Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Từ nguyên của "chằm" và "trải"

Bài viết tham gia hội thảo kỷ niệm 1 năm ngày mất Gs Nguyễn Tài Cẩn





KHẢO VỀ CHẰM VÀ TRẢI TRONG TIẾNG VIỆT CỔ

QUA “CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ” CỦA TRẦN NHÂN TÔNG



Nguyễn Hùng Vĩ và Trần Trọng Dương




Bắt đầu bằng việc ngồi đọc lại tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông. Trong tác phẩm này, ở Hội năm, câu 11 (câu 63 tính theo toàn bài) ghi:




GS Đào Duy Anh trong cuốn Chữ Nôm- nguồn gốc- cấu tạo- diễn biến phiên:

-Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc kim hoặc chỉ;

Cơm cùng áo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu xoa.

Trăn trở với cách phiên đó, GS Hoàng Xuân Hãn phiên lại:

-Áo miển (mliễn) chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể.

Và dường như chưa thật yên tâm với cách đọc của mình, trong phần Đại ý và lược chú, GS Hoàng Xuân Hãn viết: “Áo thì mặc chằm vá, rách xể cũng chẳng hề, quí hồ ấm (hai chữ Châm 針 và Trĩ 雉 chắc đều chép chữ nôm theo phép mượn âm; nhưng đọc thế nào thì không chắc. CN đọc kim chỉ. Theo âm thì đọc châm trễ là gần nhất, nhưng tứ không hợp. Tôi đọc chằm xể, hợp hơn, tuy rằng những âm ấy ngày nay có thể viết bằng chữ Nho khác. Cũng có thể âm xể xưa là xlể)...” [tr.1118].

Rõ ràng mặc dù chủ trương đọc là chằm- xể nhưng GS cũng không chắc là đã đọc đúng. Vả lại, về nghĩa, cụ hiểu chằm là “chằm vá”, động tác dùng dây, kim luồn để nối kết các tấm vật liệu lại với nhau; còn xể là “rách xể”, lưu tích còn trong từ chổi xể.

Những băn khoăn của các nhà cựu học khiến chúng tôi phải tiếp tục suy nghĩ. Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát các ngữ liệu cổ, chúng mạnh dạn đề xuất cách đọc hai câu phú trên như sau:

-Áo miễn chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc chằm (chầm) hoặc trải.

Dưới đây là những giải thích của chúng tôi qua sự khảo sát từ các từ điển cổ và các ngữ liệu cổ được ghi bằng chữ Nôm. Phương pháp làm việc của chúng tôi là: dựa trên cách đọc Hán Việt của thanh phù ghi âm trong chữ Nôm, từ đó đưa ra các khả năng đoán định về âm đọc; khả năng của âm đọc được củng cố trên các tư liệu từ điển cổ từ cuối thế kỷ XIX về trước. Khi chữ Nôm có dấu vết bị sửa đổi do dọn bản của các đời sau, chúng tôi tiến hành nghiên cứu, tái lập ngữ âm tiếng Việt đồng thời soi chiếu với các cứ liệu chữ Nôm cổ để tìm ra từ nguyên cũng như lịch sử phát triển, biến đổi ngữ âm- ngữ nghĩa của ngữ tố đang khảo sát.

1. Khảo về chữ CHẰM

GS Hoàng Xuân Hãn ghi ngờ cách phiên “hoặc kim hoặc chỉ” của Gs Đào hẳn có lý của ông. Theo phép đối trong một liên phú, câu dưới ghi “dầu bạc dầu xoa” (cấu trúc: dầu + vị ngữ tính từ; dầu + vị ngữ tính từ), thì câu trên có cấu trúc (hoặc + danh từ; hoặc + danh từ) là cần phải cân nhắc lại. Cách phiên của GS Hoàng “hoặc chằm hoặc xể” với “chằm” và “xể” đều là các tính từ hoặc động từ có chức năng làm vị ngữ, theo chúng tôi là khá hữu lý. Vấn đề cần thảo luận tiếp là cách phiên chuyển, hơn nữa là cách hiểu về ngữ tố tiếng Việt cổ đang xét. Bởi lẽ, như ta biết, Cư trần lạc đạo phú có thể coi là một trong vài ba ngữ liệu sớm nhất hiện nay còn giữ được thuộc về điểm mút đầu của giai đoạn tiếng Việt cổ (thế kỷ XIII-XVI).

Chữ Châm針, chúng tôi cũng đọc là chằm (hoặc chầm) nhưng hiểu nghĩa khác đi so với giáo sư Hoàng Xuân Hãn, chúng tôi hiểu chằm là quàng, choàng, ôm lấy...

Đọc như trên, câu phú được hiểu lọn ý hơn với nghĩa nhàn nhã với cuộc sống đạm bạc của một người tu hành hòa mình với bụi trần mà vẫn thung dung lạc đạo: Để đầm ấm cho qua mùa rét thì áo hoặc chăn cái gì cũng xong, hoặc là quàng (áo) hoặc là trải (chăn), tùy lúc, không câu nệ.

Chúng ta thấy một số từ điển từ thế kỉ XIX về trước ghi nhận chữ chằm với nghĩa là quàng, choàng, ôm lấy. Cụ thể như trình bày dưới đây.

1772 – 1773, từ điển Dictionarium Anamitico Latinum (Tự vị Annam Latinh) của Piere Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu) còn ghi mục từ Chằm lấy với chữ扌針 và với nghĩa Ôm chặt [theo Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên tb. 1999, tr. 67].

1838, từ điển mang tên La Tinh như trên của Aj. L. Taberd (tên Hán Việt là Nam Việt dương hiệp tự vị) cũng có mục từ như trên, được viết bằng chữ Nôm扌針 [tr.54].

1884, Việt Pháp từ điển của Trương Vĩnh Kí có mục từ Chằm và chú tiếng Pháp là Tenir fortement.

1895, Đại Nam quấc âm tự vị của Huình – Tịnh Paulus Của cũng cho ta ngữ liệu “Chằm lấy. Giữ lấy, chụp lấy. Thấy mặt thì chằm lấy mà mắng” [tr.118]. Chữ Chằm được viết ở dạng 扌針.

Như vậy, trong quá khứ, chữ Chằm với nghĩa “ôm chặt, ôm quàng lấy” đang là một động từ hoạt động độc lập. Nghĩa của nó là rất gần gũi với các chữ quàng, choàng. Ngày nay với tư cách là một động từ như vậy, nó hầu như đã rụng khỏi ngữ dụng phổ thông, chỉ còn lại trong các kết cấu ôm chằm / ôm chầm, chằm vặp / chầm vập, ôm chằm chặp. Ta có thể giải nghĩa được từ chầm trong ôm chầm, vốn là một kết cấu đẳng lập hai động từ gần nghĩa với nhau: Ôm và Chầm. Nhưng chầm dần dần mờ nghĩa nên được hiểu như là một trạng thái bổ trợ cho Ôm và được hiểu như từ ghép chính phụ. Trong tiếng Tày ta có tiếng Chổm là quàng, ví dụ: chổm pạ slửa khửn bá mưà (choàng áo lên vai) [Hoàng Văn Ma 1984: tr.377]. tiếng Dăm có nghĩa là ôm, ví dụ: dăm chăp ăn thù nâng (ôm một mối thù) [Hoàng Văn Ma 1984: 356]. Có thể thấy chằm là một từ cổ thuộc vốn từ vựng của tiếng Việt cổ (tk XIII-XVI). Chữ này sẽ thuộc loại từ cổ thứ ba theo cách phân loại của Vương Lộc [2001, lời nói đầu tr.I]. Những từ cùng nhóm này như: han trong hỏi han, chường trong chán chường, tác trong tuổi tác, tói trong đòi tói (dây xích) và lòi tói (dây dợ),… Từ chằm không còn hoạt động một cách độc lập trong tiếng Việt Trung đại (XVII-XIX) và tiếng Việt hiện đại nữa.

Nếu nghiên cứu của chúng tôi có thể chấp nhận được, thì sẽ đem đến cho kho tàng từ cổ tiếng Việt thêm một đơn vị thú vị nữa, giải tỏa những dùng dằng mà GS Đào Duy Anh và GS Hoàng Xuân Hãn đã đề cập tới. Không những thế, có thể bổ sung cho các từ điển từ cổ và từ điển chữ Nôm một mục từ mới chưa từng xuất hiện trong bất cứ một công trình nào trước đây.



2. Khảo về chữ TRẢI

Chữ Trĩ雉đọc là trải theo kiểu mượn âm là hoàn toàn có thể xảy ra trên lý thuyết và thực tế. Mối quan hệ giữa i- ai là một mốt quan hệ đã từng được biết đến, ví dụ qua đối ứng giữa âm Hán Việt đời Đường và âm Hán Việt phi Đường: 疑nghi- ngại, 義nghĩ- ngãi,眉 mi- mày, 胝 tri- chai/ trai (cái chai tay),脂 chi- chài (mỡ chài), ,厘 li- lai (một li một lai), 理 lí- lái (lí tài- lái buôn),… Với một âm đọc phiên chuyển sang tiếng Việt hiện nay thì khả năng đọc trải là có thể chấp nhận được. Trải với tư cách động từ, có nghĩa là “trải ra, giãi ra”. Sự tương ứng của mô hình âm trong chữ Nôm, dùng thanh phù Hán có thủy âm TR- để ghi chính xác thủy âm TR- khiến chúng tôi nghĩ rằng đây có thể là một chữ Nôm do đời sau lọt vào trong quá trình dọn bản từ thiền sư Chân Nguyên (tk XVII), rồi được bảo lưu trong bản của sư Thanh Hanh (1932). Điều này chứng tỏ việc dọn bản cho chữ Nôm ở đây được thực hiện sau khi quá trình chuyển đổi của các thủy âm kép đã hoàn thành, tức quãng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Chính thiền sư Chân Nguyên cũng đã viết trong cuốn Yên Tử sơn Trần Triều Thiền tông bản hạnh rằng:

“Dược Am gió mát bóng cây

Dọn Thiền tông lại để nay san truyền”[1]

Sở dĩ chúng tôi đi đến nhận định trên đây, bởi những kết quả của ngành ngữ âm học lịch sử đã soi sáng thêm rất nhiều cho giả thuyết này. Từ điển Việt Bồ La đã có phương án ghi khá chính xác cho ngữ tố đang xét. Từ điển này ghi như sau: “blải: trải, giải nghĩa. Léy áo blải lót đàng: lấy áo trải trên đường đi” [tb1994: 39]. Đến đây ta có thể tạm thời đi đến nhận định rằng, blải thế kỷ XVII sẽ cho âm giải ở Miền Bắc và trải ở Miền Trung. Hơn nữa có thể khẳng định lại lần nữa rằng trĩ không phải là chữ Nôm đời Trần mà là chữ Nôm đời Lê Trung Hưng trong quá trình dọn bản, dùng để nghi ngữ tố trải từ thế kỷ XVIII trở lại đây.

Để hiểu thêm về từ này, chúng tôi tiến hành khảo sát các ngữ cảnh có từ thế kỷ XVII trở về trước qua một số tư liệu chữ Nôm. Sách Truyền kỷ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú ghi: Ngủ thì áng cỏ trải làm nệm chiếu, khát thì nước suối dâng làm rượu ngọt (Q.III 67b), bèn khiến trải chiếu bên Đông bên Tây, sánh ngồi luận sự văn (Q.IV 40b), chữ trải đều được ghi bằng . Có thể thấy, chữ Nôm trong Truyền kỳ mạn lục là một chữ Nôm hình thanh, nhưng vẫn có thanh phù lại 吏dùng để ghi phần âm lỏng và khuôn vần của ngữ tố đang xét. Dù cách ghi có khiếm khuyết, nhưng dựa vào cứ liệu của Từ điển Việt Bồ La, ta vẫn có thể tái lập là *blai3. Như thế mô hình âm của chữ Nôm sẽ là L-(BL-), dùng L- để ghi BL-. Theo các kết quả nghiên cứu của Vương Lộc qua An Nam dịch ngữ, từ thế kỷ XV-XVI về trước, ngữ tố này có thể có hai biến thể ngữ âm là *blai3và *tlai3. Quá trình diễn biến ngữ âm, theo chúng tôi có thể trình bày như sau:

*blai3> hòa đúc> trải (Trung)

*blai3> hòa đúc> giải (Bắc)

*blai3> rụng âm [b] > rải/ rãi.

*tlai3> rụng âm lỏng> tãi/ toãi.

Thế kỷ XII, ngữ tố đang xét xuất hiện trong câu sau: mẹ nằm ngày sinh con, năm tạng đều - ra (13a3), dịch từ câu Hán văn 慈母生居日,五臟揔開張. Từ điển Chữ Nôm của Viện NC Hán Nôm cho tự dạng Nôm là (tr.1142). Hoàng Thị Ngọ cho rằng chữ Nôm đang xét là阿 賴 [tr.58] và nhận định đây là một tổ hợp phụ âm có âm tiền tắc thanh hầu hóa. Chúng tôi theo ý kiến này và tái lập là *?laj3. Tuy nhiên, chúng tôi xin đính chính lại một điểm, tự dạng Nôm chính xác là , vi tính hóa là 阿懶 a lãn. Chữ (cự巨 + lãn懶) thì chữ cự là chữ viết bằng bút lông (chứ không phải nét khắcvốn có của bản khắc), nét chữ mềm, yếu và lạc hẳn phong cách so với toàn bộ văn bản, có lẽ do người đời sau thêm vào. Từ điển chữ Nôm của Viện NC Hán Nôm thì coi 阿 là một thành tố chưa thể lý giải, bởi nó nằm ở vị trí cuối cùng của dòng trước, cho nên mặc nhận chữ (nằm ở đầu dòng) là đúng.

Tuy nhiên, dấu cự lại là một chứng tích khá xưa do người đời sau thêm vào. Nó phản ảnh một tự dạng cổ trước thế kỷ XVII. Có thể thấy tự dạng này trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi dùng để ghi ngữ tố trái. (cự巨 + lãn懶), âm tái lập: *klai5 xuất hiện trong các câu muốn ăn *blai5 dưỡng nên cây, ai học thì hay mựa lệ chầy (Bảo kính cảnh giới 137.1), (ThuËt høng 64.4)[2]. Như thế, ta có thể có chữ Nôm cổ có trước và xuất hiện sau阿懶. Quá trình diễn biến chữ Nôm có thể như sau:

阿懶 (XII (XV)> 惐(XVII)>雉(XVIII).

Các biến thể ngữ âm đã tái lập từ thế kỷ XVII về trước có thể là, *?laj3, *klai3, *tlai3, *plai3 hoặc *blai3. Các biến thể ngữ âm hậu kỳ là: trải, giải, giãi, rải, rãi, tãi, toãi.

Ít nhiều, ta có thể thấy rằng, cổ hơn雉. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là chữ惐 là một tự dạng phổ dụng hơn nhiều so với 雉, có thể thấy chữ này xuất hiện trong hàng loạt các tác phẩm Nôm thế kỷ XVIII-XIX và đầu thế kỷ XX nữa, như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, thơ Nôm Nguyễn Khuyến,…. Lúc ấy, chỉ tồn tại như là một lưu tích của chữ Nôm cổ, chứ không mang giá trị ghi âm như trước nữa.

Về nghĩa, thì các ngữ cảnh đã xét ở trên cho ta nghĩa cơ bản của ngữ tố trải, trỏ một vật được rãi ra, tãi ra trên một mặt phẳng, trên một không gian. Như quy luật chung của ngôn ngữ, nghĩa liên quan đến không gian sẽ được chuyển sang nghĩa liên quan đến thời gian. Đến đây, chúng tôi cho rằng, trải trong các từ và các ngữ trải qua, từng trải, trải làm, trải giữ, trải đời, bươn trải,… là nghĩa dẫn thân của chữ giải/ trải/ rải/ tãi đang xét. Khảo các ngữ liệu cổ, chúng tôi bắt gặp khá nhiều ngữ cảnh có nghĩa này. Cụ thể như sau: NhËt nguyÖt soi ®ßi chèn hiÖn, §«ng hÌ tr¶i ®· x­a hay (Quốc âm thi tập, TrÇn t×nh 45.6), được ghi bằng (thanh phù: lại), âm tái lập: *tlai3 > trải/ giải (-qua, kinh lịch qua). AR ghi một từ đồng âm gần nghĩa là blải (trải, giải nghĩa) [1994: 39]. Gaston Nhẫn tái lập âm *plải [1967: 50]. Chữ trải trong QATT của Nguyễn Trãi mang nghĩa “trôi qua” thuộc loại động từ bất cập vật. Bạch Vân Am thi tập thế kỷ XVI của Nguyễn Bỉnh Khiêm ghi trong câu trải gian nguy đã mấy phen (tr.3b), chữ trải mang nghĩa “từng kinh qua”, lưu tích còn trong từ nếm trải, từng trải. Hai nghĩa trên còn thấy xuất hiện trong một số ngữ cảnh sau. Truyền kỳ mạn lục thế kỷ XVI-XVII có câu trải xuân thu hai khoa thi (QI 52b), ở quan trải một tháng (QIII 4b), Trải khổ từng nghèo (QVI 36b). Truyện Kiều có câu trải bao thỏ lặn ác tà (26). Lục Vân Tiên có câu trải bao dấu thỏ đường dê (15). Nguyễn Khuyến có câu ăn chơi đã trải chết chôn chưa hề (14a). Thiên Nam ngữ lục thế kỷ XVII ghi trải xem lịch đại đế vương (tr.130a), ở ngữ cảnh này trải mang nghĩa là “khắp”, là một trạng từ bổ nghĩa cho động từ vị ngữ. Sô Nghiêu đối thoại thế kỷ XVIII ghi ngắm chơi đã trải miền thôn dã (5a), chữ trải ở đây là một động từ nghĩa là “đi hết, đi khắp”.

Với âm giãi, ta có một số nghĩa sau. Nghĩa thứ nhất là trỏ (ánh sáng) rải ra trên một bề mặt. Ví dụ QATT của Nguyễn Trãi có những câu như: Quỹ Đông giãi nguyệt in câu (Ngôn chí 14.4), cửa song giãi xâm hơi nắng (Ngôn chí 21.3), Hang thỏ chìm tăm hải nhược, Nhà giao giãi bóng thiềm cung (Thủy thiên nhất sắc 213.4). Nghĩa dẫn thân là “phơi ra” trong câu mới hay thế khốn anh hùng giãi thây (Thiên Nam ngữ lục,104a). Nghĩa bóng dẫn thân cuối cùng là “phơi bày tâm can” như giãi thực niềm đan trẫm được hay (Hồng Đức quốc âm thi tập 66b), rỉ tai nàng mới giãi bày thấp cao (Kiều 19a), lưu tích còn trong từ giãi bày, giãi lời. Chữ giãi trong các ngữ cảnh trên đều được ghi bằng chữ Nôm có thanh phù 豸trĩ /trãi. Điều này càng củng cố cho cách đọc trải cho ngữ liệu Nôm trong Cư trần lạc đạo đã bàn ở trên.

Tóm lại, qua khảo sát các cứ liệu chữ Nôm và ngữ liệu tiếng Việt cổ từ thế kỷ XIX trở về trước, chúng tôi đề xuất cách đọc chằm và trải cho câu phú của vua Trần Nhân Tông: Áo miễn chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc chằm (chầm) hoặc trải. Đây là cách phiên chuyển từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ, từ tiếng Việt cổ sang tiếng Việt hiện đại. Còn nếu thật sự chặt chẽ, phải tiến hành phiên sang tiếng Việt cổ- với một hệ thống các ký hiệu chữ Quốc ngữ riêng biệt- đặc thù, nhất là với những ngữ tố có tổ hợp phụ âm đầu như mliễn hay klải. Tuy nhiên, vấn đề nêu ra là khá phức tạp, cần phải thảo luận chi tiết trong một dịp khác.



Hà Nội 10-13/12/2011







Tư liệu tham khảo:

A. de. Rhodes 1651. Dictionarivm Annnamiticivm Lvsitanvm et Latinvm ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in Lucem Editum ab Alexandro de Rhodes e Societati Jesu, Eiusdemque Sacra Congregationis Missionario Apostolico. - Romae : typis & sumptibus eiusdem Sacr. Congreg. p. 633., tb.1994. Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch, Nxb. Khoa học Xã hội.
Cư trần lạc đạo. Thanh Hanh trùng san 1932. Bản in ván chùa Vĩnh Nghiêm do tác giả thực hiện năm 1999.
Đào Duy Anh – Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến. Nxb KHXH. Hà Nội.
Gaston Nhẫn. 1967. Etude du consonantisme du Quốc âm thi tập (Nghiên cứu hệ thống phụ âm đầu của Quốc âm thi tập, Luận án Tiến sĩ đệ tam cấp, 203 trang, hiện lưu tại Thư viện I. N. A. C. O. - Pháp).
Hoàng Thị Ngọ (khảo cứu, phiên âm, chú giải). 2009. Thiền tông bản hạnh. Nxb Văn học. Tp Hồ Chí Minh.
Hoàng Xuân Hãn. Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần Lê… Trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Tập 3. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo. 1984. Từ điển Việt- Tày- Nùng. Nxb KHXH. Hà Nội.
Huình Tịnh Paulus Của, (1895-1896), “大 南 國 音 字 彙” Đại Nam quấc âm tự vị, SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4.; Nxb.Trẻ.1998 (theo ấn bản 1895-1896).
Khuyết danh. XII. Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Bản Trịnh Quán in <1730. Pierre Pegneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu), Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1772 (Tự vị An nam La tinh) bản chép tay, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb.Trẻ. (tb.1999). L.J. Taberd, 1838, Dictionarium Anamitico- Latinum (南越洋合字彙 Nam Việt Dương hiệp tự vị), Frederrichnagori Vulgo Serampore. Thiều Chửu. 1997. Hán Việt tự điển. Nxb Tp Hồ Chí Minh. Trương Vĩnh Ký, P.J.-B., 1884, Petit dictionnaire français-Annamite, Saigon, Imprimerie de la Mission à Tân Định. Vương Lộc. 2001. Từ điển từ cổ. Nxb. Đà Nẵng. Vệ Thạch Đào Duy Anh. 1932. Từ điển Hán Việt. (Hãn Mạn Tử - Giao Tiều hiệu đính) TIENG DAN. HUE. (tb 2001) Nxb KHXH. Hà Nội. -------------------------------------------------------------------------------- [1] Quá trình truyền bản và “dọn bản”, Hoàng Thị Ngọ đã viết như sau: “Lúc đầu Thiền tông bản hạnh vốn chỉ có bốn bài, trong bốn bài này thì bài đầu do thiền sư Chân Nguyên sáng tác còn ba bài phú tiếp theo là do thiền sư sưu tập những trước tác của các vị sư tổ thứ nhất và thứ ba thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để làm thành một cuốn sách. Cuốn sách đầu tiên này phải được hoàn thành khi thiền sư Chân Nguyên còn sống, tức là vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Như vậy, rất nhiều khả năng chính thiền sư Chân Nguyên là người đầu tiên đã biên soạn lại hay nói như người xưa là "dọn" lại văn bản Nôm thời Trần và cho khắc in cùng với bài kể hạnh của mình lấy nhan đề sách là Thiền tông bản hạnh để lưu truyền lại. Sở dĩ nói là "dọn" lại hay biên soạn lại văn bản chữ Nôm thời Trần vì cả 2 văn bản hiện còn đều không phải là chữ Nôm thời Trần mà chỉ còn lưu lại dấu vết của văn Nôm và chữ Nôm thời Trần mà thôi. Bản in càng sớm thì dấu vết chữ Nôm thời Trần còn càng nhiều và ngược lại, bởi vậy mà chữ Nôm trong 2 bản khắc in đều mang những đặc điểm của chữ Nôm ở thời điểm khắc in văn bản.” [tr.26-27]. [2] Ngoài ra, QATT còn dùng tự dạng khác, để ghi một biến thể ngữ âm khác. (ba巴+ l¹i賴), âm tái lập: *blai5. . Như vậy ta có hai biến thể ngữ âm cùng tồn tại trong một văn bản là: *blai5/ *klai5> trái (cây trái). An Nam dịch ngữ ghi: 菓園:文拜quả viên: vườn trái, âm tái lập là *blai5. Từ điển Việt Bồ La tuy không có mục từ trái trỏ hoa quả, nhưng có ghi nhận từ đồng âm trái (với nghĩa phía trái, mặt trái), như: tlái áo, tay tlái, tlái mlẽ, nói tlái, tlái mặt thuốc, lúa tlái. [A. de Rhodes 1651, tb 1994: 230]. Xuất hiện tại các vị trí: co que thay bấy ruột ốc, khúc khuỷu làm chi *blai5 hòe (Trần tình 44.4).

2 nhận xét: