Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

tổng thuật NC diễn biến chữ Nôm

TỔNG THUẬT TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU DIỄN BIẾN CHỮ NÔM
Trần Trọng Dương
NCS. VNC Hán Nôm

Có ba vấn đề quan trọng được các học giả quan tâm về chữ Nôm, đó là vấn đề nguồn gốc của chữ Nôm, vấn đề cấu trúc của chữ Nôm và diễn biến chữ Nôm trong suốt thời gian tồn tại của thứ văn tự này. Khai mở và đi sâu về cả ba vấn đề là cuốn Chữ Nôm-nguồn gốc- cấu tạo- diễn biến của Đào Duy Anh. Kể từ cuốn chuyên luận đầu tiên về chữ Nôm (1975) của giáo sư Đào đến nay, việc nghiên cứu diễn biến cấu trúc chữ Nôm đã có một số thành tựu khả quan. Nghiên cứu diễn biến của chữ Nôm đã được tiến hành theo ba xu hướng chính như sau: 1.Nghiên cứu diễn biến chữ Nôm qua phương thức cấu tạo; 2.Nghiên cứu diễn biến hình thể và cấu trúc của từng mã chữ Nôm cụ thể; 3.Nghiên cứu diễn biến chữ Nôm qua mô hình ngữ âm; 4.Nghiên cứu diễn biến chữ Nôm theo phương pháp hình thể. Bài viết nhằm mục đích tổng thuật các xu hướng nghiên cứu trên từ đó phân tích các phương pháp được sử dụng và nhận định các kết quả, thành tựu đã đạt được.
1. Xu hướng nghiên cứu diễn biến chữ Nôm qua phương thức cấu tạo
Để thực hiện được hướng nghiên cứu này, các học giả trước tiên tiến hành phân loại chữ Nôm theo các phương thức cấu tạo; sau đó thống kê số chữ trong từng mô hình xuất hiện qua các giai đoạn để cuối cùng rút ra kết luận về quy luật phát triển của chữ Nôm. Theo hướng này có Đào Duy Anh [1975:114-131], Lê Văn Quán [1981:135-184], Trần Xuân Ngọc Lan [1985: 47-53], Nguyễn Quang Hồng [2006a], Trần Trọng Dương [2005: 31-51], Nguyễn Thị Hường 2005 [2005:61-66].
1.1. Nghiên cứu diễn biến chữ Nôm của Đào Duy Anh
Đào Duy Anh là người đầu tiên tiến hành nghiên cứu diễn biến chữ Nôm. Trước tiên, bài viết điểm lại mô hình phân loại cấu trúc chữ Nôm mà ông đã đưa ra. Ông chia chữ Nôm làm ba loại: Loại 1: chữ hội ý, gồm 6 chữ trời 俼, trùm 乗 , seo , sánh 潨 , rằm 望五 , mấy 亖. Loại 2: chữ giả tá, trong đó có năm tiểu loại: loại 2.1. Loại giả tá thứ nhất (loại mượn hình, âm Tiền Hán Việt, nghĩa) gồm (70 chữ) như: tuổi 歲 , mùa 務 … [1976:66-76]; loại 2.2. Loại giả tá thứ hai (loại mượn hình, âm Hán Việt, nghĩa), như: vương 王 , đạo道 … [76-77]; loại 2.3. Loại giả tá thứ ba (mượn hình, âm HV, không mượn nghĩa), như: xanh 撑 , tốt 卒 , …[77-78]; loại 2.4. loại giả tá thứ tư (mượn hình, đọc chệch âm HV, không mượn nghĩa), như: biết 別 …[78-82]; 2.5. Loại giả tá thứ năm (mượn hình, không mượn âm, mượn nghĩa), như: làm [82-84]. Loại 3: chữ hình thanh, gồm hai tiểu loại: loại 3.1. Bộ + chữ, như: chạy 獹 , bể 帀 …[85-98]; loại 3.2. Chữ + chữ, như: ba 倈, chết 槚 , … [98-105]. Bước thứ hai là chọn văn bản đại diện cho mỗi giai đoạn để khảo sát. Giai đoạn 1: văn bia chùa Báo Ân đời Lý và ba bài phú Nôm đời Trần. Giai đoạn 2: Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập và Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa. Giai đoạn chuyển tiếp: Truyền kỳ mạn lục giải âm. Giai đoạn thứ 3: Hoa tiên ký và Đại Nam quốc sử diễn ca [115-116]. Bước thứ ba là tiến hành thống kê số chữ theo mô hình phân loại. Kết quả cụ thể như sau:
Tổng 1 2.1 2.2 2.3 2.4 2.5 3
Cư TLĐ 1.482 ? 112 807 128 316 ? 357
Đắc TLTTĐC 736 v 13 156 34 93 v 70
Vịnh HY 612 5 60 225 63 113 v 176
QATT 538 5 32 144 54 151 v 121
Chỉ NNA v v v v v v v v
Hoa tiên ký 303 2 23 96 28 54 v 100
ĐNQSDC 700 7 33 372 37 90 v 90+70

Ông nhận xét: “đặc điểm của giai đoạn thứ nhất là cách giả tá thứ nhất được dùng nhiều hơn so với các đời sau, do bấy giờ cách phát âm một số chữ Hán theo âm đời trước nhà Đường hãy còn có nhiều ảnh hưởng” [127]. Đây là một nhận xét có tính gợi mở cho một số vấn đề cần nghiên cứu: vào giai đoạn đầu, các chữ có âm Tiền Hán Việt được sử dụng nhiều, vậy thì sau khi âm Tiền Hán Việt giảm dần sự ảnh hưởng của nó đối với tiếng Việt thì văn tự (chữ Nôm) sẽ có sự điều chỉnh như thế nào? Cụ Đào giải thích: “Trong giai đoạn thứ hai, cách giả tá thứ nhất được dùng ít đi mà tỉ lệ dùng chữ giả tá thứ tư, tức dùng chữ Hán mà đọc chệch đi, tăng lên… Sang giai đoạn thứ ba thì tỉ lệ dùng cách giả tá thứ nhất lại càng ít, vì lâu ngày người ta quên ảnh hưởng của cách phát âm chữ Hán ở các thời xưa mà phần nhiều chỉ biết âm Hán Việt thôi” [127]. Ở đây, có đôi điều cần phải biện luận. Khi nói: giai đoạn thứ hai, cách giả tá thứ nhất giảm, cách giả tá thứ tư tăng lên thì có hai khả năng như sau. Khả năng thứ nhất là: các chữ thuộc loại giả tá thứ nhất đã biến mất hoàn toàn, và các chữ thuộc loại giả tá thứ tư xuất hiện nhiều hơn; tức là sự tăng hay giảm của hai loại chữ này không có mối liên quan mật thiết với nhau. Khả năng thứ hai là: các chữ thuộc loại giả tá thứ nhất đã được chuyển sang các loại chữ thứ tư. Khả năng thứ hai này khó có thể xảy ra bởi, loại giả tá thứ nhất là mượn hình-đọc theo âm Tiền HV-mượn nghĩa, còn loại giả tá thứ tư là mượn hình- đọc chệch âm HV-không mượn nghĩa. Các chữ Nôm thuộc loại 2.1 dùng để ghi các từ gốc Hán được du nhập vào tiếng Việt từ trước đời Đường; còn các chữ Nôm thuộc loại 2.4 dùng để ghi các từ thuần Việt mà âm đọc của nó không tương ứng với âm HV được dùng để ghi. Như thế, vấn đề đặt ra là: các chữ thuộc loại giả tá thứ nhất đã biến mất như thế nào? Và, các chữ thuộc loại giả tá thứ tư đã tăng lên ra sao?
Trên thực tế, các từ gốc Hán đọc theo âm Tiền Hán Việt hầu như không mất đi mà vẫn tồn tại trong hệ thống từ vựng tiếng Việt trong suốt lịch sử. Chỉ có một số ít từ đã du nhập vào Tiếng Việt nhưng sau đó đã bị các từ thuần Việt khác thay thế, ví dụ: mựa vốn là cách đọc Tiền Hán Việt của 否 phủ, trong chữ Nôm được ghi bằng 馬, 嗎, 罵 , 罵<, 馬勿 [2006:715], sau mựa bị chớ, đừng thay thế. Tuy nhiên, càng về sau này, các từ Tiền Hán Việt không còn được coi là một từ gốc Hán mà trong tâm thức của người bản ngữ chúng được coi như là từ thuầnViệt. Điều này dẫn đến một hệ quả là: người Việt đã dùng các mã chữ tự tạo để ghi âm các từ này. Nguyễn Tuấn Cường trong bài “Sơ bộ khảo sát tác động của các yếu tố ngoại lai tới cấu trúc loại chữ Nôm mượn âm Phi Hán Việt” viết: “Trong nhiều văn bản Nôm, các chữ Nôm mượn âm PHV (viết tắt là P) xuất hiện rất nhiều, bản thân mỗi chữ Nôm loại P đã là một “cấu trúc đóng”, trọn vẹn về cả ba mặt hình thể, âm đọc và ý nghĩa, cho nên về lí thuyết thì không cần gia cố một thành tố nào khác để định hướng người đọc chữ Nôm đến âm PHV đó. Nhưng trên thực tế khảo sát một số văn bản Nôm, nhất là các bản Nôm đời Nguyễn, chúng tôi nhận thấy “cấu trúc đóng” này đã bị phần nào phá vỡ, rất nhiều chữ Nôm P đã được gia cố thêm những yếu tố ngoại lai khác, hoặc là kí hiệu phụ chỉnh âm, hoặc là thành tố biểu âm, hoặc thành tố biểu ý (gián tiếp hay trực tiếp).” [2004:83-98] Từ những khảo sát qua văn bản Nôm Lục Vân Tiên đời Nguyễn, Nguyễn Tuấn Cường đã đưa ra mô hình riêng cho loại cấu trúc ghi âm những từ PHV. Cụ thể là: “Loại Pk: ghép P với kí hiệu phụ chỉnh âm k. Loại Pa: ghép P với thành tố Hán biểu âm a. Loại Pb: ghép P với thành tố Hán biểu ý gián tiếp b (b biểu thị trường nghĩa, nêu nghĩa khái quát, là bộ thủ Hán). Loại Pc: ghép P với thành tố Hán biểu ý trực tiếp c (c trực tiếp biểu thị khái niệm, nêu nghĩa chính xác, là chữ Hán). Như vậy là về cấu trúc, mỗi chữ Nôm thuộc 4 loại này đều có một thành tố vốn là chữ Nôm mượn Hán độc theo âm PHV (tức P), phần còn lại lần lượt là k, a, b, c, như trong sơ đồ dưới đây: Pk = P + k Kí hiệu phụ Pa a Thành tố biểu âm Pb b Bộ thủ Hán chỉ nghĩa khái quát Pc c Chữ Hán nêu nghĩa cụ thể [ 85]. Như vậy, lần đầu tiên, diễn biến cấu trúc của các chữ Nôm dùng để ghi các âm PHV đã được khảo sát một cách cụ thể. Trong bốn mô hình, thì có một mô hình chuyển từ loại giả tá thứ nhất sang loại gia cố kí hiệu phụ (Loại Pk); và có ba mô hình là chuyển từ loại giả tá thứ nhất sang các loại chữ thuộc mô hình cấu trúc hình thanh (Pa, Pb, Pc). Nhưng chỉ có loại Pc xuất hiện trong mô hình phân loại của Đào Duy Anh: “trong số các chữ hình thanh, có một số không ít phần âm phù vốn là chữ Nôm cũ, viết theo cách giả tá thứ nhất và cách giả tá thứ tư, về sau mới thêm phần bộ thủ và nghĩa phù mà thành chữ hình thanh cho dễ đọc hơn…một chữ là chữ giả tá cũ (cách giả tá thứ nhất), sau được thêm yếu tố nghĩa phù là chữ cũng đồng nghĩa hay gần đồng nghĩa với chữ giả tá cũ. Như vậy thì đó đúng là chữ hình thanh” [1975:104]. Đào Duy Anh đưa ra bốn trường hợp: đời: 代 >圅 , gồm: 兼 >蘝 , mất: 失 >儾 , tuổi: 歲 >迃 . Trường hợp chữ mất thì thuộc loại hội ý. Có thể thấy, ba loại Pk, Pb và Pa không xuất hiện trong mô hình phân loại của cụ Đào.
Trở lại với những nhận xét của Đào Duy Anh về diễn biến cấu trúc chữ Nôm: “Trong giai đoạn thứ hai, …tỉ lệ dùng phép hình thanh cũng bớt đi, hiện tượng này là do cái khuynh hướng muốn viết chữ Nôm đơn giản. Sang giai đoạn thứ ba,…tỉ lệ chữ theo phép hình thanh được xem là chính xác hơn lại tăng lên” [1975:127]. Theo như sự khảo sát của cụ Đào thì ở giai đoạn hai chữ hình thanh giảm do xu hướng muốn viết “chữ Nôm đơn” theo như lời tựa của Chỉ nam ngọc âm: “ở thời này người ta có khuynh hướng viết chữ Nôm đơn giản hơn thời trước như tác giả sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa đã nói trong bài tựa quốc âm rằng: ‘vốn xưa làm Nôm xe chữ kép, người thiếu học khôn biết khôn xem; bây giờ Nôm dạy chữ đơn, cho người mới học nghỉ xem nghỉ nhuần’. Từ những từ con, đêm, nhọc, vui, trong ở bài phú thời Trần viết là 岞 , 斣 , 悮 , 戞 , 瑇 theo phép hình thanh mà Quốc âm thi tập thì viết là 昆 ,店 , 辱 , 盃 , 工 theo phép giả tá” [1975:119]; “Tác giả sách Chỉ nam ngọc âm lại đi xa hơn nhiều trong cái khuynh hướng dùng chữ đơn, tức dùng chữ giả tá thứ tư. Ví như những từ chữ, dài, già, người, tròn, vắn. Quốc âm thi tập viết 岲 , 浌 , 緥 , 圡 , 覻 , 聴 theo phép hình thanh thì Chỉ nam viết theo cách giả tá thứ tư là 宁 , 曳 , 茶 , 勜 , 侖 , 半 ” [1975:120]. Trên cơ sở những thành tựu khoa học gần đây mà Pgs.Ts Hoàng Thị Ngọ nghiên cứu, thì chúng ta biết rằng ở thời Lê sơ quả là có một cuộc cải cách văn tự chuyển từ chữ Nôm kép sang chữ Nôm đơn. Nhưng, “chữ kép” là khái niệm được dùng để chỉ những chữ Nôm hai mã ghi tổ hợp phụ âm đầu và từ tiền âm tiết; chữ “đơn” là khái niệm để chỉ những chữ Nôm một mã [Hoàng Thị Ngọ 2002a:192]. Còn sự giảm số lượng chữ hình thanh ở giai đoạn hai như nghiên cứu của Đào Duy Anh là do những nguyên nhân sau. Thứ nhất là do thành quả khoa học vào những thập niên bảy mươi về vấn đề ngữ âm lịch sử; đi kèm theo là vấn đề tư liệu. Thứ nữa là do vấn đề phức tạp của văn bản học. Như ta biết văn bản của bốn bài phú Nôm đời Trần tuy là bản khắc in nhưng lại có niên đại khá muộn (1932), văn bản Quốc âm thi tập được khắc in vào thế kỷ XIX. Về niên đại khắc in thi bản Chỉ nam ngọc âm là sớm hơn cả (tk XVII). Tuy nhiên, khi tiến hành thống kê khảo sát thì cụ Đào Duy Anh lại coi trọng bản QATT hơn là bản CNNA. Điều này thể hiện rõ ở bảng thống kê trên: QATT có 538 lượt từ được khảo sát, trong khi CNNA không có đơn vị nào ngoài mấy ví dụ vừa nêu trên. Thành quả mà Đào Duy Anh đóng góp là sự nhận định về hiện tượng gia tăng loại chữ hình thanh vào giai đoạn thứ ba [1975:131].
1.2. Nghiên cứu diễn biến chữ Nôm của Lê Văn Quán
Lê Văn Quán là người tiếp tục đi theo hướng mà Đào Duy Anh khai mở. Ông cũng tiếp thu phương pháp nghiên cứu của người đi trước: tìm hiểu quy luật diễn biến chữ Nôm qua các thời kỳ thông qua so sánh tỉ lệ giữa các phương thức cấu tạo. Điểm mới trong nghiên cứu của Lê Văn Quán là ở chỗ ông vạch ra mô hình phân loại cấu trúc riêng, mô hình mà ông đưa ra có sự kế thừa và bổ sung từ mô hình phân loại của Nguyễn Tài Cẩn từ năm 1976 [NTC 1984:53]. Số lượng loại chữ trong mô hình của Lê Văn Quán là 14. Bước lưỡng phân đầu tiên mà ông thực hiện là chia chữ Nôm làm hai loại: 1.Chữ Nôm sẵn có và 2. Chữ Nôm sáng tạo. Loại chữ Nôm sẵn có chia làm hai: 1. loại chữ đọc theo âm Hán Việt và 2. Loại chữ đọc chệch âm Hán Việt. Lọai chữ Nôm tự tạo chia làm hai loại: 2.1.Loại có hai thành tố ghi âm ghi ý; 2.2.Loại có dấu phụ. Tuy nhiên, có hai tiểu loại lại nằm ngoài hệ thống cấu trúc, đó là hai trường hợp chữ viết tắt làm乄 và một 殳. Bởi viết tắt thuộc về phương diện hình thể ngoại tại (giản hoá, phồn hoá) chứ không thuộc phương diện cấu trúc nội tại.
Lê Văn Quán đã dành riêng một chương viết tình hình chữ Nôm qua các thời kỳ [1981:135-184]. Trong đó, ông chia làm bốn giai đoạn như sau: 1.Giai đoạn đầu, đại biểu là các chữ Nôm trong văn bản Lý Trần; 2.Giai đoạn hai, đại biểu là các văn bản Nôm ở thời Lê sơ; 3.Giai đoạn ba, đại biểu là các tác phẩm thời Lê-Trịnh; 4.Giai đoạn bốn, đại biểu là các tác phẩm thời Nguyễn [172]. Cụ thể kết quả khảo sát như sau:

Tác phẩm Sẵn có Sáng tạo Tổng (số chữ)
4 bài phú Lý Trần 49 84.5% 9 15.5% 58
Quốc âm thi tập XV 9.242 90% 1036 10% 10.258
Tân biên TKML XVII 9.061 88% 1.138 12% 10.199
Thập tam phương gia giảm 7.538 89.7% 873 10.3% 8.456
Tam thiên tự toản yếu 2.387 79.6% 613 20.4% 3.000
Đại Nam quốc sử diễn ca 8385 85.2% 1495 14.8% 9.880
Đoạn trường tân thanh 9.421 84.1% 1.779 15.9% 11.200
Lê Văn Quán rút ra kết luận: “từ văn bản Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập” trở về sau thì tỉ lệ trường hợp sử dụng nguyên chữ Hán có phần giảm sút, tỷ lệ trường hợp tự tạo có phần tăng lên ít nhiều:
Thế kỷ XIV-XVI Thế kỷ XVII Thế kỷ XVIII-XIX
Trường hợp mượn nguyên 89% 88 - 90% 80 – 85%
Trường hợp tự tạo 10.3% 10 - 12% 15 – 20%
Hiện tượng số lượng trường hợp sáng tạo dần dần tăng lên là một biểu hiện của ý thức luôn luôn muốn đặt ra những cách viết càng ngày càng chính xác hơn, càng ăn khớp với âm đọc thuần Việt.” [178-179]. Đóng góp của Lê Văn Quán là ở chỗ ông đã đưa ra những số liệu khảo sát mới để góp phần chứng minh cho khẳng định mà Đào Duy Anh đã đưa ra vào năm 1975. Tuy nhiên, số liệu cũng chưa thực dám nói là thuyết phục bởi cách thống kê số liệu của ông, cũng như của Đào Duy Anh, là có vấn đề. Đó là việc không phân biệt khái niệm đơn vị thống kê và tần số của đơn vị thống kê; coi tần số xuất hiện trong một độ dài văn bản là đơn vị giá trị dùng để khảo sát. Thứ nữa, độ dài các văn bản và số lượng đơn vị (đúng hơn là tần số) dùng để so sánh là không tương ứng, ví dụ: độ dài văn bản của bốn bài phú Nôm đời Trần là 58 lượt chữ lại được dùng để so sánh với Quốc âm thi tập có độ dài là 9242 lượt chữ. Điều này Nguyễn Tuấn Cường cũng đã đề cập đến.
1.3. Nghiên cứu diễn biến chữ Nôm của Trần Xuân Ngọc Lan
Nguyễn Văn Thọ, trong bài Những cảm nghĩ của tôi nhân dịp đọc các văn bản Nôm thế kỷ XVII của giáo sĩ Maiôrica, đã so sánh cấu tạo chữ Nôm trong Chỉ nam ngọc âm với chữ Nôm trong Maiôrica với tiêu chí tác phẩm nào có tỷ lệ chữ giả tá cao thì tác phẩm đó cổ hơn về mặt văn bản. Bảng số liệu ông đưa ra như sau:
Tác phẩm Kiểu giả tá Kiểu hình thanh
Chỉ nam ngọc âm 81% 19%
Maiôrica 83% 17%
Ông kết luận rằng: Chỉ nam ngọc âm xuất hiện sau Maiôrica.
Trần Xuân Ngọc Lan là người kế thừa thành quả nghiên cứu diễn biến chữ Nôm của những người đi trước để tiến hành xác định niên đại của văn bản Chỉ Nam ngọc âm. Bà đã phản bác lại ý kiến của Nguyễn Văn Thọ ở điểm: khái niệm chữ giả tá hơi rộng quá, nó bao gồm cả loại chữ mượn cả ba mặt hình-âm-nghĩa: “thực chất đây là sự vay mượn ngôn ngữ kèm theo cả văn tự. Trong ngôn ngữ nó là từ Hán-Việt. Trong chữ Nôm, đó là chữ Hán.” [49]. Bà lý giải rằng: nguyên nhân gây nên sự cao hay thấp của tỷ lệ chữ Hán Việt là ở phong cách ngôn ngữ (bác học hay bình dân). “việc đưa loại giả tá 2 ra ngoài là nhằm bảo đảm một con số thuần tuý những chữ Nôm phản ánh tình hình văn tự trong lịch sử [50]. Bà đã đưa ra bảng số liệu sau:
CNNÂ Maiôrica QÂTT CưTLĐ Hoa tiên ĐNQSDC Kiều
Tổng số chữ 125 467 368 913 209 331 92
Giả tá 82% 79% 67% 59% 52% 49% 45%
Hình thanh 18% 21% 33% 41% 48% 51% 55%
Bà đưa ra kết luận ngược lại so với kết luận của Nguyễn Văn Thọ: CNNA ra đời trước Maiôrica. Có thể thấy, Trần Văn Thọ và Trần Xuân Ngọc Lan coi việc so sánh tỷ lệ giữa phương thức cấu tạo giả tá- hình thanh như là một phương pháp để giám định niên đại văn bản và tác phẩm. Tuy nhiên, phương pháp này thể hiện một số điểm bất cập như: khó có thể xác định niên đại tuyệt đối của tác phẩm, thực chất chỉ có thể xác định tác phẩm đó thuộc phong cách văn tự của một giai đoạn khá dài, khoảng hai ba thế kỷ. Còn nếu dùng phương pháp này để xác định tác phẩm nào có trước tác phẩm nào có sau thì rất dễ bị các yếu tố phi văn tự chi phối ví dụ như yếu tố ngôn ngữ, văn phong của tác giả, hay thể loại tác phẩm…
1.4. Nghiên cứu diễn biến chữ Nôm của Nguyễn Quang Hồng
Gs. Nguyễn Quang Hồng [2006a] cũng tiến hành nghiên cứu theo hướng phân định tỷ lệ giữa số chữ tự tạo và số chữ vay mượn. Kết quả thống kê như sau:
Tác phẩm Maiorica Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục Đại Nam quốc sử diễn ca Thanh Hóa quan phong
Giới hạn độ dài 1298 lượt chữ 2331 lượt chữ 1526 lượt chữ 1358 lượt chữ
Niên đại 1646 (XVII) 1752 (XVIII) 1870 (XIX) 1903 (XX)
Số chữ tự tạo 71 ( 22%) 137 (17%) 214 (27%) 152 (35%)
Số chữ vay mượn 256 (78%) 661 (83%) 576 (73%) 286 (65%)
Số lượt chữ tự tạo 225 (17%) 517 (22%) 420 (28%) 433 (32%)
Số lượt chữ vay mượn 1073 (83%) 1814 (78%) 1106 (72%) 925 (68%)
Từ số liệu trên, Gs Nguyễn Quang Hồng đã đi đến nhận định: “phân lượng chữ Nôm tự tạo bao giờ cũng ít hơn nhiều so với chữ Nôm vay mượn. Và trên đại thể, chữ Nôm tự tạo có vẻ tăng dần theo thời gian [2006a: 15]. Điều đóng góp trong bài viết không chỉ ở đôi dòng kết luận trên mà còn ở thao tác, phương thức chọn lựa văn bản khảo sát và ở cách thống kê số liệu. Tác giả đã phân biệt chỉ số số chữ và số lượt chữ, đồng thời ông cũng đã chọn những văn bản tương đối bằng nhau về giới hạn độ dài. Về văn bản, ông chọn những văn bản khắc in tiêu biểu cho từng giai đoạn, từng thế kỷ; các mốc niên đại xác tín cách nhau một khoảng khá đều đặn đủ để góp phần củng cố độ khả tín của các số liệu thống kê. Song, công việc của ông không chỉ dừng ở đấy. Trong số chữ tự tạo, khi xét về vai trò của từng thành tố, ông chia làm hai loại chữ: 1.Chữ ghép (chữ tạo ra bằng phương thức ghép thành tố) và 2.Chữ đơn (chữ gia giảm/ cải biến nét bút). Trong chữ ghép có ba loại: 1.1.Ghép đẳng lập (chữ + chữ); 1.2.Ghép chính phụ (bộ + chữ); 1.3.Ghép phụ gia (chữ + dấu cá). Trong chữ đơn có 2.1.Chữ đơn gia giảm nét bút và 2.2.Chữ gia cố thêm nét bút, trong đó có 2.2.1.Chữ đơn chỉ sự và 2.2.2.Chữ đơn phụ gia (thêm dấu nháy). Ông đã đưa ra bảng diễn biến cho các loại trên như sau:
Tác phẩm Maiorica Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục Đại Nam quốc sử diễn ca Thanh Hóa quan phong
Niên đại 1646 (XVII) 1752 (XVIII) 1870 (XIX) 1903 (XX)
Ghép đẳng lập 21 chữ (30%)
47 lượt (21%) 46 chữ (33%)
252 lượt (49%) 75 chữ (35%)
187 (45%) 69 chữ (45%)
240lượt(55%)
Ghép chính phụ 47 chữ (66%)
90 lượt (40%) 86 chữ (63%)
234 lượt (45%) 136 chữ (64%)
220 lượt (52%) 78 chữ (51%)
178lượt (41%)
Ghép phụ gia 0 2 chữ (1.5%)
2 lượt (0.4%) 0 0
Đơn (tái tạo) 3 chữ (04%)
44 lượt (19%) 3 chữ (2.5%)
29 lượt (5.6%) 3 chữ (0.1%)
13 lượt (0.3%) 5 chữ (04%)
15 lượt (04%)

Ông bước đầu đi đến kết luận: “chữ Nôm ghép đẳng lập và chữ Nôm ghép chính phụ bao giờ cũng chiếm tuyệt đại đa số trong thành phần các chữ Nôm tự tạo. Phân lượng các đơn vị ghép đẳng lập bao giờ cũng ít hơn các đơn vị ghép chính phụ và càng về sau khoảng cách này càng hẹp lại, đồng thời tần số sử dụng tăng lên” [9-10]. Những nhận định trên về hai kiểu loại chữ + chữ và bộ + chữ rõ ràng là những kết luận khoa học hữu lý. Tuy nhiên, cũng cần thấy là mô hình phân loại có điểm nào đó chưa phù hợp với các đơn vị khảo sát, bởi hai kiểu ghép phụ gia và chữ đơn phần đa là không có đơn vị thống kê hoặc là đơn vị thống kê lại chiếm tỉ lệ quá ít.
1.5. Những nghiên cứu khác
Trần Trọng Dương chú ý đến sự diễn biến về tỷ lệ của loại chữ E1 (hai mã) và E2 (một mã) là hai loại chữ ghi tổ hợp phụ âm đầu. Tác giả đã đưa ra bảng thống kê các chữ E1 như sau:
VĂN BẢN NĂM ĐƠN VỊ TẦN SỐ ĐỘ DÀI VB
Phật thuyết XV< (?) 75 103 4.942 Chỉ Nam ngọc âm XV 11 16 ? Quốc âm thi tập XV 3 6 12.500 Hồng Đức quốc âm XV 2 4 21.400 Khoá hư lục giải nghĩa ? 2 3 12.244 Truyền kì mạn lục XVII 0 0 40.000 Kim Vân Kiều tân truyện 1794 0 0 22.778 Khoá hư lục giải âm 1861 0 0 9.396 Tác giả tạm đưa ra sự phân kì chữ Nôm làm ba giai đoạn như sau: 1. Giai đoạn từ thế kỉ XIV trở về trước: giai đoạn này loại chữ Nôm hai mã được dùng để ghi các từ tiền âm tiết (tổ hợp phụ âm đầu). Hiện còn các văn bản: Sứ giao châu tập, An Nam dịch ngữ, Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Văn bia Hộ Thành sơn. Chiếm 2.1% độ dài văn bản (qua số liệu của Phật thuyết). 2. Giai đoạn hai từ thế kỉ XV đến thế kỷ XVI: giai đoạn mà các văn bản Nôm còn lưu lại các cách ghi hai mã chữ của giai đoạn trước đó. Chiếm 0,028% (tính theo tổng trung bình số liệu của Chỉ nam, Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Khoá hư lục giải nghĩa. 3. Giai đoạn ba từ cuối tk XVI đến thế kỉ XIX: loại E1 đã biến mất. Tác giả cũng khảo sát sự tồn tại của các loại chữ E2 như sau: VĂN BẢN NĂM ĐƠN VỊ TẦN SỐ ĐỘ DÀI VB Phật thuyết XV 185 559 4.942 Khoá hư lục giải nghĩa XIV 7 17 12.224 Kim Vân Kiều bản 1871 1871 2 5 22.778 Khoá hư lục giải âm 1861 2 8 9.396 Như vậy, theo số lượng và tần số xuất hiện của các đơn vị trong tiểu loại E2, tác giả nhận định sau: 1. Từ thế kỉ XV trở về trước là giai đoạn các loại chữ E2 dùng để ghi các tiền âm tiết và tổ hợp phụ âm đầu như: BL, KR, TL xuất hiện rất nhiều với tần số cao, chiếm 11,31 % độ dài văn bản (qua số liệu của Phật thuyết). 2. Từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII là giai đoạn các loại chữ E2 giảm đáng kể về mặt số lượng và tần số, 7 đơn vị xuất hiện với tần số 17 lần, chiếm 0,15%. 3. Từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX: giai đoạn các loại chữ E2 có thể coi như đã hoàn toàn biến mất. Giai đoạn này chỉ còn hai ba chữ như trống, trước và sang còn sót lại, đây là lưu tích của chữ Nôm của các giai đoạn trước, nó không còn chức năng ghi âm. Như vậy, có thể thấy Trần Trọng Dương đặc biệt chú ý đến phương pháp ghi âm các tổ hợp phụ âm đầu trong chữ Nôm cổ để từ đó tiến hành phân kỳ lịch sử chữ Nôm trên hai tiêu chí: ngữ âm và văn tự. Tuy nhiên, hướng đi này cần phải được củng cố bằng những tư liệu mới. Trần Trọng Dương so sánh chữ trong trong hai bản dịch Khóa hư lục theo tiêu chí tự dạng (chữ Nôm vay mượn và chữ Nôm tự tạo). Văn bản Khóa hư lục giải nghĩa có 1.591 loại chữ vay mượn (/ 2.166 chữ, chiếm 73,34%) xuất hiện với tần số 9.292 (/12.244 lượt, chiếm 76,73% độ dài văn bản); loại chữ tự tạo 575 chữ (/2.166 chữ, chiếm 26,66%) xuất hiện với tần số 5.404 (/ 12.244 lượt, chiếm 23,27% độ dài văn bản). Văn bản Khóa hư lục giải âm có 879 loại vay mượn (/ 1.585 chữ, chiếm 55,45%) xuất hiện với tần số 5.404 (/9.396 lượt, chiếm 57,51% độ dài văn bản) và có 706 chữ tự tạo (/ 1.585 chữ, chiếm 44,55% tổng số mã chữ) xuất hiện với tần số là 3.992 lượt (/ 9.396 lượt chữ, chiếm 42,49% độ dài văn bản). Chữ Nôm trong văn bản Khóa hư lục giải âm cho thấy: tỉ lệ chữ Nôm vay mượn (so với độ dài văn bản) chiếm tỉ lệ khá thấp, chỉ có 57,51 %. Đây là số liệu thấp nhất thống kê được từ trước đến nay. Có thể đi đến nhận định rằng: nếu đặt chữ Nôm trong văn bản Khóa hư lục giải âm trong tiến trình chữ Nôm Việt, tác giả thấy xu hướng chung trong cấu trúc chữ Nôm là giảm dần loại vay mượn và tăng dần loại tự tạo. Nguyễn Thị Hường nghiên cứu phương thức cấu tạo chữ qua các tư liệu văn bia chữ Nôm từ thế kỷ XV-XX. Trước tiên, tác giả đưa ra mô hình phân loại riêng trong luận văn, gồm 14 loại. Mô hình này chủ yếu kết hợp giữa mô hình của Nguyễn Tài Cẩn và Nguyễn Ngọc San. Qua khảo sát, tác giả nhận thấy, so với các thế kỷ trước thì đến thế kỷ XX, các tiểu loại A1, A2, B, C1, D, E2, F2, G1a, G1b, G2, H có xu hướng tăng; các loại chữ C2, F1 có xu hướng giảm. Điều này thể hiện xu thế người viết ngày càng sử dụng các phương án ghi âm chính xác hơn. Ở thế kỷ XV-XVIII chữ vay mượn được sử dụng nhiều, sau giảm dần. Tác giả cũng đề cập đến tính kế thừa của văn tự Nôm [2005:61-63]. 2. Xu hướng nghiên cứu diễn biến chữ Nôm qua từng mã chữ Nôm cụ thể Người đầu tiên khai mở hướng đi này là học giả Đào Duy Anh. Ông đã so sánh cách viết của 57 chữ trong cuốn Chỉ nam ngọc âm với cách viết vào đời Nguyễn [Đào Duy Anh 1975: 125]: bàn 盆 >土盆 , buồn 盆 > 戨, buồng蓬 >隟, chải 止 > 扯, chân 真 > 觮, chin 㐱 >佂, chồng 重 >洂, chợ 助 >悪, chua 朱 > 珠, chữ 宁 > 岲, dài 曳 >浌 , dậy 代 >凧 , dấy 曳>缷 , dũa 杜 > ??, gãi 改 >壋 , già 茶 >緥 , giấy 紙 >歝 , giữ 宁 >岴 , giữa 宁 >哛 , hái 海 >椨 , kén 見 >墧 , kéo 告 >墪 , khua 區 >摳 , lọt 突 >扟, lụi 突 >揦 , mai 梅 >日梅 , miệng 皿 >凩 , môi 枚 >尗 , mở 美 >鎼 ,múa 某 >鞸 , mai 枚 > 日枚 , mùi 未 > 味 , mưa 湄 >蕌 , mừng 明 >峺 , mướp 法 >昞 , năm 南 >朩 , nghén彥 >楿 , ngón 阮 >癊 , ngủ 午 >噺 , ngửa 仰 >辀 , sân 鄰 > , sau 婁 >蜶 , tuổi 歲 >鐴 , tư 司 >娽 , tháng 倘 >斘 , trái 賴 >鞩 , trắng壯 >擜 , tròn侖 >覻 , trong工 >瑇 ,trước略 >遟 , út 乙 >丒 , vại敗 >潊 , vàng 黃 >釺, vào 包 >侟, vắn半 >聴 , xanh青 >鈎 , xưa初 >汖;so sánh cách viết của 23 chữ trong Đại Nam quốc sử diễn ca và một số văn bản đời Nguyễn với cách viết trước đó: lời坘 >埅 , đến 典 >牱 , cháu 刯 >疅 , ngờ 疑 >肞 , thưa 撪 >湶 , thoát 脫 >瀽 , cũ 屢 >縄 , kịp 及 >怇 , xưa初 >汖, xét 察 >賶 , dậy曳 >缷 , chầu朝 >罖 , đuổi 鍸 >訸 , gây泤 >禩 , bực 堛 >觍 [1975:127]; và 12 chữ trong Kim Vân Kiều truyện với các văn bản đời trước: gác閣 >擱 , đêm 店>斣 , rằng浪 >坺 , dải帶 >衤帶, đứng等 > 侍等 , vàng 黃 >釺, tót 卒 >捽 , đua 都 >皟 , sánh 聘 >璌 , bóng 俸 >挊 , mừng 明 >峺 , dấu 鬪 >玌 [1975:124]. Cuối cùng, ông đi đến nhận định tỷ lệ số chữ hình thanh ở giai đoạn Nguyển là cao hơn cả, “sở dĩ như thế là vì nhiều chữ trước kia viết đơn theo phép giả tá thứ nhất và thứ tư thì bây giờ người ta thêm phần bộ thủ hay thêm phần nghĩa phù mà viết theo phép hình thanh cho được chính xác hơn và dễ đọc” [1975:123].
Lê Văn Quán cũng tiến hành khảo sát diễn biến hình thể của 8 chữ Nôm [1981:180-184].
Niên đại Văn bản Trong Sống Trước Sau Một Tay Cửa Mười
Tk XV QÂTT 工/瑉 古弄 /撡  罒 蔑 検 舉門 邁什
-- HĐQATT 工/瑉 曡生 /古弄  苉 沒 検 舉門 厰
TkXVII CNNA 工/瑉 古弄 /撡  苉 蔑 検 /壦 舉 迈
-- TTPGG 工/瑉 撡  苉 蔑 検 邁/邁什
-- TKML 瑉/瑇 撡  苉 蔑 検 舉門 迈什 / 邁什
TkXVIII TTTTY 瑉 撡  苉 蔑 検 舉門 迈什
TkXX ĐNQSDC 瑇 撡 苉 畱 沒 壦 舉門 迈什
-- ĐTTT 瑉 撡 苉 畱 沒 壦 舉門 厰
1 2 3 4 5 6 7 8

Từ đó, ông đi đến một số nhận xét như sau: có thể có sự diễn biến hay không diễn biến qua các giai đoạn, có những diễn biến chỉ thể hiện ở “cách ghi cụ thể” mà phương thức cấu tạo vẫn giữ nguyên, hiện tượng ghi nước đôi trong một tác phẩm thể hiện sự bảo lưu ở các giai đoạn trung gian, “càng về sau loại hình thanh càng tăng lên và đến thế kỷ XIX, XX hoàn toàn ghi đủ thành tố ghi âm và ghi nghĩa” [181]
Nguyễn Khuê khảo sát diễn biến của mười chữ từ thế kỷ XII đến năm 1927 [1987-1988:92-95].
Trương Đức Quả khảo sát tình hình diễn biến của hai chữ cửa và trong. Năm 1995, ông khảo sát diễn biến chữ Nôm “cửa” theo mô hình cấu trúc: “ta thấy từ thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XX có bảy cách viết chữ “cửa”, quy lại vẫn chỉ có hai loại cấu trúc: 1.Cấu trúc đơn chỉ mượn một chữ Hán có âm “cử” đọc chệch đi. Loại này có ba cách viết xuất hiện từ thế kỷ XII đến cuối thế kỷ XVII; 2.Loại cấu trúc kép gồm hai chữ “cử” và “môn”: cách viết xuất hiện từ thế kỷ XVII đến XIX về sau, cách viết thường chỉ thấy trong các văn bia thời Nguyễn từ cuối thế kỷ XIX” [1995] năm 2003, ông đã tiến hành xác định niên đại mã chữ “trong” theo từng nhóm, cụ thể như sau: nhóm 1 (XIII-XVIII) Trần-Lê, gồm 宮, 共 , 工 dùng để ghi âm Klong; Nhóm 2 (XVI-XVII): gồm mã báo hiệu rằng tiền tố “k” đang mờ dần; Nhóm 3 (XVII-XVIII) chứng tỏ tiền tố “k” đã biến mất hoàn toàn; Nhóm 4 (XIX-XX) 瑇 , 瑉 , 艍 , 鐧 thể hiện xu hướng “chính xác hoá” bằng cách gia cố yếu tố nghĩa phù xác chỉ. Sau đó, ông dùng kết quả đã nghiên cứu được để giám định lại một số văn bản cổ. Ông lý giải rằng “hệ thống chữ Nôm được hình thành trong khoảng gần 1000 năm, dù là thứ chữ ghi âm không chính xác, nhưng ít nhiều cũng phản ánh được diễn biến quá trình phát triển của ngữ âm tiếng Việt” [2003:26]. Trong bài viết sau đó, ông cũng tiến hành nghiên cứu sự thay đổi mã chữ của 109 chữ từ bản Cảnh Hưng đến bản cuối Nguyễn của tác phẩm Thiền tông bản hạnh [2004: 32-40]. Có thể thấy những đóng góp của Trương Đức Quả thể hiện ở ba phương diện: 1.Định hướng việc nghiên cứu diễn biến các mã chữ Nôm theo mô hình cấu trúc ; 2. Định hướng việc nghiên cứu diễn biến các mã chữ Nôm theo mô hình ngữ âm; 3. Và áp dụng các thành quả của hai hướng nghiên cứu trên trong việc giám định văn bản từ những tiêu chí văn tự nội tại trong một tác phẩm.
Nguyễn Thị Hường khảo sát 42 chữ Nôm trên văn bia [2005:61-66]. Tác giả bước đầu đi đến nhận định: có những mã chữ không hề thay đổi từ thế kỷ XV-XX; có những chữ thay đổi tự dạng nhưng không thay đổi về cấu trúc, như chẳng (庄 , 拯 ), dưới (撨, 澛 ), gió (蔅 ,闧 ) , là ( 卥 , 羅 ), mở ( 鎼 , 闦 ), rành ( 伶 , 冷 , 停 ); và có những chữ thay đổi tự dạng kiêm thay đổi cấu trúc, đó là những hiện tượng: 1.Chuyển từ chữ giả tá sang chữ hình thanh (thanh phù + nghĩa phù xác chỉ), như: chớ 渚 > 籒 , chưa 渚 > 荗 , lành 冷 /令 >肑 , tháng 倘 >斘 ; 2.Chuyển từ chữ gia cố kí hiệu phụ sang chữ gia cố yếu tố trỏ nghĩa xác chỉ, như: hai 処 > 侼 , hay 台 /処 > 呍 ; 3.Chuyển từ loại ghi âm các tổ hợp phụ âm đầu sang chữ kép (thanh phù + nghĩa phù ), như: trước 訳 > 苉 / 遟 , lời 塁 > 坘 ; 4.Chuyển từ loại hình thanh sang loại ghi ý, như: trời 天例 > 俼 ; 5.Chuyển đổi yếu tố âm phù cho phù hợp với sự thay đổi của ngữ âm, như: dám 敢 > 監 / 濫 / 鋻 / 鑑, dấu 鬪 > 垯 / 玌, dựng 鄧 > 孕 / 娚 . Tác giả đi đến kết luận: “các chữ Nôm phát triển theo tiến trình: âm phù ngày càng chính xác, các ký hiệu chỉnh âm ngày càng cụ thể” [2006:66]. Đóng góp của Nguyễn Thị Hường thể hiện ở chỗ: từ những khảo sát cụ thể của diễn biến chữ Nôm trên văn bia thế kỷ XV - XX, tác giả đã nghiên cứu sự chuyển dịch các phương thức cấu tạo chữ qua từng thời kỳ, tuy nhiên do hạn chế về tư liệu, tác giả chưa đề cập nhiều đến vấn đề ngữ âm lịch sử đối với việc thay đổi về mã chữ cũng như phương thức cấu tạo của nó.
Nguyễn Tuấn Cường là người mở ra phương pháp nghiên cứu riêng trong việc nghiên cứu diễn biến cấu trúc chữ Nôm: nghiên cứu diên cách cấu trúc chữ Nôm ở cấp độ câu (tác giả đặt ra khái niệm diên cách, nội hàm của khái niệm này rộng hơn so với khái niệm diễn biến). Nguyễn Tuấn Cường khảo sát 162 cặp chữ đã có sự biến đổi trong khoảng thời gian từ 1714 đến 1837. Trong đó, tác giả sử dụng mô hình phân loại của Gs Nguyễn Tài Cẩn (10 loại), gồm 2 nhóm lớn: nhóm vay mượn (A1, A2, B, C1, C2) và nhóm tự tạo (D, Đ, E, G1, G2); 31 cặp thay đổi cấu trúc sẽ được quy vào 3 phạm vi thay đổi: thay đổi trong nội bộ nhóm vay mượn (42 lượt cặp cấu trúc), thay đổi trong nội bộ nhóm tự tạo (86 lượt cặp cấu trúc), và thay đổi giữa nhóm vay mượn với tự tạo (47 lượt cặp cấu trúc). Tác giả đi đến nhận định: “vậy có nghĩa là những hiện tượng thay đổi cấu trúc dễ xảy ra với nhóm chữ Nôm tự tạo, còn nhóm chữ Nôm vay mượn có cấu trúc tương đối ổn định” [50-51] Điều này cũng cho thấy “tính thiếu quy phạm trong chữ Nôm xảy ra thường xuyên hơn (nhiều gấp đôi 21/10) trong địa hạt chữ Nôm tự tạo…”[51].
Trong bước tiếp theo, tác giả phân loại 176 lượt cặp chữ theo 17 phương thức diễn biến; gồm các phương thức viết giản hoá (42 lượt cặp chữ), thêm ý phù (34 lcc), đổi vị trí (18 lcc), đổi ý phù khác (18 lcc), đổi dùng chữ khác (15 lcc), đổi âm phù khác (14 lcc), viết phồn hoá (6 lcc), ký hiệu phụ > ý âm (4 lcc), thêm ký hiệu phụ (4 lcc), bỏ ký hiệu phụ (4 lcc), âm âm > ý âm (4 lcc), chữ Hán dị thể (2 lcc), chữ Hán dùng thông (2 lcc), bỏ ý phù (2 lcc), đổi ký hiệu phụ khác (2 lcc), ý âm > ý ý (2 lcc), âm âm > ký hiệu phụ (1 lcc). Tuy nhiên, có thể thấy rằng tác giả chưa uyển chuyển trong khi áp dụng lý thuyết của Chu Hữu Quang về những quy luật phát triển văn tự [77]. Tác giả đã đem cả quy luật phát triển tự hình (gồm quy luật giản hoá- phồn hoá như 賢 >贤 , 靈 >灵, sâu 螻 >虫娄, buộc 纀 > 娪, đồng hoá - phân hoá) hay những hiện tượng nằm ngoài cấu trúc văn tự (như chữ dị thể, chữ dùng thông [74-76] ) vào nghiên cứu diễn biến cấu trúc chữ Nôm. Dù rằng Chu Hữu Quang có đề cập đến việc “giản hoá hình thể là quy luật chung của tất cả các văn tự”, và Cừu Tích Khuê có nói đến “diễn biến về hình thể chữ Hán” [56], song Nguyễn Tuấn Cường lại dựa vào đó để nghiên cứu một đối tượng khác: diễn biến cấu trúc chữ Nôm (tuy nhiên, tác giả không hề giới thuyết khái niệm diên cách cấu trúc chữ Nôm mà chỉ tập trung vào phương pháp thống kê theo cấp độ câu và tập trung chiết tự khái niệm diên cách[14]). Như chữ buộc hay sâu ở trên, quá trình giản hoá chỉ thể hiện ở tự dạng, chứ không thể hiện quá trình diễn biến của cấu trúc. Hay những thay đổi hình thể chữ Nôm bằng phương thức thay đổi tương quan vị trí cũng bị coi là những thay đổi cấu trúc [56-57], như: đi 岃 >多去, năm 璏 >年南 , tuy nhiên sau đó tác giả lại quy những hiện tượng này vào xu hướng thay đổi hình thể ngoại tại của chữ nôm [79-84]. Như vậy, trong số 17 phương thức diễn biến về cấu trúc thì có 5 phương thức nằm ngoài hệ thống (gồm: giản hoá, phồn hoá, đổi vị trí, chữ Hán dị thể, chữ Hán dùng thông), tức là chỉ có 106 lượt cặp chữ (/170 lcc) tồn tại với tư cách là đối tượng dùng để nghiên cứu diễn biến cấu trúc. Mặt khác, trong số 12 phương thức còn lại, thì có những diễn biến lại không nằm ở phương thức cấu trúc mà nằm ở phương thức ghi âm, ví dụ: đổi chữ khác, đổi âm phù khác. Những đóng góp chính của tác giả thể hiện ở việc khảo sát sự thay đổi cấu trúc chữ Nôm bằng phương thức thêm ý phù (34 lcc), trong đó các chữ chủ yếu chuyển từ khu vực chữ A2, C1, C2 sang G1 và G2. Có hai trường hợp cần bàn lại là: 1. chữ khuyết 缺 >鈌 , tác giả coi là chuyển cấu trúc từ A1>G1, thực chất đây là loại chữ Hán dùng thông bộ thủ (như chữ bát 缽 /洆);2.chữ 限 > 呭 , tác giả cho là chuyển từ loại A2>D, thực chất nên là A2>G1. Tác giả đi đến một số kết luận như sau: 1.“thêm ý phù là xu hướng diễn ra rõ rệt trong diên cách cấu trúc văn tự học chữ Nôm” [60, 66-67]; 2. “độ ổn định của thành tố biểu âm cao gấp ba lần độ ổn định của thành tố biểu ý” [85, 94]; 3. tính thiếu quy phạm ở nhóm chữ Nôm tự tạo cao gấp đôi so với nhóm chữ Nôm vay mượn [92]; 4. Không thay đổi cấu trúc là xu hướng mạnh nhất (83%) trong diên cách cấu trúc chữ Nôm [92]; 5. Các thay đổi cấu trúc chữ Nôm đều diễn ra trong nội bộ từng loại cấu trúc [92].
Có thể thấy nghiên cứu diễn biến hình thể của từng chữ Nôm là một hướng nghiên cứu lý thú và có triển vọng. Khảo sát diễn biến cấu trúc của từng chữ là điều kiện để tiến hành nghiên cứu diễn diễn ở cấp độ phương thức. Nghiên cứu diễn biến chữ Nôm nên tiến hành theo hướng trên chứ không nên thực hiện theo hướng ngược lại là nghiên cứu diễn biến ở số lượng phương thức mà không đi liền với khảo sát diễn biến từng chữ cụ thể.
3. Nghiên cứu diễn biến chữ Nôm theo mô hình ngữ âm
Hướng nghiên cứu này do Gs Nguyễn Tài Cẩn đề xuất và thực hiện [1985: 138-165]: “để góp phần làm sáng tỏ hơn vấn đề quá trình diễn biến của chữ Nôm, dưới đây chúng tôi xin gợi ý thêm một hướng nghiên cứu mới: hướng nghiên cứu dựa vào “các mô hình ngữ âm” trong mỗi chữ [1985:139]. Bước thứ nhất là tiến hành thiết lập mô hình ngữ âm (mô hình phụ âm đầu và mô hình vần) của chữ. Bước tiếp theo đối chiếu cách đọc Nôm của toàn chữ với cách đọc Hán Việt của thanh phù. Những vấn đề kế tiếp được đặt ra là: “mô hình ngữ âm của chữ Nôm lúc chữ đó mới được đặt ra; và những diễn biến đã xảy ra ở giai đoạn trung gian, giữa hai cái mốc đầu và hiện nay đó” [1985:140]. Mô hình diễn biến mà Nguyễn Tài Cẩn chú ý là các mô hình /X1 ≠ X3; (y1) ≠ (y3)/, mô hình /X1= X3; (y1) ≠ (y3) dẫn đến X3 ≠ (y3)/, và mô hình /(y1) = (y3); X1≠ X3 nên X3 ≠ (y3)/ [quy ước: X= cách đọc nôm của toàn chữ; (y) = cách đọc riêng của thanh phù; X1, X2, X3 là cách đọc Nôm qua ba giai đoạn; (y1), (y2), (y3) là cách đọc của thanh phù tương ứng ở ba giai đoạn]. Tiếp đến ông đưa ra một số ví dụ minh hoạ. Như: N(n) ở NÔM (nôm) sẽ có mô hình / X1 = X2 = X3 [1985 : 142]; (y1) = (y2) = (y3)/; V(b) ở VÓ(bố) sẽ có mô hình / X1 = (y1); X2 ≠ (y2)/ [1985: 143]; B(t) ở BÈN(tiện) sẽ có mô hình /X3 (y3) = B(t)/ [143]. Ông cũng đưa ra những ưu thế của phương pháp này: "hạn chế bớt những khó khăn đẻ ra do chỗ hiện quá thiếu cứ liệu về văn bản, nhất là những văn bản thuộc các thời kì xa xưa nhất… có thể lợi dụng được rất nhiều nguồn cứ liệu khác nằm ngoài địa hạt chữ Nôm, như cứ liệu ngữ âm lịch sử…” [1985:144]. Mục đích mà phương pháp này hướng đến là phân kì lịch sử chữ Nôm [144]. Cuối cùng, ông đưa ra một số khả năng mới: 1. Khả năng phân biệt những dạng viết khác nhau đẻ ra do lịch sử diễn biến của ngữ âm, 2.những dạng viết khác nhau đẻ ra do sự linh động của người viết, 3.khả năng phân biệt dạng cổ-dạng mới do diễn biến ngữ âm, 4.đâu là dạng phổ quát đâu là dạng địa phương và 5.Tỷ lệ giữa những dạng còn giữ mô hình cổ và dạng đã chuyển sang mô hình mới [148].
Ở bài viết công bố sau đó Gs Nguyễn Tài Cẩn đã đi sâu hơn về vấn đề mô hình ngữ âm ở các giai đoạn. Trong đó, ông chia làm ba giai đoạn chính:
1. Giai đoạn sớm (< X, XI), gồm các mô hình Đ(tr), mô hình B(ph), mô hình M(v), ví dụ như Đìa (trì), BUỒM(phàm), MÙA(vụ); 2.Giai đoạn XII-XVII, gồm các mô hình S(l): song ghi bằng long; mô hình D (đ): Da ghi bằng đa ; mô hình CH(tr): chạnh ghi bằng trịnh; mô hình X(s): xây ghi bằng sai; mô hình V(b): vuốt ghi bằng bút; mô hình TR/t; s’>t’; hiện tượng kl, bl, tl >tr, hiện tượng kr>s.
PGS.TS Nguyễn Tá Nhí có đề cập đến sự thay đổi của thành tố biểu âm trong chữ Nôm [1997:68-80]. Trong đó ông có đề cập đến sự thay đổi của ngữ âm tiếng Việt (ngoài ra còn do tính địa phương hay tính không được chuẩn hoá của chữ Nôm): “Hiện tượng một từ sử dụng nhiều thành tố biểu âm khác nhau là do chữ Nôm không được chuẩn hoá, người viết có thể do khả năng trình độ mà lựa chọn các thành tố biểu âm khác nhau, hoặc do ảnh hưởng của thời gian khác nhau, hoặc do văn bản lưu truyền từ đời này sang đời khác người sao chép đã sửa lại thành tố biểu âm cho phù hợp với cách phát âm của thời đại mình để người đọc dễ dàng nhận ra âm đọc của chữ” [1997:70]. Sau đó ông đưa ra một số ví dụ: vắn 問 > ngắn艮 , nhau饒 > rau 蔞 , tlẻ 礼 > trẻ 稚, tlưa 盧 > trưa 豬 , klong 工 >tlong 槣 . Ông có so sánh diễn biến thanh phù của chữ Nôm qua hai bản Tự học toản yếu tam thiên tự của Phúc Điền (1845) và Tam thiên tự giải nghĩa của Vũ Văn Khoa (1908). Trong đó có 18 trường hợp thay đổi để ghi âm được chính xác hơn [1997:79].
Ts Trương Đức Quả trong bài “Vận dụng tri thức ngữ âm lịch sử trong nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm” [TĐQ 2002: 221-237] đã xét hệ thống cấu trúc chữ Nôm qua ba quá trình căn bản của chữ Nôm (quá trình hữu thanh hoá, xát hoá, và quá trình rút gọn các tổ hợp phụ âm), từ đó ông đưa một số mô hình sau: M(b) có 13 chữ, V(b) có 70 chữ, V(h) có 2 chữ; D(đ) có 58 chữ; mô hình GI (l) có 6 chữ; S(l) có 46 chữ; R(l) có 173 chữ, S(kr) 2 chữ, S(phl) và S(khl). Tuy nhiên chỉ có một số mô hình là ông đề cập đến tính diễn biến của nó như TL>tr có 73 chữ.
Có thể nhận thấy là, nghiên cứu diễn biến chữ Nôm theo mô hình ngữ âm của chữ là một hướng đi lý thú và hiệu quả. Vấn đề cần làm tiếp là khảo sát cụ thể có bao nhiêu đơn vị thuộc các mô hình trên, chúng diễn biến như thế nào trong suốt lịch sử tồn tại của thứ văn tự này. Từ đó, ta mới có thể tiến hành phân kỳ lịch sử chữ Nôm thông qua những tiêu chí nội tại của ngôn ngữ văn tự.
4. Nghiên cứu diễn biến chữ Nôm theo phương pháp hình thể
Theo Trần Xuân Ngọc Lan, phương pháp này đưa ra nhằm bổ khuyết cho những bất cập của các phương pháp đã nêu trên: 1.Phương pháp nghiên cứu dưa trên phương thức cấu tạo đòi hỏi phải có nhiều tài liệu có niên đại chính xác, trong khi các văn bản từ thế kỉ XV về trước là rất hiếm; 2. Phương pháp của Nguyễn Tài Cẩn quá phụ thuộc vào quy luật ngữ âm lịch sử. Bà cho rằng các mô hình ngữ âm “chỉ là một mô hình đồng đại, chỉ có tác dụng gợi ý minh họa cho một quá trình diễn biến ngữ âm nào đó.” [2002: 234]. Tác giả coi sự diễn biến về hình thể (khối vuông) là điểm đáng chú ý. Các chữ Nôm có diễn biến hình thể đều nằm trong nhóm chữ Nôm hình thanh (tự tạo) có hình thể cồng kềnh (hình chữ nhật đứng hoặc nằm). Tác giả nêu ra hai hiện tượng là biểu hiện cho xu hướng diễn biến này: 1. Tỉnh lược âm phù và di chuyển nghĩa phù; 2. Tỉnh lược nghĩa phù và di chuyển âm phù. Thực ra cách phân loại này chỉ mang tính thao tác luận. Chúng tôi tạm đồng quy về một hiện tượng, đó là hiện tượng tỉnh lược (âm phù hoặc nghĩa phù). Một yếu tố nào đó ( âm, ý ở trên, dưới, hay giữa…) khi đã lược bỏ đi là để yếu tố còn lại di chuyển vào vị trí của nó, đây có thể coi là cơ chế “vuông hóa” hình thể của các chữ nôm hình thanh. Quá trình vuông hóa này hoàn toàn khác với việc vuông hóa của chữ Hán. Vuông hóa trong chữ Hán là để chỉ sự chuẩn hóa đường nét từ các tuyến điều mềm mại, tròn trịa sang các nét vạch-sổ và gấp khúc. Vuông hóa trong chữ Nôm là sự giản hóa đường nét, hay lược bỏ đường nét, để nén hình chữ thành một khối vuông. Cụ thể, tác giả đã đưa ra những trường hợp sau:

連 上  辶 上  儙 Trên
連 升  辶 升  Lên
迈 十  辶 十  厰 Mười
邁 十  辶 十  厰 Mười
娻 七  四 七  僴 Bảy
坐 外  土 外  Ngồi
吝 蛇  吝 虫  氜 Rắn
束 藥  束 艸  徃 Thuốc
曡 清  曡 青  曡青 Trong
翔 悲  羽 悲  羽悲 Bay
Có thể thấy một số vấn đề tồn tại của phương pháp này như sau: 1.Chỉ có thể tiến hành nghiên cứu diễn biến hình thể đối với các chữ Nôm thuộc loại hình thanh: chữ (âm) + chữ (ý), hoặc bộ (ý) + chữ (âm), trong khi đó đặc trưng cơ bản nhất của chữ Nôm Việt là ghi âm, ví dụ chữ Nôm sơ kỳ dùng hai khối vuông để ghi tổ chữ có hợp phụ âm đầu và tiền âm tiết [xem Hoàng Thị Ngọ], như thế phương pháp này chỉ có thể nghiên cứu diễn biến hai loại chữ trong số 19 loại do chính tác giả đưa ra [1985, ], hay 2/24 của Nguyễn Khuê, 2/10 của Nguyễn Tài Cẩn; 2.không thể đem phương pháp này để nghiên cứu các văn bản chữ Nôm cổ, khi giai đoạn này chữ hình thanh đang hình thành, và rõ ràng để ghi âm tiếng Việt nó sẵn sàng phá vỡ khối vuông; điều này có nghĩa là chỉ có thể dùng phương pháp này cho nghiên cứu hình thể của chữ Nôm hậu kỳ; 3.Số lượng chữ mà tác giả đưa ra khảo sát là quá ít (trên dưới 10, trong khi tổng số chữ Nôm sưu tầm được cho đến nay là 12000 chữ); 4.Ấy là chưa kể đến việc xóa nhòa ranh giới giữa việc lược bớt bộ phận và giản hóa đường nét trong quá trình phân tích cấu trúc của chữ, ví dụ chữ mười; 5.và cũng chưa kể đến đôi chỗ phục nguyên khiên cưỡng về quá trình lược hóa, như chữ bay, rắn; 6.Sự diễn biến lại không được ứng chiếu với niên đại của văn bản, khiến những phân tích của tác giả mang tính phiếm đại (không đồng đại cũng không lịch đại).
Tiểu kết: Có thể thấy, trong hơn ba thập kỷ qua, nghiên cứu diễn biến chữ Nôm đã đạt được một số kết quả khả quan. Kết luận ban đầu về xu thế vay mượn giảm- tự tạo tăng của Gs Đào Duy Anh hiện vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, hướng nghiên cứu này đã được thực hiện rốt ráo đến mức khó có thể đưa ra thêm một kết luận gì mới với tình hình tư liệu hiện có. Xu hướng nghiên cứu diễn biến chữ Nôm qua từng trường hợp cụ thể là một hướng đi cần được thực hiện ở diện rộng hơn và chi tiết hơn. Từ việc khảo sát diễn biến từng mã chữ trong suốt lịch sử sẽ cho ta có cái nhìn tổng quan về các xu hướng thay đổi về cấu trúc. Sự thay đổi tự hình chữ Nôm có thể chỉ là sự thay đổi về phong cách văn tự qua từng thời kỳ hay từng tác giả, ví dụ: một 蔑 > 沒 . Sự thay đổi tự hình chữ Nôm có khi là biểu hiện của nhu cầu chỉnh âm thông qua phương thức gia cố ký hiệu phụ hay gia cố kí hiệu biểu ý (bộ thủ, hay chữ Hán xác chỉ). Cũng có khi, đó lại là biểu hiện của nhu cầu ghi âm chính xác bằng việc sử dụng các chữ âm- âm (một mã, hai mã), hay bằng việc thay đổi thanh phù, nhất là xu hướng dùng thanh phù Nôm. Nghiên cứu diễn biến chữ Nôm theo mô hình ngữ âm là xu hướng khó nhưng có nhiều điểm thú vị; nếu được kết hợp chặt chẽ với việc khảo sát từng mã chữ Nôm cụ thể sẽ đưa ra được những kết luận khả tín về quy luật diễn biến, về các xu thế diễn biến của chữ Nôm, để từ đó ta có thể bước đầu tiến hành phân kỳ lịch sử chữ Nôm thông qua những tiêu chí nội tại của ngôn ngữ văn tự.

Tác giả:
Trần Trọng Dương Phòng Nghiên cứu Văn bản Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông. HN.
Bài đăng trên: www.temple.edu/vietnamese_center/.../Tong_thuat_DBCT_chu_Nom.pdf


Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh.1975. Chữ Nôm: nguồn gốc- cấu tạo - diễn biến. Nxb.Khoa học Xã hội. Hà Nội, 223 tr.
2. Lê Văn Quán.1981. Nghiên cứu về chữ Nôm. Nxb.Khoa học Xã hội. Hà Nội, 231 tr.
3. Trần Xuân Ngọc Lan. 1985. Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa. Nxb.Khoa học Xã hội. Hà Nội, 249 tr.
4. Nguyễn Tài Cẩn & N. Stankevich.1985. Một số vấn đề về chữ Nôm. Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp. Hà Nội.286 tr.
5. Nguyễn Tài Cẩn.2001. Về chữ Nôm thời Quốc âm thi tập. Trong Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. Hà Nội.439 tr.
6. Nguyễn Khuê. 1987-1988. Những vấn đề cơ bản của chữ Nôm. (Bản lưu hành nội bộ). Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp.Tp Hồ Chí Minh. 162 tr.
7. Nguyễn Quang Hồng. 2006a. Giải thuyết về chữ Hán chữ Nôm trong tác phẩm văn Nôm. (Nom International Conference), www.nomfoundation.org
8. Nguyễn Quang Hồng. 2006b. Khảo về chữ Mấy và Óc. T.c Hán Nôm số 01/2006.
9. Nguyễn Quang Hồng. 2006c. Khảo về chữ Một và Ấy.T.c Hán Nôm số 03/2006.
10. Trần Xuân Ngọc Lan. 1998. Nghiên cứu diễn biến chữ Nôm theo phương pháp hình thể. T.c Hán Nôm số 01/1998. Tr 7-13.
11. Trương Đức Quả. 1995. Về diễn biến cấu trúc của chữ ‘cửa’ Nôm trong một số văn bia Hán Nôm. Tạp chí Hán Nôm số 04/1995. Tr.14-16. http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/9504v.htm#qua25
12. Trương Đức Quả. 2003. Về sự hiện diện một số mã chữ “trong” ở một số văn bản Nôm. T.c Hán Nôm số 06/2003. Tr. 26-33.
13. Lê Nguyễn Lưu. 2002. Từ chữ Hán đến chữ Nôm.Nxb Thuận Hoá. Huế. 300 tr.
14. Hoàng Thị Ngọ. 1999. Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm “Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh”. Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội.324 tr.
15. Hoàng Thị Ngọ.2002a. Một cách hiểu về khái niệm chữ đơn chữ kép trong bài tựa cuốn “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa”, trong Mạch đạo dòng đời. Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hà Nội.tr 189-197. Và trong Thông báo Hán Nôm học. Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội.1997.
16. Hoàng Thị Ngọ. 2002b. Dấu tích của các tổ hợp phụ âm đầu KB, KM, KĐ, KN qua cách ghi chữ Nôm cổ. trong Mạch đạo dòng đời. Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hà Nội.tr 198- 208. Và trong Thông báo Hán Nôm học. Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội.1999.
17. Hoàng Thị Ngọ. 2002c. Vài nét xung quanh hiện tượng ghi âm bằng hai mã chữ trong bản giải âm “Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh”. trong Mạch đạo dòng đời. Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hà Nội.tr 209-217.
18. Nguyễn Văn Thanh. 2005. Bước đầu tìm hiểu tác phẩm “Hộ Pháp Luận” qua bản giải âm của Phúc Điền hoà thượng. Khoá luận tốt nghiệp đại học chuyên ngành Hán Nôm, lưu tại Phòng Tư liệu Khoa Văn học Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hà Nội. 93 tr (chính văn).
19. Trần Trọng Dương. 2005. Nghiên cứu các bản dịch Khoá hư lục- chữ Nôm và Tiếng Việt. Luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Hán Nôm, lưu tại Phòng Tư liệu Khoa Văn học Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hà Nội. 278 tr (chính văn & phụ lục).
20. Nguyễn Thị Hường. 2005. Nghiên cứu văn bia chữ Nôm. Luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Hán Nôm, lưu tại Phòng Tư liệu Khoa Văn học Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hà Nội. 99 tr (chính văn).
21. Nguyễn Tuấn Cường. 2006. Nghiên cứu diên cách cấu trúc chữ Nôm theo cấp độ câu (qua bốn bản giải âm Kinh Thi). Luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Hán Nôm, lưu tại Phòng Tư liệu Khoa Văn học Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hà Nội. 139 tr (chính văn & phụ lục).
22. Nguyễn Tuấn Cường.2004. Sơ bộ khảo sát tác động của các yếu tố ngoại lai tới cấu trúc loại chữ Nôm mượn âm Phi Hán Việt. Trong Nghiên cứu chữ Nôm. Viện NCHN & Nomfoundation (The International Conference on Nom Script.Hanoi.2004). Nxb.KHXH.2005. tr.83-98.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét