Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Hán Nôm với văn hóa Việt Nam hôm nay


(Trả lời PV Thời báo Kinh tế Sài gòn)

Trần Trọng Dương từng theo nghề dạy học nhưng bất thành, giờ chuyển ngang làm nghiên cứu viên. Đã giành một số năm chuyên tâm “cổ học”, nhưng vẫn trăn trở những vấn đề thời sự của cuộc sống hôm nay.
PV: Xin ông cho biết Hán Nôm có vị trí như thế nào đối với văn hóa Việt Nam?
Trần Trọng Dương (TTD): Chữ Hán và chữ Nôm là hai thứ văn tự truyền thống mà người Việt đã sử dụng trong suốt hai ngàn năm. Trong đó, chữ Nôm là thứ văn tự duy nhất do chính người Việt sáng tạo để ghi lại tiếng Việt trong suốt gần 1000 năm độc lập tự chủ. Kho sách Hán Nôm hiện còn có thể nói là vốn di sản thành văn vô giá ghi chép mọi tri thức văn hóa, lịch sử, khoa học, tôn giáo…của dân tộc. Bất kỳ một ngành khoa học nào cũng nên biết đến Hán Nôm, ví như toán học, nông học, y dược học, thiên văn học, địa lý học,… Hán Nôm là một ngành khoa học tổng hợp, đa- liên ngành. Nói một cách hình ảnh, thì Hán Nôm là một thứ chìa khóa vạn năng để đi vào mọi cánh cửa của văn hóa Việt Nam trong quá khứ.
PV: Như vậy, tri thức Hán Nôm có ý nghĩa gì cho việc tái sinh văn hóa truyền thống hiện nay?
TTD: Hơn mười năm trở lại đây việc khôi phục thư pháp Hán Nôm có thể coi là những biểu hiện đáng chú ý cho việc tái sinh văn hóa, khôi phục lại nét đẹp vàng son của dân tộc. Nhiều người già sau khi nghỉ hưu, nhiều bạn trẻ trong khi đang ngồi trên ghế nhà trường đã chủ động học chữ Hán chữ Nôm để tìm lại những giá trị nhân văn của văn hóa cổ truyền. Nhiều di tích, đình chùa, miếu mạo trong quá trình xây dựng, trùng tu đã dùng các hoành phi câu đối như là một biểu hiện cho sự phục cổ, tìm lại nguồn mạch tâm linh xưa cũ. Nhiều gia tộc đã tiến hành dịch thuật gia phả như là biểu hiện tiếp nối gia phong, khơi lại mạch nguồn tiên tổ. Ở một số nơi, lễ hội truyền thống được phục dựng qua những ghi chép của bia ký, thư tịch cổ. Không những thế, những phục dựng lễ hội cổ truyền ấy còn được bổ sung và làm phong phú thêm bởi các loại hình văn hóa đương đại, tiêu biểu như lễ Tịch điền, lễ hội Kiếp Bạc… Sự tái sinh này có thể nói là một trong những điểm đáng chú ý trong mấy năm vừa qua.
PV: Vâng, với văn hóa truyền thống thì thế, nhưng Hán Nôm vị trí ra sao trong các ngành khoa học xã hội nhân văn của Việt Nam hiện nay?
TTD: Tôi muốn dẫn ra ở đây câu nói của thày tôi - cố giáo sư Trần Đình Hượu: “đến hiện đại từ truyền thống”. Câu này có nghĩa là, chỉ khi chúng ta tích trữ truyền thống, chỉ khi chúng ta có một nền tảng quá khứ đủ mạnh thì lúc đó mới “đến hiện đại” một cách vững vàng và có bản sắc riêng. Theo tôi biết, văn hóa Việt Nam hiện nay có một trữ lượng giá trị quá khứ khá loãng. Đây là lỗi do việc xóa bỏ văn tự truyền thống, gây nên sự đứt gãy văn hóa trong một thế kỷ vừa qua. Sự đứt gãy này thể hiện trên hai chiều kích: thứ nhất là đứt gãy giữa hiện tại với truyền thống mấy ngàn năm lịch sử, thứ hai là đứt gãy giữa Việt Nam và các nước đồng văn trong khu vực (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Tôi nhớ Gs Phan Ngọc đã từng viết: “việc trí thức Việt Nam không chịu học chữ Hán là một tổn thất nặng nề.” Ý kiến này tuy hơi khắt khe, nhưng nói chung phản ánh đúng thực trạng của giới khoa học thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn hiện nay.
PV: ông có thể nói rõ hơn vai trò của Hán Nôm với nhu cầu khu vực hóa hiện nay không?
TTD: Hơn hai ngàn năm qua, tiếng Hán luôn là thứ ngôn ngữ ngoại giao chính thống của các nước đồng văn (trong đó có Việt Nam). Ngày nay, học Hán Nôm sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn lịch sử ngoại giao của ta với khu vực cũng như thế giới. Trong xu thế khu vực hóa về kinh tế cũng như văn hóa hiện nay, văn tự (Hán Nôm) là một chiếc cầu nối hữu hiệu để kết nối văn hóa và truyền thống giữa các dân tộc đồng văn. Hiện tượng các con rồng châu Á, cũng như phát triển của các nền kinh tế Nhật Bản, Trung Quốc, trong mấy thập niên vừa qua đã khiến cho giới khoa học đổ xô đi tìm nguyên nhân. Trong đó, không ít học giả coi sự trỗi dậy kinh tế và văn hóa của các nước này là một biểu hiện của văn minh chung - văn minh chữ Hán. Tuy còn nhiều lý do khác, nhưng nền tảng lịch sử dùng chung văn tự là một điều không thể bác bỏ. Ngoài ra, học Hán Nôm đương nhiên sẽ cũng phải biết đến tiếng Hán hiện đại. Vừa biết cổ vừa biết kim, vừa thông hiểu về quá khứ vừa hòa nhập với hiện tại, đấy là một lợi thế của những người làm văn hóa và ngoại giao.
PV: Có người coi Hán Nôm là văn hóa Hán, là văn minh Trung Quốc, nếu vậy thì ngành học này có ý nghĩa gì với chúng ta hôm nay?
TTD: Quả là, chữ Hán là của người Hán, và thuộc về văn minh Trung Hoa thật. Nhưng, nó đã trở thành một công cụ ghi chép của toàn khu vực Á Đông. Công cụ chỉ là một hiện tượng khách quan, điều đáng bàn là cách mỗi dân tộc dùng nó như thế nào. Với cha ông chúng ta, chữ Hán là một phương tiện để ghi chép lại toàn bộ tri thức, khoa học, tư tưởng người Việt. Mặt khác, chữ Hán cũng chính là công cụ để chúng ta hiểu rõ hơn văn hóa và nội lực của đất nước rộng lớn này, từ đó xác lập vị trí của ta cũng như tính tự cường dân tộc của ta hơn. Như tôi được biết, phàm những ai đã học Hán Nôm đều có tinh thần dân tộc (Việt tính) cao hơn và có tinh thần “giải Hoa” một cách khách quan rõ rệt. “Biết mình biết người” trong sự đối sánh văn hóa- lịch sử sẽ làm cơ sở cho các phương thức ứng xử giữa ta và bạn. Đó ít nhất cũng là một ý nghĩa tích cực của Hán Nôm trong hoàn cảnh lịch sử hiện nay.
PV: Xin ông cho biết thực trạng học tập và nghiên cứu Hán Nôm hiện nay như thế nào, nhất là trong thế hệ trẻ?
Những câu hỏi này chạm vào những vấn đề tế nhị mà tôi đã cố gắng giấu đi từ đầu bài viết. Đó là 8 vấn nạn giáo dục Hán Nôm ở bậc đại học: 1.Phần đa các ngành (lịch sử, y học cổ truyền, bảo tàng, thư viện, văn hóa học, triết học, Việt Nam học, Đông phương học, ngôn ngữ học,…) đều không có giáo trình Hán Nôm cho chuyên ngành. 2. Nhiều giáo viên dạy đại học lại không có khả năng dịch thuật một văn bản mới (ngoài giáo trình); 3.Phần nhiều yếu kém trong việc nghiên cứu, cập nhật thông tin. 4. Họ cũng không có khả năng tự viết giáo trình; 5. Dẫn đến hậu quả giảng dạy theo cách tung hỏa mù cho sinh viên, làm cho sinh viên sợ Hán Nôm, coi Hán Nôm như một thứ môn học kinh khủng, sinh viên thường gọi đó một trò tra tấn tinh thần. 6. Một số người yếu về công nghệ thông tin. 7.Toàn bộ hệ thống trường đại học hiện nay có dạy về Hán Nôm chỉ là dạy đối phó theo một quán tính, chứ không phải là dạy nghề. 8.Cách giảng dạy ấy biến tri thức Hán Nôm thành một mớ kiến thức vô dụng, vô bổ trong đời sống hiện tại. Dĩ nhiên là sinh viên cũng có nhiều điểm bất cập, nhưng tôi trước tiên muốn nhận lỗi về phần các thày cô giáo trước.
PV: Như ông đã nói ở trên,, việc hồi phục văn hóa Hán Nôm có phải tự phát? Có thực là nhiều người đã thấy cần thiết phải tìm hiểu những giá trị từ văn hóa Hán Nôm, hay chỉ nhằm phục vụ nhu cầu quảng bá “điểm đến du lịch đậm đà bản sắc dân tộc”?
Việc học mà tôi đã nêu đúng là hoàn toàn chỉ đề cập ở khía cạnh tự phát. Những hành động tự phát này nằm ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của các cơ quan hữu quan, và chủ yếu xuất hiện ở những người ngoài 40 tuổi. Trên thực tế, bộ giáo dục cũng như các ban ngành khác cũng chưa nhận thức được vấn đề này. Gần đây có một lớp học Hán Nôm dự định dạy cho các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước (chủ yếu là về các từ Hán Việt). Nhưng lớp học này đến nay vẫn chưa thấy có thông tin gì, và có lẽ vẫn nằm trong ý tưởng.
PV: Vì sao đề cập / đặt vấn đề học Hán Nôm vào lúc này?
Không chỉ vào lúc này mà việc học Hán Nôm luôn được các học giả trong- ngoài nước đặt ra trong suốt thế kỷ vừa qua, từ Hoàng Xuân Hãn, Phan Ngọc, cho đến Trần Ngọc Vương, Tomita Kenji,… Vì sao ư? Vì Hán Nôm là quá khứ của chúng ta, mà quá khứ lại chính là động lực, là công cụ để chúng ta xây dựng tương lai. Có câu đừng bắn súng vào quá khứ…!!!
PV: xin chân thành cảm ơn ông! 
*Trên đây là bản gốc. 
Bản đã đăng trên Thời Báo Kinh tế Sài gòn tại đây., là bản đã bị sửa chữa, cắt xén tùy tiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét