Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Vài điều về bản dịch "Đào Uyên Minh toàn tập"

Vài điều về bản dịch "Đào Uyên Minh toàn tập"

Dịch và công bố thơ Đào Uyên Minh là một công việc hay và có ý nghĩa bởi Đào Uyên Minh là một trong những nhà thơ lớn nhất của văn học cổ điển Trung Quốc, hơn thế lại là một trong những nhà thơ có ảnh hưởng lớn nhất đến các nhà thơ Việt Nam thời Trung đại. Ông không chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam bằng văn thơ mà còn (có lẽ là chủ yếu) ảnh hưởng bằng cả triết học và nhân sinh nữa. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Trãi viết: “đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ, tay còn lựa hái cúc Uyên Minh” và Nguyễn Khuyến trăn trở: “nghĩ ra còn thẹn với ông Đào”.
Văn thơ Đào Uyên Minh không phải là đối tượng dễ tiếp cận, Ây- đơ - lin, một trong những chuyên gia hàng đầu về thơ ca cổ điển Trung Hoa ở Liên Xô trước đây, đã làm luận án tiến sỹ khoa học về thơ Đào Uyên Minh. Ông đã nói một cách khiêm tốn và nghiêm túc tại Viện Văn học của Việt Nam, đại ý là muốn nghiên cứu đối tượng nào thì nhiệm vụ hàng đầu là phải chỉ ra được những đóng góp mới của nó đối với lịch sử mà sự hiểu biết về thơ ca cổ điển Trung Hoa của ông cũng chỉ đảm bảo được sự đánh giá những đóng góp mới của Đào Uyên Minh với thơ ca trước đó.
Dù cách gọi chưa toàn diện, nhưng mệnh danh “ông tổ của các nhà thơ ở ẩn” vẫn chỉ ra một cách đích đáng một phương diện điển hình không chỉ riêng ở Trung Quốc về một gương mặt thơ, một nhân cách, một lối sống có những điểm đáng khẳng định. Bởi vậy cách đánh giá, phân tích, cảm thụ văn thơ Đào Uyên Minh được giới thiệu trong tập sách này cũng có ý nghĩa gợi ý đối với những người nghiên cứu văn học trung đại nói chung.
Thế nhưng văn thơ Đào Uyên Minh còn ít được giới thiệu ở Việt Nam. Chỉ mới có một số bài rất nổi tiếng và cũng là những bài tương đối dễ đã được dịch như Quy khứ lai từ, Đào hoa nguyên ký, và một vài bài trong cụm Quy viên điền cư, Ẩm tửu, Ngũ Liễu Tiên Sinh truyện. Nếu dịch được có chất lượng thơ văn Đào Uyên Minh thì đó sẽ là một đóng góp lớn, không chỉ về mặt giới thiệu một gương mặt khả ái của nền văn học cổ điển Trung Quốc mà còn cung cấp một tư liệu tham khảo vô cùng quý báu cho giới nghiên cứu văn học trung đại và cận đại Việt Nam.
Nếu bản dịch được kèm với việc phiên âm chuẩn xác cũng như chú thích tỉ mỉ, đầy đủ về các từ ngữ, các điển tích thì đây còn là một tài liệu học tập có tính chất hỗ trợ quý báu cho chuyên ngành Hán học, và nhất là nghiên cứu văn học từ góc độ ngôn ngữ.
Mặc dù có bản dịch bạch thoại để tham khảo, không thể không thừa nhận dịch giả đã có một việc làm dũng cảm. Trong một thời gian không lâu, dịch giả đã hoàn thành được một khối lượng lớn công việc. Riêng đếm các chú thích ở tập sách cũng đã thấy toát ra một sự cố gắng lớn lao. Đại bộ phận các bài đều truyền được ý nghĩa của nguyên bản, trong đó có những bài tương đối khó như Chỉ tửu, Thần thích, Nhàn tình phú… Tác giả cũng đã tiếp thu thành tựu dịch thuật của những người đi trước, tuy không nhiều, nhưng đó là đòi hỏi bắt buộc đối với những người làm công tác tư liệu và nghiên cứu. Phần chú thích là phần rất công phu, tác giả không chỉ tiếp thu tư liệu ở các sách tân dịch của Trung Quốc mà còn ở các tài liệu khác nữa, nhất là những ngữ liệu của Việt Nam có liên quan đến Đào Uyên Minh…
Nếu thật nghiêm túc và có điều kiện, một người Hán học có trình độ ít ra phải dùng hai tháng để thẩm định lại từng chữ từng câu, vì với cổ đại Hán ngữ, đặc biệt thơ cổ như thơ văn Đào Uyên Minh (cách nay hơn 1500 năm), là phải cạy ra từng viên gạch một. Và nếu ở bất kỳ bài nào cũng có thể chỉ ra một vài chỗ sai hay nhẹ hơn xới lên một vài chỗ để tranh cãi cũng là chuyện bình thường!
Hà Nội, tháng 04 năm 2006
Giáo sư Nguyễn Khắc Phi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét