏ tựa thoi xem lặn mọc, Cuốc cầy là thú những xung xăng.
Cậy trời còn có bây nhiêu nữa, Chi tuổi chăng hiềm kẻ khó khăn.
39. Trần tình 3:
Vầu làm chèo, trúc làm nhà, Được thú vui, ngày tháng qua.
Cơm kẻ bất nhân ăn ấy trớ, áo người vô nghĩa mặc chăng thà.
Khỏi triều quan mới hay ơn chúa, Sinh được con thì cảm đức cha.
Mừng khuở thái bình yêu hết tấc, No lòng tự tại quản chi là.
40. Trần tình 4:
Lộng lộng trời, tây chút đâu, Nào ai chẳng đội ở trên đầu?
Song cửa ngọc vân yên cách, Dại lòng đan nhật nguyệt thâu.
Chim đến cây cao chim nghĩ đỗ, Quạt hay thu lạnh quạt sơ thâu.
Ngoài năm mươi tuổi, ngoài chưng thế, ắt đã tròn bằng nước ở bầu.
41. Trần tình 5:
Con cờ khảy, rượu đầy bầu, Đòi nước non chơi quản dầu.
Đạp áng mây ôm bó củi, Ngồi bên suối gác cần câu.
Giang sơn mắt thấy nên quen thuộc, Danh lợi lòng nào ước chác cầu.
Vương Chất tình cờ ta ướm hỏi, Rêu bụi bụi thấy tiên đâu.
42. Trần tình 6:
Chèo lan nhàn bát khuở tà dương, Một phút qua [đi] một lạ dường.
Ngàn nọ so miền Thái Thạch, Làng kia mỉa cảnh Tiêu Tương.
Hàng chim ngủ khi thuyền đỗ, Vầng nguyệt lên khuở nước cường.
Mạc được thú mầu trong khuở ấy, Thế gian hay một khách văn chương.


43. Trần tình 7:
Chén chăng lọ chuốc rượu La Phù, Khách đến ngâm chơi miễn có câu.
Lòng một tấc đan còn nhớ chúa, Tóc hai phần bạc bởi thương thu.
Khó bền, mới phải người quân tử, Mình gắng, thì nên kẻ trượng phu.
Cày ruộng cuốc vườn dầu hết khoẻ, Tôi Đường Ngu ở đất Đường Ngu.
44. Trần tình 8:
Chớ cậy sang mà ép nè, Lời chăng phải vuỗn khôn nghe.
Co que thay bấy ruột ốc, Khúc khuỷu làm chi trái hoè.
Hai chữ “công danh” chăng cảm cốc. Một trường ân oán những hăm he.
Làm người mựa cậy khi quyền thế, Có khuở bàn cờ tốt đuổi xe.
45. Trần tình 9:
Bảy tám mươi bằng một bát tay, Người sinh ở thế mới hèn thay.
Lan Đình tiệc họp mây ảo, Kim Cốc vườn hoang dế cày.
Nhật nguyệt soi đòi chốn hiện, Đông hè trải đã xưa hay.
Ta còn lẵng đẵng làm chi nữa, Tượng có trời bày đặt vay!
46. Thuật hứng 1:
Trúc mai bạn cũ họp nhau quen, Cửa mận tường đào chân ngại chen.
Chơi nước chơi non đeo tích cũ, Qua ngày qua tháng dưỡng thân nhàn.
Thì nghèo, sự biến nhiều bằng tóc, Nhà ngặt, quan thanh lạnh nữa đèn.
Mùi thế đắng cay cùng mặn chát, ít nhiều đã vấy một hai phen.
47. Thuật hứng 2:
Có thân thì cốc khá làm sao, Lảng bảng công hư, tuổi tác nào.
Người ảo hoá khoe thân ảo hoá, Khuở chiêm bao thốt sự chiêm bao.
Rừng thiền ắt thấy, nên đầm ấm. Đường thế nào nề, chẳng thấp cao.
Ai rặng mai hoa thanh hết tấc, Lại chăng được chép khúc “Ly tao”.
48. Thuật hứng 3:
Một cầy một cuốc, thú nhà quê, Áng cúc lan xen vãi đậu kê.
Khách đến chim mừng hoa xảy rụng, Chè tiên nước kín nguyệt đeo về.
Bá Di người rặng thanh là thú, Nhan Tử ta xem ngặt ấy lề.
Hễ tiếng dữ lành tai quản đắp, Cầu ai khen miễn lệ ai chê.
49. Thuật hứng 4:
Văn này gẫm thấy mới thon von, Thương hải hay khao, thiết thạch mòn.
Chí cũ ta liều nhiều sự hóc, Người xưa sử chép thảy ai còn.
Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc, Nước chảy âu khôn xiết bóng non.
Song viết lại toan nào của tích, Bạc mai vàng cúc để cho con.


50. Thuật hứng 5:
Đến trường đào mận ngạc chẳng thông, Quê cũ ưa làm chủ cúc thông.
Sầu nặng Thiếu Lăng biên đã bạc, Hứng nhiều Bắc Hải chén chưa không.
Mai chăng bẻ thương cành ngọc, Trúc nhặt vun tiếc cháu rồng.
Bui một tấc lòng ưu ái cũ, Đêm ngày cuộn cuộn nước chầu đông.
51. Thuật hứng :
Cảnh cũ non quê nhặt chốc mòng, Chiêm bao ngỡ đã đến trông.
Chè tiên nước kín bầu in nguyệt, Mai rụng hoa đeo bóng cách song.
Gió nhặt đưa qua trúc ổ, Mây tuôn phủ rợp thư phòng.
Thức nằm nghĩ ngợi còn mường tượng, Lá chưa ai quét cửa thông.
52. Thuật hứng 7:
Con lều mọn mọn đẹp sao, Trần thế chăng cho bén mỗ hào.
Khách lạ đến ngàn hoa chửa rụng, Câu mầu ngâm dạ nguyệt càng cao.
Những màng lẩn quất vườn lan cúc, Ắt ngại lanh tranh áng mận đào.
Ngựa ngựa xe xe la ỷ tốt, Dập dìu là ấy chiêm bao.
53. Thuật hứng 8:
Hễ kẻ làm quan đã có duyên, Tới lui mặc phận tự nhiên.
Thân xưa hương hỏa chăng còn ước, Chí cũ công danh đã phỉ nguyền.
Trẻ hòa sang ấy phúc, Già được lọn là tiên.
Cho về cho ở đều ơn chúa, Lọ phải xung xăng đến cửa quyền.
54. Thuật hứng 9:
Cội cây la đá lấy làm nhà, Lân các ai hầu mạc đến ta.
Non lạ nước thanh trộm dấu, Đất phàm cõi tục cách xa.
Thiên Thai hái thuốc duyên gặp, Vị Thủy gieo câu tuổi già.
Cốt lạnh hồn thanh chăng khứng hóa, Âu còn nợ chúa cùng cha.
55. Thuật hứng 10:
Kim Cốc phong lưu nỡ để hoang, Hôm mai uổng chịu nhọc toan đang.
Chàu mấy kiếp, tham lam bấy, Sống bao lâu, đáo để màng.
La ỷ dập dìu, hàng chợ họp, Cửa nhà bịn rịn, tổ ong tàng.
Thiên thơ án sách qua ngày tháng, Một khắc cầm nên mấy lạng vàng.
56. Thuật hứng 11:
Ruộng đôi ba khóm đất con ong, Đầy tớ hay cày kẻo mướn mung.
Sự có cầu người nên rẻ mặt, Phận tuy rằng khó miễn yên lòng.
Thu im cửa trúc mây phủ, Xuân tịnh đường hoa gấm phong.
Ai có của thông phòng thết khách, Một ao niềng niễng mấy đòng đòng.


57. Thuật hứng 12:
Nhà ngặt, bằng ta ai kẻ vì, Khó khăn phải lụy đến thê nhi.
Đắc thì thân thích chen chân đến, Thất thửa láng giềng ngảnh mặt đi.
Lều tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ, Đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi.
Thư song vắng vẻ nhàn vô sự, Tai chẳng còn nghe tiếng thị phi.
58. Thuật hứng 13:
Buồng văn tấp cửa lọn ngày thu, Đèn sách nhàn làm song viết Nho.
Thua được toan chi cơ Hán Sở, Nên chăng đành lẽ kiện Thương Chu.
Say mùi đạo chè ba chén, Rửa lòng phiền thơ bốn câu.
Khó miễn vui chăng thửa trách, Vì chưng đời có chúa Đường Ngu.
59. Thuật hứng 14:
Am quê về ở dưỡng nhàn chơi, Yên phận yên lòng kẻo tiếng hơi.
Ta quản tiêu dao qua mỗ thế, Ai từng phú quý mấy trăm đời.
Thân nhàn đến chốn dầu tự tại, Xuân muộn nào hoa chẳng rụng rời.
Dìn thấy Ngu công tua sá hỏi, Non từ nay mựa tốn công dời.
60. Thuật hứng 15:
Ngại ở nhân gian lưới trần, Thì nằm thôn dã miễn yên thân.
Trúc mai chăng phụ lòng quân tử, Vượn hạc đà quen bạn dật dân.
Hái cúc ương lan, hương bén áo. Tìm mai đạp nguyệt, tuyết xâm khăn.
Đàn cầm suối trong tai dỏi, Còn một non xanh là cố nhân.
61. Thuật hứng 16:
Già chơi dầu có của no dùng, Chén rượu câu thơ ấy hứng nồng.
Ngủ tênh hênh, nằm cửa trúc, Say lểu thểu, đứng đường thông.
Làm quan thơ dại, tài chẳng đủ, Về ở thanh nhàn, hẹn đã hòng.
Rảng rảng người rằng chuông ấy thạch, Dộng thì cũng có tiếng coong coong.
62. Thuật hứng 17:
Thân nhàn dạo khắp Tây Đông, Đường tới mười thu khỏi bụi hồng.
Diếp huyện hoa còn quyến khách, Rày biên tuyết đã nên ông.
Đành hay thương hải đòi thì biến, Đà biết nhân gian mọi sự không.
Chẳng bượp giang hồ nơi vắng vẻ, Cảnh thanh lọ ước cảnh non Bồng.
63. Thuật hứng 18:
Phú quý bao nhiêu người thế gian, Mơ mơ bằng khuở chước Hoè An.
Danh thơm một áng mây nổi, Bạn cũ ba thu lá tàn.
Lòng tiện soi dầu nhật nguyệt, Thề xưa hổ có giang san.
Ấy còn cậy cục làm chi nữa, Nẻo mộng chưa nồng, chẩm chửa toan.


64. Thuật hứng 19:
Chặm tự nhiên một thảo am, Dầu lòng đi Bắc miễn về Nam.
Chường thiền định, hùm nằm chực, Trái thì trai, vượn nhọc đam.
Núi láng giềng, chim bậu bạn, Mây khách thứa, nguyệt anh tam.
Tào Khê rửa nghìn tầm suối, Sạch chẳng còn một chút phàm.
65. Thuật hứng 20:
Non Phú Xuân cao nước Vị thanh, Mây quen nguyệt khách vô tình.
Đất thiên tử dưỡng tôi thiên tử, Đời thái bình ca khúc thái bình.
Cơm áo khôn đền Nghiêu Thuấn trị, Tóc tơ chưa báo mẹ cha sinh.
Rày mừng thiên hạ hai của: Tể tướng hiền tài, chúa thánh minh.
66. Thuật hứng 21:
Khó khăn thì mặc, có màng bao, Càng khó bao nhiêu chí mới hào.
Đại địa dày, Nam Nhạc khỏe, Cửu tiêu vắng, Bắc thần cao.
Lấy khi đầm ấm pha khi lạnh, Chử khuở khô khao có khuở dào.
Kìa nẻo Tô Tần ngày trước, Chưa đeo tướng ấn có ai chào!
67. Thuật hứng 22:
Chặm tự nhiên một tấm lều, Qua ngày tháng lấy đâu nhiều.
Gió tịn rèm thay chổi quét, Trăng kề cửa kẻo đèn khêu.
Cơm ăn chẳng quản dưa muối, Áo mặc nài chi gấm thêu.
Tựa gốc cây ngồi hóng mát, Leo heo ta hãy một leo heo.
68. Thuật hứng 23:
Bình sinh nhiễm được tật sơ cuồng, Con cháu nhiều ngày chịu khó dường.
La ỷ lấy đâu chăng lưới thưới, Hùng ngư khôn kiếm phải thèm thuồng.
Ao quan thả gưởi hai bè muống, Đất Bụt ương nhờ một rãnh mùng.
Còn có một lòng âu việc nước, Đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung.
69. Thuật hứng 24:
Công danh đã được, hợp về nhàn, Lành dữ âu chi thế nghị khen.
Ao cạn vớt bèo cấy muống, Đìa thanh phát cỏ ương sen.
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc, Thuyền chở yên hà nặng vạy then.
Bui có một lòng trung miễn hiếu, Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen.
70. Thuật hứng 25:
Lánh trần náu thú sơn lâm, Lá thông đàn, tiếng trúc cầm.
Sách cũ ngày tìm người hữu đạo, Đìa thanh đêm quyến nguyệt vô tâm.
Say hết tấc lòng hồng hộc, Hỏi làm chi sự cổ câm (kim).
Thế sự dầu ai hay buộc bện, Sen nào có bén trong lầm.


71. Tự thán 1:
Càng một ngày càng ngặt đến xương, ắt vì số mệnh, ắt văn chương.
Người hiềm rằng cúc qua trùng cửu, Kẻ hãy bằng quỳ hướng thái dương.
Chè khuở tiên, thì mình kín nước, Cầm khi đàn, khiến thiếp thiêu hương.
Non quê ngày nọ chiêm bao thấy, Vượn hạc chăng hờn lại những thương.
72. Tự thán 2:
Non hoang tranh vẽ trập hai ngàn, Nước mấy dòng thanh, ngọc mấy hàn.
Niềm cũ sinh linh đeo ắt nặng, Cật chưng hồ hải đặt chưa an.
Những vì thánh chúa, âu đời trị, Khá kể thân nhàn, tiếc tuổi tàn.
Thừa chỉ ai rằng thì khó ngặt, Túi thơ chứa hết mọi giang san.
73. Tự thán 3:
Dương tràng đường hiểm khúc co que, Quê chợ bao nhiêu khách đẩy xe.
Phú quý treo sương ngọn cỏ, Công danh gưởi kiến cành hoè.
Phong lưu mòn mỏi ba đường cúc, Ngày tháng tiêu ma một bát chè.
Chân chạy cánh bay, ai mỗ phận, Thiên công nào có thửa tây che.
74. Tự thán 4:
Non nước cùng ta đã có duyên, Được nhàn sá dưỡng tính tự nhiên.
Trường Canh hỏi nguyệt, tay dừng chén, Pha Lão chơi thu, khách nổi thuyền.
Lòng chẳng mắc tham là của báu, Người mà hết lụy ấy thân tiên.
Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn, Dường ấy ta đà phỉ thửa nguyền.
75. Tự thán 5:
Thiếu niên trường ốc, tiếng hư bay, Phải lụy vì danh, đã hổ thay!
Áng cúc thông quen vầy bậu bạn, Cửa quyền quý ngại lượm chân tay.
Qua đòi cảnh, chép câu đòi cảnh, Nhàn một ngày, nên quyển một ngày.
Tuổi đã năm mươi đầu đã bạc, ấy còn bìu rịn lấy chi vay!
76. Tự thán 6:
Ở thế thường hiềm khác tục ngươi, Đến đây rằng hết tiếng chê cười.
Kể ngày con nước toan triều rặc, Mách chúng thằng chài chác cá tươi.
Rượu đối cầm, đâm thơ một thủ, Ta cùng bóng, miễn nguyệt ba người.
Tai thường phỏng dạng câu ai đọc: “Rốt nhân sinh bảy tám mươi”.
77. Tự thán 7:
Chàu chẳng kịp, khó còn bằng, Danh lợi lòng đà ắt dưng dưng.
Dò trúc xông qua làn suối, Tìm mai theo đạp bóng trăng.
Giang sơn bát ngát kìa quê cũ, Tùng cúc bù trì ấy của hằng.
Một phút thanh nhàn trong khuở ấy, Nghìn vàng ước đổi được hay chăng?


78. Tự thán 8:
Tiêu sái tự nhiên nhẹ hết mình, Nài bao ngôi cả áng công danh.
Vô tâm, đìa có trăng bạc, Đắc thú, kho đầy gió thanh.
Trẻ dầu chơi con tạo hóa, Già lọ phục thuốc trường sinh.
Dưỡng nhàn miễn được qua ngày tháng, Non nước còn ghe chốn hữu tình.
79. Tự thán 9:
Nắng quáng sưa sưa bóng trúc che, Cây im thư thất lặng bằng the.
Tỏ tường phiến sách con Chu Dịch, Bàn bạc lòng nhàn cái quýt chè.
Đòi khuở khó khăn chăng xuýt ải, Thấy nơi xao xác đã mè ne.
Ngày nhàn gió khoan khoan đến, Sát sát kề song chước hoè.
80. Tự thán 10:
Tơ tóc chưa hề báo sở sinh, Già hòa lú, tủi nhiều hành.
Chông gai nhẻ đường danh lợi, Mặn lạt no mùi thế tình.
Sách một hai phiên làm bậu bạn, Rượu năm ba chén đổi công danh.
Ngoài chưng phần ấy cầu đâu nữa, Cầu một ngồi coi đời thái bình.
81. Tự thán 11:
Con lều mọn mọn cách hồng trần, Vướng vất tư mùa những bạn thân.
Trúc Tưởng Hủ nên thêm tiết cứng, Mai Lâm Bô đâm được câu thần.
Trượng phu non vắng là tri kỷ, Tiên khách nguồn im ấy cố nhân.
Mấy của yêu đương đà chiếm được, Lại mong chiếm cả hết hoà xuân.
82. Tự thán 12:
Lọ chi tiên bụt nhọc tìm phương, Được thú an nhàn ngày tháng trường.
Song có hoa mai đìa có nguyệt, Án còn phiến sách triện còn hương.
Tôi ngươi một tiết bền bằng đá, Biên tóc mười phần chịu những sương.
Chữ học ngày xưa quên hết dạng, Chẳng quên có một chữ “cương thường”.
83. Tự thán 13:
Phú quý lòng hơn phú quý danh, Thân hoà tự tại, thú hoà thanh.
Tiền sen tích để bao nhiêu thúng, Vàng cúc đam cho biết mấy bình.
Ngoài cửa, mận đào là khách đỗ, Trong nhà cam quýt ấy tôi mình.
Ai hay ai chẳng hay thì chớ, Bui một ta khen ta hữu tình.
84. Tự thán 14:
Lều hèn vô sự ấy lâu đài, Nằm ở chăng từng khuất nhiễu ai.
Tuyết đượm chà mai câu dễ động, Đìa in bóng nguyệt hứng thêm dài.
Quyển “Thi" - "Thư” những màng quen mặt, Tiếng thị phi chăng dộng đến tai.
Chẳng thấy phồn hoa trong khuở nọ, Ít nhiều gửi kiến cành hoài.


85. Tự thán 15:
Lòng người Man Xúc nhọc đua hơi, Chẳng cóc nhân sinh gửi chơi.
Thoi nhật nguyệt đưa qua mỗ phút, áng phồn hoa họp mấy trăm đời.
Hoa càng khoe tốt, tốt thì rã, Nước chớ cho đầy, đầy ắt vơi.
Mới biết doanh hư đà có số, Ai từng cải được lòng trời.
86. Tự thán 16:
Chước toan chưa dẹp nẻo bình sinh, Đến khuở già lại trách mình.
Khổ trúc chăng ưa lòng khách bạc, Lão mai sá học nết người thanh.
Công danh trở đường vô sự, Non nước ghé chốn hữu tình.
Nào của cổi buồn trong khuở ấy, Có thơ đầy túi, rượu đầy bình.
87. Tự thán 17:
Gẫm hay mùi đạo cực chưng ngon, Nghìn kiếp dầu ăn vuỗn hãy còn.
Nhật nguyệt dễ qua biên trắng, Cương thường khôn biến tấc son.
Chĩnh vàng chẳng tiếc danh thì tiếc, La đá hay mòn nghĩa chẳng mòn.
Chử khăng khăng ai nỡ phụ, Bù trì mựa khá để thon von.
88. Tự thán 18:
Lân la mến cảnh sơn khê, Sự thế nên vong hết mọi bề.
Ngòi khuở triều cường chờ nguyệt mọc, Cây khi ác lặn rước chim về.
Chàu mặc phận, nguôi lòng ước, Rốt yên bần, ấy cổ lề.
Ắt muốn đến chơi thành thị nữa, Âu là non nước nó đàn chê.
89. Tự thán 19:
Tài tuy chăng ngõ, trí chăng cao, Quyền đến trong tay chí mới hào.
Miệng khiến tửu binh pha luỹ khúc, Mình làm thi tướng đánh đàn tao.
Cầm xua hết mã, cờ xua tượng, Chim bắt trong rừng, cá bắt ao.
Còn có anh hùng bao nả nữa? Đòi thì vậy dễ hơn nào.
90. Tự thán 20:
Thế những cười ta rằng đứa thơ, Dại hoà vụng nết lừ cừ.
Lừa tìm ngàn Bá nhờ mai bảo, Thuyền nổi dòng thu có nguyệt đưa.
Ngoài cửa mừng người dầu cái vẹt, Trong nhà thết khách mặc con cờ.
Áo dành một tấm cơm hai bữa, Phận ấy chưng ta đã có thừa.
91. Tự thán 21:
Làm người hay một hoạ hay hai, Mựa cậy sang mựa cậy tài.
Tiết trực cho bằng đá sắt, Đường đi sá lánh chông gai.
Miệng người tựa mật, mùi qua ngọt, Đạo thánh bằng tơ, mối hãy dài.
Ngỡ ốc nhượng khiêm là mỹ đức, Đôi co ai dễ kém chi ai.


92. Tự thán 22:
Đương cơ ai kẻ khứng nhường ai, Thua được tình cờ có một mai.
Gạch quãng nào bày với ngọc, Sừng hằng những mọc qua tai.
Làm lành mới cậy chớ làm dữ, Có đức thì hơn nữa có tài.
Mấy kẻ tư văn sinh đất Việt, Đạo này nối nắm để cho dài.
93. Tự thán 23:
Nẻo xưa nay cũng một đường, Đây xộc xộc nẻo tam cương.
Đạo này để trong trời đất, Nghĩa ấy bền chưng đá vàng.
Gió gấp hay là cỏ cứng, Đục nhiều dễ biết đường quang.
Tôi ngươi thì một lòng trung hiếu, Mựa để nghìn đời tiếng hổ hang.
94. Tự thán 24:
Ngồi coi tháng lọn miễn ngày qua, Luống phụ triều đình luống phụ nhà.
Đầu kế lăng căng những hổ, Thân hèn lục cục mỗ già.
Giang sơn cách đường nghìn dặm, Sự nghiệp buồn đêm trống ba.
Nợ cũ chước nào báo bổ, Ơn sày ơn chúa miễn ơn cha.
95. Tự thán 25:
Xin làm mỗ bậu quản giang san, Có biết đâu là sự thế gian.
Củi hái mây dầu trúc múa, Cầm đưa gió mặc thông đàn.
Ngày xem hoa rụng chẳng cài cửa, Tối rước chim về mựa lạc ngàn.
Gửi tính ngư tiều hai đứa lẩn, Của ai non nước khiến ta bàn.
96. Tự thán 26:
Trời phú tính, uốn nên hình, Ắt đã trừng trừng nẻo khuở sinh.
Há chẳng biến dời cùng thế thái, Những âu tây tối có thần minh.
Cưu lòng nhụ tử làm thơ dại, Ca khúc Thương Lang biết trọc thanh.
Xét sự đã qua hay sự đến, Bao nhiêu nơi nhục bởi nơi vinh.
97. Tự thán 27:
Thiêu hương, đọc sách, quét con am, Chẳng bụt, chẳng tiên, ắt chẳng phàm.
Ánh cửa trăng mai tấp tấp, Kề song gió trúc nồm nồm.
Đầu non Thiếu Thất đen bằng mực, Dòng nước Liêm Khê lục nữa tràm.
Tiêu sái mấy lòng đà mạc được, Bảo chăng khứng mạc một lòng thơm.
98. Tự thán 28:
Non Tây bóng ác đã măng tằng, Dìn đỉnh tùng thu vãng chừng.
Thư nhạn rạc rời khi gió, Tiếng quyên khắc khoải khuở trăng.
Gia sơn cũ còn mường tượng, Thân sự già biếng nói năng.
Khó ngặt qua ngày xin sống, Xin làm đời trị mỗ thái bình.


99. Tự thán 29:
Phúc thay sinh gặp khuở thăng bình, Nấn ná qua ngày được dưỡng mình.
Trong mắt những mừng ơn bậu bạn, Trên đầu luống đội đức triều đình.
Tuổi cao tóc bạc, cái râu bạc; Nhà ngặt, đèn xanh, con mắt xanh.
Ở thế đấng nào là của trọng, Vui chẳng đã đạo làm lành.
100. Tự thán 30:
Vận trị cùng loàn, chỉn mặc thì, Bằng ta sinh uổng có làm chi.
Ơn vua luống nhiều phần đội, Việc nước nào ích mỗ bề.
Rắp tới, đã chăng hay chốn tới; Hầu đi, lại chửa biết đường đi.
Tôi ngươi hết tấc lòng trung hiếu, Ai há liều nơi thịnh suy.
101.Tự thán 31:
Nước xuôi nước ngược nổi đòi triều, Thuyền khách chơi thu các lướt chèo.
Mui thác trăng dương thế hứng, Buồm nhân gió, mặc khi phiêu.
Phơ phơ đầu bạc ông câu cá, Lẻo lẻo duềnh xanh con mắt mèo.
Âu lộ cùng ta dường có ý, Đến đâu thì thấy nó đi theo.
102 Tự thán 32:
Chặm tự nhiên lều một căn, Giũ không thảy thảy tấm hồng trần.
Nghìn hàng cam quít con đòi cũ, Mấy đứa ngư tiều bậu bạn thân.
Thấy nguyệt tròn thì kể tháng, Dìn hoa nở mới hay xuân.
Cày ăn đào uống yên đòi phận, Sự thế chăng hay đã Hán Tần.
103. Tự thán 33:
Kẻ thì nên bụt kẻ nên tiên, Tượng thấy ba thân đã có duyên.
Bành được Thương thua: con tạo hóa, Diều bay cá dảy: đạo tự nhiên.
Có thân mựa lệ bượp bằng hữu, Đọc sách thì xem thấy thánh hiền.
Ta nẻo ở đâu vui thú đấy, Người xưa ẩn cả lọ lâm tuyền.
104. Tự thán 34:
Tự nhiên đắp đổi đạo trời, Tiêu trưởng doanh hư một phút dời.
Muối miễn dưa dầu đủ bữa, Thao cùng gấm mặc chưng đời.
Công danh bịn rịn già lú, Tạo hóa đong lừa trẻ chơi.
Sự thế đã hay thì vậy, Có ai cốc được mỗ cười cười.
105. Tự thán 35:
Nương náu qua ngày chẳng lọ nhiều, Chân rừng chặm một căn lều.
Cửa hiềm khách tục nào cho đến, Song vắng chim phàm chớ tới kêu.
Lặt hoa tàn, xem ngọc rụng, Soi nguyệt xủ, kẻo đèn khêu.
Chàu những của tự nhiên ấy, Khỏng khảnh dầu lòng ở đất Nghiêu.


106. Tự thán 36:
Uổng có thân nhàn cực thửa nuôi, Ghe đường dại dột mỗ nên xuôi.
Nào ai dễ có lòng chân thật, Ở thế tin chi miệng đãi buôi.
Khong khảy kẻ cười cùng kẻ thốt, Khó khăn người dể miễn người duôi.
Nhân gian mọi sự đều nguôi hết, Một sự quân thân chăng khứng nguôi.
107. Tự thán 37:
Nẻo từ nước có đao binh, Nấn ná am quê cảnh cực thanh.
Đình Thấu Ngọc tiên sanh tuyết nhũ, Song mai hoa điểm quyển Hy kinh.
Hẹn này nỡ phụ ba đường cúc, Tiếc ấy vì hay một chữ "đinh".
Mọi sự đã chăng còn ước nữa, Nguyện xin một thấy khuở thăng bình.
108. Tự thán 38:
Phồn hoa một đoạn tỉnh mơ, Mẽ chuông tàn cảnh sất sơ.
Chim có miệng kêu, âu lại ngậm, Cáo khuyên lòng ở, mựa còn ngờ.
Chăng cài cửa, tiếc non che khuất, Sá để thuyền cho nguyệt chở nhờ.
Ta ắt muốn nhàn quan muốn lạnh, Lo thay vì lụy phải thờ ơ.
109. Tự thán 39:
Lấy đâu xuất xử lọn hai bề, Được thú làm quan trật thú quê.
Ngòi cạn ước ở làm cấn cấn, Cửa quyền biếng mặc áo thê thê.
Mừng cùng vượn hạc quen lòng thắm, Đã kẻo thuần lô bảo hạn về.
Thong thả dầu ta ngoài thế giới, La ngàn non nước một thằng hề.
110. Tự thán 40:
Ngủ thì nằm, đói lại ăn, Việc vàn ai hỏi áo bô cằn.
Tranh giăng vách nài chi bức, Đình thưởng sen nừng có căn.
Vườn quạnh dầu chim kêu hót, Cõi trần có trúc dừng ngăn.
Già vuỗn lấy rượu phù khỏe, Họa lại quên lòng khó khăn.
111. Tự thán 41:
Chớ còn chẳng chẳng, chớ quyền quyền, Lòng hãy cho bền đạo Khổng môn.
Tích đức cho con hơn tích của, Đua lành cùng thế mựa đua khôn.
Một niềm trung hiếu làm biêu cả, Hai quyển Thi - Thư ấy báu chôn.
Ở thế làm chi câu thúc nữa, Nhi tôn đã có phúc nhi tôn.
112. Tự thuật 1:
Thế gian đường hiểm há chăng hay, Cưỡng còn đi, ấy thác vay.
Nước kiến phong quang hầu mấy kiếp, Rừng Nho nấn ná miễn qua ngày.
Tóc nên bạc bởi lòng ưu ái, Tật được tiêu nhờ thuốc đắng cay.
Kỳ, ký, nô, thai đà có đấy, Kẻ dìn cho biết lại khôn thay!


113. Tự thuật 2:
Tính ắt trần trần nẻo sinh, Ngại đòi thì thế biến nhiều hành.
Tuổi tàn, cảnh đã về ban muộn, Tóc bạc, biên khôn chác lại xanh.
Ở thế thì cho ta những thiệt, Khoe mình khá chịu miệng rằng lành.
Khiêm nhường ấy mới biêu quân tử, Ai thấy Di Tề có thửa tranh.
114. Tự thuật 3:
Vuỗn sinh lẩn thẩn mỗ già, Mọi sự đều nên thuấn nhã đa.
Bà ngựa dầu lành, nào Bá Nhạc, Cái gươm nhẫn có, thiếu Trương Hoa.
Ngon mùi đạo phiến hoàng quyển, Rửa lòng sầu chén tử hà.
Phong nguyệt dầu ta ai kẻ đoán, Được ngâm nga ắt sá ngâm nga.
115. Tự thuật 4:
Khó khăn là của thế gian yêm, Huống mỗ già dại dột thêm.
Cúc đợi đến thu, hương chỉn muộn, Mai sinh phải tuyết, lạnh chăng hiềm.
Gia sơn, đường cách muôn dặm, Ưu ái, lòng phiền nửa đêm.
Bể hiểm nhân gian ai kẻ biết, Ghê thay thế nước vị qua mềm.
116. Tự thuật 5:
Hơn thiệt đành phần sự chớ liều, Được nhàn ta ắt sá tiêu diêu.
Ngọc lành nào có tơ vện, Vàng thật âu chi lửa thiêu.
Ỷ Lý há cầu quan tước Hán, Hứa Do quản ở nước non Nghiêu.
Phồn hoa chẳng dám, ngặt yên phận, Trong thế, anh hùng ấy mới biêu.
117. Tự thuật 6:
Lan còn chín khúc, cúc ba đường, Quê cũ chăng về nỡ để hoang.
Thương nhẫn Biện Hòa ngồi ấp ngọc, Đúc nên Nhan Tử tiếc chi vàng.
Quan thanh bằng nước, nhà bằng khánh, Cảnh ở tựa chiền, lòng tựa sàng.
Dường ấy của no cho bậc nữa, Hôm dao đáo để cố công mang.
118. Tự thuật 7:
Thuốc tiên thường phục tử hà xa, Bồng đảo khôn tìm ngày tháng qua.
Tính ắt nhiễm cùng bầy mộc thạch, Lòng còn chạnh có thú yên hà.
Lồng chim ao cá từ làm khách, Ngòi nguyệt ngàn mai phụ lệ nhà.
Cửa động chẳng hay lìa nẻo ấy, Bích đào đã mấy phút đâm hoa.
119. Tự thuật 8:
Mấy thu áo khách nhuốm hơi dầm, Bén phải Đông Hoa bụi bụi xâm.
Rủ vượn hạc xin phương giải tục, Quyến trúc mai kết bạn tri âm.
Nha tiêm tiếng động án Chu Dịch, Thạch đỉnh hương tàn khói thủy trầm.
Lều tiện qua ngày yên thửa phận, Đài cao chẳng lọ đắp Hoàng Câm.


120. Tự thuật 9:
Ở thế nhiều phen thấy khóc cười, Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi.
Lòng người một sự yêm chưng một, Đèn khách mười thu lạnh hết mười.
Phượng những tiếc cao diều hãy liệng, Hoa thì hay héo cỏ thường tươi.
Ai ai đều có hai con mắt, Xanh bạc dầu chưng mặt chúng ngươi.
121. Tự thuật 10:
Danh chăng chác, lộc chăng cầu, Được ắt chẳng mừng, trật chẳng âu.
Có nước nhiễu song, non nhiễu cửa, Còn thơ đầy túi, rượu đầy bầu.
Người tri âm ít, cầm nên lặng, Lòng hiếu sinh nhiều, cá ngại câu.
Mấy kẻ công danh nhàn lững đững, Mồ hoang cỏ lục thấy ai đâu.
122. Tự thuật 11:
Hoạn nạn nhiều thu tổn khí hào, Lâm tuyền chưa khứng dứt chiêm bao.
Nước càng tuôn đến bể càng cả, Đất một chồng thêm núi một cao.
Sự thế chưng ta dầu đạm bạc, Hiên mai đeo nguyệt quản tiêu hao.
Vũ truyền thiên hạ Nhan Uyên ngặt, Đổi đất xong thì có khác nao.
123. Tức sự 1:
Chạnh yên hà, chái một gian đình, Quét đất thiêu hương giảng ngũ kinh.
Chim đỗ tổ dìn còn biết mặt, Hoa nen rừng thấy hòa hay danh.
Đai lân bùa hổ lòng chăng ước, Bến trúc đường thông cảnh cực thanh.
Có khuở giang lâu ngày đã tối, Thuyền hòa còn dỏi tiếng tranh tranh.
124. Tức sự 2:
Lấy biêu phú quý đổi biêu hèn, Có kẻ thì chê có kẻ khen.
Chốn ở, chái căn lều lá, Mùa qua, chằm bức áo sen.
Hoa còn để rụng lem đất, Cửa một dường cài sệt then.
Ai thấy rằng cười là thế thái, Ghê thay biến bạc làm đen.
125. Tức sự 3:
Thư trai vắng vẻ cảnh ngày trường, Một quyển Hy kinh một triện hương.
Léo chân nằm vườn Độc Lạc, Chặm lều ở đất Nam Dương.
Hoa chăng thay rụng, bày chi phấn, Thông sá bù trì, mộng cột rường.
Mựa trách thế gian lòng đạm bạc, Thế gian đạm bạc đấy lòng thường.
126. Tức sự 4:
Tráu sưa sưa hai cụm trúc, Chường tấp tấp một nồi hương.
Vượn chim kết bạn nước non quạnh, Cầm sách cùng nhau ngày tháng trường.
Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh, áo bô quen cật vận xênh xang.
Bốn dân nghiệp có cao cùng thấp, Đều hết làm tôi thánh thượng hoàng.


127. Tự giới:
Làm người thì chử đạo trung dung, Khắn khắn răn dỗ thửa lòng.
Hết kính hết thìn bề tiến thoái, Mựa tham mựa dại nết anh hùng.
Hùm oai muông mạnh còn nằm cũi, Khiếu hót chim khôn phải ở lồng.
Nén lấy hung hăng bề huyết khí, Tai nàn chẳng phải, lại thung dung.
128. Bảo kính cảnh giới 1: (gương báu răn dè)
Đạo đức hiền lành được mọi phương, Tự nhiên cả muốn chúng suy nhường.
Lợi tham hết lấy nhiều thì cạnh, Nghĩa phải đam cho ắt chẳng phường.
Sự thế sá phòng khi được trật, Lòng người tua đoán khuở mừng thương.
“Chẳng nhàn” xưa chép lời truyền bảo, Khiến chử cho qua một đạo thường.
129. Bảo kính cảnh giới 2:
Bền đạo trung dung chẳng khuở tàng, Màng chi phú quý nhọc khoe khoang.
Đông về tuyết muộn mai nhiều bạc, Thu nẻo tin truyền cúc có vàng.
Kết bạn mựa quên người cố cựu, Yên nhà nỡ phụ vợ tao khang.
Nước đào giếng, cơm cày ruộng, Thảy thảy dường bằng nguyệt Cửu Giang.
130. Bảo kính cảnh giới 3:
Có của hằng cho lại có thông, Tích nhiều con cháu nõ trông.
Nghiệp Lưu Quý thịnh, đâu truyền báu, Bia Ngụy Trưng cao, há nối tông.
Hiềm kẻ say chưng bề tửu sắc, Hoạ người thìn được thói cha ông.
Còn nhiều sá họp toan ăn uống, Tám chín mươi thì vạn sự không.
131. Bảo kính cảnh giới 4:
Nhân nghĩa trung cần chử tích ninh, Khó thì hay kháo, khốn hay hanh.
Đời Thương thánh biết cầu Y Doãn, Nhà Hán ai ngờ được Tử Khanh.
Khi bão mới hay là cỏ cứng, Khuở nghèo thì biết có tôi lành.
Kìa ai cây cả nhàn ngồi tựa, Nẻo có công nhiều lọ phải tranh.
132. Bảo kính cảnh giới 5:
Phúc của chung, thì họa của chung, Nắm thì họa khỏi phúc về cùng.
Văn chương chép lấy đòi câu thánh, Sự nghiệp tua thìn phải đạo trung.
Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược, Có nhân có trí có anh hùng.
Chiềng cho biết nay dường ấy, Chẳng thấp thì cao ắt được dùng.
133. Bảo kính cảnh giới 6:
Lấy khi phú quý đắp cơ hàn, Vần chuyển chăng dừng sự thế gian.
Nẻo khỏi tiểu nhân quân tử nhọc, Dầu chăng quân tử tiểu nhân loàn.
Của nhiều, sơn dã đam nhau đến, Khó ở, kinh thành thiếu kẻ han.
Hằng lấy đạo trung làm nghĩa cả, Qua ngày qua tháng được an nhàn.


134. Bảo kính cảnh giới 7:
Cắp nắp làm chi hỡi thế gian, Có thì ăn mặc chớ lo toan.
Đông hiềm giá lạnh chằm mền kép, Hạ lệ mồ hôi kết áo đơn.
Nằm có chiếu chăn cho ấm áp, Ăn thì canh cá chớ khô khan.
Phúc dầu hay đến trăm tuổi, Mình thác thì nên mọi của tan.
135. Bảo kính cảnh giới 8:
Vinh hoa nhiều thấy khách đăm chiêu, Bần tiện ai là kẻ chuộng yêu?
Của đến nước xa nên quý giá, Người lìa quê cũ lấy làm phiêu.
Nuôi con mới biết lòng cha mẹ, Thấy loạn thì hay đời Thuấn Nghiêu.
Phúc gặp ngần nào, ấy mệnh, Làm chi đua nhọc tốn công nhiều.
136. Bảo kính cảnh giới 9:
Trần trần mựa cậy những ta lành, Phúc họa tình cờ xảy chửa đành.
Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn, Lòng người quanh nữa nước non quanh.
Chẳng ngừa nhỏ, âu nên lớn, Nẻo có sâu, thì bỏ canh.
Ở thế ươn hèn chăng có sự, Nghìn muôn tốn nhượng chớ đua tranh.
137. Bảo kính cảnh giới 10:
Muốn ăn trái, dưỡng nên cây, Ai học thì hay mựa lệ chầy.
Dợ đứt khôn cầm bà ngựa dữ, Quan cao nào đến dạng người ngây.
Trị dân sơ lập lòng cho chính, Có nước thường in nguyệt khá rây.
Có chẳng có tài dùng chẳng đến, Mựa rằng thánh đức có nơi khuây.
138. Bảo kính cảnh giới 11:
Cưu một lòng ngay khác chúng ngươi, Ở chưng trần thế mấy phen cười.
Phúc nhiều xưa bởi nơi ta tích, Xuân đến tự nhiên mọi vật tươi.
Có của bo bo hằng chực của, Oán người nớp nớp những âu người.
Làm chi pháo phúc lòng nhau bấy, Rốt nhân sinh bảy tám mươi.
139. Bảo kính cảnh giới 12:
Chàu người họp, khó người tan, Hai ấy hằng lề sự thế gian.
Những kẻ ân cần khi phú quý, Họa ai bồ bặc khuở gian nan.
Lều không, con cái hằng tình phụ, Bếp lạnh, anh tam biếng hỏi han.
Lòng thế bạc đen dầu nó biến, Ta thìn nhân nghĩa chớ loàn đan.
140. Bảo kính cảnh giới 13:
Phú quý thì nhiều kẻ đến chen, Uốn đòi thế thái tính chưa quen.
Cơm ăn miễn có dầu xoa bạc, Áo mặc âu chi quản cũ đen.
Khó ngặt hãy bền lòng khó ngặt, Chê khen mựa ngại tiếng chê khen.
Ruộng nhiều quê tổ năm ba thửa, Tạc tỉnh canh điền tự tại nhèn.


141. Bảo kính cảnh giới 14:
Tài lọn, công danh hợp mọi bề, Dại ngây nên thiếu kẻ khen chê.
Khách hiền nào quản quen cùng lạ, Cơm đói nài chi gẩm miễn khê.
Yên phận cũ chăng bằng phận khác, Cả lòng đi mặc nhủ lòng về.
Người cười dại khó ta cam chịu, Đã kẻo lầm cầm miễn mất lề.
142. Bảo kính cảnh giới 15:
Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền, Cành bắc cành nam một cội nên.
Điền địa chử tham hơn bỏ ải, Nhân luân mựa lấy dưới làm trên.
Chân tay dầu đứt bề khôn nối, Xống áo chăng còn mô dễ xin.
Ở thế dịn nhau muôn sự đẹp, Cương nhu cùng biết hết hai bên.
143. Bảo kính cảnh giới 16:
Bởi lòng chẳng ở cửa quyền, Há rặng quân thần chẳng phải duyên.
Song viết có nhiều dân có khó, Cửa nhà càng quãng thế càng phiền.
Đam mình non nước nhàn qua tuổi, Kết bạn thông mai ngõ phỉ nguyền.
Chúc thánh cho tày Nghiêu Thuấn nữa, Được về ở thú điền viên.
144. Bảo kính cảnh giới 17:
Ăn lộc nhà quan chịu việc quan, Chớ tham tiểu lợi phải gian nan.
Cầu hiền chí cũ mong cho được, Bất nghĩa lòng nào mựa nỡ toan.
Chử khuở phong lưu pha khuở khó, Lấy khi phú quý đắp khi hàn.
Cho hay bĩ thái mấy lề cũ, Nẻo có nghèo thì có an.
145. Bảo kính cảnh giới 18:
Có tông có tộc mựa sơ thay, Vạn diệp thiên chi bởi một cây.
Yêu chuộng người dưng là của cải, Thương vì thân thích nghĩa chân tay.
Quan cao nhắn nhủ môn đồ nọ, Hoạn nạn bù trì huynh đệ bay.
Phiêu bạc cùng nhau còn được cậy, Mựa nghe sàm nịnh có lòng tây.
146. Bảo kính cảnh giới 19:
Sinh đấng trung đà phúc đức thay, Chẳng cao, chẳng thấp miễn qua ngày.
Ở yên thì nữa lòng xung đột, Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày.
Nhiều của ấy chăng qua chữ nghĩa, Dưỡng người cho kẻo nhọc chân tay.
Trời đã có kho vô tịn, Dành để nhi tôn khỏi bợ vay.
147. Bảo kính cảnh giới 20:
Lành người đến, dữ người dang, Yêu xạ vì nhân mùi có hương.
Ở ngọt thì hơn, nhiều kẻ chuộng, Quá chua liền ủng, có ai màng.
Lòng làm lành đổi lòng làm dữ, Tính ở nhu hơn tính ở cương.
Gẫm gấp thắm thì phai lại gấp, Yêu nhau chẳng đã đạo thường thường.


148. Bảo kính cảnh giới 21:
Ở bầu thì dáng ắt nên tròn, Xấu tốt đều thì rập khuôn.
Lân cận nhà chàu no bữa cốm, Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn.
Chơi cùng đứa dại nên bầy dại, Kết với người khôn học nết khôn.
Ở đấng thấp thì nên đấng thấp, Đen gần mực, đỏ gần son.
149. Bảo kính cảnh giới 22:
Của thết người là của còn, Khó khăn phải đạo, cháo càng ngon.
Thấy ăn chạy đến thì no dạ, Đỡ đánh bênh nhau ắt phải đòn.
Chớ lấy hại người làm ích kỷ, Hãy năng tích đức để cho con.
Tay ai thì lại làm nuôi miệng, Làm biếng ngồi ăn lở núi non.
150. Bảo kính cảnh giới 23:
Rừng Nho quãng, nấn ngàn im, Hột cải tình cờ được mũi kim.
Bể học trường văn hằng nhặt bới, Đường danh suối lợi hiểm khôn tìm.
Chúa ràn nẻo khỏi tan con nghé, Hòn đất hầu lầm, mất cái chim.
Khóm ruộng ăn ngày tháng đủ, Bạn cùng phiến sách tiếng đàn cầm.
151. Bảo kính cảnh giới 24:
Ai trách hiềm cây, lại trách mình, Vốn xưa một cội thác cùng cành.
Cành khô gấp bấy nay nên củi, Hột chín phơi chừ rắp để bình.
Than lửa hoài chưng thương vật nấu, [Củi] thiêu tiếng khóc cảm thần linh.
Thế gian ai có thì cốc, Mựa nỡ cho khuây nghĩa đệ huynh.
152. Bảo kính cảnh giới 25:
Cơn cớ nguyền cho biết sự do, Xem mà quyết đoán lấy cương nhu.
Được thua cứ phép làm thằng mặc, Cao thấp nài nhau tựa đắn đo.
Lỗi thác sá toan nơi ủy khúc, Hòa hưu thì khiến nõ tù mù.
Tội ai cho nấy cam danh phận, Chớ có thân sơ mới trượng phu.
153. Bảo kính cảnh giới 26:
Trong tạo hóa có cơ mầu, Hay đủ hay dừng, mới kẻo âu.
Nước biếc non xanh, thuyền gối bãi, Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu.
Chén châm rượu đục ngày ngày cạn, Túi quảy thơ nhàn chốn chốn thâu.
Kham hạ Nghiêm Quang từ chẳng đến, Đồng Giang được nấn một đài câu.
154. Bảo kính cảnh giới 27:
Một vườn hoa trúc, bốn bề thâu, Lánh thân nhàn được thú mầu.
Dưới tạc nên ao chín khúc, Trong nuôi được cá nghìn đầu.
Cuộc lần cờ thấp tan ngày diễn, Bếp thắng chè thô cổi khuở âu.
Bốn bể nhẫn còn mong đuốc đốt, Dầu về dầu ở mặc ta dầu.


155. Bảo kính cảnh giới 28:
Nghìn dặm xem mây nhớ quê, Chẳng chờ cổi ấn gượng xin về.
Một bầu phong nguyệt nhàn tự tại, Hai chữ “công danh” biếng vả vê.
Dẫn suối nước đầy cái trúc, Quảy trăng túi nặng thằng hề.
Đã ngoài chưng thế dầu hơn thiệt, Chẳng quản ai khen, chẳng quản chê.
156. Bảo kính cảnh giới 29:
Chớ người đục đục, chớ ta thanh, Lấy phải thì trung, đạo ở kinh.
Rồi việc mới hay khuôn được thú, Khỏi quyền đã kẻo lụy chưng danh.
Một bầu hòa biết lòng Nhan Tử, Tám trận khôn hay chước Khổng Minh.
Song viết huống còn non nước cũ, Mặc dầu thua được có ai tranh.
157.Bảo kính cảnh giới 30:
Chẳng khôn, chẳng dại, luống ương ương, Chẳng dại, người hòa lại chẳng thương.
Bến liễu mới dời, thuyền chở nguyệt, Gác vân còn chử, bút đeo hương.
Tác ngâm: bạc dẫy mai trong tuyết, Đối uống: vàng đầy cúc khuở sương.
Văn đạt chẳng cầu, yên mỗ phận, Ba căn lều cỏ đất Nam Dương.
158. Bảo kính cảnh giới 31:
Chân mềm ngại bước dặm mây xanh, Quê cũ tìm về cảnh cũ thanh.
Hương cách gác vân, thu lạnh lạnh, Thuyền kề bãi tuyết, nguyệt chênh chênh.
Ân tây là ấy yêu dường chúa, Lỗi thác vì nơi lụy bởi danh.
Bui có một niềm trung hiếu cũ, Chẳng nằm, thức dậy nẻo ba canh.
159. Bảo kính cảnh giới 32:
Mọi việc dừng, hân hết mọi âu, Điền viên lánh mặc ta dầu.
Tác ngâm song có mai và điểm, Dời ngó rèm lồng nguyệt một câu.
Dưới công danh nhiều thác cả, Trong ẩn dật có cơ mầu.
Đạo quân thân nhẫn dầu ai lỗi, Hổ xanh xanh ở trốc đầu.
160. Bảo kính cảnh giới 33:
Sóng khơi ngại vượt bể triều quan, Lui tới đòi thì miễn phận an.
Ghé cửa đêm chờ hương quế lọt, Quét hiên ngày lệ bóng hoa tàn.
Đời dùng người có tài Y, Phó, Nhà ngặt, ta bền đạo Khổng, Nhan.
Kham hạ hiền xưa toan lẩn được, Ngâm câu: “Danh lợi bất như nhàn”.
161. Bảo kính cảnh giới 34:
Yêu nhục nhiều phen vuỗn đã từng, Lòng người sự thế thảy lâng lâng.
Chuộng thì nên ngõ, nhờn thì dái, Trật chẳng hề âu, được chẳng mừng.
An lạc một lều dầu địch, Thái bình mười chước ngại dâng.
No nao biết được lòng tri kỷ, Vạnh non tây nguyệt một vầng.


162. Bảo kính cảnh giới 35:
Thế tình kháo uốn vuỗn bằng câu, Đòi phận mà yên há thửa cầu?
Diếp còn theo tiên gác phượng, Rày đà kết bạn sa âu.
Được thì xem áng công danh dễ, Đến lẽ hay cơ tạo hóa mầu.
Kham hạ Trương Lương chăng khứng ở, Tìm tiên để nộp ấn phong hầu.
163. Bảo kính cảnh giới 36:
Lọ chi thành thị, lọ lâm tuyền, Được thú thì hơn, miễn phận yên.
Vụng bất tài, nên kém bạn, Già vô sự, ấy là tiên.
Đồ thư bốn vách nhà làm của, Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền.
Cùng đạt dòm hay nơi có mệnh, Đòi cơ tạo hóa mặc tự nhiên.
164. Bảo kính cảnh giới 37:
Một an một sách một con lều, Song viết bao nhiêu mặc bấy nhiêu.
Tráu cúc thu vàng nảy lác, Sân mai tuyết bạc che đều.
Có con mới biết ơn cha nặng, Dừng lộc thì hay nghĩa chúa nhiều.
Bấm trong nhàn nào thửa được, Đầy song hoa nở, tiếng chim kêu.
165. Bảo kính cảnh giới 38:
Mấy phen lần bước dặm thanh vân, Đeo lợi làm chi luống nhọc thân.
Nhớ chúa lòng còn đan một tấc, Âu thì tóc đã bạc mười phân.
Đìa thanh, cá lội, in vầng nguyệt, Cây tịnh, chim về, rợp bóng xuân.
Dầu phải dầu chăng, mặc thế, Đắp tai biếng mắng sự vân vân.
166. Bảo kính cảnh giới 39:
Nối nghiệp tiên nhân đọc một kinh, Chẳng ngờ bước tới áng công danh.
Cảm ân nỡ phụ muôn đời chúa, Phải lụy, vì nhân một chữ “đinh”.
Vũ Tử lui tuy chịu dại, Bá Di lánh mới nên thanh.
Xưa còn chép câu kinh để: “Yên phận thì chăng nhục đến mình”.
167. Bảo kính cảnh giới 40:
Làm người biết máy, khôn sao, Lỗi thác ai vì mỗ chút nào.
Một phút khách chầy còn thấy hỏi, Hai phen lần đến ắt chăng chào.
Cửa sày, giá nhơn nhơn lạnh, Lòng bạn, trăng vặc vặc cao.
Lan huệ chẳng thơm thì chớ, Nữa chi lại phải chốn tanh tao.
168. Bảo kính cảnh giới 41:
Đổi lần đã mấy áng phồn hoa, Dầu ngặt, ta vui đạo ta.
Sầm xem mai, hay tuyết đến, Say thưởng nguyệt, lệ thu qua.
Ba thân hương hỏa nhờ ơn chúa, Một cửa “thi thư” dõi nghiệp nhà.
Thấy bể triều quan đà ngại vượt, Trong dòng phẳng có phong ba.


169. Bảo kính cảnh giới 42:
Dưng dưng sự thế biếng đôi tranh, Dầu mặc chê khen, mặc dữ lành.
Bói ở lần tìm non Tạ Phó, Xin về xưa cổi ấn Ngu Khanh.
Láng giềng một áng mây bạc, Khách thứa hai ngàn núi xanh.
Có khuở viếng thăm bạn cũ, Lòng thơ ngàn dặm, nguyệt ba canh.
170. Bảo kính cảnh giới 43:
Rồi hóng mát khuở ngày trường, Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.
Thệu lệu hiên còn phun thức đỏ, Hồng liên đìa đã tịn mùi hương.
Lao xao chợ cá làng ngư phủ, Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng, Dân chàu đủ khắp đòi phương.
171. Bảo kính cảnh giới 44:
Đói khó thì làm việc ngửa tay, Chớ làm sự lỗi, quỷ thần hay.
Nhiều khôn chẳng đã bề khôn thật, Trăm kháo nào qua chước kháo đầy.
Có của cho người nên quãng miệng, Chẳng tham ở thế kẻo chau mày.
Bất nhân vô số nhà hào phú, Của ấy nào ai từng được chầy.
172. Bảo kính cảnh giới 45:
Có xạ, tự nhiên mùi ngát bay, Lọ là đứng gió xang tay.
Bánh lành trong lá ghe người thấy, Tiền tốt ngoài hiên hòa kẻ hay.
Mực thước thế gian dầu có phải, Cân xưng thiên hạ lấy đâu tày.
Nhiều khôn, nhiều khó, lo cho nhọc, Chẳng đã khôn ngay kháo đầy.
173. Bảo kính cảnh giới 46:
Kẻ khôn thì bảo kẻ ngây phàm, Nghề nghiệp cầm tay ở mới cam.
Nên thợ nên sày vì có học, No ăn no mặc bởi hay làm.
Một cơm hai việc nhiều người muốn, Hai thớ ba dòng họa kẻ tham.
Thấy lợi thì làm cho phải nghĩa, Mựa tây mặt khiến miễn lòng đam.
174. Bảo kính cảnh giới 47:
Tuy rằng bốn bể cũng anh tam, Có kẻ hiền lành, có kẻ phàm.
Nhiều thốt đã đành nhiều sự lỗi, Ít ăn thì lại ít người làm.
Xa hoa ở quãng nên khó, Tranh cạnh làm hờn bởi tham.
Kia thẳng nọ dùi nào có đứt, Người hơn, ta thiệt, mới hầu cam.
175. Bảo kính cảnh giới 48:
Lộc trời cho đã có ngần, Tua hay thửa phận, chớ còn nằn.
Chàu nhiều của, con chẳng có, Sống hơn người, mệnh khó khăn.
Hễ kẻ danh thơm hay được phúc, Mấy người má đỏ phải nhiều lăn.
Vắn dài, được trật dầu thiên mệnh, Chạy quấy làm chi cho nhọc nhằn.


176. Bảo kính cảnh giới 49:
Việc ngoài hương đảng chớ đôi co, Thấy kẻ yêng hùng hãy dịn cho.
Dợ nọ có dùi nào có đứt, Cây kia toan đắn lại toan đo.
Chớ đua huyết khí nên hận, Làm trật lòng người những lo.
Hễ kẻ làm khôn thì phải khó, Chẳng bằng vô sự ngáy pho pho.
177. Bảo kính cảnh giới 50:
Điền địa nhà ta thấy đầy, Tạo tình những ước được lâu ngày.
Xuân qua còn bảo con đòi cuốc, Hạ đến đà cho kẻ khác cày.
Cốc lại thửa làm càng tổn thiệt, Ích chi còn muốn nhọc chân tay?
Ruộng nương là chủ, người là khách, Đạo đức lành, ấy của chầy.
178. Bảo kính cảnh giới 51:
Bậu bạn cùng nhau nghĩa chớ vong, Người kia phú quý nỡ quên lòng?
Đứt vàng chăng trớ câu Hy Dịch, Khinh bạc màng ngâm thơ Cốc phong.
Quân tử nước giao, âu những lạt, Hiền nhân rượu thết, lọ là nồng!
Một phen bạn đến còn đằm thắm, Hai bữa mừng nhau, một mặt không.
179. Bảo kính cảnh giới 52:
Chép hết bao nhiêu sự thế ưa, Ai ai đà biết được hay chưa?
Kim ngân ấy của người cùng muốn, Tửu sắc là nơi nghiệp há chừa?
Thế sự trai yêu thiếp mọn, Nhân tình cái nhớ chồng xưa.
Chẳng say, chẳng đắm là quân tử, Người hiểm lòng thay, hãy sá ngờ!
180. Bảo kính cảnh giới 53:
Chẳng hổ thân già tuổi tác hư, Khó khăn, dại dột, mỗ lừ cừ.
Toan cùng người với thì chẳng đủ, Xử một ta nay ắt có dư.
Bạn tác dể duôi đà phải chịu, Anh em trách lóc ấy khôn từ.
Bằng rồng nọ ai phen kịp, Mất thế cho nên mặt dại ngơ.
181. Bảo kính cảnh giới 54:
Được trật dõi nơi sự tiếc mừng, Đạo ta thông biết, hết lưng lưng.
Non cao Bạch Thạch nào đời chuyển, Nước cả Hoàng Hà há khuở nhưng.
Thiên hạ dõi truyền: lăng có thước, Thế gian bảo rặng: thóc toan thưng.
Nhọc nhằn ai chớ còn than thở, Ăn có dừng thì việc có dừng.
182. Bảo kính cảnh giới 55:
Để truyền bia miệng kiếp nào mòn, Cao thấp cùng xem sự trật còn.
Thương cá thác vì câu uốn lưỡi, Gẫm ruồi chết phải bát bồ hòn.
Già mặc số trời đất, Dấu ai qua vợ con.
Quân tử, thánh hiền lòng tựa nước, Càng già càng gẫm của bùi ngon.


183. Bảo kính cảnh giới 56:
Trí qua mười mới khá rằng nên, Ỷ lấy Nho, hầu đấng hiền.
Đao bút phải dùng tài đã vẹn, Chỉ thư nấy chép việc càng chuyên.
Vệ Nam mãi mãi ra tay thước, Điện Bắc đà đà yên phận Tiên.
Nghiệp Tiêu Hà làm khá kịp, Xưa nay cũng một sử xanh truyền.
184. Bảo kính cảnh giới 57:
Tài đức thì cho lại có nhân, Tài thì kém đức một hai phân.
Thờ cha lấy thảo làm phép, Rập chúa hằng ngay miễn cần.
Đọc sách thì thông đòi nghĩa sách, Đam dân mựa nỡ trật lòng dân.
Của chăng phải đạo, làm chi nữa, Muôn kiếp nào hề lụy đến thân.
185. Bảo kính cảnh giới 58:
Này lời nhắn bảo khách bàng quan, Khôn phải lo lường, dại được an.
Nọ kẻ tranh hùng nên Hán tướng, Kìa ai từ tước ẩn Thương San.
Già trui thép cho nên mẻ, Bể nồi hương bởi ngã bàn.
Khuyên kẻ trượng phu sinh ở thế, Hễ đường bất nghĩa, chớ loàn đan.
186. Bảo kính cảnh giới 59:
Của nhiều sinh chẳng được con hiền, Ngày tháng công hư, chực lỗ tiền.
Tua xả khoan khoan, lòng thế ít, Chớ màng cạy cạy, khiến lòng phiền.
Gia tài ấy xem hèn hạ, Đạo đức này khá chính chuyên.
Say rượu no cơm cùng ấm áo, Trên đời chỉn ấy khách là tiên.
187. Bảo kính cảnh giới 60:
Khó khăn, phú quý, học Tô Tần, Miễn đức hơn tài được mỗ phần.
Khoe tiết làu làu nơi học đạo, Ở triều khắn khắn chữ “trung cần”.
Cổi phàm tục, khỏi lòng phàm tục, Học thánh nhân, chuyên thói thánh nhân.
Trung hiếu cương thường lòng đỏ, Tự nhiên lọn nghiệp ba thân.
188. Bảo kính cảnh giới 61:
Trung cần há nỡ trại cân xưng, Nhiều thánh hiền xưa kiếp đã từng.
Tước thưởng càng ngày càng dõi chịu, Ân thăng một bước một phen mừng.
Ở đài các, chử lòng Bao Chửng, Nhậm tướng khanh, thìn thói Ngụy Trưng.
Khong khảy thái bình đời thịnh trị, Nghiệp khai sáng tựa nghiệp trung hưng.
189. Quy Côn Sơn trùng cửu ngẫu tác:
Trùng dương mấy phút khách thiên nha, Kịp phen này được đỗ nhà.
Túi đã không tiền, khôn chác rượu, Vườn tuy có cúc, chửa đâm hoa.
Phong sương đã bén biên thi khách, Tang tử còn thương tích cố gia.
Ngày khác hay đâu còn việc khác, Tiết lành mựa nỡ để cho qua.


190. Giới sắc:
Sắc là giặc, đam làm chi, Khuở trọng còn phòng có khuở suy.
Trụ trật quốc gia vì Đát Kỷ, Ngô lìa thiên hạ bởi Tây Thi.
Bại tan gia thất đời từng thấy, Tổn hại tinh thần sự ích chi!
Phu phụ đạo thường chăng được trớ, Nối tông hoà phải một đôi khi.
191. Giới nộ:
Chận làm chi, tổn khí hoà, Nào từng hữu ích, nhọc mình ta.
Nẻo đua khí huyết, quên nhân nghĩa, Hoà thất nhân tâm, nát cửa nhà.
Mấy phút om thòm dường tích lịch, Một cơn lừng lẫy tựa phong ba.
Đến khi tịch, mới ăn năn lại, Dịn song thì mọi sự qua.
192. Huấn nam tử:
Nhắn bảo phô bay đạo cái con, Nghe lượm lấy, lọ chi đòn.
Xa hoa lơ lửng nhiều hay hết, Hà tiện đâu đang ít hãy còn.
Áo mặc miễn là cho cật ấm, Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon.
Xưa đà có câu truyền bảo: “Làm biếng hay ăn lở non”.
Thì lệnh môn
193. Tảo xuân đắc ý:
Đường tuyết thông còn giá in, Đã sai én ngọc lại cho dìn.
Xuân chầy liễu thấy chưa hay mặt, Vườn kín hoa truyền mới lọt tin.
Cành có tinh thần, ong chửa thấy, Tính quen khinh bạc, điệp chăng thìn.
Lạc Dương khách ắt thăm thinh nhọc, Sá mựa cho ai quảy đến bên.
194. Trừ tịch:
Mười hai tháng lọn mười hai, Hết tấc đông trường, sáng mai.
Hắc Đế, Huyền Minh đà đổi ấn, Sóc phong, bạch tuyết hãy đeo đai.
Chong đèn chực tuổi cay con mắt, Đốt trúc xua na đắng lỗ tai.
Chẳng thấy lịch quan tua sá hỏi, Ướm xem Dần nguyệt tiểu hay đài?
195. Vãn xuân:
Toan từ gặp tiết lương thần, Thiếu một hai mà no chín tuần.
Cướp thiếu niên đi, thương đến tuổi, Ốc dương hoà lại, ngõ dừng chân.
Vườn hoa khóc tiếc mặt phi tử, Đìa cỏ tươi nhưng lòng tiểu nhân.
Cầm đuốc chơi đêm, này khách nói, Tiếng chuông chưa dộng ắt còn xuân.
196. Xuân hoa tuyệt cú:
Ba tháng hạ thiên bóng nắng dài, Thu đông lạnh lẽo cả hoà hai.
Đông phong từ hẹn tin xuân đến, Đầm ấm nào hoa chẳng tốt tươi.


197. Hạ cảnh tuyệt cú:
Vì ai cho cái đỗ quyên kêu, Tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu.
Lại có hoè hoa chen bóng lục, Thức xuân một điểm não lòng nhau.
198. Thu nguyệt tuyệt cú:
Đông đà muộn lại sang xuân, Xuân muộn thì hè lại đổi lần.
Toan kể tư mùa có nguyệt, Thu âu là nhặn một hai phân.
199. Tích cảnh thi 1:
Hầu nên khôn lại, tiếc khuâng khuâng, Thu đến đêm qua cảm vả mừng.
Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt, Khoan khoan những lệ ác tan vầng.
200. Tích cảnh thi 2:
Diếp trúc còn khoe tiết cứng, Rày liễu đã rủ tơ mềm.
Lầu hồng có khách cầm xuân ở, Cầm ngọc tay ai dắng dỏi thêm.
201. Tích cảnh thi 3:
Dắng dỏi bên tai tiếng quản huyền, Lòng xuân nhẫn động ắt khôn thìn.
Xuân xanh chưa dễ hai phen lại, Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên.
202. Tích cảnh thi 4:
Tiếc thiếu niên qua trật hẹn lành, Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình.
Biên xanh nỡ phụ cười đầu bạc, Đầu bạc xưa nay có khuở xanh.
203. Tích cảnh thi 5:
Hỡi kẻ biên xanh chớ phụ người, Thức xuân kể được mấy phen tươi.
Vì thu cho nhẫn nên đầu bạc, Chưa dễ ai đà ba bảy mươi.
204. Tích cảnh thi 6 :
Ba bảy mươi nào luống nhọc thân, Được thua đã biết sự vân vân.
Chớ cười hiền trước rằng dại, Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân.
205. Tích cảnh thi 7:
Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm, Những lệ xuân qua tuổi tác thêm.
Cực thấy ngoài hiên tơ liễu rủ, Một phen liễu rủ một phen mềm.
206. Tích cảnh thi 8:
Liễu mềm rủ, nhặt đưa hương, Hứng bện lầu thơ khách ngại rường:
Thấy cảnh lòng thơ càng vấn vít, Một phen tiếc cảnh một phen thương.
207. Tích cảnh thi 9:
Thương cảnh vì nhân cảnh hữu tình, Huống chi người lạ cảnh hoà thanh.
Xuân ba tháng thì thu ba tháng, Hoa nguyệt đôn dùng mấy phút lành.
208. Tích cảnh thi 10:
Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng, Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng.
Ngoài ấy dầu còn áo lẻ, Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng.

209. Tích cảnh thi 11:
Ba xuân thì được chín mươi ngày, Sinh vật lòng trời chẳng tây.
Dỉ bảo đông phong hời hợt ít, Thế tình chớ tiếc dưng dưng thay.
210. Tích cảnh thi 12:
Lầu xanh từng thấy khách thi nhân, Vì cảnh lòng người tiếc cảnh xuân.
Mới trách thanh đồng tin diễn đến, Bởi chưng hệ chúa Đông Quân.
211. Tích cảnh thi 13:
Đâu đâu cũng chịu lệnh Đông quân, Nào chốn nào chẳng gió xuân.
Huống lại vườn còn hoa trúc cũ, Dồi thức tốt lạ mười phân.
212. Thuỷ trung nguyệt:
Nguyệt trong đáy nước nguyệt trên không, Xem ắt lầm một thức cùng.
Hải Nhược chiết nên cành quế tử, Giang Phi chiếm được chước thiềm cung.
Thu cao, thỏ ướm thăm lòng bể, Vực lạnh, châu mừng thoát miệng rồng.
Điệu khiếp thiên nhan chẳng nỡ tịn, Lui thuyền lẵng đẵng ở trên dòng.
213. Thuỷ thiên nhất sắc:
Trời nghi ngút nước minh mông, Hai ấy cùng xem một thức cùng.
Hang thỏ trầm tăm Hải Nhược, Nhà giao giãi bóng thiềm cung.
Bút thiêng Ma Cật, tay khôn mạc, Câu kháo Huyền Huy, ý chửa đông.
Lẽ có chim bay cùng cá dảy, Mới hay kìa nước nọ hư không.
Hoa mộc môn
214. Mai thi:
Giữa mùa đông trỗi thức xuân, Nam chi nở cực thanh tân.
Trên cây khác ngỡ hồn Cô Dịch, Đáy nước ngờ là mặt Thái Chân.
Càng khuở già càng cốt cách, Một phen giá một tinh thần.
Người cười rằng kém tài lương đống, Thửa việc điều canh bội mấy phần.
215. Lão mai :
Hoa nẩy cây nên, khuở đốc sương, Chẳng tàn chẳng cỗi, hãy phong quang.
Cách song khác ngỡ hồn Cô Dịch, Quáng bóng in nên mặt Thọ Dương.
Đêm có mây, nào quyến nguyệt, Ngày tuy gió, chẳng bay hương.
Nhờ ơn vũ lộ đà no hết, Đông đổi dầu đông hãy một dường.
216. Cúc:
Người đua nhan sắc khuở xuân dương, Nghĩ chờ thu cực lạ dường.
Hoa nhẫn rằng đeo danh ẩn dật, Thức còn thông bạn khách văn chương.
Tính thanh nào đoái bề ong bướm, Tiết muộn chăng nài khuở tuyết sương.
Dầu thấy xuân lan cùng lọn được, Ai ai đều có mỗ mùi hương.


217. Hồng cúc:
Quỹ đông cho thức xạ cho hương, Tạo hóa sinh thành khác đấng thường.
Đốt lòng đan chăng bén tục, Bền tiết ngọc kể chi sương.
Danh thơm Thượng uyển còn phen kịp, Bạn cũ đông ly ắt khá [nhường].
Miễn được chúa tiên yêu chuộng đến, Ngày nào khá ấy trùng dương.
218. Tùng 1: (ba bài, dùng cách thủ vĩ liên hoàn)
Thu đến cây nào chẳng lạ lùng, Một mình lạt khuở ba đông.
Lâm tuyền ai rặng già làm khách, Tài đống lương cao ắt cả dùng.
219. Tùng 2:
Đống lương tài có mấy bằng mày, Nhà cả đòi phen chống khoẻ thay.
Cội rễ bền dời chẳng động, Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày.
220. Tùng 3:
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày, Có thuốc trường sinh càng khoẻ thay.
Hổ phách phục linh dìn mới biết, Dành còn để đỡ dân này.
221. Trúc thi 1: (ba bài, dùng cách thủ vĩ liên hoàn)
Hoa liễu chiều xuân cũng hữu tình, Ưa mày vì bởi tiết mày thanh.
Đã từng có tiếng trong đời nữa, Quân tử ai chẳng mắng danh.
222. Trúc thi 2:
Danh quân tử mắng nhiều ngày, Bảo khách tri âm mới biết hay.
Huống lại dưng dưng chăng bén tục, Trượng phu tiết cứng khác người thay.
223. Trúc thi 3:
Trượng phu tiết cứng khác người thay, Dưỡng dỗ trời có ý vay.
Từ khuở hóa rồng càng lạ nữa, Chúa xuân gẫm càng huyễn thay.
224. Mai thi 1: (ba bài, dùng cách thủ vĩ liên hoàn)
Xuân đến nào hoa chẳng tốt tươi, Ưa mày vì tiết sạch hơn người.
Gác Đông ắt đã từng làm khách, Há những Bô tiên kết bạn chơi.
225. Mai thi 2:
Tiên Bô kết đã bấy thu chầy, Ngẫm ngọt dường bằng mếch trọng thay.
Lại có một cành ngoài ấy lẻ, Bóng sưa ánh nước động người vay.
226. Mai thi 3:
Bóng sưa ánh nước động người vay, Sầm đưa hương một nguyệt hay.
Huống lại bảng xuân sơ chiếm được, So tam hữu chẳng bằng mày.
227. Đào hoa thi 1: (sáu bài, dùng cách thủ vĩ liên hoàn)
Một đóa đào hoa kháo tốt tươi, Cách xuân mởn mởn thấy xuân cười.
Đông phong ắt có tình hay nữa, Kín tịn mùi hương dễ động người.

228. Đào hoa thi 2:
Động người hoa kháo tỏ tinh thần, Ắt bởi vì hoa ắt bởi xuân.
Dỉ sứ chim xanh đừng chốc lối, Bù trì đã có khí hồng quân.
229. Đào hoa thi 3:
Khí hồng quân hãy sá tài qua, Chớ phụ xuân này chớ phụ hoa.
Hoa có ý thì xuân có ý, Đâu đâu cũng một khí dương hòa.
230. Đào hoa thi 4:
Khí dương hòa há có tây ai, Nừng một hoa này nhẫn mọi loài.
Toan kể chỉn còn ba tháng nữa, Gặp xuân mựa để má đào phai.
231. Đào hoa thi 5:
Má đào phai hết bởi xuân qua, Nẻo lại đâm thì liền luống hoa.
Yến thửa Dao Trì đà có hẹn, Chớ cho Phương Sóc đến lân la.
232. Đào hoa thi 6:
Phương Sóc lân la đã hở cơ, Ba phen trộm được há tình cờ.
Có ai ướm hỏi tiên Vương Mẫu, Tin khá tin, thì ngờ khá ngờ.
233. Hoa mẫu đơn:
Một thân hòa tốt lại sang, Phú quý âu chăng kém hải đường.
Lai láng lòng thơ ngâm chửa đủ, Ngồi nâng toàn ngọc, triện còn hương.
234. Hoàng tinh:
Đất dư dưỡng được cụm hoàng tinh, Cấu phương lành để dưỡng mình.
Ai rặng túi sày chăng đủ thuốc, Hay vườn đã có vị trường sinh.
235. Thiên tuế thụ:
Cây lục vờn vờn bóng lục in, Xuân nhiều tuổi đã kể dư nghìn.
Ngày ngày đã có tiên làm bạn, Đưa thuốc tiên lai chẳng phải xin.
236. Ba tiêu:
Từ bén hơi xuân tốt lại thêm, Đầy buồng lạ màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín, Gió nơi đâu gượng mở xem.
237. Mộc cận:
Ánh nước hoa in một đóa hồng, Vện nhơ chẳng bén, “Bụt là lòng”.
Chiều mai nở chiều hôm rụng, Sự lạ cho hay tuyệt sắc không.
238. Giá:
Viện xuân đầm ấm nắng sơ duôi, Áo tía hung hung khuở mặc thôi.
Ăn nước kìa ai được thú, Lần từng đốt mới hay mùi.
239. Lão dung:
Tìm được lâm tuyền chốn dưỡng thân, Một phen xuân tới một phen xuân.
Tuy đà chưa có tài lương đống, Bóng cả như còn rợp đến dân.

240. Cúc:
Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm, Có mấy bầu sương nhuỵ mới đâm.
Trùng cửu chớ hiềm thu đã muộn, Cho hay thu muộn tiết càng thơm.
241. Mộc hoa:
Trời sinh vật vuỗn bằng người, Nẻo được thơm tho thiếu tốt tươi.
Ắt có hay đòi thửa phận, Chẳng yêu thì chớ nỡ chi cười.
242. Mạt lị hoa:
Môi son bén phấn day day, Đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay.
Mấy kẻ hồng nhan thì bạc phận, Hồng nhan kia chớ cậy mình thay.
243. Liên hoa:
Lầm nhơ chẳng bén, tốt hòa thanh, Quân tử kham khuôn được thửa danh.
Gió đưa hương đêm nguyệt tịnh, Riêng làm của có ai tranh.
244. Hoè:
Mống lành nẩy nẩy bãi hoè trồng, Một phút xuân qua một phút trông.
Có khuở ngày hè giương tán lục, Đùn đùn bóng rợp cửa tam công.
245. Cam đường:
Thấy bóng cam đường nhớ Thiệu Công, Đất dư xảy được bạn cùng thông.
Bút thơ đã chép hương còn bén, Ngâm ngợi nào ai chẳng động lòng.
246. Trường an hoa:
Ấy chẳng Tây Thi thì Thái Chân, Trời cho tốt lạ mười phân.
Ngày chầy điểm đã phong quần đỏ, Rỡ tư mùa một thức xuân.
247. Dương:
Chiếm được thiều quang chín mươi, Day day hoa nở tốt hòa tươi.
Đông phong có ý bù trì nữa, Một phút xuân là một động người.
Cầm thú môn
248. Lão hạc:
Gẫm hay sự thế nhẹ bằng lông, Ăn uống chăng nài bổng Vệ công.
Lầu nguyệt đã quen tiên thổi địch, Non xuân từng bạn khách ăn thông.
Cánh xâm bạch tuyết mười phần bạc, Đỉnh nhuốm đan sa chín chuyển hồng.
Nghìn dặm trời dầu đủng đỉnh, Kham cười anh vũ mắc chưng lồng.
249. Nhạn trận:
Nước dẫy triều cường, cuối bãi đầy, Làm “kỳ”, “chính” kháo nên bầy.
Đàn trầm đạn ngọc sao bắc, Phất dõi cờ lau gió tây.
Thu phát lệnh nghiêm hàng đỗ gấp, Sương thanh bảng nhặt tiếng kêu chầy.
[. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .]. Tử tái đường nghèo lòng mựa ngây.


250. Điệp trận:
Làm sứ đi thăm tin tức xuân, Lay thay cánh nhẹ mười phân.
Nội hoa táp táp vây đòi hỏi, Doanh liễu khoan khoan kháo lữa lần.
Thục đế để thành trêu tức, Phong vương đắp luỹ khóc rân.
Chúa xuân dìu dặt dư ba tháng, Mắng cầm ve mới đỗ quân.
251. Miêu:
Lọ vằn sinh bởi mãi phương Tây, Phụng sự Như Lai trộm phép sày.
Hơn chó được ngồi khi diện bếp, Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây.
Đi nào kẻ cấm buồng the kín, Ăn đợi ai làm bàn soạn đầy.
Khó miễn sang chăng nỡ phụ, Nhân chưng chận chuột phải nuôi mày.
252. Trư:
Dài hàm nhọn mũi cứng lông, Được dưỡng vì chưng có thửa dùng.
Lỗi hòa đàn: tinh Bắc Đẩu, Lang một điểm: thụy Liêu Đông.
Chân khi mặt nước, chưa hay lạt, [. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .........].
Tiện chẳng hay bề biến hóa, Giương hai con mắt lại xem rồng.
253. Thái cầu:
Truyền tin chẳng lọ nhọc thanh đồng, Cổi lòng xuân làm sứ thông.
Năm thức phơi phơi đuôi phượng mở, Tám lòng ỉm ỉm chữ nhàn phong.
Dõi qua ngàn liễu vương tơ bạc, Bay tịn lòng hoa động bóng hồng.
Nẻo đến tin đâu đều hết có, Nâng niu ai nỡ để tay không.
254. Nghiễn trung ngưu:
Đằm chơi bể học đã nhiều xuân, Dời đến trên yên nằm quải chân.
Mạy mọ hôm dao lòng mặc khách, Kỳ mài ngày tháng của thi nhân.
Khoẻ cày ruộng thánh đà nhiều khóm, Được dưỡng sào văn vô số phần.
[...........................................................], [...................................................]

Ức Trai di tập quyển chi thất hoàn!