Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Thời gian- Thơ ca và Con người

Tản mạn về Thời gian, Thơ ca và Con người.
Trần Trọng Dương

Cảm thức không - thời gian là tham số quan trọng trong quá trình con người tri giác và cảm nhận về thế giới. Cảm thức là cảm và thức.Từ cảm đến thức là một quá trình. Cần nhận rõ chúng là những quá trình khu biệt và độc lập một cách tương đối. Cảm thuộc về khía cạnh tâm lý, tâm linh; đôi khi bao hàm cả đức tin và niềm mơ mộng. Thức thuộc về cạnh khía lý tính, nó là con mắt lạnh lùng soi mói vào những chốn u huyền của thế giới, con mắt khoa học. Như Thiền ngôn: một cái thuộc thế giới vô sai biệt, cái còn lại thuộc thế giới có phân biệt . Cảm thức thời gian chia làm hai ngả rẽ: 1.Những tri thức khoa học về thời gian: lịch pháp; 2. Sự phân cắt thực tại của người bản ngữ về thời gian dưới sự chi phối của hệ tư tưởng và niềm tin tôn giáo (Chữ của Gs. Phạm Đức Dương)
Tôn giáo, triết học và thơ ca là ba con ngựa trong cỗ xe tam mã mà con người dùng để rong ruổi trên những cung đường của lịch sử đi về Cái Tuyệt Đối. Trên đó, ám ảnh thời gian là chiếc roi của người xà ích. Thời gian là cái có ý nghĩa quan trọng đối với tồn tại và không tồn tại. Bởi thế, một nhà thơ phải là triết gia (Voltaire), lại vừa là một tín đồ, ít nhất là của tình yêu.
Qua hệ thống ứng xử vật chất đối với tự nhiên và đối với chính bản thân mình, người ta có thể phân biệt các nền văn hoá khác nhau trong cái nhìn cả đồng đại lẫn lịch đại. Và thơ ca là phương thức ứng xử khả dĩ nhất. Nó là một dạng vật chất bền bỉ, có sức chịu đựng lớn trước những biến thiên dữ dội nhất. Trong đó, là các tầng vỉa cảm nhận của con người về thời gian từ sự đổi thay của chính mình và thế giới khách quan.
Phạm trù thời gian được Arixtot đề xuất đầu tiên cùng với chín phạm trù khác. Trong khi đó, tư duy khái quát hoá chưa xuất hiện ở phương Đông. Người Trung Quốc lấy một đối tượng vật chất cụ thể (nhật, nguyệt) để gọi tên hiện tượng trừu tượng- thời gian. Nguyễn Du viết “trải bao thỏ lặn ác tà” cũng trên cái nền tư duy như vậy. Có khi phạm trù thời gian được thể hiện thông qua việc phân cắt các mùa trong năm: “ngày tháng vút đi không trở lại vừa xuân qua đã lại thu sang” (Li tao-Khuất Nguyên). Sự phân cắt này nằm ngoài tính chủ quan của người bản ngữ. Tư duy phương Tây là tư duy khái quát hoá, ngôn ngữ phương Tây là ngôn ngữ khái niệm; tư duy phương Đông là tư duy hình tượng, ngôn ngữ phương Đông là ngôn ngữ uyên áo, mờ đục và đầy năng lượng tâm linh.Triết gia phương Tây đồng thời là những nhà khoa học, ở phương Đông họ đồng thời là nhà thơ. Đối với phương Tây, thời gian tồn tại như là những trừu tượng thuần tuý từ sự khái quát hoá, với phương Đông thời gian được cụ thể hoá, vật thể hoá.
Trong tư duy của người cổ xưa, thời gian là một nhịp điệu tuần hoàn. Nhịp điệu của đời sống con người tan hoà vào nhịp vận hành của tự nhiên. Bốn mùa thay nhau đắp đổi và lịch sử loài người là sự thay thế các triều đại. Lịch sử là một chiếc bánh xe lớn quay ngược về quá khứ. Từ bánh xe pháp luân, bánh xe quay guồng nước Trung Hoa, hay bàn xoay thợ gốm của Trang Tử đến bánh xe vận mệnh và chu trình sáng thế theo thư của thánh Jacques đều biểu thị sự xoay vòng không ngừng của thế giới hiện tượng và con người .
Kinh dịch bắt đầu bằng hai quẻ Kiền, Khôn- khởi nguyên của vạn vật. Giữa là hai quẻ Hàm, Hằng- đạo vợ chồng, hạt nhân căn cốt của các mối quan hệ xã hội. Cuối cùng là hai quẻ Kí tế (đã xong), Vị tế (chưa xong)- đã xong rồi lại chưa xong. Như vậy là hàm cái nghĩa việc trời đất cũng như việc của con người không bao giờ kết thúc, chung rồi tới thuỷ, chung để đến thuỷ.
Như thế cũng không khác gì tuần hoàn luận của Đạo gia. Đạo là đi, đi càng xa để trở lại chính nó. Thế giới (hữu) được hình thành từ trạng thái hỗn mang (vô). Cái hữu lại là cái vô thường. Vô. Rồi hữu. Rồi vô. Thế giới là một chuỗi biến đổi. Một cách vô thức và tất yếu, ngôn ngữ trở thành phương thức lưu trữ mã tư duy này: chữ dịch 易 (biến đổi) được cấu tạo theo cách hội ý gồm nhật trên nguyệt dưới biểu thị sự luân phiên giữa ngày và đêm; hay trong tiếng Anh, chữ year (năm) gồm chữ ar nghĩa là mùa màng-biểu thị tính chu kì của thời gian, chữ tide nghĩa là thuỷ triều- biểu thị tính phi tuyến tính của thời gian . Các biến đổi đều là những biến đổi, đổi thay trong những biến đổi cũng đồng nghĩa là sự bất biến. Mục đích loài người không phải sự tiến lên phía trước mà ở sự nắm bắt tốt nhất những bài học của thế giới xa xưa. Thiên Duyệt Mệnh sách Thượng Thư viết: “làm việc mà coi xét vào hiến pháp của tiên vương thì vĩnh viễn không lầm lỗi”. Cái quá vãng là nội dung và giá trị của hiện tại, là mục đích phấn đấu của tương lai. Nên văn chương lấy “phục cổ” làm đường hướng phát triển: “việc căn cứ vào thánh nhân để diện đạt ngôn ngữ là điều nên làm trong văn vậy”.
Thời gian lịch sử là một chu trình vạn thuở khép kín. Thời gian sinh mệnh- cá thể chỉ là một đường véc tơ ngắn ngủi. Nếu như thời gian lịch sử là một vòng tròn thì thời gian sinh mệnh- cá thể là tập hợp những khúc đoạn trên đường tròn đó. Chênh vênh giữa hai bờ tồn tại- không tồn tại, con người vịn vào thơ ca để lấy lại thăng bằng cho tâm hồn, Những câu hỏi được đưa ra: “khi ta chưa sinh ra, mịt mù chẳng biết gì, trời bỗng sinh ra ta, sinh ta để làm gì?” (Vương Phạm Chí); “Con người ư, xa lạ với chính mình, từ con người đã chưa từng được biết đến, ta là gì? Ta đang ở đâu? Ta đi đâu? Và từ đâu ta đến?”(Bài thơ về thảm hoạ ở Lisbonne- Voltaire). Đối với cá nhân, thời gian có ý nghĩa một đi không trở lại. Trong khi với xã hội , thời gian là vĩnh cửu. Đó là nhận thức mang tính nhị nguyên của con người xưa. Hay nói như Visuddhimagga: “thời gian của cuộc đời bằng thời gian của một ý nghĩ như bánh xe chỉ chạm đất ở một điểm duy nhất”. Một chiếc bánh xe với những vòng quay nghiệt ngã, con người thoát ra khỏi nó bằng cách chuyển từ chu vi vào trung tâm. Trung tâm đó: trái tim con người. “Các triết gia phương tây tìm lối thoát trong thời gian hướng nội, trong sự kéo dài thuần tuý thời gian tâm lý. Triết lý thơ ca Trung Quốc tìm lối thoát trong thời gian vũ trụ vĩnh hằng” . Con người phương Tây ru ngủ mình bằng những lời ca kinh thánh, con người phương Đông để đánh mất cảm giác của chính mình hoặc tìm đến rượu hoặc tan hoà vào thiên nhiên, hoặc dựng lên thời gian siêu nhiên hoặc nữa họ mơ mộng về thế giới bên kia: sống gửi thác về. Một tư duy theo kiểu AQ của người phương Đông. Song, trái tim không phải là nơi trú ẩn an toàn và vĩnh viễn. “Sự trốn chạy chỉ làm con người thêm cô độc và hèn nhát. Sự giải thoát bằng cách xoá cái hữu hạn để đi vào vô hạn, từ bỏ cái trần tục để đạt tới sự thánh thiện là một lối thoát mang tính ảo tưởng” . Rồi một lúc nào đó, một khoảnh khắc nào đó, con người sẽ phải đối diện với chính mình:
Trước không thấy người xưa
Sau nào đâu hậu thế
Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ.
(Tiền bất kiến cổ nhân/ hậu bất kiến lai giả/ niệm thiên địa chi du du / độc thương nhiên nhi thế há; 前不见古人,后不见来者。 念天地之悠悠,独怆然而涕下)
Có nhà nghiên cứu đã đưa ra sơ đồ lý thú như sau:



Nghĩa là con người bị cô lập trên hai bình diện: thời gian (tiền, hậu), không gian (thiên, địa). Mô hình này chưa thật thuyết phục. Câu thơ thứ ba phiên âm là: niệm thiên địa chi du du, dịch đúng theo cú pháp là: nghĩ đến sự mênh mang không cùng của trời đất. Đó còn bao hàm bình diện thời gian chứ không phải chỉ là không gian. Ta thấy điều này hợp lý hơn, có tính thuyết phục hơn, đúng với logic phát triển của tâm lý và cảm xúc của nhân vật trữ tình trung tâm. Câu một: trước không thấy người xưa là chỉ thời gian, câu hai: sau nào đâu hậu thế cũng là chỉ thời gian, hai câu là hai tiền đề; câu ba, bốn là kết luận. Cả bốn câu hợp thành tam đoạn luận kiểu Arixtot.
Đến đây, ta bỗng nhớ đến một bài thơ Đường khác cũng mang cảm thức không – thời gian, bài Đăng quán Tước lâu của Vương Chi Hoán:
Mặt trời nương theo giải núi lặn mất hút
Hoàng Hà hòa vào đại dương mà vẫn còn tiếp tục chảy
Muốn phóng cho hết tầm mắt
Hãy lên thêm một tầng lầu
(Bạch nhật y sơn tận/ Hoàng Hà nhập hải lưu/ Dục cùng thiên lý mục/ Cánh thướng nhất tằng lâu)
Nếu như Đăng quán tước lâu của Vương Chi Hoán thể hiện hùng tâm tráng chí của con người trong việc chiếm lĩnh vũ trụ thì Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang thể hiện tâm sự bất lực trước vũ trụ. Chẳng phải Tử Ngang kém Chi Hoán ở cái khoản hào khí đâu. Tử Ngang khác Chi Hoán ở góc nhìn, ở con mắt nhìn. Chi Hoán nhìn vũ trụ trong sự tồn tại thực tại, trong thế bất biến; Tử Ngang tri giác vũ trụ trong thế khả biến của nó, trong sự tồn tại tam sinh của vũ trụ. Chi Hoán bổ dọc vũ trụ theo không gian để xem xét, Tử Ngang tách ngang vũ trụ theo trục thời gian để xem xét. Cái Chi Hoán nắm bắt là có thể chiếm lĩnh được, còn mơ ước của Tử Ngang chỉ là ước mơ mà thôi. Cũng cần biết rằng Tử Ngang làm bài thơ này trong tâm trạng bi phẫn khi bị thất sủng. Bi nhưng không luỵ. Hào khí thời đại đã biến trạng thái tình cảm đó thành bi tráng. Đến đây, người viết bài này bỗng nhớ đến lời của Dennis Huisman dành cho Henry Delacroix: “đối với ông, sự gần gũi giữa xuất thần tôn giáo và xuất thần nghệ thuật là ở liều lượng giống nhau về cảm xúc khi thấy mình là tất cả nhưng cũng hiển nhiên không là gì cả, vừa là sự khiếp hãi cao cả vừa là sự yên lắng thanh thản” . Giọt nước mắt Tử Ngang là giọt nước mắt xuất thần của thi ca về thân phận con người.
Đến nay, đã là thời đại bùng nổ thông tin và khoa học kỹ thuật. Con người rút ngắn không gian bằng vận tốc của tên lửa và xa lộ thông tin. Khái niệm tuyệt đối về không gian, thời gian của Newton đã được thay thế bởi lý thuyết tương đối hẹp và lý thuyết tương đối tổng quát của nhà bác học vĩ đại, Albert Eistein (1879-1955). Liệu con người có thể xuyên thời gian bằng cách vượt qua vận tốc ánh sáng trong tương lai gần? Nhưng con người, trong khoảng thời gian sinh mệnh ngắn ngủi này, sẽ có ý nghĩa nếu như trong hành trang luôn là thơ ca và niềm tin vào chính bản thân mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét